Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật II MV B: Dọn Lòng Đón Chúa

Sat,09/12/2023
Lượt xem: 3447

CHÚA NHẬT II MV B

(Is 40,1-5.9-11; Tv 84; 2Pr3,8-14; Mc 1,1-8)

Dọn lòng đón Chúa

Hãy mở một con đường”, “Hãy an ủi dân Ta!” Âm vang của Mùa vọng là tiếng gọi mời đem lại niềm an ủi, niềm hy vọng cho dân Chúa. Đó là tiếng gọi hoán cái, uốn nắn cõi lòng, ý nghĩ để đón Chúa. Thực hiện cuộc canh tân đời sống, chuẩn bị tâm can cho dân lần bước trong cuộc lữ hành là niềm an ủi lớn nhất. Sứ điệp Lời Chúa của cử hành phụng vụ hôm nay mời gọi chúng ta hướng về sa mạc của lòng mình, để mở rộng con đường cho Chúa ngự đến. Xin được gợi lên ba điểm để cùng suy niệm:

1.       Tiếng gọi hoang địa, lời gọi sám hối

Âm vang lời Chúa trong Mùa vọng là tiếng gọi của Gioan Tẩy giả, lời mời gọi sám hối: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Tin mừng gọi đó là tiếng kêu trong hoang địa. Hoang địa nào vậy? Hoang địa cõi lòng, nơi tiếng mời gọi của Chúa, tiếng nói của lương tâm thúc bách chúng ta. Trở về với long mình, như Gioan đã khiêm tốn vào hoang địa để chuẩn bị sứ mạng dọn đường cho Đấng Cứu Thế, để nghe tiếng nói của lương tri và mở con đường để đón Chúa. Con đường sám hối.

Sám hối thế nào? Ngôn sứ Isaia trong bài đọc thứ nhất mời gọi: mở “một con đường” trong sa mạc, “vạch một con lộ thẳng”, giữa đồng hoang; “lấp đầy những thung lũng”, “bạt cao núi đồi” “chỗ lồi lõm, gồ ghê làm cho phẳng phiu” để đón Chúa. Đó là việc hoán cải để thực thi đức ái: Dọn đường, mở lối cho Chúa: chỉ khi trở vào hoang địa cõi lòng để nghe tiếng gọi mời, chúng ta mới nhận ra đâu là những chướng ngại, những điều cần thực hiện để việc Dọn Đường – vào nhà – Tâm hồn chúng ta, đồng thời Mở Lối để Thiên Chúa và con người hạnh ngộ:

Cần sửa cho ngay thẳng những ý nghĩ quanh co, xiên xẹo, thiện cẩn, những quyến luyến thế tục, để có thế tiến bước trên con đường đoan chính của người kiếm tìm Thánh Nhan Chúa Trời;

Cần lấp đầy những thung lũng, những hố sâu ngăn cách: không phải ngăn cách vì những vực thẳm không gian hay đường xa vạn dặm, nhưng là những trở ngại bên trong lòng người: hận thù, ghen tị, do hiểu lầm. Những ngăn cách đã khiến những người gần nhau, thậm chí anh chị em với nhau, cùng chung lý tưởng đời tu, nhưng xa nhau ngàn trùng.

Trong thế giới toàn cầu và kỹ nghệ hôm nay người ta xích lại gần nhau, không gian thời gian dường như không còn khoảng cách. Người ta ngồi bên nhau, kết bạn với nhau, tương tác với nhau nhưng thiếu tương giao liên vị, bang giao huynh đệ, nhân tâm được thay thế bằng giao dịch lợi ích kinh tế, kiếm tìm đặc khu. Con người trong thế giới chúng ta hôm nay bị “giãn cách” không phải vì dịch bệnh mà vì thiếu tương giao, thiếu tình huynh đệ chân thành và “ngăn cách” kinh khủng nhất gây ra bởi tội, bởi sự chia rẽ;

Cần bạt cho bằng những gồ ghề của tính kiêu căng, tự phụ. Đây là chướng ngại, là cản trở lớn nhất che lấp làm cho người ta không nhận ra Vinh Quang Thiên Chúa, đồng thời chê lấp hướng đích siêu việt của con người. Những cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu do đại dịch, kinh tế, chiến tranh… như một lời cảnh tỉnh nhân loại chúng ta khiêm tốn chân nhận chỗ đứng thực sự của chúng ta và tuyên xưng quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta cần khiếm tốn để tuyên xưng rằng chúng ta được cứu bởi một Ai khác – bởi Thiên Chúa và chúng ta được liên kết trong một ngôi nhà chung của tình huynh đệ.

Hoán cải trong cái nhìn chung thường tập chú vào việc thay đổi đời sống, thay đổi hạnh kiểm: “dọn đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi” (Mc 3,3), để Chúa có thể đến với con người. Nói cách khác, hoán cải là xứng đáng với ơn cứu độ, hoặc đẩy nhanh sự cứu độ với ý nghĩa khổ chế và luân lý. Chúa Giêsu muốn đảo ngược cách hoán cải. Đức Hồng y R. Cantalamessa viết:

Không phải trước hết là hoán cải, sau đó là sự cứu độ, nhưng trước hết là sự cứu độ, sau đó hoán cải. Hoán cải có nghĩa là tin vào Tin mừng rằng sự cứu độ được ban cho con người như một ân huệ nhưng không của Thiên Chúa. Hoán cải có nghĩa là chiếm lấy Vương quốc đã tới và đổi mọi sự để lấy vương quốc này.[1]

Vậy nên, hoán cải là tự quyết định, một quyết định mang tính sống còn để được sống hoặc tiêu vong, hoặc được nhìn thấy ánh vinh quang Chúa hoặc chìm sâu trong bóng đêm. Chính việc nhận ra chân trời của ánh vinh quang Chúa, nghĩa là được cứu độ mà con người thực hiện bước dịch chuyển metanoia căn bản như Thánh Phaolô, Augustino, Ignatio…

2.       Tiếng gọi của niềm hy vọng

Thực hiện việc dịch chuyển căn bản – hoán cải trong đời sống sẽ nhận ra chân trời của việc kiếm trình trong hành trình thành nhân, thánh thánh. Với ân sủng nâng đỡ, con người vững tin đạt tới niềm hy vọng trong hành trình của mình. Đó là Tin mừng trọng đại. “Kẻ reo tin mừng cho Giêrusalem.. hãy báo cho Giuda: Kìa Đức Chúa quang lâm hùng dũng … nắm trọn chủ quyền, sự nghiệp làm nên  (Is 40,9-10). Đó là niềm hy vọng của những người biết kính sợ Chúa, những người được thừa hưởng niềm vui  của thời thái bình, của triều đại mà tín nghĩa và công lý ngự trị như Vịnh gia 84 trong bài đáp ca xưng tụng. Tín nghĩa, công lý và hòa bình gặp gỡ, tương ngộ trong cõi lòng và cõi đất của chúng ta chính là ánh vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện trong đời sống, giữa chúng ta. Chính việc hoán cải đã mở ra cho Dân Israel viễn tưởng về ngày được giải phóng khỏi ách lưu đày Babylon, ngày mà vinh quang đức Chúa sẽ tỏ hiện, như Isaia Đệ nhị loan báo trong bài đọc thứ nhất.

Niềm hy vọng ấy không phải là một ý niệm trừu tượng, cũng không chỉ là khát vọng của con người trong thế giới bất công và đầy bóng tối nhưng là thực tại được biểu tỏ, phơi bày nơi một Con người, Đức Giêsu Kitô, Tin mừng, Ơn cứu độ của toàn thể nhân loại. Người là sự tương ngộ diệu vời giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời cao và đất thấp: “Tín nghĩa mọc lên từ đất thập. Công lý nhìn xuống từ trời cao. Vâng chính Chúa sẽ tặng ban phục lộc và đất chúng ta trổ sinh hoa trái” (Tv 84,12).

Để có thể tiến bước và sống trong niềm hy vọng vĩnh cửu này, con người lữ hành trong thời gian chóng qua này cần biết kiên nhẫn đợi chờ Đấng là vĩnh cửu, Đấng vượt trên thời gian luôn ân cần chăm sóc con người và đảm bảo lời hứa đối với những ai sống trong niềm hy vọng đợi chờ. Thánh Phêrô trong bài đọc thứ hai nhắn gửi chúng ta: “Chúa không chậm trễ thực hiện lời hứa… Người kiên nhẫn đối với anh em, vì Người không muốn cho anh em phải diệt vong, những muốn cho anh em đi tới chỗ ăn năn hối cải” (1Pr 3,9).

3.       Tiếng gọi dọn lòng nhân thế

Thực hiện việc hoán cải, sống trong niềm hy vọng hồng phúc, con người tiến bước và thông truyền niềm vui ơn cứu độ. Đó là những người kính sợ Chúa, “những người tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an” (1Pr 3,14). Với tâm thái này, chúng ta trở nên những sứ giả, những tiền hô dọn đường cho Chúa ngự đến trong thời đại của chúng ta.

Gioan đã thực hiện cuộc sa mạc với đời sống khắc khổ và khiêm hạ, “mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng” (Mc 1,6) để trở nên tiếng gọi cho người Do thái. Ông kêu mời họ thực hiện cuộc hoán cải dọn dòng để đón Đấng mà họ hằng mong đợi: “Gioan xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giudê và thành Giêrusalem kép đến với ông. Họ thứ tội và ông làm phép rửa cho họ trong sông Giordan” (Mc 1,4-5).

Chúng ta cũng cần thực hiện cuộc sa mạc lòng mình, để có thể chuẩn bị phẩm chất của tiếng vọng trời cao cho con người sống trong xã hội tục hóa hôm nay. Người ta sống bầu khí Giáng sinh, nhưng vắng bóng Thiên Chúa, không nhận ra dịch chuyển quan trọng mang tính quyết định đối với toàn bộ hiện hữu của con người và vũ trụ - Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta; người nói về Giáng sinh nhưng không hiểu ý nghĩa tận căn của lễ này, mầu nhiệm cao cả, mang tính quyết định đối với sự tồn vong của con người và thế giới.

Gioan Tẩy giả xuất hiện như một khuôn mặt tiêu biểu của Mùa vọng, một người cháy hết mình trong ơn gọi và sứ vụ. Ngài kêu gọi cách nghiêm nghị metanoia – sám hối tận căn. Bất cứ ai muốn trở thành một kitô hữu, cách riêng những ai muốn tiến bước trên hành trình môn đệ Chúa Kitô, cần liên tục “cải biến trong tiến trình biến đổi nên giống Chúa”. Ai muốn tìm gặp Chúa thì phải liên tục hoán cải nội tâm, đi một hướng khác – dọn lòng mình để Chúa đi vào, mở lối để Chúa đến với con người qua đời sống của mình.

Mỗi ngày đập vào mắt chúng ta muôn sự trong thế giới hữu hình với những con người, biến cô, sự vật… Chúng xuất hiện trong chúng ta trên các áp phích quảng cáo, trên các trang mạng, trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày, với sức mạnh đến nỗi chúng ta bị cám dỗ để nghĩ rằng không có gì khác ngoài điều này. Nhưng trên thực tế, cái vô hình lớn hơn và có giá trị hơn tất cả những cái nhìn thấy được. Duy chỉ một linh hồn thôi - một sự diễn tả diệu vời mà Pascal cho chúng ta biết – ‘có giá trị hơn tất cả vũ trụ hữu hình’. Nhưng, để cảm nghiệm được chân lý này trong cuộc sống, cần phải hoán cải, quay về để một cách nội tâm, chúng ta có thể nói vượt qua ảo tưởng về cái hữu hình và trở nên nhạy cảm, chú ý và tinh tế đối với cái vô hình; coi nó quan trọng hơn bất cứ điều gì tấn công chúng ta một cách mạnh mẽ hàng ngày.

Hãy thay đổi tầm nhìn của chúng ta – hoán cải, để sự hiện diện của Chúa được bảo đảm cho chúng ta trong thế giới; thay đổi cái nhìn của chúng, để Chúa có thể hiện diện trong chúng ta và qua chúng ta, trong thế giới. Amen.

“Mùa mãi trong ta mùa vọng ngóng

Mỗi nhịp đời một nhịp đợi. Khôn ngơi…

Mong Người đến giữa cuộc trần cháy bỏng

Thánh hóa ta bằng dịu ngọt sương trời

 

Ta về với mùa về thao thức

Đốt đời lên trong thơm ngát hương trầm

Trong lặng lẽ lời kinh và ánh nến

Dọn đời như máng cỏ âm thầm

 

Đêm canh thức ta cầm đèn đón đợi

Mời Người vào giữa loạn lạc đời ta

Đêm sẽ sáng bừng lên mùa nắng mới

Có Người, sa mạc cũng nở hoa”

(Cao Gia An.S.J).

Lm.Hoa Thập Tự

 

 


[1] R. Cantalamessa, Cơn say từ tốn Thần Khí, Nxb. Tôn giáo. Tp. HCM 2023, tr. 63.

Nguồn tin: