Định Hướng Đào Tạo

 
Lời mở đầu
 
Đào tạo linh mục là việc hết sức quan trọng (OT, lời mở đầu). Dưới sự hướng dẫn của Ban Giám Đốc và Ban Đào Tạo do Bề Trên Giáo Phận chỉ định, chính các chủng sinh cần tích cực tự đào tạo. Các thành phần khác của Dân Chúa cũng được mời gọi đóng góp vào việc đào tọa theo khả năng của mình.
Dựa trên Tập Định hướng và Chỉ dẫn Đào tạo Linh mục (Ratio) của Hội đồng Giám mục Việt Nam và theo Giáo luật khoản 243, Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê biên soạn bản Định Hướng và Nội Quy này bằng một ngôn ngữ dễ hiểu và dễ nhớ cho mọi người và gởi đến tất cả những người có liên hệ đến việc đào tạo linh mục tương lai cho hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa, trước hết là anh em chủng sinh và Ban Đào Tạo của Chủng Viện Thánh Phanxicô Xaviê, tiếp đến là gia đình các chủng sinh, các bạn trẻ đang có chí hướng làm linh mục, các linh mục phụ trách giáo xứ và hết mọi thành phần Dân Chúa của hai giáo phận, để mọi người đều có thể tích cực góp phần.
Bản Định Hướng và Nội Quy này đã được hai Đức Giám mục Vinh và Thanh Hóa phê chuẩn để áp dụng.
Nội dung chính gồm có hai phần Định Hướng và Nội Quy.
 
PHẦN I
 
ĐỊNH HƯỚNG
Phần Định Hướng gồm các mục:
 
1. Mục đích đào tạo – 2. Nội dung đào tạo – 3. Phương thức đào tạo – 4. Tác nhân đào tạo – 5. Tổ chức đào tạo.
 
 
I. MỤC ĐÍCH ĐÀO TẠO
Đại chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê đào tạo linh mục vừa nhằm đáp ứng nhu cầu của Hội Thánh địa phương (x. PDV 31) vừa hướng tới sứ mạng toàn cầu của Hội Thánh Việt Nam trong ngàn năm thứ ba (x. PDV 32).
Mục đích đào tạo có thể gói ghém nơi 7 tiêu chí: thánh thiện, tinh tường, tự lập, trưởng thành nhân bản và cảm tính, thành thạo trên đường tâm linh, thân tình và tận tụy (7 T).
 
– Thánh thiện
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II viết: “Ơn gọi linh mục cốt yếu là một lời mời gọi nên thánh với mô hình bắt nguồn từ bí tích Truyền chức thánh. Thánh thiện là sống thân mật với Thiên Chúa; là bắt chước Đức Kitô nghèo khó, khiết tịnh và khiêm nhường; là yêu mến các linh hồn không chút dè sẻn và biết tự hiến vì các linh hồn và vì lợi ích đích thật của họ; là yêu mến Hội Thánh, một Hội Thánh thánh thiện và hằng muốn chúng ta nên thánh, bởi vì đó chính là sứ mạng Chúa Kitô đã giao phó cho Hội Thánh. Mỗi người trong anh em cũng phải nên thánh để có thể giúp các anh em khác thực hiện ơn gọi nên thánh của họ” (PDV 33c; xem thêm PDV 19-20; 24-26; 45-50).
Để đứng vững trước áp lực của xã hội tiêu thụ và trung thành với ơn gọi, và để nên thánh, chủng sinh cần có đời sống thinh lặng nội tâm sâu xa. Hằng ngày chủng sinh cần biết yêu mến thinh lặng và tập sống thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa. Sự thinh lặng ấy sẽ tạo nên bầu khí tinh thần cần thiết cho đời sống cầu nguyện và thức tỉnh cũng như cho việc cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa và được sự hiện diện ấy thu hút (x. PDV 47).
 
– Tinh tường
“Ngày nay, công cuộc phúc âm hóa mới mà Chúa mời gọi Hội Thánh thực hiện khi bước vào thiên niên kỷ thứ ba này lại chính là một thách đố làm cho việc đào tạo tri thức trở nên khẩn thiết hơn… Hoàn cảnh hiện tại được đánh dấu sâu đậm bởi một thái độ tôn giáo dửng dưng, bởi một sự ngờ vực…, bởi những vấn nạn mới do các phát minh khoa học và kỹ thuật khơi dậy. Tất cả những điều ấy đòi hỏi mãnh liệt phải có một trình độ đào tạo trí thức ưu tú nhằm giúp cho các linh mục có thể loan báo Tin Mừng bất biến của Chúa Kitô và làm cho Tin Mừng ấy trở nên đáng tin cậy trước những đòi hỏi chính đáng của lý trí con người” (PDV 51b). Nói cách khác, nó đòi hỏi người chủng sinh phải có tinh thần hiếu học và cầu tiến. “Cần phải chỉ cho các linh mục tương lai thấy sự cần thiết, những lợi ích và tinh thần của việc đào tạo trường kỳ… để đánh thức cho họ biết quan tâm và khao khát học hỏi” (PDV 71c; xem thêm 72h).
 
– Tự nguyện và tự lập
“Kỷ luật trong đời sống Chủng Viện Không những phải được coi như một trợ lực vững chãi của đời sống cộng đoàn và bác ái, mà hơn nữa, còn như một thành phần thiết yếu trong tất cả công cuộc huấn luyện để đạt được tinh thần tự chủ, phát triển được sự trưởng thành vững chắc về nhân cách, rèn luyện được những tư cách khác giúp ích rất nhiều cho hoạt động của Hội Thánh được quy củ và kết quả” (OT 11b).
Chủng sinh cần luôn tự nhắc nhở rằng mình có mặt tại Chủng viện là do nguyện vọng hoàn toàn tự do của mình muốn dấn thân đáp lại tiếng Chúa gọi để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân trong chức vụ linh mục, đúng theo ý hướng của Hội Thánh. Do đó, chủng sinh luôn tự nguyện hy sinh cố gắng trong việc tu đức cũng như học tập nhằm rèn luyện cho mình đủ khả năng phục vụ.
Chủng sinh cần chăm sóc cho mình một đời sống riêng tư với Chúa, với những giờ cầu nguyện riêng và giờ học riêng nhằm:
(1) giúp mình phát huy tính tự lập, tự quyết, tự tổ chức đời sống, tự lãnh trách nhiệm về mình, nói chung là tự điều hành bản thân mình.
(2) giúp mình ý thức dấn thân và kiên trì dấn thân.
(3) đi vào chiều sâu của đời sống nội tâm trong sự liên kết với nguồn lực là Chúa Thánh Thần, để vững tiến trên hành trình lâu dài và cam go của ơn gọi cũng như của việc tự đào tạo.
 
– Trưởng thành nhân bản và cảm tính
Phẩm giá và sứ vụ linh mục đòi hỏi người chủng sinh phải trưởng thành về nhân bản. “Để cho thừa tác vụ linh mục được dễ tin hơn và dễ đón nhận hơn xét theo phương diện nhân bản, linh mục cần trau dồi nhân cách để trở nên một nhịp cầu chứ không phải một chướng ngại cho tha nhân trong việc gặp gỡ Đức Kitô… Các linh mục tương lai cần vun trồng một tập hợp những đức tính nhân bản, cần thiết cho sự kiến tạo những nhân cách quân bình, mạnh mẽ và tự do… Bởi đó, họ có nhu cầu phải được giáo dục về lòng yêu mến chân lý, về sự chân thành, về sự tôn trọng nhân vị đối với mọi người, về ý thức công bằng, về chữ tín trong lời nói, về lòng trắc ẩn thực thụ, về tính nhất quán, cách riêng về sự quân bình trong phán đoán và trong cách cư xử” (PDV 43). Chủng sinh cần biết vượt thắng những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội để luôn sống trung thực và thanh thoát, dám vững tiến theo sự khôn ngoan của Tin Mừng, biết tránh hẳn não trạng chạy theo sự khéo léo thế gian.
Thêm nữa, hoàn cảnh ngày nay đòi hỏi người linh mục tương lai phải đạt được sự trưởng thành về cảm tính, ý thức về vị trí trung tâm của tình yêu trong cuộc sống con người. Người ứng sinh cần được giáo dục thật sự về tính dục để nhờ đó mà thêm quý chuộng và yêu mến đức khiết tịnh và có khả năng đảm nhận đặc sủng độc thân, sống đức khiết tịnh cách trung tín và hân hoan (x. PDV 44; xem thêm OT 10).
 
– Thành thạo về đường tâm linh
“Việc giáo dục toàn diện chủng sinh phải nhằm huấn luyện cho họ thực sự trở thành những vị chăn dắt các linh hồn, theo gương Chúa Giêsu Kitô là Thầy, là Linh mục và là Chủ chăn… Vì thế, mọi phương thức huấn luyện tu đức, học vấn, kỷ luật phải cùng qui hướng về mục đích mục vụ ấy” (OT 4).
Môi trường người linh mục tương lai sắp phục vụ ngày càng diễn biến phức tạp. Dân Chúa phải đối mặt với những lôi cuốn cực mạnh của xã hội tiêu thụ, với những mạng truyền thông không còn bận tâm tới luân lý, với những trào lưu bài xích Kitô giáo. Tình cảnh ấy khiến tín hữu thuộc mọi lứa tuổi ai cũng cần được hướng dẫn chính xác để đứng vững trước những luồng gió đạo lý đa chiều. Vì thế người linh mục phải thực sự có khả năng linh mục, tức là khả năng chăn dắt các linh hồn, khả năng linh hướng trong mọi hoàn cảnh (x. OT 19a; 8a).
Để đáp ứng đòi hỏi ấy, chủng viện cần giúp chủng sinh đào sâu các kinh nghiệm xây dựng đời sống tâm linh, để có khả năng hướng dẫn tâm linh cho mọi tầng lớp Dân Chúa. Trước hết người chủng sinh cần biết làm chủ giác quan, có tinh thần nghèo khó, từ bỏ và tự nguyện sống khổ chế. Chủng sinh cần biết đào sâu thinh lặng nội tâm để có khả năng nhận rõ và thi hành ý Chúa trong cuộc sống.
Người linh mục triều nghĩa là linh mục ở giữa đời, phải xác tín và thấm nhuần con đường nên thánh giữa đời để có thể hướng dẫn các tín hữu đang phải lăn lộn giữa đời. Linh mục triều là là thành phần quan trọn của Hội Thánh Công Giáo, phải luôn đậm tính công giáo, không bị co cụm vào một góc nhìn nào riêng nhưng sẵn sàng tiếp nhận những đóng góp phong phú và đa dạng của các đoàn sủng Chúa Thánh Thần đang ban cho Hội Thánh. Cụ thể, ngay từ trên ghế nhà trường, chủng sinh cần làm quen với kinh nghiệm xây dựng đời sống tâm linh của các Dòng và Tu hội phổ thông trong Hội Thánh, cách riêng là những Dòng và Tu hội đang phục vụ trong Giáo phận. Chính khi khám phá những nét bổ trợ ở đó và tiếp nhận với tinh thần cầu tiến, người chủng sinh sẽ được thúc giục tiến nhanh trên đường hoàn thiện (x. PDV 31đe).
 
– Thân tình
“Tương quan với tha nhân mang một tầm quan trọng đặc thù. Đây là điều hết sức nền tảng đối với một người được gọi đảm trách một cộng đoàn và trở thành ‘người của hiệp thông’. người linh mục không được tự cao hay bẳn gắt, nhưng phải nhã nhặn, niềm nở và chân thành trong lời nói lẫn tâm tình, phải khôn ngoan và thận trọng, phải quảng đại và sẵn sàng phục vụ, có khả năng thiết lập tình liên đới với tha nhân và khơi dậy nơi tha nhân những mối quan hệ trong sáng và huynh đệ, mau cảm thông, tha thứ và an ủi (x. 1Tm 3,1-5; Tt 1,7-9)” (PDV 43c).
Muốn vậy, người linh mục tương lai cần biết ra khỏi chính mình, vượt khỏi thái độ chủ quan và cá nhân chủ nghĩa để quan tâm đến người khác, cảm thông chia sẻ và hợp tác với họ, khiêm tốn học hỏi nơi họ, đồng thời cũng quan tâm đến lợi ích chung của nhiều người.
 
– Tận tụy
Tông huấn Những Mục Tử Như Lòng Chúa Mong Ước viết: “Cuộc sống tâm linh của mỗi linh mục nhận sức sống và cảm hứng từ chính loại hình quyền bính này [quyền bính Đức Kitô], qua việc phục vụ Hội Thánh, bởi lẽ linh mục đã nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô là Đầu và là Tôi Tớ của Hội Thánh thì phải như thế. Như Thánh Âu Tinh có lần đã nhắn nhủ một giám trong dịp lễ tấn phong: “Người làm đầu dân chúng trước hết cần ý thức rằng mình phải là tôi tớ phục vụ nhiều người. Đừng khinh chê, tôi xin lặp lại, người làm đầu dân chúng đừng khinh chê việc trở nên tôi tớ phục vụ nhiều người, bởi vì Đấng là Chúa các Chúa đã không hề khinh chê việc trở nên tôi tớ phục vụ chúng ta” (PDV 21d).
Tông huấn cũng nhấn mạnh sự thánh thiện của linh mục thể hiện qua sự tận tụy với sứ mạng tại Hội Thánh địa phương cũng như khi lên đường truyền giáo nơi khác (x. PDV 31-32).
Học theo gương Chúa Giêsu Mục Tử và trong đức ái của Người, ngay từ trên ghế nhà trường, mỗi ngày người linh mục tương lai phải tập cần cù làm việc và tận tụy phục vụ anh em theo bổn phận mình (x. PDV 21-23).