Khát Khao Là Phần Số Thiêng Liêng Của Chúng Ta

Mon,25/03/2019
Lượt xem: 2087

Ngày 12, tháng 2 năm 1944, mười ba tuổi, Anne Frank viết trong cuốn Nhật Ký nổi tiếng của cô:

Mặt trời chiếu sáng, bầu trời xanh thẫm, một làn gió dễ chịu và tôi đang muốn – một mong muốn thật sự – về tất cả… Tôi muốn nói, muốn tự do, muốn có bạn, muốn cô đơn… Tôi muốn khóc… khóc thật sự!

Tôi có cảm tưởng như lòng tôi sắp nổ tung, tôi biết nếu tôi khóc thì sẽ đỡ hơn, nhưng tôi không khóc được. Tôi dao động, tôi đi từ phòng này qua phòng khác, hít thở không khí từ kẻ hở ô cửa sổ đóng kín, cảm thấy tim đang đập, nó như đang nói với tôi: “Thì cứ thỏa mãn nỗi khát khao đi.”

Tôi nghĩ tôi cảm nhận mùa xuân đang ở trong tôi, mùa xuân đang thức giấc, tôi cảm nhận nó trong toàn thân, toàn tâm. Tôi phải kềm mình để cư xử như bình thường, tôi thấy mình hoang mang tột độ, tôi không biết đọc gì, viết gì, làm gì, tôi chỉ biết một điều, đó là tôi đang khát khao.

Trong mỗi con người chúng ta, ở tâm điểm cuộc sống, có một căng thẳng, một cơn nhức nhối, một thiêu đốt trong lòng không cách nào lắng dịu được, không cách nào yên được và rất sâu thẳm. Đôi khi chúng ta cảm nhận nỗi khát khao này đặc biệt liên hệ đến một người, nhất là khi chúng ta sống trong tình trạng của một tình yêu chưa trọn vẹn. Những lúc khác, là đà mong muốn đạt được một cái gì.

Nhưng thường thường, đó là nỗi khát khao không đối tượng, không có tên chính xác, một cơn nhức nhối không tài nào xác định, không diễn tả chính xác được. Như Anne Frank, chúng ta chỉ biết mình đang day dứt, bất an, khó chịu đến mức không tài nào với tới được.

Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử, triết học, thi ca, thần bí, văn học, chúng ta sẽ thấy nỗi day dứt này được diễn tả qua nhiều cách khác nhau.

Chẳng hạn, nhiều người trong chúng ta từng đọc cuốn dụ ngôn ngắn của Richard Bach có tên là Jonathan Livingston Seagull. Hàng triệu người công nhận đây là một cuốn sách sâu sắc. Cốt truyện khá đơn giản: Jonathan là một chàng hải âu, khi biết mình chỉ là một chú chim hải âu, anh không bằng lòng số phận mình. Anh nhìn cuộc sống anh và đồng bạn, thấy nó quá nhỏ bé: “Con hải âu chẳng làm gì khác ngoài ăn và đánh nhau!” Vì thế Jonathan cố gắng bứt ra, bay cao hơn, nhanh hơn, làm bất cứ điều gì miễn phá bỏ được những giới hạn ngột ngạt của một hải âu. Anh không biết mình muốn gì, chỉ biết day dứt một cách vô vọng, anh phải bứt ra. Nhiều lần anh suýt đâm sầm từ trên cao xuống, gần như xém chết nhưng rồi anh cũng cố gắng tiếp tục.

Câu chuyện này muốn nói đến con người hơn là nói về chú hải âu. Nó diễn tả cuộc tìm kiếm, khát vọng bẩm sinh hướng về vô tận, về tự do, về tổng thể của chúng ta.

Trong lịch sử, ý tưởng này được thấy dưới nhiều cách diễn tả khác nhau qua các âm hưởng trừu tượng hơn. Các triết gia thì gọi là “ước muốn làm thúc đẩy cái bán phần hướng về cái tổng thể”; các nhà thần bí thì gọi là “ngọn lửa thiêng trong chúng ta”; người Hy lạp cổ xưa thì nói về cái họ gọi là nostos, nhớ nhung (cảm giác xa nhà dù đang ở chính trong nhà mình).

Dân Vikings thì cảm nhận một nhu cầu khôn thỏa luôn luôn muốn chèo xa hơn, đến tận chân trời; Shakespeare thì nói về “những nỗi khao khát bất tử”; Gerard Manley Hopkins gọi tinh thần con người là “con chim chiền chiện trong lồng”; thánh Âu-tinh thì cầu nguyện với  Chúa: “Chúa đã dựng nên con, lạy Chúa, tâm hồn con chưa yên nghỉ khi chưa được nghỉ an trong Chúa”; nhà thơ Edward Estlin Cummings khẳng định: “Chân đi một dặm, tim đi chín dặm.”

Tất cả những cảm giác này chúng ta đều có. Một cách sâu xa và vô vọng, tất cả chúng ta đều vướng phải căn bệnh này, không cách nào tìm được nơi an nghỉ bền vững ở cõi thế này. Tuy vậy, không bao giờ xem nỗi day dứt này là lực cản, chống lại Chúa, chống tôn giáo, những gì là thiêng liêng.

Đúng ra, tình cảnh khó sống và tình trạng vô vọng khó chịu này lại là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Những gì chúng ta làm với tình yêu trong chúng ta, dù nó mang tính cách anh hùng hay hư đốn, thì đó chính là cuộc sống thiêng liêng của chúng ta.

Bi kịch là, có quá nhiều người, dư đầy của cải và tràn ngập sự sống, lại thấy chiều kích này không có bản chất tôn giáo, một cái gì làm cho họ chống lại những gì thiêng liêng. Không gì đi xa hơn chân lý. Những xung động yêu đương là miếng mồi của Chúa trong lòng chúng ta. Chúng chính là tinh thần của chúng ta!

Đúng ra chúng ta cảm nhận mình có  “tinh thần”, có tâm hồn, chứ không phải chúng ta là những con vật bình thường. Tâm hồn chứ không phải tế bào vô hình trôi nổi trong chúng ta, dơ bẩn khi phạm tội, thanh sạch khi có ân sủng và cuối cùng thoát khỏi thân xác khi chúng ta chết. Linh hồn chính là tình yêu, tâm trí, và cõi lòng đang day dứt sâu xa.

Sống với căng thẳng thoát ra từ đó chính là đời sống thiêng liêng. Trong ý nghĩa đó thì, dù tốt dù hủy hoại, ai cũng có cuộc sống thiêng liêng. Tinh thần ngăn không cho chúng ta bất động, nó bắt chúng ta phải đi ra khỏi con người mình.

Hành động hướng ra bên ngoài đó (mà chúng ta sống như căng thẳng gấp đôi: một cơn đói đẩy chúng ta ra bên ngoài và một đối tượng hay một người lôi cuốn chúng ta tới đó) nó có thể tốt và cũng có thể hủy hoại chúng ta. Khi nó tốt, chúng ta có một đời sống thiêng liêng tốt; khi nó có tính cách hủy hoại, chúng ta có một đời sống thiêng liêng đi xuống.

Do đó, quan trọng là không đồng hóa đời sống thiêng liêng với một cái gì đó từ bên ngoài (dành cho những người cuồng tín), khác thường (dành cho các chuyên gia chiêm nghiệm), hay không được làm cho những người đầy tràn sức khỏe và yêu đương.

Không nhân nhượng. Bạn còn sống là còn day dứt, tràn đầy sức sống. Những gì bạn làm trong tinh thần này, đó chính là đời sống thiêng liêng của bạn.

Nguyễn Kim An dịch
Nguồn tin: phanxico.vn
Tags :