Suy Niệm Lời Chúa - Chúa Nhật III, Năm B: Phục Sinh - Tin Mừng Bình An

Fri,12/04/2024
Lượt xem: 1291

Chúa nhật 3 Phục sinh-Năm B

(Cv 3,13-15; Tv 4; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48)

Phục Sinh – Tin Mừng Bình An

Đấng Phục Sinh cũng chính là Đấng đã chịu đóng đinh. Trình thuật Tin mừng hôm nay ghi lại việc Nhóm Mười Một có được kinh nghiệm về Thầy của mình từ cõi chết trỗi dậy – Đấng đã phơi bày sự trần trụi của biến cố thập giá – dấu chân tay và cạnh sườn – Đấng mà họ đã biết, giờ đây ăn uống trước mặt họ. Việc Chúa Giêsu Phục sinh cho họ xem chân tay và ăn uống với họ nhằm củng cố đức tin của họ: sự kiện nền tảng là Đấng Phục sinh không phải là ai khác mà là chính Đấng đã bị đóng đinh. Bởi thể, phục sinh không phải là “bóng ma” không xác, không phải là “tin đồn” mà là chính Đấng nói như Thánh Gioan: “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống” (1Ga 1,1).

1.       Đấng Phục sinh – nguồn bình an, niềm vui

Đấng Phục sinh là Tin mừng bình an cho cộng đoàn môn đệ - Đấng vãn hồi và trao ban niềm vui sung mãn cho các Tông đồ, giúp họ bước ra khỏi sự khép kín bởi sợ hãi, chạy trốn và thất vọng để băng mình về phía trước cho sứ mạng chứng nhân phục sinh với niềm vui – niềm hy vọng trào tràn và lớn lao. Quả thực, sau cuộc gặp gỡ - nói đúng ra, sau khi có kinh nghiệm về Đấng Phục sinh, nhờ Thánh Thần Chân Lý, các Tông đồ đã trở nên những chứng nhân hăng say và kiên cường loan báo Danh Đức Giêsu, “Đá tảng góc tường đã bị thợ xây loại bỏ”, “Người là ơn cứu độ duy nhất” (Cv 4,11-12) như Phêrô, Tông đồ cả giọng dạc công bố: “Anh em đã giết Đấng khởi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho người trỗi dậy từ cõi chết. Về những điều này, chúng tôi xin làm chứng” (Cv 3,15). Thánh Phaolô tự xem mình là đứa con sinh non, là Tông đồ rốt hết, người đã có kinh nghiệm chính “Đức Giêsu chịu bách hại” (Cv 9,5) trên hành trình Dammas. Đó là Đức Kitô Phục sinh, nền tảng của toàn bộ tòa nhà đức tin mà Giáo hội tuyên xưng, Tin mừng mà Phaolô và toàn thể Giáo hội không ngừng công bố (1Cr 15,1-24).

Chúng ta biết rằng trong các trình thuật về sự kiện Phục sinh, Luca nhấn mạnh tới ba yếu tố căn bản để các môn đệ có được kinh nghiệm Phục sinh và loan báo mầu nhiệm nền tảng này: Kinh thánh, Bí tích Thánh Thể, cộng đoàn chứng nhân. Ba yếu tố này làm cho chúng ta có kinh nghiệm về Đấng Phục sinh lúc này hôm nay và có khả năng loan truyền Tin vui trọng đại cho người khác.

2.       Niềm vui chứng nhân Phục sinh

Niềm vui Phục sinh không bao giờ là sự thủ đắc của riêng ai, nhưng là niềm vui phải được trao ban, phải được thông truyền. Bởi thế các chứng nhân Phục Sinh mau mắn lên đường để loan báo cho người khác tin mừng quan trọng: “Chúng tôi đã thấy Chúa”. Và Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ “chính anh em là chứng nhân về những điều ấy” (Lc 24,48). Lời hiệu triệu của Đấng phục sinh đã được các Tông đồ và các thế hệ môn đệ Chúa Kitô “những người không thấy mà tin” sống và loan báo với niềm hăng say. Chúng ta, những kitô hữu, tiếp tục được mời gọi để bước vào tương quan sống động, để có thể chạm và có được kinh nghiệm về Đức Giêsu tử nạn và phục sinh, để trở nên môn đệ chính danh của Người. Tiến trình kinh nghiệm của người môn đệ, nghĩa là trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô. Một tiến trình trường k và toàn diện trong mọi chiều kích của đời sống môn đệ, trong đó, ba yếu tố làm nên nền tảng, căn tính của chứng nhân phục sinh:

Lời Chúa nhào nắn người môn đệ nên hình nên dáng, giúp chúng ta được mở lòng, khai trí. Lời Thiên Chúa ngỏ trực tiếp với mỗi chúng ta hic et nunc, Lời giúp chúng gặp gỡ và biết Chúa Kitô. Ngôi Lời Thiên Chúa, Sự Thật, cũng là Đường và Sự Sống”. Chính trong “ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa mà mỗi người có thể khám phá, hiểu và yêu mến và theo đuổi ơn gọi cũng như chu toàn sứ vụ của mình” (PDV, 47). Tông huấn Verbum Domini nhắc nhở các ứng sinh linh mục: “Các ứng viên hướng đến chức linh mục phải học biết yêu mến Lời Chúa. Thật vậy, Kinh thánh phải là linh hồn của việc đào tạo thần học của ứng sinh, và phải nhấn mạnh tác động hỗ tương tất yếu giữa khoa học chú giải, khoa thần hoc, khoa linh đạo và khoa sứ vụ” (n. 82). Lời Chúa khai trí, mở lòng cho các môn đệ, những người đang bị nỗi sợ hãi, thất vọng bủa vây. Lời Chúa dẫn các môn đệ vào hành trình nhận biết Đức Kitô. Lời làm cho lòng họ bừng sáng, cho họ thấy đường con đường mình đi và vãn hồi nơi họ niềm hy vọng vào Tôn sư Giêsu.

Thánh Thể, “nguồn mạch, chóp đỉnh và trung tâm của toàn bộ đời sống Giáo hội” (LC,11), đời sống môn đệ Chúa Kitô. Chính trong trong cộng đoàn tham dự lễ bẻ bánh, mà các thế hệ môn sinh của Giêsu khám phá sự hiện diện của Người như hai môn đệ Emmaus xưa. Quả thực, việc bẻ bánh là cao điểm để họ nhận ra Chúa. Khi thông dự vào Tâm bánh duy nhất trong Hội thánh, người môn đệ nhận ra chân tính của mình thuộc về Tấm bánh duy nhất - Đức Giêsu Kitô. Chính tình yêu giúp chúng ta sống căn tính của mình – con cái được yêu thương và có khả năng yêu thương. “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35). Tình yêu - hiến tế Thánh Thể giúp chúng ta biết Thiên Chúa và giống Người và nhất là việc Bẻ bánh, Chúa Phục sinh sẽ vén mở bức màn che phủ mắt các môn đệ của Người, phục hồi niềm vui nơi họ, niềm vui Phục Sinh như chúng ta thấy trong câu chuyện hai môn đệ Emmaus (Lc 24,25-27.32.30-31), và bài Tin mừng hôm nay (Lc 24,44-46) cũng vậy. Chính việc “đồng bàn – bẻ bánh”, chính trong cộng đoàn môn đệ, cộng đoàn chứng nhân mà các Tông đồ có được đức tin Phục sinh;

Là ứng sinh hướng tới thừa tác viên của Bí tích Thánh Thể, mỗi chúng ta cần chân nhận tầm quan trọng và đòi hỏi của việc sống hy tế bàn thờ trong mọi nhịp phách của đời sống chúng ta. Bởi vậy, giáo huấn của Giáo hội đặc biệt lưu ý tới việc đào tạo ứng sinh linh mục sng Bí tích Thánh Thể như là điểm quy chiếu toàn bộ đời sống – là trung tâm của mầu nhiệm đức tin, rằng: “vì cần phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, “trước hết, Đức Gioan Phaolô II dạy, ứng sinh chức thánh phải được đào tạo có lòng tin thật sống động vào Bí tích Thánh Thể” , nhằm những gì họ sống sau khi được truyền chức. Việc tham dự thánh lễ hàng ngày vào cử hành Thánh Thể, mà việc chầu Thánh Thể là sự nối dài tự nhiên, thấm nhuần vào đời sống chủng sinh để làm cho sự kết hợp liên l giữa họ với Chúa được lớn lên” (Ratio 104). Có thể nói, Thánh Thể làm nên đời môn đệ Chúa và đồng thời, đời sống của chúng ta nhập thể hy tế của Đức Kitô, trở nên tấm bánh cho người khác. Đó là tình yêu, là agape cho đến cùng để người ta biết chúng ta là môn đệ Thầy Giêsu.

Cộng đoàn chứng nhân giúp chúng ta có kinh nghiệm về Đức tin Phục sinh. Các môn đệ khi xa rời cộng đoàn, họ không có đức tin Phục sinh, chính khi nhập đoàn cộng đoàn chứng nhân, cộng đoàn môn đệ, có Chúa Phục sinh ở giữa, họ tuyên xưng đức tin phục sinh. Chúng ta, “những người không thấy mà tin” nhờ thông dự vào kinh nghiệm phục sinh của cộng đoàn môn đệ, của Giáo hội Chúa Kitô. Tôma đã suy phục đức tin: “Lạy Chúa của con, Lạy Thiên Chúa của con”. Đây là cao điểm của lời tuyên xứng trong Tân ước – tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa. Đó là đức tin cá vị trong cộng đoàn đức tin khi Đức Giêsu Phục sinh hiện diện với Tông đồ đoàn, đức tin mà ông không có được khi ông rời bỏ cộng đoàn chứng nhân trước đó (Ga 20,19-29)

Với ứng sinh linh mục, cộng đoàn – nơi mà “những người không thấy mà tin” có được kinh nghiệm chân thực về Chúa Kitô.  Thế nên, Ratio 2016 khẳng định: “Trong tiến trình đào tạo, đời sống cộng đoàn phải ảnh hưởng trên mỗi chủng sinh, thanh lọc ý hướng của họ, để từng bước họ nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô” (số 50). Pastores Dabo Vobis chỉ rõ: “Trên bình diện kitô giáo, chủng viện phải tạo thành một “cộng đoàn Giáo hội”, cộng đoàn môn đệ Chúa Kitô. Cộng đoàn được quy tụ nhờ việc lắng nghe Lời mỗi ngày và nhờ bí tích Thánh Thể. Cộng đoàn hiệp nhất với nhau trong việc thực thi đức ái huynh đệ và tinh thần công bằng” (n. 60). Định hướng và chỉ dẫn về việc đào tạo linh mục HĐGMVN khẳng định: “Một ứng sinh không có khả năng sống chung, làm việc chung, không thể hiệp thông với những anh em trong chủng viện, là dấu không thích hợp với ơn gọi linh mục” (n. 366).

Chính việc tiếp xúc, sống tương quan thân mật với Lời Thiên Chúa, nhất là Bí tích Thánh Thể trong cộng đoàn đức tin, công đoàn môn đệ Chúa Kitô mà ứng sinh linh mục có được kinh nghiệm về Chúa Kitô cách sinh động, để có thể nói lên như Gioan: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống. Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người. (1 Ga 1,1-2).

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin: