Người Viết Cổ Tích Trên Dải Đất Miền Trung

Sat,22/06/2019
Lượt xem: 2585

 

Sau ngày chịu chức, cha tự nguyện xin Đức Giám mục giáo phận đi về vùng đất có tới 4 giáo xứ mới được tái lập để vực dậy cộng đoàn và làm lan tỏa tình yêu Chúa Kitô ra với nhiều người…

Người mở đường

Trong bộ đồ lao động, tay chân lấm lem xi măng, bùn đất khi đang cùng giáo dân xây dựng nhà thờ, cha Phaolô Nguyễn Chí Thiện, chánh xứ Trung Quán, Giáo phận Hà Tĩnh tiếp chuyện chúng tôi một cách thân tình trong gian nhà xứ mà trần nhà cách đầu chỉ hai gang tay. Căn nhà ọp ẹp, cũ kỹ này với phần mái nối dài bằng thân tre còn là nơi cha dâng lễ cho bà con trong suốt 8 năm qua. Cha cho hay, cuối năm nay, ngôi nhà thờ đang xây dựng hoàn thành thì giáo dân mới có nơi thờ tự xứng hợp, đồng thời khép lại chuỗi ngày dự lễ chịu nóng chịu mưa, vất vả, khổ cực khi cứ cách vài năm phải lợp lại nhà nguyện vì mưa gió, bão lũ miền Trung cuốn bay phần mái.

Thụ phong linh mục ngày 19.6.2010, cha nhận được bài sai về quản xứ Sen Bàng tại tỉnh Quảng Bình, và coi sóc luôn 4 giáo xứ nằm trong huyện Quảng Ninh gồm Trung Quán, Bình Thôn, Hoành Phổ, Phúc Tín. Cách Sen Bàng 40 cây số, đa số những xứ này mới được tái lập và chưa nơi nào có nhà thờ. Trước đó, mỗi tháng, các cha chỉ đến dâng lễ một lần nên trong năm, giáo dân tại đây phải đi rất xa để dự lễ.

Tuy nhiên, khi ghé thăm trước Sen Bàng và cùng cha Phêrô Lê Thanh Hồng thăm viếng bốn giáo xứ kia để hiểu rõ tình hình, đã xảy ra một bước ngoặt.

Nhớ lại ngày đầu đặt chân đến các giáo đoàn, cha trầm ngâm: “Hôm đó Phúc Tín là nơi đầu tiên anh em ghé dâng lễ. Dù là lễ Chúa nhật nhưng chỉ có 32 người tham dự, trong đó có 26 người trên 70 tuổi, 6 người còn lại thì 4 chị trạc 50, cùng 2 em nhỏ được bế trên tay. Dâng lễ nhưng trong tôi lúc đó luôn hiện lên suy nghĩ rằng, nếu như mảnh đất này, vùng này mà không có một linh mục trực tiếp hiện diện thì khoảng chục năm nữa, giáo dân còn được mấy người? Và nguy cơ huyện Quảng Ninh không còn ai theo đạo không phải chuyện xa vời”. Thao thức cần phải có một linh mục phụ trách sau đó cứ quẩn quanh mãi nơi vị linh mục trẻ.

Rời Phúc Tín, cha ghé Trung Quán và nhờ mấy ông Ban hành giáo dẫn tới nơi làm lễ. “Nói thật với cậu là khi tới đây tôi chưa thấy điểm dâng lễ nào lại tiêu điều như vậy. Chỉ có căn nhà cấp bốn rệu rạo, khu vườn âm u, cùng một hố bom mọc đầy rau muống phía trước. Tuy nhiên, như được ơn trên soi sáng, bất chợt nhìn sang bên tay trái, tôi thấy ngay một cây thánh giá bằng bê tông. Khi đó tôi tự hỏi là tại sao ở đây, nhà nguyện không có, mà lại có cây thánh giá? Hỏi người đi cùng thì ông bảo là nơi tưởng niệm thánh Tôma Thiện. Khi còn là chủng sinh, tôi cũng thi thoảng tìm hiểu về các thánh tử đạo Việt Nam nhưng chỉ quan tâm cách chung, chứ không thể nhớ rõ từng người. Nhưng lúc đó nghe tên thánh Tôma Thiện, biết Trung Quán là quê hương của ngài, tên tôi lại trùng tên với thánh nhân. Khi ở bên Phúc Tín, tôi đã có suy nghĩ cần phải có linh mục hiện diện, giờ vào đây lại gặp nhiều sự trùng hợp lạ kỳ nên tự nhủ có lẽ mình là người được chọn chứ không ai khác”, cha tâm sự. Nghĩ tới đó, cha liền quay sang nói nhỏ với mấy ông Ban hành giáo là mọi người cố gắng đi ra Tòa Giám mục xin Đức cha cho cha Thiện vô ở luôn trong đây, không ở Sen Bàng và kiêm nhiệm 4 xứ xa này như bài sai ban đầu. Sau đó, cha cũng đã gặp bề trên trình bày những trăn trở của bản thân và được đồng ý với nguyện vọng.

Ngày 5.9.2010, cha Thiện chính thức nhận xứ Trung Quán và kiêm ba xứ còn lại. Hành trình gầy dựng, tưới tắm cho hạt giống Tin Mừng bắt đầu từ đây.

Mùa gặt ngát hương

Gạt bỏ đi những thiếu thốn về kinh nghiệm mục vụ, cha nhanh chóng bắt nhịp và thích nghi với hành trình dấn thân. Bước đầu là thăm hỏi giáo dân, gặp gỡ riêng từng gia đình để động viên, mang niềm vui, tiếng cười đến với họ. Chính việc ghé thăm thường xuyên, không nề hà chuyện nắng mưa đã làm cho nhiều người bị đánh động khi cảm nhận rõ sự gần gũi giữa người giáo dân và chủ chăn của mình. Từ số tín hữu dự lễ khiêm tốn lúc đầu, dần dà tăng lên vài trăm. Số anh chị em nguội lạnh lâu năm nay cũng trở lại tham gia các sinh hoạt. Sức sống nơi các xứ đạo từ đó ngày một triển nở.

Để mọi người có thể quy tụ và cảm nhận sự quan tâm nhiều hơn, cha còn liên hệ với các đoàn từ thiện đến giúp về đời sống. Có những thời điểm bà con phải hứng chịu mưa gió, bão lũ, nước ngập gần tới nóc nhà nhưng ngay khi nước rút, đã thấy sân nhà thờ chứa đầy gạo đường, nước mắm của các đoàn cứu trợ. Mỗi người nhận được dù chỉ là gói mì, tấm chăn bông nhưng trong cơn gian khó, sự sẻ chia kịp thời đã làm cho nhiều người cảm động không cầm được nước mắt… Có đợt Nhà Chúa còn biến thành nhà thương khi các đoàn y bác sĩ tìm về khám bệnh, phát thuốc miễn phí. Ở Trung Quán và Bình Thôn, cha còn dựng tủ thuốc miễn phí với đủ những loại thuốc thông dụng, để khi ai đau bụng, ho cảm cứ ghé qua nhà thờ, cha sẽ cung cấp thuốc và ân cần hướng dẫn mọi người cách sử dụng.

Tại các xứ đạo, bà con đều sinh sống bằng nông nghiệp, nhưng việc gieo trồng lại gặp phải nhiều khó khăn vì thiếu nước. Nhận ra vấn đề này, cha cho đúc các ống dẫn để đưa nước từ mương vào tưới tiêu vườn cây ăn trái, hoa màu, giúp cây trồng đạt năng suất cao hơn. Trong quá trình thăm viếng, thấy nhiều gia đình quá khó khăn khi phải đánh vật với cuộc sống hằng ngày, không đành lòng, cha liền nghĩ cách tìm cho họ hướng đi. Sau khi có được nguồn hỗ trợ từ các ân nhân, cha cho người dân mượn vốn để mua bò giống về nuôi. Sau hai năm đàn bò sinh sản, số vốn bà con trả, cha lại chuyển qua tay người khác. Cứ vậy nhân rộng lên nên tới nay, gần 20 gia đình đã được hưởng lợi từ dự án này.

Trung Quán vốn là quê hương thánh Tôma Trần Văn Thiện nên sau ngày về nhận xứ, cha biến ngày lễ kính thánh nhân thành ngày hội truyền thống của họ đạo. Vậy nên cứ tới cận lễ, con em đi xa đều thu xếp về dự. Giáo dân tứ phương cũng tìm đến hòa chung tâm tình vui sướng, tự hào. Càng đặc biệt hơn khi vào dịp này, những anh em không Công giáo sống chung quanh đều đến chung vui. Trong các hoạt động đi kèm như diễn nguyện, thi trò chơi dân gian thì đội văn nghệ của các thôn, xã đều được mời tham gia, biểu diễn. Dịp Giáng Sinh, giáo xứ cũng có những hoạt động tương tự.

Chính từ sự giao lưu qua lại thường xuyên nên tại các xứ đạo, giữa người Công giáo và người không Công giáo luôn có mối hòa hợp thân tình. Hình ảnh “ông linh mục” ngày càng trở nên gần gũi với anh em lương dân. Trong dòng hồi tưởng, cha bảo lúc mới đi thăm các nhà chưa biết Chúa, họ toàn gọi mình là chú hay anh chứ không biết cha là ai. Qua thời gian bền bỉ hỏi han, mọi người dần cảm mến vẻ chân tình và sự nhiệt thành của “ông linh mục” nên muốn tìm hiểu về đạo. Cha nhiệt tình diễn giải, cắt nghĩa giáo lý cho họ. Tổng cộng sau 8 năm về nhận xứ, gần 600 tân tòng nhiều độ tuổi đã được lãnh Bí tích Khai Tâm, trong đó phần lớn là anh em từ các gia đình lương dân. Một con số quá đỗi ấn tượng mà ngay cha cũng không ngờ tới.

Từ tổng số 650 tín hữu cho cả 4 giáo xứ ngày đầu, nay đã lên gấp đôi, và con số đó cứ tăng đều đặn khi người mục tử vẫn hăng say phục vụ, để Lời Chúa ngày một triển nở trên vùng đất mà Tin Mừng đã được gieo trồng cách đây gần 350 năm.

Ðình Quý

 

Nguồn tin: cgvdt