Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 31 TN A: Khiêm Tốn Hơn Là Kiêu Căng

Sat,04/11/2023
Lượt xem: 523

Khiêm Tốn Hơn Là Kiêu Căng

(Suy niệm Chúa nhật 31 thường niên A)

Cách đây 90 năm, con tàu Titanic ra khơi chuyến đầu tiên, và không ai ngờ rằng đó là chuyến đi cuối cùng, chuyến đi không bao giờ tới đích. Đó là con tàu khổng lồ, sang trọng và kiêu kỳ. Bên hông tàu người ta thấy những dòng chữ kiêu căng ngạo nghễ như sau: No God, No Pope (Không có Chúa, cũng chẳng có Giáo hoàng)/ Le Christ lui même, ne le fera pas sombrer. Ni le ciel, ni la terra ne peut nous engloutir! (Ngay cả Đức Ki-tô cũng không tài nào đánh đắm con tàu này. Cả trời đất cũng không thể khiến chúng ta bị nhận chìm!). Một trong các công nhân Công giáo tham gia đóng tàu đã thốt lên: “Vì xúc phạm ghê ghớm, tôi tin là tàu Titanic sẽ không bao giờ tới được New York.” Và quả không sai, lúc 0 giờ 5 phút ngày 14.4.1912, ngày Chúa nhật Quasimodo sau lễ Phục Sinh, tàu Titanic đã va vào một tảng băng khổng lồ và chìm sâu vào dòng đại dương mang theo hơn 1.400 hành khách. Trong số những người sống sót, có một bé gái 9 tuần tuổi, nay đã hơn 90 tuổi, tên là Millvina Dean. Để tưởng nhớ đến biến cố đau thương ấy, bà đứng ra tổ chức triển lãm 90 năm ngày con tàu Titanic bị đắm, để nhắc nhớ nhân loại về bài học của sự kiêu căng khi từ chối Thiên Chúa. Để rồi bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay: bao lâu con người còn từ chối Chúa Giê-su. Bao lâu con người còn kiêu căng tự phụ, thì hành trình thiêng liêng của cuộc đời không bao giờ có thể đến đích, thì con người chẳng thể nào đạt đến sự thật và sự sống toàn vẹn.

Quả thật, ở đời ai cũng thích người khiêm tốn hơn là kẻ kiêu ngạo và kênh kệ. Kẻ khiêm nhường dễ được mọi nể phục và dễ đón nhận. Người khiêm nhường dễ được Chúa chúc phúc. Người khiêm nhường được Chúa mạc khải mầu nhiệm Nước Trời. Người khiêm nhường biết nhận ra giới hạn của chính mình để dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Người khiêm nhường thì không phô trương công đức hay việc làm của bản thân. Người khiêm nhường biết cộng tác với anh chị em hơn là cậy vào sức lực và sự ích kỷ của mình. Người khiêm nhường dám dấn thân và hy sinh phục vụ Chúa và tha nhân.

Nơi bài Tin mừng của Chúa nhật 31 thường niên năm A hôm nay, Chúa Giê-su nhắc nhở các môn đệ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung về lối sống chưa tốt của phái lãnh đạo Do Thái. “Họ làm mọi việc để cho người ta thấy” (Mt 23,5). Thái độ này ngược với lời khuyên của Đức Giêsu trong Bài Giảng trên Núi (Mt 6,1-18), đó là làm những việc tốt trong thầm lặng, không tìm kiếm tiếng khen cho mình, không coi mình là trung tâm. Nếu có để cho người ta thấy, thì chỉ nhằm tôn vinh Cha trên trời (Mt 5,16). Hộp kinh là một hộp nhỏ bằng da, trong có chứa một vài đoạn Kinh Thánh, thí dụ như Xh 13,1-16 hay Đnl 6,4-9. Hộp kinh này thường được đeo trên trán và trên cánh tay trái để thường xuyên nhắc nhở người đeo phải trung tín với Luật Môsê. Tua áo là những sợi dây được khâu vào bốn góc của tà áo ngoài, cũng để nhắc nhớ phải giữ Luật (x. Ds 15,37-41; Đnl 22,12). Áo của Đức Giêsu cũng có tua (x. Mt 9,20; 14,36). Khi mang hộp kinh thật lớn và tua áo thật dài, họ muốn người khác thấy lòng đạo đức của họ để được ca ngợi. Người Pharisêu có 4 điều ưa thích: thích chỗ danh dự trong bữa tiệc, thích hàng ghế đầu trong hội đường, thích được chào hỏi nơi công cộng, và thích được gọi là rabbi cách kính trọng (Mt 23,6-7). Nói chung họ thích được nhiều người trọng vọng, thích mình có vị thế và quyền lực cao hơn người khác. Đó là những biểu hiện của thói háo danh. (linh mục Anton Nguyễn Cao Siêu).

Qua đây, Đức Giê-su muốn mời gọi chúng ta hãy ý thức về lối sống của mình đừng kiêu căng thải quá nhưng phải biết khiêm nhường. Chúng ta coi chừng rơi vào “men Phariseu”: giả hình, cứng đầu cứng cổ, lòng chai dạ đá, nói mà không làm,…nhưng hãy học lấy và chiếm trọn “men Giê-su”: men yêu thương, men khiêm nhu, hiền lành, hy sinh, phục vụ, trao ban, men thân thiện, cởi mở.

Hơn nữa, qua lối sống “nói mà không làm” của những nhà lãnh đạo Do Thái, Đức Giê-su mời gọi hết thảy mọi người ki-tô hữu hãy biết dung hoà giữa lời ăn tiếng nói với việc làm; giữa lời cầu nguyện trong nhà thờ với việc thực hành Lời Chúa nơi đời sống hằng ngày. Quả thật, khoảng cách xa nhất đó là khoảng cách từ miệng đến tay: nhiều khi chúng ta nói thì hay nhưng cày thì dở; Miệng thì thơn thớt nói cười mà lòng thì ngậm bồ dao găm; Nhiều lần chúng ta đọc kinh ra rả nhưng xin chút lá không cho; chúng ta đọc kinh rất to nhưng thiếu bác ái với tha nhân. Đức Giê-su đã khẳng quyết: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: "Lạy Chúa! lạy Chúa! " là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (x. Mt 7, 21). Đức Giê-su đã trở nên mẫu gương cho chúng ta về sự đồng nhất giữa lời nói và việc làm. Là con cái của Chúa, chúng ta cố gắng nối kết giữa lời kinh với hành động đời thường; hợp nhất giữa lời nói và việc làm; giữa đời sống nhà thờ với đời sống xã hội. Nhờ vậy, những người hạ mình xuống, tức là sống khiêm nhường sẽ được nâng lên, còn kẻ kiêu ngạo sẽ bị hạ xuống. Tôi thích được hạ xuống hay nâng lên? Ngay bây giờ tôi hãy chọn lối sống khiêm nhường hơn là kiêu ngạo để được Chúa chúc phúc và cho làm bạn với Ngài: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15). Chúng ta cố gắng tập trở nên cái tôi khiêm hạ hơn là kiêu căng. Sinh vào đời ai cũng có một cái tôi thật đơn sơ và dễ thương. Thế nhưng nó dễ bị biến tướng trở thành cái tôi đáng ghét. Cha Quang Uy đã “đánh vần” cái tôi biến tướng đó thành một bài hát dí dỏm và thật ý nghĩa:

Kiêu căng tôi sắc sảo

tôi thành tôi sắc tối.

Huênh hoang tôi huyền hoặc

tôi thành tôi huyền tồi.

Tự ái tôi nặng nề

tôi thành tôi nặng tội.

Khiêm tốn tôi thật thà

tôi thành tờ-ôi tôi.

Lm.Phaolô Phạm Trọng Phương

Nguồn tin:
Tags :