Bài Học Yêu Thương Từ Một Kẻ Dị Giáo!

Mon,25/03/2019
Lượt xem: 3622

Câu chuyện Tin mừng: Luca 10, 25-37

Dẫn nhập

Điều gì làm cho con người trở nên bất tử? Chắc chắn mỗi người một cách đều có thể trả lời đươc câu hỏi này, kể cả những người tự xưng là vô thần. Và có lẽ ít ai phản đối khẳng định này: điều làm cho con người bất tử là khả năng biết yêu và thực hành yêu thương. Từ xưa tới nay, đa số con người thuộc mọi nền văn minh và mọi tôn giáo nói chung, đều minh nhiên hoặc mặc nhiên hi vọng vào một “cuộc sống” sau khi kết thúc cuộc đời này. Và chính Đức Giêsu đã mang đến cho loài người cuộc sống đó, cuộc sống vĩnh cửu ở nơi chính bản thân Người.

Theo logic của đức tin Kitô Giáo, những ai TIN và YÊU thì sự sống đời đời đã bắt đầu nơi người ấy, dĩ nhiên TIN và YÊU phải được bày tỏ ra bằng việc làm. Thế nhưng ngày hôm nay, như vị luật sỹ Dothái xưa trong trình thuật Tin Mừng Luca 10, 25-37, không phải Kitô hữu nào cũng biết “đọc” được những “dấu chỉ” của sự sống đời đời để tin nhận và hành động nhằm đạt được sự sống đó. Trong trình thuật Tin Mừng Luca 10, 25-37, thánh sử đã thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu với vị luật sỹ, cuộc đối thoại mà ta có thể đặt cho nó một “tiêu đề”: Cách Thức Đạt Được Sự Sống Đời Đời! Và cuộc đối thoại đó như là “Lời Dẫn” vào dụ ngôn “Người Samary Nhân Hậu”, với một “câu hỏi chìa khóa” của chính vị luật sỹ: Ai là người thân cận của tôi?” Từ câu hỏi đó, Đức Giêsu đã mở ra cho chúng ta cánh cửa bước vào dụ ngôn -dụ ngôn về một “kẻ dị giáo biết yêu thương!”

1. Nội Dung Câu Chuyện

Vị luật sỹ Dothái chắc chắn là người chuyên nghiên cứu Luật và đọc Thánh Kinh hằng ngày. Ông đã nhiều lần nghe Chúa Giêsu giảng trong các hội đường. Lần này, theo thánh sử Luca, vị luật sỹ muốn “test” sự hiểu biết và quan điểm của Đức Giêsu về sự sống đời đời. Khi vị luật sỹ hỏi Đức Giêsu về vấn nạn lớn nhất của cuộc đời ông cũng như của cuộc đời nhiều người: Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? Đức Giêsu đã đáp lại bằng câu hỏi: Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? Và như được dịp, nhà luật học Dothái đã phô trương tầm hiểu biết của mình về Luật và về đạo lý chính thống, ông trả lời ngay bằng cách trích lệnh truyền từ sách Đệ Nhị Luật (Đnl 6,4) mà mọi người Dothái đạo đức thời đó thường đọc mỗi ngày hai lần trong kinh Shéma: Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn ngươi. Và ông cũng trích dẫn thêm câu trong sách Lêvi (Lv 19,l8): Và yêu mến người thân cận như chính mình.

Thật tuyệt vời! Vị luật gia đã trích dẫn những câu của Luật hoàn toàn phù hợp với giáo huấn của Đức Giêsu. Nhưng đó mới chỉ là lý thuyết! Đức Giêsu đã vừa khen ngợi vị luật sỹ vừa khuyên ông ta hãy đi xa hơn trong việc tuân giữ giới luật yêu thương theo hai chiều kích ấy -Yêu Chúa hết lòng và yêu người thân cận như chính mình, bằng việc làm cụ thể! Tuy nhiên, cuộc đối thoại ngay sau đó được chuyển sang một tình tiết mới với câu hỏi của vị thông luật, vì ông “muốn chứng tỏ mình là người có lý”: Nhưng ai là người thân cận của tôi? Thắc mắc này của vị thông luật cũng phản ánh đúng não trạng của người Dothái chính tông thời đó về “người thân cận”. Tuy thực chất, vị thông luật chỉ muốn tranh luận với Đức Giêsu dưới góc độ định nghĩa lý thuyết về luật yêu thương mà thôi, nhưng câu hỏi của ông trở thành “chìa khóa” cho Đức Giêsu mở cánh cửa thực tế của luật này và hiểu nó theo góc độ thực hành. Và để khỏi lạc vào vòng luẩn quẩn của ma trận lý thuyết về luật, Đức Giêsu đã dùng dụ ngôn “Người Samary Nhân Hậu” để trả lời cho câu hỏi của vị luật gia.

Nhân vật chính của dụ ngôn là một nạn nhân thập tử nhất sinh của vụ cướp tàn bạo xảy ra bên đường vắng. Tiền của và tư trang của anh ta đã bị bọn cướp lột sạch. Không ai rõ chức vụ, nghề nghiệp và quê hương bản quán của anh ta. Cũng chẳng ai biết anh ta theo đạo nào, và có có phải là người Dothái hay không.

Liền sau vụ cướp đường xảy ra, có hai vị khách đi qua đoạn đường đó. Đó là thầy Tư tế và thầy Lêvi. Một vị đang trên đường từ Đền Thờ về nhà và vị kia có lẽ trên đường từ nhà lên Đền Thờ. Họ đều gặp thấy nạn nhân thập tử nhất sinh nằm bên vệ đường. Họ vội vàng tránh qua một bên mà đi. Họ là những người theo đạo Dothái chính thống, trung thành giữ luật cách tỉ mỉ và là những người được coi là đạo đức mẫu mực của xã hội Dothái thời bấy giờ. Về chuyên môn, họ là những chuyên viên về phụng vụ, công việc của họ là giúp việc tế lễ và giám sát việc phụng tự tại Đền Thờ.

Nhân vật trung tâm của dụ ngôn là một người Samary. Ông cũng là khách đi qua đoạn đường đã xảy ra vụ cướp. Dân Samary không theo đạo Dothái chính thống, chính vì thế, người Dothái thời bấy giờ có quan niệm chung rằng, bất cứ người Samary nào cũng đồng nghĩa với người không có đời sống bác ái và lương thiện. Người Samary này chưa hề quen biết nạn nhân của vụ cướp kinh hoàng đó. Tuy nhiên, dù vó ngựa phi nhanh nhưng ông vẫn nhìn thấy nạn nhân bê bết máu nằm bên vệ đường. Dù tiếng vù vù của gió xen lẫn tiếng vó ngựa lộp cộp, ông vẫn nghe được tiếng rên rỉ kêu cứu rất yếu ớt của kẻ gặp nạn. Dù dang dở hành trình, nhưng vị khách đi đường vẫn xuống ngựa, xức dầu, tưới rượu, băng bó vết trọng thương và dìu người bị nạn vào quán trọ bên đường. Dù bận rộn trăm công nghìn việc nhưng ông vẫn ở lại chăm sóc, trả phí thuốc men và gửi gắm chủ quán tiếp tục giúp đỡ kẻ gặp nạn. Và khi xong công việc của mình, ông khách Samary đã trở lại thăm hỏi và tiếp tục thanh toán các chi phí giúp nạn nhân.

2. Bài Học Đức Ái

Với thủ pháp văn chương đối ngẫu rõ nét, thánh sử Luca đã đặt các nhân vật trong trình thuật Tin Mừng này gần như thành hai thế đối lập khá gay gắt, song song với hai loại hành động hoàn toàn trái ngược nhau. Khởi đi bằng việc vị luật sỹ đặt câu hỏi lấy chính mình làm trung tâm: Ai là người thân cận CỦA TÔI? Nhưng Đức Giêsu đã trả lời bằng một dụ ngôn lấy tha nhân làm trung tâm, để dẫn vị luật sỹ đến chỗ nhận ra: Người thân cận CỦA NẠN NHÂN chính là người đã thực thi lòng thương xót đối với nạn nhân sau vụ cướp đó! Trong câu chuyện, người thông luật hỏi Đức Giêsu về lý thuyết của luật yêu thương, nhưng Đức Giêsu lại chỉ cho ông ta cách thực hành luật yêu thương ấy. Trong khi thầy Tư tế và thầy Lêvi là những đại diện cho giới giáo sỹ Dothái chính thống, nhưng đã tránh né thực thi bác ái, thì người Samary dị giáo lại xả thân vì yêu thương. Ý của vị thông luật là cật vấn để biết ai là người thân cận của mình, thì Đức Giêsu lại đề nghị chính ông phải trở nên người thân cận của người khác. Thầy Tư tế và thầy Lêvi chỉ lo giữ “đạo kinh kệ” trong nhà thờ, còn người Samary lại biết sống “đạo yêu thương” ở ngoài đường.

Thánh Luca - thánh sử của lòng nhân hậu và thương xót, của sự nghèo khó và hướng tới truyền giáo cho dân ngoại, là tác giả duy nhất trong bốn tác giả chép Tin Mừng đã thuật lại cho chúng ta dụ ngôn kỳ diệu này. Khi thuật lại dụ ngôn “Người Samary Nhân Hậu”, thánh sử có thể đã cố tình cho độc giả thấy sự “đối đầu” giữa hai vùng đất Giuđê và Samary; giữa những người Dothái chính truyền với những người Samary dị giáo cựu thù; giữa những giáo sỹ chuyên nghiệp với một kẻ rối đạo; giữa những người luôn giữ luật thanh sạch với một người bị coi là ô uế không bao giờ được phép đặt chân vào Đền Thánh. Và mặc dù thầy Tư tế và thầy Lêvi chỉ được nhắc đến sơ qua trong dụ ngôn, nhưng họ đại diện cho cả một não trạng nệ luật của thời Cựu Ước. Đối lại, tác giả đã khắc họa đậm nét nhân vật trung tâm -một người Samary, như là đại diện của một tinh thần sống mới -tinh thần yêu thương của Tin Mừng!

Ai thực hành giới luật yêu thương của Tin Mừng ...

Trình thuật Luca 10, 25-37 là một trong những giáo huấn cô đọng nhất của Tân Ước về đức ái Kitô giáo. Với ý định của vị luật sỹ nhằm thử xem quan điểm của Đức Giêsu như thế nào về luật yêu thương: ai là người mà tôi có trách nhiệm phải yêu thương? Phải trả lời thế nào để giải thích chính xác nhất về mặt lý thuyết của Luật và có thể đem ra thực hành cách đúng nhất như Luật đòi hỏi? Giữ luật yêu Chúa có lẽ là chuyện dễ hiểu đối với mọi người. Trên lý thuyết, vị luật gia kia cũng hoàn toàn đồng ý là để đạt được sự sống đời đời, dứt khoát phải mến Chúa và yêu người thân cận. Và Đức Giêsu cũng đã đề nghị vị luật gia hãy cứ làm như thế.

Nhưng thực hành những điều đó như thế nào trong cuộc sống, và những ai thuộc nhóm người thân cận mà Luật đòi tôi phải yêu thương? Và điều quan trọng là phải giải thích như thế nào cho đúng với tinh thần của Luật? Vị luật sỹ dường như vẫn xác tín rằng, phải có một “giới hạn” về những người mà ông phải yêu thương. Bởi với truyền thống mà vị luật sỹ đang cẩn thận vâng giữ, chỉ những người đồng hương và đồng đạo mới được coi là thân cận và người ta mới có bổn phận yêu thương và giúp đỡ mà thôi. Trong sách Lêvi, “người thân cận” ở thế song đối với “những con cái của dân ngươi” nghĩa là người Dothái và cả “ngoại kiều” (the man from another country) sống trong xứ (x. Lv 19, 10.34). Nhưng quan niệm “người thân cận” ở đây không mở rộng ra với những người khác, chẳng hạn với các “dân ngoại” (the Gentiles).

Vậy, ai là người thân cận của tôi? Nếu chỉ bằng lý thuyết suông , có vẻ như khó có câu trả lời thấu đáo cho câu hỏi này. Vì điều cốt yếu là hành động yêu thương người khác cụ thể trong đời sống như thế nào, chứ không phải là chỉ ngồi lý luận về lý tưởng yêu thương. Khi đưa ra giáo huấn về Đức Ái hoàn hảo, Đức Giêsu đã kể lại cho vị luật sỹ kia dụ ngôn “Người Samary Nhân Hậu” để ông ta biết rằng, trong tình cảnh thê thảm của nạn nhân đó, thì ai ra tay giúp đỡ, người ấy sẽ trở thành người thân cận của nạn nhân.

Về mặt chú giải, nhiều tác giả đều đồng ý khi cho rằng, thầy Tư tế và thầy Lêvi đi đường hôm ấy vì giữ luật sạch dơ nên đã không dám chạm đến nạn nhân, vì thân thể anh ta bê bết máu và có thể anh ta đã chết. Có thể đó là một trong nhiều lý do! Tuy nhiên, khi đó vị Tư tế cũng trên đường xuống Giêrikhô (Lc 10, 31) thì gặp người bị nạn, nghĩa là ông đã thực hành xong bổn phận trong ngày của mình trên Đền Thờ (đã tế lễ xong) và đang về nhà. Quả thật, lúc nào người ta cũng có thể tìm ra lý do biện minh cho việc không hành động yêu thương, và vị Tư tế cùng thầy Lêvi kia cũng đã không cứu một nạn nhân sống dở chết dở là vì một vài qui định của luật lệ. Có thể hai vị công chức Đền Thờ ấy có lý do mạnh vì luật sạch dơ không cho phép họ đụng đến máu và xác chết; hoặc họ sợ mất an toàn cho bản thân vì có thể bọn cướp vẫn còn ở gần đâu đó; hoặc họ sợ liên lụy đến vụ án cướp của giết người này khi phải ra tòa; hoặc nữa, họ sợ trễ giờ lên Đền Thờ; vân vân và vân vân. Nhiều lắm, vô số nỗi sợ khiến những kẻ luôn trung thành phụng sự Chúa trong Đền Thờ nhưng lại trốn chạy việc cứu chữa một nạn nhân sống dở chết dở ngay bên đường mình đi qua. Một thực tế hiển nhiên ở đây là, tâm hồn và lòng trắc ẩn của vị Tư tế và thầy Lêvi bị tê liệt vì luật giam hãm, truyền thống bao vây và tình trạng biệt lập (ghetto) khoanh vùng.

Đối lại với lối ứng xử của hai vị cán bộ Đền Thờ kia, Đức Giêsu đã khéo léo nêu lên hành động thương người đáng khâm phục của vị khách đi đường người Samary vốn bị coi là “quân lạc đạo”. Ông đã nhìn thấy và đau lòng trước tình trạng thê thảm của nạn nhân đang nằm bên đường. Ông đã tìm mọi cách có thể để cứu anh ta khỏi tình trạng nguy kịch đó càng nhanh càng tốt. Tất cả vì ông ta “chạnh lòng thương” trước con người đáng thương. Lòng trắc ẩn nơi ông Samary ấy “rất người” một cách tự nhiên, nhưng cũng “rất Tin Mừng” một cách siêu nhiên! “Chạnh lòng thương” (move with pity) là một trong những cụm từ quan trọng nhất của Tân Ước, bởi nó diễn tả tâm hồn và đức ái mục tử của Chúa Giêsu, Đấng đã chấp nhận trở nên con người, đón nhận những đụng chạm và đau thương đến tận trung tâm (tim gan) của thân phận người.

Bài học này thật rõ ràng đối với mọi người, và đây cũng chính là bài Giáo lý thực hành sống động mà thánh sử Luca nhắm gửi đến cho mọi độc giả Kitô hữu đời sau. Thầy Tư tế và thầy Lêvi đã thấy một Con Người nằm đó sống dở chết dở, nhưng đã tránh sang bên kia đường và tiếp tục bước đi. Với muôn vàn lý do dù chính đáng đến mấy cũng khó có thể biện minh cho sự vô tình đến chết người của hai vị công chức Đền Thờ kia. Và ngày hôm nay có người đã chê trách rằng, ít ra hai vị “cán bộ” tôn giáo kia phải ngó qua kẻ xấu số nằm bên vệ đường hôm ấy xem có phải là người Dothái (tức người đồng đạo) không, mà cứu chứ!

Yêu thương cần lắm chấp nhận đến gần và cúi xuống, chấp nhận lấm lem và dơ bẩn, chấp nhận phiêu lưu và trả giá.[1] Hành trình dự định có thể bị chậm lại, kế hoạch cụ thể có thể phải đổi thay. Tiền bạc, thời gian và công sức có thể phải trao đi.[2] Tất cả chỉ vì tình yêu đến bất cứ khi nào, bất cứ nơi đâu. Vì trái tim biết yêu thương là biết rung lên, biết nhói đau trước nỗi đau của người khác, bất kể người đó là ai. Yêu thương không chỉ là lý tưởng vươn tới, nhưng còn phải là việc làm đích thực, cụ thể ngay tại đây và chính lúc này. Và có ai dám nghĩ rằng, vẫn có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc ở đời này, mà không cần tình yêu!

Một cách dễ dàng và tự nhiên, hầu như ai cũng có thể nhận ra nạn nhân của vụ cướp trên đường từ Giêrusalem xuống Giêrikhô là người đáng được giúp đỡ, nhưng trái lại, chẳng mấy ai đón nhận nạn nhân đó như là người thân cận của mình. Với dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu”, Đức Giêsu đã khẳng định tính chất mới mẻ của luật yêu thương và luật đó đòi hỏi chúng ta chủ động trở thành người thân cận của người khác, đi bước trước để đến với họ và sẵn sàng yêu thương tất cả. Như thế, chúng ta sẽ chống lại Luật Mới -Luật Tin Mừng, nếu chúng ta không trao ban tình yêu đến tất cả mọi người!

... người ấy sẽ được sự sống đời đời

Giới hạn của tình yêu là vô giới hạn! Luật yêu thương của Tân Ước đòi hỏi phải yêu cả kẻ thù (Mt 5, 44) và phải làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình (Lc 6, 31). Chẳng có lý do gì có thể biện minh xác đáng cho việc không yêu thương. Khi kể về nghĩa cử “rất Kitô” của vị khách đi đường người Samary đối với nạn nhân thập tử nhất sinh của vụ cướp, Đức Giêsu đã thực sự trả lời cho câu hỏi của vị chuyên gia luật về “điều kiện” để đạt được sự sống đời đời. Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa! Quả thật, người Samary nhân hậu ấy đã tích phúc cho mình nhờ việc cứu người bị hại bên đường vắng. Với gương của người Samary đó, Đức Giêsu đã đưa ra lời khuyên cuối cùng cho vị luật sỹ: Hãy đi và làm như vậy!

Đây là lời mời gọi của Vị Ngôn Sứ đối với tất cả những ai được kêu mời xây dựng xã hội tương lai cho nhân loại theo logic của Ơn Cứu Độ: làm cho thế giới này tràn ngập yêu thương! Điều này thánh sử Luca cũng muốn chỉ cho mọi độc giả thấy Vương Quốc đang và sẽ được hình thành giữa lòng nhân loại, ở bất cứ đâu và nơi bất cứ người nào có tình thương hiện diện. Vì thế, có thể quả quyết rằng, vị khách đi đường người Samary trong dụ ngôn là “mẫu Kitô hữu” chân chính mà Đức Giêsu muốn nêu gương cho con người mọi thời đại, bởi ông đã thực hành điều răn lớn nhất của Tin Mừng: mến Chúa và yêu người!

Tình thương phủ lấp muôn vàn tội lỗi. Đức ái Kitô giáo đề nghị người tin tiến đến trước Thiên Chúa bằng sự tín thác và đi ra với tha nhân bằng hành động yêu thương. Quả thật, ai không biết yêu thương, người ấy đã chết ngay khi còn sống! Mỗi lần đọc dụ ngôn “Người Samary Nhân Hậu” là mỗi lần mọi Kitô hữu chúng ta được kêu mời ra khỏi cái “ghetto” đóng kín và nhãn quan “đồng đạo” thiển cận. Bởi trong thực tế, không bao giờ tất cả những người bị cướp đều là Công giáo, nhưng mọi Kitô hữu đều được mời gọi cứu giúp tất cả những ai đau khổ mà mình gặp được mọi lúc mọi nơi trong cuộc đời, như cứu giúp chính Đức Kitô. Thật thế, nếu không có sự sống đời đời thì mọi việc bác ái chẳng có giá trị gì, mọi hi sinh trở thành chuyện hoang đường dại dột, và như thế, tình yêu không có lý do để tồn tại. Và nếu tình yêu không tồn tại thì trái tim trở nên chai đá, và cuộc đời này hoàn toàn vô nghĩa!

Con đường xuống Giêrikhô trong dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu” tượng trưng cho “Đường Về Trời”. Đó là con đường trơn dốc và gập ghềnh khó đi. Đó là con đường khuya vắng đầy hiểm nguy vì cướp đường luôn rình rập. Đó là con đường xa ngái cần nhiều can đảm và lắm hi sinh. Để vượt qua con đường đó, “vũ khí” duy nhất hữu ích đối với mọi người là có một trái tim luôn biết yêu và những hành động yêu thương thường trực.

Để kết

Để kết, người viết xin ghi lại một “dụ ngôn đương đại” bị bỏ dở, không có phần kết, để chúng ta cùng nghĩ suy về ơn gọi và cách sống ơn gọi của mình:

“Có một nhóm sinh viên thần học được yêu cầu soạn bài giảng về dụ ngôn “Người Samari Nhân Hậu” khi cua học giảng thuyết sắp kết thúc. Họ soạn bài giảng ở nhà, nghiên cứu kỹ lưỡng dụ ngôn, sử dụng vô số lời hay ý đẹp nhằm cuốn hút người nghe. Rồi họ xuống một studio dưới phố nhờ người ta ghi âm cho. Hôm đó, trước cửa studio có người đàn ông giả trang một người bị thương, mình đầy máu me, thân quằn quại và miệng thều thào xin giúp đỡ.

Thế nhưng, thật bất ngờ, 80% trong số các sinh viên ấy bình thản đi qua, không ai thèm nhìn người bị thương.”

Fx. Nguyễn Hồng Ân (K. X)

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 03


[1] X. ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Evangelii Gaudium, 49.

[2] X. Lc 10,35: Hai quan tiền của người Samaria trả công cho chủ quán trọ chăm sóc nạn nhân là một số tiền lớn, đủ để trả lương cho một người làm công trong ba tuần, và ông còn hứa sẽ trả thêm khi trở về.

Nguồn tin: