Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật V PS, Năm B: Ở Lại - Môn Đệ - Hoa Trái

Fri,26/04/2024
Lượt xem: 443

Chúa nhật 5 Phục sinh B

(Cv 9,26-31; Tv 21; 1Ga 3,18-21; Ga 15,1-8)

Ở lại – Môn đệ - Hoa trái

Điều làm Cha Thầy được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8). Đây là lời Chúa Giêsu muốn nhắn gửi với các môn đệ, với mỗi chúng ta đang theo học dưới mái trường Giêsu, và dường như đối với Gioan, hoa trái có nghĩa là trở thành môn đệ, nhưng làm sao để sinh hoa trái và trở thành môn đệ chính danh? Lời Chúa hôm này chỉ cho chúng ta phương thế để đạt tới tiêu đích này – “ở lại trong tình mến với Chúa Giêsu”:

1.       Ở lại - gắn kết với Đức Giêsu, Cây Nho đích thực

Qua hình ảnh cây nho và cành nho, Chúa Giêsu mời gọi các môn sinh của Người thực hiện mối liên kết sống còn như cành với thân cây. Nhờ sự liên kết với mạch sống ấy mà sinh được hoa trái, như là cách thế duy nhất để để tồn hữu và triển nở. Bởi ‘không có thầy anh em không làm được gì’, vì dưới gầm trời này đã không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng phải nhơ vào đó mà được ơn cứu độ (x. Cv 4,12): “Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,2).

Gắn liền chính là ở lại trong Chúa, nghĩa là thiết lập với Người một tương quan cá vị và thực hữu. Chỉ khi “ở lại”, khi thiết lâp được tương quan thân mật với Chúa Giêsu, mỗi chúng ta mới là môn đệ đích thực, mới hy vọng sinh hoa kết trái. Nơi Người, chúng ta tìm được mạch sống, nhờ đó mà “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

2.          Ở lại - chấp nhận để được cắt tỉa

“Ở lại” đồng nghĩa với việc đón nhận sự “cắt tỉa” bởi người trồng nho, Chúa Cha. Như cây nho, không thể kết trái, chỉ có cành lá sum suê, nếu không để ông chủ của nó tỉa cắt. Cũng vậy, hình trình trở nên môn sinh, để đơm hoa kết trái, người môn đệ phải đi vào hành trình thanh luyện, cắt tỉa. Quả vậy, cành nào ở lại “sinh hoa trái, thì “Chúa Cha cắt tỉa để sinh nhiều hoa trái hơn” (c.3). Muốn mang lại hoa trái, yếu tố thiết yếu là ở lại – gắn liền – tình yêu với cây nho, nhưng để có nhiều hoa trái, cần được cắt tỉa. Động từ kathairo – có hai nghĩa: cắt tỉalàm cho sạch. Các môn đệ được cắt tỉa, được thanh sạch nhờ các giáo huấn của Chúa Giêsu, nhờ Lời của Người.

Ở lại với Chúa Giêsu là đi vào tương quan thân hữu với Người để bước vào hành trình thanh tẩy, biến đổi nhờ việc cắt tỉa những gì làm tổn hại, ngăn cản tương quan nghĩa thiết với Người. Đó là tiến trình của việc ở lại, và để cho Chúa Giêsu giáo dục, huấn luyện và đồng hành chúng ta, nghĩa là cắt tỉa, thanh luyện nên người của Thiên Chúa

Cắt tỉa tất phải chập nhận đau thương, chảy máu, những là con đường cần thiết, con đường của sự sống, con đường của hạt giống chịu thối rựa để trổ sinh bông hạt.

Gắn kết với thân, ở lại với Chúa luôn đi trong tiến trình hy sinh chọn lựa. Hoặc trơ trọi, le lói như hạt giống và cành nho sống thừa sẽ bị loại, hoặc sẽ trở nên phong nhiêu nhờ chịu cắt tỉa, chấp nhận hy sinh, chấp nhận đổ máu, chấp mất mát đi để được lấy lại, được lấp đầy, được triển nở.

3.          Sinh hoa trái - trở nên môn đệ - khả thể yêu thương

Trong bài đọc thứ hai, Thánh Gioan nói lên con đường này. Đó là việc ở lại trong việc “tìm kiếm điều đẹp ý Chúa”, nhờ “tuân giữ các điều răn”, giới luật yêu thương. Đó cũng là lời trăn trối của Đức Giêsu cho các môn đệ và cho từng người chúng ta: “Ở điểm này, mỗi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13,25). Phải yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Một tình yêu thực hữu, tình yêu tự hiến cho người mình yêu (Ga 15,13), chứ không phải là  thứ  tình “yêu đầu môi chót lưỡi”.

Được cắt tỉa để nên thanh sạch là hành trình biến đổi chúng ta thành những môn đệ chính danh của Đức Giêsu Kitô: “Điều làm Cha Thầy được tôn vinh là anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy” (Ga 15,8).

Ở lại với Chúa trong tình yêu. Tình yêu thanh tẩy chúng ta khỏi những gì làm chúng ta thương tổn và đánh mất tình yêu. Bước vào cuộc tình hiến trao trọn vẹn, đòi hỏi chúng ta phải chấp nhận cắt tia, từ bỏ để được tự do dâng hiến và sung mãn trong tình yêu. Nói cách khác, chúng ta được gọi để bước vào hành trình của tình yêu, của việc sinh nhiều hoa trái trong tình yêu sáng tạo của Đấng gọi chúng ta. Đó là con đường của niềm vui nội tâm, niềm vui của người môn đệ, niềm vui không ai lấy đi được, niềm vui của việc gặp gỡ với Đấng là Chúa của niềm vui. Đức Phanxicô khởi đầu Tông huấn Niềm vui Tin mừng đã khẳng định:

NIỀM VUI CỦA TIN MỪNG đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ của Người đều được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh (n. 1).

Chúng ta được gọi để sống cho tình yêu, để hoan hưởng niềm vui và làm lan tỏa niềm vui yêu thương. Niềm vui Tin mừng phải chiếm trọn toàn bộ con người và cuộc sống chúng ta. Đó là căn cước của chúng ta. Chúng ta – những con người mang khuôn mặt phản chiếu niềm vui, nếu không, đó không phải là con người của cuộc hành trình này, hoặc chưa dám bước đi trên hành trình của những người tới “dự hội vui” của con cái Chúa (x. Dt 12,22-23). Vàs “niềm vui của ĐỨC CHÚA là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10). Vâng niềm vui của Chúa, niềm vui Tin mừng là căn cước, là thánh lũy của toàn bộ hiện hiện của tôi, của mỗi chúng ta.

Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện; Hoa trái của cầu nguyện là đức tin; Hoa trái của đức tin là tình thương; Hoa trái của tình thương là phục vụ; Hoa trái của phục vụ là sự bình an” (Theresa Calcuta).

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin:
Thống kê
Số người online: 399
Tổng số truy cập:15.681.666