Siêu Hình Học Của Martin Heidegger

Fri,26/11/2021
Lượt xem: 2687

 

Siêu Hình Học Của Martin Heidegger

 

Dẫn nhập

Hữu là gì? Đó là vấn đề trọng tâm trong siêu hình học của Martin Heidegger – triết gia người Đức thế kỷ XX. Qua việc giải cấu trúc lịch sử hữu thể luận, Heidegger lôi ra ánh sáng sự lãng quên hữu. Nỗ lực của Heidegger là đưa hữu trở về đúng vị trí của nó trong siêu hình học – vị trí nền tảng cho mọi suy tư triết học. Qua Dasein, Heidegger đưa lý trí con người trở về với cái uyên nguyên của hữu thể suy tư – nơi câu hỏi về hữu được tỏ lộ trong thời gian. Liệu rằng nỗ lực ấy của Heidegger có được người đời sau đón nhận và tiếp tục tra vấn về ‘hữu’ hay bị chống đối như một tư tưởng mang tính thần bí không phù hợp với triết học.

Để làm sáng tỏ nỗ lực ấy của Heidegger trong siêu hình học, bài viết này sẽ trình bày phương pháp giải cấu trúc lịch sử hữu thể luận của Heidegger, và tiếp theo, trình bày việc Heidegger đã lôi ánh sáng câu hỏi về hữu và nguyên nhân qua phương pháp giải cấu trúc. Kế đến, nêu lên định nghĩa rất riêng của Heidegger – Dasein, và mối tương quan giữa Dasein và suy tư về ‘hữu’. Cuối cùng, trình bày cơ cấu hữu-thần-luận và những phản biện của những người thời sau về quan niệm này của Heidegger.

Đánh thức cảm thức về ‘Hữu’ – trọng tâm của siêu hình học của Heidegger

Giải cấu trúc – phương pháp triết học của Heidegger

Giải cấu trúc (Destruktion) lịch sử hữu thể luận – từ khóa đầu tiên về siêu hình học của Heidegger – nghĩa là, lôi ra ánh sáng (De-) những cấu trúc (Struktur) nền tảng của siêu hình học[1]. Khác với triết gia Georg Wilhelm Friedrich Hegel, nhắm đến xây dựng khái niệm và logic như một chiếc lưới kim cương[2] thâu tóm tất cả thực tại, Heidegger tiến hành ‘quan sát hiện tượng’ của triết học trong dòng lịch sử của chúng để tìm ra cái ‘substance’ – thể nền hay động cơ bên dưới – chi phối tư tưởng triết học. Giải cấu trúc có điểm chung với phương pháp tiếp cận thực tại của hiện tượng học của Edmund Husserl – quan sát những gì đang-tỏ-lộ, và thật ra, đó cũng là những bước đầu tiên của Aristotle và triết học kinh viện để hình thành hệ thống các khái niệm siêu hình học.

Đó có thể nói là một nền triết học mang tính chiêm niệm, khởi đi từ quan sát hiện tượng rồi từ từ nghiệm ra cấu trúc nền, bỏ qua khái niệm chặt, bỏ qua logic chặt, để mở ra con đường trở về với chính hữu thể.

Heidegger chẩn đoán căn bệnh trầm kha của triết học[3]

Khởi đi từ việc quan sát lịch sử triết học, Heidegger nhận thấy các triết gia nỗ lực tạo nên một hệ thống tư tưởng bởi các ý niệm về hữu thể sao cho có tính phổ quát nhất, triệt để nhất. Nỗ lực ấy giống như ‘chiếc lưới kim cương’ kéo hết tất cả mọi thực tại vào ‘tầm kiểm soát’ của lý trí : từ hữu thể thường hằng của Parmenides, đến ý niệm (eidos, forms, ideas) của Plato, bản thể (substance) của Aristotle, Thiên Chúa của thời trung cổ, cho đến ‘chủ thể nhân linh’ (human subject) của thời cận đại và hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh tham vọng giải thích tất cả thực tại, cũng có những triết gia ‘khiêm tốn’ hơn như John Locke hay David Hume xác định khả năng của lý trí chỉ chắc chắn nơi kinh nghiệm, và Immanuel Kant trong Phê bình lý tính thuần túy. Thế nhưng, họ chỉ đặt ra giới hạn lý trí nhưng rồi lại ở yên trong ‘vùng an toàn’ trên bình diện tri thức luận. Họ dừng tại điểm giới hạn và không nói gì thêm. Heidegger vượt qua ‘điểm dừng’ đó để đưa nguyên nhân làm nên giới hạn của hệ thống tri thức về thực tại.

Cụ thể, Heidegger nhìn ra bên dưới hệ thống tư tưởng một nghi vấn rằng, tại sao trong suốt lịch sử siêu hình học, hữu thể lại nhất nhất được hiểu theo nghĩa phi-thời gian, theo nghĩa một ‘hiện diện thường hằng’ nơi các ý niệm ? Siêu hình học đã dừng lại ở hữu thể (Seinde) mà không vươn tới hữu (Sein) và vì thế đã hoàn toàn khép mình trong lãnh vực của hữu thể. Nỗ lực ‘hiểu’ hữu thể đồng nghĩa với giải thích “cái đó là cái gì” (essence, definition), và “tại sao” (cause). Nguyên nhân của hữu thể cũng vẫn là hữu thể hay thuộc trật tự hữu thể (Seiende, being). Siêu việt bị đồng hóa với Hữu thể tối cao (supreme Being), và do đó siêu hình học đánh mất năng động siêu vượt ‘meta’, nói khác đi không còn mở ra với câu hỏi về hữu. Đó là căn bệnh của triết học theo chẩn đoán của Heidegger.

Nguyên nhân của sự lãng quên ‘hữu’ đến từ đâu ? Heidegger trả lời bằng một câu hỏi : Phải chăng con người đã quên đi chính mình là thời gian ? Chính vì muốn chạy trốn thân phận hữu hạn mà con người lãng quên ‘hữu’. Bởi khi con người muốn thống trị tất cả, muốn giải thích tất cả, vô tình thay, con người để mình bị mắc kẹt trong ‘chiếc lưới’ đó. Ước muốn thống trị tất cả nhưng lại bị thống trị bởi chính quyền lực của mình. Điều này gây nên một căng thẳng ngay trong nội giới-con người. Con người ‘kiêu căng’ ngay trong cái phận mong manh của mình.

Và nơi ấy, Heidegger nhận ra một tiếng kêu cứu đầy xót xa của một con người ở-đó trước sự vô tình của chiếc lưới đang phủ chụp lấy toàn thể thực tại. Con người ở-đó ấy đang ở-trong thời gian, ở-trong cái hữu hạn của kiếp người. Và con người ở-đó ấy muốn đánh thức câu hỏi về ‘hữu’ đang ở trong vùng quên lãng. Đó chính là Dasein – một định nghĩa về con người rất riêng của Heidegger.

Liệu có thể đồng hóa nỗi ưu tư của con người với câu hỏi về ‘hữu’

Đây là điểm độc sáng của Heidegger : con người là nơi mà câu hỏi về hữu thể được đặt ra, được thấu hiểu. Theo Heidegger, nguyên do của cách hiểu hữu thể theo nghĩa thường hằng không nằm bên ngoài mà là nằm trong chính cách hiểu về thân phận con người, kẻ mang ý thức thời gian thông qua ý thức về cái chết : vì muốn chạy trốn thân phận thời gian mà hữu thể được hiểu cách phi thời gian.

Nhưng cũng có lập luận rằng, sự lãng quên ‘hữu’ không phải là cố tình nhưng là tất yếu. Bởi chưng ‘hiện hữu’ là điều hiển nhiên nhất, là nền tảng nhất, là tri thức đầu tiên đi vào trí năng, thế nên, con người không có gì để nói về nó. Và Heidegger cũng đồng ý rằng về hữu thể thì có thể nói tại sao nhưng hữu thì ‘không tại sao cả’ : es gibt ! có đó. Phản biện lại lập luận này, Heidegger đưa ra một ‘chìa khóa’ để bước vào thế giới của ‘hữu’. Chìa khóa ấy là câu hỏi Heidegger nêu lên trong Dẫn nhập vào siêu hình học : Tại sao có những hữu thể này, thay vì không có gì cả ? (Why are there beings at all instead of nothing?)[4]. Thật thế, khi ‘hữu’ được đặt cạnh ‘hư vô’ thì chúng không còn là hiển nhiên với trí năng bởi chúng có thể biến mất khỏi nhận thức của con người. Thực tế cho thấy, chỉ khi con người mất đi sự hiện diện của một ai-khác thì con người mới cảm nghiệm sâu sắc sự hiện hữu của họ. Đặt câu hỏi tại sao là hữu thay vì hư vô để thấy ranh giới mong manh giữa chúng, và ranh giới này có thật. Khi cận kề cái chết, mọi lý luận là dư thừa.

Quay trở lại luận điểm của Heidegger : con người là nơi mà câu hỏi về hữu thể được đặt ra, được thấu hiểu. Luận điểm này đúng đắn vì chỉ có con người mới có khả năng ý thức và phản tỉnh về tồn tại của mình cũng như thực tại, và ngược lại, câu hỏi về hữu là câu hỏi đụng chạm đến chính con người. Đó là ưu quyền và cũng là nỗi khắc khoải khôn nguôi của hữu thể con người. Con người ‘ưu tư’ về chính mình[5], không theo nghĩa luân lý, mà là nghĩa hữu thể. Thân phận con người là ‘ưu tư’, và Heidegger coi đó là cốt lõi của hiện hữu nhân sinh.[6] Con người là kẻ mang nặng câu hỏi về hữu thể nhưng lại chạy trốn chúng. Và chạy trốn thời gian cũng là ra khỏi thân phận, thậm chí không còn hiện hữu như một chủ thể, mà như một ‘ai đó’ trong cõi người ta[7]. Heidegger gọi đó là cách hiện hữu không chính thực (inauthentique). Cách nào đó có thể nói, triết học ‘đồng phận’ với con người ưu tư.

Nhưng liệu rằng có công bằng không khi quy trách nhiệm về sự lãng quên hữu cho sự lo sợ của con người trước hữu hạn ? Câu hỏi sẽ được trả lời trong phần trình bày về Cơ cấu hữu-thần luận của Heidegger.

Dasein

 

Dasein – nơi trỗi dậy của câu hỏi về ‘hữu’

Dasein là định nghĩa về con người mà Heidegger cố gắng lôi ra khỏi vùng quên lãng. Từ Dasein khởi đi từ nghĩa đích xác của từ Hy Lạp phenomenon (hiện tượng) nghĩa là ‘cái tự tỏ lộ chính mình’ (that which reveals itself) : da (đó) – sein (có). Dasein là ‘định nghĩa’ không nhằm xác định con người là gì, nhưng ‘chỉ về’ con người như một không gian mở ra với câu hỏi về ‘hữu’, như Heidegger nêu rõ, một thuật ngữ diễn tả thuần túy tồn tại của nó (a term which is purely an expression of its being)[8]Dasein xuất hiện rất mực thầm kín và kín đáo, tuy thế, sự hiện diện của Dasein như muốn thách thức mọi lý trí muốn quán triệt chúng. Chúng cứ ở-đó trong sự trần trụi, có phần đáng thương của một kẻ rách rưới bị tước hết của cải. Dẫu thế, Dasein vẫn hiên ngang trước lý trí bởi Dasein biết mình nắm được cái nền tảng nhất của hữu thể – đó là hữu. Chỉ nơi Dasein – nơi con-người-tự-tỏ-hiện – mới có khả năng ‘tương thích’ với bản chất của hữu là tự-tỏ-lộ. Thật thế, câu hỏi về hữu không chỉ là một câu hỏi nào đó đối với Dasein, cũng không chỉ liên quan đến một nhận thức trừu tượng và tổng quát về hữu thể, mà là một câu hỏi gắn liền và động chạm đến chính cách thế hiện hữu của DaseinDasein phân biệt với mọi hữu thể khác, vì “tự trong hữu thể của nó đã liên hệ đến chính hữu thể” (il y va en son être de cet être même).

Và khi Dasein mở ra với ‘hữu’, đồng thời, Dasein cũng ‘thấu’ được sự ‘mong manh’ : mong manh trong ranh giới giữa hữu và hư vô, mong manh nơi móng nền của tòa nhà tri thức và mong manh của phận người hữu hạn. Thế giới của Dasein tựa như không gian ‘chân không’. Giống như không có bất kì phần tử vật chất tồn tại trong môi trường chân không, thế giới của Dasein ‘từ chối’ mọi ý niệm, lập luận và nguyên lý như là chất thể (matter) cho hình thế (form) là hệ thống của ‘chiếc lưới kim cương’. Con người càng dùng lý trí để đối diện với Dasein, con người càng rơi vào hụt hẫng và bối rối, bởi Dasein không cưu mang bất cứ gì ngoài nỗi ưu tư về ‘hữu’. Dasein, theo mô tả của Heidegger, giống như một khoảng rừng thưa nơi ‘hữu’ lộ diện, như một biến cố có-đó, mở phơi như mọi phép lạ của mọi phép lạ : phép lạ của hữu, nói rõ hơn, nhiệm mầu của hữu-hơn-là-vô.

Với Hedegger, siêu hình học không gì khác hơn là biến cố nền tảng của hữu thể chúng ta (das Grundgeschehen im Dasein). Nó chính là Dasein của chúng ta[9]Dasein là ens metaphysicum (hữu thể siêu hình) đúng nghĩa. Siêu hình học và Dasein trở thành hầu như tương đồng : ‘Siêu hình học chính là Dasein của chúng ta’. Sở dĩ Heidegger có thể phát biểu mạnh mẽ như thế bởi siêu hình học, theo Heidegger, là đà vươn từ hữu thể tới hữu, từ being tới to-be, từ Seiende tới Sein. Mặt khác, ‘hữu’ chính là hiện hữu nền tảng của hữu thể, mà Dasein là hiện hữu nền tảng, cho nên, Dasein là siêu hình học. Hơn nữa, đó còn là siêu hình học của Dasein, bởi Dasein là hiện hữu của con người và chỉ có hiện hữu của con người mới có khả năng vươn từ hữu thể sang hữu, những vật vô tri chỉ dừng lại ở hữu thể.

Dasein nói : Hãy ‘đỡ’ tôi từ ‘chân

Dasein hiện hữu trong thời gian như hữu thể-hướng-về-cái chết (Sein-zum-Tode). Chính vì thế, Dasein mới ‘cảm’ được hữu không phải là biến cố ngẫu nhiên hay tất yếu. Hữu chính là ‘nỗ lực’ của Dasein để tự-tỏ-hiện trong thời gian. Dasein biết mình có thể ‘bị đày’ tới hư vô bất cứ khi nào khi con người không tôn trọng ‘khác biệt hữu thể luận’ giữa hữu và hữu thể, và đàng khác, cũng không coi trọng mối tương quan giữa ‘hữu’ và ‘thời gian’. Có thể nói được như thế, vì hư vô (nihilism) được Heidegger hiểu theo nghĩa khá đặc biệt là sự triệt tiêu ý nghĩa của hữu thể do việc đặt mọi sự tùy thuộc vào con người, và hơn nữa, biến mọi vật thành vật sử dụng.

Đây không phải là một cái nhìn bi quan về hữu, ngược lại chính nó khiến con người khám phá ra nét lạ lùng của hữu. Chính bởi Dasein cưu mang hữu – quý giá nhưng rất mong manh trước hư vô – nên Dasein nỗ lực để tự-tỏ-hiện mình trong-thời gian như một phép lạ với tất cả nét kỳ diệu tinh khôi : es gibt ! có đó. Chính vì quá tinh khôi và thuần khiết nên Dasein có thể vỡ vụn khi ‘chiếc lưới kim cương’ của ý niệm phủ chụp chúng từ trên ‘đầu’. Như một khẩn nài có tính mệnh lệnh, Dasein cất lời : ‘Hãy đỡ tôi từ chân’. Bởi khi đỡ từ ‘chân’ con người mới có thể đón nhận toàn bộ Dasein, mới có thể chiêm ngắm trọn vẹn hữu-đang-tỏ-hiện nơi Dasein. Chỉ khi con người thành tâm gột sạch mọi thành kiến và ý niệm thì hữu mới hiện ra với tâm trí từ nơi ẩn náu, từ nơi chúng lui mình trước siêu hình học. Khi ấy, đơn giản là, con người ở-đó để chiêm ngắm vẻ đẹp của hữu đang-tỏ-lộ và lắng nghe chính hữu thể nói với mình. Một tư tưởng thanh thản và an nhiên (Gelassenheit) về hữu thể. Đó chính là một nỗ lực ‘Satz vom Grund’ (nhảy xa khỏi nền) của Heidegger thời cuối.

Cơ cấu hữu-thần luận – Căn bệnh trong lịch sử Siêu hình học[10]

Heidegger tiến thêm một bước để tìm ra cái sâu xa hơn về nguyên nhân lãng quên hữu, đó là, nếu Dasein lãng quên ý thức thời về thời gian, về thân phận hữu hạn thì nói cho cùng không phải là ‘lỗi riêng’ của nó, mà là ‘lỗi chung’ của cả một cơ cấu, và nhờ đọc lại lịch sử, ông đã lôi ra ánh sáng : cơ cấu hữu-thần-luận (ontology), một cơ cấu mà con đẻ của nó là não trạng duy kỹ thuật hiện đại. Vậy cơ cấu hữu-thần-luận là gì?

Điều lôi cuốn quan tâm của Heidegger đó chính là tính nghi nghĩa của đối tượng của siêu hình học nơi Aristotle và kể từ Aristotle. Heidegger nhận thấy ‘hữu thể xét như hữu thể’ (being qua being) thường được hiểu theo hai hướng: phổ quát và tối cao, nghĩa là theo hướng hữu thể luận (ontology) và thần luận (theology). ‘Hữu thể xét như hữu thể’ vừa có thể hiểu là hữu thể phổ quát vừa có thể hiểu là nguyên lý của hữu thể. Hai hướng này ‘tiếp tay’ với nhau trong một ý đồ chung: giải thích và thống trị. Muốn suy tư hữu thể trong tất cả tính phổ quát của nó thì đương nhiên phải quy về một nguyên nhân, một nguyên lý tối cao và nhờ chạy đến một nguyên lý tối cao mà có thể làm chủ, quán xuyến tất cả trong hệ thống thuần lý. Đó chính là cơ cấu hữu-thần luận.

Heidegger có đang ‘vơ đũa cả nắm’?

Liệu rằng Heidegger có đang ‘vơ đũa cả nắm’ các triết gia lớn của siêu hình học – Plato, Aristotle, Plotinus, Augustine, Duns Scot, Thomas Aquinas, Descartes, Spinoza, Leibniz, Kant, Fichte, Schelling, Hegel – đều là những nhà hữu-thần-luận và là những kỹ thuật gia về hữu thể ?

Khởi đi từ trực giác của các triết gia thời triết học sơ khai, họ nhận ra những gì họ ‘thấy’ không hoàn toàn giống với những gì họ ‘nghĩ’. Bởi lẽ, những gì mà họ ‘thấy’ thì đổi thay theo thời gian nhưng những gì họ ‘nghĩ’ thì có xu hướng cố định. Đứng trước sự bối rối đó, triết học ra đời để đặt ra và trả lời cho câu hỏi ‘Các sự vật thực gì là gì?’

Mặt khác, triết học Tây phương chính thức ra đời khoảng năm 585 trước Công nguyên với các triết gia vùng Miletus. Và triết học Tây phương tập trung giải thích câu hỏi trên bằng lý trí qua những lập luận, nguyên lý và ý niệm. Có thể nói, triết học Tây phương tập trung vào cái được ‘nghĩ’ để trả lời cho câu hỏi về cái-là của thực tại, và đây là tiềm tàng cho việc hình thành cơ cấu hữu-thần-luận. Đó là tâm thế ‘chủ động’ tìm chân lý. Câu hỏi đặt ra, triết học trước Thales là nền triết học gì? Theo thiển nghĩ cá nhân, đó là nền triết học mà con người ở trong thế ‘bị động’ trước thực tại. Nghĩa là, họ vẫn cưu mang câu hỏi về bản chất thực tại nhưng không cố gắng ép thực tại ‘rập khuôn’ theo lý trí, cho bằng, họ để mình hòa với thế giới và để cho thế giới ‘tự-tìm’ chỗ đứng trong lý trí. Và thế là, họ hài lòng với sự thay đổi mỗi ngày của thế giới trước mắt họ. Cho nên, công bằng mà nói, khuynh hướng lý trí hóa thực tại không phải chung và tất yếu cho tất cả triết gia. Và cũng có nghĩa là không phải mọi triết gia Tây phương đều đi theo con đường hữu-thần-luận. Bởi như đã nói, trực giác về sự khác nhau giữa ‘thấy’ và ‘nghĩ’ là chung cho mọi người, thế nên, ai cũng có tự do để tạo xu hướng triết học cho riêng mình.

Về phần Heidegger, ông là người lôi ra ánh sáng hai xu hướng triết học: chủ động đặt thực tại vào hệ thống lý luận – triết học về hữu thể – và bị động để thực tại tìm chỗ đứng trong lý trí – triết học về hữu.

Có thứ tự ưu tiên giữa hai xu hướng này không? Trước hết, sự khác biệt giữa hai xu hướng này xuất phát từ hệ quả sự khác biệt ‘hữu thể luận’ giữa hữu và hữu thể: hữu dẫn tới quan sát cái-tự-tỏ-lộ và hữu thể dẫn tới phổ quát hóa nơi ý niệm. Cả hai xu hướng đều qua lý trí để ‘hiểu’ sự vật, đều có ‘input’ (cái được đưa vào) là cái khả giác nơi sự vật, nhưng các ‘triết gia hữu thể’ thì để cho lý trí chủ động ‘xào nấu’ để thành một ý niệm theo cái lý của lý trí, cỏn ‘triết-gia-hữu’ thì để dữ kiện giác quan tự-chọn chỗ trong lý trí, và ‘cảm’ được ý niệm theo cái lý của sự vật. Thế nên không thể phát biểu xu hướng nào là ưu tiên, bởi nếu chỉ có duy ‘hữu’ thì không còn triết học để lại cho hậu thế, bởi con người thiếu công cụ để diễn đạt và giải thích, hoặc nếu chỉ duy ‘hữu thể’ thì triết học trở nên khép kín, độc tài. Do đó, triết học vừa là khuôn mình theo một hệ thống của lập luận, nguyên lý và ý niệm nhưng vẫn có chỗ cho tiếng nói của hữu thể được vang lên. Hãy để cho triết học được ‘Ephphatha! Mở ra!’ với hữu và hữu thể.

Siêu hình học của Heidegger có phải sự tổng hợp tư tưởng của Plato, Descartes và Hegel?

Với Heidegger, Plato đã đóng một vai trò quyết định với lịch sử siêu hình học dưới dấu ấn của sự lãng quên hữu khi đặt ‘hữu thể’ dưới sự giám sát của cái nhìn trong dụ ngôn Cái hang, Descartes đã quy mọi thực tại về Cogito (Tôi suy tư) và Hegel với tham vọng đưa hữu thể về một nguyên lý thống nhất nhờ luận lý trong câu phát biểu: Tất cả những gì thực đều hữu lý, tất cả những gì hữu lý đều là thực.

Nhưng người ta có cảm tưởng định nghĩa về siêu hình học của Heidegger là sự hòa trộn giữa cái nhìn của Plato về sự Thiện với res extensa của Descartes mà chủ thể tri thức (cogito) muốn làm chủ, cộng thêm quan niệm của Hegel về lịch sử. Cụ thể, với Plato, cái Thiện chính là cái-thiện-tự-thân (auto to agathon), ý niệm về cái thiện là nguyên nhân tối hậu khiến cho bản thân tồn tại được tri nhận, có được sự hiện hữu bản chất. Ý niệm về cái Thiện tự thân không tồn tại mà đứng trên và vượt ra ngoài tồn tại (epekeina tês ousias)[11]Res extensa của Descartes là bản chất của vật thể, là cái bị giới hạn trong một không gian nhất định, là quảng tính của nó trong chiều dài, chiều rộng và bề sâu. Quan niệm về lịch sử của Hegel: sự đồng nhất giữa lý tính và thực tại là sự đồng nhất năng động, xuyên qua lịch sử.

Nhưng nếu Dasein được hiểu như là sự Thiện của Plato thì không đúng với bản chất của chúng, bởi sự Thiện của Plato là vượt lên trên, ra ngoài thực tại để làm sáng rõ bản chất của thực tại, tựa như ánh sáng mặt trời soi chiếu mọi vật. Dasein thì khác vì ‘hữu’ chính là cách thế tồn tại của Dasein. Dasein đồng nhất với thực tại ở mức nền tảng nhất – hữu. Khác với Hegel, nhờ tính năng động của lịch sử mà tìm ra cái lý chi phối toàn bộ, Heidegger đặt Dasein trong thời gian để con người ý thức về sự lãng quên ‘hữu’ và tiến sâu vào lãnh vực của ‘hữu’ bằng câu hỏi tại sao là hữu thay vì hư vô. Cái-tự-tỏ-lộ về định nghĩa con người nơi Dasein và tự-tỏ-lộ nơi sự vật không phải là cái được chủ thể suy tư nhận biết nơi dài, rộng, sâu của chúng mà là toàn thể sự vật tự nói với con người. Tới đây, thấy rõ Heidegger khởi đi từ tri giác hiện tượng nơi sự vật đi đến năng động meta- vẫn là sự chiêm ngắm sự vật – từ cái ‘động’ đến cái ‘động’, khác với năng động meta- đi tìm cách phổ quát hóa sự vật – từ cái ‘động’ đến cái ‘tĩnh’.

Tạm kết

Liệu rằng Heidegger đã hoàn toàn giải quyết triệt để câu hỏi về hữu – câu hỏi mà ông đã nỗ lực lôi ra từ vùng quên lãng của nền triết học thời trước? Một nỗ lực cả đời để suy tư về hữu nhưng rốt cuộc, ông thành thật nhìn nhận mình vẫn hoàn toàn dò dẫm. Thật ra, sức mạnh tư tưởng của Heidegger ở việc làm lung lay tận gốc rễ tham vọng giải thích, quán triệt của lý trí con người, và hơn nữa, thức tỉnh con người trước mầu nhiệm của ‘hữu’, mà có lẽ nó sẽ không bao giờ được lý giải. Mặc dù có nhiều ý kiến phản bác tư tưởng của Heidegger, nhưng không thể chối cãi rằng ông đã làm một cuộc canh tân siêu hình học, đưa siêu hình học đến khả năng cao nhất của nó: niềm ngạc nhiên trước hữu thể.

Như bản tính của hữu là lui mình, náu ẩn trước tham vọng nắm bắt và giải thích của lý trí, thì triết gia, kẻ cưu mang những khắc khoải về thực tại, cũng cần lui, náu ẩn trong tham vọng hiểu biết mọi sự, để nên khiêm tốn hơn, để lắng nghe và chiêm ngắm huyền nhiệm của mình và của thế giới.

Các ngươi cứ tra vấn hữu đi! Và trong thinh lặng của nó – hiểu như nơi sinh thành của lời – vị thiên chúa trả lời’ – Martin Heidegger.

 

Maria Nguyễn Thị Thùy Linh, Đaminh Bà Rịa.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

Heidegger, Martin. 1967. Sein und Zeit. German: Max Niemeyer Verlag Tübingen

Heidegger, Martin. 1962. Being and Time. Dịch bởi John Macquarrie và Edward Robinson. England: Blackwell

Heidegger, Martin. 2000. Introduction to Metapphysics. Dịch bởi Gregorry Fried và Richard Polt. London: Yale University Press

Samuel, Enoch Stumpf. 1994. Philosophy – History and Problems. New York: McGraw Hill

Baird, Forrest. E. 2006. Tuyển tập danh tác triết học từ Plato đến Derrida. Dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy. Sài Gòn: Văn hóa thông tin

Samuel, Enoch Stumpf. 2007. Lịch sử triết học và các luận đề. Dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy. Sài Gòn: Lao Động

Magee, Bryan. 2003. Câu chuyện triết học. Trans by Huỳnh Phan Anh và Mai Sơn. Sài Gòn: Thống Kê

Johannes, Hirchberger. 2020. Lịch sử triết học. Chủ biên và hiệu đính Bùi Văn Nam Sơn, tập thể dịch giả Dương Anh Xuân và Thánh Pháp. Hà Nội: Tri Thức

Lâm, Nguyễn Quốc. Dẫn vào siêu hình học. Biên soạn dựa trên hai tác phẩm chính: Grondin, Jean. Introduction à la Métaphysique. 2004. Université de Montréal và Hersch, Jeanne. L’Etonnement philosophique. 1993. Gallimard

 


[1] Nguyễn Quốc Lâm, Dẫn vào siêu hình học, biên soạn dựa trên hai tác phẩm chính: Jean Grondin, Introduction à la Métaphysique (Université de Montréal: 2004) và Jeanne Hersch, L’Etonnement philosophique (Gallimard: 1993), 187

[2] Georg Wilhelm Friedrich Hegel, Encyclopédie, § 246, nguyên văn tiếng Đức: Denn Metaphysik heisst nichts anderes, als der Umfang der allgemeinen Denkbestimmungen, gleichsam das diamentene Netz, in das wir allen Stoff bringen und dadurch erst verstandlich machen. Jedes gebildete Bewusstsein hat seine Metaphysik, das instinctartige Denken, die absolute Macht in uns, uber die wir nur Meister werden, wenn wir sie selbst zum Gegenstand unserer Erkenntnis machen.

[3] Nguyễn Quốc Lâm, Dẫn vào siêu hình học, biên soạn dựa trên hai tác phẩm chính: Jean Grondin, Introduction à la Métaphysique (Université de Montréal: 2004) và Jeanne Hersch, L’Etonnement philosophique (Gallimard: 1993), 187

[4] Martin Heidegger, Introduction to Metapphysics, dịch bởi Gregorry Fried và Richard Polt (London: Yale University Press, 2000), 1

[5] Das Sein des Daseins als Sorge (trong Sein und Zeit, Martin Heidegger), Dasein’s Being as Care (trong Being and Time, dịch bởi John Macquarrie and Edward Robinson)

[6] Martin Heidegger, Sein und Zeit, ed. 11th, ⸹ 41 (German: Max Niemeyer Verlag Tübingen, 1967), 191

[7] Nguyễn Quốc Lâm, Dẫn vào siêu hình học, biên soạn dựa trên hai tác phẩm chính: Jean Grondin, Introduction à la Métaphysique (Université de Montréal: 2004) và Jeanne Hersch, L’Etonnement philosophique (Gallimard: 1993), 192

[8] Samuel Enoch Stumpf, Philosophy – History and Problems, ed. 5th (New York: McGraw Hill, 1994), 505

[9] Martin Heidegger, Qu’est-ce que la metaphysique? 1929, 9; Wegmarken dans GA, 9, 120 (trad. H. Corbin dans Questions I, 71; trad. Martin Froment-Meurice, Paris, Nathan, 1985, 68.

[10] Nguyễn Quốc Lâm, Dẫn vào siêu hình học, biên soạn dựa trên hai tác phẩm chính: Jean Grondin, Introduction à la Métaphysique (Université de Montréal: 2004) và Jeanne Hersch, L’Etonnement philosophique (Gallimard: 1993), 197-201

[11] Johannes Hirchberger, Lịch sử triết học, tập I, chủ biên và hiệu đính Bùi Văn Nam Sơn, tập thể dịch giả Dương Anh Xuân và Thánh Pháp (Hà Nội: Tri Thức, 2020), 104-105

 

Nguồn tin: sjjs.edu.vn