Lịch sử Thượng Hội đồng Giám mục

Fri,01/04/2022
Lượt xem: 1083

 

LỊCH SỬ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng

 Giáo hội của Chúa Kitô đã trải qua dòng lịch sử 2000 năm với cuộc hành trình trong ân sủng, sức mạnh, quyền năng và tình thương của Thiên Chúa, cho dù vẫn có đó những bất toàn, khiếm khuyết. Chính trong quyền năng và dưới tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội đã và đang không ngừng canh tân đổi mới đời sống, để trở nên là “Bí tích”, nghĩa là khí cụ và là phương tiện của sự hiệp nhất, đưa dẫn toàn thể vạn vật và nhân loại đến với ân sủng, tình yêu và sự sống viên mãn của Thiên Chúa theo “Nhiệm cục cứu độ” phát xuất từ tình yêu và sự tốt lành, thánh thiện của Thiên Chúa. Quả thế, lịch sử đã minh chứng, Giáo hội không ngừng được quyền năng, ân sủng của Đức Kitô và Thánh Thần hướng dẫn, canh tân và đổi mới đời sống. Một trong những phương thế và như khí cụ cần thiết, đó là hình thức Công đồng và gần đây, với Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, đã đem lại rất nhiều hiệu quả hữu ích cho đời sống và sứ mạng của Giáo hội.

 

Mục lục

I. CÁC CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT

 

 

II. LỊCH SỬ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

 

 

        1. Tự sắc thiết lập Thượng Hội đồng

 

        

2. Thuật ngữ Thượng Hội đồng Giám mục (Synodus Episcoporum)

 

        

3. Mục đích và đặc tính

 

        

4. Các hình thức Thượng Hội đồng và thành phần tham dự

 

        

5. Quy định Giáo luật về Thượng Hội đồng Giám mục

 

        

6. Diễn tiến


I. CÁC CÔNG ĐỒNG ĐẠI KẾT[1]

Trải qua 2000 năm lịch sử, cho đến Vaticanô II, dòng lịch sử Giáo hội ghi nhận danh sách 21 Công đồng chung. Tuy nhiên, trong thực tế, còn có những Công đồng khác không kém phần quan trọng cả về tầm mức lẫn thế giá, nhưng không được liệt kê trong danh sách 21 Công đồng này, chẳng hạn như Công đồng Giêrusalem, bởi vì với mục đích “hiệp nhất” Kitô giáo, chỉ những Công đồng hội đủ yếu tố đại kết (Concilium recumenicum) sẽ thuộc con số 21 này. Các Công đồng đại kết quy tụ những thành phần trong Giáo hội Kitô, nghĩa là những người có chung niềm tin Kitô giáo, qua đó, những vấn đề cần bàn bạc, giải quyết trong một cuộc quy tụ với những hình thức được giáo luật quy định. Bộ giáo luật 1983, phân biệt:

- Công đồng đại kết (Concilium (oecumenicum) (Can 337 - 341)

- Thượng Hội đồng Giám mục (Synodus Episcoporum) (Can 342 - 348)

- Các công đồng địa phương: (Can 439 - 446)

+ Công đồng toàn quốc (Concilium plenarium)

+ Công đồng giáo tỉnh (Concilium provinciale)

+ Công đồng địa phận (Synodus diocesana)

Qua thực tế đời sống, những hình thức hội nghị này đã đem lại nhiều hiệu quả lớn lao và rất cần thiết cho đời sống Giáo hội, đặc biệt cho sự hiệp nhất Giáo hội về cả phương diện đức tin lẫn thực hành Kitô giáo.

Lịch sử cho thấy, rất nhiều khi, sự hiệp nhất trong Giáo hội phải trải qua những sóng gió, thử thách do bởi các lạc thuyết như Arius, Nestorius, Eutykes liên quan đến nền tảng niềm tin “thần khởi tông truyền” của Kitô giáo về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Đức Kitô Thiên Chúa nhập thể làm người; Giáo hội cũng chịu nhiều ảnh hưởng của đời sống chính trị, xã hội, nhất là ở thời Trung đại, do sự liên kết Thế quyền-Thần quyền, đã đưa đến nhiều hệ lụy, làm cho đời sống nội tại của Giáo hội ngày càng suy thoái trầm trọng; bên cạnh đó, còn có vết thương của những cuộc ly khai Công giáo- Chính Thống (1054), Công giáo-Tin Lành (1517), Công giáo-Anh giáo (1534). Ngay trong chính Giáo hội công giáo Rôma (Catholic Roman), vào cuối thế kỷ XIV - thế kỷ XV, cuộc Đại ly giáo Tây phương, do tình trạng tranh chấp quyền bính giữa hai Giáo hoàng ở Roma - Avignon, sau đó thêm vị thứ ba tại Bologna. Trong bối cảnh ấy, để chấm dứt cuộc tranh chấp và chia rẽ, giải pháp “công đồng” đã được chọn. Lúc này, Công đồng Constancia 1414-1418 đã góp phần tái lập sự hiệp nhất trong Giáo hội công giáo Tây phương, nhưng để khẳng định thẩm quyền của Công đồng, nhằm giải quyết và chấm dứt việc tranh chấp ngôi vị giáo hoàng, hậu quả là Chủ thuyết Đại công đồng khởi đi từ nhà thần học Jean Gerson, viện trưởng Đại học Công giáo Paris. Chủ thuyết này nhằm khẳng định quyền tối cao của Công đồng trên toàn Giáo hội, ngay cả Giáo hoàng, tất cả phải tuân phục phán quyết của Công đồng. Đây là vấn nạn lớn liên quan đến sự hiệp nhất Giáo hội với cơ cấu phẩm trật, được Chúa Giêsu thiết lập và ủy thác quyền thủ lãnh cho Phêrô và những Đấng kế vị. Sự hiệp nhất và quyền thủ lãnh như thế thuộc lãnh vực mạc khải, là thiên định. Vì thế, chủ thuyết Đại công đồng là bất hợp luật, gây nguy hại cho sự hiệp nhất Giáo hội.

Cho đến thế kỷ XIX, Công đồng Vaticanô I (1869-1870) đạt thành quả lớn lao khi công bố Hiến chế Pastor Aeternus (Mục tử đời đời), qua đó, Công đồng công bố thành Tín điều về quyền tối thượng và ơn Bất ngộ của Đức giáo hoàng. Tuy nhiên, với định tín này, cơ cấu phẩm trật Giáo hội như được xây dựng với mô hình “Kim tự tháp”, ở đỉnh điểm của mô hình này là quyền tối thượng của Giáo hoàng và như thế, Giáo hội như một thể chế xã hội tập quyền.

Với Vaticanô II, là Đại công đồng của lịch sử Giáo hội 2000 năm, một Công đồng đúng thật với mục đích đại kết, đối thoại, hiệp nhất v.v...[2] Giáo hội đạt được nhiều thành quả lớn lao trong công cuộc cải cách qua Công đồng này. So với Vaticanô I, Công đồng Vaticanô II đặc biệt đề cao chiều kích hiệp thông của Giáo hội. Đặc biệt, Vaticanô II đã tái khám phá tính cách tập đoàn (collegialitas) của hàng giám mục. Vào buổi sơ khai, Giáo hội được điều khiển bởi Tông đồ đoàn với thánh Phêrô là thủ lãnh. Đến các giai đoạn kế tiếp, Giáo hội cũng được điều khiển bởi tập đoàn các giám mục (kế nhiệm các thánh tông đồ) với giám mục Rôma là thủ lãnh (kế vị thánh Phêrô). Nhưng làm cách nào để giám mục đoàn có thể tham gia việc điều khiển Giáo hội? Việc tổ chức một Công đồng mang tính hoàn vũ quy tụ mấy ngàn giám mục là chuyện không đơn giản. Trong bối cảnh đó, những kiến nghị thiết lập một cơ quan đại diện Giám mục đoàn nhằm góp ý cho Đức giáo hoàng về việc điều hành Giáo hội là điều sáng suốt và rất cần thiết.

[3]

Sự hiệp thông giữa mọi thành phần trong Giáo hội và nét nổi bật so với Vaticanô I là tính “hiệp đoàn giám mục” (collège des évêques), với tương quan hiệp nhất và đồng trách nhiệm giữa các giám mục với nhau và với Đức giáo hoàng - vị thủ lãnh, để cùng quản trị và điều hành Giáo hội hoàn vũ. Do đó, mô hình kim tự tháp của Vaticanô I được thay đổi bằng những vòng tròn đồng tâm, diễn tả sự hiệp thông Giáo hội trong thời đại mới.

[4] Chính trong bối cảnh ấy, nhằm đáp ứng nguyện vọng của các nghị phụ Công đồng Vaticanô II, nhằm duy trì tinh thần hiệp đoàn mà Công đồng đã đạt được, ngày 15/09/1965, Đức Tổng giám mục Pericle Felici, Tổng thư ký của Công đồng, đã công bố Tự sắc Apostolica Sollicitudo của ĐGH Phaolô VI thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (Synodus Episcoporum).

[5]

 

II. LỊCH SỬ THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC[6]

Ngày 25/09/1995, nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, trong bài phỏng vấn dành cho Đài Vatican, ĐHY Jan Schotte, Tổng thư ký Thượng Hội đồng Giám mục lúc bấy giờ, đã gọi hình thức Đại hội này là “một việc Quan phòng của Thiên Chúa”. Quả thực, ngày Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI, với Tự sắc “Apostolica Sollicitudo”, thành lập Thượng Hội đồng Giám mục là một trong các mốc thời gian quan trọng nhất của lịch sử Giáo hội trong thế kỷ XX.

1. Tự sắc thiết lập Thượng Hội đồng

Để có thể tham chiếu cách chi tiết về Thượng Hội đồng Giám mục, chúng tôi đăng dịch toàn bộ bản Tự sắc Apostolica Sollicitudo

[7] (Mối âu lo về việc tông đồ) của Đức Phaolô VI sau đây:

GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI

TÔNG THƯ ĐƯỢC BAN HÀNH DƯỚI HÌNH THỨC TỰ SẮC
APOSTOLICA SOLLICITUDO

THIẾT LẬP THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC
CHO GIÁO HỘI HOÀN VŨ

Mối âu lo về việc tông đồ, theo đó khi xem xét kỹ lưỡng các dấu chỉ thời đại, Ta cố gắng thích nghi những con đường và phương pháp của việc tông đồ thiêng liêng cho phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của thời đại chúng ta và với các điều kiện đã thay đổi của xã hội, giúp Ta củng cố, bằng những mối dây ràng buộc mạnh mẽ hơn, sự hợp nhất của Ta với các Giám mục mà Chúa Thánh Thần đã đặt lên... để chăn dắt Hội Thánh của Thiên Chúa (Cv 20,28). Ta được thúc đẩy hướng về điều này, không những bởi sự tôn trọng, quý mến và lòng biết ơn mà Ta cảm thấy phải hướng về Các Anh Em Đáng Kính trong chức Giám mục một cách đúng mực, mà còn bởi trách nhiệm rất nặng nề của Vị Mục Tử Tối Cao đã trao cho Ta phải dẫn dắt dân của Thiên Chúa đến đồng cỏ muôn đời. Thật vậy, trong thời đại này của chúng ta, thật sự có rất nhiều đảo lộn và đầy rẫy những nguy hiểm, nhưng lại rất rộng mở trước các luồng gió cứu độ của ân sủng thần linh; qua kinh nghiệm hằng ngày Ta nghiệm thấy sự hợp nhất như vậy với các Mục Tử thiêng liêng rất hữu ích đối với nhiệm vụ tông đồ của Ta, bởi đó Ta muốn thúc đẩy và khuyến khích bằng mọi cách sự hợp nhất như vậy, để - như Ta đã khẳng định ở nơi khác - Ta không thiếu sự an ủi do sự hiện diện, sự trợ giúp nhờ sự thận trọng và kinh nghiệm, sự chắc chắn do lời khuyên, sự ủng hộ bởi uy tín thế giá của các vị mang lại (Allocutio ad Patres Conciliares habita, III exacta Oecum. Synodi Sessione, AAS [1964] 1011).

Do đó, đặc biệt là trong suốt thời gian diễn ra Công Đồng Chung Vatican II, lẽ tự nhiên rằng trong tâm trí của Chúng Tôi luôn tồn tại xác tín vững chắc này của Chúng Tôi liên quan đến thời đại và sự cần thiết ngày càng phải nhờ cậy sự trợ giúp của các Giám mục vì lợi ích của Giáo hội hoàn vũ. Thật vậy, Thánh Công Đồng Chung cũng là nguyên nhân khiến Ta hình thành ý tưởng thiết lập một hội đồng đặc biệt và lâu dài gồm các Mục Tử thiêng liêng, và để ngay cả sau khi Công Đồng đã kết thúc, sự phong phú những lợi ích đó vốn đã đạt được nhờ sự hợp nhất sống động của Ta và các Giám mục trong suốt thời gian diễn ra Công Đồng, vẫn tiếp tục tồn tại giữa dân Kitô Giáo.

Và bây giờ, khi Công Đồng Chung Vatican II sắp kết thúc, Ta tin rằng thời điểm thích hợp cuối cùng đã đến để làm cho dự định đã được hình thành từ lâu trở thành hiện thực; và Ta rất vui mừng thực hiện điều này vì Ta biết rằng các Giám mục của thế giới Công giáo công khai ủng hộ dự định này của Ta, như ý kiến của nhiều Mục Tử thiêng liêng đã bày tỏ về vấn đề này trong Công Đồng Chung này.

Vì vậy, sau khi đã cân nhắc đầy đủ mọi việc, để tỏ lòng quý mến và tôn trọng tất cả các Giám mục Công giáo, và để tạo cho các ngài khả năng tham gia một cách rõ ràng hơn và hiệu quả hơn vào chức vụ chăn dắt của Ta đối với Giáo hội hoàn vũ, theo tự sắc của Ta và với thẩm quyền tông đồ của mình, Ta nâng lên và thiết lập tại Thành Thánh này một Đại hội Giám mục lâu dài cho Giáo hội hoàn vũ, phụ thuộc trực tiếp dưới quyền bính của Ta và Ta gọi là Thượng Hội đồng Giám mục.

Thượng Hội đồng này, giống như mọi định chế nhân loại, có thể được hoàn thiện hơn theo thời gian và được điều phối bởi các quy tắc tổng quát sau đây.

I

Thượng Hội đồng Giám mục, theo đó các Giám mục được chọn từ nhiều nơi trên thế giới để giúp đỡ hiệu quả hơn cho vị chủ chăn tối cao của Giáo hội, được thành lập như:

a) Một định chế Giáo hội trung ương;

b) Đại diện cho toàn thể hàng Giám mục Công giáo;

c) Vĩnh viễn do bản chất của nó;

d) Về cấu trúc của Thượng Hội đồng, nó thực hiện các nhiệm vụ của mình theo cách thức tạm thời và không thường xuyên.

II

Do bản chất của mình, Thượng Hội đồng Giám mục có nhiệm vụ cung cấp cứ liệu và đưa ra lời khuyên. Thượng Hội đồng cũng có thể có quyền biểu quyết, khi quyền này được Giáo hoàng Rôma ban cho; trong trường hợp này, việc phê chuẩn các quyết định của Thượng Hội đồng thuộc về Giáo hoàng.

1. Mục đích chung của Thượng Hội đồng Giám mục là:

a) Thúc đẩy sự hợp nhất và cộng tác chặt chẽ giữa Giáo hoàng và các Giám mục trên toàn thế giới;

b) Thu thập cứ liệu trực tiếp và chính xác về các vấn đề và hoàn cảnh liên quan đến đời sống nội bộ của Giáo hội và hành động mà Giáo hội phải thực hiện trong thế giới ngày nay;

c) Làm cho sự đồng thuận các ý kiến được dễ dàng hơn ít nhất về những điểm cốt yếu của đạo lý và về cách thức hành động trong đời sống của Giáo hội.

2. Các mục đích đặc biệt và tức thời là:

a) Trao đổi thông tin thích hợp;

b) Bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề mà vì đó Thượng Hội đồng được triệu tập vào từng thời điểm.

III

Thượng Hội đồng Giám mục phụ thuộc trực tiếp dưới quyền bính của Giáo hoàng Rôma, ngài cũng sẽ chịu trách nhiệm về:

1. Triệu tập Thượng Hội đồng, bất cứ khi nào ngài thấy thích hợp, và ấn định địa điểm tổ chức các cuộc họp;

2. Phê chuẩn việc chọn lựa các thành viên, như được đề cập trong mục V và VIII;

3. Ấn định chủ đề của các vấn đề cần bàn thảo ít nhất sáu tháng trước cuộc họp Thượng Hội đồng, nếu điều này là có thể;

4. Gửi tài liệu các chủ đề cần bàn thảo cho những người phải tham gia vào việc thảo luận các câu hỏi đó;

5. Thiết lập chương trình nghị sự;

6. Trực tiếp chủ tọa Thượng Hội đồng hoặc thông qua những vị khác.

IV

Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập dưới hình thức hội nghị khoáng đại, hội nghị ngoại thường và hội nghị đặc biệt.

V

Thượng Hội đồng Giám mục có thể được triệu tập dưới hình thức hội nghị khoáng đại trước hết và do tự thân bao gồm:

1.

a) Các Thượng phụ, các Tổng Giám mục và các Trưởng Giáo chủ bên ngoài các lãnh địa của các Tòa Thượng Phụ thuộc các Giáo hội theo nghi lễ Đông Phương;

b) Các Giám mục do các Hội đồng Giám mục Quốc gia liên hệ bầu chọn, theo mục VIII;

c) Các Giám mục do những Hội đồng Giám mục của nhiều quốc gia bầu chọn, được thiết lập như vậy cho các quốc gia không có Hội đồng Giám mục riêng, theo mục VIII;

d) Thêm vào số các vị này, mười tu sĩ đại diện cho các Dòng Giáo Sĩ, được Hiệp Hội Các Bề trên Tổng quyền Rôma tuyển chọn.

2. Các Hồng Y đứng đầu các Thánh Bộ của “Giáo triều Rôma” cũng được tham dự hội nghị khoáng đại của Thượng Hội đồng Giám mục.

VI

Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập dưới hình thức hội nghị ngoại thường gồm có:

1.

a) Các Thượng Phụ, các Tổng Giám mục và các Trưởng Giáo chủ bên ngoài lãnh địa của các Tòa Thượng Phụ các Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông Phương;

b) Các Chủ Tịch của những Hội đồng Giám mục quốc gia;

c) Các Chủ Tịch của những Hội đồng Giám mục của nhiều quốc gia, được thiết lập cho những quốc gia không có Hội Đồng riêng;

d) Ba tu sĩ đại diện cho các Dòng Giáo Sĩ, được Hiệp hội Các Bề trên Tổng quyền Rôma tuyển chọn.

2. Các Hồng Y đứng đầu các Thánh Bộ của “Giáo triều Rôma” cũng được tham dự hội nghị khoáng đại của Thượng Hội đồng Giám mục.

VII

Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập dưới hình thức hội nghị đặc biệt gồm có: các Thượng Phụ, các Tổng Giám mục và các Trưởng Giáo chủ bên ngoài lãnh địa của các Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông Phương, như những vị đại diện, vừa cho các Hội đồng Giám mục của một quốc gia hay nhiều quốc gia, vừa cho các Dòng Tu, như được đề cập trong mục V và VIII, miễn là tất những vị kể trên phải thuộc về những miền mà vì đó Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập.

VIII

Các Giám mục đại diện cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia được chọn theo các quy tắc sau:

a) Một vị cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia không quá hai mươi lăm thành viên;

b) Hai vị cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia không quá năm mươi thành viên;

c) Ba vị cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia không quá một trăm thành viên;

d) Bốn vị cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia hơn một trăm thành viên;

Những Hội đồng Giám mục chung cho nhiều quốc gia chọn những đại diện của mình cũng theo những quy tắc nêu trên.

IX

Để chọn những vị đại diện của Hội đồng Giám mục của một hay nhiều quốc gia và các Dòng Tu tham dự Thượng Hội đồng Giám mục, cần phải đặc biệt lưu tâm không những đến sự khôn ngoan và sự cẩn trọng của các ứng viên, mà còn sự hiểu biết về lý thuyết và thực hành liên quan đến vấn đề sẽ được bàn thảo trong Thượng Hội đồng.

X

Nếu muốn, Đức giáo hoàng có thể tăng thêm số các thành viên của Thượng Hội đồng Giám mục, bằng cách chỉ định thêm hoặc các Giám mục hoặc các tu sĩ đại diện các Dòng Tu, hoặc các chuyên viên của Giáo hội, với tỷ lệ không quá 15% tổng số các thành viên, như được đề cập trong mục V và VIII.

XI

Khi kết thúc khóa họp mà vì đó Thượng Hội đồng Giám mục đã được triệu tập, thì do chính sự việc (tức khắc), các vị đã tham dự Thượng Hội đồng, các cơ quan và các chức vụ đã được trao phó cho các thành viên cũng chấm dứt.

XII

Thượng Hội đồng Giám mục có một thư ký thường trực hoặc tổng thư ký, được hỗ trợ bởi số các cộng sự viên hợp lý. Ngoài ra, mỗi khóa họp của Thượng Hội đồng Giám mục có một thư ký riêng và vị này sẽ thi hành nhiệm vụ cho đến khi khóa họp này kết thúc.

Chính Đức giáo hoàng bổ nhiệm không những tổng thư ký mà ngay cả những thư ký riêng.

Ta quyết định và thiết lập những điều này, tất cả những gì trái ngược đều vô giá trị.

Ban hành tại Rôma, cạnh Đền thờ Thánh Phêrô
Ngày 15 tháng 9 năm 1965, năm thứ ba Triều đại Giáo hoàng của Ta Giáo hoàng Phaolô đệ lục

2. Thuật ngữ Thượng Hội đồng Giám mục (Synodus Episcoporum)[8]

Trong La ngữ: Synodus hay Hy ngữ: Synodos và hạn từ Concilium thường được sử dụng gần như đồng nghĩa, để chỉ về sự kiện các Giám mục trên thế giới hay tại một quốc gia, một địa phương, họp nhau lại để bàn thảo và đưa ra những quyết định quan trọng và cần thiết cho đời sống Giáo hội. Từ Vaticano II đến nay, hai thuật ngữ này được phân biệt rõ ràng hơn với 2 hình thức khác nhau, theo đó hạn từ “Concilium” được dịch là “Công đồng” gồm: Con và calō + ium, (có nghĩa: cùng hội, cùng bàn). Riêng trong bài viết này, thuật ngữ “Synodus” được dịch là “Thượng Hội đồng”, tuy nhiên, ở tầm mức giáo phận, được gọi là “Công nghị”[9]. Theo Hy ngữ, Synodos có nghĩa là: cùng sánh bước, cùng đồng hành hay đi chung một con đường. Synodos được ghép bởi hai từ: Syn: cùng nhau và odos: con đường.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa nhật ngày 22 tháng 9 năm 1974, Đức thánh giáo hoàng Phaolô VI đã định nghĩa Thượng Hội đồng Giám mục như sau: “Đây là một cơ chế Giáo hội mà chúng tôi thiết lập lên sau Công đồng Vatican II, ngõ hầu củng cố sự hiệp nhất và cộng tác giữa các giám mục trên khắp thế giới với Tòa Thánh. Cơ chế Thượng Hội đồng Giám mục thực hiện mục tiêu trên, nhờ qua bởi cuộc nghiên cứu chung liên quan đến những hoàn cảnh của Giáo hội và qua bởi giải đáp chung cho những vấn đề có liên quan đến sứ mạng của Giáo hội. Thượng Hội đồng Giám mục không phải là một Công đồng, cũng không phải là một Quốc hội, nhưng như là một kiểu mẫu đặc biệt của Công nghị”.

3. Mục đích và đặc tính

Với việc ban hành Tự sắc Apostolica Sollicitudo, Đức Phaolô VI đã chỉ rõ mục đích của THĐ như sau:

1. Mục đích chung của Thượng Hội đồng Giám mục là:

a) Thúc đẩy sự hợp nhất và cộng tác chặt chẽ giữa Giáo hoàng và các Giám mục trên toàn thế giới;

b) Thu thập cứ liệu trực tiếp và chính xác về các vấn đề và hoàn cảnh liên quan đến đời sống nội bộ của Giáo hội và hành động mà Giáo hội phải thực hiện trong thế giới ngày nay;

c) Làm cho sự đồng thuận các ý kiến được dễ dàng hơn, ít nhất về những điểm cốt yếu của đạo lý và về cách thức hành động trong đời sống của Giáo hội.

2. Các mục đích đặc biệt và tức thời là:

a) Trao đổi thông tin thích hợp;

b) Bày tỏ ý kiến của mình về những vấn đề mà vì đó Thượng Hội đồng được triệu tập vào từng thời điểm”.[10]

Khi nhìn lại lịch sử 21 Công đồng chung, chúng ta nhận thấy khoảng thời gian từ Công đồng này đến Công đồng kế tiếp là khá xa, chẳng hạn: Công đồng Trentô (năm 1563) - Vaticanô I (1870) là 307 năm; Vaticanô I (1870) - Vaticanô II (1962-1965) là 92 năm. Như vậy, quá lâu để các Giám mục họp nhau nhằm bàn thảo và định hướng cho đời sống của Giáo hội, nhất là để bắt kịp với sự phát triển và những thay đổi rất nhanh chóng của thời đại cả về chính trị, văn hóa, xã hội và nhất là trong đời sống Giáo hội. Đây chính là “mối lo âu” của Đức Phaolô VI: “Mối âu lo về việc tông đồ, theo đó khi xem xét kỹ lưỡng các dấu chỉ thời đại, Ta cố gắng thích nghi những con đường và phương pháp của việc tông đồ thiêng liêng cho phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng của thời đại chúng ta và với các điều kiện đã thay đổi của xã hội [...] Thật vậy, trong thời đại này của chúng ta, thật sự có rất nhiều đảo lộn và đầy rẫy những nguy hiểm, nhưng lại rất rộng mở trước các luồng gió cứu độ của ân sủng thần linh”.[11] Đây có thể được xem như lý do đầu tiên cho việc thiết lập THĐGM, để kịp thời cập nhật và vạch ra hướng đi cho Giáo hội trước những thay đổi không ngừng của cuộc sống.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn dành cho Đài Vatican ngày 25/09/1995, ĐHY Jan Schotte quả quyết: “Quyết định thành lập Thượng Hội đồng Giám mục thế giới là một quyết định do Chúa Quan phòng, bởi vì đã cho phép các Giám mục thể hiện và thi hành nhiệm vụ “đoàn thể tính” của giám mục đoàn. Thượng Hội đồng mang tính chất hoàn vũ, để các giám mục thực hiện đoàn thể tính của mình (Hàng giám mục thế giới hiệp nhất với Vị Giám mục Rôma). Đức Hồng Y nhấn mạnh: “Nhìn về các Khóa họp của Thượng Hội đồng từ trước đến nay, tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng, Thượng Hội đồng đã trở nên toàn phần của đời sống Giáo hội”.

Quả thật, để tiếp nối tinh thần hiệp nhất, cộng tác, đối thoại, v.v... của Vaticanô II, tự sắc Apostolica Sollicitudo cho chúng ta thấy mục đích lớn lao của Vaticanô II mà THĐGM muốn duy trì, là “Tính hiệp đoàn” giữa các giám mục với nhau và với Đức giáo hoàng, vị thủ lãnh của Giáo hội hoàn vũ: “Ta được thúc đẩy hướng về điều này, không những bởi sự tôn trọng, quý mến và lòng biết ơn mà Ta cảm thấy phải hướng về Các Anh Em Đáng Kính trong chức Giám mục một cách đúng mực, mà còn bởi trách nhiệm rất nặng nề của Vị Mục Tử Tối Cao đã trao cho Ta phải dẫn dắt dân của Thiên Chúa đến đồng cỏ muôn đời. [...] Ta nghiệm thấy sự hợp nhất như vậy với các Mục Tử thiêng liêng rất hữu ích đối với nhiệm vụ tông đồ của Ta, bởi đó Ta muốn thúc đẩy và khuyến khích bằng mọi cách, sự hợp nhất như vậy, ngay cả sau khi Công đồng đã kết thúc, sự phong phú những lợi ích đó vốn đã đạt được nhờ sự hợp nhất sống động của Ta và các Giám mục trong suốt thời gian diễn ra Công đồng, vẫn tiếp tục tồn tại giữa dân Kitô giáo. Vì vậy, sau khi đã cân nhắc đầy đủ mọi việc, để tỏ lòng quý mến và tôn trọng tất cả các Giám mục Công giáo, và để tạo cho các ngài khả năng tham gia một cách rõ ràng hơn, và hiệu quả hơn vào chức vụ chăn dắt của Ta đối với Giáo hội hoàn vũ, theo tự sắc của Ta và với thẩm quyền tông đồ của mình, Ta nâng lên và thiết lập tại Thành Thánh này một Đại hội Giám mục lâu dài cho Giáo hội hoàn vũ, phụ thuộc trực tiếp dưới quyền bính của Ta và Ta gọi là Thượng Hội đồng Giám mục”.[12]

Như vậy, THĐGM nhằm duy trì sự hiệp nhất và cộng tác của Giám mục đoàn với Đức giáo hoàng để lãnh đạo, điều hành Giáo hội hoàn vũ. Thượng Hội đồng cũng là hình thức nhằm phục vụ sự hiệp thông và thể hiện tính hiệp đoàn giữa các giám mục và với Đức giáo hoàng. Thuật ngữ và hình thức “Synodus Episcoporum” đúng nghĩa là một cuộc “đồng hành”, cùng đi chung một con đường giữa các giám mục với nhau và với Đức giáo hoàng.

Tuy nhiên, Giáo hội vẫn không công nhận chủ thuyết đại công đồng của thời Công đồng Constancia, với tính bất hợp pháp của nó và do đó, THĐGM được thiết lập dưới quyền tối cao của Đức giáo hoàng và là một định chế thường tồn trong Giáo hội: “Theo tự sắc của Ta và với thẩm quyền tông đồ của mình, Ta nâng lên và thiết lập tại Thành Thánh này một Đại hội Giám mục lâu dài cho Giáo hội hoàn vũ, phụ thuộc trực tiếp quyền bính của Ta.” Cũng vậy, mục III của Tự sắc Apostolica Sollicitudo xác định: “Thượng Hội đồng Giám mục phụ thuộc trực tiếp dưới quyền bính của Giáo hoàng Rôma, ngài cũng sẽ chịu trách nhiệm về: 1. Triệu tập Thượng Hội đồng, bất cứ khi nào ngài thấy thích hợp, và ấn định địa điểm tổ chức các cuộc họp; 2. Phê chuẩn việc chọn lựa các thành viên, như được đề cập trong mục V và VIII; 3. Ấn định chủ đề của các vấn đề cần bàn thảo ít nhất sáu tháng trước cuộc họp Thượng Hội đồng, nếu điều này là có thể; 4. Gửi tài liệu các chủ đề cần bàn thảo cho những người phải tham gia vào việc thảo luận các câu hỏi đó; 5. Thiết lập chương trình nghị sự; 6. Trực tiếp chủ tọa Thượng Hội đồng hoặc thông qua những vị khác”.[13]

4. Các hình thức Thượng Hội đồng và thành phần tham dự[14]

Cũng với Tự sắc Apostolica Sollicitudo, có ba hình thức THĐGM: “Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập dưới hình thức hội nghị khoáng đại (chung, thường lệ 3 năm), hội nghị ngoại thường và hội nghị đặc biệt”.[15] Các thành phần tham dự cũng được quy định trong Tự sắc này:

4.1. THĐGM thường lệ

THĐGM thường lệ, theo chu kỳ ba năm, Đức giáo hoàng triệu tập, với mục đích bàn về những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của toàn Giáo hội. Thành phần tham dự được quy định trong Tự sắc Apostolica Sollicitudo, tại mục V: “Thượng Hội đồng Giám mục có thể được triệu tập dưới hình thức hội nghị khoáng đại trước hết và do tự thân bao gồm:

1. a) Các Thượng phụ, các Tổng Giám mục và các Trưởng Giáo chủ bên ngoài các lãnh địa của các Tòa Thượng phụ thuộc các Giáo hội theo nghi lễ Đông Phương; b) Các Giám mục do các Hội đồng Giám mục Quốc gia liên hệ bầu chọn, theo mục VIII; c) Các Giám mục do những Hội đồng Giám mục của nhiều quốc gia bầu chọn, được thiết lập như vậy cho các quốc gia không có Hội đồng Giám mục riêng, theo mục VIII; d) Thêm vào số các vị này, mười tu sĩ đại diện cho các Dòng Giáo Sĩ, được Hiệp hội Các Bề trên Tổng quyền Rôma tuyển chọn.

2. Các Hồng Y đứng đầu các Thánh Bộ của “Giáo triều Rôma” cũng được tham dự hội nghị khoáng đại của Thượng Hội đồng Giám mục.

4.2. THĐGM ngoại thường

THĐGM ngoại thường nhằm bàn về những vấn đề liên quan đến lợi ích của toàn Giáo hội, có tính cấp bách, cần có giải pháp ngay, cần đến quyết định nhanh chóng. THĐGM này được Đức giáo hoàng triệu tập tùy theo hoàn cảnh đặt ra. Thành phần tham dự được quy định ở mục VI của Tự sắc:

“Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập dưới hình thức hội nghị ngoại thường gồm có:

1. a) Các Thượng phụ, các Tổng Giám mục và các Trưởng Giáo chủ bên ngoài lãnh địa của các Tòa Thượng phụ các Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông Phương; b) Các Chủ tịch của những Hội đồng Giám mục quốc gia; c) Các Chủ tịch của những Hội đồng Giám mục của nhiều quốc gia, được thiết lập cho những quốc gia không có Hội đồng riêng; d) Ba tu sĩ đại diện cho các Dòng Giáo Sĩ, được Hiệp hội Các Bề trên Tổng quyền Rôma tuyển chọn.

2. Các Hồng Y đứng đầu các Thánh Bộ của “Giáo triều Rôma” cũng được tham dự hội nghị khoáng đại của Thượng Hội đồng Giám mục”.

4.3. THĐGM đặc biệt

THĐGM đặc biệt nhằm thảo luận những vấn đề liên quan trực tiếp đến một châu lục, một quốc gia hay nhiều vùng miền. Thành phần tham dự được quy định ở mục VII của Tự sắc:

“Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập dưới hình thức hội nghị đặc biệt gồm có: các Thượng phụ, các Tổng Giám mục và các Trưởng Giáo chủ bên ngoài lãnh địa của các Giáo hội Công giáo theo nghi lễ Đông Phương, như những vị đại diện, vừa cho các Hội đồng Giám mục của một quốc gia hay nhiều quốc gia, vừa cho các Dòng Tu, như được đề cập trong mục V và VIII, miễn là tất những vị kể trên phải thuộc về những miền mà vì đó Thượng Hội đồng Giám mục được triệu tập”.

Đại biểu giám mục của các Giáo hội địa phương được quy định trong mục VIII của Tự sắc như sau:

“Các Giám mục đại diện cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia được chọn theo các quy tắc sau: a) Một vị cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia không quá hai mươi lăm thành viên; b) Hai vị cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia không quá năm mươi thành viên; c) Ba vị cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia không quá một trăm thành viên; d) Bốn vị cho mỗi Hội đồng Giám mục quốc gia hơn một trăm thành viên;

Những Hội đồng Giám mục chung cho nhiều quốc gia chọn những đại diện của mình cũng theo những quy tắc nêu trên”.

Với THĐGM, thành phần tham dự chính thức với danh xưng là “nghị phụ” (Sodalibus). Ngoài ra còn có các dự thính viên (Auditores) và nhóm đại diện của các Giáo hội và Cộng đoàn Giáo hội anh em (Delegati fraterni). Cũng có các chuyên viên (Adiutores Secretarii Specialis) giúp việc cho Văn phòng Tổng thư ký. THĐGM còn có sự tham gia của đại diện Tu sĩ, các chuyên viên, quan sát viên và những đại diện do Giáo hoàng chỉ định.

[16]

 

5. Quy định Giáo luật về Thượng Hội đồng Giám mục[17]

Sẽ là thiếu sót khi trình bày THĐGM nếu không quy chiếu về các điều khoản trong bộ Giáo luật 1983 với các điều khoản 342-348 như sau:

Điều 342: Thượng Hội đồng Giám mục là một đại hội gồm các Giám mục được tuyển chọn từ nhiều miền khác nhau trên thế giới, tụ họp lại vào những thời kỳ được ấn định, để cổ võ sự hiệp nhất chặt chẽ giữa Đức Thánh Cha với các Giám mục, và để giúp ý kiến cho Đức Thánh Cha trong việc bảo vệ và tăng tiến Đức Tin và phong hóa, và trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo hội; ngoài ra, còn để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo hội trong thế giới.

Điều 343: Thượng Hội đồng Giám mục có thẩm quyền bàn thảo tất cả các vấn đề đã đề ra và bày tỏ ý kiến của mình, nhưng không có thẩm quyền để biểu quyết hay ban hành nghị quyết về các vấn đề đó; trừ những trường hợp nhất định, khi Đức Thánh Cha cho Thượng Hội đồng được quyền biểu quyết; lúc ấy, Đức Thánh Cha có quyền phê chuẩn các quyết định của Thượng Hội đồng.

Điều 344: Thượng Hội đồng Giám mục phục tùng trực tiếp quyền bính của Đức Thánh Cha. Thẩm quyền của Ngài là: 1/ Triệu tập Thượng Hội đồng mỗi khi thấy thuận lợi, và chỉ định nơi hội họp; 2/ Phê chuẩn việc bầu cử những thành viên nào mà theo quy luật riêng cần được bầu, và chỉ định cùng bổ nhiệm các thành viên khác; 3/ Ấn định đề tài của những vấn đề sẽ thảo luận, vào thời gian xứng hợp, trước khi Thượng Hội đồng khai họp, theo quy luật riêng; 4/ Hoạch định chương trình nghị sự; 5/ Đích thân hay nhờ những người khác chủ tọa Thượng Hội đồng; 6/ Bế mạc, di chuyển, đình chỉ và giải tán Thượng Hội đồng.

Điều 345: Thượng Hội đồng Giám mục có thể nhóm họp hoặc là trong Đại Hội chung, thông thường hay bất thường, trong đó bàn thảo về những công việc liên hệ trực tiếp tới lợi ích của toàn thể Giáo hội; hoặc là trong đại hội đặc biệt, trong đó bàn thảo những công việc liên hệ trực tiếp tới một hoặc nhiều miền nhất định.

Điều 346: §1 Khi nhóm họp Đại Hội Chung thông thường, Thượng Hội đồng Giám mục gồm đại đa số phần tử là các Giám mục đã được các Hội đồng Giám mục chọn cho từng Đại hội, chiếu theo thể thức được ấn định do luật riêng của Thượng Hội đồng; một số khác được chính luật chỉ định; một số nữa được Đức Thánh Cha trực tiếp bổ nhiệm; thêm vào đó là vài phần tử khác thuộc Dòng Tu Giáo Sĩ được lựa chọn theo quy tắc của luật riêng. §2 Khi nhóm họp Đại hội Chung ngoại thường để bàn về những vấn đề đòi hỏi một giải pháp mau lẹ, Thượng Hội đồng Giám mục gồm đa số các phần tử là các Giám mục được chỉ định do luật riêng của Thượng Hội đồng chiếu theo chức vụ đương đảm nhiệm; một số khác do Đức Thánh Cha trực tiếp bổ nhiệm; thêm vào đó là vài phần tử thuộc Dòng Tu Giáo Sĩ được lựa chọn theo đúng như quy tắc của luật riêng. §3 Khi nhóm họp Đại hội đặc biệt, Thượng Hội đồng gồm các phần tử được lựa chọn từ những miền mà vì đó mà Thượng Hội đồng được triệu tập, chiếu theo quy tắc của luật riêng điều hành Thượng Hội đồng.

Điều 347: §1 Khi Đại Hội của Thượng Hội đồng Giám mục đã được Đức Thánh Cha bế mạc, thì chức vụ đã giao phó cho các Giám mục và cho các phần tử khác trong Thượng Hội đồng cũng chấm dứt §2 Nếu Tòa Thánh trống tòa sau khi đã triệu tập Thượng Hội đồng hoặc đang khi họp, thì chiếu luật, Đại Hội của Thượng Hội đồng bị đình hoãn; cũng vậy, các chức vụ đã giao phó cho các phần tử trong Thượng Hội đồng cũng bị đình chỉ, cho đến khi Tân Giáo hoàng quyết định hoặc giải tán hoặc tiếp tục Đại Hội.

Điều 348§1 Thượng Hội đồng Giám mục có một văn phòng thường trực dưới sự điều khiển của một Tổng Thư Ký được Đức Thánh Cha bổ nhiệm; để giúp đỡ Tổng Thư Ký, có một Hội đồng Văn phòng gồm bởi các Giám mục, trong số đó, một vài vị được chính Thượng Hội đồng lựa chọn theo quy luật riêng, một số khác được Đức Thánh Cha bổ nhiệm; chức vụ của tất cả những người này chấm dứt khi bắt đầu nhóm Đại Hội mới.§2 Ngoài ra, vào mỗi Đại hội của Thượng Hội đồng Giám mục sẽ bổ nhiệm một hoặc nhiều thư ký đặc biệt, do Đức Thánh Cha chỉ định; những người này chỉ ở lại chức vụ đã giao phó cho tới khi Đại hội của Thượng Hội đồng kết thúc.

6. Diễn tiến[18]

Trên nền tảng căn bản của đặc tính hiệp đoàn, THĐGM diễn ra qua nhiều giai đoạn với phương pháp làm việc phân tích và tổng hợp, vừa tham khảo ý kiến và quyết định theo từng cấp và cũng có phản hồi.

Trước hết, công việc chuẩn bị xa cho một THĐGM tiếp theo, là việc xin ý kiến về Đề tài được gợi ý từ các Giáo hội Công giáo Đông phương, các Hội đồng Giám mục, các Thánh bộ trong Giáo triều và Hiệp hội Bề trên Thượng cấp các dòng tu. Để theo đó, trong một cuộc họp khoáng đại chung của THĐGM đang diễn ra ở giai đoạn cuối, các nghị phụ tham khảo trước. Các đề tài được đề nghị luôn đặt nền trên nền tảng giáo lý Kitô giáo chắc chắn, hoặc nhắm đến nhu cầu và đời sống chung của toàn thể Giáo hội, với tầm mức hoàn vũ; hoặc những đề tài mang tính thời sự, có tính khẩn cấp trong đời sống Giáo hội, hay theo những thay đổi của xã hội. Các đề tài gợi ý phải mang tính tích cực, nhằm khơi dậy những năng lực và hướng đi phù hợp, giúp Giáo hội không ngừng thăng tiến. Đàng khác, đề tài được chọn phải hướng đến tính thực tế, khả thi để có thể áp dụng vào thực hành mục vụ của Giáo hội. Những đề tài này sẽ được một Ủy ban của Văn phòng Tổng thư ký THĐ phân tích, nghiên cứu, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, để sau đó, trình lên Đức giáo hoàng xem xét và chính ngài sẽ quyết định đề tài cho lần THĐGM tương lai.

Sau khi đề tài đã được Đức giáo hoàng xác định chính thức, Ủy ban chuẩn bị THĐ gồm các nhà thần học, các chuyên viên... sẽ nghiên cứu, đào sâu đề tài và soạn một văn bản được gọi là Đề cương (Lineamenta). Đề cương này sẽ được trình lên cho Đức giáo hoàng và phải được ngài phê chuẩn, sau đó được gởi đến các giám mục bằng những ngôn ngữ thông dụng, để phổ biến cho mọi thành phần Dân Chúa học hỏi, cầu nguyện và đóng góp ý kiến. Từ đó các giám mục cấp giáo phận và Hội đồng Giám mục sẽ đúc kết thành văn bản tổng hợp ý kiến đóng góp và trả lời cho những câu hỏi được đặt ra trong tập Đề cương. Văn bản này sẽ được gởi về Văn phòng Tổng thư ký THĐGM ở Rôma.

Với các văn bản đúc kết và trả lời của các Giáo hội địa phương, Văn phòng Tổng thư ký THĐ sẽ cùng với các nhà thần học, các chuyên viên nghiên cứu để soạn tập Tài liệu làm việc (Instrumentum Laboris). Tài liệu này sẽ được các nghị phụ tham dự Thượng Hội đồng sử dụng như tài liệu cầm tay để có cơ sở làm việc và thảo luận. Tuy nhiên, Instrumentum Laboris chỉ mang tính tạm thời và như phương tiện để làm việc trong THĐ, chứ không nhằm mục đích phác thảo bản văn chung cuộc. Sau khi được Đức giáo hoàng phê chuẩn, Bản văn Instrumentum Laboris sẽ được phổ biến bằng các ngôn ngữ chính yếu và được gửi đến các giám mục và những thành viên sẽ tham dự THĐGM này. Để khi đến tham dự THĐGM, các nghị phụ sẽ trình bày những kết quả làm việc, thảo luận và được đúc kết của các Hội đồng giám mục với những quan điểm và nét đặc sắc của mỗi Giáo hội địa phương.

Tại THĐ, sau khi khai mạc, Tổng tường trình viên (Rapporteur Général) do Đức giáo hoàng bổ nhiệm, sẽ trình bày bản Tường trình sơ khởi (Rapport Initial). Sau đó, các phiên họp của Đại hội sẽ diễn ra với các giai đoạn:

a/ Giai đoạn đầu tiên: các thành viên của THĐ lần lượt trình bày về tình trạng của Giáo hội địa phương liên quan đến đề tài chung của THĐGM. Công việc này đem lại lợi ích lớn lao, giúp các Giáo hội địa phương trao đổi kinh nghiệm sống đức tin, chứng tá đời sống và văn hóa vùng miền, để làm phong phú đời sống Giáo hội.

b/ Giai đoạn tiếp theo: dựa vào các trình bày trên, Tổng tường trình viên sẽ đưa ra một số những câu hỏi cho các nhóm nhỏ theo ngôn ngữ (Circuli Minores) để thảo luận và đưa ra những đề nghị, các đề nghị này phải rõ ràng, ngắn gọn và được các thành viên của nhóm bỏ phiếu biểu quyết để đưa vào biên bản. Biên bản đúc kết của các nhóm sẽ được công bố trong phiên họp chung toàn thể các Nghị phụ. Sau khi được nghe báo cáo đúc kết, các nghị phụ có thể yêu cầu giải thích những vấn đề chưa sáng tỏ.

c/ Với những đề nghị của các nhóm hội thảo gởi cho Ủy ban thư ký của THĐGM, một bản văn tổng hợp những đề nghị của các nhóm hội thảo thành một văn bản chung và vị Tổng tường trình viên sẽ trình bày trong một phiên họp chung với tất cả các nghị phụ. Sau đó các Nhóm trở về thảo luận về bản tường trình các đề nghị trên để đóng góp ý kiến bổ túc hay sửa chữa.

d/ Các nhóm gởi biên bản làm việc cho Ủy ban thư ký THĐ để Tổng tường trình viên và Ủy ban Thư ký xét xem những ý kiến nào có thể đưa vào “Bản liệt kê các Đề nghị” (Propositions); Với những ý kiến không được đưa vào “Bản liệt kê các đề nghị”. Ủy ban thư ký sẽ soạn thảo một tài liệu giải thích với tên gọi “Nghiên cứu các ý kiến sửa chữa”. Những ý được đưa vào “Bản liệt kê các Đề nghị” sẽ được vị Tổng tường trình viên trình bày trong phiên họp khoáng đại và được các nghị phụ biểu quyết chấp thuận hay không.

Sau đó, Tổng tường trình viên và Ủy ban thư ký sẽ tổng hợp, sắp xếp các dữ liệu và đúc kết thành Văn bản báo cáo cuối cùng được gọi là “Báo cáo chung kết” (Rapport final) để trình cho Đức giáo hoàng. Các “Đề nghị” được trình lên Đức giáo hoàng cho dù chỉ mang tính tư vấn, nhưng tự nó nói lên “Tính hiệp đoàn” của Giáo hội và các Giám mục, hiệp trong cùng một đức tin, và ở đây, sự đồng tâm nhất trí của Giáo hội (Consensus Ecclesiae) không do kết quả của số phiếu đồng thuận, nhưng do tác động của Chúa Thánh Thần là tác nhân chính thức, Ngài hoạt động nơi Giáo hội.

So với hình thức Công đồng, về tính pháp lý, văn kiện cuối cùng của Công đồng được các Nghị phụ biểu quyết mang tính chung kết và Đức giáo hoàng quyết định trong tư cách hiệp đoàn với các Giám mục nghị phụ[19]; còn Văn kiện cuối cùng của Thượng Hội đồng, cũng được các Giám mục biểu quyết, nhưng kết quả biểu quyết chỉ có tính tham vấn cho Đức giáo hoàng và chính ngài mới là người đưa ra quyết định cuối cùng, cũng như ký ban hành văn kiện với tư cách là thủ lãnh của Giáo hội.

Tuy nhiên, với ý thức canh tân, không ngừng đổi mới, Đức Thánh giáo hoàng Phaolô VI, qua Tự sắc của ngài, đã thấy trước sự cần thiết của việc thích nghi THĐ, để bắt kịp với những nhu cầu của Giáo hội, nhất là cho sự tiếp nối và phát huy tính hiệp đoàn, ngài viết: “Thượng Hội đồng này, giống như mọi định chế nhân loại, có

thể được hoàn thiện hơn theo thời gian và được điều phối bởi các quy tắc tổng quát sau đây”.[20]

Theo sự chỉ dẫn của Tự sắc Apostolica Sollicitudo, việc tổ chức THĐGM có thể thay đổi về thành phần tham dự, về cách thức tiến hành và văn kiện kết thúc THĐGM có thể thay đổi cách thế thực hiện, hoặc Đức giáo hoàng căn cứ trên “Bản đề nghị” của các nghị phụ THĐ để nghiên cứu và soạn thảo Tông huấn hậu Thượng Hội đồng; việc này được thực hiện từ THĐGM thường lệ lần thứ 3 năm 1974. Trong trường hợp này, “Bản đề nghị” của các nghị phụ THĐ chỉ mang tính cách tham vấn, đề nghị và một cách nào đó, chưa thể hiện hết “Tính Hiệp Đoàn”. Chính vì thế, ngày 18 tháng 9 năm 2018, Đức giáo hoàng Phanxicô ban hành Tông hiến “Episcopalis Communio” liên quan đến cơ cấu của THĐGM, tại các mục số 17 và 18,[21] Tông hiến có quy định mới về văn kiện chung kết của THĐ. Theo Tông hiến mới này, văn kiện chung kết sẽ được THĐ soạn thảo và các Giám mục được quyền bỏ phiếu biểu quyết để thông qua với sự đồng thuận cao theo cách thức mà công đồng Vaticanô II đã thực hiện và được tiếp nối và phát huy qua THĐGM. Sau đó, Đức giáo hoàng sẽ chính thức phê chuẩn Văn kiện, và trở thành giáo huấn chung mang tính hiệp đoàn của các Giám mục cùng với Đấng kế vị Thánh Phêrô.

Cũng theo tinh thần của Đức Phaolô VI: “Thượng Hội đồng này, giống như mọi định chế nhân loại, có thể được hoàn thiện hơn theo thời gian”[22], cho nên, từ THĐGM năm 1987, liên quan đến THĐ, nhiều Ủy ban đã được thành lập như: Ủy ban Thường trực của Văn phòng Tổng thư ký, Ủy ban hậu THĐGM, Ủy ban tiền THĐGM. Các tổ chức này nhằm thể hiện tính hiệp đoàn khi kiện toàn cơ cấu nhằm đem lại nhiều ích lợi cho toàn thể Dân Thiên Chúa.

Như vậy, hình thức THĐGM được thiết lập, trải qua dòng lịch sử, đã và đang được kiện toàn nhằm làm nổi bật “Tính hiệp đoàn” của Giám mục đoàn với nhau và với Vị thủ lãnh Giáo hội, đồng thời mở ra cho sự hiệp nhất của toàn thể Giáo hội. Chính vì nhằm đem lại lợi ích tốt nhất cho Giáo hội, qua THĐGM thường lệ lần thứ XVI đang diễn ra hiện nay (10/2021-10/2023), Đức thánh cha Phanxicô mong muốn mọi thành phần Dân Chúa, kể cả các tín hữu tại Giáo hội địa phương, cùng với các giám mục, hiệp thông với Đức giáo hoàng, tích cực tham dự bằng việc học hỏi, cầu nguyện, trao đổi và đóng góp ý kiến cần thiết hướng đến lợi ích chung của Giáo hội, nghĩa là mọi người cùng Hiệp Hành, cùng bước đi chung con đường, hiệp thông, tham gia và sống sứ vụ của Giáo hội.

Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 127 (Tháng 01 & 02 năm 2022)

 



[1] X. Les conciles oecumeniques, sous la Direction de G. Alberigo. Tome 1. L'histoire; Tome 2* et Tome 2**: Les Décrets. Les Édition du Cerf, Paris 1994.

 

[2] X. Le concile Vatican II (1962-1965), préface de G. Alberigo, Les Éditions du Cerf, Paris 2010

 

[3] Ngày 05/11/1959, Đức cha Silvio Oddi sứ thần Tòa thánh tại Ai Cập ao ước thiết lập tại Giáo đô một định chế tư vấn thường tồn, như một “Công đồng thu nhỏ”, nhằm quy tụ đại diện các giám mục trong Giáo hội hoàn vũ, nhóm họp theo định kỳ, ít là mỗi năm một lần, để thảo luận những vấn đề trong đời sống Giáo hội và cùng nhau đi tìm những nẻo đường mới để chu toàn sứ mạng của Giáo hội.

 

[4]chọn làm Giáo hoàng, nhiều lần trong thời gian họp Công đồng, ngài đã nhấn mạnh sự hợp tác trong Giám mục đoàn (collège des évêques), gồm tất cả các giám mục, hiệp nhất với Đấng kế vị thánh Phêrô, Thủ lãnh của giám mục đoàn.

 

[5] THĐGM.

 
 
 

[8] THĐGM

 

[9] Giáo luật các điều 460 - 468 nói về Synodus Dioecesana - Công nghị giáo phận.

 

[10] Tự sắc Apostolica Sollicitudo, mục II, §1-2.

 

[11] Tự sắc Apostolica Sollicitudo, phần dẫn nhập.

 

[12] Ibidem.

 

[13] Tự sắc Apostolica Sollicitudo, mục II, §1-2-3-4-5-6.

 
 

[15] Tự sắc Apostolica Sollicitudo, mục IV.

 

[16] Tự sắc Apostolica Sollicitudo, mục IX và X.

 

[17] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bộ giáo luật 1983, NXB: Tôn Giáo, 2016

 
 

[19] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Bộ giáo luật 1983, Can 341, NXB: Tôn Giáo, 2016.

 

[20] Tự sắc Apostolica Sollicitudo, phần dẫn nhập.

 
 

[22] Tự sắc Apostolica Sollicitudo, phần dẫn nhập.

Nguồn tin: www.hdgmvietnam.com