Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 31 TN A: Dân Trung Thành, Kính Sợ Chúa

Sat,04/11/2023
Lượt xem: 332

CHÚA NHẬT 31 TN A

(Ml 1,14b-2,2b.8-10; Tv 130; 1Tx2,7b.9-13; Mt 23,1-12)

Dân trung thành, kính sợ Chúa

Các ngươi sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi (Ed 33,28) là lời mời gọi chúng ta sống chân tính của dân thuộc về Thiên Chúa, một dân cùng tiến bước với Mục tử nhân lành, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Lời mời gọi này càng cấp thiết trong bối cảnh thế giới và Giáo hội hôm nay khi mà nhiều thứ tà thần sừng sững mọc lên và nhiều con dân trở nên nô lệ cho chúng. Dân của Chúa là dân luôn trung thành với Tin mừng, biết thoát ra khoải những thứ cơ cấu khóa chặt, lũng đoạn sự năng động của Tin mừng, để có thể phụng thờ Thiên Chúa cách chân thực. Sứ điệp Lời Chúa hôm nay kêu mời chúng ta tỉnh thức trước kiểu tôn giáo phô trương, cần biết tìm về với căn tính của dân trung thực với sự khiêm tốn phục vụ Tin mừng.

1.       Canh chừng trước kiểu tôn giáo phô trương

Sau nhiều cuộc đôi co, tranh luận, Chúa Giêsu thẳng thừng hạch tội các phe nhóm trong giới lãnh đạo Do thái. Nhưng trước tiên, Người cảnh tỉnh dân chúng và các môn đệ trước lối sống của giới lãnh đạo, những người “ngồi trên ngai Môsê phán truyền”. Chúa Giêsu cho thấy giáo huấn của Pharisêu về căn bản của Lề Luật, thì hãy tuân giữ, vì nó có giá trị trường cửu, xuất phát từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, phải canh chừng trước lối sống bất nhất của họ, nói mà không làm, chỉ là hình thức, vẻ đạo mạo bên ngoài, nhưng bên trong là sự trống rỗng. Chúa Giêsu chỉ ra những biểu hiện thái quá trong việc thực hành những chỉ dẫn, vốn không phục vụ cho dân Chúa sống thánh lệnh, mà chỉ để phô trương chính mình:

Mang thẻ bài lớn: theo lệnh truyền của Đức Chúa (x. Xh 13,9)  như một dấu hiệu nơi tay, làm một kỉ niệm ghi nơi trán ở giữa cặp mắt người. Một lệnh truyền như dấu chỉ dân thuộc về lề luật, giao ước được người Do thái giữ tới hôm nay. Tuy nhiên, người Pharisêu không những đeo những thbài, mà còn làm cho to thêm để phô trương trước mặt người khác để khoe khoang vẻ vâng giữ Lề Luật và sự sốt sắng của họ; Đeo tua áo dài. Trong sách Ds 15,37-41 và Đnl 22,12, Chúa ra lệnh phải làm một cái tua nơi các chéo áo để ghi nhớ các mệnh lnh của Người. Giới Pharisêu nới dài các tua áo để phô bày sự long trọng và kéo sự chú ý của người khác. Tìm kiếm chỗ danh dự. Họ thích những chỗ danh dự trong đám tiệc, chỗ nhất trong hội đường, thích được người ta biết đến ngoài phố xa và được gọi là rabbi. Đó là biểu hiện của những người kiềm tìm vinh danh chính mình, chứ không phải cho vinh danh Thiên Chúa, một kiểu tục hóa thiêng liêng trong việc thực hành đời sống tôn giáo.

Những kiểu cách này diễn tả một dạng thức sống đạo vũ hình thức, kiểu tôn giáo phô trương, không có giá trị chân thực. Người Pharisêu phô trương để người ta nhận ra mình, còn kitô hữu, chúng ta phải từ bỏ mình, sống chân thật để người ta nhận ra Thiên Chúa là Cha. Đó là kiểu cách mà Malakhi trong bài đọc thứ nhất đề cập tới – những kẻ “đi trệch đường và làm cho nhiều người lao đao trên đường Luật dạy” (2.8). Trong bài phát biểu trước các tham dự viện THĐGM lần thứ 16, ngày 25.10.2023, Đức Phanxicô nói:

Khi các thừa tác viên quá tải trong việc phục vụ và đối xử tệ với dân Chúa, họ làm biến dạng bộ mặt của Giáo hội bằng những thái độ gia trưởng và độc tài. Thật đau lòng khi nhìn thấy “bảng giá” của các việc phục vụ bí tích ở một số văn phòng giáo xứ như trong siêu thị. Hoặc Giáo hội là dân trung thành của Thiên Chúa đang bước đi, thánh thiện và tội lỗi, hoặc cuối cùng Giáo hội trở thành một công ty cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau. Và khi các tác nhân mục vụ đi theo con đường thứ hai này, thì Giáo hội trở thành siêu thị cứu độ và các thừa tác viên trở thành nhân viên đơn thuần của một công ty đa quốc gia. Đây là sự thất bại lớn nhất mà chủ nghĩa giáo sĩ dẫn chúng ta đến. Và điều này gây ra nhiều nỗi buồn và cớ vấp phạm.

Lối sống đạo, cách tổ chức lễ nghi của chúng ta cũng có thể đang nặng về hình thức, sự hoành tráng bên ngoài nhưng lại thiếu chiều sâu và nhiều khi không để ý đủ điều thiết yếu mà cử hành nhắm tới là cuộc gặp gỡ cứu độ giữa Thiên Chúa và con người. Chúng ta được mời gọi trở về với chân thực của các cử hành Kitô giáo, đó là vẻ đẹp thánh thiện của cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và dân của Người. Mọi sự chuẩn bị, mọi cách thức tổ chức phải dẫn tới tiêu đích này, nếu không chỉ là những sinh hoạt tôn giáo văn hóa, nơi phô diễn những kiểu cách của con người.

2.       Lối sống đạo chân thực

Sau khi chỉ ra những sai lầm của người Pharisêu, Chúa Giêsu đề ra cách thức để có được đời sống đức tin chân thực: Đức tin, đời sống đức tin hệ tại ở việc tìm kiếm Thiên Chúa và sống dưới sự hướng dẫn của Người. Bởi chính Thiên Chúa là Cha, là Thầy, là người hướng đạo duy nhất, đích thực, còn những người lãnh đạo tôn giáo, giới Pharisêu, các thừa tác là trung gian dẫn chúng ta tới cứu cánh đích thực. Đức Thánh Cha gọi đó là “Dân trung thành”. Ngài viết:

Tôi thích nghĩ về Giáo hội như một Dân trung thành của Thiên Chúa, thánh thiện và tội lỗi, một dân tộc được kêu gọi và quy tụ bằng sức mạnh của các Mối phúc và của Tin mừng Matthêu chương 25. Chúa Giêsu, đối với Giáo hội của Người, đã không áp dụng bất kỳ kế hoạch chính trị nào trong thời của Người: không phải Pharisêu, cũng không phải Sađốc, cũng không phải Essenes, cũng không phải Phái nhiệt thành. Không phải là “đoàn thể đóng”, nhưng chỉ đơn giản là tiếp nối truyền thống của Israel: “Các ngươi sẽ là dân của Ta và Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi”.

Sống chân thực tôn giáo của mình là sống phẩm cách của Dân có Chúa là “Đức Vua cao cả, và danh Chúa được kính sợ giữa chư dân” (Ml 1,14b). Đó là lấy luật tình yêu làm “mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14), dân phụng thờ Thiên Chúa trong “chân lý và sự thật”, không thỏa mãn với những cái hoành tráng bên ngoài của lễ lạt mà đi vào chân thực của những cử hành, nghĩa là ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người. Rằng: “Việc liên tục khám phá vẻ đẹp của Phụng vụ không phải ở việc phô diễn lễ nghi bằng cách cẩn thận bên ngoài… nhưng là thái độ ngỡ ngàng thán phục của những người đang trải nghiệm năng lực của biểu tượng, năng lực ấy không dẫn đến những khái niệm trừu tượng, nhưng đúng hơn, chứa đựng và diễn đạt điều được biểu thị qua tính cách cụ thể của biểu tượng” (Desiderio Desiservi, 22.26), nghĩa là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Muốn vậy, chúng ta cần mặc lấy phẩm cách của dân được quy tập trong cử hành Phụng vụ.

3.       Nuôi dưỡng đời sống khiêm tốn phục vụ

Căn bản hơn, để đạt tới con đường tôn giáo đích thực, dân trung thành, nhất là người môn đệ của Chúa phải đi theo con đường khiêm tốn phục vụ.

Đơn sơ và khiêm tốn là cảm thức tôn giáo về dân trung thành. Dân đơn thành là dân bước đi dưới cái nhìn của Thiên Chúa, chân nhận có niềm an ủi trong một Hội thánh lữ hành thánh thiện, nhưng cũng đầy bợn nhơ cần được sự thánh thiện của Thiên Chúa thanh tẩy. Giáo Hội là như thế. Đó là dân mang tâm thái mà Thánh vịnh 130 trong bài đáp ca trình bày: “cậy dựa vào Chúa” như “nép mình” bên mẹ hiền, không “tự cao, tự đại”, “không màng điều cao vọng”, trước sau giữ sự trung thành với phẩm giá của dân Chúa để có được sự “an bình thảnh thơi”.

Với những ai phục vụ dân trung thành, cần mặc lấy tinh thần khiêm nhường phục vụ Tin mừng với lòng nhiệt thành và thái độ sẵn sàng, dịu dàng như mẹ hiền với con cái. Đó là tâm tình mà Thánh Phaolô nhắn gửi cộng đoàn Thessalonica trong bài đọc hai: “Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ. Chúng tôi quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến mình cho anh em…”, vất vả vì Tin mừng và không trở nên gánh nặng cho người khác (1Tx 2,7b-8tt). Việc phục vụ Tin mừng, đòi hỏi tất cả chúng ta, dân trung thành, cách riêng các thừa tác viên, phải nói bằng ngôn ngữ của người mẹ. Đức Phanxicô nói:

Giáo hội là mẹ và chính phụ nữ là những người phản ánh điều tốt nhất (Giáo hội là nữ), mà bởi vì chính phụ nữ biết chờ đợi, biết khám phá những nguồn lực của Giáo hội, của dân trung thành, những người vượt quá giới hạn, có lẽ đầy sợ hãi nhưng can đảm, và lúc một ngày mới đang bắt đầu nửa sáng nửa tối, họ đến gần một ngôi mộ với trực giác (vẫn không hy vọng) rằng có thể có điều gì đó vẫn sống. Phụ nữ của dân thánh trung thành của Thiên Chúa là phản ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội là nữ, là hiền thê, là mẹ.

Dân Chúa, dân thánh trung thành của Thiên Chúa, tiến bước với lòng kiên nhẫn và khiêm tốn, để tiến bước trong việc phục vụ Tin mừng, phục vụ ơn cứu độ con người. Xin cho chúng con biết đơn sơ và khiêm nhường để được nép mình bên lòng Chúa và minh chứng cho thế giới tình yêu dịu ngọt của Thiên Chúa.

Lm. Hoa Thập Tự

 

Nguồn tin:
Tags :