Suy Niệm Tin Mừng - Chúa Nhật 30 TN A: Mến Chúa Là Phải Yêu Người

Sat,28/10/2023
Lượt xem: 289

MẾN CHÚA LÀ PHẢI YÊU NGƯỜI

(Suy niệm Chúa nhật XXX, Thường niên A)

Nhìn lên cây thánh giá, chúng ta bắt gặp Con Thiên Chúa là Đức Giê-su nằm giang tay chịu chết để cứu chuộc nhân loại. Nơi Thánh Giá cúu độ này, chúng ta nhìn thấy rõ chiều dọc và chiều ngang. Nơi chiều dọc, Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể là trung gian nối kết trời với đất, nối kết giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài mang mọi ơn lành từ Thiên Chúa ban xuống cho nhân loại và mang mọi lời cầu xin, ước nguyện của nhân loại lên Thiên Chúa. Nơi chiều ngang của cây Thánh Giá, Đức Giê-su cũng là trung gian nối kết con người với nhau. Quả thật, chúng ta không thể sống chiều dọc cây Thánh Giá mà lại bỏ quên chiều ngang của cây Thánh Giá.

Hôm nay, Tin mừng mời gọi chúng ta yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân ngang qua lời thắc mắc của người biệt phái. (Mt 22, 34-40). Vậy tại sao chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn? Chúng ta yêu mến Thiên như thế là yêu mến như thế nào? Và tại sao chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình? Yêu mến tha nhân như chính mình là yêu như thế nào? Chúng ta thử cùng nhau trả lời những câu hỏi đó sau đây.

Tại sao chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn?

Đọc Tin mừng, sau khi Đức Giêsu đã làm nhóm Xa-đốc câm miệng về chuyện người chết sẽ được sống lại trong ngày sau hết (x. Mt 22,23-33). Nhóm Xa-đốc là nhóm các tư tế cấp cao, không tin vào sự sống lại của thân xác, vì họ chỉ tin vào Ngũ Thư mà thôi, mà theo họ, Ngũ Thư lại không nói về chuyện sống lại. Như thế nhóm này có quan điểm ngược với nhóm Pharisêu là nhóm tin có sự sống lại của thân xác vào ngày tận thế. Sau khi đụng độ với nhóm Xa-đốc, nay Đức Giêsu lại tiếp tục đụng với nhóm Pharisêu.

Chúng ta thấy Môsê đã để lại 613 điều răn, trong đó có 365 giới răn cấm, và 248 điều răn phải giữ. Vì số lượng quá nhiều nên các rabbi Do-thái hay đặt câu hỏi xem điều răn nào lớn nhất, trọng nhất, hay điều răn nào đứng hàng đầu: thảo kính cha mẹ, hay yêu người thân cận…Vì vậy, một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” (cc.35-36). Đức Giêsu trích từ sách Đệ nhị luật 6,4-5 để trả lời cho anh ta: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, là ĐỨC CHÚA duy nhất. Hãy yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh (em), với tất cả trái tim anh (em), với tất cả linh hồn anh (em), và với tất cả sức lực anh (em).” Như vậy, thay vì “với tất cả sức lực” thì Mátthêu đã đổi thành “với tất cả trí khôn.” (x.Mt 22, 37). Như vậy, theo Đức Giê-su, đây là điều răn quan trọng và là điều răn đứng hàng đầu. (x.Mt 22,39) Trước hết và trên hết, chúng ta phải có thái độ đối với Thiên Chúa; phải yêu mến Thiên Chúa; tôn kính Thiên Chúa với toàn bộ mọi năng lực của mình như trái tim, linh hồn, trí khôn, hay sức lực. “Tất cả” (hay “hết”), một từ được nhắc lại nhiều lần, cho thấy Thiên Chúa đòi một sự hiến trao trọn vẹn và triệt để con người mình, chứ không chỉ một phần. Yêu với “tất cả trái tim của ngươi” là yêu với tất cả con người mình, vì đối với người Do-thái, trái tim không chỉ là nơi phát sinh tình cảm, mà còn là trung tâm của mọi hoạt động nội tâm của con người, như lý trí, hiểu biết, ý thức, trí nhớ, suy tư, phán đoán, nhận định. Mọi năng lực tinh thần ấy của con người đều phải tập trung vào một đích nhắm là “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi.”

Tại sao phải yêu mến Thiên Chúa như thế? Xin thưa, vì Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo muôn loài muôn vật; Đấng có quyền trên mọi sự: sự sống và sự chết; Đấng tác tạo nên vũ trụ trời đất hữu hình và vô hình. Con người là đỉnh cao của công trình sáng tạo. Con con được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa: có lý trí, có ý chí, có tự do, có linh hồn bất tử,…Như vậy, thật là chính đáng phải đạo để con người biết ơn và yêu mến Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo của mình.

Nhưng chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa như thế nào? Chúng ta phải ý thức mình chỉ là thụ tạo và phải năng đến gặp gỡ Ngài như Cha với con ngang qua đời sống cầu nguyện, tôn thờ, biết ơn và tạ tội. Chúng ta phải chuyên chăm ở lại với Ngài như cành nho kết hợp với thân nho để muốn sống và sống dồi dào, để muốn sinh hoa quả tốt tươi, để muốn có sự sống đời đời. Mặt khác, yêu mến Thiên Chúa không dừng lại ở việc cầu nguyện nhưng chúng ta phải dọn mình luôn luôn và năng tham dự các bí tích để có đủ sức mạnh chiến thắng 3 thù: ma quỷ, thế gian và xác thịt.

Tuy nhiên, yêu mến Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta phải yêu mến các thụ tạo của Ngài. Chúng ta không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại bỏ quên yêu thương tha nhân, là hình ảnh của Ngài. Quả thật, như thánh Gioan Tông Đồ đã quả quyết: Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy.” (1 Ga 4, 4,20).

Vì vậy, điều răn thứ hai hướng đến tha nhân, được nói đến trong sách Lêvi 19,18. Điều răn này giống điều răn thứ nhất vì cũng đòi hỏi phải yêu mến. Nhưng đây là yêu mến người thân cận (x. Mt 5,43; 19,19). Luca 10,29-37 cho thấy người thân cận của ta không phải chỉ là người đồng bào, đồng đạo, hay những bạn hữu thân thuộc, nhưng là bất cứ ai gặp cảnh thiếu thốn, khổ đau, đang cần ta giúp đỡ. Yêu người thân cận như chính mình là coi người khác như một phần của con người mình, là thương người như thể thương thân; là tôn trọng và quan tâm giúp đỡ anh em một nhà, con một Cha, nhà Một Chúa. Hơn nữa, chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình là vì ai yêu thương thì thuộc về Thiên Chúa vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. (x.1Ga 4, 7). Tại sao chúng ta phải yêu mến tha nhân như chính mình? Thưa vì tha nhân cũng là con cái Thiên Chúa, là hình ảnh Thiên Chúa, là thành viên trong gia đình của nhân loại. Chúng ta không yêu bằng đầu môi chót lưỡi nhưng yêu bẳng hành động, bằng cử chỉ gần gũi, thân thiện, quan tâm, sẻ chia vui buồn cho nhau. Vì khi chúng ta yêu thương và giúp đỡ tha nhân là chúng ta đang yêu thương và giúp đỡ chính Đức Giê-su, Thiên Chúa hữu hình ở với nhân loại. Điều này, Đức Giê-su Ki-tô đã trả lời cách rõ ràng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (x. Mt 25, 40).

Thật vậy, điều răn thứ nhất đòi chúng ta yêu Thiên Chúa một cách trọn vẹn, triệt để. Điều răn thứ hai đòi chúng ta yêu tha nhân như chính mình. Chúng ta không yêu tha nhân như yêu Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, vì tha nhân cũng là thụ tạo như chúng ta. Phải đặt tình yêu Thiên Chúa lên trên tình yêu đối với các thụ tạo. Nhưng tình yêu tuyệt đối ta dành cho Thiên Chúa không làm ta giảm đi khả năng yêu mến tha nhân. Trái lại, tình yêu ấy cho ta khả năng yêu tha nhân một cách anh hùng, đến nỗi ta có thể yêu tha nhân hơn chính mình chứ không chỉ như chính mình.

Câu chuyện sau đây giúp chúng ta hiểu được phần nào yêu mến Thiên Chúa đến nỗi sẵn sàng hy sinh tính mạng cho người bạn tù, cũng là hình ảnh của Thiên Chúa của Thánh Maximilano Kolbe.

Maximilianô Kolbe người Ba Lan thuộc dòng thánh Phanxicô rất hăng say hoạt động. Cha tình nguyện sang truyền giáo ở Nhật Bản, chuyên ngành in ấn sách báo. Sau đó, vì bị bệnh đau phổi, cha phải về lại Ba Lan điều trị.

Ở chiến tranh thế giới thứ II, quân đội Phát Xít Ðức đã chiếm đóng Ba Lan, chúng thấy cha có ảnh hưởng mạnh trên quần chúng, nên đã bắt giam vào ngục. Một ngày nọ, trại giam của cha có một tù nhân vượt ngục. Sáng hôm sau, lúc điểm danh viên sĩ quan cai tù phát giác ra thiếu mất một người, viên sĩ quan liền áp dụng ngay luật lệ của Phát Xít Ðức: "Hễ một tù nhân trốn thoát thì mười tù nhân khác phải đền mạng". Viên sĩ quan cai tù đang rão bước gọi tên chọn 10 tù nhân sẽ phải chết, chợt có tiếng kêu thất thanh: "Khốn cho tôi, tôi còn vợ và một đàn con nhỏ".

Giữa bầu khí thinh lặng và rùng rợn ấy, một tù nhân đứng ra khỏi hàng, đứng im cách nghiêm chỉnh. Viên sĩ quan Ðức quát lớn và hỏi: "Mi là ai?", và người đứng ra khỏi hàng ấy trả lời: "Tôi là Maximilianô Kolbe, linh mục Công giáo". "Mi muốn gì?" Cha Maximilianô Kolbe trả lời: "Tôi xin tự nguyện chết thay cho anh bạn tù này". Viên sĩ quan nói tiếp: "Vào xếp hàng thế chỗ đi". Mọi tù nhân có mặt trên sân đều ngơ ngác ngạc nhiên và thán phục. Cha Maximilianô Kolbe đã chấp nhận chết thay cho người bạn tù.

Ngay ngày lễ phong thánh của cha Maximilianô Kolbe tại Rôma, có sự hiện diện của người bạn tù mà cha đã chết thay cho anh. Anh được đại diện lên dâng của lễ, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói về mẫu người hy sinh mạng sống mình của cha Maximilianô Kolbe như sau: "Ước gì sự sống và gương sáng của thánh Maximilianô Kolbe hướng dẫn chúng ta biết yêu thương chân thành, yêu thương vô vị lợi, xứng với địa vị là người Kitô hữu đúng nghĩa đối với tất cả anh chị em trong một thế giới mà hận thù không ngừng dày xéo cuộc sống con người".

Lm.Phaolô Phạm Trọng Phương

 

 

 

Nguồn tin: