Đạo Làm Người

Tue,27/02/2024
Lượt xem: 1168

ĐẠO LÀM NGƯỜI

Ý thức luân lý

Con vật chỉ phản ứng theo bản năng, nghĩa là cái bản năng “trời ơi” ấy làm thay cho nó hết. Duy chỉ con người mới hành động thật, nghĩa là làm tự mình, do lý trí soi lối và ý chí quyết định. Nên khởi động là ở việc cân nhắc và quyết định này, chứ không phải ở hoạt động cơ bắp và thần kinh. Chính vì thế, đắn đo và quyết muốn đã được gọi là hành vi (act) rồi, để khi tòa án luận tội thì phải dựa vào đó mà xét. Vâng, dù anh quyết giết người mà chưa giết được, thì anh đã phạm tội trước lương tâm anh, còn tòa án thì kết tội anh cố ý mưu sát.

Sở dĩ con người có trách nhiệm, không về động tác bên ngoài cho bằng về hành vi nội tâm (cũng là nội tại, immanent), vì chỉ nội tâm mới là giang san riêng của tôi, chỉ ở nội tâm tôi mới thực là chủ, là tổng tư lệnh. Ở nội tâm đó, tôi vừa là nhà lập pháp, vừa là quan tòa và kẻ thi hành án luôn. Và đây là lương tri, hay tiếng nói lương tâm.

Do đâu mà có cái lương tâm lạ lùng ấy? Freud giải thích nó bằng then máy của Siêu ngã. Đây là uy quyền người cha cùng với những cấm đoán bị “đồng hóa” (identification) hay hội nhập vào đứa bé, thành một thứ Tôi trên tôi nó kiềm chế và kiểm soát tôi. Có điều Freud không cho biết vì sao có cái hương vị luân lý đi kèm, khiến “quyết lệnh luân lý” (impératif moraux) phân biệt với những loại cấm cản, ức chế (inhibition) khác. Lại nữa, cưỡng bách luân lý luôn giả thiết tự do, đến nỗi khi không còn tự do, dù do hoàn cảnh bên ngoài, dù do bệnh tâm thần bên trong, thì cưỡng bách luân lý cũng tiêu tan.

Chúng tôi không nghĩ như Nho giáo và các triết gia Cổ Trung Hoa, rằng con người khi sinh ra, nhất là người nguyên thuỷ, đã có ngay những đức như nhân nghĩa trong mình. Mà thực ra, họ chỉ có một thứ nhạy cảm luân lý hay cảm thức thiện ác, để rồi từ thứ nhạy cảm này, với sự trợ giúp của lý trí và kinh nghiệm, sẽ khám phá ra dần dần cái gì là hợp với tính người, tức thiện, và cái gì nghịch lại, tức ác. Chứ hồi đầu, loài người chỉ có một cảm nhận chung chung, nó là một thứ nguyên tắc tối ư tổng quát:

– Điều thiện thì nên làm, điều ác thì phải lánh!

Chứ còn cái gì là lành hay ác thì lại khác, khiến cho về lâu về dài và từ vùng trời này đến vùng trời kia, có thể có những quy tắc luân lý cụ thể trái ngược nhau, ít là ở bề nổi và về mặt thực hành.

Đạo làm người

Nếu Tây Trúc chỉ trọng có tôn giáo, và coi luân lý chỉ có ích trong giai đoạn vô minh, luân hồi thôi; và nếu Tây phương tuy đề cao luân lý đấy, nhưng coi nó là vấn đề riêng của loài người; thì Á Đông chẳng những để luân lý bao trùm luôn tôn giáo – hay nói cho đúng hơn, đặt bổn phận đối với Trời và thần thánh, tức tôn giáo, lồng cả trong Đạo làm người, tức luân lý – mà còn đặt luân lý vào trong cái Đạo tối thượng nó bao trùm cả Thiên Địa Nhân. Vâng, luân lý chỉ là một trong những hiển thể của Đạo, và gốc của nó nằm ở Mệnh Trời.

Theo Lão tử, Đạo ở gốc của nó thì không gọi được tên, không định được dạng, không hiển ra bằng đức và quy luật rõ ràng. Và đây mới là Thường đạo. Ngay Trời được coi là gốc của tất cả, thì nơi Trời, Đạo cũng có hai mặt Vô danh và Hữu danh như thế:

Vô danh vạn vật chi thuỷ,

Hữu danh vạn vật chi mẫu.

Còn con người, nếu sống đạo sâu xa, đến như thành một với đạo: “đồng ư đạo (1), thì người ta cũng không cần nghĩ đến Đức, huống nữa đức này hay đức kia (2):

“Mất đạo rồi mới có đức,

Mất đức rồi mới có nhân…”(3)

Có thuyết cho rằng Nhân đạo là do Trời định, có thuyết lại cho rằng do tự nhiên thôi, không cần Trời phải muốn thế mới thành như thế.

Theo tôi nghĩ, nên dung hòa giữa hai ý kiến, bằng cách vượt trên cả luật tự nhiên lẫn thiên ý. Như thế cũng phù hợp với cách hiểu của khoa học hôm nay về đạo của đất, tức quy luật của tự nhiên.

Vâng, theo ý tôi, Trời chỉ cần đặt giữa hư không một Thiên mệnh hay ý hướng, để giữa hư không ấy nổ lớn một Bigbang, rồi từ cái bắt đầu nó như có như không, giữa năng lượng và hạt này, mà vật chất sinh ra, vật chất ấy tự tìm lối cho mình hướng về cái mới chỉ là ý Trời hằn in trên nó. Tìm đường, nó phải dò dẫm, mày mò, để rồi mỗi khi tiến được một bước, nó liền để vết cho tất cả sau đó lặp lại (répétition): vết ấy chính là quy luật, chứ quy luật không có sẵn trước đâu. Nên quy luật đúng là tự nhiên, mà cũng đúng là ý Trời. Nếu hướng nhắm của Trời là sự sống, và giữa sự sống là con người, thì nơi con người ấy cũng có một Thiên mệnh chiếu in thành Tính, để với cái Tính lý tưởng và cái Đạo “thường đạo” chung chung này, con người cũng sẽ dò dẫm tìm đường, tự khai phá lấy cho mình một hệ thống các đức và quy luật luân lý chúng hướng dẫn hắn trên đường thành thánh, thành nhân.

Hướng nhắm là Đạo, nhưng vững Đạo là ở Đức

Tính là cái đích phải vươn tới, Đạo là đường đi nói chung, nhưng thể hiện Đạo ra trong cuộc sống lại là Đức, và cụ thể hơn, là các đức như nhân, nghĩa, v.v… Cho nên để đạt đạo trong điều kiện hiện sinh của loài người, không thể không trui rèn các đức tính, chúng hiển lộ Đạo và làm cho Đạo vững lên:

– Chí vu Đạo, cứ vu Đức

Nếu Lão tử chỉ nói về Đạo, thì thực tế hơn Khổng tử chỉ bàn về các đức. Về đức Khổng Khâu kể ra, nào là Cung khoan tín mẫn huệ, nào là Nhân nghĩa lễ trí tín, nào là Kiệm khiêm tiết trực và Trung thứ hiếu đễ. Nhưng đức mà Khổng tử năng nhắc đến và nhấn vào nhiều là Nhân Trí Dũng, là Thành và Trung Dung. Có thể nói đây là những đức trụ (cột) của tòa nhà đạo đức Khổng giáo.

Luân lý Hy-La cũng có những đức trụ (vertus cardinales) mà Cicero ghi rõ trong tác phẩm De officiis (Về các bổn phận) của ông, và đây là: Tiết độ, khôn ngoan, công bình và can đảm. Trong bốn đức ấy, có đến ba thuộc cương, còn khôn ngoan thuộc phán đoán hơn nên không kể. Trái lại, trong năm đức trụ Nho giáo, rõ ràng thuộc cương chỉ có Dũng và Thành, và chúng được lòng Nhân nhuần thấm khiến cho ôn dịu lại. Hơn thế, trong tâm ý của đức Khổng, ngũ đức nói trên mang một ý nghĩa rất sâu xa.

Cao sâu nhất có lẽ là Thành và Trung Dung, mà Đức Khổng dành cho cả một cuốn sách: sách Trung Dung.

Dẫn nhập cho Trung Dung, Trình tử định nghĩa Trung như sau: “Bất thiên chi vị Trung”, không thiên lệch, đó là Trung. Câu nói ấy khiến có thể hỉêu là Đừng đi quá, hay Tránh thái quá và bất cập. Quả đúng là có “tránh thái quá và bất cập” đấy, nhưng đây chỉ là kết quả hay cái ngọn thôi. Để hiểu đúng Trung là gì ở gốc của nó, thì cứ việc đọc tiếp liền sau đó, nơi lời diễn giải đầu tiên của Đức Khổng.

Hỉ nộ ai lạc chi vị phát, vị chi Trung;

Phát nhi giai trùng tiết, vị chi Hòa!

(Mừng giận buồn vui khi chưa phát sinh, thì đó là Trung;

Phát sinh mà đúng hợp [với cảnh, việc], thì đó là Hòa)

Nói cách khác, Trung có gì giống như trạng thái nội tâm lúc chưa xảy ra biến cố: không ghét, ham, mừng, giận, nghĩa là không nghiêng lệch bên này hay bên kia; để khi biến cố xảy ra rồi, thì phản ứng nếu phù hợp và đúng mức cần, thì đó là hòa hợp với đạo. Vừa đúng mức, chứ không để cho thành kiến, đố kỵ hay quan hệ thân, thù chi phối mảy may, thì đúng là Khách quan rồi. Cũng đúng là Bất thiên (indifferentia) của tu đức học Kitô giáo, tình trạng không thiên lệch giống như khi chưa xảy ra sự việc, để khi xảy ra thì phản ứng đúng mức theo bổn phận và đạo làm người đòi hỏi, chứ không do thiên lệch mà làm quá, cũng không do sợ nể mà bất cập.

Thật ra, nếu chỉ Trung thôi thì chưa có gì nói lên tình cảm gắn bó với lẽ phải và sự thật, nên sánh đôi với Trung, cần phải thêm đức Thành nữa. Thành không phải chỉ là nghĩ sao nói thế. Thành trước hết phải là có sao nghĩ vậy, đánh giá đúng như vậy, nghĩa là Thành với tâm và lương tri, và như thế cũng là khách quan, là Trung luôn.

Nếu luôn thành và trung với lương tri như thế, thì lương tri không còn chi che khuất, sẽ khiến Đạo ngày càng hiện rõ, thành như trong suốt, và đây là Trí, là Minh: Trí hướng về hiểu biết thuyết lý, còn Minh hướng về cụ thể và thực hành. Vậy Minh là phân định (discernement) nó giúp người ta đánh giá một ý nghĩ là đúng hay sai, cũng như giúp ứng phó thế nào cho hợp đạo trong một trường hợp cụ thể. Một đánh giá có tính thực hành thôi, chứ hiểu tại sao lại thế, thì cần phải Trí nữa.

Có điều, để từ phân định mà chuyển thành hành động, thì phải có thêm Dũng, không phải cái “dũng của người phương Bắc” để xông pha giữa rừng gươm lửa đạn, mà cái “dũng của người phương Nam” để chiến đấu với chính mình.

Lại nữa, để hành động thẳng ngay mà vẫn còn tính, tình người, thì lại phải có thêm lòng Nhân. Với lòng nhân, người ta dễ cảm thông nỗi khổ của người khác và tôn kính sự sống nói chung, như Trần Trọng Kim nhận xét:

– “Nhân là đầu các điều thiện, chủ bồi dưỡng sự sinh của trời đất” (4).

Vì là đầu các điều thiện, Nhân thành đỉnh cao của cả tòa nhà đạo đức, mà ở đấy mọi đức tỏa sáng Nhân và dung hợp với nhan đề làm nên một nhân cách hoàn mỹ, một con người hoàn bị:

– “Quân tử thể Nhân, tức dĩ trưởng nhân” (5).

Trong lúc chưa đạt tới đỉnh cao ấy, thì các đức cương nhu đối nghịch phải sánh đôi để mài giũa và bổ túc cho nhau, nhờ đó tránh thái quá hay bất cập. Vâng, trực quá sẽ tàn nhẫn, khoan dung và từ bi quá sẽ nhu nhược và khuyến khích sự ác.

 

Từ đức hạnh bên trong đến thuần phong bên ngoài

Đức hạnh là của tâm hồn, nên có vẻ như gói gọn bên trong mỗi cá nhân. Bởi lẽ các gốc của một việc làm tốt không phải là những cử chỉ nhìn thấy bên ngoài, cho bằng tâm tình cùng với động cơ và ý hướng vốn ẩn khuất sâu trong nội tâm chúng ta. Quả thật đức tính không do sự lặp lại của những vận động cơ bắp, mà của những tâm tình và ý muốn, mà những vận động kia chỉ là biểu hiện bên ngoài thôi. Vâng, nếu chỉ có bên ngoài, thì về lâu về dài, cử chỉ (đóng kịch) kia chỉ ngày càng làm thui chột tình cảm đi. Trái lại, tình cảm thương người nếu lặp đi lặp lại sẽ ngày càng vững, càng sâu thêm mãi mãi, khiến cho từ đây, chỉ cần thấy một trẻ em khóc, một con chó rên la, là anh sẽ nhói đau ngay trong lòng, để rồi chính cảm xúc này sẽ đẩy đưa tay chân và miệng lưỡi của anh.

Tuy đức hạnh là của tâm hồn đấy, nhưng hễ lòng đầy sẽ ngứa ngáy tay chân, khiến cho một đạo đức chân chính luôn được biểu hiện trong lời nói, việc làm và đời sống. Do đó mà nó thành lây lan, và khi có nhiều người tốt, nhiều hành động tốt diễn ra như vậy, thì tất cả sẽ tạo nên một bầu khí, một môi trường, cùng với cách làm, cách nghĩ tưởng và đánh giá chung của một xã hội. Và đây là thuần phong, mỹ tục. Để rồi sinh ra giữa một môi trường như thế và được giáo hóa theo cung cách sống ấy, đứa trẻ sẽ tốt lên. Vâng, một phong hóa tốt và một giáo dục tốt luôn là cần thiết để tạo nên những xã hội tốt và những nhân cách hoàn mỹ.

Các xã hội xưa, như xã hội Kitô giáo phương Tây trước thế kỷ XIX và xã hội Nho giáo phương Đông trước thế kỷ XX, đều có một phong hóa khá cao nó rèn đúc nên những mẫu người tuyệt vời trong suốt nhiều thế kỷ. Có điều, một phong hóa không thể không có những khuôn, những luật lệ cùng với dư luận chúng gò ép con người, mà khi gò ép quá nhiều và quá mạnh, thì tự do mất đi sẽ khiến khó sống đạo đức sâu bởi khó sống tự mình. Bầu khí sẽ trở nên khó thở khi con người hiểu biết nhiều hơn, khiến cách mạng bùng nổ thành dây chuyền, mà người ta muốn phá đổ hết những gì là truyền thống cùng với những ràng buộc. Trong cuộc lật đổ lan rộng ấy, chẳng những cái xấu mất đi, mà những cái tốt cũng tan theo luôn, trong đó có truyền thống đạo đức.

Ngày nay, vì xã hội sa đọa quá rồi, nhiều người bên phương Đông muốn trở về với Nho giáo. Có điều nên nhớ, không thể trở về với truyền thống mà không biến đổi nó để nó phù hợp hơn với cuộc sống của chúng ta hôm nay. Vâng, phải chắt lấy và giữ lại cái gì là tinh tuý hay tinh thần, như Nhân Trí Dũng, như Thành và Trung Dung, cùng với Hiếu, Nghĩa, Tiết. Còn Tam cương, Ngũ thường, thì phải sàng lọc kỹ thôi, không thể giữ đủ hết.

Cuộc chiến vì phong hóa không phải là một với cuộc chiến vì sự thiện, bởi lẽ sự thiện thuộc tinh thần, còn phong hóa chỉ là biểu hiện bên ngoài, dù môi trường phong hóa rất cần cho giáo dục và sự phát triển của đạo đức. Có điều con người không thể sống và phát triển mà tách khỏi xã hội và văn hóa được, dù xã hội với cái vỏ bề ngoài và những khuôn cứng nhắc đôi khi cũng cản lối tinh thần nữa. Cho nên vấn đề là phải chọn giữa những hình thức và khuôn, vừa phải tạo bầu khí thanh thoáng của tự do, vừa phải giới hạn một phần tự do ấy để bảo vệ thuần phong mỹ tục. Trong thời đại của thông tin nghe-nhìn (audio-vision) hôm nay, một đằng phải hạn chế những phim ảnh và âm nhạc khiêu dâm hay kích động bạo lực, đằng kia phải đầu tư người và của cho những tiểu thuyết và phim ảnh đề cao tình đồng loại và quan hệ sư đệ, gia đình. Có điều xưa kia gần như chỉ người dưới mới có bổn phận đối với người trên, chứ ngày nay thì để người dưới dễ tuân phục người trên, chính người trên cũng phải làm gương cho người dưới và tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của giới trẻ chúng là con em, đệ tử của họ.

Đạo đức và nhân phẩm

Con người sinh ra đã đáng tôn quý rồi. Sự đáng tôn quý hay nhân phẩm ấy được Khổng giáo gọi là Lương quí và Thiên tước, tức cái Quí và Tước tự nhiên Trời ban (Mạnh tử 6A, 16-17). Tại sao sinh ra đã đáng tôn đáng quý như thế, thì theo Mạnh tử giải thích, con người luôn chứa sẵn trong mình những đức như nhân và nghĩa.

Thật ra, không phải đứa bé hay người nguyên thuỷ đã sẵn có những đức ấy, mà bằng chứng là đứa bé sinh ra rất ích kỷ (6), còn người nguyên thuỷ thì suốt một thời gian dài sống không khác cầm thú bao nhiêu. Vâng, cũng như qua kinh nghiệm và giáo dục, người ta tạo dần khoa học và văn hóa, thì đứa bé cũng cần được dạy dỗ và người nguyên thuỷ phải mò mẫm nhiều thế hệ mới biết đạo làm người.

Có điều, sở dĩ chỉ con người mới có tri thức lý tính, là vì khi sinh ra nó đã sẵn lý trí rồi. thì cũng thế, sở dĩ chỉ con người mới khám phá ra đạo làm người, vì sinh ra nó đã mang sẵn một hướng thiện nó đi kèm nhạy cảm thiện ác, để rồi nhờ lý trí và bằng kinh nghiệm, nó khám phá dần cái gì là thiện, là ác. Việc khám phá ấy vừa là của những thánh hiền sống nhiều với nội tâm và tiến xa trên đạo làm người, vừa là của chung một xã hội tốt đã thành môi trường sống và sự nâng đỡ cho bao thế hệ thánh hiền như thế.

Một khi đã cố gắng rất nhiều để thành nhân, thành thánh, thì không những người ta chỉ đáng tôn quí bằng cái nền tảng lương quí và thiên tước tự nhiên kia, mà còn bằngphẩm hạnh đạt được của một con người đã bao năm trung thành với tiếng gọi làm người của mình. Bằng như ngược lại, thì “cái tốt mà hư đi thì càng tệ thêm” (corruptio optimi, pessima), khiến cho sinh ra, thì lương quí như nhau đấy, nhưng càng sống, người ta càng xa biệt nhau về nhân phẩm:

– “Cố phân đồng loại giả, cử lương tri dã” (Mạnh tử 6A,7)

– “Tính tương cận…, tập tương viễn” (Luận ngữ, 17.2)

Thật ra, thì sự lương quí hay đáng tôn quí tự nhiên không phải do nhân nghĩa tiềm tàng cho bằng do một cái gì cơ bản hơn, và đây là bản vị, mà ngày nay triết học quen gọi là cái vị-thân (le pour-soi). Vâng, cỏ có mặt là vì con bò, con trâu; trong khi bò và trâu hiện hữu là vì chủng loại chúng và vì con người, chứ con người thì sống vì chính mình, nên không thể bị hy sinh cho cái gì khác, thậm chí không thể bị hy sinh dù cho cả một xã hội. Và đây là lý do tại sao nó phải được tôn kính vì chính nó, cũng như tại sao nó phải sống xứng với nhân phẩm của mình, và đấy là Tính, là Đạo, là Nhân nghĩa.

Tác giả: Hoàng Sỹ Quý, SJ.

Chú thích

(1) Đạo Đức kinh, ch.XXIII.

(2) “Thượng đức bất đức” (ch.XXXVIII)

(3) Ch.XXXVIII.

(4) Nho giáo, quyển thượng, Trung tâm Học liệu xuất bản, tr.44

(5) Kinh Dịch: văn ngôn truyện

(6) Về sự ích kỷ của con nít, xin xem St.Augustin, Les confessions, ch.VII-VIII.

 

 

 

Nguồn tin: https://dongten.net/
Tags :