Khi suy ngắm lại lịch sử nhân loại, Lammenais, một triết gia Pháp đã đúc kết thành một ý niệm về con người thật thâm sâu: Con người là kẻ hành hương đau khổ nhất chính vì một chân đặt vào hữu hạn, còn chân kia đặt vào vô hạn. Con người là kẻ bị giằng co giữa hai thái cực hữu hạn và vô hạn. Thật vậy, dầu mang thân xác hữu sinh hữu tử nhưng con người luôn chở mang khát vọng cao bay xa chạy khỏi thân phận phù sinh để vươn tới cõi vô biên bất tử. Bằng cách nào? Bằng cách nương nhờ vào đạo hay tôn giáo. Bởi đạo là nẻo đường dẫn tới cứu cánh siêu việt. Nhưng cũng có phương ngôn kinh điển rằng: Mọi nẻo đường đều dẫn tới thành La Mã. Phải chăng ‘con đường’ (đạo) nào cũng dẫn tới kinh thành La Mã? Phải chăng mọi đạo đều tốt như nhau và đều có cùng một cứu cánh? Để trả lời cho những câu hỏi trên, thoạt tiên ta cùng tra vấn bản chất của đạo là gì?
Đạo là đường! Đạo xưa nay được hiểu là cách sống và là bản lề sự sống của con người. Thật vậy, vạn vật không thể di chuyển nếu không có đường đi, chẳng hạn ô tô cần đường bộ, máy bay cần đường không, tàu thủy cần đường biển. Cứ tưởng rằng đại dương mênh mông mà đi thì vấp phải đá ngầm, bầu trời rộng lớn mà bay thì bị cuốn vào tầng đối lưu… Con người cũng vậy, nếu không có đạo tức đường đi sẽ không thể vận động và tiến bộ, thậm chí sẽ diệt vong. Đó là đạo theo nghĩa phổ quát.
Theo nghĩa luân lý, đạo chính là đạo đức. Định nghĩa kinh điển bậc nhất trong địa hạt này là: Đạo đức là thói quen của điều thiện. Đạo nghĩa là thói quen tốt lành được lặp đi lặp lại như một quán tính trọn đời chứ không phải câu chuyện một sớm một chiều. Như vậy, ở mức độ nào đó, đạo đức cũng là một con đường (cách thế) hướng con người đến đời sống thánh thiện.
Theo ý nghĩa tôn giáo, đạo đồng nhất với tôn giáo. Từ điển Công giáo 500 mục từ định nghĩa rằng, tôn giáo là một tín ngưỡng với hệ thống giáo lý và niềm tin vào Đấng Thiêng Liêng[1]. Nghĩa rằng tự bản chất tôn giáo phải tin nhận một Đấng Thiêng Liêng bất tử. Một cách rốt ráo, các chuyên gia định nghĩa tôn giáo là thừa nhận có Đấng Sáng Thế. Đây là đúc kết kinh điển làm kim chỉ nam để định danh một tôn giáo. Thật vậy, đạo nào thừa nhận có Đấng Sáng Tạo thì đó là đạo thật. Trái lại, đạo nào phủ nhận tính thần thánh thì đó là vô đạo (chưa phải là đạo thật, mặc dầu vẫn là đạo theo nghĩa chỉ là con đường hướng thiện mà thôi). Như vậy, đạo là con đường trở về nguồn nơi khai sinh dòng chảy sự sống, cũng là con đường dẫn tới cứu cánh tối hậu của hiện sinh, nơi viên mãn mọi khát vọng của con người. Tôn giáo nào có khả năng làm được như thế là tôn giáo thật, đồng thời là một tôn giáo tốt.
Thật vậy, cái gì càng thật thì càng tốt, kể cả tôn giáo cũng không ngoại lệ. Chẳng hạn, chỉ không khí thật mới có thể hít thở, thức ăn thật mới có thể ăn, nước thật mới có thể uống để duy trì sự sống. Trái lại, nước giả làm sao uống, cơm giả làm sao ăn, và uống nhằm thuốc giả làm sao có thể khỏi bệnh? Giả như thức ăn giả vẫn ăn được nhưng có thể vong mạng, đường giả vẫn có thể đi nhưng bị lạc lối mà không đạt tới đích. Thử lấy một ví dụ, chủ nghĩa Cộng Sản vẽ vời ra một con đường đầy phi lý ảo tưởng rải đầy hoa hồng, rằng đó là thiên đường xã hội chủ nghĩa của cải nhiều hơn không khí, công dân chỉ cần làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Đã có hàng ức triệu người hân hoan dẫm bước trên con đường ấy nhưng chẳng những không thấy thiên đường, trái lại còn sa lầy xuống địa ngục trần gian và chứng kiến cảnh tượng ‘xuống hố cả nút’ thay vì tiến lên ‘xã hội chủ nghĩa’. Tóm lại, đạo thật phải là con đường thật, là con đường dẫn tới cứu cánh đích thật, ấy mới là đạo tốt. Tức là, đã là đạo (đạo thật), đạo nào cũng tốt.
Quả thật, xét về luân lý, đạo nào cũng xây dựng trên nền móng tình yêu, trên nền móng cương thường cao cả như ăn ngay ở lành, làm lành lánh dữ, tất cả đều hướng con người sống tốt hơn, đạo đức hơn, hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Chẳng có tôn giáo nào dạy con người sống vong ân bội nghĩa, sống phi luân và phi nhân tính. Chẳng hạn, Đức Khổng thì dạy đừng ăn ở trái với Đạo Nhân của Thánh Hiền. Đức Phật với Tứ Vô Lượng dạy đệ tử sống đức từ bi hỷ xả, mở rộng biên cương đức ái ra hết bờ cõi chúng sinh, như không được sát sinh. Kitô giáo cũng dạy hãy yêu tha nhân như chính mình, không chỉ yêu những ai yêu mình nhưng còn yêu cả kẻ thù địch: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em”.[2] Bởi vậy, ít nhất trên phương diện luân lý, câu nói: Đã là đạo đạo nào cũng tốt, là hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên, phải chăng đạo nào cũng tốt khi những cuộc chiến đẫm máu nhất của loài người lại đến từ tôn giáo? Có phương ngôn: Hòa bình chỉ là trang trắng của lịch sử. Thật vậy, trong lịch sử nhân loại, hòa bình chỉ tính bằng giây phút, chiến tranh được tính bằng thế kỷ, thiên niên kỷ. Vả lại, hòa bình cũng chỉ là giai đoạn để chuẩn bị cho chiến tranh mà thôi như phương ngôn: muốn có hòa bình hãy chuẩn bị cho chiến tranh-Si vis pacem, para bellum. Tôn giáo cũng không ngoại lệ, thậm chí chiến tranh tôn giáo càng khốc liệt và tàn bạo hơn mọi cuộc chiến khác. Thập tự chinh diễn ra từ thời trung cổ đã đẩy Âu châu vào một cuộc chiến tương tàn xương chất thành núi, máu chảy thành sông, đến nỗi những bước chân thập tự quân lội bì bõm trong dòng sông máu dâng tới ngập đầu gối. Ngay cả vụ tấn công cảm tử tòa tháp đôi nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 rúng động địa cầu cũng bắt nguồn từ sứ mệnh thánh chiến của Hồi giáo cực đoan-tuẫn tiết vì Đấng Ala. Những cuộc chiến tôn giáo trải qua bao thế hệ vẫn dùng dằng quyết liệt hơn, nảy lửa hơn như chẳng có hồi kết. Đến mức độ các chuyên gia nhận định rằng, khác với những thế kỷ trước, chỉ là những cuộc tranh chấp đất đai, tiền tài, quyền thống trị thì thiên niên kỷ thứ III sẽ là những cuộc đụng độ tôn giáo, cuộc chiến tâm linh, thuộc thượng tầng kiến trúc. Vậy phải chăng những sự kiện đau thương đó tố giác tính bất thiện của tôn giáo? Không! Tôn giáo chân thật không bao giờ dạy con người sống ác, mà mọi sự ác đều nảy sinh tự đáy lòng con người như Chúa Giêsu dạy trong kinh Máccô: Cái gì trong con người xuất ra mới làm cho con người ra ô uế.[3] Chính vì thế mà tôn giáo ra đời nhằm giúp con người sám hối, biết cải tà qui chính. Nghĩa là, con người theo Phật giáo là đầy tham-sân-si, theo Kitô giáo thì bị nguyên tội tàn phá gây ra sự méo mó lệch lạc tự bản tính nên luôn nghiêng chiều về sự dữ. Do đó, tôn giáo nhiều khi chỉ là phương tiện để con người trục lợi hòng lấp đầy lòng ích kỷ vô lượng mà thôi. Tức là duy chỉ con người có khả năng nhân danh Chúa để giết Chúa, nhân danh thánh thần đội lốt ác quỉ, nhân danh công lý để gieo rắc bất công, nhân danh tự do để cầm tù đồng loại, và nhân danh hòa bình để chuẩn bị chuẩn bị cho chiến tranh. Tóm lại, đã là chân đạo, thì đạo nào cũng tốt, ít nữa trên phương diện luân lý. Mọi hậu quả xấu, không bởi chính tôn giáo, nhưng chính con người mới là thủ phạm trực tiếp.
Tuy vậy, nhân loại lại có rất nhiều đạo, từ điển Bách Khoa đưa ra con số có khoảng 9.900 tôn giáo khác nhau. Trong thực tế, bao nhiêu đạo là bấy nhiêu con đường khác nhau. Đồng nghĩa rằng nếu chấp nhận đạo nào cũng tốt, thì mức độ tốt phải khác nhau, đồng nghĩa rằng phải có một đạo tốt nhất, nghĩa là không thể đạo nào cũng tốt như nhau theo thường ngôn ‘đạo nào cũng như đạo nào’. Tuyên bố như vậy là rơi vào chủ trương cào bằng, đen trắng bất minh, là thái độ à uôm thiếu căn cơ thấu đáo, thậm chí chẳng có tôn giáo nào chấp nhận một luận điệu như vậy cả. Bởi lẽ thường tình ai cũng cho mình đẹp, mình tốt mặc cho mình xấu, chưa tốt. Cứ xem câu chuyện thầy bói sờ voi thì biết, mỗi thầy mù sờ vào mỗi bộ phận con voi khác nhau lại quả quyết con voi là như vậy. Đó là cách nhìn gà hóa cuốc, đánh cược chân lý toàn thể với tâm lý cục bộ, lấy cái thành phần làm thước đo cái phổ quát. Chính vì thế mới gọi câu chuyện là ‘thầy bói mù sờ voi’, vì không có mắt sáng, hoặc giả có mắt sáng nhưng lại không thấu tỏ, ‘có mắt như mù’ là thế. Tại sao? Có thể vì thiên kiến, quá cảm tính mà thiếu lý tính, quá chủ quan mà thiếu khách quan, sống bầy đàn mà thiếu bản lĩnh suy tư độc lập (đây là đặc tính thâm căn cố đế của người Việt nói riêng, người Á Đông nói chung). Nhân loại cũng dễ bị mù như những thầy bói khi phát biểu câu nói trên một cách vô lối, vô tội vạ mà không nhận thức được tiêu chuẩn khách quan của vấn đề. Vì vậy, một lần nữa cần xác quyết rằng, tôn giáo thật đều tốt, nhưng không tốt như nhau, và phải có một tôn giáo tốt nhất. Vậy, tôn giáo nào mới là tốt nhất?
Đức Đạt Lai Lạt Ma từng đề ra tiêu chuẩn trong một cuộc khảo vấn về tôn giáo nào tốt nhất. Ngài trả lời: Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Thoặt nghe có vẻ rất thuyết phục, nhưng nếu là một phật tử chân phương làm sao có thể chấp nhận cho được một định nghĩa nghịch với bản chất của đạo Phật đến vậy lại thốt ra từ miệng một vị đại sư đức cao vọng trọng, bởi lẽ Phật giáo có thừa nhận một Đấng Tối Cao nào đâu. Ta hiểu có thể vì ngài tránh đối đầu trực diện, lờ đi một vấn đề nóng bỏng và rất nhạy cảm rất như vấn đề tôn giáo. Vậy đâu mới là tiêu chuẩn của một tôn giáo tốt nhất? Câu hỏi sẽ được giải quyết bằng sự so sánh tôn giáo trên một số tiêu chí khách quan phổ quát.
Đầu tiên, ở trên chúng ta đã bàn, tôn giáo càng chân thật thì càng tốt. Cũng theo định nghĩa trên, tôn giáo thật, tự bản tính thừa nhận có Đấng Sáng Tạo, nói một cách giản dị, phải mang bản tính Thần Thánh. Thần Thánh ở đây không phải là một năng lực siêu nhiên mù quáng của đạo Lão hay đạo Khổng, vô ngã của đạo Phật, nhưng là một bản vị hiện hữu độc lập, siêu việt. Đạo nào như thế? Tạm chấp nhận khối tôn giáo độc thần bắt nguồn từ Ápraham đều chân tín có Đấng Sáng Thế vũ trụ, là Thiên Chúa, Ngài là Đấng Tự Hữu[4], hữu ngã và siêu việt tuyệt đối thế giới thụ tạo. Ngoài ra hầu hết những tôn giáo khác, đều không thừa nhận Ai làm ra vũ trụ vạn hữu, mặc dù một số sót tôn giáo khác chỉ thừa nhận một năng lực mù quáng là nguồn gốc vũ trụ mà thôi. Chẳng hạn, Công giáo tuyên tín trong kinh Tin Kính rằng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất hữu hình và vô hình.” Hay sách Sáng Thế viết: “Thuở ban đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.”[5] Lão giáo mặc dù thừa nhận Đạo là thực thể siêu việt, nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, nhưng Đạo là năng lực vô danh, vì hữu danh tức có thể biết về Đạo thì Đạo thôi còn là Đạo, sách Đạo Đức Kinh viết: “Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh”[6] (Đạo thật, Danh thật thì bất khả gọi tên), hay: Vô Danh thiên địa chi thủy (Đấng Vô Danh là năng lực sáng tạo nên càn khôn). Tương tự Khổng giáo cũng mù mờ nhận ra một Ông Trời là căn nguyên vạn vật, nhưng triết lý Khổng giáo không nói nhiều về Ông Trời này mà chỉ đề cập đến Âm-Dương hòa hợp, đến đạo đức của kẻ làm tôi, kẻ làm thánh hiền, của bậc chính nhân quân tử (như ngũ đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Phật giáo thì đặc biệt chối bỏ Thượng Đế sáng tạo, chối bỏ bản ngã bằng học thuyết vô ngã. Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần trong tác phẩm ‘Phật Học Tinh Hoa’ viết: “Theo Phật giáo, quan niệm về một cái TA (NGÃ) trường cửu là một quan niệm sai lầm và hoàn toàn giả tưởng.”[7] Triết lý phật học coi mọi sự có là do nhân duyên hòa hợp mà thành, kể cả thân xác con người cũng do ngũ uẩn kết tụ lại (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), vạn sự tồn hữu đều do hữu duyên hay vô duyên, đều biến đổi vô thường. Sở dĩ vạn vật biến thiên vô thường, sắc sắc không không là chịu chi phối bởi nguyên lý nhân quả. Nhân nhờ duyên mà thành quả, quả nhờ duyên mà trở thành nhân mới, cứ thế qua hằng hà sa số kiếp luân hồi. Tóm lại, xét theo định nghĩa chung nhất về tôn giáo, nghĩa là thừa nhận có Đấng Sáng Tạo, là Đấng hiện hữu cá vị, độc lập, siêu việt thì chỉ có những tôn giáo xuất nguyên từ Ápraham (Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo), ngoài ra đều phủ nhận, hoặc toàn bộ, hoặc một phần, nếu không phủ nhận thì thừa nhận một năng lực mù quáng, vô ngã (không do ai cả), ngẫu nhiên sinh thành nên vũ trụ. Xét theo đó, chỉ những tôn giáo độc thần là tôn giáo đích thực và do đó là những tôn giáo tốt nhất.
Thật vậy, ta đi chứng minh điểm này theo lý tính. Những tôn giáo không tin nhận một nguyên lý tạo dựng như Phật giáo, tự nó mâu thuẫn và vô lý. Quả vậy, bằng quan sát thường nghiệm, ta thấy không có vật gì tồn tại mà không có nguyên nhân, bởi ‘vô nguyên nhân bất thành hậu quả’. Thử đơn cử con người, ta có là bởi cha mẹ ta, cha mẹ ta bởi ông bà sinh ra, ông bà lại bởi cụ kỵ sinh thành, cứ thế truy nguyên tới bất tận ắt phải gặp một Đấng Sinh Thành đầu tiên, nếu không thì không có gì cả. Vậy, chối từ nguyên lý sinh thành mọi hữu thể là đi ngược lại lý trí, chống lại nguyên lý nhân quả trong tôn giáo. Hơn nữa, nguyên lý sinh thành không thể nào là vô ngã, vô thức, vô danh, vì hư vô cũng chẳng có thể sinh ra gì cả, vô ngã không thể sinh hữu ngã (như con người), vô thức không thể sản sinh ra ý thức. Vả lại, tôn giáo mà phủ nhận Thần Thánh thì còn gì là tôn giáo nữa. Bởi vậy, những chuyên gia tôn giáo vẫn cho rằng Phật giáo chỉ là một triết lý nhân sinh bi quan yếm thế về cuộc đời là bể khổ, về sự tự giải thoát, chứ không phải tôn giáo, mà nếu là tôn giáo thì là tôn giáo vô thần mà thôi. Chính Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh thừa nhận điều này, ông nói: Trước hết chúng tôi xin vào đề ngay rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, dù nghĩa tôn giáo hiểu theo truyền thống Tây phương hay Đông phương.[8] Như vậy, ta đã chứng minh thêm được một điều chỉ những tôn giáo thừa nhận có Đấng Sáng Tạo là nguyên nhân đầu tiên (tôn giáo độc thần) là hữu lý, là tôn giáo đích thực.
Thêm nữa, nếu phủ nhận sự tồn hữu của Thượng Đế Siêu Việt là nguyên lý sinh thành càn khôn, nếu không công nhận có ‘người’ (tha), có ‘ta’ (ngã), nếu tất cả là ‘vô ngã’ thì tình yêu chẳng phải vô ích ư? Thật vậy, làm gì có những cá nhân, những con người để mà yêu nhau. Vả lại, nếu thiếu đi ý niệm nhân vị (ngôi vị, bản vị) thì đức từ bi, hỉ, xả, bác ái chỉ còn là sự thương hại mà thôi. Bởi chưng tình yêu ấy là tình yêu chung chung, không có đối tượng để nhắm tới, vì yêu ai đó thì “ai” đó chỉ là vô ngã, là hư vô, do đó không thể có sự đau khổ của “ai” để thực thi tình yêu, mà trái lại chỉ có sự đau khổ chung chung như ‘đời là bể khổ’. Nói khác đi, mọi nỗi bất hạnh hay đau khổ đều là phi nhân tính (impersonnel), vì không có ‘chủ thể’, không có ‘ai’ cả, chỉ có thứ đau khổ chung chung mà thôi. Vì thế đau khổ cũng phải cam chịu, biết phàn nàn trách móc ‘ai’, cũng không cần phải tha thứ cho ‘ai’, vì nào có ‘ai’ đâu để mà than thân trách phận, để mà tha thứ? Đây quả là là một nghịch lý rất lớn của Phật giáo.
Thứ đến, ta sẽ chứng minh rằng Kitô giáo là tôn giáo đích thực, là con đường giải thoát đích thực. Ta thấy Kitô giáo là đạo mạc khải từ trời, lịch sử nhân loại là lịch sử cứu độ, khởi đi từ ngàn xưa Thiên Chúa Cha ưu tuyển một dân riêng, ban các thủ lãnh, ngôn sứ loan báo về triều đại vĩnh cửu, và khi đến hồi viên mãn, chính con một của Chúa Cha là Chúa Giêsu Kitô đến, sinh thành làm người, đồng bàn với con người, trọn vẹn con người, chỉ trừ tội lỗi[9], Ngài chịu chết để xá tội trần gian, ba ngày sau Ngài đã sống lại và lên trời. Nghĩa là không phải con người mà chính Thiên Chúa đã đi bước trước khai sinh ra Kitô giáo. Trái lại, tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo) rồi Ấn giáo đều là tôn giáo của con người, là sự nổ lực tự siêu việt hóa chính mình. Hồi giáo cũng là nhân đạo vì Mahomet tự xưng là mình tiên tri lớn nhất và cuối cùng được Thiên Chúa mạc khải cho. Nghĩa rằng Kitô giáo là thiên đạo (những tôn giáo xuất phát từ Ápraham cũng là thiên đạo nhưng chưa hoàn mãn vì phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu, nên ta sẽ không cần bàn đến những tôn giáo này nữa), ngoài ra đều là nhân đạo (không cần bàn định những đạo lẻ tẻ cục bộ như đạo thờ ông bà, thờ thần cây đa ma cây gạo). Nghĩa là, Kitô giáo là đạo thiên khải, đạo từ trời, là thiên đạo, vì thế là tôn giáo chân thực nhất, do đó cũng tốt nhất.
Thật vậy, Martin Luther đã từng đúc kết chí lý rằng: Loài người có hai loại tôn giáo, một loại tin mình có thể tự mình cứu rỗi chính mình, một loại tin rằng sự cứu rỗi chỉ có thể đến từ một Đấng nào đó bên ngoài mình, siêu việt hơn mình. Điểm này ta chỉ cần chứng minh qua hai tôn giáo lớn, là Phật giáo và Kitô giáo. Nếu Kitô giáo cho rằng ơn cứu độ đến từ một Tha Thể, con người hoàn toàn bất lực thì Phật giáo xem chủ thể mới là hạt nhân cứu rỗi, tự thắp đuốc lên mà đi. Nhãn quan Kitô giáo xem số phận con người do Thiên Chúa định đoạt, yêu thương, và quan phòng. Nhãn quan Phật giáo xem số phận nằm trong tay mình, không do ai định đoạt, dù là Thượng Đế hay Đức Phật. Sự cứu rỗi trong Kitô giáo hoàn toàn hệ tại ở niềm tin vào lòng thương xót Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”[10] Trái lại, Đức Phật thuyết pháp vạn vật tất yếu đạt tới cõi niết bàn (nirvana) qua hằng hà sa số kiếp, ngài nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Như vậy, từ hai nhãn quan đối lập, việc ta cần làm là luận chứng xem nhãn quan nào hữu lý hơn.
Ta hãy bắt đầu với quan niệm Phật giáo để rút ra kết luận về Kitô giáo. Phật giáo tin vào sự tự giác ngộ, sự tự cứu chuộc chính mình, Đức Phật dạy: Không ai có thể cứu vớt chúng ta bằng chính bản thân chúng ta. Theo lý tính, con người tự cứu chuộc chính mình, tự siêu việt hóa mình chẳng khác gì tự cầm lấy tóc nhấc bổng mình lên. Điều này là phi lý và bất khả. Quả vậy, một chiếc bình dù cố gắng bao nhiêu chăng nữa thì cùng lắm chỉ là một chiếc bình đẹp, làm sao có thể trở thành bàn tay làm ra nó đây? Con người có hành thiện tích đức cả đời, đức độ cao dày bao nhiêu, hiểu biết sâu rộng thế nào thì vẫn sẽ mãi là một con người không hơn không kém, theo nghĩa có thể vuột thoát kiếp phù sinh yểu mệnh hữu tử bỗng hóa thành Đấng Toàn Năng bất tử. Chẳng hạn, cứ cho là Đức Phật đã đắc ngộ chính quả nhưng sinh tiền ngài vẫn chịu thống trị của dục vọng đói ăn khát uống, vẫn mê lầm uống phải thuốc độc, vẫn bị đánh bại bởi cái chết vào tuổi 85 mà chẳng có phục sinh. Rõ ràng Đức Phật chỉ là một người phàm không hơn không kém. Hơn nữa chưa bao giờ Đức Phật tự nhận mình là Thần Linh theo câu nói đầy hoang tưởng dân gian truyền tụng về ngài: ‘Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn’ (trên trời dưới đất chỉ mình ta là đáng tôn thờ). Phàm là con người thì có sinh ra phải có chết đi, có khởi đầu ắt có kết thúc. Còn Đức Giêsu thì vô tiền khoáng hậu, bởi chưng Ngài là Thiên Chúa vừa là con người. Là con người, Ngài vẫn được cưu mang và sinh thành, sống như một con người, cũng chết như một con người. Là Thiên Chúa, Ngài ‘nhập thể’ làm người, sống kiếp phàm nhân, giống như phàm nhân ngoại trừ tội lỗi, và cho dù bị chôn vùi đáy huyệt nhưng ba ngày sau Ngài sống lại như ba lần tuyên bố trước đó của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”[11] Rõ ràng, Đức Giêsu là người duy nhất ‘vượt mặt’ nhân loại bởi vì Ngài là Thiên Chúa, vì thế Ngài thống trị sự sống và sự chết chẳng thống trị nổi Ngài. Trái lại, nấm mồ là dấu chết hết của mọi thụ tạo, dù là Đức Phật hay bất cứ vĩ nhân nào chăng nữa.
Chưa dừng lại ở đó, nếu Đức Phật chỉ nhận mình là ‘chân lý như mặt trăng, ta chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, đừng lầm tưởng ta với mặt trăng’, tức chỉ là người vẽ đường chỉ lối cho hậu thế bước đi, thì trước và sau Đức Giêsu chưa từng có ai tuyên bố một sấm ngôn như Ngài: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”[12] Ta đi chứng minh tính thần thánh trong câu này mà bất cứ phàm nhân nào cũng không thể nói được như Ngài.
“Thầy là con đường!” Như trên đã luận chứng, vạn vật không thể tồn tại nếu không có đường đi. Như vậy, Đức Giêsu là con đường (đạo) thì cũng là con đường sống của vạn vật.
“Là sự thật!” Theo các triết gia và thần học gia thì Chúa Trời là Đấng sinh thành mọi hữu thể. Ngài không những là chân lý mà còn là suối nguồn sản sinh chân lý. Và chúng ta không thể hình dung nổi một Thiên Chúa lại là hàng giả. Nếu Ngài là hàng giả thì làm sao sống cùng lịch sử cứu độ được?
“Là sự sống!” Triết gia Aristotle cho rằng: Con người không thể sống nếu không ăn thức ăn thật, uống nước thật và hít thở không khí thật. Vậy thì Chúa đã là đường thật và là chân lý thì hiển nhiên Chúa là con đường chắc chắn dẫn tới sự sống.
“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy!” Có nghĩa rằng nước trần gian không phải là một ao tù nước đọng mà chính nó được Chúa Cha mạc khải, dẫn dắt và quan phòng đi về nước trời vĩnh cửu.
Từ những luận chứng trên, ta rút ra được một số kết luận, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa thật và là người thật, trong khi hết thảy nhân loại, kể cả Đức Phật, Đức Khổng Tử, Lão Tử, Mahomet đều là người phàm. Đức Giêsu chính là Đạo (con đường) vì thế chọn đạo là chọn Ngài, trong khi những đạo khác chọn đạo không phải chọn đấng sáng lập đạo. Đức Giêsu là chân lý, là sự sống, là cứu cánh đích thực, trọn cuộc đời Ngài minh chứng điều này, trong khi nhân loại chưa từng có ai tuyên bố mình là chân lý, là sự sống, là cứu cánh cho nhân loại. Tóm lại, Kitô giáo là đạo thiên khải, đạo từ trời, từ trên đi xuống, còn lại những đạo khác là nhân đạo, là nổ lực của con người, từ dưới đi lên. Do đó, đạo hiểu theo ý nghĩa là con đường liên lạc với thần linh thì chỉ Kitô giáo mới là tôn giáo chân thực nhất bắt nguồn từ Trời, do đó cũng phải là tôn giáo tốt nhất. Bởi lẽ chính Đức Giêsu là chân lý tuyệt đối đã hạ cố mạc khải chính mình trọn vẹn nơi Kitô giáo, và nơi Ngài Chân-Thiện-Mỹ tuyệt đối đồng qui thành một: Chân (sự thật) chính là Thiện (tốt) và cũng chính là Mỹ (cái đẹp). Tức chỉ có Kitô giáo là tôn giáo chân thực nhất vì vậy cũng là tôn giáo tốt nhất. Như vậy, một lần nữa, câu nói: Đã là đạo, đạo nào cũng tốt chỉ đúng khơi khơi ở bề mặt, còn bề sâu và chiều cao thì chưa đúng. Bởi đạo nào cũng tốt nếu đó là đạo thật. Nhưng mức độ sự thật lại khác nhau ví thể đều là vàng nhưng vàng18k không giống vàng 99k lại khác hoàn toàn với vàng ròng 100k vậy. Nghĩa là đạo thật nào cũng tốt nhưng mức độ tốt lại khác nhau.
Tựu trung lại, đạo là đường! Có bao nhiêu đạo là có bấy nhiêu con đường. Quan niệm: đã là đạo, đạo nào cũng tốt là đúng nhưng chưa đủ, chỉ đúng trên phương diện luân lý và lý tưởng là con đường hướng thiện. Bao nhiêu con đường đúng hay thật là bấy nhiêu con đường tốt, đồng nghĩa phải có một con đường tốt nhất. Bởi con đường càng chân thật thì càng tốt. Nếu xét nghĩa sâu xa là mang bản tính thần thánh, thì không phải tôn giáo nào cũng thật, cũng là tôn giáo (như Phật giáo được xem là ‘tôn giáo vô thần’) do đó không phải tôn giáo nào cũng tốt. Nếu xét theo nghĩa cội nguồn là bởi người hay bởi Trời, thì chỉ những tôn giáo xuất nguyên từ Ápraham mới là tôn giáo Thiên Khải, là chân đạo, do đó mới là tôn giáo thực. Cuối cùng chỉ Kitô giáo mới là tôn giáo chân thực nhất vì thế cũng là tốt nhất bởi chưng được chính Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đến thiết lập, kiện toàn lời hứa và hoàn thành lịch sử cứu độ: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.”[13]
[1] HĐGMVN, Từ điển Công giáo 500 mục từ, Nxb. Tôn Giáo, tr 354.
[2] Mt 5,44.
[3] Mc 7,18.
[4] Xh 3,14.
[5] St 1,1.
[6] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh Giải Luận, Nxb. Phương Đông, 2010, tr 13.
[7] Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, Nxb. Trẻ, tr 160-161.
[9] Dt 5,1.
[10] Ga 3,16.
[11] Mc 9,31.
[12] Ga 14,6.
[13] Dt 1,1-2.