Lược Sử ĐCV

LƯỢC SỬ ĐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ

GIAI ÐOẠN TRƯỚC KHI THÀNH LẬP GIÁO PHẬN VINH
TỪ KHI THÀNH LẬP GIÁO PHẬN ÐẾN TRƯỚC NĂM 1988
TỪ NĂM 1988 ÐẾN NAY : ÐẠI CHỦNG VIỆN VINH-THANH
CÁC CHA BỀ TRÊN KẾ TIẾP NHAU


GIAI ÐOẠN TRƯỚC KHI THÀNH LẬP GIÁO PHẬN VINH
Kể từ khi các vị thừa sai dòng Tên và nhất là từ khi cha Ðắc Lộ đặt chân tới Việt Nam cho đến năm 1672 là năm bắt đầu gửi các thầy đi Thái Lan, người ta chỉ thấy nguyên có một tổ chức các thầy giảng phụ tá cho các vị thừa sai. Tiểu chủng sinh, Ðại chủng sinh với các cơ sở chuyên nghiệp dĩ nhiên chưa được nói đến.
Xưa, người bình dân xứ Nghệ quen gọi cơ sở đào tạo Linh mục là Trường Lý Ðoán, Trường Sách Ðoán, hay Trường Ðoán. Thật ra, nó đã trải qua nhiều thăng trầm, trước khi xứng đáng với danh xưng chung là Ðại Chủng viện. Vì thế, trong các tài liệu lịch sử liên hệ đã có nhiều tên gọi kế tiếp nhau : Ðầu tiên, năm 1665, một Chủng viện Miền mở tại Juthia, kinh đô cũ của vương quốc Xiêm (Thái Lan), chung cho cả Việt Nam, Campuchia và Trung Hoa. Chủng viện này, vì tình hình an ninh đã phải chạy từ Xiêm sang Việt Nam, rồi sang Ấn Ðộ (1762). Năm 1807, Chủng viện Pênăng ở Malaixia kế tục nó.
Song song với Chủng viện Miền đó, là Chủng viện trên đất Việt Nam. Hình thái sơ khai là một con thuyền thả trên Sông Cái, Phố Hiến, Hưng Yên, với Thừa sai Deydier đảm đương mọi việc.
Năm 1691, lần đầu tiên, Ðại Chủng viện trên đất Ðàng Ngoài, là một mái trường ở Vĩnh Trị. Những Linh mục thế hệ đầu tiên của Nghệ - Tĩnh - Bình, xuất thân từ Ðại Chủng viện này. Không lâu sau đó, một Chủng viện được mở ở Trang Nứa, rồi Bình Chính, cho phần phía nam của Giáo Phận Tây Ðàng Ngoài. Cũng có khi vì tình hình bách hại, Trường Lý Ðoán ở xứ Nghệ chỉ là nơi trú ẩn của các vị Thừa sai phụ trách đào tạo Linh mục, khi ở Bùi Ngọa, khi ở Kẻ Gốm, khi ở Kẻ Lò. Chẳng hạn trong trường hợp hãn hữu, thừa sai Tổng đại diện Masson Nghiêm đã dạy cho một số bảy tám thầy trường Lý đoán tại Kẻ Gốm (Xã Ðoài) khoảng năm 1839 - 1842. Truyện Sáu Ông Phúc Lộc nói : "Có cố Chính Nghiêm dạy sách đoán cho 7-8 thầy già tại làng Kẻ Gốm" (1).
Năm 1836 - 1837, các vị hữu trách bàn bạc xem nên đặt Chủng viện ở đâu ? Trang Nứa, làng Ðoài hay Kẻ Gốm ? Cha Borie (tức thánh Cao, GM) từ Hướng Phương gửi thư góp ý : nên đặt ở Trang Nứa vì sẵn có cơ sở. Cha Masson Nghiêm (sau làm Giám mục phó, tấn phong ngày 3.12.1848) thì đề nghị đặt Ðại chủng viện ở Kẻ Gốm, vì chính ngài phải dạy, mà ngài lúc đó đang ẩn ở Kẻ Gốm. Như thế chúng ta càng thấy rõ hồi đó Ðại chủng viện ở vùng Nghệ-Tĩnh-Bình chưa định hình được.
Tóm lại, trước năm 1846, Ðại chủng viện có ở Vĩnh Trị một cách quy mô hơn, ở Nghệ An hay Bình Chính nếu có thì cũng chỉ trong phạm vi vùng phía nam giáo phận Tây Ðàng ngoài, và thường là đi kèm các thừa sai giáo sư, hoặc ở Kẻ Gốm, có khi ở Thuận Nghĩa. Còn Tiểu chủng viện thì hầu như luôn luôn có ở Nghệ An hoặc Bình Chính. Trường Bình Chính gọi là trường thánh Giacôbê, trường Trang Nứa gọi là trường thánh Giuse. Bản phúc trình về Tòa Thánh năm 1843 của giáo phận Tây nói : có 40 Ðại chủng sinh và 90 Tiểu chủng sinh.


TỪ KHI THÀNH LẬP GIÁO PHẬN ÐẾN TRƯỚC NĂM 1988
Năm 1846, Giáo phận Vinh được thành lập, tách từ giáo phận Tây Ðàng ngoài. Phúc trình nói có 65 chủng sinh : Ðại chủng sinh hay Tiểu chủng sinh ? Và ở đâu ? Lúc này đã có hai chủng viện tách rời. Bởi vì phúc trình nào cũng nói hai Chủng viện : "Ngoài ra còn có 70 thanh niên phân phối trong 2 trường" (2), "Hiện có hai chủng viện thâu nhận 85 thanh niên" (3) "ngoài ra còn có 20 chủng sinh được gửi đi Pênăng" (4). Hai Chủng viện hồi đó chắc là ở ngay Tòa Giám mục.
Năm 1887, thừa sai Abgall Ðoài đến Xã Ðoài, đã mô tả Nhà Chung Xã Ðoài thế này : "Dinh Giám mục là một nhà gỗ, kiểu Việt nam, không tầng gác, xây gạch. Chủng viện là một nhà lối Âu châu, 2 tầng...".
Tháng 10.1887, thừa sai Tessier Bình từ Vinh về làm giám đốc Ðại chủng viện. Trước đó, thừa sai Fricho đã là giám đốc từ năm 1884.
Năm 1890, thừa sai Belleville Tho?dạy Triết học, thừa sai Tessier giám đốc. Thừa sai Thọ sau sau này là Giám mục (lễ tấn phong ngày 4.6.1911), đã mô tả Ðại chủng viện như sau : "Quanh các nhà là những hồ ao, các nhà thấp lè tè, tối tăm, bệnh sốt rét hoành hành, không khí u uất. Các chủng sinh đã ngưng việc học 12 năm (tức là thời gian làm thầy giảng), nên việc học của họ thật khó khăn".
Năm 1886, sau khi nhậm chức, Ðức Cha Trị giải quyết ngay vấn đề Ðại chủng viện phải tách khỏi nhà Chung. Ngài định biến nhà hưu dưỡng linh mục để làm nhà Ðại chủng viện, vì lúc đó nhà hưu dưỡng chỉ có một linh mục già, Ðức Cha mời về ở Tòa Giám mục luôn. Như thế, chỗ ở của Ðại chủng viện ngày nay, trước kia chính là chỗ nhà hưu của các linh mục.
Ðức cha Trị kể tiếp : "Ðến đây với 8 chủng sinh, chúng tôi đặt tên cho Chủng viện này là Chủng viện thánh Phanxicô Xavie. Chỉ cần sửa sơ sơ cho vừa đủ ở. Nhưng thực ra đủ làm sao được khi ngôi nhà này được làm cho năm ba linh mục hưu, mà bây giờ phải chứa cả ba bốn chục chủng sinh ?...Ðể huấn luyện chủng sinh, có thiện chí không thôi chưa đủ. Tôi cần một Chủng viện rộng, thoáng. Hiện Chủng viện đang nằm gần Tòa Giám mục, gần bờ sông... Nhưng khốn nỗi, mọi cái đều có tính cách tạm bợ, không có gì đảm bảo tương lai. Ðất chật, nhà thấp, lại quá hư hỏng. Năm ngoái bị bão, suýt nữa cả lô nhà sập chết người. Tôi còn định mua thêm mấy khoảnh đất chung quanh để mở rộng phạm vi. Nhưng khốn nỗi, lấy đâu ra tiền ?".
Năm 1891, các chủng viện vẫn còn ở sát nhà Chung, vì năm đó thừa sai Tessier Bình là giám đốc viết thư cho Giám đốc chủng viện Pari : "Ðức cha Gauthier Ngô Gia Hậu đã tự tay dọn lấy bài thần học... Thừa sai Beyssac Phê đang làm quản lý được giao dạy thần học. Các chủng sinh ở một căn nhà lá bên cạnh nhà quản lý sát bờ ao, trong khuôn viên nhà Chung. Bất tiện lắm, vì sở quản lý làm việc, người ra kẻ vào thường xuyên, trong khi chủng sinh thì cần yên tĩnh, cần đạo đức, cũng như học hành" (5).
Năm 1894, thừa sai Tessier Bình về nghỉ ở Pháp (sau trở lại, qua đời ở Cầu Rầm), thừa sai Belleville Thọ về làm Giám đốc 8 năm trước khi lên Giám mục (từ 8.9.1895 đến 10.8.1903).
Năm 1898, khởi công nâng cấp toàn bộ khu vực, bồi thêm đất cho cao ráo, dỡ các nhà cũ và dời vào nền mới, vườn cũng được nới rộng thêm, nhà cơm làm mới hẳn, nhà nguyện giữ nguyên. Cố Thọ kể rằng khi làm lễ trọng, chủ tế phải lùi vào đứng giữa bàn thờ, nếu không, bình hương của các thầy giúp lễ sẽ chập vào mũi chủ tế... Ðầu năm 1899, nhờ bên Âu giúp đỡ, đã sắm gỗ, nhưng Ðức cha cho hoãn lại vì năm ấy bão, sóng thần, dân tình đói khổ quá. Ngày 6.7 năm ấy, cố Thọ đi Hồng Công chữa bệnh gan, rồi lại về tiếp tục làm Giám đốc. Số chủng sinh lúc này là 24.
Năm 1902, Ðức cha cho thêm thừa sai Monnier về làm giáo sư. Tuy nhiên, cơ sở Ðại Chủng viện Vinh như có trước năm 1988, là do thừa sai Eloy Bắc (lúc đó là giám đốc) xây dựng, với tất cả sự nhiệt tình của vị Giám đốc cũ vừa lên chức Giám mục là Ðức cha Thọ. Nhà các cha hai tầng được xây dựng năm 1914, nhà nguyện xây năm 1916 cùng các nhà Micae, Giuse, Maria, Phanxicô và nhà sinh hoạt...

TỪ NĂM 1988 ÐẾN NAY : ÐẠI CHỦNG VIỆN THÁNH PHANXICÔ XAVIÊ VINH-THANH
Về cơ sở vật chất, năm 1988, để có thể chứa Chủng sinh cho cả Thanh Hóa và Vinh, Ðức Giám mục hiện nay đã cho nâng cấp và tân trang hai nhà ở của Chủng sinh và xây thêm một nhà khách, sửa sang nền nhà nguyện : bỏ bục gỗ, làm bàn thờ mới. Nhà Maria và Phanxicô, giảng đường chung trở thành nhà tầng thoáng mát, đẹp đẽ. Sân trường được láng xi-măng, ở giữa xây tượng đài Ðức Mẹ. Pho tượng Mẹ bao nhiêu năm ở giữa con cái Tiểu chủng viện, chiều ngày 21.7.1968 đã rơi xuống rồi đứng nguyên vẹn giữa bom đạn phá tan tành toàn bộ khu vực Tiểu chủng viện, được đưa về đứng giữa khuôn viên Ðại Chủng viện, cũng với lời nguyện xưa kia : "Dominare nostri Tu et Filius Tuus". Mỗi tối áp Chúa nhật, lễ trọng, và tháng Hoa, tháng Mân Côi, toàn thể gia đình Ðại Chủng viện quây quần nơi đây chung quanh để hát kính Mẹ, dâng lên những lời nguyện vắn rút từ kinh cầu Mẹ, tất cả nhằm một lòng sắt son gắn bó và trông cậy của đoàn con Mẹ - những ứng sinh linh mục - đối với uy quyền và lòng nhân từ Mẹ.
Từ hình thức cơ động, gọn nhẹ, thô sơ, một thừa sai với năm ba thầy già, học ngay trong nhà của vị thừa sai đó, qua những lúc tạm giải tán, hoặc ẩn lánh nơi này nơi khác, đến lúc về đóng ngay ở Tòa Giám mục, chật chội, rộn ràng, rồi mới định cư tại một khu vực riêng "cách Tòa Giám mục 15 phút", cuối cùng được xây cất hoàn thiện qua nhiều bước. Ðã có những năm dài trường không có chủng sinh. Có những năm bom đạn, thầy trò chạy ẩn nhà dân, học và dạy ngay bên miệng hầm trú ẩn. Lại có thời kỳ chỉ một giám đốc kiêm nhiệm hết mọi vai trò, với dăm ba chủng sinh. Nhưng rồi, trong phong trào đổi mới, sau những năm nghỉ dài hạn, Ðại Chủng viện Xã Ðoài tạm mang tên là Ðại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê Vinh-Thanh, để làm nơi đào tạo chung cho cả Vinh và Thanh Hóa.
Phaxicô Xaviê Vinh-Thanh chính thức chào đời ngày 22-11-1988, giữa niềm hân hoan của toàn thể giáo dân hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa. Vì là Ðại Chủng viện cho cả hai giáo phận, nên Ban Giám đốc cũng như Giáo ban đều gồm những thành viên thuộc cả hai giáo phận. Ðức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp, Giám mục Vinh làm Giám đốc; Ðức Cha Phêrô Phạm Tần, Giám mục Thanh Hóa và cha Giuse Vương Ðình Ái làm Phó Giám đốc.
Ngày 22-11-1988 cũng chính là ngày long trọng khai giảng của khóa I với số chủng sinh là 30, trong đó 18 của Vinh và 12 thuộc Thanh Hóa.
Ngày 31-5-1994, ngày mong đợi đã đến, tại khuôn viên nhà thờ Chính tòa Xã Ðoài, Giáo phận Vinh, diễn ra lễ phong chức linh mục cho 25 thầy phó tế thuộc giáo phận Vinh, bao gồm chủng sinh khóa I và một số thầy hàm thụ tại Tòa Giám mục Vinh.

CÁC CHA BỀ TRÊN KẾ TIẾP NHAU
Năm 1884-1888: Thừa sai Frichot Thanh
Năm 1887-1895: Thừa sai Tessier Bình
Năm 1895-1903: Thừa sai Belleville Thọ (sau lên Giám Mục)
Năm 1903-1913: Thừa sai Eloy Bắc (sau lên Giám Mục)
Năm 1913-1945: Thừa sai Louis Dalaine Tân
Năm 1951-1954: Cha G.B Trần Thanh Ngoạn (Bề trên Việt Nam tiên khởi)
Năm 1954-1963: Cha Phaolô Trần Ðình Nhiên (Giám Mục Phó)
Năm 1963-1969: Cha Phêrô Kính
Năm 1969-1974: Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Duy Chỉnh
Năm 1974-1988: Cha Phêrô Nguyễn Văn Huyền
Năm 1988-2000: Đức Cha Phêrô Gioan Trần Xuân Hạp
Năm 1988-1993: Cha Phêrô Nguyễn Văn Huyền (Bề trên)

Năm 1993-1999: Cha Phêrô Hoàng Bảo
Năm 1999-2007: Cha Phêrô Lê Duy Lượng (Bề trên)
Năm 2000-2010: Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên
Năm 2010-2013: Cha G.B Nguyễn Khắc Bá
Năm 2013-2015: Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Viên
Năm 2016 đến 2019: Cha G.B Nguyễn Khắc Bá

Năm 2019 đến nay: Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh


Kể từ niên khóa XV (2017-2024), Giáo phận Thanh Hóa không còn gửi các chủng sinh của mình tu học tại Đại Chủng Viện Vinh Thanh nữa. Do đó, Bề Trên Giáo phận Vinh quyết định lấy lại tên cũ là Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê.
Nhân sự Chủng Viện hiện nay (nội trú):

+ Giám đốc: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Vinh

+ Phó Giám đốc, kiêm Giám học: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

+ Thư ký: Lm. GB. Hoàng Đông Dương

+ Quản lý: Lm. Phaolô Nguyễn Văn Khai

+ Lm. Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm (linh hướng)

+ Lm. GB. Nguyễn Trung Kiên, SJ., (linh hướng)

+ Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang, (linh hướng)

+ Lm. Giuse Trần Văn Đồng

+ Lm. Giuse Hoàng Cung

+ Lm. Phaolô Nguyễn Văn Quang

Hơn 30 năm qua, các Đấng Bề Trên và Ban Giám đốc luôn không ngừng nỗ lực tăng cường, bổ sung đội ngũ giáo sư và thao thức xây dựng một chương trình học tập, tu luyện phù hợp với chỉ dẫn của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Tất cả nhằm chuẩn bị cho các chủng sinh gói hành trang tốt nhất, để họ có đủ khả năng ra đi phục vụ trong các giáo xứ và cánh đồng truyền giáo rộng lớn của ba Giáo phận Vinh, Hà Tĩnh và Thanh Hoá.

ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê đã và đang có những đóng góp rất lớn và quan trọng trong việc đào tạo nhân sự cho hàng giáo sĩ ba Giáo phận. Những hoa trái trong công cuộc đào tạo 30 năm qua được đan dệt bởi tình yêu Thiên Chúa, sự bảo trợ của Thánh Phanxicô Xaviê, Bổn Mạng, công khó của các Đấng Bề Trên và hy sinh đóng góp của mọi thành phần dân Chúa. Nhìn về quá khứ để biết trân trọng những thành quả mà tiền nhân để lại và đó cũng chính là động lực để ĐCV. Thánh Phanxicô Xaviê bước những bước tiến mới, tin cậy, vững vàng đi vào tương lai.

 

________________________________________
BÀI NÀY LƯỢC TRÍCH VÀ TỔNG HỢP TỪ CÁC TÀI LIỆU :
* Kỷ yếu Năm Thánh Giáo phận Vinh, Tòa Giám mục Xã Ðoài, 1992, trang 67-70.
* kỶ Yếu 25 Năm Mở Cửa Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê.
* Bài viết của tác giả Thanh Minh gửi cho Kỷ yếu Năm Thánh 2000 Ðại Chủng viện Vinh Thanh.
________________________________________
CHÚ THÍCH
(1) Sđd, tr. 146.
(2) Bản phúc trình ngày 2.2.1849.
(3) Bản phúc trình ngày 13.2.1853.
(4) Cũng bản phúc trình ngày 13.2.1853.
(5) Trường Penang là trường chung thứ hai thay thế trường Juthia, tại Mã lai do ÐGM Taberd ẩn trốn và lập tại đó.
(6) Missions Catholiques, năm1892, bộ 24, tr. 97-99.

VIDEO LỊCH SỬ ĐẠI CHỦNG VIỆN