Trích sách Bản đồ đức tin (Faith Maps, Michael Paul Gallagher, Nhà xuất bản: Darton, Longman and Todd Ltd, 2010
Từ lúc còn sinh thời, Đức Hồng Y Newman đã được xem là một trong những người khổng lồ của thời đại mình. Khi qua đời ở tuổi chín mươi, hàng trăm cống hiến của ngài được xuất bản trên các nhật báo và tạp chí ở Anh, kể cả những tòa soạn ít quan tâm đến các vấn đề Giáo hội cũng đăng về ngài. Nhiều trong số các bài tưởng niệm khen ngợi văn phong văn xuôi của ngài (như văn sĩ James Joyce sau này đã công nhận mình ghen tỵ với ngôn ngữ văn hoa “gân bạc” của ngài) Nhưng những lời vinh danh vào năm 1890 cũng công nhận một nhân vật tâm linh vĩ đại, người mang lại minh triết mới cho chất vấn về sự dấn thân lòng đạo. Chẳng hạn như một bài bình luận rộng rãi đến ngạc nhiên của tờ Người suy nghĩ tự do (Freethinker), một tạp chí định kỳ của người vô thần:
“Newman là văn phong trong sáng nhất và là thần học gia vĩ đại nhất của ngôn ngữ của chúng ta. Tài hùng biện hoàn hảo của ngài đã thu hút được cả những người đối lập khó tính nhất… một người vô thần triệt để nhất hẳn sẽ hối tiếc vì đã phải bất đồng với ngài… Chúng ta tự nói với nhau, “Đây còn hơn cả người Công giáo, hơn cả thần học gia, đây là người có đời sống nội tâm mãnh liệt, một trong số ít những người hiểu được tâm hồn nhân loại, một người đã lần theo được các dấu vết vi tế nhất trong tâm hồn con người, giúp cho độc giả hiểu được chính bản thân mình.”
Thực vậy, tất cả phẩm chất đáng ngưỡng mộ nơi Hồng y Newman đều cống hiến cho một mục đích duy nhất. Say mê điều hướng suốt cuộc sống thọ của ngài chính là khao khát làm cho nhãn tượng Kitô có ý nghĩa trong một thời đại mà niềm tin vào Thiên Chúa dường như đang gặp trắc trở nghiêm trọng. Luôn luôn cảnh giác với các dòng văn hóa chung quanh, Hồng y Newman tận hiến sinh lực của ngài để chúng ta có được đức tin, và ngài đã làm điều đó dưới nhiều hình thức khác nhau, từ các bài giảng cho đến các suy tư thần học, từ tự truyện đến thơ văn hay tiểu thuyết. Đặc nét trong đường lối tiếp cận của ngài vẫn còn tác động đến suy tư về niềm tin tôn giáo, và ngài vẫn là người tiên phong mở đường cho thần học đức tin suốt một thế kỷ qua hay xa hơn nữa. Ngài thích nói rằng, các lý chứng hiển nhiên nhất về Thiên Chúa đã có sẵn trong con người chúng ta, vì thế ngài đưa lý luận của ngài đi ra khỏi các lý lẽ bên ngoài, chỉ hướng vào lãnh vực riêng tư và tiền-lý tính của thiện ý đón nhận luân lý và tâm linh. Không rơi vào chủ nghĩa chủ quan, ngài khám phá các chuyển biến nội tâm của bản ngã hướng đến chân lý. Thật vậy, năm 1991 Đức Hồng Y Ratzinger đã nhận xét rằng, từ sau thánh Augustinô, không thần học gia nào chú tâm đến đến chủ đề nhân sinh nhiều đến thế.
Ba thách thức về mặt văn hóa
Newman thời trẻ thấy chính mình phải đối diện với ba thách thức lớn của đức tin.
Thứ nhất là chủ nghĩa duy lý hẹp hòi đi kèm với chứng minh khoa học. Theo quan điểm của Newman, để bảo vệ đức tin, thì lý luận cần phục hồi lại tầm mức hiện sinh trọn vẹn của mình, không phải đơn giản là ‘lý luận trên giấy tờ’ mà là một sự chuyển biến toàn thể con người. Ngài nhấn mạnh, đức tin không bao giờ đơn thuần là một kết luận của trí tuệ: đức tin liên quan đến Lời mặc khải đã chạm vào trong sâu thẳm nhân tính chúng ta rồi khơi mở cho chúng ta một cuộc phiêu lưu biến đổi kéo dài suốt cả cuộc đời.
Thứ hai, là những gì ngài gọi là ‘chủ nghĩa tự do.’ Ngài là một người khởi xướng vĩ đại cho ‘giáo dục tự do,’ nhưng những gì ngài phản đối chủ nghĩa tự do trong tôn giáo là ý tưởng lan tràn rằng ‘không có chân lý chắc chắn trong tôn giáo’ (những lời ngài nói khi chịu chức Hồng y ở tuổi 78). Ngài đã kịch liệt phản đối xu thế đương thời khi hạ đức tin xuống thành một loại quan điểm riêng, tựa như khiếu thưởng thức âm nhạc của từng người. Một trong những bài thơ đầu tiên của ngài với tựa đề ‘Chủ nghĩa tự do’ nói lên sự nguy hiểm đó với những lời sau:
Hỡi con người mang lòng tự phụ!
Ngươi không thể nào hạ xuống
Tin mừng ân sủng Chúa.
Theo các vầng thơ viết năm 1833 này, thì ngài thấy những người theo chủ nghĩa tự do giải thích tôn giáo theo cách thuần nhân văn, xem tôn giáo như nguồn suối an bình hay có thiện hướng, và như thế họ muốn tránh đi ‘quyền uy sâu thẳm của ân sủng.’ Sự mơ hồ thời thượng này, ẩn giấu dưới lớp vỏ khoan dung, có vẻ hấp dẫn đối với tầng lớp trung lưu thong dong của thời Victoria ở Anh quốc. Tiêu chuẩn của con người lại trở nên chuẩn mực của chân lý. Khi suy nghĩ mập mờ và thái độ ích kỷ đi chung với nhau, nó sinh sản ra một loại Tin Mừng pha loãng mà Newman gọi là ‘tôn giáo thời buổi này.’ Nhưng đối với ngài, đức tin không bao giờ bị giới hạn theo tầm mức của cái tôi, mà ngược lại, chính đức tin sẽ xóa mòn mọi tự mãn của chúng ta.
Thách thức thứ ba đến từ chính bên trong thế giới tôn giáo. Có lẽ dưới tác động của trào lưu lãng mạn trong thơ ca và nghệ thuật, các phong trào phục hưng đã nhấn mạnh rất nhiều đến cảm giác tôn giáo và cảm nghiệm của sự biến đổi. Newman luôn đánh giá vai trò của ‘tâm hồn’, ‘tưởng tượng’ và ‘cảm xúc’ trong đời sống đức tin, nhưng ngài vẫn ngờ vực sự chú trọng quá mức về cảm tính tôn giáo. Nó là mối nguy dễ dẫn đến lãng quên lịch sử phong phú của Giáo hội, truyền thống lâu đời của suy niệm thần học, cũng như quên đi trọng tâm của đời sống bí tích. Do đó, không được hạ giá đức tin thành xúc cảm mãnh liệt chủ quan; đó không phải là Tin mừng, Tin mừng khác thế, Tin mừng là một mạc khải dần dần rõ ràng về mầu nhiệm của Chúa Giêsu.
Đối diện với những thách thức này, Newman đã đào sâu suy nghĩ về đức tin và đem lại công bằng cho sắc diện trọn vẹn của cảm nghiệm Kitô. Ngài muốn giúp mọi người nhận ra sự đơn giản, nhưng phức tạp của đức tin. Một mặt, tin tưởng những gì người khác nói với chúng ta là điều cần thiết nhất trong cuộc sống bình thường mỗi ngày. Mặt khác, để đạt đến được niềm tin Kitô vào Thiên Chúa thì không chỉ cần sự ‘đón nhận về ý niệm’: niềm tin Kitô vượt xa hơn bất kỳ sự thừa nhận tri thức hay thần học nào về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Đúng hơn, niềm tin Kitô cần có một chiều kích riêng tư sâu sắc, và vì thế đòi hỏi một ‘đón nhận thực sự’ theo nghĩa là một khi nhận thức được sự hiện hữu của Thiên Chúa thì nhận thức này biến đổi cuộc đời chúng ta. Newman nhất quyết rằng, cách thức chúng ta tin là bình thường và những gì chúng ta tin là phi thường: ‘trong từng giờ phút cuộc sống, chúng ta đang hành động dựa trên sự tin tưởng … đặc tính của tôn giáo không phải là hành động tin mà chính là điều chúng ta tin’ (PPS, I, 191).
Tập trung vào thiên hướng và lương tâm
Lúc 28 tuổi, Newman đã giảng những lời trên với tư cách mục sư Anh giáo. Mười năm sau, ngài bắt đầu một loạt năm bài giảng tại trường Đại học Oxford, với chủ đề chung về đức tin và lý luận. Ngài đã giảng các bài này vào những thời điểm khác nhau trong khoảng giữa năm 1839 và 1841, và chúng nổi tiếng ngay lập tức. Một số thính giả của ngài, như nhà thơ Matthew Arnold vẫn nhớ lại giọng điệu như âm nhạc với sức lôi cuốn thôi miên người nghe trong các suy tư của ngài. Năm bản văn này cho chúng ta thấy nhân học về đức tin của Newman. Trọng tâm chính yếu của ngài là thái độ riêng của từng người cho chúng ta mở ra hay khép lại lòng mình trước sự khả dĩ của niềm tin Kitô. Rất nhiều lần ngài tách mình ra khỏi trường phái ‘bằng chứng’ nổi trội của đại học Oxford, một trường phái nỗ lực chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa qua trật tự của vũ trụ tự nhiên. Ngài nghĩ rằng họ đã đi nhầm đường. Thay vào đó, Newman chọn con đường thiên về tâm lý hơn, nhấn mạnh vào nội tâm con người. Do khí chất, ngài là người rất hướng nội và thấy được rằng thiên hướng đời sống của chúng ta phù hợp với đức tin, hơn là lối biện chứng bên ngoài của các bạn hữu khoa bảng đồng môn với ngài. Ngài không quan tâm lắm đến bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng hướng đến các thái độ cá nhân cụ thể mà một người cần có để đạt đến đức tin.
Điểm nhấn này có lẽ đã khơi mào từ suốt những năm học tại Oxford, lúc ngài có những cuộc tranh luận không đem lại kết quả với Charles, người em trai của ngài sau này thành người vô thần. Tám bức thư còn được lưu giữ cho chúng ta biết đôi điều về những trao đổi này, nhấn mạnh đến những giá trị nội tâm cần thiết cho mọi bước tiến từ không tin đến tin. Ngài nói thẳng với em trai, ‘đầu óc em không sẵn sàng để nghe bất cứ một lý luận nào.’ Bởi ‘bằng chứng nội tâm hiển nhiên tùy thuộc phần lớn vào cảm giác luân lý’ nên sự khước từ đức tin thường khởi đi ‘từ một sai lầm của tâm hồn, chứ không phải của lý trí.’ Ngài thấy em trai mình như bị thành kiến chống lại đức tin cản lối: nghĩa là khi bàn đến ‘chủ đề tôn giáo’ chúng ta có khuynh hướng nhìn mọi thứ ‘qua lăng kính của những lề thói đã có’ (LD, I, 212-226) Như Newman thường lặp lại trong nhiều năm về sau, lý do điển hình của việc khước từ không tin vào Chúa là do tự tin quá mức, do khước từ lạnh lùng và cao ngạo đối với bất kỳ sự lệ thuộc nào, do bác bỏ chính lương tâm của họ. Nỗ lực bất thành để thuyết phục người em trai về chân lý Kitô có lẽ đã khiến ngài ngờ vực về các tiếp cận ngoại tại. Nhưng một cách tích cực hơn, nó làm cho ngài tin tưởng vào khuynh hướng tự nhiên của mình khi chú tâm đặc biệt vào thiên hướng tâm linh của từng người hay của trọn một nền văn hóa.
Trọng tâm hướng đến thái độ nội tâm hay luân lý cần thiết cho đức tin, đã đặt Newman vào thế xung đột với lối biện giáo đương thời – cả trong Anh giáo và Công giáo. Trong Apologia pro Vita Sua (Biện hộ cho sự sống) được viết mười năm sau khi trở lại đạo Công giáo, ngài thẳng thắn nói về sự bực mình của ngài đối với những bằng chứng truyền thống về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trong một đoạn văn xuất sắc, ngài chỉ ra nền tảng cho lòng mộ đạo vững chắc của ngài chính là ở nơi cảm nghiệm lương tâm của ngài:
Khởi đầu với sự hiện hữu của Thiên Chúa, (như tôi đã nói, là điều tôi chắc chắn như chính sự tất yếu hiện hữu của bản thân tôi…) tôi nhìn ra khỏi bản thân tôi, nhìn vào thế giới con người, và thấy một cảnh tượng dâng đầy lòng tôi một nỗi đau không nói nên lời. Thế gian dường như chỉ đem đến lừa dối cho chân lý vĩ đại, một chân lý tràn ngập trong lòng tôi… Nếu khi nhìn vào gương mà không thấy bộ mặt của tôi, thì cảm giác đó cũng giống như khi tôi nhìn thế giới náo nhiệt sôi động này mà không thấy phản ảnh của Đấng Tạo Hóa… Nếu không có tiếng nói này vang lên rõ ràng trong lương tâm và trong tâm hồn mình, tôi hẳn đã là người vô thần… Tôi không chối bỏ uy lực có thật của những luận cứ chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa, rút ra từ các sự kiện chung của xã hội loài người và của dòng lịch sử, nhưng những điều này không sưởi ấm cũng không soi sáng cho tôi, chúng không đưa tôi thoát khỏi băng giá của tiêu điều, cũng không làm cho chồi non nảy nụ và cành lá trổ sinh trong tôi, chúng không cho hiện hữu tinh thần tôi được vui mừng (A, 241).
Những bài giảng tại đại học và ‘nhiên tính tiền đề’
Câu cuối của đoạn trên là một sự khai mở. Sau khi nói lên cái nhìn thương tâm của mình về thế giới, ngài gợi ý cách nhận biết tốt nhất về một đức tin đích thực là nhìn vào hoa trái của nó, bao gồm sự tăng tiến vững chắc của đời sống nội tâm và ý thức hân hoan. Ngài đã đề cập đến cách tiếp cận này mười năm trước trong các bài giảng ở đại học. Điều thú vị là, sau khi trở lại đạo Công giáo, ngài lo lắng thẩm quyền Roma sẽ không đánh giá đúng các bản văn thời Oxford của mình. Trong thời gian lưu lại ở Roma trong năm 1846, ngài nhận thấy tư duy về đức tin đang chiếm ưu thế ở đây, thiên về tính khái niệm và phi nhân thể – giống như trường phái cho rằng phải có bằng chứng bên ngoài mà ngài đã chống lại trong cộng đồng Anh giáo của mình. Trong một lá thư viết từ Roma vào năm 1847, ngài nói rằng thấu suốt nguyên sơ của ngài liên quan đến ‘nhiên tính tiền đề.’ Điều này thường được trình bày trong các bài giảng ở trường đại học của ngài, và cho dù mới đầu nó có vẻ rắc rối nhưng thực sự thì khá đơn giản: ‘nhiên tính tiền đề’ hướng về cái đi trước tất cả mọi diễn đạt dứt khoát. Ngày nay chúng ta thường nói về lĩnh vực tiền khái niệm của suy tư. Trước khi có tuyên xưng hay lý luận công thức về đức tin, thì đã có toàn bộ các thái độ cơ bản của chúng ta. Trong lãnh vực tiềm ẩn này của thiên hướng tiền hữu trong chúng ta, Newman xác định nhiên tính (hay không có nhiên tính) của sự sẵn sàng của chúng ta đối với đức tin.
Như trong một bài giảng đại học của ngài, ‘sai lầm chết người’ của suy nghĩ thế tục là phán xét ‘chân lý tôn giáo mà không có sự sẵn sàng của tâm hồn’ (US, X, 43). Và ngài còn phê phán chủ nghĩa duy lý lạnh lùng trong biện giáo: ‘trong các trường phái của thế gian, con đường đến với Chân lý là con đường lớn mở ra với tất cả mọi người ở mọi thời. Người ta tiếp cận Chân lý mà không có lòng tôn kính’ (US, X, 42). Đây là tóm gọn của Newman: bất cứ con đường nào dẫn đến đức tin mà muốn sinh hoa trái thì phải luôn có một mức độ đón nhận thiêng liêng nào đó, đối lập với thái độ xa cách kiêu ngạo. Theo ngài, nhận thức tôn giáo chỉ hữu thực khi có ‘tâm hồn sống động’ chứ không phải nhờ tranh luận tài tình. (US, X, 44). Nếu không có đặc tính truy tầm trung thực này, chúng ta không thể đạt đến ‘sự nhìn nhận thực sự’ là chính đức tin và là sự khẳng định cho đức tin (GA, 3.45). Nói cách khác, Newman đã có can đảm để nhấn mạnh những gì mà nền văn hóa trí thức thời đó và bây giờ có xu hướng coi thường, ngài quả quyết rằng trong vấn đề đức tin, những gì có thể suy nghĩ theo công thức thì ít quan trọng hơn những thiên hướng, khát khao và tình trạng của tâm trí. Tôi nói lại lần nữa: theo quan điểm của Newman, sự mở lòng cho đức tin kéo theo một số thái độ tinh thần cụ thể trong mỗi con người, và nếu không có những điều này thì tất cả mọi cố gắng để làm đức tin trở nên đáng tin về mặt lý tính có thể chỉ là uổng công luống sức.
Hai năm sau khi trở lại đạo Công giáo, Newman chuẩn bị lời giới thiệu cho một ấn bản bằng tiếng Pháp các bài giảng đại học của ngài, nhưng ngài viết bài giới thiệu bằng tiếng La Tinh. Trong đó có câu: ‘Praeambula fidei in individuis non cadunt sub scientiam’, nghĩa là những lời ban đầu của đức tin trong cá nhân không được hạ xuống phạm vi khoa học. Dịch thoáng hơn có thể như thế này: những con đường chuẩn bị cho người ta đến với đức tin không thể hạ xuống theo các phân tích kinh nghiệm. Có lẽ Newman nhìn thấy mình như phiên bản trí thức của Gioan Tẩy Giả: ngài muốn dọn đường cho đức tin bằng cách chú trọng vào thái độ nội tâm của con người, một chiều kích không dễ dàng diễn tả: ‘tất cả mọi người đều có một lý luận, nhưng không phải ai cũng có thể đưa ra một lý luận’ (US, XII, 9).
Nội tâm hiện sinh và biến chuyển của tâm trí
Khi hầu hết mọi người đương thời của ngài đang cố gắng tìm cách để biện hộ sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của quan sát thực nghiệm, thì Newman chuyển trọng tâm đến những gì chúng ta có thể gọi là nội tại hiện sinh. Như đã nói ở trên, khí chất của ngài rất hướng nội, thậm chí có thể là thu vào nội tâm. Tuy nhiên, ngài dùng đặc tính cá nhân của mình để kéo sự chú ý vào những tầm nhận thức sâu sắc hơn những biện giáo khôn khéo mà các đồng liêu của ngài đưa ra. Ngài nhất quyết nhấn mạnh luôn mãi rằng ‘đức tin không phát xuất từ lý chứng’ mà con người tạo ra, nhưng từ điều gì đó tự phát và tích cực hơn, ‘riêng tư và sống động hơn’ (US, XI, 5-6). Giống như khi nhận xét về người em trai, theo quan điểm của ngài thì quyết định hướng theo hay chống lại đức tin thường thường có thể chịu tác động bởi chọn lựa vô thức hay do cao ngạo hơn là do có các ý niệm rõ ràng. Mỗi người bị ảnh hưởng theo các nguyên tắc và thói quen mạnh nhưng không phải lúc nào cũng rõ ràng của mình, nhất là đối với những vấn đề dấn thân tôn giáo. Nếu không lưu tâm đến những vùng ngầm trong suy tư của mình, chúng ta có nguy cơ nhầm lẫn các giải thích bên ngoài với những hoạt động thực sự của trí óc của mình.
Trong một ẩn dụ tuyệt vời, Newman chỉ ra vận động của suy nghĩ giống như người leo núi lành nghề, có thể lượng định theo trực giác các đoạn dốc khó nhưng không thể giải thích hết từng bước của mình cho người khác:
Tâm trí dao động qua lại, lan ra, và tiến tới với một tốc độ nhanh chóng, trở nên một điều quen thuộc mà huyền hoặc và linh hoạt làm lạc lối những nghiên cứu tìm hiểu nó. Tâm trí đi từ điểm này tới điểm kia… tạo nên một tiến trình giống như người leo núi trên vách đá dựng đứng, bằng đôi mắt nhanh nhạy, bàn tay khéo léo và đôi chân vững chãi, leo lên theo cách mà chính anh cũng không tự nhận thức được; nhờ tư chất và tập luyện, hơn là nhờ quy luật, không để lại dấu vết nào sau mình và không thể dạy nó cho người khác được… Và đó là đường lối chính yếu mà mọi con người dù có thiên khiếu hay không, lý luận cách thông thường,- không do quy luật, nhưng do năng lực nội tại (US, XIII, 7).
Tự phản ảnh của Newman không phải là kiểu chủ quan cô độc. Chắc chắn, cách tiếp cận của ngài mang tính tâm lý và tinh thần (hai từ ngài dùng để nói về tác phẩm của mình), nhưng mục tiêu của nó là đi đến dấn thân và hành động. Ngài muốn đem đến công bằng cho động lực tìm và thấy của chúng ta. Với tinh thần này, nhịp điệu trong văn xuôi của ngài không chỉ mang tính thẩm mỹ, mà là tìm cách hiện thể năng lực huyền vi và tự phát của một tinh thần có óc tìm tòi. Một câu nói của Newman nổi tiếng đến mức được in trên các hộp chocolate Baci nổi tiếng của nước Ý: ‘Sống là thay đổi, và hoàn hảo là thay đổi thường xuyên.’ Ý niệm này xuất hiện khi ngài nghiên cứu sự phát triển của giáo lý, một quyển sách đi liền với việc trở lại đạo Công giáo của ngài vào năm 1845. Nhưng thực sự đó đã là chiếc neo lâu dài và là đặc tính suy nghĩ của ngài. Ở tuổi 15, ngài đã say mê câu ‘Tăng tiến là bằng chứng hiển nhiên duy nhất của đời sống.’ Sau này, học thuyết Darwin cũng không làm ngài bận lòng như những người cùng thời của ngài: trong một lá thư vào năm 1874, ngài nhận xét rằng ‘không điều gì trong học thuyết tiến hóa đối nghịch với Đấng Toàn Năng.’
Cả sự tao nhã lừng danh trong văn phong và sự chú tâm vào tấn kịch của tiến triển đều vang vọng tâm thức đức tin của Newman như một khám phá mang tính liên tục. Bởi vậy niềm xác tín của ngài không bao giờ là một tĩnh vật mà đúng hơn là một cuộc hành trình đào sâu. Một trong những từ yêu thích của ngài là ‘mở rộng,’ và ngài đã áp dụng nó không chỉ trong việc giáo dục mà trong cả đời sống của tín hữu. Vì vậy sẽ không trung thực khi mô tả quan điểm của ngài như người ủng hộ một giáo lý chính thống hay một thần học bất động về đức tin (đáng buồn đây lại là xu thế của đa số thời nay). Cũng như ngài nhấn mạnh sự dấn thân của trọn vẹn con người trong việc có được đức tin, thì ngài cũng gợi lên điều gọi là ‘mạo hiểm’ tâm linh (một trong những từ yêu thích khác của ngài) của việc sống đức tin.
Vai trò ‘nhận ra’ của hình dung
Nhân cách học của Newman khai mở một trường phái mới của suy nghĩ về đức tin được nhiều người theo trong thời gian gần đây. Như chúng ta đã thấy, ngài tìm cách tạo nên cầu nối giữa cuộc truy tầm chân lý tôn giáo, tâm linh cá nhân và giá trị tinh thần với khuynh hướng sống của họ. Trọng tâm của việc này không phải là suy nghĩ thuần nhất hay các quan điểm duy lý tách biệt, mà là tiến trình khám phá và thực hiện chân lý. Đây là những gì ngụ ý trong thuật ngữ ‘hữu thực,’ một từ yêu thích của Newman. Ngược lại với hữu thực là mơ hồ, ý chỉ một chủ nghĩa duy lý xa rời con đường của kiên quyết và dấn thân. Về điểm này, Newman đã can đảm đi ngược dòng văn hóa thời đó. Ngài muốn vạch mặt ảo tưởng về thái độ trung dung đã mê hoặc những người cùng thời với ngài (và cả chúng ta nữa) xem đó như là con đường khả thể duy nhất để đạt đến chân lý. Nơi thái độ này và một phần nào trong tinh thần của thánh Augustinô, ngài khám phá ra tiến trình tìm và thấy một cách riêng tư hơn. Mục đích của ngài là để bảo vệ những gì mà sau này Lonergan gọi là ‘chủ quan xác thực.’
Nếu Newman sống muộn hơn một thế kỷ, có thể ngài đã dùng chữ ‘hiện sinh’ thay cho ‘hữu thực.’ Điều này hấp dẫn với ngài đến nỗi trong bản thảo của Quy tắc Đón nhận [Đức tin] (Grammar of Assent) lúc đầu ngài viết ‘đón nhận hình dung’ nhưng sau đó ngài quyết định thay thế ‘hình dung’ thành ‘hữu thực.’ (Thật ra ngài bỏ sót một vài ví dụ nên thành ngữ này vẫn còn tìm thấy trong bản văn đầu tiên). Trong mọi khả năng có thể, lý do cho việc thay đổi là sợ bị hiểu lầm: ngay cả ngày nay, người ta vẫn còn lẫn lộn giữa ‘hình dung’ (imaginative) và ‘hư cấu’ (imaginary), vì thế đức tin vẫn còn bị xem như một hình thức hoang tưởng. Nhưng mối bận tâm chính của ngài là vai trò tích cực của hình dung trong đức tin, đặc biệt trong thời gian ngài viết Quy tắc Đón nhận. Đối với ngài, chức năng của hình dung theo nghĩa đen là ‘nhận ra’ đức tin, trong nghĩa làm cho Thiên Chúa trở nên có thực trong đời sống con người.
Một trong những tuyên bố uy thế nhất của ngài về hình dung, là trong loạt thư ngài gởi đến nhật báo để tấn công luận điểm của Sir Robert Peel. Với việc mở ra một thư viện công cộng mới ở Tamworth, chính trị gia hàng đầu này đã cho rằng bây giờ có thể đạt được các thành quả của tôn giáo bằng con đường giáo dục về văn học và khoa học. Ý tưởng này làm Newman kinh tởm vì nó không những đi ngược với ý niệm của ngài về sự độc nhất của chân lý tôn giáo mà còn ngược với toàn bộ tư tưởng nhân học của ngài. Để đáp lại ông này, ngài trình bày triết học của mình về con người nhân loại như một hiện hữu cao hơn ‘động vật lý tính,’ được tạo nên để hành động và biến chuyển bởi cảm xúc. Trong phản đề này ngài lập luận rằng ‘không thể chạm đến tâm hồn cách thông thường bằng lý lẽ mà là qua hình dung’(GA, 92). Tầm quan trọng của thấu suốt này được nhấn mạnh bởi sự kiện rằng ba mươi năm sau, ngài trích một số trang trong bài công kích Peel vào Quy tắc Đón nhận, và đi đến lập luận rằng đức tin cần được ‘nhận định, ở lại, và giữ lấy như một thực thể, nhờ vào hình dung tôn giáo’ (GA98). Ngài thêm rằng ‘thần học về hình dung tôn giáo’ mang lại ‘bám giữ sống động với chân lý’ và nhờ đó mở ra cánh cửa hướng đến ‘các thói quen tôn giáo riêng tư’ (GA, 117). Nhãn quan mục tử sâu sắc quan trọng ở đây là: nếu chân lý tôn giáo không chạm đến hình dung của chúng ta theo cách nào đó thì sẽ không thể trở nên sinh động cho từng cá nhân được.
Newman cũng thấy hình dung như một đầu đề tranh luận cốt yếu cho đức tin. Hình dung là một địa hạt mong manh, nơi những hình ảnh méo mó hoặc thiển cận của tôn giáo có thể khiến người ta thấy hợp lý hay tự nhiên để không tin. Trong sổ tay của mình, ngài đã từng viết rằng ‘hình dung chứ không phải lý lẽ là kẻ thù lớn nhất đối với đức tin.’ Nhưng xét chung, ngài thấy hình dung là vùng đất hứa để đức tin có thể trở nên ‘hữu thực’ về mặt thiêng liêng. Chắc chắn ngài tán thành phương thức cầu nguyện hình dung các bối cảnh trong Tin Mừng để làm sống lại chính Tin mừng, nhưng với ngài hình dung còn rộng lớn hơn việc mường tượng hình ảnh: nó hướng đến cảm thức con người, hơn là suy tư trên chính nó, từ hình dung đến cảm thức, chúng ta có thể ‘minh định’ và “làm quen’ cách tốt nhất các thực tại đức tin. Trong quan niệm của ngài, chúng ta có thể quả quyết về tuyên bố ‘có Thiên Chúa’ với hai mức độ khác nhau. Nó có thể vẫn là một ‘sự thừa nhận lạnh lùng và vô ích’ khi ‘hình dung hoàn toàn không được khơi dậy’ bởi vậy tâm hồn không bừng bừng sốt mến. Nhưng cùng một lời đó có thể làm nên một ‘cuộc cách mạng trong tâm trí’ bất cứ khi nào nó trở nên ‘trong hình dung’ và được ‘nắm bắt với sự đón nhận thực sự’ (GA, 126-127). Khi hình dung được thức tỉnh, đức tin thoát khỏi sự phi nhân để trở nên hiện sinh đầy hoa trái cho cuộc sống. Đây là một yếu tố chính trong bản đồ đức tin của Newman. Qua hình dung hơn là qua suy tư trí tuệ, chúng ta đạt đến xác tín tôn giáo và mở ra cánh cửa đến với những dấn thân tôn giáo cụ thể. Đối với ngài, hình dung là vùng của lý luận trực giác và như thế là trung gian thiết yếu của đức tin.
Từ quan điểm của các thần học đức tin đương thời hơn, chúng ta thấy dường như trực giác của Newman về hình dung mang tính tiên tri đặc biệt. Ngày nay chúng ta nói về việc hàn gắn lại sự phân ly giữa thần học và linh đạo, hay về việc cân nhắc vai trò của chiều kích mỹ học và xúc cảm trong đức tin. Khi Newman nhất quyết rằng hình dung chạm đến tâm hồn và làm cho đức tin trở nên ‘hữu thực,’ thì ngài hòa hợp với các tư tưởng tiến bộ này. Các nhà tư tưởng gần đây, từ Einstein đến Ricoeur, đã khám phá hình dung là một dạng thiết yếu của nhận thức. Newman cũng chỉ ra đường hướng như thế, dù theo một cách thức thiếu hệ thống hơn. Các ngòi bút khác như William Lynch hay David Tracy đã khám phá hình dung hiện thể Kitô giáo. Cũng vậy với Newman, hình dung là phương tiện để xác định, đáng dùng để nhận thức mầu nhiệm Nhập thể và cũng như để hoán cải trở lại đạo. Như thế, hình dung là cầu nối giữa sự chắc chắn mang tính lịch sử của Nhập thể với con đường mang tính nội tâm và chủ quan hơn dẫn chúng ta đến lời thưa vâng với đức tin.
Trong lời của Newman (độc thoại tưởng tượng)
Ai cũng biết việc tôi trở lại đạo năm 1845, dĩ nhiên đó là điểm then chốt trong cuộc đời tôi. Nhưng nó liên quan đến giáo hội hơn là đức tin. Tôi đã có thể trở lại đạo sớm hơn vào mùa thu năm 1816, khi cơn khủng hoảng và dao động khiến tôi có một ý niệm mới về Thiên Chúa mà tôi giữ trọn suốt cuộc đời. Với đam mê đọc sách, tôi đã cặp kè với các tư tưởng của một vài nhà vô thần cấp tiến như Hume, và tôi thấy lập luận của họ thật ấn tượng và thích đáng. Từ lập trường bên ngoài của họ, Thiên Chúa dường như bất khả tín. Đối với tôi, một người được nhận nền giáo dục Kitô cổ điển, nó lay động tận gốc các căn cứ nền tảng của tôi. Lúc đó tôi chỉ mười lăm tuổi, với tất cả những mong manh bình thường của tuổi mới lớn, cộng thêm khủng hoảng tài chính gia đình khiến tôi phải ở lại trường suốt mùa hè một mình. Tôi thật sự thấy bệnh, nhưng một chút gì đó giống thánh I-Nhã, căn bệnh lại là một điểm đảo chiều lớn đối với tôi.
May mắn thay, một giáo sư trẻ ở trường, mục sư Walter Mayers, đã bảo bọc cho tôi. Thầy là người dễ thương, theo phái Calvin, và đã cho tôi đọc đủ loại sách, giúp tôi thấy giới hạn của những nhà tư tưởng theo chủ nghĩa kinh nghiệm. Quan trọng hơn, thầy đã hướng tôi khám phá Thiên Chúa một cách riêng tư hơn. Tôi trải nghiệm, sốt sắng và mạnh mẽ rằng Thiên Chúa nói với tôi trong lương tâm tôi, và Thiên Chúa này vừa có thật vừa lớn lao hơn sự hiện hữu của chính tôi. Đó là thời khắc mặc khải và ân sủng không bao giờ phai mờ. Việc này không đơn giản là do xúc cảm hay một biến chuyển đột ngột: dần dần qua nhiều tháng trời, tôi đạt đến một niềm tin vững vàng vào lòng thương xót và sự quan phòng của Thiên Chúa, cũng như một ý thức rõ ràng về việc mình được kêu gọi vào tương giao vĩnh cữu với Đức Kitô. Chắc chắn đó là một sự biến đổi tâm hồn, nhưng còn là một sự mở mang tâm trí tôi nữa. Nhờ đọc quyển sách của Thomas Scott, Uy lực của Chân lý (The Force of Truth), tôi nhận ra cuộc đời có thể là một chuyện tình dài lâu với chân lý, một cuộc phiêu lưu đòi hỏi trung tín trọn vẹn, và rằng trung tín với chân lý của Thiên Chúa có nghĩa là một cuộc chiến không ngừng chống lại thế giới thiển cận trong tôi và quanh tôi.
Thái độ thiết tha
Trọn cuộc đời, tôi cố gắng ‘thiết tha đi tìm chân lý.’ Tôi đã dùng những chữ này trong bài giảng đầu tiên ở trường đại học khi vừa mới hai mươi lăm tuổi, và những chữ đó đã tóm lại những gì tôi đã khám phá ra vào mùa thu mười năm trước. Đó là điều tôi nhìn thấu và trở đi trở lại nhiều lần: Thật vô ích và cuối cùng chỉ là nản lòng khi thảo luận các vấn đề tôn giáo với giọng điệu hờ hững hay bàng quan. Chỉ có thể tiếp cận được niềm tin khi để hết tâm trí của mình vào đó, nhìn nhận tầm quan trọng của một tấm lòng thiết tha! Giống như kiểu, ai mà thích nghe người mù nói về màu sắc?
Một trải nghiệm khác đã định hình cách tiếp cận đức tin của tôi, đó là phải có sự thành thật trong cách chúng ta tiếp cận đức tin. Có lẽ lòng tha thiết là điều mà tôi thấy thiếu nơi người em trai Charles, lúc đó tôi đã sai lầm khi cố biện luận về sự vô tín của Charles. Chúng tôi tranh luận về điều này trong các buổi nói chuyện, và qua thư từ trong vòng hai năm kể từ năm 1823. Tôi đau đớn hiểu ra rằng nếu người đó không mở lòng ra, thì chúng ta không có điểm khởi đầu tiên quyết cho đối thoại về Thiên Chúa. Nếu không có một khao khát riêng muốn tìm kiếm chân lý và không có một số yếu tố sùng mến, thì trí tuệ tự phụ có thể trở nên kiêu ngạo. Hai kinh nghiệm tuổi trẻ này của tôi đã ghi dấu trên cách tiếp cận đức tin của tôi.
Những gì thiếu sót nơi người em trai đầy rắc rối của tôi (sau này thành người chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội), tôi cũng nhìn thấy nơi nền văn hóa quanh tôi. Rồi tôi thấy nền văn hóa này như một người yên vị trong nhà mình, chờ đợi Thiên Chúa tỏ mình ra mà không có một mong muốn nào để đi một bước đến với đức tin. Tôi đã dành quá nhiều thì giờ để đọc sách và viết lách, nên khó có thể gọi tôi là người phản tri thức, nhưng chắc chắn, tôi đâm ra nghi ngờ khi tri thức tách mình khỏi các chiều kích khác của nhân loại chúng ta. Vì thế, theo cách riêng của mình, tôi khám phá chân lý qua kinh Magnificat, với những gợi hình về sự khóa chặt hay mở lòng ra với đức tin: những vua chúa tự đại sẽ thấy mình tiêu tán trong tâm hồn, nhưng những người khiêm hạ đói khát sẽ được tràn đầy điều tốt lành. Có gì đó giống như những lời của Chúa Kitô nói về chuyện mặc khải giấu đi với người thông thái nhưng lại mở ra cho những người con bé nhỏ (Mt 11: 25).
Bắt đầu từ bên trong
Vậy nên, tôi đề nghị điều gì cho những người đi tìm đức tin ngày nay? Trước hết, phải có một chọn lựa: bạn có thể tiếp cận vấn đề Thiên Chúa một cách ‘ý niệm’ hay với trọn vẹn nhân tính của bạn. Nếu bạn không giữ mật thiết với những biến động nội tâm của mình, bạn sẽ khó chạm đến bất cứ một ý niệm ‘thực sự’ nào về Thiên Chúa. Bởi vì đây là một tương quan thật, chứ không phải là một khám phá qua thái độ đơn thuần khách quan. Mức độ hiện hữu của bạn là điều cốt yếu. Bất cứ câu trả lời nào bạn có được, đều sẽ biến đổi cách bạn nhìn mọi sự. Và bạn cần để hết tâm trí mình vào cuộc truy tầm này, vì nếu đó là cuộc truy tầm thực sự, thì câu trả lời sẽ biến đổi bạn.
Nếu khuynh hướng của bạn là không cởi mở, không chân thành và không dễ tiếp nhận, thì bạn đã chặn đứng các ngả đường, dù có lẽ bạn không biết. Khi tôi đòi hỏi bạn lắng nghe tâm hồn và lương tâm bạn, thì đó không phải là kiểu thoát ly cảm tính. Điều bạn cần thoát ly là một chủ nghĩa duy lý hẹp hòi hay phi nhân. Có lẽ hơn một thế kỷ qua, các trường đại học của chúng ta đã bị giam trong ngẫu tượng sai lầm của tính xác minh khách quan, một điều không bao giờ có thể công bằng với toàn bộ kinh ngạc trong chúng ta. Nó thất bại, nó không thể nào trả lời các vấn đề rộng lớn hơn của chúng ta. Không thể nào đối diện với các vấn đề hiện sinh theo cách phi nhân này. Bất kỳ lúc nào sự hiểu biết tri thức lấn át chân lý, thì tự do của chúng ta cũng bị cuốn theo. Nó giống như cuộc phiêu lưu của con người khi phải lòng, khi yêu. Nói ‘có’ với ai đó là tự dấn vào một nguy cơ nhất định. Đây là một quyết định để tin tưởng vào một điều gì vượt ngoài các dấu chỉ hiển nhiên bên ngoài. Vì thế, các trải nghiệm quan trọng của chúng ta không bao giờ chỉ mang tính ngoại tại. Mỗi ngày chúng ta trải nghiệm cuộc phiêu lưu nội tâm lạ lùng của thái độ và cảm giác, của nhạy cảm và hy vọng của chúng ta, dù cho các thực tế bên ngoài dường như độc quyền và chiếm đoạt sự chú ý của chúng ta.
Thật không dễ gì để công tâm với sự hội tụ vi tế của mọi yếu tố cần thiết để có niềm tin lòng đạo. Đức tin không phát sinh từ lý luận theo nghĩa hẹp, mà là một sự hợp lý thâm sâu. Đức tin không bác bỏ trí tuệ nhưng cần một khả năng chất vấn nhất định, mở rộng ra để bao trọn các chiều kích của chính bạn mà không rơi vào sự biện giải hay trình bày dễ dãi. Tôi thường nói rằng, đức tin mời gọi tâm hồn, và điều đó không có nghĩa đơn thuần chỉ là vấn đề cảm xúc. Đức tin bén rễ trong kinh nghiệm của lương tâm bạn, và nó không đơn giản là vấn đề đạo đức. Chúng ta nhất quyết rằng, đức tin là tự do. Đức tin là chân lý mà chúng ta nắm bắt, chúng ta phải quyết định, đức tin còn hơn một bước nhảy trong bóng tối, một sự thôi thúc chúng ta quy phục.
Lương tâm hiện hữu
Nhiều lúc khác nhau trong đời, tôi nhấn mạnh đến các chiều kích khác nhau của cuộc phiêu lưu đức tin chúng ta. Từ khi còn trẻ cho đến tuổi hoa niên, một nhánh trọng tâm đức tin của tôi là ở cảm nghiệm của lương tâm và nó luôn luôn quan trọng đối với tôi hơn các đại lộ thênh thang của kiểm nghiệm. Có lẽ tôi biểu tỏ tốt nhất điều này trong quyển tiểu thuyết của tôi, Callista xuất bản năm 1855, kể câu chuyện của một cô gái Hy Lạp phức tạp sống ở Bắc Phi vào thế kỷ thứ ba và hành trình dần khám phá đức tin Kitô của cô. Có giai đoạn, khi Callista bắt đầu nhận ra ‘Hướng dẫn nội tâm’ của mình nhưng vẫn chưa gặp được Lời của Tin mừng, cô đến bàn hỏi với một triết gia ngoại giáo, người tin tưởng vào một ‘sự gì đó tự hữu bất diệt.’ Điều này quá mơ hồ đối với Callista, và cô nói với triết gia rằng cô đã cảm nghiệm được một ý niệm cụ thể hơn về Thượng Đế trong lương tâm mình.
Tôi cảm nhận chính mình trong sự hiện hữu của Ngài. Ngài nói với tôi, ‘Làm điều này, đừng làm điều kia’… đó là tiếng vang của một người nói với tôi… Tôi tin vào một sự cao hơn cái ‘sự gì đó’ đơn thuần. Điều tôi tin thì có thật hơn cả mặt trời, mặt trăng, các vì sao và địa cầu rộng lớn, cũng như tiếng nói của các bạn bè của tôi. Ông sẽ nói, Ngài là ai? Ngài đã nói với cô những gì về Ngài? Than ôi! Không! – Quá đáng tiếc. Nhưng tôi sẽ không từ bỏ điều tôi có, bởi không có gì cho tôi hơn điều đó. Một tiếng vang ngụ ý một tiếng nói, một tiếng của một người nói. Một người nói mà tôi thương và tôi sợ. (C, 314-315)
Tôi lặp đi lặp lại hình ảnh khẩn thiết ‘tiếng vang của một tiếng nói’ trong các tác phẩm khác của tôi. Nó đánh mốc bước thềm giữa tôn giáo tự nhiên và tôn giáo mặc khải. Tôi luôn luôn tôn trọng lương tâm như là nòng cốt và tột đỉnh của tôn giáo tự nhiên, như là sự chuẩn bị con người cho Lời mạc khải. Thật vậy, cho dù không nhận thức được đầy đủ, thì sự hiện diện nội tâm này là con đường mà hầu hết mọi con người trong lịch sử đã gặp gỡ Thiên Chúa. Đó là nơi Thiên Chúa hiện diện với con người dù con người không biết, và là giữ gìn cho khát khao của con người được sống còn để chờ đợi một mặc khải rõ ràng hơn. Trong thế kỷ XXI, không nhiều người đồng hưởng với ý thức sắc bén về lương tâm của tôi. Các tín hữu ngày nay hiếm khi chia sẻ cảm nghiệm của tôi về lệnh truyền nội tâm, có khi họ còn sợ tiếng nói bên trong này. Có lẽ đôi khi còn nhiều lỗi lầm trong tôn giáo chúng ta, nhưng chúng ta sẽ mất đi một điều quý báu khi lãng quên cách lắng nghe tiếng lương tâm mình. Nếu không nghiêm túc về tội lỗi, thì theo tôi, tôn giáo sẽ trở nên quá con người, quá pha loãng.
Ngay cả ngày nay, tôi cũng muốn mời bạn đi đến nhận thức về các biến chuyển của tiếng nói bên trong này, và chấp thuận để nó hướng dẫn bạn đến với Thiên Chúa. Hãy suy nghĩ thế này. Trong đời sống thực tế của mình, bạn cố gắng trung tín với một vài giá trị hoặc vài điều tuyệt đối, dù có thể bạn không thích chữ này. Không nhất thiết phải nêu rõ chúng, nhưng bạn sống với một vài chọn lựa nền tảng. Đó là những chiếc neo và là những mục tiêu không nhân nhượng trong cuộc sống của bạn. Chắc chắn có một số chuyện bạn sẽ không hành động vì ‘tình và tiền,’ nếu nó đi ngược hay thậm chí hủy hoại bản chất của bạn. Nếu vậy, đó là ‘lương tâm’ hay lòng trung tín với một ánh sáng mà bạn đang theo – như Ba Vua ngày xưa vậy. Chính đó là bạn lớn lên, theo những cách mà bạn không thể ước lường, để hướng đến việc ‘không còn sống cho mình nữa’ như lời thánh Phaolô đã nói (2 Cor 5: 15).
Nắm bắt hữu thực
Sau này, trong nhiều năm soạn cuốn Quy tắc Đón nhận, tôi nêu bật hai chiều kích khác của con đường đi đến đức tin: là hình dung và cái mà tôi gọi là ‘ý nghĩa hậu kết.’ Nếu như thời trẻ, tôi bị cuốn theo các tranh luận phi nhân và phức tạp về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thì bây giờ tôi nhận ra rằng nếu hình dung của tôi không được đánh thức, thì Thiên Chúa không bao giờ ‘có thực’ đối với tâm hồn tôi. Và như thế, tôn giáo dễ trở thành ‘ý niệm,’ như những người mà Chúa Giêsu mô tả là họ cầu nguyện ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ nhưng chẳng bao giờ thay đổi trong hành động của mình. Đây là sự khác biệt giữa những gì tôi gọi là Tinh thần Kitô trên danh nghĩa và Tinh thần Kitô ‘sống động.” Tôi nghĩ hầu hết những người cố gắng cầu nguyện đều có nhiều kinh nghiệm về sự khác biệt giữa kiểu lửng lơ loanh quanh các ý niệm với việc thực sự được Chúa Thánh Thần chạm đến.
Từ ‘hậu kết’ cùng một đường hướng với việc trở nên có thực. Từ này có gốc Latin, nghĩa là nắm bắt, hiểu thấu một vấn đề. Đó là năng lực quan trọng chúng ta dùng hằng ngày để nhận biết sự thật. Đó là khả năng để chúng ta nói ‘có’ và cảm thấy chắc chắn về điều mình vừa nói. Chúng ta lúc nào cũng phán đoán ngay, một nhận thức bản năng ngay khi hội đủ các bằng chứng hiển nhiên cho phép chúng ta quả quyết cái gì là thật. Chúng ta biết rằng chúng ta biết, mặc dù không thể giải thích hết các bước tiến đó. Chúng ta nắm bắt sự việc bằng trực giác và rồi đi đến một bảo đảm cho hiểu biết của chúng ta. Và trên cơ sở đó trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có được một lập trường. Chúng ta có thể dấn thân và hành động. Đúng, ‘chúng ta cần một điều gì đó cao hơn là một sự cân bằng trong các lập luận.’ Chúng ta cần ‘một hiểu biết thật và một trực giác theo thói quen cho các vấn đề của Mặc khải’ (GA, 238).
Tóm lại, tôi muốn nói gì? Nên có cái nhìn hướng nội hơn là hướng ngoại. Chú ý đến lương tâm của bạn. Nuôi dưỡng hình dung của bạn. Tin tưởng vào ý thức sống động của bạn và khả năng đạt đến chân lý của nó. Tóm lại, những con đường dẫn chúng ta đến đức tin thì bình thường hơn những gì chúng ta nghĩ, nhưng các tư tưởng và lối sống của chúng ta có thể tước chúng ta ra khỏi những mỏ neo quan thiết. Chúng ta thiếu vắng thinh lặng nội tâm. Khả năng kinh ngạc của chúng ta bị cùng kiệt. Hình ảnh của chúng ta về chân lý bị hạn chế trong những điều có thể chứng minh được bên ngoài. Hình ảnh cuộc truy tầm của chúng ta giống như chàng cao bồi bơ vơ trên hoang mạc. Nhưng nhân tính của chúng ta đang kêu gào một nguồn nuôi dưỡng khác. Nó có những cơn đói, những chất vấn sâu xa hơn, thường có thể bị lãng quên bị đè nén trong lối sống áp đặt hiện thời. Có một dạng kiến thức khác, cũng cụ thể xác thực, nhưng lạ lẫm hơn. Nó liên quan đến tâm trí, trái tim, tinh thần, và toàn bộ con người chúng ta. Nó cần một điểm khởi đầu khác trong chúng ta, cuộc truy tầm khác hẳn. Chúng ta cũng phải du hành ra khỏi bản thân, kinh ngạc trong khiêm hạ, và rồi có lẽ chúng ta có thể gặp gỡ và kinh ngạc trước một LỜI thật khác.
Điểm chính yếu là hãy sẵn sàng. Như Shakespeare đã nói qua lời của Hamlet ‘Sự sẵn sàng là tất cả.’ Tiến trình nhận thức Thiên Chúa không thực sự khác với tiến trình chúng ta dùng hằng ngày để đạt đến những điều đoan chắc trong cuộc sống (không cần tranh luận, phân tích, hay làm cho nó hợp lý). Sự khác biệt trong đức tin lòng đạo không phải là con đường hướng đến, mà là nhãn quan cuộc đời được chính Thiên Chúa mặc khải khi tự hiến cho chúng ta. Nhưng cách thức chúng ta đạt đến điều đó là nhờ vào sự trung tín bình thường với chính con người thật của chúng ta – khi chúng ta hoàn toàn là chính mình. Những gì chúng ta học được từ Thiên Chúa là phi thường – một kinh ngạc có thể dần dần biến đổi cuộc sống chúng ta. Và đó là một câu chuyện khác.
J.B. Thái Hòa dịch
John Henry Newman (21 tháng 2 năm 1801 - 11 tháng 8 năm 1890), còn được gọi là Hồng y Newman, là một nhân vật quan trọng trong lịch sử tôn giáo của Anh trong thế kỷ 19, đến năm 1830 thì ông được biết đến trên toàn đất nước này.
Vốn là một viện sĩ Đại học Oxford và là một linh mục của Giáo hội Anh theo khuynh hướng Phúc âm, Newman dần bị thu hút theo truyền thống thượng giáo hội của Anh giáo rồi trở thành lãnh đạo và nhà biện hộ của Phong trào Oxford, một nhóm các tín hữu Anh giáo chống lại chủ nghĩa duy tự do đang lan mạnh, đồng thời vận động phục hồi các niềm tin và nghi thức phụng vụ trước khi xảy ra cuộc Cải cách Tin Lành. Đến năm 1845, Newman rời bỏ Giáo hội Anh và ông được đón nhận vào Giáo hội Công giáo Rôma; sau này ông được Giáo hoàng Lêô XIII vinh thăng làm hồng y. Ngày 19 tháng 9 năm 2010, trong chuyến viếng thăm Vương quốc Anh, Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng đã cử hành lễ phong chân phước cho ông.
Hồng y Newman là người sáng lập ra Viện Đại học Công giáo Ireland (sau này phát triển thành University College Dublin), viện đại học lớn nhất ở Ireland ngày nay. Ông cũng được biết đến trong vai trò là nhà văn và nhà sáng tác thánh ca, nổi bật trong số đó là "Lead, Kindly Light" và "Praise to the Holiest in the Height". ( Theo: https://vi.wikipedia.org/wiki/John_Henry_Newman)
Tài liệu tham khảo về các tác phẩm của John Henry Newman
A Biện hộ cho sự sống (Apologia pro Vita Sua), London, 1908.
C Callista: Câu chuyện ở Thế kỷ thứ ba (Callista: A Tale of the Third Century), London, 1928.
GA Tiểu luận Hỗ trợ cho Nguyên tắc Đón nhận (An Essay in Aid of a Grammar of Assent), London, 1909.
LD Thư tín và Nhật kí (Letters and Diaries), Tập I, xuất bản lần thứ nhất, Ker &T. Gornall, Oxford,1978.
PPS Những bài giảng Giáo xứ Giản dị (Parochial and Plain Sermons), Tập I, London,1907.
US Mười lăm bài giảng tại Đại học Oxford (Fifteen Sermons Preached before the University of Oxford), London, 1909. (Tham khảo về những bài giảng đại học này được đánh số bài giảng bằng chữ số Roma và tiếp theo là số thứ tự của các đoạn, chứ không đánh số theo trang)