Luật tự nhiên có sự tương quan bất ổn với thuyết tạo dựng và thuyết tiến hóa. Một mặt, thuyết tạo dựng cho rằng Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi sự bao gồm luật vĩnh cửu vốn điều hành vũ trụ và luật tự nhiên mà con người có thể biết được qua lý trí. Nhưng liệu con người có thể biết luật tự nhiên mà không dựa vào niềm tin Thiên Chúa hiện hữu? Mặt khác, thuyết tiến hóa giả định một vũ trụ đang tiếp tục giản nỡ, khởi đầu từ một “vụ nỗ” nguyên thủy vốn tạo ra năng lực theo những quy luật được khám phá bởi khoa học. Như vậy, khi luật tự nhiên giả định sự tồn tại của bản tính tự nhiên của con người có sẳn từ ban đầu thì liệu nó có mâu thuẫn với thuyết tiến hóa không? Trong chương này, chúng ta sẽ tìm hiểu cách luật tự nhiên lý giải thử thách đến từ thuyết tiến hóa và mối tương quan giữa tri thức về luật tự nhiên và sự tồn tại của Thiên Chúa.
NGUYÊN KHỞI VÀ CỨU CÁNH CỦA VŨ TRỤ
Học thuyết về nguồn gốc của vũ trụ được chấp nhận nhiều nhất ngày nay là thuyết “Big Bang”. Khoa học gia Alan Guth dựa trên thuyết cơ lượng tử giải thích rằng trước khi “vụ nỗ” xảy ra thì đã có một khoảng trống hư vô. Một đơn tử được tạo ra trong khoảng khắc vô cùng nhỏ của một giây và bùng nổ lên cở một trái bưởi. Từ điểm này, phần còn lại của vũ trụ là sự giãn nở do năng lực của vụ nỗ. Từ các đơn tử siêu nhỏ, xuất hiện hydrogen (70%) và helium (25%), các ngôi sao và thiên hà, rồi đến thái dương hệ của chúng ta, và tiếp tục mãi cho đến khi con người có mặt. Thuyết tiến hóa giả định một số luật vật lý điều phối sự giản nỡ của vũ trụ.
Hơn nữa, các nhà vũ trụ học liệt kê ít nhất 50 hằng tố cần phải có để vũ trụ tiếp tục tồn tại và sự sống xuất hiện. Các hằng tố này không thể ít hơn hay nhiều hơn vì chúng có liên quan đến năng lực, khối lượng và cấu trúc của vũ trụ, ví dụ như trọng lực, điện từ, lực nguyên tử mạnh và lực nguyên tử yếu. Thiếu vắng một hằng tố, thì vũ trụ sẽ rơi vào hỗn loạn. Vũ trụ tự nó không thể tạo ra một hằng tố nào cả, nhưng sự phát triển và tồn tại của vũ trụ được bảo đảm bởi sự quân bình mà các hằng tố này. Như thế, vũ trụ khởi đầu từ sự hỗn loạn và vô trật tự của vụ nỗ lớn vốn tạo nên những nguyên tử đơn sơ nhất, và trở nên phức tạp và trật tự hơn qua thời gian. Nếu thuyết “Big Bang” là đúng, thì trật tự và sự phức tạp của vũ trụ sẽ tiếp tục gia tăng.
Mặt khác, theo vật lý khí động học (thermo-dynamics) thì một hệ thống riêng biệt không bao giờ tự nó gia tăng về trật tự hay mức độ phức tạp để rồi biến đổi nó lên mức độ tổ chức cao hơn được. Một hệ thống vật lý độc lập qua thời gian đương nhiên sẽ giảm dần năng lượng, và càng trở nên hỗn loạn và suy sụp (nguyên lý “entropy”). Mỗi giây đồng vũ trụ đang đốt cháy hàng tỷ tấn năng lượng của các vì sao, thì ánh sáng sẽ tắt dần và sự sống sẽ bị biến mất. Như thế, có sự mâu thuẫn giữa thuyết “Big Bang” và quy luật vật lý dựa trên khí động học; một bên giả định sự gia tăng mức độ phức tạp của vũ trụ, một bên mô tả sự hỗn loạn và hủy hoại tiệm tiến của vũ trụ.
Trong lúc đó, thuyết tạo dựng giả định một trạng thái hoàn hảo và bất biến về trật tự của vũ trụ mà Thiên Chúa đã tạo nên. Luật tự nhiên hàm chứa một vũ trụ quan cố định trong đó nguồn gốc và cứu cánh của con người đã được đặt để bởi bàn tay của Thiên Chúa. Vũ trụ quan này nằm giữa vũ trụ quan giãn nở (thuyết “Big Bang”) và vũ trụ quan tự hủy (khí động học). Vấn đề là liệu thuyết tiến hóa dựa trên vũ trụ quan giãn nở có thể vô hiệu hóa khái niệm “bản chất tự nhiên” của con người vốn được đặt để từ nguyên khởi không? Mặt khác, liệu vũ trụ quan tự hủy dựa trên khí động học có thể xóa bỏ cứu cánh mà Thiên Chúa đã đặt để cho con người qua luật tự nhiên không? Hy vọng khái niệm “quan phòng thánh thiêng” (divine providence) sẽ cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn hơn về mối tương quan giữa niềm tin về sự tồn tại của Thiên Chúa và tri thức về luật tự nhiên.
VẤN ĐỀ TIẾN HÓA
Một trong những tiền đề của luật tự nhiên cổ điển là ‘sự hiện diện của bản tính tự nhiên nơi con người được xem là phổ quát và bất biến qua việc áp dụng cho mọi người bất cứ ở đâu và vào thời đại nào’. Gần đây, tiền đề này bị thử thách bởi những khám phá mới trong khoa học nhất là thuyết tiến hóa. Chúng ta cần hỏi: Liệu luật tiến hóa và nghiên cứu khoa học có làm tương đối hóa những khẳng định về bản tính tự nhiên của con người hay không?
Luật tự nhiên giả định sự tồn tại của “bản tính tự nhiên” của con người. Tuy nhiên nếu thuyết tiến hóa là đúng, thì có thể “loài người” chỉ là một thứ “loài vật” cao cấp, tuy thông minh và sáng tạo hơn nhưng chẳng có gì khác biệt với loài vật về “bản chất”. Nhưng có sự khác biệt giữa khái niệm “luật tự nhiên” (natural law) dùng trong đạo đức học và “luật của thiên nhiên” (the law of nature) dùng trong khoa vật lý. Một bên là những quy định được dùng để đánh giá về các hành vi nhân linh, còn bên kia là những cách đo lường và tiên đoán về những sự kiện đã xảy ra trong thế giới (bao gồm cả các xu hướng tâm lý). Để quyết định ‘thuyết tiến hóa là đúng hay sai’ thì đòi hỏi phải có sự hiểu biết chính xác về phạm vi và giới hạn của nó. Ở đây, chúng ta chỉ đưa ra một vài quan sát về khía cạnh triết học, khi dùng thuyết tiến hóa để loại bỏ luật tự nhiên.
Trước tiên, thuyết tiến hóa của Darwin dựa trên hai nguyên tắc căn bản: (1) Đột biến ngẫu nhiên (random variations) phát sinh các loài sinh vật mới do các yếu tố ngẫu nhiên (ánh sáng mặt trời, tác động giữa các hóa chất, vv.) chứ không có một “Trí khôn” đã phác họa sẵn định hướng tiến hóa cho mọi sinh vật; (2) Chọn lựa tự nhiên (natural selection) là khả năng thích ứng với bối cảnh để duy trì sự sống, vượt qua thử thách nguy hiểm trong môi trường, và sinh sản hay duy trì nòi giống của mỗi loài. Cả hai hiện tượng “đột biến ngẫu nhiên” và “chọn lựa tự nhiên” xảy ra trong một tiến trình “mù” và không theo một phác đồ nào có sẵn.
Micheal J. Behe[1] thử thách khẳng định tối yếu của thuyết tiến hóa vốn cho rằng không có một bàn tay nào dẫn dắt tiến trình liên kết các yếu tố và phần tử với nhau để đạt đến mục tiêu của các cơ chế hóa sinh. Behe dùng ví dụ một cái bẫy chuột có nhiều bộ phận như: khung, lò xo, búa, then cài, then gạt, dây buộc, cửa sập, v.v., và phải xảy ra đúng lúc nếu muốn bẫy chuột hoạt động được. Cơ thể của một đơn bào, cho dù đơn sơ cách mấy, cũng phải bao gồm một sự đa dạng vô cùng phức tạp hơn nhiều so với cái bẫy chuột. Ở mỗi mức độ, không chỉ các nguyên tử khác nhau cần phải có mặt vào đúng lúc để tạo nên các phân tử mới, mà các phân tử này cũng phải xuất hiện vừa đúng số lượng cần thiết để cho bản chất và cấu trúc của các chất đạm được thành hình. Vô số chuỗi các chất đạm và các chất xúc tác (enzymes) cần phải xảy ra trong một hoàn cảnh chính xác để một cơ chế hóa sinh đơn giản nhất có thể xuất hiện và thực hiện chức năng của nó trong một tổng thể của cá thể. Cho đến nay, chưa ai có thể chứng minh rằng tiến trình thay đổi của các cơ chế hóa sinh có thể tự nó phát sinh mà không cần được trợ giúp bởi bất cứ yếu tố dẫn dắt nào từ bên ngoài.
Qua ví dụ này, Behe đã gây ý thức về giới hạn của tính khoa học đối với thuyết tiến hóa. Một giả thuyết khoa học không chỉ phải chứng minh nó là đúng, nhưng còn phải chứng minh rằng giả định ngược lại là sai. Bằng phương pháp khoa học, thuyết tiến hóa không thể loại trừ khả năng có sự trợ giúp từ bên ngoài, trong tiến trình “đột biến ngẫu nhiên”; do đó, những gì nó phê bình về “luật tự nhiên” cũng không thể có nền tảng vững chắc được. Cho dù chúng ta chấp nhận thuyết tiến hóa thật sự là đúng, thì chúng ta vẫn phải đặt câu hỏi về cách áp dụng học thuyết này vào “luật tự nhiên”. Có sự khác biệt giữa câu hỏi về khía cạnh thể lý của “thực tại tự nhiên” và câu hỏi về khía cạnh luân lý của “nhân tính”. Câu hỏi “Liệu loài người có sở hữu một yếu tính đặc thù hay chỉ khác với loài vật ở các mức độ chức năng?” không chỉ liên hệ đến sinh học mà còn đến cả triết học nữa.
Có sự khác biệt giữa “loài” và “mức độ”. “Loài” đòi hỏi tất cả những phần tử trong nhóm cùng sở hữu yếu tính đặc thù nào đó mà các nhóm khác không có. “Mức độ” có nghĩa là một đặc tính được tìm thấy trong nhóm, nhưng có thể khác nhau về số lượng hay phẩm tính hiện diện theo từng mức độ nhiều hay ít ở nơi các phần tử. Mortier Adler chỉ ra rằng, loài người chia sẻ nhiều chức năng chung với các loài vật, đặc biệt là loài linh trưởng.[2] Thế nhưng, chỉ loài người mới có thể đạt đến mức độ dùng lý tính, vốn được thể hiện qua chức năng ngôn ngữ. Khả năng bẩm sinh về việc học thêm các ngôn ngữ mới có thể đưa đến khả năng dùng ngôn ngữ để diễn đạt vô số các khái niệm trừu tượng mới. Ngôn ngữ không chỉ được dùng để “đặt tên” cho thực tại trong thế giới, mà còn sáng tạo ra những gì chưa có mặt trong thế giới, hay chỉ xuất hiện trong lý trí.
Như thế, khả năng trừu tượng của ngôn ngữ là tính đặc thù của lý tính. Lý tính là khả năng diễn tả ý định của mình sao cho thích ứng với hoàn cảnh bên ngoài, kể cả những trường hợp chủ thể nhận thức được sự sai lầm hay giả dối trong ý định của mình (nói dối, đánh lừa, hay giả bộ). Những đặc điểm này cho thấy ngôn ngữ và lý tính của loài người được cấu thành bởi những phẩm tính rất khác xa các loài khác.
Vì thế, chúng ta cần nghiêm túc nghiên cứu sự xuất hiện của khả năng phán đoán đạo đức trong loài người như một phẩm tính đặc thù. Trong mọi hoạt động chung giữa loài người và loài vật thì khả năng suy tư và chọn lựa các giá trị nào đó đặt con người vào một vị trí ưu việt. Khả năng phán đoán về các hành vi luân lý, ý thức trách nhiệm cho các lỗi lầm, ý định từ bỏ các sai lầm cũ, khả năng hoán cãi, v.v., tất cả đều thuộc về phạm vi phán đoán đạo đức. Cho dù có tự do hay bị ép buộc (tù tội, phương pháp trị liệu) thì chủ thể vẫn còn sự chọn lựa về cách mình phản ứng dựa trên sự cân nhắc của mình. Loài vật không có khả năng phán đoán dựa trên các giá trị luân lý, do đó ta không thể ca tụng hay trách chúng. Con chó “trung thành” là vì nó được cưng chiều, chứ không phải là một phán đoán luân lý. Ngược lại, người trưởng thành phải chịu trách nhiệm cho hành vi đạo đức của mình.
Như vậy, thuyết tiến hóa không thể vô hiệu hóa đạo đức học luật tự nhiên. Luật tự nhiên dựa trên cơ sở tồn tại của bản tính đặc thù của con người. Luật tự nhiên bảo đảm cho sự tồn tại của một số nguyên tắc và giá trị đạo đức căn bản, hầu giúp cho sự phát triển tự nhiên của con người. Không có mối tương quan tiên quyết nào giữa cơ cấu sinh học và khả năng phán đoán đạo đức. Người khỏe mạnh hay đau yếu, có học thức nhiều hay ít, đều có thể phán đoán về tính luân lý hay phi luân lý của một hành vi nhân linh. Đạo đức học tự nhiên cho chúng ta một hình mẫu con người nên phán đoán như thế nào để mục tiêu và bản tính tự nhiên của mình được thỏa mãn và hoàn thành.
VẤN ĐỀ THIÊN CHÚA
Truyền thống tôn giáo cũng dùng luật tự nhiên để thiết lập các quy tắc luân lý và củng cố nền tảng tự nhiên giữa niềm tin tôn giáo và thực hành xã hội. Những bàn thảo về luật tự nhiên thường gắn liền với sự tồn tại của Thượng Đế. Quả thực là như vậy, bởi lẽ cuộc sống đạo đức là chuỗi những ngày tháng nỗ lực theo đuổi sự thiện hảo giữa dòng đời đầy truân chuyên và thử thách, vốn hứa hẹn sẽ đưa đến một sự đền bù ở đời sau cho những hy sinh ở đời này. Tuy nhiên có nhiều vấn đề về mối tương quan giữa Thiên Chúa và luật tự nhiên. Liệu rằng sự ràng buộc của luật tự nhiên có lệ thuộc vào Thiên Chúa? Nếu một người không tin vào Thiên Chúa, thì họ có thể biết về tính khách quan của luân lý không? Việc nghiên cứu luật tự nhiên có làm gia tăng tri thức về Thiên Chúa hay không?
Truyền thống Kinh Viện cho rằng, nếu muốn thủ đắc nền tảng lý thuyết của luật tự nhiên thì chúng ta nên chấp nhận sự tồn tại của Thiên Chúa như là một Tác giả công bằng và yêu thương. Thánh Tôma định nghĩa luật tự nhiên như là phương cách mà những loài thụ tạo có lý trí tham dự vào luật vĩnh cửu của Thiên Chúa. Vì thánh Tôma nhận thấy sự thiếu sót trong khái niệm Thượng Đế xa cách và vô cảm của Aristotle, nên ngài đã tận dụng nền tảng luật Thiên Chúa để biện hộ cho khái niệm công lý tự nhiên của mình.
Trường phái Khắc Kỷ cũng chấp nhận thẩm quyền của thần minh, nhưng nhãn quan phiếm thần vật chất của họ lại loại bỏ tính siêu việt của Thượng Đế và giải thích cơ cấu của vũ trụ qua sự đồng hóa với lý tính thần linh. Các triết gia Maxít như Ernst Block nhận thấy không có vấn đề gì trong việc chối bỏ sự tồn tại của Thiên Chúa như một công cụ kẻ mạnh dùng để thống trị kẻ yếu, mà vẫn có thể dùng luật tự nhiên để biện hộ cho một hệ thống luân lý tốt nhất có thể bảo vệ phẩm giá của con người. Ngay cả khi chấp nhận nền tảng của các mệnh lệnh luân lý xuất phát từ niềm tin vào Thượng Đế, thì vẫn còn rất nhiều học giả hoài nghi về khả năng hiểu biết trọn vẹn của con người về luật tự nhiên. Một lối suy tư thông dụng là xem luật lệ Thiên Chúa như là một sự ràng buộc và nguồn của tri thức luân lý.
Sự khác biệt giữa cách con người biết về nền tảng của luật tự nhiên có thể soi sáng vấn đề trên đây. Hai quan điểm thái cực của Khắc Kỷ và Mácxít đều hàm chứa những mâu thuẫn nội tại. Thuyết Khắc Kỷ không thể giải thích được tự do của con người, chứ chưa nói đến trách nhiệm luân lý phải hành động theo cách đặc thù nào đó thay vì chỉ theo sở thích riêng. Quan điểm vô thần của phái Mácxít về luật tự nhiên không giải thích được vấn đề làm sao luật tự nhiên trở thành “luật” nếu không có Đấng ban luật. Cả hai quan điểm Khắc Kỷ và Mácxít cho rằng tự do và tự chủ của con người không cần phải có nguyên nhân là sai, vì tự do không phải là không có nguyên nhân, nhưng là nguyên nhân tự thân, tự phát từ chủ thể. Tự do sẽ phải thuộc về khả năng cá nhân chọn lựa hành động hay chọn không hành động gì cả. Tự do không chỉ là sự tránh né nhưng cũng là sự theo đuổi một lý tưởng nào đó.
Mặc dù có những điều kiện khách quan gây cản trở hay hỗ trợ sự phát triển của cá nhân, nhưng chủ thể vẫn có khả năng phân biệt được đâu là trung thực hay thiếu trung thực trong cách dùng sự tự do của mình. Do đó, không có sự mâu thuẫn nội tại mà phải loại trừ Đấng Siêu Việt – Đấng đã tạo nên thế giới với các quy luật luân lý và sự tự do cùng một lúc, để các loài thụ tạo tự quyết định về việc coi trọng hay xem nhẹ các mối nguy hiểm hay trở ngại của cá nhân mình. Thật vậy, yếu tố “mạo hiểm” là phần thiết yếu để hiểu biết và phán đoán về sự tự do của mỗi người.
Truyền thống luật tự nhiên xem sự ràng buộc luân lý của luật tự nhiên thì thuộc về cứu cánh vốn được phác họa cho sự tồn tại của con người do Tác giả của mọi sự thiện hảo trong vũ trụ. Điều này ám chỉ rằng, nguồn gốc tối hậu của tính luân lý thuộc về Đấng phác họa nên bản tính tự nhiên của con người. Thế nhưng, khẳng định về sự ràng buộc luân lý xuất phát từ Thiên Chúa thì khác với việc phải dùng “Thiên Chúa” như là nền tảng cho sự ràng buộc luân lý của chúng ta. Ai cũng biết rằng, không được lấy mạng người vô tội, hay phải có trách nhiệm chăm sóc con cái lúc còn thơ ấu mà không cần phải viện dẫn đến sự tồn tại của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta không thể tìm kiếm nền tảng tối hậu cho luật tự nhiên mà không có một khái niệm gì về tác giả của mọi cứu cánh tự nhiên mà con người tìm kiếm. Nói chung, vì con người không thể tránh được những xung lực muốn hoàn thành cứu cánh nội tại của mình, con người sẽ dùng mọi cách để biện hộ cho mối tương quan giữa luật tự nhiên và sự tồn tại của Thiên Chúa.
Đức Hồng y John Henry Newman dùng nền tảng luân lý của luật tự nhiên như là chứng cớ về sự tồn tại của Thiên Chúa. Ngài chỉ ra ý thức về trách nhiệm luân lý đòi hỏi phải có Trí Khôn vĩnh cửu của Thiên Chúa, vốn là Đấng đặt ra luật tự nhiên. Trong tác phẩm A Grammar of Assent (1947) ngài giải thích nếu đúng là chúng ta cảm thấy có trách nhiệm, nhục nhã, lo sợ khi vi phạm tiếng nói của lương tâm, thì điều này cho thấy chỉ có một Đấng mà chúng ta phải trả lời, cảm thấy không xứng đáng và lo sợ trước sự chất vấn của Đấng ấy. [3]
Kant khẳng định sự vô tri của con người về thực tại siêu hình bên ngoài giới hạn thời gian và không gian, nhưng trong cách chúng ta theo đuổi sự thiện hảo với những đòi hỏi của luân lý của nó, thì chúng ta đã giả định sự tồn tại của Thượng Đế. Mặt khác, Sartre cho rằng nếu muốn được tự do thì con người không nên giả định gì cả bởi vì sự tồn tại của Thượng đế sẽ giới hạn tính tự chủ bằng những ràng buộc tha hóa từ bên ngoài chủ thể. Cũng có nhiều học giả cho rằng sự tồn tại của Thiên Chúa thì không liên quan gì đến khả năng con người nắm bắt sự ràng buộc phổ quát của luật tự nhiên. Các chế độ quân chủ chuyên chế xem nền tảng quyền lực của vua chúa là đến từ nguồn lực thần linh. Ngược lại, cũng có những chế độ xem quy luật nhà nước chỉ dựa trên trách nhiệm luân lý xã hội và tính hợp lý của việc bảo vệ quyền lợi con người. Luật dân sự cũng cần tôn trọng thần luật nhưng không cần phải viện vào đó để tạo ra luật pháp. Đời sống luân lý không cần phải dùng đến hình phạt hay trừng trị nhưng chỉ dựa trên phán đoán hợp lý về sự thiện hảo mà mọi người đang tìm kiếm.
Cuối cùng, luật tự nhiên còn cho chúng ta một nhãn quan thần lý học thực tế về sự khoan dung hay chịu đựng sự dữ như là cơ hội để con người tìm cách sống thiện hảo hơn. Sự dữ và sự thiện là những gì xảy ra trong cuộc sống tự nhiên. Thánh Augustinô dùng hình ảnh “cỏ lùng gieo giữa lúa” để cho thấy lòng nhân hậu của Thiên Chúa đã cho mưa tuôn đổ xuống trên cả hai, để con người có cơ hội nhận ra tiềm năng tội lỗi và thời gian hoán cãi. Tương tự như con người vốn cần cơ hội và thời gian để hoàn thành tiềm năng tự nhiên của mình, thì xã hội cũng cần nhiều sự khác biệt để đạt đến cùng đích thiện hảo. Nếu chúng ta loại trừ đi tất cả mọi người xấu xa trong xã hội thì sẽ có nguy cơ tạo nên một chế độ thần quyền không tưởng. Theo thần lý học của Irené, con người được tạo nên qua hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng phải trở nên giống như Thiên Chúa. Các trắc trở và truân chuyên trong cuộc sống là những viên đá trên hành trình tiến đến sự trưởng thành luân lý của con người.
SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA
Giờ đây, chúng ta hãy nhìn hai vấn đề thuyết tiến hóa và sự tồn tại của Thiên Chúa qua viễn ảnh quan phòng của Thiên Chúa. Trong Prima Secundae (Câu hỏi 94) của sách Tổng Lược Thần Học, Thánh Tôma có mô tả cách nhìn về luật tự nhiên. Thứ nhất là nhìn qua nhãn quan những gì Thiên Chúa như là Đấng tạo thành mọi sự, thì luật tự nhiên chỉ là một khía cạnh của sự quan phòng của Thiên Chúa. Điểm thứ nhì là khi nhìn qua nhãn quan con người như là thụ tạo đón nhận luật tự nhiên, thì luật tự nhiên cấu thành nền tảng cho lý tính thực hành, tức là những nguyên tắc luân lý mà trên đó con người có thể suy ra thêm những quy chế phán đoán về hành vi và ý định của mình. Nói cách khác, tri thức con người về nguồn gốc và cứu cánh của luật tự nhiên thì nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa, vì chính Người là Tác Giả, Đấng quan phòng của mọi sự trong thụ tạo.
Lý thuyết nền tảng của Tôma là luật tự nhiên là sự tham dự vào luật vĩnh cửu, vốn là chương trình tạo dựng hữu lý của Thiên Chúa mà qua đó mọi thụ tạo được sắp xếp. Các loài vô tri tham dự vào luật vĩnh cửu chỉ do sự đặt để tất định của chúng, hành vi của chúng đến từ bản tính đặc định của chúng mà Thiên Chúa đã thiết lập từ muôn đời. Còn các hữu thể có lý trí thì qua luật tự nhiên, chúng ta tham dự vào luật vĩnh cửu và ý thức sự tự do của mình đối với các luật ấy. Trong sự chăm sóc và quan phòng cho toàn thể vũ trụ, Thiên Chúa đã chọn mang vào tồn tại những hữu thể có sự tự do chọn lựa và dựa theo lý trí của mình đủ để nhận diện những quy chế luân lý như là luật tự nhiên. Người đã ban cho con người bản năng tìm về sự thiện tự nhiên cho con người.
Theo Tôma luật tự nhiên là nguyên tắc căn bản của lý tính thực hành phù hợp với bản tính tự nhiên của con người. Cũng từ đó, lý tính thực hành nhận ra những mệnh lệnh luân lý phổ quát vốn được thông tri bởi bản tính tự nhiên của con người. Điều này có nghĩa là không hữu thể nào chia sẽ cùng bản tính con người mà lại không bị ràng buộc bởi các quy chế của luật tự nhiên. Vì lẽ, các quy chế này hướng chúng ta về sự thiện và cho chúng ta lý do để theo đuổi và chọn lựa những gì là tốt cụ thể cho con người. Bản chất thiện hảo của các quy chế này là tự nhiên vì chúng giúp con người hoàn thành tiến trình trở nên hoàn hảo của mình. Chúng được tỏ lộ trong các khuynh hướng tìm kiếm sự thiện nội tại trong cách suy tư của con người, và chúng ta có thể mang nó lên mức độ của ý thức và định đề ngôn ngữ qua thực hành. Thánh Tôma tin rằng có một tri thức thực tế mà mọi người đều sở hữu, cho dù các ứng dụng trong thực tế có thể bị đe dọa bởi cảm xúc hoặc khuynh hướng tội lỗi của con người.
Như thế, trên bình diện siêu hình, thì luật tự nhiên chống lại thuyết vô thần (atheism) vì không thể có sự tồn tại của hữu thể có lý trí được đặt để với khả năng nhận biết khởi nguồn của sự tồn tại của mình mà lại không có Đấng Quan Phòng. Cũng vậy, khi khẳng định luật tự nhiên được khắc ghi vào tâm khảm con người bởi Đấng Quan Phòng thì luật tự nhiên cũng loại trừ chủ nghĩa bất khả tri (agnosticism). Cuối cùng, qua cách khẳng định lý trí con người có thể nắm bắt cứu cánh tối hậu vốn đem lại hạnh phúc vĩnh cửu cho mình thì luật tự nhiên cũng chống lại các chủ nghĩa tương đối (relativism) và hoài nghi (skepticism). Qua lăng kính của “quan phòng”, các khái niệm tạo dựng và tiến hóa không còn là những vấn nạn riêng biệt, mà nằm trong cứu cánh mà Thiên Chúa đã đặt để cho vũ trụ. Hay nói cách khác, không thể có một luật tự nhiên trong con người mà Đấng thánh thiêng không hề quan tâm đến những gì là tốt cho con người.
Fr. Joseph Tân Nguyễn, ofm
Tài liệu tham khảo:
Luật Tự Nhiên và Phẩm Gía Con Người. Joseph Tân Nguyễn, ofm. NXB Đồng Nai, 2023
[1] Micheal J. Behe. Darwin’s Black Box: The Biochemical Challenge to Evolution. Free Press, 2006.
[2] Mortier Adler. https://www.britannica.com/biography/Mortimer-J-Adler
[3] John Henry Newman. A Grammar of Assent. Longmans, Green & Company, 1947.