Suy Niệm Tin Mừng - Lễ Thánh Gia: Kinh Nguyện Của Hội Thánh Tại Gia

Fri,29/12/2023
Lượt xem: 459

Lễ Thánh Gia

(Hc 3.3-7.14-17; Cl 3,12-21; Lc2,42-52)

Kinh Nguyện Của Hội Thánh Tại Gia

Chúng ta đang hân hoan sống niềm vui Giáng sinh của Con Thiên Chúa, Đấng đã đến và ở giữa chúng ta, để chia sẻ phận người của chúng ta. Người đã đi vào trần thế trong một gia đình, chấp nhận định chế của gia đình. Khi chọn gia đình làm cửa ngõ cho sứ vụ cứu thế, Con Thiên Chúa đã vâng lời cha mẹ Người, đã trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Gia đình thánh gia “hằng nằm, cha mẹ Đức Giêsu lên đền thờ … cả gia đình cùng đi” (Lc 2,41). Và Đức Giêsu, ngày một lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan và hằng được nghĩa cũng Chúa và người ta” (Lc 2,51-52) chính trong bối cảnh gia đình Nazareth.

Mùa Giáng sinh, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Chúa Hài Nhi trong Gia đình Thánh gia, mẫu gương của mỗi gia đình Kitô hữu chúng ta, “Hội thánh tại gia”. Trong ngày Lễ Thánh gia hôm nay, và trong bối cảnh đời sống đạo của dân Việt, xin được trình bày cùng quí cộng đoàn chủ điểm: Lời kinh chung gia đình, phương thế để giáo dục và truyền thông đức tin của Hội thánh tại gia.

1.       Tầm quan trọng của Lời kinh chung Gia đình

Kinh nghiệm lịch sử truyền giáo của Giáo hội cho thấy, giờ kinh chung trong gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dưỡng đức tin, làm nên bầu khí thánh thiện của gia đình kitô hữu và sức mạnh lan tỏa chân lý Tin mừng. Đây là kinh nghiệm đã được chứng thực qua dòng lịch sử của Giáo hội hoàn vũ, ở Việt Nam và tại giáo phận Vinh. Giáo hội Việt Nam đứng vững trong suốt 300 năm bị cầm chế và bách hại, nhiều nơi không còn mục tử chăm sóc, nhưng nhờ chăm chuyên cầu nguyện trong gia đình, các tín hữu đã giữ vững đức tin và tuyên xưng đức tin trong các cuộc bách hại lâu dài. Kinh nguyện gia đình là chiều sâu và nền móng vững chãi của Giáo hội Việt Nam trong hành trình sống, làm chứng và thông truyền đức tin.[1]

Việc đọc kinh chung trong gia đình không đơn thuần là việc đạo đức bình dân của ông già, bà lão như nhiều người trẻ hôm nay quan niệm, nhưng là điều thiết yếu, dệt nên hạnh phúc gia đình. Hiệp thông trong kinh nguyện vừa là hoa trái vừa là đòi hỏi của sự hiệp thông bắt nguồn từ Bí tích Rửa Tội và Hôi phối – “gia đình là Giáo hội tại  gia”. Chúa Giêsu hiện diện trong gia đình khi vợ chồng, cha mẹ và con cái cùng cầu nguyện, và khi đó, chính cuộc sống gia đình trở thành lời kinh nguyện sống động. Đức Gioan Phaolô II khẳng định:

Kinh nguyện gia đình có những đặc tính riêng khi vợ chồng, cha mẹ - con cái cầu nguyện chung với nhau. Đó là lúc gia đình hưởng phúc lộc là sự hiện diện của Chúa nơi có hai ba người họp nhau cầu nguyện (x. Mt 18,20). Ngài nói thêm, kinh nguyện gia đình có nội dung độc đáo là chính cuộc sống gia đình, trong những cảnh huống khác nhau, những ngày kỉ niệm… là những ưu ái của Thiên Chúa cho gia đình. Đó cũng là dịp để mọi người trong gia đình tạ ơn, khẩn nguyện, tin tưởng phó thác gia đình cho Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của Giáo Hội tại gia.[2] 

Giờ kinh chung gia đình là lúc gia đình kitô hữu thi hành chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của mình. Khi nói tới tầm quan trọng của lời kinh gia đình, một tác giả[3]  đã khẳng định: Lời kinh chung là phương thế sống: ‘Mầu nhiệm hiệp thông Giáo Hội’, gia đình là cộng đoàn cầu nguyện dưới sự tác động của Thánh Thần “chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng lúc tại đền thờ hoặc tư gia” (x. Cv 2,42.46). Đó là hành vi chúc tụng, ngợi khen, tôn thờ và tạ ơn Thiên Chúa; Là phương thế sống ‘mầu nhiệm các thánh thông công’. Sự liên đới trong đời sống kitô hữu hệ tại ở việc cầu nguyện, mầu nhiệm các thánh thông công cho thấy căn bản này.

Điều này thích hợp hơn với văn hóa người Việt vốn coi trọng tương quan giữa người sống và người chết như cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn viết “người chết nối linh thiêng vào đời”. Nơi lời kinh gia đình, người sống nối kết với thượng giới, Thiên Chúa, và với tổ tiên; là phương cách để ‘gầy dựng hạnh phúc gia thất’. Một gia đình hạnh phúc là một gia đình có lời kinh chung. Bởi lẽ, nơi đó, mọi người hướng về Thiên Chúa là cội nguồn, cha mẹ, con cái hướng về nhau. Đó là lúc mọi thành viên có thể chia sẻ niềm vui, nỗi buồn lên Thiên Chúa và cho nhau, và nơi đó họ gặp gỡ nhau có Chúa ở giữa.

Trong Tông huấn Evangelii Gaudium, Đức Phanxicô gọi đây là “sức mạnh của việc loan báo Tin mừng từ những việc đạo đức phổ thông”. Ngài gọi đó là cách hội nhập văn hóa gia đình. Chúng ta có thể gọi lời kinh mà các gia đình kitô hữu Việt chúng ta có được là nét hội nhập kiểu đó. Là cách thức để ‘tái công thức hóa’ chân lý đức tin nhằm ‘giải quyết những thách đố’ riêng của gia đình. Nơi lời kinh gia đình, ‘con người hiểu được cách thức mà đức tin được nhập thể trong một nền văn hóa và tiếp tục thông truyền thế nào’, là lúc giáo hữu ‘tỏ lộ một sự khát khao Thiên Chúa mà chỉ những người đơn thành và nghèo khổ mới có thể biết’, và nó “làm cho con người có khả năng quảng đại và hy sinh thậm chí đến độ anh hùng khi nói đến việc bày tỏ đức tin”.[4]

Đức Thánh Cha còn gọi đó là “một linh đạo nhập thể trong văn hóa của những người đơn thành”, một cách hợp pháp để sống đức tin, để cảm nghiệm là thành phần của Giáo Hội và là những nhà truyền giáo. Đó là kiểu ‘thần học hiện diện trong việc đạo đức của các dân Kitô Giáo’, là biểu hiệu đức tin tín thành, một niềm khao khát Thiên Chúa dưới sự linh động của Thánh Thần. Và cuối cùng, đạo đức bình dân là hoa trái của Chúa Thánh Thần, là cách thế để dạy các tín hữu Chúa, nhất là trong bối cảnh của Tân Phúc Âm hóa.[5]

Như thế, lời kinh chung trong gia đình không đơn thuần là việc đạo đức bình dân, nhưng còn mang chiều kích thần học trong sứ mạng của Giáo jội. Điều này có thể thấy rõ qua lịch sử truyền giáo ở Việt Nam. Nét son trong văn hóa của người Việt là lập bàn thờ gia tiên. Bàn thờ luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất của gia thất, là nơi phản ánh một quan niệm sống của người Việt: tạ ơn trời đất như là cội nguồn sự sống, để hiệp thông với tổ tiên, để tưởng nhớ về họ và sống theo gương lành, phúc đức của họ.

Trên nét son đó, người Công Giáo Việt Nam cũng lập bàn thờ để thờ phượng Thiên Chúa, có gia đình còn lập cả bàn thờ gia tiên. Bàn thờ là tâm điểm của đời sống đạo của gia đình. Là nơi các thế hệ ông bà, cha mẹ truyền lại cho con cháu giáo lý bằng kinh nguyện, nhất là đức tin và lòng trung thành thờ phượng Thiên Chúa qua kinh nguyện chung mỗi đầu hôm sớm mai. Kinh nguyện trở thành nếp sống đạo truyền thống quí giá của gia đình. Trong giờ kinh, cha mẹ là người chủ trì, bàn thờ là nơi dâng lên Thiên Chúa lễ tế gia đình, và như thế, gia đình trở nên một đền thờ sống động của Thiên Chúa – “Hội thánh tại gia”. Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội công nghiệp, lời kinh chung trong gia đình đang bị mai một. Đây là lúc chúng ta cần phục hồi sức sống của lời kinh này.

2.       Giờ kinh chung trước tác động của xã hội kỹ nghệ

Đối với chúng ta - thế hệ 6X, 7X, 8X, nói theo ngôn ngữ giới trẻ hôm nay - còn ấn tượng mạnh những giờ kinh trong gia đình lúc đầu hôm sớm mai: bố làm chủ sự giờ kinh, mẹ vừa thổi cơm, vừa lần hạt, con cái vừa đọc vừa ngủ gà ngủ gật. Mỗi sáng sớm hay lúc đêm về, chúng ta nghe râm ran lời kinh của các gia đình khắp cả xóm đạo. Những giờ kinh đậm chất đức tin, trong những thời điểm khó khăn của thế sự. Chúng ta cũng có thể gọi đó là những giờ học giáo lý, những giờ cha mẹ giáo dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái, là sợi dây liên kết bầu khí yêu thương giữa các thành viên trong gia thất, và quy hướng về việc thờ phượng Thiên Chúa tại gia.

Tuy nhiên, khi đời sống đạo không còn những cấm cách, thì dường như lời kinh trong gia đình lại vắng bóng! Người ta viện dẫn nhiều lý do để biện minh cho việc bỏ giờ kinh gia đình; nhiều người trẻ lại nghĩ rằng việc đọc kinh như thế là của thời xưa đâu hợp với tâm thức con người công nghiêp vốn bận bịu, xô bồ! Những lý do xem ra chính đáng và hợp thời, nhưng thực tế, đó chỉ là kiểu bao biện rẻ tiền. Thật phũ phàng khi chúng ta thấy nhiều gia đình kitô hữu thay các giờ kinh chung bằng những giờ giải trí, xem phim, màn hình tivi, điện thoại thay cho trang Kinh thánh. Một tác giả nhận định:

“Phải thú nhận lý do chính đáng nhất của việc bỏ bê kinh nguyện chung là tại các gia đình chưa có lòng với Chúa. Là người Công giáo có ai chối bỏ được Thiên Chúa là nguồn sống của mình?  Mỗi ngày chúng ta cứ để mình quay tít như con vu, để mình bị dính chặt trong ngàn vạn mắt xích công việc không gỡ ra được, hoặc để mình cuốn hút bởi bao thú vui chơi và giải trí. Nếu làm một bài toán cộng trừ nhân chia đơn sơ nhất về thời gian để ra cho việc đọc kinh chung trong gia đình, và đem so sánh với các sinh hoạt khác thường nhật, chúng ta sẽ không tự bào chữa được là ‘gia đình tôi không có thời gian để đọc kinh tối chung’”.[6]

Chúng ta có thể nói việc không đọc kinh chung trong gia đình là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc suy giảm đời sống đức tin. Ai đã từng nghe các gia đình tan vỡ, con cái hư hỏng, đời sống nhạt nhẽo sẽ nhận ra một thực tế, họ vắng những giờ kinh chung từ lâu. Nếu ‘gia đình là trường học đức tin đầu tiên’ thì kinh nguyện gia đình là những giờ học giáo lý đức tin thiết thực. Đó là thời khắc Thiên Chúa gõ cửa gia đình để lắng nghe chia sẻ những buồn vui của họ.

3.        Thời điểm để phục hồi lời kinh chung trong các gia đình

Ở trên chúng ta đã thấy được nét đẹp và ích lợi của giờ kinh chung trong gia đình cũng như việc lời kinh ấy đã bị bối cảnh hóa và mai một như thế nào. Công bằng mà nói, lời kinh chung chưa mất hẳn, vì một số gia đình kitô hữu vẫn còn giữ được truyền thống này. Hơn nữa, ngày nay ở các xứ đạo, giờ kinh ấy được mặc một mẫu thức mới, đọc kinh liên gia. Hình thức này cần duy trì, nhưng thiết nghĩ có lẽ đã tới lúc chúng ta nên phục hồi lời kinh chung nơi các gia đình kitô hữu. Ngoài căn bản làm nên sức sống của gia đình trong mối liên hệ với Thánh Thể và các bí tích, giờ kinh chung trong gia đình là chất liệu dệt nên Thánh Lễ cuộc đời nơi các gia đình kitô hữu.

Lời kinh chung gia đình thật hợp với văn hóa truyền thống người Việt vốn quí trọng nếp gia đạo, nơi mà con cái được giáo dưỡng bằng những chỉ dẫn của ông bà, cha mẹ.  Trong giờ kinh chung, cha mẹ dẫn dắt con cái học cách nói chuyện, gặp gỡ và hiệp thông với Thiên Chúa. Nơi đó mọi người chia sẻ với nhau những vui buồn, mệt nhọc và hy vọng của cuộc nhân sinh, đồng thời cùng nhau tìm ra ý nghĩa mới cho từng biến cố. Nhờ kinh nguyện chung, ánh sáng của Thiên Chúa sẽ rọi chiếu vào những tăm tối của gia đình, mọi người biết làm chứng cho nhau về sự trung thành đối với Thiên Chúa, về đời sống thánh thiện, lòng yêu thương, quảng đại. Đó là cửa ngõ mở ra để con cái bước vào đời sống với Thiên Chúa, là món quà mà cha mẹ có thể trao tặng cho con cái, và gia đình thực sự là ‘Giáo hội tại gia’.

Những lợi ích mà lời kinh chung gia đình đem lại cho đời sống và sứ mạng của các tín hữu thật lớn lao. Thế nên, chúng ta cần phục hồi lời kinh trong các gia đình kitô hữu, như là cách thức để có thể thực hiện sứ mạng Phúc âm hóa của Giáo hội. Dĩ nhiên, chúng ta cần có những thay đổi, đúng ra cần làm cho lời kinh ấy mặc những hình thức mới phù hợp với tâm thức và lối sống của con người trong xã hội mới. Nếu như xưa, lời kinh ấy được đọc thường xuyên cả sáng và tối, thì này có thể đọc vào buổi tối, buổi sáng tham dự Thánh Lễ. Cũng có thể mỗi tuần một lần, vì nhiều nơi còn đọc kinh chung tại nhà thờ hay hội đoàn hoặc liên gia. Hơn nữa, hướng đi này cần có sự hỗ trợ của các mục tử, trong việc định hướng, vạch ra chương trình cụ thể để lời kinh ấy trở thành nếp sống, lương thực thực sự nơi các gia đình kitô hữu. Chúng ta có thể thực hiện kết hợp lời kinh chung gia đình với việc đọc Lời Chúa và Phút hồi tâm.

Xin Gia đình Thánh gia, mẫu gương của các gia đình giúp chúng ta sống trọn tình với Chúa và trọn nghĩa gia thất, đùm bọc lấy nhau trong tình yêu thương.

Lm. Hoa Thập Tự

 



[1] Vào thế kỷ XVI, khi các thừa sai ngoại quốc bị trục xuất, hạt giống đức tin vừa được gieo vãi và bắt đầu đâm chồi. Những cuộc bách hại sau đó đã làm cho Thánh Phaolô Miki và các bạn chịu tử đạo. Ánh sáng đức tin dường như tắt lịm. Hai trăm sáu mươi năm sau, các thừa sai trở lại. Trong một góc hẻo lánh của vùng đông bắc quốc gia, các thừa sai Dòng Tên đã kinh ngạc khám phá ra một ngôi làng bé nhỏ với hàng trăm người đang tu tập đọc kinh ngày Chúa Nhật. Chính nhờ các giờ kinh gia đình mà hạt giống đức tin được bảo tồn và lưu truyền trong suốt thời gian dài vắng bóng linh mục.

[2] X. ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Familiaris Consortio, 59.

[3] X. LM. VINH SƠN ĐINH TRUNG NGHĨA. SJ, “Việc đọc kinh tối trong gia đình”, trong Bản Tin Mục Vụ của cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Na Uy, số 1 (2011), 20-24.

[4] X. ĐỨC PHANXICÔ, Tông Huấn Evangelii Gaudium, 122 -123.

[5] X. ĐỨC PHANXICÔ, Tông Huấn Evangelii Gaudium, 122 -123.

[6] LM. ĐẶNG QUANG TIẾN, “Kinh nguyện chung trong gia đình”, trong Ban Tin Mục Vụ của cộng đồng Công Giáo Việt Nam tại Na uy, số 1 (2011), 3.

Nguồn tin: