Joseph ĐVB, K.XIV
Trích từ tập san Đức Tin & Văn Hóa số 15
Lời mở
Có rất nhiều tác phẩm được viết ra để bàn về tình huynh đệ. Nó thuộc nhiều thể loại: văn kiện của các Giáo Hoàng[1], suy tư của các nhà thần học, giáo huấn của các nhà tu đức, hướng dẫn của các nhà xã hội... Mỗi tác phẩm diễn dịch một hướng đi khác nhau, nhưng tất cả đều quy hướng về việc làm sao để kiến tạo tình huynh đệ đại đồng trên thế giới. Tuy nhiên, khi nói về tình huynh đệ, ta không thể quên một ‘tác phẩm’ ngắn gọn của ‘tác giả’ Giêsu có tên gọi ‘Kinh Lạy Cha’ (x. Mt 6,9-13). Một ‘tác phẩm’ quen thuộc với các Kitô hữu, một ‘tác phẩm’ được đọc thường xuyên, được dùng để cầu nguyện hằng ngày. Có lẽ, khi nói đến lời kinh này, chúng ta thường nghĩ, nó chỉ là một bản văn dùng để cầu nguyện hay dạy về cách cầu nguyện. Điều đó không sai. Nhưng trong sâu xa, khi đọc kỹ trong suy gẫm, lời kinh Chúa dạy lại là một lời kinh đượm nhuần tình huynh đệ. Nó cống hiến nhiều bài học tuyệt vời để thiết lập và củng cố tình huynh đệ. Vậy tình huynh đệ được diễn tả như thế nào trong Kinh Lạy Cha? Bài viết đơn sơ này sẽ trình bày một vài điểm chính yếu tiếp cận theo lối suy tư thần học về tình huynh đệ trong Kinh Lạy Cha. Bài viết có các nội dung chính: (1) Trong ‘Cha’, chúng ta là huynh đệ; (2) ‘Chúng con’ - diễn tả tình huynh đệ sâu đậm; và (3) Lời cầu xin lương thực và tha thứ - hai biểu hiện nét đẹp tình huynh đệ.
1. Trong ‘Cha’ - chúng ta là huynh đệ
Khi đọc ‘Lời Kinh Chúa dạy’ các tín hữu đồng thanh thưa lên: ‘Lạy Cha’. Một lời thưa biểu tỏ sự thờ lạy, tôn kính và trang nghiêm nhưng cũng thật thân thương, gần gũi. Vậy tại sao chúng ta được phép gọi Thiên Chúa là Cha? Lần giở lại những trang Cựu Ước ta thấy, không một nhân vật Cựu Ước nào dám gọi Thiên Chúa của họ là ‘Lạy Cha’ một cách trực tiếp như Đức Giêsu trong Tân Ước và như chúng ta bây giờ. Nhưng như thế không phải ý niệm về Thiên Chúa là Cha hay danh xưng Thiên Chúa là Cha chưa xuất hiện. Trái lại, đối với Ítraen, Thiên Chúa được gọi là Cha với tư cách là Đấng tạo thành thế giới (x.Đnl 32, 6; Ml 2, 10). Thiên Chúa còn được gọi là Cha vì Người đã lập Giao Ước và ban Lề Luật cho dân được gọi là Ítraen là con đầu lòng của Người (x.Xh 4, 22). Thiên Chúa còn được gọi là Cha của vua Ítraen (x.2Sm 7, 14). Hơn nữa, Ngài là ‘Cha của người nghèo’, của cô nhi, quả phụ - những người được Người yêu thương che chở.[2] Tuy nhiên, trong những lần dùng danh xưng ‘Cha’ để nói về Thiên Chúa, các tác giả Cựu Ước chỉ dùng ở ngôi thứ ba số ít, tức là một cách gọi gián tiếp chứ không phải là trực tiếp như cách mà Đức Giêsu đã gọi, đã dạy các môn đệ và chúng ta.
Thật vậy, sang Tân Ước, nhiều lần trong lời cầu nguyện, trong lúc giảng dạy dân chúng, khi huấn giáo các môn đệ, Đức Giêsu đã dùng danh xưng ‘Cha’ để mạc khải về Thiên Chúa cho con người. Có những lúc Ngài gọi Thiên Chúa là Cha của mình: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12, 50).[3] Nhưng Đức Giêsu cũng mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là Cha của của các môn đệ và toàn thể mọi người: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em” (Lc 12, 32).[4] Như thế, Đức Giêsu đã mạc khải Thiên Chúa là Cha theo nghĩa sâu xa nhất: Người là Cha không những Người là Đấng Tạo Hóa nhưng từ đời đời Người là Cha trong tương quan với Con Duy Nhất của Người. Người là Cha của Con ‘đồng bản thể’ với Người.[5] Đức Giêsu cho biết Thiên Chúa là Cha của Người nhưng quan trọng hơn, Người cũng cho biết Thiên Chúa là Cha của chúng ta. Người còn dạy cho chúng ta biết thưa lên cùng Thiên Chúa là “Lạy Cha”. Chính trong ý nghĩa ấy mà các giáo phụ đã nhấn mạnh đến vai trò mạc khải của Chúa Con: “Danh hiệu Thiên Chúa là Cha, chưa từng được bày tỏ cho một người nào. Cả khi ông Môsê hỏi Thiên Chúa là ai, ông chỉ được nghe một danh khác. Danh hiệu này được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Con. Vì trước khi ‘Con’ chưa đến, chưa có danh hiệu ‘Cha’”.[6]
Vậy tại sao khi suy tư về tình huynh đệ, ta phải bắt đầu từ Cha? Thật vậy, khi được diễm phúc nhận và gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thiết lập và bước đi trong mối tương quan thân mật với Thiên Chúa. Trong gia đình truyền thống của kiếp nhân sinh, chỉ có những người ‘con’ mới được gọi người đàn ông sinh ra mình là ‘cha’ (bố, thầy, ba...). Cũng vậy, khi ta gọi Thiên Chúa là Cha, ta đang đứng trong vị thế và tư cách của những người con. Ta là những người con của Thiên Chúa theo nghĩa: chính Cha là Đấng Tạo Hóa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Người (x.St 1, 26). Có nghĩa rằng, chúng ta là con Thiên Chúa từ trong sáng tạo, Thiên Chúa thật sự là Cha của chúng ta và chúng thật sự là con của Người[7].
Tuy nhiên, đối với người Kitô hữu, ơn gọi làm con được tràn đầy hơn vì chính Thiên Chúa đã cho chúng ta được tái sinh vào sự sống của Người khi nhận chúng ta làm nghĩa tử trong Con Một của Người: Nhờ bí tích Rửa Tội, Người tháp nhập chúng ta vào thân thể Đức Kitô và nhờ việc xức dầu bằng Thần Khí của Người, Đấng tuôn tràn từ Đầu đến cuối, Ngài làm cho chúng ta nên những Kitô hữu. Vì thế, thánh Cýprianô đã khẳng quyết: “Con người mới, khi được tái sinh và được phục hồi cho Thiên Chúa nhờ ân sủng của Người thì trước hết sẽ thưa lên ‘Lạy Cha’ thì người đó bắt đầu là con của Người”.[8]
Khi chúng ta có một người Cha trên trời, chúng ta lại là con của Cha nên mỗi người trong chúng ta, trước hết là các Kitô hữu trong đại gia đình đức tin là huynh đệ của nhau. Biên giới của gia đình được mở rộng khi tất cả mọi người trên trái đất này không phân biệt tôn giáo, dân tộc, màu da, văn hóa... người già, người trẻ, người nam, người nữ, người giàu, người nghèo... là anh chị em với nhau; và liên kết với nhau trong tình huynh đệ vì tất cả đều được Thiên Chúa dựng nên trong tình yêu của Người. Bởi vậy, tất cả mọi người trong gia đình nhân loại này được mời gọi hiệp thông với nhau để cùng nhau thưa lên cùng Thiên Chúa là ‘Abba’ - Cha ơi!
2. ... ‘Chúng con’ – diễn tả tình huynh đệ sâu đậm
Nếu như với lời thưa ‘Lạy Cha’, các tín hữu chân nhận mọi người là anh chị em với nhau, nhưng lời ấy chỉ diễn dịch tình huynh đệ theo nghĩa ‘hiện hữu’ mà chưa hiển lộ được nét độc đáo, sự sâu sắc của tình huynh đệ. Chỉ khi đi vào các lời cầu, nội dung sâu sắc của tình huynh đệ mới được diễn tả cách chân thực nhất. Thật vậy, trong những lời cầu xin của Kinh lạy Cha, ba lời xin đầu hướng về Thiên Chúa là Cha, bốn lời xin sau hướng đến những nhu cầu quan trọng và thực tế trong cuộc sống hiện sinh của con người. Tuy nhiên, có một điều đặc biệt, bắt đầu mỗi lời cầu xin, chúng ta đều dùng chủ từ ‘chúng con’ (We), ở ngôi thứ nhất số nhiều chứ không phải là chủ từ ‘con’ (I) ở số ít. Cách dùng này diễn tả điều gì?
Khi dùng từ chúng con để cầu xin trong khi cầu nguyện, mỗi Kitô hữu không đọc Kinh Lạy Cha một mình, nhưng cùng với tất cả những anh chị em khác cùng dâng lên Thiên Chúa tâm tình thờ lạy, chúc tụng và cầu xin. Đặc biệt, khi dùng từ ‘chúng con’ chúng ta ôm trọn tất cả mọi người trong trái tim mình, và coi mọi người là huynh đệ của nhau không loại trừ một ai. Ta cầu xin các nhu cầu cho mình nhưng chúng ta cũng cầu xin cho những anh chị em khác. Bởi vậy, khi dùng từ ‘chúng con’, chúng ta thoát khỏi chủ nghĩa vị kỷ. Nó giúp ta đào luyện tâm hồn để có một trái tim mở ra cho toàn thế giới, nghĩa là con tim không biết đến giới hạn và vượt qua những dị biệt về nguồn gốc, quốc tịch, màu da hay tôn giáo.[9] Và khi trái tim của chúng ta làm như thế, nó có thể đồng hóa với người khác mà không thắc mắc họ sinh ở đâu hay đến từ đâu. Trong tiến trình này, chúng ta sẽ kinh nghiệm người khác như cốt nhục của mình (x. Is 38, 7).[10]
Một cách chính xác hơn, thuật ngữ ‘chúng con’ đòi buộc các tín hữu phải bước ra cái tôi của mình, đòi buộc chúng ta bước vào cộng đoàn con cái Thiên Chúa, đòi buộc chúng ta phải xóa đi mọi ngăn cách, đòi buộc chúng ta đón nhận tất cả mọi người – phải mở tai và mở tâm hồn cho người khác.[11] Một lần nữa, chúng ta cùng với thánh Augustinô xác tín rằng: “Khi chúng ta cùng đọc, ‘Lạy Cha chúng con’, dù là vua, là người ăn mày, là người đầy tớ, là ông chủ, tất cả là anh chị em con cùng một Cha”.[12]
3. Lời cầu xin lương thực và tha thứ - hai biểu hiện nét đẹp tình huynh đệ
Tình huynh đệ được biểu hiện rõ nét hơn nữa, trong lời cầu xin của ăn hằng ngày: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày”. Thật thế, con người ai cũng cần lương thực để duy trì đời sống thể lý của mình. Trước hết, qua lời xin này, mỗi tín hữu tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Người thấu hiểu tất cả mọi nhu cầu của con cái Người. “Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6, 31-32). Tuy nhiên, tin tưởng vào Chúa, không có nghĩa là ‘ngồi chờ sung rụng’, thay vào đó, chính Đức Giêsu đã dạy chúng ta biết cầu xin lương thực hằng ngày cho mình và cho người khác. Hơn thế, chúng ta còn phải biết ra công làm việc để có của ăn nuôi sống hằng ngày.
Thật vậy, khi cầu xin của ăn hằng ngày cho tôi, tôi không bao giờ được quên những người nghèo đói hiện diện khắp nơi trên thế giới. Bởi lương thực hằng ngày ai cũng cần, nhất là những người đói khổ. Lời cầu xin này thấm đẫm tình liên đới, sự sẻ chia giữa những anh chị em Kitô hữu với nhau và với tất cả mọi người. Với điều răn mới mà Chúa dạy, cùng với lời cầu nguyện này, chúng ta không bao giờ được quên những người kém may mắn hơn chúng ta: những người vô gia cư, những người sống trong các vùng biên của thế giới, những công dân của các nước nghèo đói... Vì thế, có thể nói lời cầu nguyện này là lời cầu ‘nhân bản’ nhất trong các lời cầu xin của Lời Kinh Chúa dạy: cầu xin ‘một điều’ cho ‘tất cả’. Cách đặc biệt, khi dâng lên lời khẩn nguyện này, ta được kết hợp với tinh thần khó nghèo của mối phúc thứ nhất của bản Hiến Chương Nước Trời. Tinh thần khó nghèo đó là nhân đức chia sẻ. Nó thúc đẩy thông chia những của cải vật chất và tinh thần không vì cưỡng bách nhưng do tình yêu; ngõ hầu sự dư thừa của người này bù đắp sự túng thiếu của người khác.[13] Tuy nhiên, để lời cầu nguyện mang giá trị, mỗi Kitô hữu được mời gọi mang nó vào trong đời sống thực tiễn. Sự liên đới, phải được chiếu tỏa bằng những việc làm cụ thể cho những con người cụ thể. Vì liên đới không phải là cảm giác cảm thông mơ hồ, nhưng là chủ tâm hỗ trợ mọi người cách thực tế để họ được sống tốt đẹp.[14] Nếu không, lời cầu xin của chúng ta chỉ là một lời cầu trống rỗng và vô ích và như một kiểu ‘đánh lừa’ Thiên Chúa bằng những lời tốt đẹp trên môi miệng của mình.
Đồng thời, khi chúng ta xin lương thực, chúng ta cũng được mời gọi cầu nguyện và và có bổn phận lo lắng cho những người đang lâm vào cơn đói triền miên khác, đói lương thực thường tồn: Lời Chúa và Thánh Thể. Thật vậy, song song với việc cầu nguyện, các Kitô hữu phải vận dụng mọi nỗ lực của mình để làm sao những người nghèo khó được nghe Tin Mừng. Tự bản chất, người mang Tin Mừng phải loan báo cho người khác để mọi người được nhận biết. Cạnh đó, theo lẽ công bằng, Tin Mừng phải đến với những người đói khát trên trái đất, những người ‘không phải đói khát bánh ăn, cũng không phải khát nước uống mà là đói khát được nghe Lời Chúa (x.Am 8,11).[15] Muốn vậy, phải mặc lấy tâm tình của thánh Phaolô: “Khốn thân tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1 Cr 9,16).
Có thể nói, chia sẻ lương thực vật chất là hành động tốt đẹp để thiết lập và củng cố tình huynh đệ, nhưng nó chưa phải là đỉnh cao trong việc kiến tạo tình huynh đệ. Lương thực thiêng liêng (Lời Chúa, Thánh Thể...) mới là thứ lương thực căn cốt và là kho tàng quý báu vì “tình huynh đệ chân thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này là thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Như vậy, thông truyền chân lý Tin Mừng cho anh chị em chưa nhận biết Chúa Kitô là một đòi buộc khẩn thiết được gửi tới tất cả những ai được mang danh là Kitô hữu. Vì như vậy, ta mới thực sự trở nên anh em với những người hàng xóm xuyên biên giới và trở thành người thân cận của tha nhân.
Tình huynh đệ cũng được chất chứa và mang ý nghĩa sâu sắc hơn trong lời xin ơn tha thứ: “Xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con”. Theo đó, khi xướng lên ý nguyện này, các tín hữu nhìn nhận mình là tội nhân trước nhan Thiên Chúa Chí Thánh. Lời cầu xin của chúng ta bắt đầu bằng việc ‘xưng thú’ tội lỗi của mình, qua đó chúng ta vừa thú nhận sự khốn cùng của phận người, đồng thời vừa tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúng ta nài van lòng thương xót của Người bao bọc chúng ta và các tội nhân khác, tức là mọi con người hiện hữu trên trái đất này, vì tất cả đều là tội nhân trước mặt Thiên Chúa (x. 1Ga 1, 8). Tuy nhiên, ta cũng thâm tín rằng, lòng thương xót của Người sẽ không thấm nhập vào trái tim chúng ta nếu chúng ta không tha thứ cho anh chị em mình. Vậy, có thể nói, tha thứ cho anh em là điều kiện để được Thiên Chúa thứ tha[16].
Vậy, tại sao phải tha thứ cho anh em mình? Ta biết rằng, sự thường, trong tương quan với tha nhân, lỗi lầm đòi hỏi sự trả thù. Và chính điều này tạo thành một chuỗi hận thù mà bất hạnh cứ gia tăng và không có hồi kết. Tuy vậy, trong đức tin Kitô giáo, đặc biệt qua giáo huấn của Đức Giêsu, Ngài nói với chúng ta, lỗi lầm chỉ có thể được vượt qua nhờ sự tha thứ, chứ không do trả thù. Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4, 8), Người sẵn sàng tha thứ, dù tội con người có ‘đỏ như son’ và có ‘thẫm tựa vải điều’ (x. Is 1, 18), nhưng sự tha thứ chỉ có thể đến và hoạt động trong những ai biết tha thứ.[17] Sự tha thứ đạt tới đỉnh cao khi chúng ta biết tha thứ cho kẻ thù. Trong ý hướng đó, lời cầu xin sự tha thứ biến đổi chúng ta làm cho chúng ta ngày càng đồng hình đồng dạng với Đức Kitô. Vì Đức Kitô đã dạy chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình (x. Mt 5, 45). Ngài đã sẵn sàng tha thứ cho những kẻ hại mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Hơn thế, chỉ khi cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ làm hại mình, ta mới thực sự là con cái của Cha trên trời (x. Mt 5,45).
Vậy, tha thứ đem lại hiệu năng nào? Thật vậy, khi tha thứ cho anh chị em của mình và cho kẻ thù, con tim chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng, tâm hồn tràn ngập niềm vui và được bình an. Người được tha thứ giải tỏa được nỗi niềm, khỏa lấp được hận thù. Khi tha thứ, người tha thứ và người được tha xích lại gần nhau hơn, mối rạn nứt bấy lâu được hàn gắn. Trước khi lời tha thứ được nói ra, cả hai có thể là kẻ thù trong mắt nhau, nhưng sau khi tha thứ, đôi bên có thể được giao hòa để trở thành những người bạn, người anh em của nhau. Từ mối tương giao này đem đến nhiều hiệu ứng tích cực: kiến tạo những thành quả thiện hảo trong đời sống, giúp đỡ nhau trong công việc, sẻ chia những khó khăn trong đời sống thường ngày... Nếu người Kitô hữu tha thứ cho người không cùng niềm tin, có thể trở thành gương sáng và cơ hội để đưa người ấy vào trong gia đình Hội Thánh, trở thành anh chị em với nhau trong đại gia đình đức tin. Cuối cùng, khi tha thứ cho nhau, người tha thứ và người có lỗi sẽ cùng đi vào một tiến trình thanh tẩy tâm hồn, hoán cải nội tâm để cùng nhau lướt thắng những điều xấu mà cả hai đã mang lấy trong quá khứ để hướng tới một tương lai tươi sáng và cùng nhau bước đi trên con đường thánh thiện[18].
Lời kết
Tóm lại, ‘Lời Kinh Chúa dạy, quả thật là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng’ là ‘lời kinh tuyệt hảo’[19]. Bởi thế, lời kinh này chất chứa nhiều ý nghĩa thần học và bài học tu đức sâu sắc, trong đó ẩn chứa giáo huấn về tình huynh đệ chân thành. Lời kinh này không nói với chúng ta một một cách tường minh: hãy làm điều này, thực hành điều kia cho tha nhân. Nhưng nhờ diễm phúc, chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha, ta ngầm hiểu, mọi người là anh chị em với nhau. Hơn thế, qua những lời cầu xin, chúng ta ý thức trách nhiệm trước hết cầu nguyện cho mình và cho tất cả mọi người, qua lời cầu nguyện ta múc được nguồn ân sủng và sức mạnh để dấn thân cho tình huynh đệ qua những hành động liên đới cụ thể trong cuộc sống. Vì ‘khi gọi Thiên Chúa là Cha chúng ta phải hành động như những người con của Thiên Chúa’ (Thánh Cyprianô). Cuối cùng, ta có thể tạm kết: “Lời kinh Chúa Giêsu dạy không bao giờ là lời kinh mang chất ích kỷ của cái tôi mà chan chứa hương vị tốt lành của tình huynh đệ, tình đồng loại qua hai chữ ‘chúng con.”[20]
[1] Phanxicô, Fratelli Tutti, (03/10/2020); Bênêđictô XVI, Caritas in Veritate (29/06/2009).
[2] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 238.
[3] x. Mt 5,48; 11,27; 15,23; 18,35; 26,29; 26,53. Ga 10,29; 10,37...
[4] x. Lc 12,30; 6,36; Mc 11,25-26; Mt 18,14...
[5] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 240-242.
[6] x. Tertuliano, De Oratione, 3,1: CCL 1,258-259 (PL 1, 257).
[7] x. Bênêđictô XVI, (Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh dịch), Đức Giêsu thành Nazareth, Phần I, Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 2013, 196.
[8] Cyprianô, De Dominica Oratione, 9: CCL 3 A , 94 (PL 4,451).
[9] x. Phanxicô, Fratelli Tutti, 3.
[10] Ibid., 84.
[11] x. Bênêđictô XVI, (Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh dịch), Đức Giêsu thành Nazareth, Phần I, op.cit., 200.
[12] YOU CAT Việt Nam (Lm. Ant. Nguyễn Mạnh Đồng dịch), Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 377.
[13] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 2833.
[14] DOCAT Việt Nam, (UBGLĐT, HĐGM VN dịch), Hà Nội, Nxb. Tôn Giáo, 102.
[15] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 2835.
[16] Ibid., 2839.
[17] Bênêđictô XVI, (Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh dịch), Đức Giêsu thành Nazareth, Phần I, op.cit., 222.
[18] Ibidem.
[19] x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 2773.
[20] Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, “Suy niệm Kinh Lạy Cha” (2020), http:// http://www.liengiaophan.de. Truy cập ngày 28/02/2021.