Vô Thần, Tôn Giáo Và Đại Dịch Covid-19

Tue,14/04/2020
Lượt xem: 2376

 

John Phạm

VÔ THẦN, TÔN GIÁO VÀ ĐẠI DỊCH COVID-19

Thưa các bạn,

Dù bạn là người vô thần hay là tín đồ của một tôn giáo nào đó, chúng ta cũng đang sống dưới vòm trời này. Hiện nay, chắc chắn bạn và tôi đang lo âu dù ít hay nhiều không chỉ cho mình, mà cho cả gia đình, cho tôn giáo, cho đất nước và toàn thế giới trước đại dịch Covid-19.

Kể từ cuối năm 2019 đến những tháng đầu năm 2020 này, đại dịch Covid-19 đang gây ra sự thiệt hại to lớn cho toàn thế giới. Loại siêu virus Corona này chúng ta không thể thấy bằng mắt thường vì nó quá nhỏ, nhưng khi vào trong phổi thì nó sẽ phá hủy tàn bạo dẫn đến cái chết đau đớn cho bệnh nhân. Hôm nay (11/4/2020), theo con số người ta thống kê được trên thế giới đã có 1.700.007 ca nhiễm bệnh, 102.751 ca tử vong do siêu virus này gây ra. Con số ấy có thể còn tiếp tục gia tăng, đây là thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại do dịch bệnh gây ra.

1. Với những người vô thần, họ đặt cùng đích và hạnh phúc đời mình nơi những giá trị vật chất trần thế này. Giá trị của họ là danh vọng, là ích lợi và hưởng thụ thú vui đời này. Vậy nên, trước đại dịch Covid-19, họ có thể sẽ mất hết tất cả, khi siêu vi corona lấy đi mạng sống của họ, của người thân, phá vỡ gia đình, chia cắt vợ chồng, con cái và anh chị em của họ bất cứ lúc nào. Như thế, họ sẽ vô cùng hoang mang và lo lắng vì cuộc đời của họ đến đó là chấm dứt, thật là quá ngắn ngủi và quá đáng tiếc.

Với những người thuộc các tôn giáo ngoài Kitô giáo, họ có thể là Phật giáo, Ấn giáo, Hồi giáo, Do thái giáo... họ không tin vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất. Tuy nhiên, trong niềm tin của mỗi tôn giáo, thì con đường tiến tới sự giải thoát sẽ khác nhau. Do đó trước đại dịch Covid-19, chắc chắn họ cũng có những suy nghĩ, những lối tiếp cận và hành động khác nhau.

2. Với tín đồ Phật giáo, để được vào Niết Bàn, họ phải trải qua nhiều kiếp luân hồi khác nhau, ít nhiều tùy trong đời sống họ có thực thi Bát Chính Đạo và Tứ Diệu Đế để loại bỏ tham dục, sân hận và ác ý trong mình hay không thôi. Nếu siêu virus kia có lấy đi mạng sống của họ, thì cũng chỉ là thay đổi một kiếp sống của họ trong nhiều kiếp. Như vậy, họ cũng chẳng lo lắng hoang mang nhiều và cũng không cần phải hành động khẩn cấp như nhiều người khác.

3. Với tín đồ Ấn giáo thì sao? Trong niềm tin, thuyết luân hồi (Samsâra), được áp dụng vào đời sống của linh hồn để phối hợp với thuyết nghiệp báo (Karma) trở thành học thuyết nhân sinh Ấn Độ. Trong đó, mỗi con người là một tiểu ngã (một Atman) đang trong quá trình tiến dần và kết hợp với Đại Ngã Siêu Việt (Brahman). Giải thoát sẽ là sự kết hợp giữa Atman và Brahman để trở thành một Brahman-Atman. Đây là một hữu thể đằng sau mọi vật hiện hữu, là thính giác của mọi thính giác, là tư tưởng của mọi tư tưởng và là hơi thở của mọi hơi thở. Theo kinh Gita, việc giải thoát đó được thực hiện qua ba con đường: Tri thức, hành động và sùng tín. Tri thức ở đây không chỉ là tri thức khoa học hay sự hiểu biết mà là còn là trực giác tâm linh, là sự hiểu biết siêu nghiệm, giúp con người thấy rõ thực tướng của sự vật, nhờ đó không còn đam mê, luyến ái mù quáng nhờ vậy con người mới được giải thoát. Hành động để đưa đến giải thoát là hành động vô cầu. Tức là con người hành động vì bổn phận tự nhiên chứ không phải vì trông đợi kết quả của hành động. Sùng tín là tình yêu, lòng tin cậy và kính phục dành cho thực tại tối cao. Kinh Gita khuyến khích con người tìm sự an trụ tâm hồn vào Đấng Tối Cao, thực tại siêu việt đó là Thượng Đế. Nên cái chết có xảy ra, thì cũng là quy luật tất yếu trong thiên nhiên, là một thực tại trong quá trình hợp nhất với Thượng Đế mà thôi, không có gì phải bám víu trần thế, phải hoang mang lo sợ trước cái chết.

4. Với Hồi giáo hay Do thái giáo, trong niềm tin không tồn tại thuyết luân hồi. Con người chỉ sống ở đời này và đời sau mà thôi. Sự sống của con người ở đời này là được chia sẻ sự sống của Thượng Đế. Vậy nên, hạnh phúc của con người không phải là giá trị trần thế mà là nơi Thượng Đế, là được sống trong thực tại của Thượng Đế. Các tín đồ của hai tôn giáo này tin rằng họ được ấn định ở trong thực tại của Thượng Đế nơi đời sau vì đã tin vào Người. Cuộc sống ở đời này chỉ là tạm bợ, mỏng manh giống như “vỏ trấu gió thổi bay”, hay như “hoa sớm nở chiều tàn”, nên cái chết không làm cho họ thất vọng.

5. Với Kitô giáo, một tôn giáo lớn nhất trên thế giới thì sao? Sự sống của chúng ta chính là quà tặng mà Thiên Chúa trao ban, là được chia sẻ vinh quang của Thiên Chúa. Những ngày tháng trên dương thế là một hành trình đi về với Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta đã xuất phát từ Người.

Thời gian sống trên dương thế của mỗi người khác nhau, có người sống thọ hơn trăm năm, vừa vừa là khoảng bảy tám mươi, nhưng cũng có người không qua khỏi tuổi bốn chín năm ba... dù sao cũng được nửa đời người. Có những người thiếu may mắn hơn đã ra đi ở tuổi “tam thập nhi lập,” hay “tứ thập tri thiên mệnh”. Thôi thì ít ra họ cũng có được khoảng thời gian mấy chục năm sống với người thân, chứ còn có những em thanh thiếu nhiên chưa tích lũy được kinh nghiệm sống, may ra thì mới biết hết được anh em họ hàng, thế mà đã phải ra đi. Thật tồi tệ hơn nữa, khi có những em đang bế trên tay, chưa biết rõ bố mẹ, ông bà là ai mà đã chết; lại có những em chưa được cất tiếng khóc chào đời, chưa một lần được nhìn thấy bố mẹ, mà đã bị cướp đi sinh mạng. Quả đúng như cụ Nguyễn Công Trứ đã viết:

“Ôi! nhân sinh là thế,
Như bóng đèn, như mây nổi
Như gió thổi, như chiêm bao...”

Thời gian đã khác, hoàn cảnh của mỗi người cũng khác nữa, có người sinh ra trong thời thế ổn định, điều kiện vật chất đầy đủ, cuộc sống khá là bình an. Thế nhưng, có nhiều người sinh ra trong thời thế loạn lạc, thiếu thốn đủ điều, vất vả cơ cực lo sao cho có ăn có mặc để sống qua ngày đoạn tháng, như người đời vẫn nói: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.” Rồi thì trong cuộc sống, người thì mạnh khỏe, kẻ thì ốm đau, người thì thành công kẻ thì thất bại... do đó mỗi người sẽ cảm nhận giá trị cuộc sống khác nhau. Và chính từ sự khác nhau đó mà chiều kích đức tin của mỗi chúng ta cũng sẽ khác nhau.

Trong tình trạng dịch bệnh đang phát triển mạnh nên để hạn chế sự lây lan, Giáo hội Công giáo đã ban hành lệnh khẩn cấp mục vụ cách đặc biệt trong thời gian này. Mặc dù không muốn, thế nhưng các Thánh lễ chung, các việc thờ phượng và sinh hoạt tôn giáo khác có đông người tham dự đã tạm dừng ở nhiều nơi cho đến khi tình hình ổn định lại.

Đức Giáo hoàng Phanxico và các Hội đồng Giám mục khác đã kêu gọi mọi người sám hối ăn năn, siêng năng lần Chuỗi Mân Côi, Chuỗi Lòng Thương Xót... để cầu nguyện cách đặc biệt cho thế giới, cho các bệnh nhân, cho y bác sĩ và những nhà hữu trách, ngay cả việc ban phép lành toàn xá từ Tòa Thánh trong trường hợp đặc biệt cũng đã được thực hiện.

Giáo hội cũng mời gọi mọi tín hữu hãy cộng tác tích cực với các nhà hữu trách để cùng nhau khắc phục và hạn chế hậu quả do virus corona gây ra.

Tuy nhiên, trong cái nhìn đức tin Công giáo, chúng ta sẽ phải giải thích như thế nào trước đại dịch Covid-19 nguy hiểm này?

Thứ nhất, đại dịch cho thấy rằng thiên nhiên được tạo dựng đang từng bước đi đến sự hoàn thiện (x. GLHTCG 310); hơn nữa khi nguyên tổ loài người sa ngã phạm tội (x. St 3), đã làm cho thiên nhiên bị tổn thương và mất cân bằng, nên sẽ không lạ gì khi chúng ta thấy có những động đất, lũ lụt, sóng thần, dịch bệnh... xảy ra nhiều nơi và gây thiệt hại nghiêm trọng (x. Rm 5,12; GS 37; GLHTCG 403, 407, 1607, 1707).

Thứ hai, dịch bệnh và các điều dữ không đến từ Thiên Chúa, vì Người là Đấng Trọn Tốt Trọn Lành, là Tình Yêu (x. 1 Ga 4,8) và là Cha của chúng ta (x. GLHTCG 218-221, 238, 239, 309, 314). Vậy mà nhiều người đã gán cho Thiên Chúa là tác giả của những tai ương, của điều xấu xa và bảo là Người trừng phạt. Tại sao một Thiên Chúa lại có thể nhẫn tâm giết chết con người như trong dịch Covid -19 như thế được? Trong khi Thiên Chúa là chủ của sự sống và Người đã trao ban nó cho chúng ta, đó là diễm phúc cho chúng ta vì được chia sẻ vinh quang của Người (x. GLHTCG 2258). Nếu Thiên Chúa xem thường sự sống thì chẳng phải chính Người đang tự mâu thuẫn sao? Trong đức tin, chúng ta biết để đảm bảo hạnh phúc cho chúng ta cả ở đời này và đời sau mà chính Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đã xuống thế làm người, Người đã rao giảng, đã cứu chữa, và đã chết để cho chúng ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 8,34-36; 10,10; Pl 2,6-11; Rm 5,15-20; GLHTCG 549,1505). Vậy thì làm sao Thiên Chúa có thể là tác giả, là nguyên nhân của những điều xấu xa được?

Thứ ba, sự dữ đến từ ma quỷ, nó tìm các để cám dỗ và hãm hại con người trong tội, nọc độc của nó chính là sự chết (x. 1 Cr 15,55-56). Nhưng sao Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng lại có thể để cho ma quỷ giết hại con người như thế được? Không phải là do Thiên Chúa, mà chính là con người chúng ta đã mở ngõ, đã cộng tác và thỏa hiệp với ma quỷ khi chúng ta phạm tội, để rồi chính chọn lựa của chúng ta làm cho chúng ta phải đau khổ (x. GLHTCG 1264).

Thứ tư, con người đau khổ và chết chóc, Thiên Chúa có thể cứu con người được mà sao Người lại không cứu? Xin thưa có những trường hợp Thiên Chúa ra tay cứu chữa, nhưng cũng có trường hợp Người để cho nó xảy ra để huấn luyện chúng ta và người khác trong đời sống đức tin, giống như người cha người mẹ dạy dỗ con  cái mình vậy (x. GLHTCG 312, 314, 1501, 1502).

Thứ năm, chúng ta cũng đừng quên sự dữ cũng là một mầu nhiệm (x. 2 Cr 2,7), nên chúng ta không thể nào có thể truy tìm tận cùng các chiều kích của sự dữ bằng sự hiểu biết đầy giới hạn của con người được (X GLHTCG 395).

Trên đây là một vài chia sẻ về tương quan giữa người vô thần, giữa đức tin của một vài tôn giáo, cách riêng là Công giáo trước đại dịch Covid -19, hy vọng sẽ giúp cho các bạn có một cái nhìn rộng và khách quan hơn. Từ đó, chúng ta có cho mình sự hiểu biết, các phát biểu và các hành động phù hợp trong không chỉ dịch bệnh mà trong các tai ương khác nữa.

Với người Công giáo, thực thi theo sự hướng dẫn của Giáo hội sẽ giúp chúng ta vững tin và bình an trước những sóng gió đang xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.

Cầu chúc sự tốt đẹp đến cho tất cả mọi người!

Nguồn tin: Người Tín Hữu