Sự Khác Biệt

Fri,18/06/2021
Lượt xem: 1557

Sương Thiên Linh, K.XV

Trích từ tập san Đức Tin và Văn Hóa số 15

Từ xưa tới nay, đối với nhiều người, việc chọn cho mình những người bạn cùng “gu”, hay cùng sở thích, cùng quan điểm, cùng hướng đi... là điều mà ai ai cũng mong muốn. Vua thì muốn có những tâm phúc trung thành, hiểu thấu tâm ý để thi hành mệnh lệnh; người phiêu bạt giang hồ lắm khi cũng thét lên vui sướng vì gặp được một tri âm tri kỷ; người dân bình thường cũng muốn có những người bạn có thể luôn ngồi lại được với nhau; thậm chí cả anh chị em trong gia đình cũng có việc chọn người mình yêu quý nhất để dốc bầu tâm sự... Dĩ nhiên, chẳng ai muốn có những địch thủ, chẳng ai muốn có bên cạnh mình những người bất đồng quan điểm, hay khác biệt.

Tuy nhiên, mỗi một con người vẫn luôn là một huyền nhiệm.[1] Bởi trong cái tính người chung cho cả nhân loại, mỗi một con người được tạo dựng đều vẫn là độc nhất. Chẳng ai có thể thay thế cho bất cứ ai. TÔI là cái riêng nhất trong cái chung là con người. Điều đó cho thấy, dẫu cùng là người, nhưng chẳng ai giống ai hoàn toàn. Vẫn luôn có những khác biệt giữa mỗi người. Và chính sự khác biệt làm nên tính đa dạng, phong phú cho cuộc sống của con người.

Điều đáng nói ở đây không phải là việc chúng ta nhìn nhận sự khác biệt giữa người với người hay không, nhưng là việc nhìn nhận sự khác biệt đó như thế nào, để từ sự nhìn nhận đúng đắn, chúng ta có thể chấp nhận sự khác biệt của người khác mà cùng họ vun đắp thế giới thêm tốt hơn.

Chúng ta có thể thấy rằng, trong một dây chuyền sản xuất luôn phải có những bộ phận. Các bộ phận làm từng công việc riêng rẽ và cho ra đời những phần riêng biệt của sản phẩm. Công đoạn cuối cùng là tập hợp các phần riêng biệt để tạo nên một sản phẩm tổng thể hoàn chỉnh. Và tất nhiên, nếu không ghép các mảnh ghép riêng rẽ ấy lại với nhau thì những gì đã được tạo ra từ các thành phần có khi chẳng mang lại ý nghĩa gì, hoặc ít là nó chẳng có tác dụng như mong đợi. Vì thế, nơi mỗi một người đều có những tiềm năng khác biệt. Tiềm năng của mỗi người cũng tạo nên sự khác biệt. Và lắm lúc tiềm năng nơi người này lại bất đồng với tiềm năng nơi người khác. Tuy nhiên, chúng ta vẫn là những bộ phận riêng rẽ trong cái toàn thể là gia đình nhân loại. Biết nối kết lại với nhau, con người sẽ cùng nhau tạo nên những điều vĩ đại.

Nhận thức được giá trị riêng biệt của mỗi người là bước đầu tạo lập những sự nối kết hoàn hảo. Điều đó có nghĩa là, một khi chúng ta ý thức về sự khác biệt không thể tránh khỏi giữa ta với bất cứ người nào khác, thì chính lúc đó, chúng ta mới chấp nhận được họ để có thể “ngồi chung” lại với nhau. Từ việc ý thức về sự khác biệt, chúng ta cũng mới có cái nhìn cảm thông và chia sẻ, hay có sự đánh giá xác đáng về người khác, và ngay cả sự "đánh giá lại" đúng về bản thân mình. Những sự khác biệt giữa ta và người khác, như những phần lồi lõm của những chiếc bánh răng, để phần này có thể ráp nối được với phần kia qua chính những chỗ lồi lõm kia mà làm cho cỗ máy có thể chuyển động.

Như thế, trong cái nhìn chung cục, mọi sự đều có ý nghĩa nhất định của nó, ví như sự sống và sự chết vậy. Nếu con người trường sinh bất tử, thì chắc hẳn thế giới đã không thể tồn tại được như ngày hôm nay. Sinh – diệt là một quá trình bù đắp và bổ khuyết cho nhau. Nó được ví như là khởi đầu của một chuỗi làm mới lại cái toàn bộ. Nó là các phần của bánh răng cần luôn được tái tạo để cỗ máy dần hoàn thiện mà ăn khớp với nhau để nó chuyển động cách trơn tru hơn. Cho nên, dù muốn dù không, chúng ta cũng cần phải chấp nhận sự khác biệt của kẻ khác như là một phần của cuộc sống mình. Có như vậy, chúng ta mới dần xích sát lại gần nhau, để tìm cách làm cho những sự khác biệt giữa mình với người có thể gắn kết thành một tổng thể hoàn chỉnh.

Một điểm tích cực nữa của những sự khác biệt, đó chính là sự khác biệt làm tiền đề cho sự tự hoàn thiện bản thân. Việc có những bất đồng trong ứng xử, trong ý thức, trong phong cách, trong lối sống... đều là cơ hội để chúng ta tự hoàn thiện mình. Tôi nhớ trong bộ phim nói về cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, có mô tả một bài giảng của ngài nói với các nữ tu Camêlô với đại ý như sau: Mỗi người chúng ta được ví như một viên ngọc quý, nhưng nó là viên ngọc chưa có hình dạng, còn xù xì, và chưa được hoàn thiện để nên như một đồ trang điểm. Và, mỗi người khác xung quanh ta được coi như là những tay thợ kim hoàn lành nghề. Họ, với tính cách khác biệt, với những khó chịu, với những ứng xử bất đồng, thậm chí là cả những ghen ghét hờn giận vô lý... trở thành những tay thợ lành nghề để gọt, để giũa “viên ngọc quý” là chính chúng ta. Qua những “va chạm” như thế, chúng ta hoàn thiện mình hơn và ngày một tôi luyện bản thân thêm tốt đẹp, như viên ngọc được gọt giũa trơn tru và có hình dạng trở nên đồ trang điểm vậy.

Tóm lại, như thầy Nguyễn Khắc Dương từng nói: “Quan trọng không phải là ở vấn đề, nhưng là ở chỗ đứng và cách nhìn.” Nói cách khác, chúng ta nhìn nhận sự khác biệt của người khác bằng con mắt nào thì nó sẽ dẫn chúng ta đến với một kết quả tương xứng. Sự khác biệt là cái đương nhiên giữa những huyền nhiệm con người, vấn đề là nhìn nhận như thế nào để tạo nên sự nối kết trong một toàn thể của các thành phần khác biệt.


[1] Tư tưởng của triết gia Gabriel Marcel.

Nguồn tin: