Cái Chết, Đức Tin Và Chủ Nghĩa Hiện Sinh

Fri,29/12/2023
Lượt xem: 346

CÁI CHẾT, ĐỨC TIN VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN SINH

Filiz Peach giải thích tư tưởng của Martin Heidegger và Karl Jaspers về cái chết: đây là hai tác giả trong số những triết gia hiện sinh vĩ đạt nhất[1].

Rất ít triết gia bàn luận toàn diện về cái chết. Với những người từng đề cập thì họ chủ yếu trình bày nhận thức về sự chết. Thật vậy, tri thức duy nhất chúng ta có về sự chết là: đây là một sự kiện phổ quát mà mọi người không thể tránh. Chúng ta đều biết mình sẽ chết, và sớm hay muộn hầu hết chúng ta sẽ đối diện thực tại cái chết của bản thân. Chúng ta hãy cùng xem xét sự thay đổi thái độ về sự chết qua thời gian, sau đó hướng tới ý nghĩa của sự chết từ hai quan điểm hiện sinh của Martin Heidegger và Karl Jaspers.

Tuy nhiên, tôi muốn nói vài lời ngắn gọn và đơn giản về quan điểm tôn giáo phổ biến đối với ý nghĩa sự chết. Điều này sẽ đem đến một sự tương phản hiệu quả so với quan điểm của Heidegger và Jaspers. Theo quan điểm tôn giáo, cái chết của một người không được xem là chấm hết bởi vì linh hồn được coi là bất tử. Ví dụ, vào thời trung cổ, linh hồn được xem là “mô thức” của thân xác và cả hai được nhìn trong tính thống nhất tự nhiên. Sự thống nhất này bị phá vỡ vào lúc chết khi thân xác phân rã, trong khi linh hồn tiếp tục tồn tại dưới hình thức này hay hình thức khác. Dù không phổ quát, một số giáo lý quan trọng nhất về quan điểm tôn giáo phổ biến này là:

+ Hiện hữu của con người là vô hạn ở chỗ họ tiếp tục cuộc hiện sinh bên kia cái chết cả về thể xác lẫn tinh thần, tuy nhiên không phải như một linh hồn đã lìa khỏi xác.

+ Điều xảy ra sau cái chết được đánh giá cao hơn “hiện hữu tại thế” ở đây và bây giờ.

+ Niềm tin vào sự phục sinh và việc Thiên Chúa phán xét gắn liền với tầm quan trọng của những hành động cá nhân trong suốt cuộc đời. Sau cái chết, cuộc sống của cá nhân bị phán xét, người lành được ân thưởng và kẻ dữ bị trừng phạt.

+ Cuộc hiện sinh mang hai hình thức cụ thể sau cái chết, an bình trên thiên đàng hay đau khổ trong hỏa ngục.

Ở Tây phương, với sự phát triển của tri thức khoa học, đặc biệt từ thế kỷ XVII trở đi, mối quan tâm tri thức của con người đã chuyển hướng sang khoa học và công nghệ. Đấng sáng tạo, việc tạo dựng vũ trụ và vị trí trung tâm của con người mà thần học khẳng định đã bị chất vấn, và đức tin tôn giáo bắt đầu suy giảm. Sự suy yếu của niềm tin tôn giáo đã thay đổi quan điểm của con người về sự chết và ý nghĩa của nó. Càng ngày trọng tâm càng chuyển hướng sang cuộc sống “ở đây và bây giờ” khi con người trở nên bận tâm hơn với khía cạnh vật chất của thế giới dù phải trả giá về mặt tinh thần.

Với cách tiếp cận cái chết mang tính hiện sinh-hiện tượng luận, hiện-hữu-tại-thế của con người, sự vong thân và việc chấp nhận tính hữu hạn khi đối diện với cái chết trở thành những quan tâm hàng đầu của triết học.

Heidegger phân tích cái chết

Bây giờ, chúng ta hãy xem xét quan điểm của Heidegger về cái chết[2]. Thật thú vị khi biết rằng Martin Heidegger (1889–1976) được nuôi dưỡng và giáo dục trong khuôn khổ tôn giáo truyền thống, tuy nhiên khuôn khổ này dường như bị loại ra trong tác phẩm Hữu thể và Thời gian [Being and Time]. Trên thực tế, tác phẩm này không đề cập rõ ràng đến Thiên Chúa. Mặc dù phân tích của Heidegger cho thấy một sự đoạn tuyệt triệt để với quan điểm truyền thống, nhưng một số khái niệm của ông chỉ đến một số ý tưởng tôn giáo, chẳng hạn như “sự sa ngã”, “sự ném ra khỏi/sự ném vào[3]”, “tội lỗi”, v.v. Heidegger đã cho ý nghĩa về cái chết một tầm quan trọng mới trong tác phẩm truy vấn hữu thể học Hữu thể và thời gian. Ông chất vấn ý nghĩa của một thực thể hiện hữu, và đưa ra một phân tích hiện sinh về Dasein (thuật ngữ ông dùng cho sự hiện hữu con người). Theo Heidegger, Hữu thể con người có thể được thiết lập trên cơ sở thuần túy hiện tượng mà không cần liên hệ đến một vị thần hay khái niệm bất tử[4].

Phân tích của Heidegger về cái chết không quan tâm đến việc con người cảm thấy thế nào khi họ sắp chết cũng như không quan tâm đến cái chết xét như một sự kiện sinh học. Trọng tâm của phân tích này là ý nghĩa hiện sinh mà cái chết “chưa đến” này có đối với cuộc sống con người, tức là hiện hữu tại thế của Dasein. Đối với Heidegger, việc hiểu hiện tượng chết đòi phải nắm bắt Hữu thể Dasein như một toàn thể. Nếu hiểu Dasein một cách hiện sinh như một tình trạng có thể [possibility], thì rõ ràng rằng Hữu thể đích thực của Dasein trong toàn thể tính của nó là “Hữu thể hướng về cái chết” [Being-towards-death/Sein-zum-Tode]. Qua việc đối mặt với cái chết, Dasein hiểu ý nghĩa của việc hiện hữu. Tiến trình phản tỉnh này là mấu chốt trong phân tích của Heidegger về cái chết. Để làm rõ quan điểm của mình về khái niệm hiện sinh về cái chết, Heidegger phân biệt hai hình thức cơ bản của Hữu thể: Hữu thể đích thực [authentic] và không đích thực [inauthentic][5].

Trong phương thức hiện hữu hàng ngày, Dasein giải thích hiện tượng chết như một sự kiện liên tục xảy ra trong thế giới. Cái chết là một “trường hợp” xảy ra cho người khác. Câu nhận xét chung là: “Cuối cùng, một trong những ngày này người ta cũng sẽ chết; nhưng hiện tại chuyện đó không liên quan gì đến chúng tôi”. Cái chết vẫn ẩn danh và nó không có mối liên hệ nào với “tôi”.

Đối diện với cái chết của chính mình hoàn toàn khác việc quan tâm đến cái chết của người khác. Cái chết của tôi nghĩa là sự chấm hết những khả thể của tôi, một sự tan rã hoàn toàn và là sự kết thúc thế giới của tôi. Nỗi sợ về cái chết của tôi đến từ nỗi sợ không còn hiện hữu như một con người. Điều này khiến tôi rất lo lắng. Tôi có thể đối mặt với cái chết của người khác nhưng có thể thấy hầu như không thể chấp nhận được cái chết của chính mình. Heidegger nói rằng Dasein không thể kinh nghiệm về cái chết của chính nó. Chừng nào Dasein còn tồn tại, nó chưa hoàn tất, nghĩa là vẫn còn một số khả thể nổi lên. Tuy nhiên, nếu Dasein chết, thì nó “không còn ở đó nữa”[6]

Vậy làm thế nào Dasein vượt qua phương thức của sự sa ngã và nâng mình lên đến tính đích thực [authenticity]? Heidegger trả lời: thông qua “Hữu thể hướng về cái chết”. Heidegger nói, có thể đạt tới tính đích thực thông qua một trạng thái tâm lý cụ thể: sự lo âu (Angst). Sự lo âu là tâm trạng khiến Dasein trước hết quay lưng lại với chính mình và sau đó bị ném trở lại để đối diện với chính mình. Để đạt được điều này, người ta phải vượt qua phương thức không đích thực hàng ngày của Hữu thể. Heidegger nói rằng sự lo âu cần thiết để Dasein hiểu sự tự do hiện sinh và những khả thể của nó. Cái chết mang một ý nghĩa hiện sinh khi người ta nhận thức cuộc hiện sinh của mình dưới ánh sáng của Hữu thể, nếu không thì cái chết chỉ hoàn toàn được xem như một sự kiện thường nghiệm sẽ xảy ra một ngày nào đó. Theo Heidegger, phân tích này cho phép chúng ta hiểu được sự hữu hạn của mình, và nhận thức này làm cho sự hiện hữu đích thực trở nên khả thi. Heidegger không đưa ra lời giải thích về chính cái chết nhưng cung cấp một [phân tích] hiện tượng luận về mối liên hệ của ta với cái chết. Triết học của ông sâu sắc nhưng u ám. Cách ông mô tả cái chết cho thấy một phương thức không-hy-vọng của Hữu thể và ông thường bị phê bình về điều này.

Ý niệm sự chết của Jaspers

Chuyển sang cách Jaspers tiếp cận sự chết, chúng ta sẽ thấy nó hoàn toàn khác với quan điểm của Heidegger. Trước hết, không giống như Heidegger, Karl Jaspers (1883–1969) không áp đặt một cấu trúc hữu thể học lên con người. Thứ đến, ông cũng không quá triệt để từ bỏ quan điểm truyền thống về sự chết. Jaspers đưa ra một khả thể cho Existenz (cuộc hiện sinh/hiện hữu) để hợp nhất vào Transcendence (Siêu việt thể), thực tại sau cùng. Điều này không nhất thiết ám chỉ tính bất tử của cá nhân cũng như không hàm ý một sự hủy diệt hoàn toàn. Mặc dù quan điểm của Jaspers về sự chết không được xem là mang tính tôn giáo, một số khái niệm hiện sinh nhất định như Existenz, Transcendence và Hữu thể làm chúng ta nhớ đến những khái niệm tôn giáo nhưng dưới một hệ thuật ngữ khác.

Ở đây có thể hữu ích để mô tả ngắn về các thuật ngữ triết học chính yếu của Jaspers, cụ thể là Dasein và Existenz. Theo Jaspers, Dasein là một phương thức của Hữu thể biểu lộ mình như một cái tôi thường nghiệm mang chiều kích thời gian. Nó là một phần của thế giới nhưng không thể hiểu nó như một vật thể biệt lập. Tuy nhiên, Existenz là một cái tôi đích thực, không khách quan và tự do, vượt trên thời gian. Vì nó không phải là một thực thể khách quan nên không thể tiếp cận nó bằng truy vấn thường nghiệm. Vì rất khó đạt được sự hiện hữu đích thực, và con người thường rơi trở lại vào sự tồn tại thường nghiệm, nên Existenz hầu như vẫn là một khả thể. Dasein của Jaspers hoàn toàn khác với Dasein của Heidegger ở chỗ Dasein của Heidegger không thể vượt qua tính hữu hạn của nó.

Để hiểu quan điểm của Jaspers về sự chết, trước tiên chúng ta phải nhớ rằng theo Jaspers chúng ta luôn ở trong những tình huống. Đây là điều kiện không thể tránh khỏi của cuộc hiện sinh. Thứ đến, có bốn “tình huống giới hạn” chính [boundary situations[7]] (những tình huống này đe dọa cả cảm giác an toàn và nền tảng cuộc hiện sinh của chúng ta), trong đó quan trọng nhất là sự chết bởi vì nó biểu thị sự kết thúc “hiện hữu tại thế” của con người. Jaspers phân biệt hai ý nghĩa khác nhau của sự chết. Sự chết được nhận thức hoặc là sự chấm dứt cuộc hiện sinh như một sự kiện khách quan hoặc như một tình huống giới hạn cụ thể. Nói một cách đơn giản, thực tế cái chết rất khác với sự chết như một tình huống giới hạn. Đối diện với sự chết của chính mình là một tình huống giới hạn cụ thể và mang tính cá nhân bởi vì Existenz tự thuyết phục rằng Dasein – nền tảng cuộc hiện sinh thường nghiệm của Existenz, tức là hiện hữu qua thân xác – mang tính thời gian, nhất thời và phải kết thúc. Bất chấp sự kết thúc tồn tại thường nghiệm [empirical being] của một người, bản thân Existenz không tùy thuộc vào cái chết. Là Existenz, chúng ta quan tâm đến ý nghĩa của sự chết và cách liên hệ đến nó. Chúng ta biết rằng chúng ta phải đối diện với hư vô vì không có sự quay đầu dành cho Dasein và chúng ta phải chấp nhận điều này.

Là Existenz, người ta nắm bắt được sự hữu hạn của Dasein thông qua sự hiện diện liên tục của sự chết tiềm ẩn và thực tại cụ thể và tính tất yếu của nó. Người ta biết rằng mình phải đối diện sự chết với phẩm giá, chấp thuận và đón nhận nó. Jaspers nói rằng tình huống giới hạn sự chết cho thấy rằng bất cứ điều gì chúng ta làm trong tư cách là Existenz khả hữu [possible Existenz[8]] trong cuộc hiện sinh đều phải “nhìn đến sự chết”. Theo một nghĩa nào đó, cuộc sống trở nên một tiến trình liên tục học cách chết.

Jaspers nói rằng khi cái chết xảy đến với một người ta yêu thương, cuộc sống đối với người ở lại có thể trở nên một cuộc hiện sinh trần thế đầy cô đơn. Nỗi đau buồn mà chúng ta cảm nhận dẫn chúng ta vào tuyệt vọng và có thể đưa chúng ta đến tình huống giới hạn sự chết. Mặc dù cái chết hủy diệt người thân yêu trên phương diện hiện tượng, nhưng sự thông giao hiện sinh vẫn được duy trì, nó là vĩnh cửu.

Jaspers tiếp tục nói rằng con người hiểu được tính tất yếu của sự chết trong tương lai của họ và khái niệm về sự không hiện hữu. Con người nghĩ rằng chừng nào họ còn sống thì không thể kinh nghiệm cái chết của chính mình, và một khi họ không còn sống thì cũng không thể kinh nghiệm cái chết – một lập luận điển hình của phái Khoái lạc [Epicureanism]! Vì vậy, kinh nghiệm cái chết của chính mình dường như là điều không thể. Kết quả là, họ không xem cái chết là lý do đáng quan tâm. Họ lờ đi Existenz (cuộc hiện sinh) khả hữu của mình và bám vào các hoạt động trần thế của bản thân. Thay vào đó, Dasein có thể lờ đi hoàn toàn cuộc hiện sinh hàng ngày và ẩn náu trong lãnh địa hư vô hay huyền bí của nó. Đây sẽ là một cách khác để tránh những tình huống giới hạn. Vì vậy, nếu con người không thể đối diện sự chết một cách hiện sinh, thì họ hoặc là bận tâm đến những thứ trần thế hoặc là trốn thoát vào một lãnh địa huyền bí.

Những vấn đề của tính bất tử

Có một niềm tin được chấp nhận rộng rãi rằng cuộc hiện sinh vẫn tiếp tục dưới một hình thức khác sau khi chết. Niềm tin này nhìn chung gắn liền với niềm tin tôn giáo hay những kinh nghiệm “tâm linh” cá nhân. Một người có thể thoát khỏi nỗi kinh hoàng khi đối diện với sự chết nhờ niềm tin của mình. Jaspers cho rằng tính liên tục về thời gian của Dasein dưới bất kỳ hình thức nào đều là vô lý. Ông nói rằng trong tình huống này [Dasein], “nỗi sợ không hiện hữu” biến mất và “cái chết thực” chấm dứt. Tình huống này tiếp tục lại ngăn con người tìm kiếm cái tôi thật sự của mình. Tôi nghĩ rằng có một số vấn đề cần đề cập ở đây. Đầu tiên, Jaspers cho rằng mọi niềm tin vào tính bất tử của con người đều vô căn cứ và sai lầm. Thực sự không có bằng chứng thuyết phục nào – khoa học hay cách nào khác – chỉ ra rằng có bất cứ loại hiện hữu nào bên kia cái chết. Niềm tin này dựa trên đức tin. Tương tự như vậy, một số ý niệm của Jaspers như Existenz, Siêu việt thể và Hữu thể cũng dựa trên đức tin, đức tin triết học nhưng dù sao cũng là đức tin[9]. Một số khái niệm của Jaspers không thể mô tả, chứng minh được, hay theo một số người, không thể hiểu được. Tuy nhiên, chính Jaspers đã đặt toàn bộ triết học của mình trên những khái niệm này và hết lòng tin tưởng nơi chúng. Về lý thuyết, cơ sở cho niềm tin của ông không khác nhiều so với cơ sở cho niềm tin của những cá nhân tin vào tính bất tử. Sự khác biệt duy nhất, theo lập luận của Jaspers là trường hợp của ông tốt hơn và có hệ thống hơn.

Thứ đến, theo Jaspers, “niềm tin vô căn cứ” của cá nhân vào tính bất tử ngăn cản con người tìm kiếm cái tôi thật sự của mình. Tôi cho rằng con người hiểu được nỗi kinh hoàng của kinh nghiệm về cái chết bất kể niềm tin của họ là gì. Tuy nhiên, dù họ có tin vào tính bất tử đến mức độ nào đi nữa, thì sớm hay muộn khi đối diện với cái chết, họ vẫn có thể cảm thấy tuyệt vọng. Khi đối diện với cái chết, không niềm tin nào có thể đảm bảo cho cá nhân một cảm giác nhẹ nhõm hay “miễn trừ”, có thể nói như vậy.

Hơn nữa, con người không thể tìm kiếm cái tôi đích thực của mình và thực sự vượt qua con người vật lý của mình trong khuôn khổ của hệ thống niềm tin của bản thân, dù đó là thần học hay triết học. Ví dụ, những người Hồi giáo Sufi thần bí [Sufism] không cần đến những tình huống giới hạn để vượt qua con người tại thế và trở nên một với toàn thể, tức là Thiên Chúa. Họ có thể tìm thấy cái tôi đích thực bên trong họ bằng cách đạt được những cấp độ nhận thức cao hơn và hòa tan bản thân vào trong Hữu thể đó. Ý nghĩa sự chết đối với người Sufi là ý thức trở về với tính toàn thể phổ quát và trở nên Một với Thần linh. Thân xác vật lý phân hủy và tan rã khi chết nhưng ý thức cá nhân được hấp thụ vào trong thực tại sau cùng này và trở về với nguồn cội vô hạn và vĩnh cửu. Khái niệm này không khác nhiều với quan niệm của Jaspers, Existenz hòa nhập vào Siêu việt thể, thực tại sau cùng.

Chúng ta đã thấy rằng quan điểm hiện sinh của thế kỷ XX về cái chết khác biệt đáng kể so với truyền thống. Tuy nhiên, trong các phân tích của cả Heidegger và Jaspers đều có gợi ý về những ý niệm tôn giáo. Một số khái niệm hiện sinh nhất định như sự sa ngã, tiếng gọi lương tâm, tội lỗi, Siêu việt thể, Hữu thể và Existenz đều chỉ đến những khái niệm thần học dưới hình thức thế tục. Với quan điểm truyền thống, sự chết biểu thị sự kết thúc hiện hữu của chúng ta, khi đó chúng ta trải qua cuộc phán xét và tùy theo đó mà được đưa tới khả thể về một hình thức hiện hữu cao hơn. Chính quan điểm này đã được cả Heidegger và Jaspers nói đến. Heidegger im lặng trước bất cứ khả năng siêu vượt lên tính hữu hạn của Dasein; con người vốn thuộc về thế giới và cuộc hiện sinh đích thực bên trong thế giới được nhấn mạnh. Tuy nhiên, Jaspers phát triển một khái niệm vượt qua cái chết, không phải với tư cách là một con người hay Dasein nhưng là với tư cách Existenz. Tôi nghĩ điều này tương ứng với quan điểm truyền thống về sự chết, theo nghĩa từ thế giới này sang thế giới khác.

Sau khi xem xét ý nghĩa của sự chết từ những quan điểm khác nhau, thật hợp lý khi cho rằng sự chết sẽ tiếp tục có những hình thức khác nhau tùy theo thế giới quan của con người. Hiện tại, có một sự nghi ngờ chung về khả thể của một sự sống sau khi chết. Những khái niệm truyền thống về Thiên Chúa ân thưởng và trừng phạt dường như không còn phù hợp đối với nhiều người hôm nay. Chúng ta biết rằng tất cả chúng ta đều phải chết nhưng không chắc liệu những nhà khoa học đương thời có đúng khi cho rằng ý thức phải chấm dứt khi cơ thể chết. Chúng ta biết rằng những khái niệm vật lý đã thay đổi. Một mặt, chúng ta có thể bị thuyết phục nhưng không thể chứng minh rằng các nhà khoa học có đủ tri thức về bản chất của sự vật để khẳng định không thể có sự sống sau cái chết dưới một hình thức nào. Mặc khác, chúng ta có thể tin, nhưng một cách tương tự, không thể chứng minh rằng những hiện tượng nhất định cho thấy sự sống sau cái chết là có thể. Niềm tin vào sự sống sau cái chết sau đó mang đến một niềm an ủi và yên tâm cho mọi người nhưng bởi vì tri thức về những điều sau cùng không thể chỉ đạt được bằng lý luận, nên niềm tin đó, như Jaspers là người đầu tiên đồng ý, phải dựa trên hành vi đức tin.

Gioan Quốc Trầm chuyển ngữ từ Philosophy Now, Issue 27

(08/12/2023)

[1] Chủ nghĩa hiện sinh [Existentialism] nhìn chung là thứ triết học nói về cuộc hiện sinh [existence] của con người. Trong tiếng Việt, có hai từ phổ biến được dùng để chuyển dịch từ “existence”: tồn tại và hiện hữu, mang những nét nghĩa khác nhau. Từ “tồn tại” hàm ý một cuộc hiện sinh bi quan, bị động, chỉ phụ thuộc vào những nhu cầu thể lý để sinh tồn. Từ “hiện hữu” hàm ý một cuộc hiện sinh có ý nghĩa, có mục đích, một cuộc sống đích thực. Hai ý niệm khác nhau này được thể hiện trong tư tưởng của hai triết gia đang bàn ở đây: Heidegger và Karl Jaspers. Heidegger với thuật ngữ Dasein và Karl Jaspers với thuật ngữ Existenz. Đây là hai từ tiếng Đức thường dùng trong ngôn ngữ hàng ngày, nhưng được hai triết gia đưa vào những nội hàm mới và làm thành thuật ngữ riêng của mình. Ngôn ngữ tiếng Anh đều có thể chuyển dịch hai khái niệm tiếng Đức này thành “existence”, tuy nhiên đa số dịch giả vẫn giữ từ gốc ban đầu để nói lên đặc trưng của hai triết gia. Ngoài ra, cũng lưu ý những khác biệt trong triết học hữu thể của chủ nghĩa hiện sinh và siêu hình học truyền thống khi bàn đến khái niệm Hữu thể [Be và Being], nên người dịch sẽ thống nhất như sau trong bài này: existence: cuộc hiện sinh/hiện hữu/tồn tại, các từ Dasein và Existenz được giữ nguyên, being: hiện hữu, Being: Hữu thể. Chú thích của người dịch [ND].

[2] Trong triết học, đặc biệt là triết ngôn ngữ, có một phạm trù gọi là “vật hóa” [reification], đó là khi người ta muốn biến những khái niệm trừu tượng thành những thực tại cụ thể. Điều này được thể hiện qua cách gọi ý niệm “sự chết” [quan điểm tôn giáo truyền thống] thành “cái chết” [như một thực thể có thể quan sát theo lối phân tích hiện tượng luận]. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, có lẽ hai từ “sự chết” và “cái chết” đã phản ánh điều mà triết Tây phương gọi là “vật hóa”. [ND].

[3] Trong triết học của Heidegger, “sự ném ra khỏi/sự ném vào” (English: thrownness, German: Geworfenheit) nói đến ý tưởng con người nhận thấy mình bên trong một thế giới mà nó không chọn lựa hay những hoàn cảnh hiện sinh mà nó không thể kiểm soát được như việc sinh ra, được nuôi dưỡng, và những điều kiện ban đầu của cuộc sống. Đây là khía cạnh nền tảng của cuộc hiện sinh, nêu bật sự thật rằng mỗi người “bị ném” vào một thế giới mà họ không kiến tạo nên, một thế giới với lịch sử, văn hóa và những quy tắc xã hội của riêng nó, và con người phải đương đầu với những thách thức và khả thể trong đó. Khái niệm này là trung tâm trong khám phá của Heidegger về bản chất của Hữu thể người [Dasein]. Chú thích của người dịch [ND].

[4] Triết học về “Hữu thể” [Being, viết hoa, như một động từ] của Heidegger cho thấy một sự thoát ly khỏi cách tiếp cận hữu thể học truyền thống vốn xem Hữu thể [Being, viết hoa, như một danh từ; so sánh với Be, một động từ – chỉ đến việc hiện hữu hay có hiện hữu [being, viết thường], hữu thể học truyền thống tập trung xác định yếu tính hay bản tính của các thực thể có hiện hữu] như một phạm trù tĩnh, phổ quát, trừu tượng. Những triết gia như Platon và Aristote thảo luận về bản chất của Hữu thể theo ý nghĩa siêu hình và bao quát này. Ngược lại, Heidegger sử dụng thuật ngữ “Hữu thể” [Being] với ý nghĩa năng động, một tiến trình mà các Hữu thể bước vào trình diện và tỏ lộ mình. Ông đã chuyển hướng sự tập chú từ yếu tính [truyền thống] của các thực thể đến cách thức mà chúng tỏ lộ mình trong hoàn cảnh hiện sinh của chúng. [ND].

[5] Theo Heidegger, đích thực tức là sống đúng với cái tôi, các giá trị và khả thể của bản thân. Nó bao hàm trách nhiệm về sự hiện hữu của bản thân và đưa ra những chọn lựa phản ánh một sự dấn thân thực sự với việc hiện hữu của chính mình. Không đích thực tức là sống một cách ức chế trước những quy chuẩn và kỳ vọng của xã hội, hay bị ảnh hưởng bởi người khác. Tính không đích thực nảy sinh khi các cá nhân đối diện với những áp lực bên ngoài, đảm nhận những vai trò không đúng với cái tôi, và đè nén tính cách cá vị của bản thân. [ND].

[6] Thuật ngữ Dasein theo nghĩa đen được dịch sang tiếng Anh là “being there” [Da: there, sein: being], nghĩa là “có đó”. [ND].

[7] Tình huống giới hạn mà Jaspers nói tới là những tình huống đặc biệt hầu như con người không thể lựa chọn như: sự cô đơn, sợ hãi, sự đau khổ, tội lỗi, và đặc biệt là sự chết. [ND].

[8] Với Jaspers, Existenz bắt đầu xuất hiện khi con người ý thức sâu xa rằng mình là một chủ thể, tức là chủ động tạo lấy nhân cách và bản lĩnh của mình. Ở đây, khoa học thường nghiệm hoàn toàn bất lực, vì Existenz là một thực tại tinh thần, nên không một máy móc, một công thức nào có thể diễn tả được. Jaspers gọi đây là “possible Existenz” để nói lên vai trò chủ động trong việc xây dựng nhân cách và định mệnh. [ND].

[9] Jaspers phân biệt “đức tin triết học” [philosophical faith] và “đức tin tôn giáo” [religious faith]. Đức tin triết học như một hình thức đức tin phi tôn giáo vượt ra khỏi những bằng chứng thường nghiệm. Nó bao hàm một cam kết tìm kiếm ý nghĩa và việc hiểu ngay cả khi đối diện với sự bất định và mơ hồ. Theo Jaspers, nó là một khía cạnh thiết yếu của Existenz. Đức tin triết học là một hình thức đức tin hoạt động trong lãnh vực truy vấn triết học. [ND].

 

Nguồn tin: https://stellamaris.edu.vn/
Tags :