Truyện Ngắn Công Giáo: Bên rặng Hy Mã Lạp Sơn
Như thường lệ, sau thời khoá tụng kinh lúc sáng sớm, đại sư Rimmar đi bách bộ ngắm hoa trong vườn sau đó là dùng bữa sáng. Thế nhưng hôm nay thì khác. Hôm nay đại sư dùng bữa sáng sớm hơn mọi khi với chút bánh mỳ, sữa với rau cải ngọt cùng với một số huynh đệ trong khuôn viện. Hôm nay đại sư không bách bộ như mọi ngày. Dùng bữa sáng xong, đại sư lững thững một mình tiến đến bàn đá dưới cội mai già là nơi mà đại sư vẫn thường uống trà với các huynh đệ và du khách thập phương mỗi khi đến thăm.
Ngồi dưới bàn đá, đại sư nhắm nghiền mắt lại như đang thiền toạ, trên tay lần chuỗi hạt Bồ đề, miệng lâm râm những câu thần chú và tụng niệm danh hiệu các vị Phật.
Đại sư Rimmar có cái tên giống với tên người Tây Tạng nhưng thực ra ngài là người Trung Hoa. Tên tục ngài là “Lương Đế”, pháp danh “Triều Châu” vì ngài đến từ vùng Triều Châu xứ Trung Hoa. Trước đây ngài lãnh trách nhiệm Giáo chủ Giáo hội Phật giáo Trung Hoa, sau khi từ nhiệm chức vụ, ngài vân du khắp nơi và sau đó ngài chọn ở ẩn tại một tu viện tại Tây Tạng bên rặng Hy Mã Lạp Sơn này. Theo như cộng đồng Phật giáo Trung Hoa và thế giới thì ngài là một bậc cao tăng đắc đạo, là vị tôn sư thạc đức rất được kính trọng. Ngài nổi tiếng với hạnh đầu đà, sống kham khổ và hết mình với đạo pháp. Thuở còn trẻ, ngài đã từng gây tiếng vang với cộng đồng phật tử thế giới khi một mình thực hành hạnh “Tam bộ nhất bái” từ núi Phổ Đà Trung Hoa sang tới thánh địa Nepal – quê hương Đức Phật để thể hiện lòng tri ân bậc giác ngộ cao cả đã khai sáng Phật pháp, chiếu toả ngọn đuốc trí tuệ từ bi cho nhân loại…
Sáng nay ngài có hẹn với một vị thầy Công Giáo theo lịch trình từ trước. 8 giờ sáng vị khách sẽ đến nhưng ngài đã toạ thiền chờ đợi trước nửa giờ tại bàn trà. Vị khách quý hôm nay ngài sẽ tiếp chuyện là thầy Viên Đạo – Bề trên tổng quyền Dòng “Huynh đệ của Đức Kitô” tại Việt Nam. Đại sư Rimmar thân quen với thầy Viên Đạo nhân cuộc gặp Đại kết các tôn giáo trên thế giới diễn ra tại Assisi nước Ý cách đây mấy tháng trước.
“8 giờ sáng”, “Tại khuôn viên tu viện Pháp Quang”
- Kính chào đại sư! Ngài vẫn khoẻ chứ? Chúc một ngày tốt lành! – Lời vị khách vừa bước vào
- Chào thầy Viên Đạo! Quý hoá quá! Quý hoá quá! – Đại sư Rimmar mỉm cười
- Con mới từ Vatican trở về… Đức giáo hoàng chúng con có gửi lời hỏi thăm tới ngài và lời chúc ngài luôn mạnh giỏi…
- Xin cảm ơn! Xin cảm ơn… Mời thầy an toạ - Đại sư tiếp lời
Dưới ánh nắng ngày mới chiếu toả trên cao nguyên Tây Tạng, tu viện Pháp Quang của đại sư Rimmar như bừng tỉnh với âm thanh thánh thót của những chú chim cu gáy đậu trên những nhành cây thi thoảng làm rụng những hạt sương trên cành lá. Cây hoa mai bên bàn đá uống trà là một điểm nhấn, những bông hoa trắng hồng xinh đẹp như còn ướt sương lấp lánh ánh sáng phản chiếu khi mặt trời chiếu soi…
“Tôi vẫn hằng nhớ tới Đức Thánh Cha trong lời cầu nguyện của mình nhất là kể từ khi gặp ngài tại buổi họp đại kết diễn ra vừa rồi tại Assisi… Ngài quả là con người phi thường. hết mình vì đạo pháp và với chúng sanh nhân loại…” – Đại sư ôn tồn nói
- Tôi rất thích đề tài của buổi toạ đàm vừa rồi, rất hay, nó đánh động tâm hồn tôi rất mạnh, phải rồi, “Đức tin và lý tưởng phụng sự đạo pháp, nhân loại trong thiên niên kỷ thứ ba”… Hay lắm! Hay lắm! Thật tuyệt vời!... - Đại sư Rimmar tiếp lời
- Tôi tuy là vị tăng già Phật giáo nhưng tâm hồn tôi cũng như là người Công giáo các thầy đó, thầy Viên Đạo… - Đại sư mỉm cười
- Thưa đại sư, ngài nghĩ sao về Đức Kitô Giêsu của chúng con ạ ?! – Thầy Viên Đạo nhã nhặn hỏi
- Của chúng ta chứ!... Chúa Giêsu đâu phải là sở hữu riêng của người Kitô giáo các thầy đâu… Ngài thuộc về nhân loại, của nhân loại và của tất cả chúng sanh cõi Ta Bà này… - Đại sư ôn tồn nói
Đại sư Rimmar tiếp lời:
“Cùng với Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Lão Tử, Chúa Giêsu với tôi ngài cũng là một vị phật, một bậc giác ngộ, một vĩ nhân ca cả, sứ giả hoà bình của Thượng Đế..”
“Mỗi thời kỳ lịch sử của nhân loại, chúng ta lại có vinh phúc gặp được ánh sáng thiên thượng, chiếu soi dẫn dắt thông qua một số chân sư và vị thầy cao cả…”
Đại sư Rimmar không giấu nổi xúc động bèn phân trần:
- Đức Phật Thích Ca của người Phật giáo cũng là con cái của Thượng Đế, ngài đâu phải là con cái của ma quỷ đâu, đúng không thưa thầy?!...
- Vâng, thưa đại sư! Ngài là bậc vĩ nhân, đức hạnh cao cả… - Thầy Viên Đạo đáp lời
- Thực ra, với tôi, Chúa Giêsu và Đức Phật cũng là anh em của nhau… đấy là chúng ta nói về cảnh giới tư tưởng và lý tưởng của các ngài… Với tôi, Đức Thích Ca cũng giống như vị Gioan tiền hô, ngài là người dọn đường cho Đấng Chân Lý nhập thể làm người…Đức Phật là con người có tâm cầu đạo rất lớn – ngài sẵn sàng từ bỏ ngai vàng, vợ đẹp và mọi vinh hoa thế gian để cầu chân lý… thế nhưng thì giờ ấn định tỏ bày chân lý của Đấng Tối Cao có khác… Đức Phật tuy rất vĩ đại nhưng theo thiên định thì người được lựa chọn để mạc khải chân lý thiên thượng là Đức Giêsu, người xuất hiện sau ngài mấy trăm năm…
- Dạ vâng, vì vậy mà Đức Phật hầu như không mấy khi nói về Thượng Đế phải không ngài ?! – Thầy Viên Đạo phụ hoạ
Đại sư Rimmar tiếp lời:
- Nhiều người tầm thường họ hoài nghi về Thượng Đế thế nhưng nhũng bậc thầy Phật học chúng tôi lại có niềm tin rất sâu đậm về Thiên Chúa của người Kitô các thầy.. Thượng Đế nói đúng hơn, không phải là Chúa riêng của người Kitô các thầy nhưng ngài cũng là cha của người Phật Giáo, Hồi Giáo và các tôn giáo trên thế giới! Ngài là vị cha chung của nhân loại, đúng không thầy?
- Dạ vâng, con cũng tin như vậy! – Thầy Viên Đạo đáp lời
Đại sư Rimmar mỉm cười ôn tồn:
- Với tôi, Thượng Đế là cha chung của mọi tôn giáo trên thế giới… mà tôn giáo cũng như chiếc áo mặc che thân, lựa chọn tôn giáo cũng giống như lựa chọn quần áo mặc vậy, nó là tuỳ sở thích, ý chí tự do của mỗi người, Thượng Đế đều tôn trọng!... Người Công giáo như “áo xanh”, Phật giáo như “áo vàng”, Hồi giáo như “áo đỏ”,… có người thích màu này kích cỡ này, người khác màu khác kích cỡ khác… người vô thần giống như người không thích mặc áo, họ giống như người ở trần phải không thầy?!
- Dạ vâng! Con nghĩ người “cởi trần” mà sống tốt, có lương tâm thì cũng được ngọn gió lành trời cao thổi mát ạ - Thầy Viên Đạo mỉm cười
Đại sư Rimmar tiếp lời:
“Trong các tôn giáo thế tục thì người Công giáo các thầy gần với Phật tử chúng tôi hơn cả, nhất là những người theo truyền thống đại thừa! Công giáo có Thiên Chúa có Đức Mẹ, cũng như người Phật tử có Đức Phật có Quan Âm, như vậy, nói theo ‘phong thuỷ tôn giáo’ là cân bằng, có cha có mẹ, ‘có âm có dương’ nên thuận theo tự nhiên, thuận theo thiên đạo và nhân đạo hơn cả… Người Tin Lành rất mến mộ Kinh Thánh cũng như người Hồi với kinh Quaran, rất tốt! rất hay!... Tuy nhiên, chiếu theo ‘phong thuỷ tôn giáo’ họ dường như thiếu đi ‘tính Âm’ của người mẹ…người Tin Lành sùng kính mỗi Thiên Chúa cũng giống như người Hồi giáo với mỗi thánh Allah, thiếu đi hình bóng của người mẹ…Với tôi, Đức Phật như người cha biểu tượng của trí tuệ, còn Đức Quan Âm như người mẹ biểu tượng của tình thương… Mỗi con người sinh ra đều cần có cả cha lẫn mẹ, nếu chỉ có cha mà thiếu hình bóng người mẹ thì người con ấy sẽ trống vắng, thiếu đi một điều gì đó rất thiêng liêng đúng không thầy..”
- Vâng, Ngài quả là sâu sắc, con cũng thấy thế! – Thầy Viên Đạo nhỏ nhẹ
Đại sư Rimmar tiếp lời:
- Tôi thấy một số người có vẻ hơi cực đoan khi nhấn mạnh ơn giải thoát đến bởi ‘Đức tin’ chứ không phải bởi ‘việc lành của lề luật’ mà họ vẫn rao giảng… Thực ra nhiều người nói về đức tin mà không hiểu đức tin là gì…
Thầy Viên Đạo ôn tồn đáp:
- Dạ vâng, theo như người Công giáo chúng con hiểu thì “Đức tin” là một nhân đức… nhân đức ấy đòi hỏi người Kitô phải tin tưởng những giáo huấn của Thiên Chúa, của Đức Kitô là đúng đắn và là kim chỉ nam cho tư tưởng cũng như lời nói, việc làm…
- Vâng, ý này của thầy cũng giống như người phật tử chúng tôi… chính Đức Thích Ca của chúng tôi đã từng căn dặn các đệ tử rằng “Kẻ nào nói mình tin Ta mà không sống thực hành những giáo huấn của Ta thì đó là những kẻ phỉ báng Ta thậm tệ! ”
Đại sư Rimmar tiếp lời:
- Tôi tin Chúa nhưng Chúa có tin tôi không, đó mới là điều quan trọng! Tôi nghiệm ra rằng: Tôi tin Chúa, tôi biết Chúa không quan trọng bằng Chúa tin tôi, Chúa biết tôi!... Ý thầy thì thế nào?
- Dạ vâng, theo con, đức tin dẫn đến ơn cứu rỗi khởi sự từ việc con người tuyên xưng niềm tin nơi Thiên Chúa và kết thúc bằng việc Thiên Chúa tin tưởng con người sau khi con người đã trải qua thử thách mà Thiên Chúa xét họ là vàng ròng đã được thử lửa…
- Phải là người thiện tâm, có uy tín thì Chúa mới tin tưởng phải không thầy?! Đại sư Rimmar phụ hoạ
…
Hai bậc thầy tôn giáo thi thoảng phá lên cười sau khi chia sẻ cảm nghiệm của mình về những điều thánh thiêng, về niềm tin tôn giáo. Dưới bóng của cội mai già mát mẻ, hai bậc thầy cùng nhau thưởng trà và hít thở bầu khí trong lành của ngày mới cùng với câu chuyện về các bậc giáo chủ… Mặt trời đã lên cao hơn, những âm thanh của ngày mới cũng rộn ràng hơn… Đại sư Rimmar sau khi trà đàm cùng thầy Viên Đạo đã dẫn vị khách quý đến thăm cảnh quan tại tu viện… Vị thầy Công giáo ngạc nhiên khi đến thăm phòng triển lãm các vị thầy tôn giáo tại tu viện đại sư Rimmar. Bên cạnh bức tượng Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi thiền toạ cùng với Đức Lão Tử ngồi trên lưng trâu, bức tượng Chúa Giêsu chịu đóng đanh đứng ở giữa cao nhất… Một tia sáng như loé trong tâm trí của thầy Viên Đạo “Chúa Giêsu là Chúa của nhân loại, Ngài cũng là Chúa của mọi tôn giáo: Chúa của người Phật giáo, Hồi giáo,… Ngài là Chúa của mọi tâm hồn cao thượng, cũng là Chúa của mọi con tim thiện lương”… Con người thường phân biệt tôn giáo nhưng Chúa thì không phân biệt… Thầy Viên Đạo bỗng nhớ tới câu Kinh Thánh trong sách ngôn sứ Isaiah, “ Vì các tầng trời cao hơn mặt đất chừng nào thì tư tưởng của Thiên Chúa cũng cao hơn tư tưởng loài người, đường lối Thiên Chúa cũng cao hơn đường lối loài người chừng ấy…”
Gió Lang Thang