“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án” (Mc 16, 15-16). Lệnh truyền của Đức Giêsu vẫn còn vang vọng từ xưa đến nay. Không chỉ đến với những người con cái trong Giáo Hội mà còn mở ra với những người còn ở ngoài Giáo Hội. Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã nói lên ý thức sứ mạng của Giáo Hội với “ước muốn đối thoại không phải chỉ là một chiến lược để chung sống hòa bình giữa các dân tộc; nó còn là một phần thiết yếu của sứ mạng Giáo Hội.”[1]
Trước hết, đối thoại có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Ở cấp độ thuần túy con người, nó có nghĩa là thông tin cho nhau nhằm đưa đến một mục đích chung, hoặc ở một cấp độ sâu xa hơn, nó nhằm đạt tới một sự hiệp thông liên nhân vị, giữa con người với nhau; đối thoại có thể sử dụng theo nghĩa một thái độ cung kính và thân thiện (lãnh vực hành động), thấm nhập tất cả các sinh hoạt cấu tạo nên sứ mệnh truyền bá Phúc Âm của Giáo Hội; hoặc nằm trong một bối cảnh đa nguyên, đa diện, đa văn hóa, đối thoại có nghĩa là “toàn bộ những tương quan liên tôn, tích cực và xây dựng, với những người và cộng đồng của các tín ngưỡng dị biệt, nhằm tìm cách quen biết nhau và làm phong phú cho nhau.”[2] Như vậy, một cách hiểu chung chung, đối thoại là mối tương quan giữa con người với con người, có thể là giữa cá nhân với cá nhân, hay giữa cá nhân với tập thể, nhằm tìm ra những sự thật, những điểm tương đồng để nói chuyện với nhau.
Thứ đến, đi vào cụ thể của “đối thoại là con đường mới của Giáo Hội.”[3] Nó diễn tả yếu tính Giáo Hội hiểu biết về mình: “Giáo Hội là Đối thoại”. Đối thoại là con đường nghĩa vụ sống mỗi ngày của Giáo Hội và là cách Giáo Hội rao giảng Phúc Âm. Đồng thời là một phần thiết yếu trong sứ mạng Giáo Hội, vì nó phát xuất từ chính sự đối thoại yêu thương ban ơn cứu độ của Chúa Cha với nhân loại qua Chúa Thánh Thần. Giáo Hội chỉ có thể hoàn thành sứ mạng của mình theo một cách tương ứng với cách Thiên Chúa đã làm trong Đức Giê-su Ki-tô: Ngài trở thành con người, chia sẻ cuộc sống con người của chúng ta để truyền đạt sứ điệp cứu độ. Theo khuôn mẫu ấy, cuộc đối thoại phải khởi đi từ trong lòng Hội Thánh, bằng khiêm tốn lắng nghe, bằng trao đổi yêu thương để trở thành một tiếng nói hy vọng khơi nguồn cho cuộc đối thoại với mọi anh chị em ở những môi trường khác biệt.
Thứ ba, khi lãnh nhận bí tích rửa tội người Kitô hữu được tham dự vào ba chức vụ, tư tế, ngôn sứ, vương đế của Chúa Kitô. Dưới tác động của Thánh linh, mỗi tín hữu được mời gọi đảm nhận công tác đối thoại như một cách thế để loan báo Tin Mừng. Đây là một trong những cố gắng để tìm kiếm cách thế tốt nhất, hữu hiệu nhất và phù hợp với Tin Mừng nhất để trao tặng tha nhân những chứng từ của tình yêu Thiên Chúa và dẫn dắt nhau tiến về mục tiêu siêu việt.
Thứ tư, đối tượng hướng tới ở đây là “lương dân”, thiết nghĩ ta có thể hiểu theo hai nghĩa sau: những người đã đón nhận đức tin mà nay không thực hành đức tin và ta hay gọi họ là “ngoại đạo”; hoặc những người chưa nhận biết Chúa, chưa có cơ hội để đón nhận đức tin. Đối thoại phải là đi vào tương quan cá vị với những con người này, nhằm giúp họ xây dựng một đời sống tinh thần phù hợp với các giá trị luân lý tự nhiên và giá trị Tin Mừng. Đối thoại với “lương dân” không nhất thiết phải là trình bày hết giáo huấn này đến giáo huấn khác cho họ nghe, nhưng đối thoại là mở ra cho họ các giá trị của đời sống tinh thần. Từ đó, cuộc đối thoại trở nên tiếng nói từ trái tim đến trái tim nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau và phục vụ hạnh phúc đích thực của con người. Đó cũng là cuộc đối thoại phục vụ ơn cứu độ.[4]
Cuối cùng, khi hiểu được nguồn gốc, vai trò và tầm quan trọng của việc đối thoại, ta đi tới tìm phương hướng, cách thức để đi đến đối thoại. Cách thức đối thoại tốt nhất có lẽ là bằng đời sống và hành động.[5] Đối thoại không chỉ là những trao đổi về lý thuyết, mà phải thể hiện qua chính cuộc sống. Việc đối thoại này trước hết phải diễn ra ngay trong cuộc sống hàng ngày, giữa các tín đồ cùng sống trong một thôn xóm, khu phố, qua cách giao tiếp, làm ăn, buôn bán với nhau.[6] Nhờ nhìn vào chính cuộc sống của ta, nhìn vào hành động của ta và họ nhận ra nơi ta có sự hiện diện của Chúa. Ta phải viết vào cuộc sống của ta cuốn Phúc Âm của Chúa hơn là bằng những văn tự chết trên giấy, lúc này ân sủng của Chúa sẽ tác động nơi những con người nhìn vào ta và họ nhận ra nét đẹp của người Kitô hữu mà sống theo. Các Ki tô hữu cần hợp tác với nhau để giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống và để cùng nhau xây dựng một thế giới nhân ái hơn. “Con đường đối thoại này sẽ giúp chúng ta hợp tác với mọi người thành tâm thiện chí đẩy lui nền văn hóa của sự chết với lối sống gian dối, áp bức, bất công, bạo lực, phi nhân, bằng cách phát triển một xã hội mới với lối sống chân thật, công bằng, tôn trọng sự sống và các quyền con người, đồng thời xây dựng nền văn minh tình thương và hòa bình”[7].
Tóm lại, đối thoại khởi xuất từ Thiên Chúa. Đối với một Kitô hữu, đối thoại với “lương dân” là việc cần thiết để làm cho Lời Chúa được thấm nhập, ăn sâu vào trong đời sống xã hội hôm nay. Đối thoại không nhất thiết phải đưa Lời Chúa, các giáo huấn của Giáo Hội ra để thuyết giảng, trình bày, nhưng đối thoại là giúp người khác nhận ra giá trị đích thực của mình, nhận ra nhân phẩm cao quý của mình, nhận ra được hạnh phúc đích thực và hướng tới một cuộc sống mai hậu hạnh phúc nơi quê hương đích thực chứ không phải nơi cuộc sống tạm bợ này. Tuy nhiên, thực hiện được điều này không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi chúng ta phải trưởng thành thực thụ, có đời sống chiều sâu nội tâm, phải cảm nghiệm được cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Cảm nghiệm được đời sống tu đức là suối nguồn sức mạnh và cảm xúc về đời sống cộng đoàn hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa.[8]
Thiên Phong
Đcv.Thánh Phanxicô Xaviê
[1] Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesiain Asia), số 29.
[2] Hội đồng Tòa Thánh về liên lạc với các tôn giáo, Đối thoại và Rao Truyền, số 9.
[3] Đức Thánh Cha Phao lô VI, Tông Huấn Ecclesia Suam.
[4] Đức Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi 75-79; Vatican II, GS 92; Đức Gioan Phao lô II, Ecclesia in Asia 29
[5] RM, số 57.
[6] Hội Đồng Giám mục Việt Nam, Thư chung 2001, số 13.
[7] Ibidem, số 15.
[8] HÀ VĂN MINH, Phận Vụ Người Giáo Dân Trong Giáo Hội, Nxb. Đông Phương, TPHCM 2014, tr.63.