Diễn đàn mục vụ

     Trang nhà của Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê mở chuyên mục "Diễn đàn Mục vụ" nhằm tạo sự tương tác giữa thực tiễn đời sống mục vụ của các Linh mục nơi các giáo xứ và việc học của Chủng sinh trong Đại Chủng viện, để qua đó, trang nhà Đại Chủng viện sẽ góp phần tìm các giải pháp tháo gỡ những vấn nạn trong đời sống mục vụ, trong việc dạy giáo lý… nhằm giúp các Linh mục quản xứ, các giáo lý viên, đồng thời làm phong phú thêm kho tàng kinh nghiệm mục vụ cho Chủng sinh thông qua các tình huống mục vụ trong đời sống thực tiễn.

1

Thưa Cha bây giờ con có thể tha gia dự tu được không ạ. - Con đang còn học đại học năm 2, chương trình đào tạo đại học của con 5 năm. - nếu như đầu năm 3 con bắt đầu đăng kí được không ạ?. Con xin chân thành cám ơn Nguyện xin Chúa luon luôn đồng hành cùng quý cha.

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời

Chào bạn

Về vấn đề này, bạn nên liên hệ với quý Cha đặc trách Ơn gọi & Dự tu tại các Giáo phận để có câu trả lời tốt nhất.

Tại Giáo phận Vinh:

Lm. Phaolô Nguyễn Thiện Tạo, Tiền Chủng viện Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An; Số điện thoại: 0963.554.278 | Email: mucvuongoi@gmail.com

Tại Giáo phận Hà Tĩnh

Lm. Antôn Võ Thành Công, Tiền Chủng viện Hà Tĩnh, Văn Hạnh, Thạch Trung, Tp. Hà Tĩnh | Email: mvoggiaophanhatinh@gmail.com

 

2

Thưa Cha, hiện tại con đang mang tội trọng phá thai,con muốn được làm nghi thức giải tội và ăn năn sám hối thế nào, thưa cha.

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời

 

Chào Chị (xin phép được gọi như trên)

Cảm ơn Chị đã tin tưởng và trao gửi khó khăn mà mình đang đối diện.

Vấn đề chúng ta đang trao đổi khá nghiêm trọng và tế nhị; đồng thời việc trao đổi này chỉ dừng lại ở mức tư vấn mục vụ, qua đó giúp Chị tìm lại được sự bình an và vượt qua được khó khăn đang đối diện. Việc tư vấn sẽ ‘hơi dài’ một chút nhằm giúp Chị hiểu bản chất tội này và đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất cho Chị.

Thứ nhất: vấn đề nghiêm trọng

Đây là một tội nghiêm trọng và kèm theo vạ (tuyệt thông tiền kết) nghĩa là Chị bị gián đoạn ngay tức thì vào việc hiệp thông cùng hội thánh (không được lãnh nhận các bí tích, trừ bí tích Giải Tội).

Nếu như tội thành sự (thực hiện có hiệu quả, đầy đủ các điều kiện kèm theo) thì không chỉ Chị mắc phải tội và hình phạt nhưng những người cộng tác tích cực với Chị trong việc phạm tội này cũng bị như thế.

Vấn đề sẽ phức tạp hơn ở một số trường hợp và tình tiết sau hành vi phạm tội nữa mà không tiện bàn tới.

Thứ hai: vấn đề tế nhị

Bởi vì Chị chỉ gửi những thông tin chính nên còn rất nhiều thông tin quan trọng khác cần phải biết để hướng dẫn Chị. Tuy nhiên, Chị không cần phải làm như thế. Mọi sự sẽ được giải quyết trong tòa giải tội. Tại đó, linh mục sẽ hỏi thêm Chị một số thông tin nữa: tuổi, phương pháp phá thai thế nào, đồng phạm hay chỉ mình Chị, cố ý hay vô tình hay bị ép buộc, vấn đề trí khôn – tâm lý lúc thực hiện, sự hiểu biết của Chị về tội này lúc thực hiện nó…tất cả thông tin sẽ được dấu kín, Chị hoàn toàn yên tâm.

Lời khuyên

1.     Nếu tội này chưa được công bố (tức là hiện giờ đang kín, chỉ mình Chị và đồng phạm biết – và hy vọng rằng Chị không rơi vào trường hợp ngoan cố trước đó một số lần và bị Giáo Hội tuyên bố vạ tuyệt thông) thì Chị hãy tìm đến một cha giải tội ở gần nhất để xưng tội của mình và chính ngài sẽ giải tội này cho Chị. Nếu không thuận lợi thì tìm đến một linh mục khác có năng quyền giải tội. Chị yên tâm, danh tính của Chị sẽ hoàn toàn được dấu kín, vạ của Chị cũng được tha ngay trong lúc giải tội bằng công thức dành riêng.

2.     Chị hãy suy nghi thật kỹ những ai là người Công Giáo đã cộng tác với mình trong tội này qua những hành động cụ thể như: khuyên và chỉ chỗ để thực hiện hành việc (…), biết rõ và chuyên chở hoặc trực tiếp thực hiện công việc (…), biết và hỗ trợ tài chính cho Chị bằng cách thế nào đó vv… thì họ đang trong tình trạng như Chị và sớm hết sức có thể hãy dục họ đi xưng tội ngay lập tức.

3.     Nếu chị chưa lập gia đình thì hãy quý yêu đức trong sạch vì đó là giá trị rất quý của chúng ta. Nếu chị đã lập gia đình, hãy đọc những phương pháp tránh thai tự nhiên mà Giáo Hội cho phép trong các sách giáo lý hôn nhân hoặc tài liệu nào khác hợp pháp, đồng thời bàn hỏi với người bạn đời của mình cách nghiêm chỉnh khi không cho phép mang thai.

Tin vui cho Chị:

1.     Nếu Chị rơi vào một số trường hợp như đã bàn ở phần Thứ hai: vấn đề tế nhị   thì có khi chưa phải là tội hoặc chưa mắc vạ. Vấn đề sẽ nhẹ nhàng hơn và yên tâm hơn.

2.     Nếu trước đây, sau khi Chị xưng tội xong thì linh mục phải thượng cầu xin tha vạ lên Tòa Thánh và Chị phải chờ đợi khá lâu nhưng mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông thư Misericordia et misera đã ban cho các linh mục khi giải tội được tha vạ mà không phải thượng cầu xin tha vạ lên Tòa Thánh nữa. Do vậy, hãy đến tòa giải tội càng nhanh càng tốt.

 

Chị thân mến, chúng ta không phải là thánh nhân nên còn phạm tội. Dĩ nhiên, như Chúa đã nói với người phụ nữ sắp bị người Do Thái ném đá vì tội ngoại tình: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”  (Ga 8,10). Điều quan trọng vẫn là sự ăn năn về lỗi lầm đã phạm và quyết tâm đừng tái phạm nữa.

Xin kính chúc Chị và những người có liên quan sớm tìm được bình an qua Tòa Giải tội. Trong mùa chay này, hãy đóng đinh tính xác thịt và yếu đuối của mình vào thập giá Chúa.

Trân trọng

Ban Truyền Thông Đại Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê

3

Thưa Cha, hiện tại con đang mang tội trọng phá thai,con muốn được làm nghi thức giải tội và ăn năn sám hối thế nào, thưa cha.

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời

 Con thân mến,

Trước hết phải thú nhận rằng bản tính con người lầm lỗi có những lúc làm những điều sai trái.Tuy nhiên cũng nhìn nhận rằng, Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc khi tuân giữ các giới răn. Thật vậy, điều răn thứ 5 dạy chúng ta chớ giết người, kể cả các thai nhi, bởi thai nhi cũng là hồng ân sự sống cần được bảo vệ. Giáo lý Công giáo dạy chúng ta cách chắc chắn rằng, không bao giừ được phá thai. Phá thai đích thực là tội ác.

Như Con trình bày thì hiện tại con đã phạm tội phá thai, nghĩa là con đã thực hiện một hành gây ra tội ác, đi ngược lại với luân lý Kitô giáo, tội đó xúc phạm đến Thiên Chúa và quyền được sống của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống của mỗi nhân vị chứ không ai trong chúng ta có quyền để quyết định cho ai đó sống hay chết.

Con thân mến, khi phạm tội phá thai thì chính hành vi của con sẽ mang lại cho con đau khổ, sự dày vò tự lương tâm mình. Luân lý dạy rằng, hành vi của tội sẽ mang lại những hậu quả và hình phạt cho mình. Con biết rằng, Thiên Chúa đặt để trong mỗi người tự do để chọn lựa, hoặc để được hạnh phúc khi làm điều thiện hợp với ý Chúa; hoặc phải nhận lấy đau khổ khi đi xa đường lối của Ngài.

Khi thực hiện hành vi phá thai là con không những phạm tội mà còn mắc vạ nữa. Do đó con cần đến sự tha thứ.

Bí tích Giải tội là phương thế để con đón nhận tình thương của Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, luôn sẵn lòng tha thứ cho những ai thống hối trở về. Trong năm thánh Lòng Thương Xót 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban đặc ân cho các Linh mục khi giải tội được tha tội và tha vạ cho những người phạm tội phá thai. Do đó, con muốn được lãnh nhận bí tích giải tội và được giao hòa cùng Thiên Chúa. Con cần có những thái độ và những việc làm sau đây:

+/ Con hãy ngồi lại xét mình kỹ về hành vi của con, về hoàn cảnh dẫn con đến việc phá thai (do lo sợ mất thanh danh, hay do nguyên nhân nào)

+/ Con xét lại con đã phạm mấy lần về tội phá thai; Con phạm tội đó với ai (cái thai là của người nào), nghĩa là đối tượng.

+/ Con phải quyết lòng chừa trọn không bao giờ tái phạm nữa.

+/ Sau đó con đến với Tòa Giải Tội và xưng thú lầm lỗi của mình. Nơi Tòa Giải Tội, con sẽ được Thiên Chúa tha thứ mọi tội. Sau đó, cn lắng nghe lời khuyên của Cha giải tội, làm việc đền tội theo yêu cầu của Cha giải tội.

Tin tưởng rằng, đến với Tòa Giải tội sẽ giúp con tìm lại bình an và cảm nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, để con quyết tâm chừa cải, đổi mới cuộc đời và sống ơn gọi kitô hữu của mình trọn vẹn hơn.

Thân ái,

Chúc con sớm tìm lại an bình trong tình yêu Chúa.

4

Lời đầu tiên cho con gửi lời chào và lời cám ơn đến Cha. -Con có một câu hỏi đang phân vân và con rất kó để xác định cho mình: + Từ hồi còn nhỏ cha mẹ đã dạy cho con rất nhiều điều và dạy dỗ con, bày cho con trong từng lời ăn tiếng nói, tập cho con thói quen mỗi sáng đến nhà thờ dâng lễ và tối đi nhà thờ con vẫn duy trì truyền thồng đó cho tới ngày hôm nay, ngay cả nhà thờ buổi trưa con cũng không thể bỏ được, điều này thì con không muốn muốn nói ra ..người dân trong xứ ai cũng biết con một người siêng năng và cho đến bây giờ ai cũng gọi con là thầy con không muốn thế vì mỗi lần như thế con thấy trong người mình cứ có áp lực sao đấy, cho đến khi con vào đại học buwocs ra xã hội con người con nó thay đổi nhiều thứ nào là trong tình yêu, xã hội, giao tiếp và cái cao nhất là bị nghề nghiệp chi phối quá lớn( hết sức học hành, lương cao...)....và con đã gặp trở ngại khi bản thân mình không biết lựa chọn cho con đường nào cho hợp lí cuộc đời mình cả. Xin quý cha và thầy cho con ý kiến để con biết phân định ơn gọi cho xứng đáng để lòng con được an nhàn, an tâm hơn khi quyết định lựa chọn cho mình một con đường. Xin Cha giúp đỡ con.

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời

“Bạn thân mến. Cám ơn bạn đã thắc mắc về việc phân định ơn gọi, xem phải chọn ơn gọi như thế nào cho đúng, cho phù hợp với ý Chúa. Câu hỏi của bạn thật chính đáng. Đức thánh cha Phanxicô đã thấy nhu cầu phân định ơn gọi trong Giáo Hội nên đã cho triệu tập Thượng Hôi Đồng Giám Mục Thế Giới về Giới Trẻ, Đức Tin và Phân Định Ơn Gọi. Và sau Thượng Hội Đồng này, ngày 25 tháng 3, 2019, Đức Thánh Cha đã cho công bố Tông Huấn Đức Kitô Hằng Sống (Christus Vivit), trong đó nơi chương 8, ngài trực tiếp bàn về Ơn Gọi; và nơi chương 9, bàn về việc Phân định Ơn gọi. Hiện các nhà sách công giáo đều có bán Tông Huấn này. Hoặc bạn có thể lên mạng Internet, vào Google và tìm bản dịch của tông huấn này. Chỉ cần hỏi “Bác Google” về Bản dịch Tông Huấn Christus Vivit, là bác google sẽ chỉ cho bạn.

 

Qua Tông Huấn, chính Đúc Thánh Cha sẽ hướng dẫn bạn biết ơn gọi là gì và phải phân định nào như thế nào.

Ngoài ra, bạn có thể tham gia chương trình Giáo hoàng và Người trẻ được Radio Vatican News Tiếng việt phát thanh mỗi ngày thứ ba hằng tuần. Qua chương trình này bạn sẽ được tìm hiểu sâu xa và một cách vui tươi về những vấn đề của người trẻ, trong đó có vấn đề ơn gọi, và phân định ơn gọi theo Tông huấn Christuis Vivit (Đức Kitô Hằng Sống) mà Đức thánh cha gửi cho người trẻ.

 

Chúc bạn ngày càng cảm nhận sâu xa hơn tình yêu Chúa dành cho bạn, và sớm nhận ra dược điều Chúa đang chờ đợi nơi bạn.

5

làm thế nào để thực hiện hiệu quả việc đối thoại liên tôn

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời

 Để thực hiện hiệu quả việc đối thoại liên tôn cần theo các bước sau:

1. Tìm hiểu về tôn giáo mà mình sẽ đối thoại (càng sâu rộng càng tốt)
2. Tìm kiếm những giá trị tương đồng (Chân, Thiện, Mỹ) giữa đạo Công giáo và tôn giáo sẽ đối thoại
3. Tiến hành đối thoại:
- Tôn trọng các giá trị có tính chân lý thật nơi tôn giáo đang đối thoại và thảo luận với nhau về những các giá trị tương đồng này.
- Cùng nhau hướng tới một mục đích là tìm kiếm CHÂN LÝ
- KHÍCH LỆ HỌ TÌM HIỂU ĐẠO CÔNG GIÁO. Điều này rất quan trọng, vì nếu họ thành ý tìm hiểu, kết quả sẽ ngoài sức tưởng tượng của ta.
4. Những thái độ cần tránh:
- Mời gọi họ từ bỏ tôn giáo đang theo để gia nhập đạo Công giáo (Đức tin là một ân ban nhưng không bởi Thiên Chúa, nên nếu Ngài muốn, qua cuộc đối thoại tìm kiếm giá trị giữa đạo Công giáo và tôn giáo đang đối thoại, họ sẽ tự nguyện xin rửa tội...hơn nữa khi đối thoại thành công, họ cũng sẽ tự nguyện theo đạo)
- Không tỏ thái độ độc đoán, xem tôn giáo đang đối thoại là thấp kém, và đạo Công giáo vượt trội và thượng đẳng hơn,  vì điều này sẽ đưa cuộc đối thoại nhanh chóng tan vỡ - dù phải luôn xác tín Giáo hội đang quản lý ân sủng và các mầu nhiệm Kito giáo nhờ Đức Giê-su Kito.
- Tránh thái độ cào bằng: cho rằng, đạo nào cũng là đạo, đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành và như vậy các tôn giáo đều giống nhau. Điều này có nguy cơ làm cho các tín đồ nơi tôn giáo khác không nhận ra được giá trị cứu độ đích thực của Chúa Kito và không cần tìm hiểu về Kito giáo. Đây là điều thất bại trong đối thoại. Trong khi đó, các tôn giáo khác đều xuất phát từ người phàm, Kito giáo từ trời mà xuống.
5. Cần xác tín:
- Mọi chân lý đều xuất phát từ Thiên Chúa, và ơn cứu độ chỉ có nơi Đức Giê-su Kito, Đấng Cứu độ duy nhất. Ơn cứu độ đều xuất phát từ Người.
- Dù Hội Thánh Công giáo nắm giữ chân lý  Đức tin Kito giáo, vì Giáo hội được Chúa Giê-su thiết lập và ủy thách cho sứ vụ này, thì nơi các tôn giáo khác còn có những "chân lý" vẫn thuộc về Đức Kito mà không ngang qua Giáo Hội. Nó được ví như những tia sáng xuất phát từ Đức Kito chiếu vào các tôn giáo khác. (Mặc khải của Thiên Chúa dành cho con người thì lớn hơn mặc khải mà Giáo hội đang quản lý).  Mọi chân lý đều bởi Chúa và bất cứ nơi nào có "chân lý" thì cũng có Chúa hiện diện.  Điều quan trọng là các tín đồ nơi các tôn giáo này có nhận ra "chân lý" này là của Chúa và xuất phát từ Chúa Kito không! Và đây cũng là đích mà đối thoại liên tôn cần hướng tới.
Như vậy, đối thoại liên tôn không nhằm mục đích quyến rũ các tín đồ tôn giáo khác bỏ tôn giáo mình để được rửa tội và theo đạo Công giáo cho bằng việc giúp họ nhận ra ân huệ của Thiên Chúa (x.Ga 4,1-26), bằng cách chân nhận chân lý nơi họ cũng xuất phát từ Đức Kito, qua đó họ biết nhận ra AI LÀ NGƯỜI CÓ KHẢ NĂNG CỨU ĐỘ HỌ. Mà ân huệ thì con người đón nhận mọi nơi mọi lúc, mọi phút giây trong suốt cuộc đời. Nên khởi điểm từ ân huệ sẽ đưa cuộc đối thoại dễ dàng hơn. Giúp nhau biết cảm tạ Chúa mỗi ngày. Và như vậy đối thoại liên tôn đã có kết quả.
Chúc cho công cuộc đối thoại liên tôn được thành toàn, và mọi người có cơ hội ngồi với nhau.
Lm. Micae Trần Văn Dâng, ĐCV, Trưởng BLBTM gp Vinh.
 
6

Chúa Thánh Thần là tác nhân con người mới Cho con hỏi câu này được hiểu như thế nào a.?

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời

 Chào bạn

Bởi vì bạn không trưng dẫn câu nói ấy được trích dẫn ở đâu nên chưa thể trả lời cách rốt ráo. Tuy vậy, BTT xin có một vài gợi ý cơ bản sau:

Khi nói "Chúa Thánh Thần là tác nhân con người mới", chúng ta nói về sự hoạt động và hoa trái của Chúa Thánh Thần nơi thụ tạo. 

Kitô giáo hiểu rằng đời sống "thiêng liêng" phát xuất từ Thần Khí Thiên Chúa, Đấng ngự trong tâm hồn tín hữu và biến đổi tình trạng hiện hữu 'theo tính xác thịt'  (x. RM 8,5) sang tình trạng "sống theo Thần Khí" (x. Rm 8,5; Rm 8,13; Gl 6,8; Rm 8,1,14). Chúa Thánh Thần là tác nhân chính biến đổi ta nên một thụ tạo mới hoàn toàn (điều này được thể hiện qua Bí Tích Rửa Tội và Thêm Sức). Ai sống theo Thần Khí thì sẽ được Thần Khí biển đổi và là "con cái Thiên Chúa" (x 1Cr 12,3). Các hoạt động của Thần Khí: sáng tạo và tái tạo, kiện toàn, phục hồi, uốn nắn...thụ tạo cho phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là "Đấng Ban Sự Sống" nghĩa là nhờ Ngài mà mọi sự được sống và sinh động và mới mẻ. Sau biến cố Ngũ Tuần, thời đại hôm nay tiến đến cánh chung là thời đại của Chúa Thánh Thần. Ngài trở thành luật mới: luật của tự do, sự giải thoát, ân sủng (x. Gl 5,15-25; 2Cr 3,17).

Tóm lại, con người mới chính là con người đã được chuộc về qua cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Chúa Thánh Thần là Đấng biến đổi, uốn nắn chúng ta, dẫn dắt hướng dẫn chúng ta để hoàn thiện con người ấy hơn trong thời gian chờ đợi Đức Kitô đến lần thứ 2.

Bạn có thể tham khảo thêm:

1. Felippe Gómez Ngô Minh, Sj., Chúa Thánh Thần - Một Dạng Thần Học Tổng Lược Về Chúa Thánh Thần, Nxb. Antôn & Đuốc Sáng, Phần VI.

2. Raniero Cantalamessa, Chúa Thánh Thần - Ánh Sáng và Sự Sống Của Giáo Hội, Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương (dịch), Nxb. Tôn Giáo, 2017.

7

Cho con hỏi: Triết học có vai trò như thế nào đối với Kitô giáo? (cho con xin tên sách tham khảo và những tài liệu liên quan) Con cám ơn ạ.

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời


Triết học (philosophy) được định nghĩa là “yêu mến sự khôn ngoan,” trong khi Kitô giáo xây dựng trên nền tảng niềm tin vào Thiên Chúa duy nhất là Đấng Khôn Ngoan. Hơn nữa, “triết học phát sinh và được trau dồi vào lúc con người bắt đầu nêu câu hỏi về lí do và mục đích của vạn vật,”  còn Kitô giáo là con đường để trong đó con người tìm kiếm ý nghĩa và cùng đích của mình. Chừng ấy đủ để khẳng định rằng, giữa triết học và Kitô giáo có sự tương kết chặt chẽ với nhau vì cả hai đều quy hướng về Chân Lý. Hơn hai ngàn năm tồn tại, Kitô giáo hòa trong dòng chảy suy tư của nhân loại, ở đó, Kitô giáo cũng đón nhận, cưu mang nhiều tư tưởng triết học. Vậy triết học có vai trò như thế nào đối với Kitô giáo?
Trước khi khai tiển vai trò của triết học đối với Kitô giáo, thiết tưởng chúng ta phải nhìn nhận với nhau rằng: Triết học – nhất là triết học theo nghĩa ban sơ của nó – gần với tôn giáo hơn khoa học đến nỗi đôi khi nó cạnh tranh với tôn giáo vì cả hai đều qui hướng về chân lý đích thực. Một cách đặc biệt, triết học lấy cuộc tìm kiếm chân lý của con người làm của mình, “triết học liên quan trực tiếp tới việc nêu câu hỏi về ý nghĩa cuộc đời và phác họa một giải pháp. Vì thế, triết học xuất hiện như một trong những nhiệm vụ cao cả nhất của con người.”  Đây là chỗ phóng xuất mối tương liên giữa triết học và tôn giáo, đặc biệt là với mạc khải Kitô giáo. Bỏ qua giai đoạn Kitô giáo có thái độ tiêu cực đối với triết học khi đi từ chỗ coi thường tới chỗ ngờ vực, lên án và loại trừ trong vài thế kỷ đầu,  bây giờ, chúng ta sẽ khai triển một vài đóng góp của triết học đối với Kitô giáo một khi thần học Kitô giáo nhìn thấy những khả thể của triết học mà mình có thể tích hợp.


1. Triết học góp phần hỗ trợ Kitô giáo hội nhập văn hóa những thế kỷ đầu

Trong hai thế kỷ đầu của Kitô giáo, người tín hữu gặp gỡ với văn hóa Do Thái và văn hóa Hi Lạp, triết lý bắt đầu ‘gây sự’ với nhiều vấn nạn đặt ra. Tân Ước cùng lúc giữ vững niềm tin độc thần Do Thái giáo và lòng tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nhiều cầu hỏi đặt ra: làm sao có thể dung hòa được hai sự kiện, một bên, Giavê là Thiên Chúa duy nhất, và bên kia, tin nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa từ trời xuống? Nếu Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối thì đâu là chỗ cho Đức Giêsu Kitô làm Chúa phổ quát?
Đứng trước những truy vấn đó, rõ ràng những chứng cứ lịch sử là không đủ. Để có thể trả lời và thuyết phục người nghe đòi buộc phải suy nghĩ, tranh cãi và biện luận. Nói đúng hơn phải “hội nhập văn hóa” để có thể rao giảng Tin Mừng; và ở đây, triết học Hi Lạp đóng vai trò giúp đỡ Kitô giáo trong việc thực thi sứ mệnh này.
Việc sử dụng ngôn ngữ triết học của văn hóa Hi Lạp thiết lập nên khả thể của việc trình bày mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô trong ngôn ngữ của một nền văn hóa có thế lực hơn. Nhờ việc chuyển đổi ý nghĩa ngôn ngữ của Tân Ước trong ngôn ngữ của triết lí Hi Lạp, Kitô giáo có thể duy trì sự nguyên tuyền ý nghĩa mầu nhiệm được mạc khải và chuyển tải chân lý mạc khải một cách nguyên vẹn.  Chẳng hạn, muốn hội nhập văn hóa, Kitô giáo bắt đầu dùng đến phạm trù triết học Hi Lạp, đặc biệt là ý niệm Logos. Nhiều nhà tư tưởng Kitô giáo thời đầu đã cố dung hòa quan niệm về Logos của Kinh Thánh và phía triết lí Hi Lạp, làm sao để đi tới chỗ Đức Giêsu Kitô chính là Logos của Thiên Chúa. Thánh Justin, “người quan trọng nhất trong các nhà hộ giáo thế kỷ thứ II, một triết gia ngoại đạo,” trong cuốn Apologie (Hộ Giáo) đã gán “Logos” trong triết lý Hi Lạp cho chính Đức Giêsu Kitô - Ngôi Lời của Thiên Chúa. Ngài còn tiên phong nhìn nhận những “Mầm Ngôi Lời” trong các triết thuyết, trong các tôn giáo, các nền văn hóa khác của nhân loại. Đối với thánh Justin, những hiền triết như Platon, Socrate, Aristote là những ‘ngôn sứ’ của Thiên Chúa, những người có sứ mệnh chuẩn bị cho sự xuất hiện của Đức Giêsu, của Kitô giáo. Rõ ràng, Ngài là chứng nhân đủ mạnh cho thấy vai trò của triết học trong việc hỗ trợ Kitô giáo hội nhập văn hóa để rao giảng Tin Mừng Đức Kitô.


2. Triết học giúp đào sâu và trình bày giáo lý đức tin Kitô giáo

Mạc khải đã du nhập vào lịch sử một chân lý phổ quát và tối hậu, nhờ chân lý mạc khải trong Đức Giêsu Kitô, bất cứ ai cũng có thể đón nhận được ‘mầu nhiệm’ cuộc đời mình và lịch sử được soi tỏ. Chân lý mạc khải không ngược hay mâu thuẫn với những chân lý được triết học nhận biết vì chân lý chỉ có một nguồn gốc duy nhất là Thiên Chúa. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nhận định rằng: “Chân lý đạt được do triết học và chân lý mạc khải không bao giờ hoàn toàn giống nhau hoặc loại trừ nhau.” 
Để trình bày nội dung đức tin của mình, Kitô giáo khai triển những suy tư, xây dựng nên hệ thống thần học. Thần học được thánh Anselmô định nghĩa là sự hiểu biết về đức tin (intellectus fidei), mà đức tin ở đây chính là việc đón nhận và quy thuộc vào một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Hiện Hữu từ đời đời. Với Karl Rahner, ngài định nghĩa: Thần học là khoa học giải thích và khai triển một cách có ý thức các mạc khải của Thiên Chúa vốn đã được đón nhận và nắm giữ trong đức tin.  Trong khi đó, Thời cổ đại, Aristote đã định nghĩa: Triết học là khoa học về các nguyên lý đệ nhất và các nguyên nhân đệ nhất; còn Triết học Kinh viện chứng minh Thiên Chúa là Đấng Hiện Hữu, là căn nguyên của thế giới và muôn loài muôn vật.  Như vậy, thật rõ ràng, triết học có những khả thể để thần học Kitô giáo sử dụng như một nguồn hỗ trợ đắc lực trong hành trình tìm kiếm chân lý và trình bày nội dung chân lý mạc khải. Vì cả thần học và triết học đều có mục đích dẫn con người tìm về Chân Lý, cho nên, cả hai sẽ “không yên nghỉ trước khi làm cho con người của ngày mai và Đấng Thiên Chúa của muôn đời gặp gỡ nhau.” 
Ở đây, Thần học Kitô giáo dựa trên nguồn Mạc khải để suy tư và những tư tưởng của triết học thật sự là trợ thủ đắc lực vì triết học là một trong những nguồn lực mà con người có thể sử dụng để tiến tới trong nhận thức chân lý. Chính trong ý hướng này mà một thời người ta định nghĩa “triết học là nữ tỳ của thần học.” Định nghĩa này không hàm ý hạ thấp, coi thường vị trí của triết học nhưng theo nghĩa là triết học có nhiều đóng góp cao quý và cần thiết cho thần học.  Một nền triết học chân chính sẽ mở đường cho lý trí đón nhận chân lý Mạc Khải. Như vậy, Chân lý mạc khải không lệ thuộc vào chân lý của suy tư triết học, nhưng những suy tư của các triết gia góp phần rất lớn giúp thần học Kitô giáo tiệm cận, suy tư và khai phóng những nội dung của chân lý mạc khải.
Triết học giúp đào sâu và trình bày giáo lý đức tin, đồng thời, triết học cung cấp nhiều thuật ngữ, khái niệm cho Kitô giáo trình bày học thuyết đức tin của mình cho nhân loại. Triết học giúp con người đón nhận nội dung của chân lý đức tin được mạc khải qua Lời Chúa và Truyền Thống sống động, bởi vì khi được ghi chép lại hoặc khi được công bố trong lời giảng dạy, chân lý đó lệ thuộc vào lịch sử, vào tư tưởng, vào ngôn ngữ…của những nền văn hóa nhất định. Trong khi, triết học cho thấy những qui luật của ngôn ngữ, cơ cấu của nhận thức và ý nghĩa chính xác của những khái niệm được sử dụng.
Nhiều nhà trí thức Kitô giáo đã sử dụng triết học để suy tư thần học của họ. Origen là một ví dụ tiêu biểu khi ông xây dựng một nền thần học khá đồ sộ bằng cách vận dụng triết học Platon với những sửa đổi cần thiết.
Học thuyết về các ý tưởng (ý niệm), Sự Thiện của Platon được thánh Augustin sử dụng nhiều khi trình bày những suy tư của ngài. Đặc biệt để viết cuốn ‘Thành Đô Thiên Chúa,’ thánh Augusin đã dựa trên ý tưởng của Platon về hai thế giới (thế giới khả giác và thế giới các ý tưởng). Ngoài ra, thánh nhân còn du nhập và điều chỉnh các tư tưởng của Platon về con người, thế giới vũ trụ, Thượng Đế…để trình bày những suy tư của mình về nội dung mạc khải Kitô giáo.
Thuật ngữ ‘ngôi vị’ (prosopon) trong triết học Hi Lạp cũng được các giáo phụ vùng Capadocia sử dụng để trình bày về các Ngôi vị trong Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Các phạm trù của triết học Aristote đã cung cấp chất liệu cho thánh Tôma Aquinô suy tư về các vấn đề của thần học Kitô giáo. Chẳng hạn như khi trình bày về các bí tích, thánh Tôma đã sử dụng các hạn từ như ‘chất thể’, ‘mô thể’, ‘chuyển đổi bản thể’…Khi trình bày về mầu nhiệm Thiên Chúa thì các hạn từ như ‘bản thế,’ ‘yếu tính’ được đưa vào. Thánh Tôma cũng đã ‘rửa tội’ cho tư tưởng của Aristote để trình bày “Ngũ Đạo” (năm con đường) chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cũng không ngần ngại sử dụng những thuật ngữ hay khái niệm triết học để trình bày những luận điểm của mình, nhất là khi trình bày về con người và thế giới quan. Các môn thần học như thần học căn bản, thần học tín lý, thần học luân lý cũng cần tới sự trợ giúp của triết học đến nỗi người ta không thể hiểu nó đầy đủ nếu không được đào tạo trước về triết học.


3. Triết học góp phần giúp suy tư của Kitô giáo phản tỉnh
Suy tư của Kitô giáo một thời chỉ tập trung vào khai triển các mầu nhiệm cao xa mà lãng quên những thực tại nhân sinh quan. Điều này làm cho Kitô giáo xa rời con người, xa rời với thực tại và thế giới. Và khi tái khám phá những suy tư của triết học cổ điển với những nhà hiền triết như Démocrite, Platon, Socrate, Aristote…Kitô giáo nhận thấy sự quan tâm rất đáng nể của những triết gia này tới các vấn đề căn bản và tổng quan liên hệ tới thế giới và con người. Nhìn nhận vấn đề này, suy tư Kitô giáo phản tỉnh và nảy sinh một nhu cầu đòi buộc phải quay trở lại để suy tư về con người và thế giới mà con người đang sống. Giáo hội phải quan tâm tới con người và thế giới. Con người là con đường của Giáo Hội. Môi trường môi sinh đang bị suy thoái, cần tiếng nói của Giáo Hội.
Hướng suy tư của các triết gia hiện đại cũng giúp Kitô giáo có sự thay đổi trong suy tư của mình nhằm đáp ứng những nhu cầu của thời đại. Sự tách lìa giữa đức tin và văn hóa, chủ nghĩa nhân bản vô thần của một ít các nhà hiện sinh như Jean Paul Sartre, Nietzsche…cổ võ một nền luân lý tương đối, loại bỏ chiều kích siêu hình khỏi triết học, không còn nghĩ về tối hậu hay cánh chung con người…Hệ quả đối với triết học hiện đại là “một số triết gia đã từ bỏ việc tìm kiếm chân lý vì chân lý để nhằm mục đích duy nhất là đạt tới một sự xác thực chủ quan hay một lợi ích thực tiễn.”  Tất cả dẫn con người tới một sự đe dọa bị hủy hoại trong chính bản thể của mình. Nếu con người chạy theo những trào lưu tư tưởng này cách phiến diện và độc tôn, loại bỏ chiều kích cánh chung siêu hình thì tương lai và tiền đồ của nó sẽ là ‘vực thẳm.’ Lên tiếng cảnh giác đối với những lập trường này để giúp con người xác định lại hướng đi đúng dẫn tới hạnh phúc đích thực là một nhu cầu cấp bách của thời đại. Lúc này, Kitô giáo đóng vai trò quan trọng để lên tiếng và hướng dẫn nhân loại bước đi trong thứ ánh sáng được mạc khải soi rọi. Giáo Hội phải tỉnh thức và phản tỉnh không ngừng để xây dựng nền luân lý chuẩn mực cho mọi hành vi đạo đức của con người thời đại, nhờ đó, Giáo Hội thực sự là người hoa tiêu của nhân loại trên đường tiến về Thành đô Thiên Quốc, thực sự là men, là muối giữa thế gian.
Kết luận: Con người là kẻ đi tìm chân lý,  do đó, có thể nói, mỗi người là một triết gia.  Triết học đúng nghĩa không chống lại mạc khải Kitô giáo, nhưng bởi vì cùng trên lộ trình đi tìm chân lý cho nên triết học cần được đón nhận trong dòng mạc khải của Kitô giáo và góp phần mình cách đắc lực để con đường tiến về chân lý của nhân loại bớt chông gai. Nếu triết học vượt qua được chính mình để mở ra với chân lý mạc khải trong Kitô giáo; nếu nó tìm lại được “ơn gọi nguyên thủy” của mình, trung thành với khát vọng sâu thẳm của con người thì chắc chắn triết học sẽ đóng góp nhiều điều quan trọng và ý nghĩa trong tòa nhà suy tư của Kitô giáo. Và khi đó, triết học và đức tin sẽ hòa hợp với nhau và tiến về bình minh của Chân Lý Vĩnh Cửu.

                                                                                                                          Jb. Lê Quốc Hưng, Khóa XIII – ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê

THƯ MỤC THAM KHẢO
1. ĐGH. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Fides et Ratio.
2. NGUYỄN HỒNG GIÁO, “Giáo hội Công giáo và triết học,” trong Nguyệt San Công giáo và Dân tộc, số 50, (30/4/1999).
3. NGUYỄN HỒNG GIÁO, Để đọc thông điệp Fides et Ratio, Nxb. Tôn Giáo, Tp. HCM, 2015.
4. HĐGM VIỆT NAM, Từ điển Công Giáo, 500 mục từ, NXB Tôn Giáo, TP. HCM, 2011, 320.
5. MARCEL NEUSCH & BRUNO CHERM, (Nguyễn Hồng Giáo chuyển ngữ), Tham quan xứ sở Thần học, 2004.
6. ST. AUGUST, The City of God, Book VII.
7. PHAN TẤN THÀNH, Về Nguồn, Tập 2, Học viện Đa Minh, Tp. HCM, 513.
8. NGUYỄN TRỌNG TUYỂN, Op., Lịch sử Triết học Tây Phương, Tập II. Thời Trung Cổ, Học Viện Đa Minh, 1998.
 9. PIÔ PHAN VĂN TÌNH, Triết học tây phương thượng cổ ảnh hưởng trên Kitô Giáo, Nxb. Phương Đông, Tp. HCM, 2010.
10. NGUYỄN KHẮC BÁ, Giáo trình Kitô học, ĐCV. Vinh Thanh, 2018.

 

8

Lễ mừng kính Thánh Phanxicô Xaviê nên có 2 hay 1 bài đọc? Có luật nào hướng dẫn trong cách chọn bài đọc này không?

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời

Theo quy chế sách lễ Rôma số 357, phải đọc đủ và đúng 3 bài vào các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng.  Các lễ kính có 2 bài đọc, tuy nhiên nếu lễ Kính được nâng lên đúng theo luật thành Lễ Trọng thì thêm bài đọc thứ 3 lấy từ phần chung.

Như vậy,  Lễ Kính thánh Phanxicô Xaviê (3/12) chỉ có 2 bài đọc nhưng nếu nơi nào cử hành lễ này như lễ trọng riêng (bổn mạng chính quốc gia hay thành phố hay địa phương; lễ mừng tước hiệu nhà thờ; lễ tước hiệu dòng tu hặc đấng sáng lập hoặc bổn mạng chính của dòng) thì có 3 bài đọc ( xin xem thêm BẢNG GHI NGÀY PHỤNG VỤ, BẬC 1, SỐ 4).

Cảm ơn bạn đã hỏi.

9

Lập trường của Giáo Hội Công Giáo về hồn ma?

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời

 Có lẽ một số người vội vã nhạo báng ý tưởng này là tưởng tượng hay dị đoan. Nhưng sự tin tưởng vào hồn ma thì phổ quát trong mọi văn hóa kể từ khi lịch sử được ghi chép lại, và một phần nó được dựa vào rất nhiều tường thuật rằng, thực sự, người sống đã gặp gỡ các hồn ma (ghost). Trước các hiện tượng có thực này, người Công giáo không thể dễ dàng bỏ qua tình trạng ấy.

 

Có hồn ma không?

Công việc đầu tiên của chúng ta là phải giải quyết vấn đề căn bản ở đây: Hồn ma có thực hiện hữu không? Để trả lời câu hỏi này chúng ta phải định nghĩa “hồn ma” (ghost).

Theo từ điển Webster, chữ này có nghĩa “linh hồn của một người chết, một thần khí không có xác”. Điều đó dường như rất thích hợp với chữ thường dùng, nên chúng ta sẽ chấp nhận nó như một định nghĩa giá trị. Sau đó, chúng ta phải nhớ rằng trong bài này, “hồn ma” không ám chỉ thiên thần hay quỷ dữ, hay ngay cả người ở ngoài trái đất. Đúng hơn, đó là một phần của con người mà không có thân hình, và nó được tách rời khỏi thân xác qua cái chết.

Với định nghĩa này, người Công giáo phải khẳng định rằng hồn ma có hiện hữu. Xét cho cùng, đó là phần căn bản của niềm tin Công giáo, chúng ta tin rằng con người là một sự hiệp nhất giữa hồn và xác; mà khi chết, hồn lìa khỏi xác; và sau khi chết, tuy thân xác thường tan rữa, linh hồn vẫn sống, chờ đợi Ngày Phán Xét, khi thân xác sẽ được chỗi dậy và kết hợp với linh hồn.

Vậy, từ quan điểm Công giáo, không chỉ các linh hồn trong hỏa ngục hay luyện ngục mà các thánh trên thiên đường cũng có thể được gọi là hồn ma (ngoại trừ Đức Mẹ, vì Người được đưa lên trời cả hồn lẫn xác). Như thế, câu hỏi cho người Công giáo thì không phải là hồn ma có hiện hữu không. Chúng có hiện hữu. Câu hỏi quan trọng hơn nữa là những con người thiêng liêng này, trong thời gian hiện tại trước khi có Ngày Phán Xét, có thể hiện ra với những người còn sống trên trái đất hay không.

 

Chứng cớ từ Sách Thánh

Có thể nào người chết xuất hiện với người sống? Sách Thánh cho thấy đó là điều có thể. Thí dụ hiển nhiên nhất trong Kinh Thánh là tường thuật Phúc Âm về sự biến hình của Chúa Giêsu trên núi, khi ông Môsê (đã chết hàng chục thế kỷ trước) hiện ra với Đức Giêsu và ba tông đồ, đàm đạo với Người (x. Mt 17,1-3). Chúng ta không bao gồm ngôn sứ Êlia trong đoạn này là một “hồn ma” vì Kinh Thánh dường như nói rằng ông không chết, nhưng đúng hơn ông còn cả thân xác khi rời khỏi trái đất (x. 2V 2,11-12).

Trong Cựu Ước, một thí dụ của hồn ma đến thăm là ngôn sứ Samuen sau khi từ trần, ông đã xuất hiện với vua Saun (x. 1Sm 28,3-20). Một số người kết luận rằng sự xuất hiện đó thực sự là quỷ giả dạng, vì nó xảy ra sau mệnh lệnh của một thầy pháp gọi hồn, bị Thiên Chúa cấm đoán. Tuy nhiên, vì bản văn này đề cập nhiều lần đến thần khí này là Samuen, T. Augustinô và một số nhà dẫn giải đáng tin khác nhấn mạnh rằng quả thật đó là hồn ma của ông chứ không phải quỷ dữ.

Nếu chúng ta để ý đến sự thăm viếng của hồn ma trong các giấc mơ hay thị kiến, chúng ta cũng phải kể đến câu truyện trong Kinh Thánh của ông Giuđa Macabê. Ông được thấy Onias, một tư tế đã chết, cầu nguyện cho người Do Thái. (Nhân tiện, đây là một thí dụ trong Kinh Thánh về sự cầu bầu của các thánh cho người còn sống). Sau ông Onias là ngôn sứ Giêrêmia dù đã chết, cũng được thấy trong thị kiến này. Ngôn sứ Giêrêmia ngỏ lời với ông Giuđa và trao cho ông một thanh gươm (x. 2Mcb 15,11-16).

 

Chứng cớ từ Truyền Thống

Ngoài những thí dụ trong Sách Thánh, rất nhiều tường thuật về sự xuất hiện của các hồn ma được truyền lại cho chúng ta trong truyền thống Công giáo kể từ thời Kinh Thánh. Tỉ như, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả ở thế kỷ VI kể lại vài trường hợp trong cuốn sách nổi tiếng của ngài là “Dialogues” (Các đối thoại). Với Đức Grêgôriô và với Thánh Augustinô cũng như các Tiến sĩ Hội Thánh khác, sự xuất hiện của hồn ma chắc chắn có một chỗ đứng trong quan điểm Công giáo về thế giới.

Theo các báo cáo này, đôi khi người chết xuất hiện là một vị thánh nổi tiếng. Những lúc khác, sự xuất hiện là một người thánh thiện vừa qua đời, đến để giúp người sống. Trong những tường thuật khác, một linh hồn gặp khó khăn, có lẽ trải qua tiến trình thanh luyện, đến xin những người còn sống giúp đỡ họ.

Chắc chắn rằng những câu chuyện như thế có thể bị coi là huyền thoại đạo đức hay dị đoan, lừa gạt hay ảo giác. Nhưng một số câu chuyện thì thật khó bỏ qua. Những tường thuật này có sức thuyết phục bởi vì xuất phát từ các chứng nhân có tâm trí lành mạnh và tính tình hoàn hảo, xảy ra gần đây, những tường thuật trực tiếp không thể nào được thổi phồng thành huyền thoại. Trong những câu chuyện đó, một số là sự xuất hiện của Thánh Piô ở Pietrelcina (Cha Piô, 1887 – 1968).

Một câu chuyện đáng tin là từ thánh Gioan Bosco (1815–1888). Khi là một chủng sinh, thánh Gioan nhớ lại, có lần người đồng ý với một chủng sinh tên là Comollo rằng trong hai người, ai chết trước, sẽ cho người kia biết một dấu chỉ về tình trạng của linh hồn mình. Comollo chết ngày 2 tháng Tư, 1839, và vào đêm sau khi an táng, “dấu chỉ” đó xảy đến.

Cùng với 20 chủng sinh khác đang tụ họp trong một căn phòng. Bỗng dưng Gioan nghe một tiếng gầm thét mạnh và lâu đến độ rung chuyển căn nhà. Sau đó họ thấy cánh cửa phòng bị mở tung ra cách dữ dội. Một ánh sáng lờ mờ có mầu sắc thay đổi xuất hiện, và một tiếng nói được nghe thấy rõ ràng: “Bosco, Bosco, Bosco, tôi đã được cứu…”

Thánh Gioan kết thúc hồi ký của mình, “Sau đó một thời gian khá lâu, trong đại chủng viện không còn đề tài nào khác để nói chuyện.”

 

Tại sao hồn ma xuất hiện?

Vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, một số học giả đáng tin cậy của Công giáo đã thu thập nhiều tường thuật giá trị về hiện tượng hồn ma, được gom góp từ các nhân chứng đương thời và các viên chức cảnh sát cũng như các tài liệu y khoa. Họ dự định đưa các tường thuật này, cùng với các báo cáo của các hiện tượng huyền bí khác, vào khuôn khổ thần học Công giáo truyền thống cũng như các kết quả tìm kiếm của tâm lý học ngày nay. Có lẽ nổi tiếng nhất trong các thần học gia–nghiên cứu gia này là các linh mục dòng Tên: ca Herbert Thurston, cha F.X. Schouppe, và cha Alois Wiesinger viện phụ dòng Xitô.

Từ các tường thuật được các học giả này thu thập, có một khuôn mẫu được nhận thấy. Khi người chết xuất hiện, họ thường đến hoặc để giúp đỡ người sống hoặc để xin người sống giúp đỡ họ. Tỉ như, họ có thể xin cầu nguyện và dâng Thánh Lễ cầu cho họ, hoặc họ có thể xin thiêu hủy một số giấy tờ bí ẩn nào đó. Đôi khi người chết là bà con của một người sống mà người này cần lãnh nhận các bí tích, người chết hiện ra với một linh mục để cho biết về tình trạng của người sống và cho biết người này đang ở đâu.

Những câu chuyện như thế đưa đến phản ứng thông thường bởi các Kitô hữu hồ nghi rằng sự xuất hiện của những hồn ma đó có thích hợp với quan điểm đức tin không. Họ thường đặt câu hỏi, người chết có quyền gì để hiện ra với người sống? Thánh Augustinô đơn giản trả lời: “Qua mệnh lệnh bí ẩn của Thiên Chúa”. Điều đó xảy ra với sự cho phép và qua quyền năng của Thiên Chúa.

Và tại sao Thiên Chúa lại cho phép hồn ma xuất hiện? Hiển nhiên là để hoàn tất các sứ mệnh thiêng liêng cho chính họ hoặc cho người khác.

 

Một cảnh cáo sau cùng

Sau cùng, chúng ta phải nhấn mạnh rằng Giáo Hội luôn cấm đoán bất cứ toan tính nào tìm cách liên lạc với người chết qua các phương tiện như chiêm tinh, cầu cơ, lên đồng, v.v.. Lý do thì hiển nhiên: những toan tính như thế để “gọi hồn người chết… che giấu ước muốn có quyền năng… cũng như ao ước muốn liên kết với các thế lực huyền bí” (Giáo Lý Công giáo, số 2116).

Ở đây có nhiều nguy hiểm: Quỷ có thể mạo nhận các hồn ma người chết, để chúng lợi dụng các thực hành huyền bí này hầu thao túng và áp bức người ta. Hậu quả là chúng ta phải rất thận trọng và phân định bất cứ sự gặp gỡ nào nếu có qua các hiện tượng không thể giải thích được, hoặc với những báo cáo như thế từ người khác. Những lần hồn ma xuất hiện đích thực, không do người sống tìm kiếm và được Thiên Chúa cho phép, dường như rất hiếm.

Paul Thigpen 
(Pt Nhật lược dịch)

10

Người Công Giáo Có Được Cúng Vái, Dâng Đồ Ăn Đồ Uống Cho Người Chết Không?

[Xem] Câu trả lời / [Ẩn] Câu trả lời

 Giáo Hội không dạy hay khuyến cáo chúng ta phải mang đồ ăn, đồ uống ra nghĩa trang đặt nơi mộ phần của thân nhân đã qua đời, hay dâng mâm đồ ăn trên bàn thờ người quá cố trong những ngày giỗ tết.
Tuy nhiên, vì lòng thảo kính, thương nhớ, giáo dân ngày nay được phép đốt nhang, đèn, nến và trưng hoa trước bàn thờ tổ tiên hay nơi mộ phần của thân nhân để nói lên lòng yêu mến, tôn kính và thương nhớ đối với những người thân đã ly trần.
1–Người Công giáo phải làm gì để giúp các linh hồn đã ly trần?
2-Có được phép mang đồ ăn, đồ uống như rượu bia và trái cây ra đặt ở mộ thân nhân chôn ngoài nghĩa trang, hay bày đồ ăn trên bàn thờ ông bà, cha mẹ nhân ngày giỗ, tết không?

Những người theo Đạo thờ ông bà (Tổ tiên) hay các tôn giáo khác thì tin là vong hồn những người chết có thể về với con cháu sau khi chết. Vì thế, con cháu thường mang theo đồ ăn, đồ uống ra đặt ngoài nghĩa trang nơi an nghỉ của người quá cố. Đặc biệt, đến ngày giỗ, Tết, con cháu thường làm một mâm cỗ với của ngon vật lạ để dâng lên bàn thờ người quá cố cùng với nhang đèn để cúng vái, trước khi hạ cỗ cho con cháu hưởng chung. Đây là tục lệ có từ lâu đời trong xã hội ViệtNam. Là người Công giáo, chúng ta tôn trọng, và không dám phê bình niềm tin của người khác.

Tuy nhiên, là tín hữu Chúa Kitô, thì ngược lại, chúng ta không tin có sự trở về của linh hồn người quá cố để ăn uống chung vui cách vô hình nào đó với con cháu, anh em còn sống. Giáo lý Công giáo dạy rõ như sau về số phân của một người sau khi chết :

“Mỗi người lãnh nhận trong linh hồn bất tử của mình phần trả công muôn đời cho mình. Ngay sau khi chết, trong một cuộc phán xét riêng, chiếu theo cuộc sống của mình hướng về Chúa Kitô, để hoặc sẽ trải qua một cuộc thanh luyện, hoặc lập tức bước vào hưởng diễm phúc trên trời, hoặc lập tức bị án phạt đời đời.” (x. SGLGHCG, số 1022)

Như vậy, theo lời dạy trên của Giáo Hội , thì linh hồn của một người đã chết có thể được vào ngay Thiên Đàng để vui hưởng Thanh Nhan Chúa, hoặc phải xa lìa Chúa đời đời trong nơi gọi là hoả ngục (hell). Hay phải “tạm trú” một thời gian trong nơi gọi là “Luyện tội = Purgatory” để được thanh luyện cho sạch khỏi mọi vết nhơ của tội lỗi đã được tha qua bí tích hòa giải nhưng hậu quả còn để lại mà chưa đền bù cho đủ khi còn sống, nên cần được tinh luyện cho sạch trước khi được vào hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng.

Như thế rõ ràng cho thấy là không có trường hợp nào linh hồn những người quá cố còn có thể về chung vui cách vô hình đời sống con người trên trần thế với con cháu được nữa.Lại càng vô lý hơn nữa , khi có người cho rằng các linh hồn có thể trở về xin Rửa tội vì đã không được lãnh nhận bí tích này khi còn sống. Điều này hoàn toàn trái với giáo lý của Giáo Hội trích dẫn trên đây.

Từ xưa đến nay và ở khắp mọi nơi, người ta đã nói nhiều về những hiện tượng “ma quái” quấy phá trong nhà sau khi có người chết, hoặc linh hồn người chết hiện về với thân nhân trong giấc mơ để van xin điều này, hoặc cảnh cáo con cháu việc khác v.v. Trước sự kiện này, Giáo Hội cho đến nay vẫn giữ thái độ im lặng, không đưa ra một giáo lý nào để giải thích ý nghĩa của những sự kiện khác thường đó, mà chỉ dạy giáo hữu phải cầu nguyện, làm việc lành, hoặc xin lễ cầu cho các linh hồn, cách riêng trong tháng 11 mà thôi. Đây là việc bác ái có giá trị cứu giúp các linh hồn đang ở nơi luyện tội để giúp họ mau chóng được tha hình phạt hữu hạn ( temporal punishment) để vào Nước Trời vui hưởng hạnh phúc được chiêm ngưỡng Thánh Nhan Chúa cùng với các thánh nam nữ ở đây.

Nhưng chắc chắn là Giáo Hội không dạy hay khuyến cáo chúng ta phải mang đồ ăn, đồ uống ra nghĩa trang đặt nơi mộ phầncủa thân nhân đã qua đời, hay dâng mâm đồ ăn trên bàn thờ người quá cố trong những ngày giỗ tết.

Tuy nhiên, vì lòng thảo kính, thương nhớ, giáo dân ngày nay được phép đốt nhang, đèn, nến và trưng hoa trước bàn thờ tổ tiên hay nơi mộ phần của thân nhân để nói lên lòng yêu mến, tôn kính và thương nhớ đối với những người thân đã ly trần.

Nhưng tuyệt đối phải tin rằng:

1- Những linh hồn đã được hưởng Thánh Nhan Chúa trên Thiên Đàng không cần sự trợ giúp nào của người còn sống trên trần thế. Họ đã gia nhập hàng ngũ các Thánh và đang hưởng hạnh phúc Nước Trời với Thiên Chúa, là hạnh phúc của các Thánh, các Thiên Thần. Ngược lại, các Thánh trên Thiên Đàng có thể cầu xin đắc lực với Chúa cho những người còn sốngtrên trần gian và những linh hồn trong luyện ngục.

2- Chỉ có các linh hồn trong luyện ngục mới cần sự trợ giúp của các thánh trên Thiên Đàng và của những người còn sống đang hiệp thông với Giáo Hội trên trần thế mà thôi. Các linh hồn đang còn ở luyện ngục không thể tự giúp gì cho họ được nữa vì thời giờ đã mãn cho họ làm việc lành hay phạm tội gì thêm nữa. Đó là lý do tại sao Giáo Hội dạy và khuyến khích các tín hữu cầu nguyện, làm việc lành và nhất là xin lễ cầu cho các linh hồn thánh (holy souls) còn đang được thanh luyện trong luyện ngục. Ngược lại, các linh hồn ở nơi này có thể cầu xin hữu hiệu cho các tín hữu còn sống trên trần thế, nơi mọi người còn thì giờ để làm thêm việc lành, phúc đức hay phạm tội thêm mất lòng Chúa.

Tóm lại, các Thánh trên Thiên Đàng, các linh hồn nơi luyện ngục và các tín hữu còn sống trên trần gian đều có thể hiệp thông cầu nguyên và giúp ích cho nhau như đã nói ở trên.Đây là tín điều các thánh thông công như Giáo Hội dạy.

3- Sau hết, các linh hồn đang xa cách Chúa đời đời trong nơi gọi là hoả ngục thì các Thánh trên trời , các linh hồn nơi luyện tội và các tín hữu trên trần thế, không ai có thể cứu giúp gì cho họ được nữa, vì không có sự hiệp thông nào (communion) giữa nơi này ( hỏa ngục ) với Thiên Đàng, luyện ngục và các tín hữu còn sống đang hiệp thông trong Giáo Hội lữ hành trên trần thế.. Cũng cần nói thêm là những ai đang ở hỏa ngục thì đó không phải là vị họ bị Chúa trừng phạt hay trả thù mà chính vì họ, khi còn sống, đã tự chọn nơi cư ngụ đáng sợ này khi tự do làm những điều gian ác, tội lỗi và không hề xám hối xin Chua thứ tha vì họ cũng hoàn toàn khước từ Thiên Chúa và tình thương của Người, là “ Đấng muốn cho mọi người được cửu rỗi và nhận biết chân lý.” ( 1 Tm 2 : 4)


Tóm lại, dù ở nơi nào, Thiên Đàng, Luyện ngục hay hoả ngục, linh hồn những người đã ly trần không thể trở về trần thế để “ăn uống” gì với thân nhân còn sống được nữa. Vì thế, người công giáo không nên đem bất cứ đồ ăn của uống gì ra đặt nơi mộ phần của những người đã chết ngoài nghĩa trang hay trưng bày trên bàn thờ trong những dịp giỗ tết để “mời các vong hồn” về chung vui, thưởng thức với con cháu còn sống. Làm như vậy là vô tình đi ngược lại với giáo lý của Giáo Hội về số phận của những người đã chết như đã nói ở trên.

Chúng ta chỉ có thể bày tỏ lòng mộ mến, gắn bó, thương xót những thân nhân đã ly trần bằng cách cầu nguyện, làm việc lành và xin dâng thánh lễ cầu cho họ để nói lên những tâm tình này mà thôi. Và chắc chắn đó cũng là những gì các linh hồn mong đợi nơi con cháu, thân nhân còn sống nhớ đến mình sau khi họ lìa khỏi thân xác qua sự chết, và còn đang được thanh luyện nơi luyện ngục.

Lm Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn
Nguồn: baoconggiao

Gửi câu hỏi
Thống kê
Số người online: 214
Tổng số truy cập:17.441.122