Ngậm Ngùi Xót Xa...

Thu,28/02/2019
Lượt xem: 2008

Trong những ngày tham quan vùng đất Sapa, chúng tôi luôn cố gắng bao nhiêu có thể đến những nơi nổi tiếng của vùng đất này, trong số đó có Tu Viện Tả Pìn cổ.
Hôm ấy, vào một buổi chiều nắng vương nhẹ cùng với một chút hơi lạnh, chúng tôi đã tìm đến nơi đây để chiêm ngưỡng một tu viện đã có một bề dày lịch sử, mặc dù đến nay không còn được hoạt động đúng nghĩa!

Đến nơi, chúng tôi có khá nhiều bất ngờ khi con đường dẫn vào tu viện không còn nhỏ hẹp, gập ghềnh như ngày xưa. Hôm nay đã có nhiều đổi khác, như là có nhiều ngôi nhà mới xuất hiện, được xây dựng, đẹp, khang trang, hiện đại hơn, ngay cả phía trên đầu của tu viện đã có một ngôi nhà đồ sộ, và sát một bên tu viện đã có thêm một vườn rau trồng theo công nghệ mới. Ngoài ra, hiện nay thì có thêm nhiều người dân tộc bán hàng thổ cẩm cho khách đến tham quan nơi đó…

Từ phía đối diện của Tu Viện, tôi bước xuống xe nhìn về phía bên ngôi nhà mà thấy xót xa, ngậm ngùi, không khác gì tâm tư ngày xưa của Bà huyện Thanh Quan trong bài thơ nổi tiếng “ Thăng Long hoài cổ” vậy.

Tạo hoá gây chi cuộc hý trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn chau mặt với tang thương.
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Bước theo sau người dân tộc đang tìm cách tiếp cận người anh em chào mời để bán được hàng, đã hùng hồn giới thiệu về tu viện này như là mình biết rõ “ tu viện này bị bỏ hoang từ lâu, khoảng trước năm 1950 gì đó. Sau này có một số người đến tìm cách khôi phục, nhưng thấy tu viện tàn tạ quá, lại tốn kém nhiều nên đã bỏ ý định đó, không trùng tu nữa?”
 
Nghe được sự giới thiệu này tôi chợt mỉm cười và băn khoăn, tự hỏi, không biết cô gái này học điều ấy ở đâu, hay được ai chỉ dẫn… mà lại dám giới thiệu một cách quả quyết, mạnh mẽ…đến như thế?

Trên đường về, tôi nói với người anh em vừa nghe được lời chỉ dẫn đó là muốn biết rõ về tu viện này thì hãy vào trang mạng của giáo xứ Sapa, và đánh tên “Tu viện Tà Phìn - Sa Pa” là sẽ rõ liền. Ngoài ra, chúng ta đang ở Sapa, nếu có gì chưa rõ thì hãy hỏi cha xứ, là ngài sẽ nói rõ mọi sự. (1)
 
Đứng trước một tu viện cổ nay đã bị bỏ hoang tàn, chờ ngày sụp đổ? Tuy có ngậm ngùi, nhưng lại thêm một lần nữa, chúng tôi cảm nhận được sức sống của anh chị em tín hữu ở trên này – đặc biệt người dân tộc, H’Mông chiến tới 90% - , để có người Anh em phải thốt lên “ Bái phục các cha truyền giáo”. Vì qua sự việc này chứng tỏ Tin Mừng đã có mặt nơi đây từ lâu lắm rồi, sau khi các ngài đã đặt chân đến Ninh Cường, Quần Anh và Trà Lũ ở Giáo phận Bùi Chu hiện nay, hay ở Thăng Long thuộc giáo phận Hà Nội, ở Cửa Bạng thuộc giáo phận Thanh Hóa, ở Cửa Hàn thuộc giáo phận Đà Nẵng….
 
Đường đi lại xa xôi, khó khăn cách trở biết mấy, đã vậy lại còn là rừng thiêng nước độc, không cùng một dân tộc thì làm sao biết tiếng, mà thấu hiểu nhau… Thế mà, các ngài vẫn lao mình bước tới, vì các ngài tin vào quyền năng của Chúa, khi các ngài không làm cho riêng mình, mà là để cho “ Nước Chúa trị đến ”, mà là để cho “ Danh Chúa được cả sáng…”
 
Với những suy nghĩ bước đầu là như thế, tôi hy vọng những người anh em này cùng biết bao anh chị em khác khi dừng chân tại đây, cũng như những nơi khác tương tự sẽ có những suy nghĩ và cảm nhận cách sâu xa hơn để qua đó biết sống làm chứng nhân cho Tin Mừng trong cuộc sống hôm nay mà không hổ thẹn với tiền nhân.

Đối với anh em chúng tôi, chắc có lẽ còn phải cảm nhận một cách rõ rệt và sâu sắc hơn nữa trước sứ mạng mà cha thánh tổ phụ Eymard để lại và mời gọi chúng tôi hôm nay tiếp tục, đó là “ Thắp lửa Thánh Thể ” khắp nơi, như chính Chúa Giêsu trong đêm bị trao nộp, Ngài đã nói “ Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy ”, cũng như trước khi trở về nơi Ngài đã phát xuất, Ngài đã mời gọi các tông đồ “ Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, đến tận cùng trái đất…” mà mạnh dạn, can đảm hơn nữa, cho dù hôm nay đã có những bước tiến như “ Đôi hia bảy dặm”, nhưng khó khăn, thử thách vẫn không thiếu.

Do đó, đứng tại nơi đây không phải chỉ để ngậm ngùi như Bà huyện Thanh Quan ngày xưa, mà qua đó phải khơi dậy một niềm tin bất khuất như các tu sĩ đã dấn mình đi trước và minh chứng khi đến đây, ngoài ra, tôi còn tin rằng, cho dù ngày mai này theo thời gian, tu viện sẽ bị đổ sập, vì không được tu bổ kịp thời, hay do tác động ác tâm của con người. Đó là lẽ đương nhiên của vạn vật, nhưng tinh thần thì sẽ còn mãi mãi. Điều quan trọng là tôi và mọi người có nhận ra không hay chỉ biết đứng đó mà than với thở!
 
Để được như vậy, ngay bây giờ tôi, anh, và chị hãy làm chứng nhân cho Tin Mừng bằng bất cứ giá nào, trong hoàn cảnh sống của mình. Cho dù việc làm của ta thật là nhỏ bé, như muối bỏ biển, nhưng đừng quên góp gió thành bão, hay nối nhiều chấm sẽ thành một con đường, hoặc nhiều bàn tay nắm lại sẽ liên kết thành một sức mạnh chẳng ai ngờ…
 
Thiên Quang sss
Nguồn tin: congiao.info
Tags :