Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật XXXII TN A: Khôn Ngoan Đón Đợi

Sat,11/11/2023
Lượt xem: 6394

CHÚA NHẬT 32 TN A

(Kh 6,12-16; Tv 62; 1Tx 4,13-18; Mt 25,1-13)

Khôn Ngoan Đón Đợi

Hoan tiệc tình yêu luôn là nơi quy tụ và thu hút mọi người mọi nơi. Người được mời thường chuẩn bị để tham dự cách xứng hợp theo từng hoàn cảnh riêng của mình. Chúa Giêsu nhiều lần dùng hình ảnh tiệc cưới để nói về mầu nhiệm Nước trời: Khai mạc sứ vụ với tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12), dụ ngôn Tiệc cưới (Mt 22,1-14) và Dụ ngôn Mười trinh nữ (Mt 25,1-13) như minh họa cho  việc tham dự Tiệc cưới Con Chiên (Kh 19,7-9)... Dụ ngôn này được đặt trong diễn từ Cánh chung nhằm nhắc bảo chúng ta phải khôn ngoan, thức tỉnh trong việc đón đợi Chàng rể đến giữa đêm khuya vào lúc không ai ngờ.

1.       Giữa dòng hoan vui thế sự

Chúng ta có thể hình dung nhân loại như đang ở trong một bữa tiệc, bữa tiệc lớn lao với những cung bậc và giai điệu khác nhau. Bữa tiệc cuộc đời hướng về Hoan tiệc cánh chung. Tất cả chúng ta đều được mời gọi đi tham dự, tuy nhiên nhiều người biện đủ lý do để từ chối, thậm chí lắm kẻ còn tẩy chay lời mời gọi của chủ tiệc. Có người nghĩ rằng đó là lời “ru ngủ”, “thuốc phiện”. Người ta cho rằng khước từ mới là khôn để hoan hưởng niềm vui thế sự mà chính mình tạo ra.

Giữa tiệc cưới cuộc đời, “khôn” và “khờ” nhiều khi bị lẫn lộn, bị đánh tráo như “lúa và cỏ lùng” (Mt 13,24-30). Trong cái nhìn của thế tục chủ nghĩa, người khôn ngoan theo tiếng gọi lương tâm bị coi là khù khờ, là ngốc nghệch, lỗi thời, còn kẻ malin, ranh mãnh, lươn lẹo.. được coi là khôn ngoan. Giữa dòng hoan vui thế sự, lắm kẻ, thậm chí có cả lớp lớp, đoàn lũ lao vào kiếm tìm và thưởng ngoãn niềm vui trần thế, không mảy may với lời mời gọi của Hoan tiệc Cánh chung. Người ta chủ trương sống gấp, tận hưởng niềm vui chóng qua, chóng tàn và rút cuộc rời vào bế tác và sự nhạt nhẽo, cô đơn và buồn nản, nhất là con người trong thế giới này.

Chúng ta đang sống trong ngôi làng thế giới, đang cùng chia sẻ niềm vui với nhiều tiến bộ đổi thay nhờ sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, của công nghệ thông tin. Và chúng ta cũng đang đang chứng kiến, đang đối mặt với “sự tận cùng của lịch sử” (Francis Fukuyama), và sự trỗi dậy của một kiểu “dân chủ tự do thế tục tràn lan” (Lester R. Kurtz) và một lối sống thụ hưởng mà không có tương lại. Nhận xét về thế giới chúng ta đang sống thần học gia Hans Kung viết:

Chúng ta ngày nay có khoa học, nhưng không có sự khôn ngoan để phòng tránh sự lạm dụng khoa học. Chúng ta có công nghệ, nhưng không có năng lực tâm linh để có thể kiểm soát sự nguy hiểm khôn lường của một nền công nghệ vĩ mô quá thiên về hiệu suất. Chúng ta có công nghiệp, nhưng không có sinh thái học… Chúng ta có dân chủ, nhưng không có đạo đức để có thể chống lại việc theo đuổi những lợi lộc to lớn của các cá nhân và các nhóm cầm quyền”.  Và ông viết tiếp: “Xã hội hiện nay của chúng ta, với sự tập trung tiến bộ sẽ tiêu hủy chính nó. Tà thần sừng sững và không tên tuổi của các ý thức hệ hiện đại có các điều răn nghiêm ngặt của nó: ‘người phải làm càng ngày càng nhiều hơn, ngày càng tốt hơn, và ngày càng nhanh hơn. 

Thánh Phaolô gọi những kẻ chạy theo sự khôn ngoan của thế gian là đồ ngu xuẩn, quân cậy dựa vào xác thịt, “sống thù nghịch với thập giá Ðức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này” (Pl 3,18-19). Giữa dòng hoan vui thế sự, chúng ta, những kitô hữu, tiến bước và kiến tạo thế giới, nhưng không bám víu vào tinh thần thế gian. Chúng ta được mời gọi luôn thức tỉnh và khôn ngoan để tìm kiếm niềm vui đích thực, niềm vui trong Chúa.

2.       Khôn ngoan đợi chờ trong thức tỉnh

Dụ ngôn “Mười trinh nữ” là hình ảnh minh họa chân thực cho tất cả nhân loại, các kitô hữu nói riêng. Người ta “khôn” hay “khở” không phải bởi chú rể tới trễ, nhưng ở thái độ sống, phải luôn sẵn sàng. Theo thói tục của địa phương thời xưa, nhiều khi thương lượng giữa hai gia đình trai, gái kéo dài cho đến phút chót. Thường thì lúc mặt trời lặn, thậm chí vào nữa đêm, chú rể và phù rể kéo tới đón cô dâu. Vậy nên, mọi người phải canh thức chờ đợi để vào phòng hoa chúc dự hoan tiệc. Sự chờ đợi này, ai cũng nhận thức được, điều căn bản là người ta có kiên nhẫn đón đợi để hưởng niềm vui hay không. Mười cô đều có chung một mục đích, cùng tiến bước trong một bối cảnh, nhưng kết cục khác nhau do thái độ đón nhận thực tại mà mỗi người đều nhận thức.

Tất cả chúng ta đều có chung một ơn gọi, cùng một phẩm giá là con cái Chúa và được gọi tới dự hội vui của những “con đầu lòng của Thiên Chúa” (Dt 12,22). Tất cả cùng tiến bước, cùng mang theo đèn, cùng đón đợi. Nhưng hành trình dài, nhiều thách đố, đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn trong khao khát và khôn ngoan phân định trong việc kiếm tìm và tìm thấy niềm vui đích thực trong nhà Chúa:

Giữ lửa khao khát giữa những đợi chờ giữa mệt nhọc và khô hanh như Vinh gia 62 trong bài đáp ca diễn tả: “Linh hồn khát kiếm tìm Chúa ngày từ rạng đông, tâm thân mòn nỏi trông đợi như đất hoang cằn khô không giọt nước”. Lòng khao khát là động lực giúp chúng ta chờ đợi trong hy vọng để được chiêm ngắm Chúa trong thánh cung, để được thỏa no hoan tiệc với khúc hoan ca. Lòng khao khát làm cho chúng ta tưởng nhớ Chúa mọi lúc, ngày cả “trên giường” “dù mắt ngủ nhưng lòng vẫn thức”.

Khôn ngoan phân định: Thánh Phaolô nhắc nhớ chúng ta “đừng rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người của anh em, bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,2). Đây là sự khác biệt làm nên khôn hay khờ. Thái độ thức tỉnh trong sự khôn ngoan phân định giữa đường trường và thập giá.

Chúng ta thấy “năm cô khôn cũng ngủ như năm cô dại”. Bên ngoài giống nhau, đều là những phù dâu, cùng mệt nhọc và ngủ thiếp,  nhưng năm cô được gọi là “khôn” vì ngủ mà vẫn thức, họ đã chuẩn bị sẵn sàng những thứ cần thiết. Vậy nên, thức tỉnh không phải là làm không ngưng nghỉ, màý thức và chu toàn bổn phận. Đó là thái độ của những người luôn đặt mình trên hành trình và hướng đích mà mình đang đi tới. Còn “năm cô khở” đi theo mà không tiến bước, không ý thức sứ vụ của mình, họmặc kệ, tới đâu hay tới đó”, đó là thái độ của những người sống không có hướng đích, chỉ vui theo tinh thần thế tục, và khi thời gian điểm, họ không kíp trở tay.

Chú rể kia rồi, ra đón đi” (c.6). Tất cả tỉnh giấc, nhưng chỉ những ai có đèn sáng mới được đi vào cùng chú rể, còn những kẻ đèn tắt ngụm phải ngầm ngùi ở bên ngoài khi cửa đóng lại và Hoan tiệc bắt đầu. Để là người “khôn”, chúng ta cần biết khôn ngoan tích trữ “dầu đức ái” để ngọn “đèn đức tin” luôn tỏa sáng. Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta mặc lấy tâm tình của những người khôn ngoan thật để bình tâm giữa cái bất trắc, chênh vênh của cuộc sống và sự bất ngờ của giờ Chúa viếng thăm.

“Anh em không ở trong bóng tối, để ngày ấy như kẻ trộm bắt chợt anh em. Vì tất cả anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày. Chúng ta không thuộc về đêm, cũng không thuộc về bóng tối. Vậy chúng ta đừng ngủ mê như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và sống tiết độ… Chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ, mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ (1Tx 5,4-8).

Sống phẩm cách của con cái sự sáng, người của ban ngày, con người liêm khiết và minh bạch, không để thói khôn ranh của thế gian tiêm nhiễm. Đó là những người sống sự “khôn ngoan và sức mạnh của thập giá”, sự khôn ngoan mà thế gian cho là “điên rồ”, “ô nhục” (x. 1Cr 1.10.22-23). Chúng ta cần biết kiên nhẫn trong niềm khao khát và khôn ngoan trong thức tỉnh.

3.       Niềm vui hoan tiệc

Lòng khao khát và khôn ngoan kiếm tìm sẽ đạt tới cùng đích “vào dự hội vui của con cái Chúa”. Bài đọc thứ nhất khẳng định chân lý này. Đức Khôn Ngoan, Chàng Rể chính là Thiên Chúa, Người là khởi nguồn và cùng đích của tất cả chúng ta. Người đã đặt để nơi chúng niềm khao khát tìm về để được hoan hưởng niềm vui Hoan tiệc trong Nhà của Người. Tác giả Sách Khôn ngoan cho chúng ta thấy điều căn cốt: Đức Khôn Ngoan vĩnh cửu “tỏ mình” và “tìm kiếm chúng ta trước”. Vậy nên, ai nhọc công tìm sẽ gặp, ai mến chuộng thì được chiêm ngưỡng, ai để tâm suy chiêm sẽ được tuệ nhãn…

Thánh Phaolô nói cho dân thành Thessalonica về niềm hy vọng phục sinh sẽ tiến bước cùng với những người đã đi trước chúng ta vào chung hưởng tự do và vinh phúc cùng với Đức Kitô trên cõi trời: “Rồi đến lượt chúng ta, chúng ta được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi” (1Tx 4,12).

Lạy Chúa Giêsu, giữa thế giới tranh tối, tranh sáng, xin ban cho chúng ta ánh sáng của Chúa, để chúng con biết nhận ra những cảm bẩy của ảo ảnh thế gian; giữa thế giới với những mời chào hấp dẫn và tạm bợ, xin cho chúng ta biết kiên tâm trong việc tìm kiếm Chúa với niềm khát khao cháy bỏng, để chúng con kiếm tìm và tìm thấy Chúa là nguồn vui, nguồn hoan lạc của chúng con. Amen.

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin: