VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG TRONG GIẢNG THUYẾT
Ngày nay, hơn bao giờ hết, người ta nói nhiều đến truyền thông. Chẳng hạn như: truyền thông đại chúng, kỹ năng truyền thông, tâm lý truyền thông, truyền thông giao tiếp, dịch vụ truyền thông, phương tiện truyền thông, chiến dịch truyền thông, truyền thông đa phương tiện v.v. Sở dĩ người ta quan tâm và nói nhiều đến truyền thông là vì nó có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và với mỗi con người nói riêng.
Thực vậy, trong cuộc sống thường ngày, mọi người chúng ta đều tham gia vào truyền thông vì ai cũng cần đến truyền thông như một cách thế không thể thiếu được nhằm mục đích chia sẻ những suy nghĩ, ý kiến, tâm tư, tình cảm, ước muốn của mình cho người khác. Chính truyền thông sẽ giúp người này hiểu người kia, nhờ đó mối quan hệ giao tiếp giữa người với người được phát triển, củng cố và thăng tiến.
Nếu truyền thông kém, dở, vụng về thì điều đó sẽ dẫn đến hậu quả là một sự thất bại nào đó trong tương quan người với người, trong gia đình, ngoài xã hội, trong nghề nghiệp và trong sinh hoạt giao tiếp của con người.
Ngày nay, Khoa học Truyền thông (Communication Science) được hình thành nhằm giúp hiểu rõ hơn cơ chế vận hành của truyền thông. Nó trang bị cho chúng ta những kỹ năng tâm lý xã hội để truyền thông tốt hơn, hiệu quả hơn, nhờ đó các mối quan hệ được cải thiện và mọi công việc sẽ thành công tốt đẹp.
1.- KHÁI NIỆM VỀ TRUYỀN THÔNG
Thuật ngữ “Truyền thông” theo nghĩa của chữ tiếng Anh “Communication” là chia sẻ, là cùng thực hiện một điều gì đó để đạt mục tiêu chung (= to share, to make common) [[1]] . Truyền thông không phải là một hành động đơn lẻ, kẻ phán người nghe là xong. Truyền thông cũng không phải hoàn toàn là một hoạt động một chiều. Vì nếu không có nơi nhận (receiver) thì không thể có truyền thông. Chẳng hạn, trong một lớp học, nếu học sinh (receiver) không chú ý lắng nghe bài giảng (message) thì thầy giáo (sender) không dạy được. Đó cũng là một hoạt động phức tạp, xảy ra liên tục. Vì vậy truyền thông luôn được hiểu như một tiến trình. Điều đó có nghĩa là có nhiều yếu tố tác động lẫn nhau trong quá trình truyền thông. Quá trình xảy ra liên tục và diễn biến liên tục.
Khái niệm truyền thông được hiểu là quá trình trao đổi thông tin, tương tác thông tin với nhau giữa hai hoặc nhiều người với nhau, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức. Khái niệm truyền thông còn được hiểu là sản phẩm của con người, là động lực kích thích sự phát triển của xã hội. [[2]]
Từ những khái niệm và ý nghĩa của truyền thông nêu trên, ta có thể liệt kê tóm tắt một số yếu tố cơ bản trong truyền thông, như sau: [[3]]
1.1. Nguồn phát (Source)
Trong trao đổi giữa hai người, mỗi bên đều vừa là nguồn phát vừa là người nhận (tin). Họ không chỉ là người nói và người nghe vì tất cả mọi giác quan (không chỉ là ngôn từ) tham gia vào động tác truyền thông. Chúng ta hiểu một người đối diện không chỉ qua lời nói mà qua cả dung mạo, cách ăn mặc, cử chỉ, ngay cả mùi nước hoa…(đây là truyền thông không lời).
1.2. Người nhận (Receiver)
Là những cá nhân hay tập thể sẽ tiếp nhận thông điệp.
1.3. Thông điệp (Messages)
Nội dung muốn truyền đạt là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình truyền thông. Nhưng đây không phải là điều đơn giản. Ta muốn nói ra một đàng mà người ta lại hiểu một nẻo là điều thường xảy ra, khiến cho truyền thông kém hiệu quả.
Thông điệp truyền đi là những ý tưởng, cảm xúc mà người phát muốn cho người nhận biết và hiểu chính xác. Chúng còn nằm “trong đầu” của người phát. Khi phát ra thì người đó phải dùng ngôn từ, cử điệu, nghĩa là nội dung ấy phải được mã hóa. Tùy hoàn cảnh, khả năng, trình độ…mà khả năng truyền đạt của mỗi người sẽ rất khác nhau.
Thông điệp nhận được là điều mà người nhận nghe, thấy, sờ, ngửi hay nếm và giải mã. Tiếp nhận, nhận thức là lý giải, tạo ra một ý nghĩa cho điều gì nhận được từ giác quan. Chẳng hạn, khi nghe một tiếng động, não của ta phải giải mã ngay đó là âm nhạc, chén bát bể hay lời nói du dương…hay đó là âm thanh lạ mà ta chưa giải thích được.
Do sự khác biệt về nhân cách, khả năng, kinh nghiệm, trình độ của người phát và người nhận nên sẽ xảy ra sự khác biệt giữa thông điệp muốn phát ra và thông điệp nhận được. Đó là điều tất nhiên.
1.4. Các yếu tố chứa đựng thông điệp (Message Carriers)
Ngoài lời nói và chữ viết, còn có nhiều yếu tố diễn đạt những điều mà người ta thực sự muốn nói. Đó là cử chỉ, ánh mắt, nụ cười, đồ vật, cách sử dụng không gian và thời gian vv. Nếu không nhạy bén, chúng ta không thẩm định được ý tưởng của người đối thoại.
1.5. Sự đáp ứng (Response) và phản hồi (Feedback)
Trong câu chuyện của hai người, người nghe luôn luôn đáp ứng lại. Sự đáp ứng này có thể được bộc lộ hay thầm kín. Khi người phát nhận được sự đáp ứng và tìm cách lý giải sự đáp ứng ấy thì gọi là phản hồi. Cách lý giải này không thể lúc nào cũng chính xác. Vì thế cần tránh chủ quan không gây hiểu lầm.
1.6. Hoàn cảnh (Situation) hay bối cảnh (Context)
Đó là nơi xảy ra tiến trình truyền thông. Hoàn cảnh là bối cảnh trong đó diễn ra quá trình truyền thông. Bối cảnh bao gồm: khía cạnh vật chất như địa điểm, kích thước phòng ốc, bàn ghế, số người hiện diện, cách bố trí chỗ ngồi, có chướng ngại che khuất không, cũng có thể là ánh sáng, khí hậu, tiếng ồn, màu sắc tường, bàn ghế vv…và khía cạnh xã hội tức là khía cạnh tâm lý xã hội xuất phát từ nội tâm các đối tượng sẽ ảnh hưởng nhiều hơn trong cách họ tiếp nhận vấn đề và tự lý giải ý nghĩa. Các khía cạnh xã hội bao gồm mục đích truyền thông, vai trò và quan hệ giữa đôi bên. Các yếu tố này ảnh hưởng những gì được nói ra, thái độ tiếp nhận điều đó, cách lời nói và hành động được lý giải và cách chọn những đáp ứng phù hợp.
1.7. Những dạng của truyền thông
Có ít nhất 5 dạng hay mức độ truyền thông. Ở đây ta chỉ bàn đến 2 dạng có liên quan đề tài bài viết. Đó là:
Truyền thông người với nhóm (person-to-group), còn gọi là truyền thông trước công chúng một chiều (public communication), một chiều – mặt đối mặt, như trường hợp diễn giả (phía phát, một hay vài người) với khán thính giả (phía nhận, đông người), có thể dùng micro hay những dụng cụ, phương tiện trực quan…
Truyền thông đại chúng (mass communication), một chiều – không mặt đối mặt, khi dùng một phương tiện trung gian để đến với công chúng, đám đông, hoặc bằng những phương tiện in ấn (như sách vở, báo chí…), hoặc qua phương tiện kỹ thuật điện tử (truyền hình, băng từ…). Trong hình thức truyền thông công chúng này, người nghe chỉ có một hình thức đáp ứng và phản hồi là không bằng lời nói. Có thể vỗ tay hay ngồi ngáp ngủ hay tắt TV, radio…mà không phát biểu được! [[4]]
1.8. Những chướng ngại – trở ngại trong truyền thông [[5]]
Theo tác giả Nguyễn Thành Thống, trong cuốn “Truyền thông, Kỹ năng và Phương tiện”, thì đa số những bất hạnh, thất bại và không hiệu quả là do những chướng ngại gây cản trở cho thông điệp nói riêng và cho việc truyền thông nói chung. “Tiếng ồn” [[6]] sẽ ngăn cản hoặc bóp méo tiến trình truyền thông.
Càng biết rõ những chướng ngại cản trở sự thông hiểu, chúng ta càng có thể trở thành những người truyền thông tốt. Có khá nhiều chướng ngại, chẳng hạn như:
1.8.1. Sự không chú ý
Sự không chú ý, hoặc sự thiếu quan tâm (cùng với những thói quen ít chú ý lắng nghe) giải thích nhiều khía cạnh của vấn đề. Sự cạnh tranh chú ý của tất cả những gì xảy ra xung quanh chúng ta khiến chúng ta rất khó tập trung chú ý vào mỗi một việc truyền thông. Chúng ta có khuynh hướng lựa chọn để tránh phải khổ sở vì sự quá tải của thông tin.
1.8.2. Sự diễn đạt nghèo nàn
Những thông điệp diễn đạt kém sẽ không truyền thông được. Để truyền thông hiệu quả, nhất thiết chúng ta phải quan tâm làm sao cho việc diễn đạt thật rõ ràng và chính xác.
1.8.3. Sự nhận định vội vã
Sự nhận định vội vã xảy ra khi một người vừa mới nghe một phần thông điệp đã vội rút ra những kết luận và không chịu nghe tiếp.
1.8.4. Những cảm xúc
Những cảm xúc thường gây trở ngại cho truyền thông. Khi ta cảm thấy vô cùng ghét, sợ, thương hoặc giận…ta không thể truyền thông mạch lạc được. Khi một cuộc thảo luận không còn kiểm soát được nữa vì sự xúc động mạnh thì cần phải có một khoảng thời gian để làm dịu lại. Người đang bị xúc động mạnh thì không thể dịu xuống ngay để đưa ra một giải pháp hợp lý cho vấn đề. Đây là lý do tại sao nhiều cuộc tranh chấp đã phải mất một thời gian dài mới giải quyết được.
1.8.5. Những chướng ngại vật chất
Những chướng ngại vật chất thường gây những khó khăn lớn và dẫn đến những thông điệp bị nhầm lẫn. Đó có thể là những âm thanh lộn xộn, thị lực kém, sự mệt mỏi, không thông thoáng, sức khỏe yếu, stress, và nhiều khó khăn khác…
1.8.6. Những khác biệt cá nhân
Những đặc điểm của mỗi người cũng sẽ ảnh hưởng đến truyền thông. Chúng có thể tạo nên những chướng ngại cho việc truyền thông. Đó là giới tính, tuổi tác, mức độ tự tin, kinh nghiệm, trình độ học vấn, chúng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, niềm tin, khả năng tiếp thu vv. Về ngôn ngữ, cũng có những yếu tố tạo chướng ngại, như tiếng địa phương, âm điệu, thành ngữ.
1.8.7. Thiếu sự hồi tiếp
Một trong những trở ngại quan trọng trong truyền thông là thiếu sự hồi tiếp (hay phản hồi). Để truyền thông có hiệu quả phải có ai đó sẵn sàng để nói và ai đó sẵn sàng để nghe và đáp lại. Nếu thiếu một trong những yếu tố này, sẽ có sự gián đoạn trong truyền thông.
2.- TRUYỀN THÔNG VÀ GIẢNG THUYẾT
2.1. Vấn đề nói trước công chúng
Như trên đã nói, có nhiều dạng truyền thông. Một trong những dạng quan trọng mà ta đề cập sau đây, đó là truyền thông công chúng hay vấn đề nói trước công chúng. Đây là việc truyền thông giữa người-với-nhóm (person-to-group), gọi là truyền thông trước công chúng (public communication), một chiều – mặt đối mặt, như trường hợp diễn giả (phía phát, một hay vài người) với khán thính giả (phía nhận, đông người), có thể dùng micro hay những dụng cụ, phương tiện trực quan.
Chúng ta biết rằng, việc nói trước công chúng luôn là một việc khó khăn và không đơn giản. Bởi vì, như ta thường nói đó là “Nghệ thuật nói trước đám đông”. Mà đã là thuật, nghệ thuật thì cần phải ứng dụng những quy luật về khoa học truyền thông và tâm lý truyền thông, phải thực hành những kỹ năng chuyên biệt về truyền thông, phải có tấm lòng yêu thích đam mê công việc ấy, phải đầu tư nhiều công sức nhằm nâng cao chất lượng phục vụ…Thầy giáo, nhà giảng thuyết, diễn giả, giảng viên, nhà giáo dục đào tạo, nhà lãnh đạo, nhà hùng biện, linh mục vv…hết thảy đều có cơ hội xuất hiện trước đám đông, tập thể, công chúng để thể hiện vai trò và nhiệm vụ của mình. Ngoài năng khiếu tự nhiên, họ phải được rèn luyện và tự rèn luyện để nâng cao kỹ năng truyền thông của mình.
Đức cố TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc trong bài viết “Canh tân việc giảng Lời Chúa trong thánh lễ” đã chia sẻ như sau:
“Khi cử hành thánh lễ, đặc biệt là thánh lễ Chúa Nhật, linh mục có nhiệm vụ sửa soạn cho giáo dân hai bàn tiệc: bàn tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa. Cả hai bàn tiệc đều quan trọng, và có quan hệ mật thiết. Bàn tiệc Lời Chúa vừa nuôi sống, vừa chuẩn bị cho người Kitô hữu hiệp thông mật thiết với Đức Kitô trong bí tích. Chúng ta dừng lại ở bàn tiệc Lời Chúa, cách đặc biệt ở bài giảng lễ, vì đây là một nhiệm vụ vừa quan trọng, vừa vô cùng khó khăn. Giảng lễ còn là một nghệ thuật cần phải không ngừng trau dồi, vừa có hiệu năng nhờ ân sủng siêu nhiên. Hai yếu tố tự nhiên và siêu nhiên trong việc giảng lễ có tương quan hữu cơ với nhau. Yếu tố này tùy thuộc và phát huy sức mạnh nhờ yếu tố kia.” [[7]]
Khi linh mục bước lên giảng đài là lúc ngài bắt đầu tham gia một tiến trình truyền thông. Trước hết, bài giảng (thông điệp cần truyền đạt) sẽ được chuẩn bị từ trước, với một nội dung có định hướng (theo Phụng vụ, theo ngày lễ…). Bài giảng là một phần trong thánh lễ nên bầu khí lúc giảng phải trang nghiêm, linh thánh. Bản thân vị giảng thuyết khi xuất hiện trước một cử tọa đông đảo phải giữ một tác phong thích hợp với việc cử hành Phụng vụ thánh. Khung cảnh trong giờ giảng thuyết cũng cần đảm bảo trang trọng, nghiêm túc vì đang cử hành thánh lễ. Âm lượng của hệ thống âm thanh cần lớn đủ để mọi người có thể nghe rõ ràng, chính xác. Bài giảng cũng không thể kéo dài “miên man” không điểm dừng, mà cần điều tiết sao cho đủ “liều”, đủ “lượng” vì thời gian của thánh lễ cũng có giới hạn…
ĐGM GB. Bùi Tuần Gp Long Xuyên, trong tập “Hành trình Phục sinh – Nói với giáo dân” đã viết như sau:
“Có những vẻ đẹp của văn hóa khoa học trong đó các hệ thống âm thanh, ánh sáng, nhất là trong cách tổ chức lễ, có trật tự, có ăn khớp, có chính xác. Có những vẻ đẹp của văn hóa nhân văn ở bầu khí lịch sự, tế nhị, bác ái, trong đó mỗi người đều được kính trọng, và mỗi người đều biết tự trọng, tự thức, tự hiểu trách nhiệm của mình đối với cuộc lễ. Có những nét đẹp của văn hóa Thánh Kinh, ở thái độ cộng đoàn tập trung cầu nguyện, tạ ơn, trân trọng lắng nghe Lời Chúa, thinh lặng suy gẫm Lời Chúa và sốt sắng hiệp thông với Hội thánh...Đây là một đức tin được biểu lộ qua những vẻ đẹp của các loại hình văn hóa, nơi con người, nơi cộng đoàn, nơi môi trường, nơi nghi lễ và bầu khí phụng vụ. Thiết tưởng đức tin này sẽ được dễ hiểu như một tin mừng có nhiều khả năng thăng tiến con người về nhiều mặt, nhất là về mặt tâm linh.” [[8]]
Việc giảng thuyết của linh mục tại giảng đài đích thực là một “nghề nói trước công chúng”, nó đòi hỏi diễn giả phải có “bản lĩnh nghề nghiệp”, tự tin, bình tĩnh và nhạy bén. Nếu không, việc truyền thông trên giảng đài sẽ gặp nhiều trở ngại. Linh mục giáo sư hùng biện Thomas V. Liske trong cuốn “ Thành công trên tòa giảng”, đã viết như sau:
“Không có nghề nào phải nói nhiều hơn nghề linh mục. Ta có thể nói không ngoa chút nào rằng linh mục ‘sống’ để ‘nói’. Bên cạnh ảnh hưởng mạnh mẽ của gương sống và kinh nghiệm, thì lời giảng thuyết của linh mục là sức mạnh hay phương thế chủ yếu giúp cho sứ vụ của ngài được thành công. (…).
“Đặc biệt, ngài phải nắm vững khả năng truyền đạt tư tưởng đầy hiệu năng của diễn giả. Công việc của ngài quan trọng nhất trong mọi hoạt động của nhân loại. Ngài sinh ra đời chỉ để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chức vụ trung gian ấy buộc ngài phải nói và nói có kết quả cho dân mình, truyền cho họ niềm tin và giáo huấn luân lý mà Con Thiên Chúa đã trao ban cho con người như là phương thế để đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu trên trời…” [[9]]
2.2. Vai trò của truyền thông trong mục vụ giảng thuyết
Chúng ta biết rằng, truyền thông không phải là giảng thuyết nhưng giảng thuyết thì hiển nhiên là một hành vi, một hoạt động mang tính chất truyền thông. Mặc dù giảng thuyết là truyền thông một chiều, nhưng mặt đối mặt, phía tiếp nhận thông điệp lại là một cử tọa đặc biệt (cộng đoàn tín hữu), khung cảnh của việc truyền thông cũng đặc thù (nghi thức Phụng vụ, thánh lễ, buổi tĩnh tâm…). Vì thế diễn giả sẽ luôn coi đó là một phận vụ cực kỳ quan trọng, nghiêm túc và linh thánh.
Các mục tử của Chúa khi rao giảng và dạy dỗ, không thể không nhận ra rằng trong khi rao giảng và dạy dỗ, các ngài đích thực là một nhà truyền thông (Communicator), một phát ngôn viên của Thiên Chúa, một công cụ mà qua đó Thiên Chúa và Hội thánh nói với Dân Chúa. Khi thi hành nhiệm vụ quan trọng này, linh mục phải hiện diện để nói, diễn giải, chia sẻ, trình bầy, phân tích, thuyết phục, khuyến khích, động viên… Tất cả những việc đó, nếu được thực hiện với một tâm hồn tông đồ và với kỹ năng chuyên nghiệp của một nhà truyền thông thì chắc chắn hiệu quả phục vụ sẽ rất cao.
Thánh Phao-lô đã nhắc nhở môn đệ ngài như sau: “Hãy rao giảng lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ, với tất cả lòng nhẫn nại và chủ tâm dạy dỗ. Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh.” (2Tm 4, 2-5)
Trở lại vấn đề truyền thông trong bối cảnh giảng thuyết, chúng ta thất có 4 yếu tố tác động hỗ tương. Đó là: Người giảng – Người nghe giảng – Bài giảng – Khung cảnh hay bầu khí trong lúc giảng. Trong truyền thông giảng thuyết, 4 yếu tố này luôn hỗ trợ nhau cách chặt chẽ. Chính vì vậy, các yếu tố nêu trên sẽ làm gia tăng hiệu quả hoặc sẽ làm suy giảm việc truyền đạt của mục tử trong giảng thuyết.
Sau đây, ta có thể đưa ra mấy ví dụ về những trở ngại của truyền thông có thể xảy ra trong giảng thuyết do các yếu tố liên quan không hỗ trợ nhau.
- Nhà giảng thuyết uyên bác, bài giảng súc tích, nhưng cử tọa bình dân không hiểu gì hay chỉ hiểu lơ mơ vì nội dung thông điệp “cao siêu” quá! Trong giảng thuyết, nếu bài giảng không đáp ứng nhu cầu và khát vọng người nghe, do nội dung đề tài không thích hợp hoặc cách trình bày không sát trình độ và nhận thức của cử tọa, thì chắc sẽ khó đạt kết quả mong muốn. Ngoài ra theo ý kiến của linh mục giáo sư hùng biện Thomas V.Liske trong cuốn “Thành công trên tòa giảng” thì có thể: “Nhà giảng thuyết muốn khoe tài văn chương, phô trương kiến thức hoặc thỏa mãn một ý thích riêng tư nào đó thì việc giảng thuyết gặp trở ngại và thất bại là điều đương nhiên.”
- Cử tọa rất chăm chú lắng nghe, âm thanh rất rõ nhưng diễn giả thì “đọc” bài viết soạn sẵn chứ không phải là giảng (Homilia), là nói chuyện, là chia sẻ nữa…Ai muốn nghe thì nghe, ai hiểu được gì thì hiểu! Quả thực, có một thực tế là: “Trên tòa giảng, nhiều linh mục cũng làm y như các học sinh trả bài trên lớp vậy. Có nhiều vị ‘đọc thuộc lòng’ trên tòa giảng. Nếu vô tư quan sát, ta sẽ thấy tình trạng ấy thật là kỳ cục: diễn giả đọc bài do mình hay người khác viết hay bài mình tóm tắt, trong khi cộng đoàn bị giọng đọc buồn tẻ ấy ru ngủ, chán chường trước cảnh thiếu vắng quen thuộc với sự tiếp cận tươi mát những chân lý của cuộc sống và tôn giáo, nên chỉ còn biết nhẫn nại chịu đựng, lơ đãng nhìn các hình ảnh trên tường hoặc trên bàn thờ để chờ đợi, chờ đợi cái kết thúc ảm đạm. Trên tòa giảng cũng như dưới các hàng ghế đều một cách nhẫn nại chịu đựng để rồi cùng thở ra nhẹ nhõm khi kết thúc.” [[10]]
- Vị giảng thuyết say sưa nói, thính giả chăm chú nghe, khung cảnh trang nghiêm…nhưng cái âm thanh “chết tiệt” lâu lâu hú lên một cái, mấy chú giúp lễ chạy lăng xăng sửa cái này, thay cái kia, trong khi anh thợ quay phim chụp hình nào đó chĩa cái đèn pha ánh sáng chói lòa vào vị chủ lễ đang đứng trên giảng đài, đồng thời lia lia cái ống kính đến từng hàng ghế cộng đoàn, kẻ tới người lui, cứ loạn cả lên, như đang trong buổi trình diễn văn nghệ nào đó vậy!... Một “hoạt cảnh” như thế không thể không ảnh hưởng đến việc truyền đạt Lời Chúa của vị giảng lễ, đến sự tiếp nhận thông điệp từ phía cộng đoàn và nhất là phá vỡ bầu khí trang nghiêm của thánh lễ.
Tóm lại, trên đây chỉ là một vài ví dụ điển hình thường xảy ra trong thực tế tại nhiều nơi. Những sự việc này không ít thì nhiều cũng gây trở ngại không nhỏ cho việc truyền thông của vị giảng thuyết trên giảng đài. Khi giảng thuyết, diễn giả không nói một mình, không nói bâng quơ trong một không gian câm lặng, nhưng là nói với một cử tọa sống động. Ngài phải vận dụng mọi cách làm sao nội dung truyền đạt đến được với từng người nghe, nhờ vậy mà bài giảng mới đạt hiệu quả cao.
Tác giả Thomas V. Liske đã viết: “Nguyên tắc quan trọng nhất phải nắm là: mọi loại diễn giảng đều nhằm truyền đạt tư tưởng. Truyền đạt có nghĩa là kết hợp, trao đổi, là cho và nhận. Khi giảng, linh mục phải là một diễn giả hiệu nghiệm. Một linh mục giảng giải và gia tăng kiến thức tôn giáo trong tâm trí thính giả đồng thời khích lệ họ hoạt động và sống trọn vẹn đời sống Ki-tô hữu là một diễn giả thành công. (…) Ta thường truyền đạt được khi nói và nói cho thật hay. Ta không luôn nhận thức được rằng sự truyền đạt tốt nhất được thực hiện trong câu chuyện bình thường. Thực vậy, quả là ‘lạ lùng’ khi ‘đối thoại’ là đồng nghĩa với ‘truyền đạt’. Điều đó cho thấy rõ bản chất đích thực của truyền đạt là qua lời nói.”
3.- ĐỂ TRUYỂN THÔNG HIỆU QUẢ TRONG GIẢNG THUYẾT
3.1. Một số nguyên tắc chung:
Tác giả Thomas V. Liske đã đưa ra những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật giảng thuyết, mà nếu diễn giả cố gắng áp dụng một cách triệt để thì sẽ thành công. Đó là:
- Giảng không phải là trả bài nhưng là truyền đạt tư tưởng;
- Diễn giả thành công không sợ tòa giảng;
- Phát ngôn viên trực tiếp tiếp xúc với cử tọa;
- Phải là một “tiểu diễn viên”;
- Phải chuẩn bị chu đáo;
- Tuân thủ những luật lệ trước tác riêng (vì bài giảng không phải là một bài tiểu luận);
- Phải nhắm một mục tiêu rõ ràng;
- Đảm bảo bài giảng có tính thuyết phục tối đa… [[11]]
Để truyền thông hiệu quả trong giảng thuyết, chúng ta cần lưu ý tới nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề nội dung bài giảng và cách giảng. Bên cạnh đó, ta cũng lưu ý đến một số kỹ năng truyền thông cơ bản như ngôn ngữ giảng, cử điệu, giọng nói và tác phong diễn giả. Trước hết, ta bàn đến hai vấn đề chính, đó là nội dung giảng và cách giảng.
3.2. Về nội dung bài giảng:
Diễn giả nên lưu ý mấy điểm liên quan đặc điểm kỹ thuật, như sau:
- Bài giảng nên được đầu tư, chuẩn bị kỹ, được suy nghĩ-soạn-viết trước;
- Nội dung bài giảng nên gọn nhẹ, trong sáng, có chủ đề và chủ điểm rõ ràng;
- Tập trung khai thác Lời Chúa, giáo lý, giáo huấn của Hội thánh, dùng Lời Chúa cắt nghĩa cho Lời Chúa;
- Có được điều gì đó mới mẻ;
- Theo sát tinh thần Phụng vụ ngày lễ, ngày Chúa nhật;
- Giọng văn gần gũi, thân tình, khiêm tốn;
- Từ ngữ, văn phong sáng sủa, thích hợp trình độ của đa số người nghe, dùng từ ngữ, chính xác, thận trọng;
- Có ẩn chứa một hai bài học khả thi trong cuộc sống;
- Đảm bảo thời lượng vừa phải, hợp lý;
- Có “mở” và có “đóng”, thiết kế bố cục sao cho hợp lý, dàn dựng ý tưởng cách khoa học …
3.3. Về cách giảng:
Diễn giả nên lưu ý mấy điểm liên quan kỹ năng truyền thông, như sau:
- Giọng nói rõ, to, chậm, có nhịp điệu thích hợp;
- Cử chỉ, cử điệu khoan thai, nhẹ nhàng hợp lý;
- Nhìn cử tọa, biểu lộ tương tác hai chiều, có tiếp xúc giao cảm, có thu hút kết nối;
- Tạo hiệu quả cho nội dung diễn giảng thông qua cách nói sinh động, cử chỉ linh hoạt, giọng nói lôi cuốn, sử dụng “ngôn ngữ không lời”, “ngôn ngữ cơ thể” có hiệu quả, có chuẩn mực;
- Lập đi lập lại Lời Chúa và những ý trọng tâm để giúp cử tọa dễ nhớ …
3.4. Cách sử dụng ngôn ngữ giảng
3.4.1. Giọng nói
Trong bài viết có tựa đề: “Kỹ năng diễn thuyết cơ bản”, tác giả đã bàn về vấn đề giọng nói của người diễn thuyết như sau: [[12]]
Giọng nói có thể được coi là công cụ giá trị nhất của người diễn thuyết. Nó chứa đựng hầu hết nội dung mà người nghe thu nhận được. Một trong những điểm kỳ lạ trong việc diễn thuyết là chúng ta rất dễ dàng chỉ ra trong giọng nói của người khác có vấn đề gì, như nhanh quá, cao quá, trầm quá..., nhưng lại không tự nhận ra và sửa chữa được những vấn đề ngay trong giọng nói của chính mình.
Dưới đây là những điểm chính để đánh giá chất lượng của một giọng nói:
- Âm lượng: Dù là nói to hay nói bé, điều quan trọng nhất vẫn là người nghe có thể nghe được mà người nói không phải hét lên. Một người diễn thuyết tốt phải biết hạ giọng khi muốn lôi kéo người nghe, và lên giọng khi muốn nhấn mạnh một điểm nào đó.
- Sắc thái: Đó chính là cá tính của mỗi âm thanh. Âm thanh của một chiếc máy bay khác hẳn âm thanh của một làn gió. Một giọng nói có sắc thái lo sợ cũng sẽ khiến người nghe lo sợ theo, trong khi một giọng nói vui tươi sẽ khiến người nghe mỉm cười.
- Cao độ: Đó là độ cao thấp của giọng nói, không ai giống ai. Ví dụ: Pee Wee Herman (diễn viên, nhà văn, nhà soạn kịch hài người Mỹ nổi tiếng) có giọng nói cao, Barbara Walters (người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng ở Mỹ) có giọng nói trung bình, trong khi James Earl Jones (diễn viên điện ảnh và kịch nói da đen nổi tiếng của Mỹ) lại có giọng nói trầm.
- Nhịp điệu: Đó là trường độ của âm thanh phát ra. Nói nhanh sẽ khiến từ và âm tiết được phát âm ngắn, trong khi nói chậm sẽ khiến chúng bị kéo dài. Biết điều chỉnh nhịp điệu nói sẽ duy trì được sự chú ý của người nghe.
- Màu sắc: Hãy kiểm chứng yếu tố này bằng cách nói câu “Chính sách mới này sẽ thú vị lắm đây!” với nhiều cảm xúc khác nhau: đầu tiên là ngạc nhiên, sau đó là mỉa mai, rồi buồn bã, và cuối cùng là giận dữ. Cùng một câu nói nhưng cảm xúc bạn lồng vào đó sẽ khiến câu nói tạo ra những hiệu quả khác nhau.
Một trong những điểm đáng phê phán nhất ở những người diễn thuyết đó là giọng nói quá đều đều đơn điệu. Người nghe sẽ cảm thấy người diễn thuyết này thật buồn chán và tẻ nhạt. Đa số người nghe đều thừa nhận rằng họ chẳng lĩnh hội được gì mấy và đánh mất sự chú ý rất nhanh khi phải nghe những người diễn thuyết không chịu học cách điều chỉnh giọng nói của mình…
3.4.2. Ngôn ngữ truyền thông
ĐGM Phê-rô Nguyễn Khảm, trong tập sách tựa “Giảng thuyết – Hồng ân và trách nhiệm”, đã dành hẳn một chương (7) để nói về ngôn ngữ giảng. Ngay phần mở đầu, ngài đã viết như sau:
Soạn một bài giảng khác với viết một bài văn vì viết là để đọc, còn giảng là để nghe. Đọc một bài viết, người đọc có thể dừng lại để thưởng thức một câu văn hay nghiền ngẫm chiều sâu một tư tưởng, còn khi nghe một bài giảng, câu này tiếp nối câu kia, ý này nối tiếp ý nọ, liên tục và không đứt đoạn. Đọc một bài viết, người đọc chỉ tiếp cận tư tưởng của tác giả, còn nghe một bài giảng, người ta không chỉ tiếp cận tư tưởng nhưng là cả con người diễn giả: phong cách, thái độ.
Chính vì thế xuất hiện vấn đề ngôn ngữ giảng thuyết. Làm thế nào để có thể bắc một nhịp cầu giữa người nói và người nghe, chuyển tải được nội dung Lời Chúa đến tai người nghe và để Lời còn đọng lại trong tâm hồn cử tọa. [[13]]
Đi sâu vào nội dung chương 7 nói về ngôn ngữ giảng, ta nhận thấy ĐGM P. Nguyễn Khảm trong tập sách đã dẫn, đã giới thiệu với chúng ta một nhóm các loại hình ngôn ngữ giảng, chẳng hạn: Ngôn ngữ nói, ngôn ngữ đàm thoại, ngôn ngữ diễn cảm, ngôn ngữ hình tượng, ngôn ngữ không lời. Trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi xin mạn phép trích dẫn một số ngôn ngữ tiêu biểu trong giảng thuyết qua phần tóm lược sau đây:
- Ngôn ngữ nói
Để sử dụng ngôn ngữ nói cách hiệu quả: Ta nên quan tâm đến những yếu tố như: chính xác, đơn giản và mạch lạc.
Chính xác. Từ ngữ là những biểu tượng diễn tả các ý niệm hay sự vật. Do đó cần phải chọn lựa những từ ngữ chính xác để diễn tả điều ta muốn nói; nếu không, người nghe có thể nghe cùng một từ ngữ nhưng lại hiểu cách khác. Những từ ngữ trừu tượng dễ rơi vào tình trạng này, vì thế nên chọn những từ ngữ cụ thể hơn là trừu tượng. Cũng vì thế, cùng với sự chính xác, ta nên chọn từ ngữ và cách diễn đạt đơn sơ, dễ hiểu.
Đơn giản. Abraham Lincoln đã nói: “Bạn hãy nói làm sao để những người bình dân nhất cũng hiểu được”. Đơn sơ không đồng nghĩa với tầm thường, vấn đề là làm sao biết dùng những từ ngữ cụ thể có khả năng chuyển tải ý nghĩa chính xác mà ta muốn nói.
Mạch lạc. Khác hẳn với việc đọc một bài văn, người nghe một bài thuyết trình không có thời gian để xem lại trang sách đã đọc hay những đoạn văn trước. Vì thế bài thuyết trình cần có sự mạch lạc. Ta có thể dùng những từ có khả năng tạo sự mạch lạc, ví dụ: trước hết, điểm kế tiếp là, vì thế, do đó… Cũng có thể giúp người nghe thấy được sự mạch lạc bằng những câu tóm tắt. Có hai loại tóm tắt: tóm tắt ở phần đầu để dẫn vào bài giảng, và tóm tắt ở phần cuối để đúc kết. Những câu tóm tắt này giúp người nghe có được cái nhìn toàn bộ về bài giảng cũng như sự nối kết giữa các ý tưởng, nhờ đó họ lĩnh hội được nhiều hơn.
- Ngôn ngữ không lời
Nhận xét. Trong cuộc sống hằng ngày, con người không chỉ sử dụng ngôn -ngữ-bằng-lời nhưng còn thường xuyên sử dụng ngôn-ngữ-không-lời: đôi mắt mở to biểu lộ sự ngạc nhiên, bàn tay nắm lại vì tức giận, một cái lắc đầu từ chối… Trong nhiều trường hợp, ngôn ngữ không lời còn có khả năng diễn đạt phong phú và hùng hồn hơn nhiều so với lời nói: một ánh mắt, một nụ hôn, và chính sự thinh lặng. Như thế, dù bằng lời hay không lời, cả hai đều là ngôn ngữ, nghĩa là phương thế diễn đạt nội dung bên trong, tức là tâm tư, tình cảm, suy tư và ước muốn của mình. Chính vì thế, nếu không có lời nội tâm, ngôn ngữ sẽ trở thành rỗng tuếch và cử điệu chỉ là cử điệu vô hồn. (…)
Cử điệu là một thứ ngôn ngữ diễn đạt lời nội tâm, cử điệu phải xuất phát từ nhu cầu nội tâm. Chẳng hạn, ta có một cử chỉ do dự là vì tâm trí và lời nói của ta đang do dự. Ta làm một cử chỉ như cầu xin vì chính lòng ta đang van nài Chúa hoặc khẩn nài cộng đoàn hãy hành động. Những cử điệu xuất phát từ tâm hồn như thế bao giờ cũng chân thành chứ không giả dối, và chỉ có sự chân thành mới có thể chạm đến tâm hồn người nghe.
Thực hành.
. Phong cách: Phong cách ở đây bao hàm cách đứng cách ngồi, cách đi lại của diễn giả. Đối với linh mục, phải nói đến cả cung cách cử hành thánh lễ chứ không phải chỉ là cung cách khi giảng dạy.
. Những biểu hiện trên khuôn mặt: Những biểu hiện này vừa diễn tả tâm tình của diễn giả vừa chuyển tải những tâm tình đó đến với người nghe. Albert Mehrabian, một nhà tâm lý, đã đưa ra kết quả nghiên cứu của ông về vai trò của những yếu tố trong hoạt động truyền thông: từ ngữ chiếm 7%, giọng nói chiếm 38%, và cách diễn tả trên khuôn mặt chiếm đến 55%. Trong những biểu hiện trên khuôn mặt, cần quan tâm đặc biệt đến việc tiếp xúc bằng mắt với cử tọa. Việc tiếp xúc này sẽ tạo nhịp cầu gặp gỡ giữa người nói và người nghe, và làm cho bài giảng sinh động hơn nhiều.
. Cử điệu: Những hoạt động của đầu, vai, cánh tay, bàn tay…nhằm mục đích diễn tả và minh họa tư tưởng của diễn giả. Có những cử điệu mang tính quy ước và mọi người đều hiểu, ví dụ cử chỉ của trọng tài bóng đá. Có những cử chỉ diễn tả tư tưởng, chẳng hạn diễn tả dùng tay để mô tả kích thước, hình dáng của một đồ vật. Cũng có những diễn tả nhằm diễn tả tâm tình, ví dụ nhún vai, khoát tay, giơ thẳng tay chỉ vào một điểm nào đó, hoặc cúi đầu và để bàn tay trên ngực... Tất cả đều là những thứ ngôn ngữ không lời. Điều quan trọng là những cử điệu này phải linh động, thoải mái và chân thành, không máy móc, cầu kỳ hay giả tạo. Nếu không, thay vì minh họa và diễn tả nội dung truyền thông, những cử điệu đó có thể làm hỏng mục đích diễn giả muốn nhắm tới…
Kết
Một bài giảng tốt, ngoài nội dung hàm chứa trong đó, cũng cần được người giảng vận dụng những cách thức cần thiết để truyền đạt sao cho người nghe được thấm vào tận bên trong tâm hồn mình. Những cách thức đó, nói cách chuyên môn, đó là những kỹ năng truyền thông. Giảng cũng thuộc về một dạng truyền thông đại chúng. Vì thế vị giảng lễ không thể không quan tâm tới những yếu tố có tầm ảnh hưởng khá lớn tới việc truyền đạt thông điệp. Như cử điệu, giọng nói, ánh mắt, nụ cười, ngôn ngữ cơ thể, sự tương tác giữa người nói và cử tọa vv. ĐTC Phan-xi-cô thì cho đó là sự gần gũi của giảng viên, sự ấm áp của âm giọng, sự đơn sơ không phô trương trong cách nói, và sự vui vẻ trong các điệu bộ của giảng viên (x.TH. Niềm Vui Tin Mừng số 140).
ĐTC Phan-xi-cô trong Tông huấn “Niềm Vui của Tin Mừng” (Evangelii Gaudium) công bố ngày 26-11-2013 cũng đã nhắc nhở như sau: “Bài giảng là viên đá thử để đánh giá sự gần gũi và khả năng truyền thông của người mục tử với dân chúng. Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân vì phải nghe các bài giảng, còn các giáo sĩ vì phải giảng bài! Đây là trường hợp đáng buồn. …Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên.” (số 135) ./.
Aug. Trần Cao Khải
[[3]] Nguyễn Thị Oanh – Tâm lý truyền thông và giao tiếp – ĐH Mở Bán công TPHCM – 1993 – Trang 33-35
[[6]] Tiếng ồn (Noise): Bất cứ sự phá vỡ nào trong tiến trình truyền thông đều được coi như là tiếng ồn. Điều này có thể xảy ra bên trong, như trong trí con người, vd: ta có thể cho người ta quá nhiều thông tin, sự quá tải về thông tin sẽ tạo ra ‘tiếng ồn’ và làm giảm sự truyền thông; có thể xảy ra bên ngoài dưới dạng những yếu tố vật chất gây xao lãng như căn phòng thiếu ánh sáng hoặc quá nóng, quá lạnh chẳng hạn (x.Nguyễn Thành Thống, sđd, trang 8-11).
[[7]] Đức cố TGM Phao-lô Bùi Văn Đọc - Canh tân việc giảng Lời Chúa trong thánh lễ - Nguồn: tinvuixuanloc.vn
[[8]] ĐGM GB. Bùi Tuần - Hành trình Phục sinh – Nói với giáo dân – Gp Long Xuyên tháng 4-1997 trang 26-27