St 15,1-6.21,1-3; Hr 11,8.11-12.17-19; Lc 2,22-40
Sau Chúa Nhật Giáng Sinh, phụng vụ cử hành lễ Thánh Gia. Chúa Giêsu đã muốn sinh ra trong lòng một gia đình nhân loại, nhờ công trình của Chúa Thánh Thần và sự cộng tác của Mẹ Đồng Trinh.
Gia đình được thiết lập bởi một tổng thể các mối tương quan. Trước hết, đó là tương quan giữa chồng và vợ; rồi đến tương quan giữa cha mẹ và con cái. Đó là mẫu gia đình cơ bản. Còn có những tương quan khác rộng hơn như tương quan ông bà với con cháu, giữa người già và người trẻ, là một phần của mọi gia đình bình thường.
Năm nay, các bài đọc cho chúng ta cơ hội để suy niệm về nhân tố sau cùng của gia đình, đó là những người già. Họ là những nhân vật chính trong các bài đọc: mỗi bài giới thiệu một cặp đôi bạn già: bài đọc I và II nói về vợ chồng già Ápraham và Xara; bài Tin Mừng nói đến cặp đôi ông Simêon và bà Anna.
Thật vậy, ngày nay, những người già sống một hoàn cảnh mới của thế giới; họ là những người phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi những thay đổi chóng mặt của xã hội hiện đại. Có hai dữ kiện đã đóng góp vào sự thay đổi tận căn về vai trò của những người già. Trước hết là do việc tổ chức hiện đại về việc làm. Xã hội ưu tiên cho việc cập nhật và hiểu biết những kỹ thuật tân tiến, hơn là kinh nghiệm, và vì thế, người ta thích dùng người trẻ; nhiều người già không thể cập nhật với thời đại, nên phải bỏ nghề của mình và nghỉ hưu.
Ở những nước phát triển, một sự kiện khác là người ta quan niệm gia đình theo hình thức “đơn bào – monocelle” nghĩa là chỉ có chồng, vợ và con cái. Thậm chí còn bị giảm thiểu chỉ vợ-chồng mà thôi. Những người già không còn cơ hội sống chung với con cái và cháu chắt. Họ phải sống trong các viện dưỡng lão.
Tất cả những điều này tạo ra những vấn đề như chúng ta chứng kiến: sự cô đơn, sự loại trừ, đau khổ trong đời sống gia đình, đặc biệt đối với trẻ em, ông bà là những nhân vật quan trọng trong việc giáo dục họ nên người.
Truyền thống từ xa xưa thì không như thế. Trong Kinh Thánh, nói chung, trong xã hội ngày xưa, những người già được coi là cột trụ đích thực cho gia đình và xã hội. Tuổi già là đáng kính trọng. Người ta gọi họ là các “cụ” (signore) để diễn tả sự kính trọng. Ngày xưa, các linh mục cũng được gọi là “các cụ” theo nghĩa kính trọng đó.
Tìm hiểu điều này không phải để tò mò, nhưng là giúp những người già tìm lại ý tưởng đúng đắn của chính mình và khám phá hồng ân mà Thiên Chúa phú ban trong tuổi già.
Chúng ta nói về thời gian hưu dưỡng trong tuổi già. Hưu dưỡng và dưỡng lão đích thực không phải là bị tách khỏi cuộc sống đích thực. Nhiều người sau một thời gian dài lao động, xây dựng gia đình, giáo dục con cái thành người, giờ đây là lúc họ được nghỉ ngơi, họ có thể dành toàn bộ thời gian và tự do để hun đúc tinh thần đạo đức, tâm linh cho họ. Tuổi già là thời gian để lo phần rỗi linh hồn của mình và để hoạt động tông đồ. Nhiều người già đã nhiệt tâm cộng tác trong sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, họ cộng tác vào các hoạt động bác ái của giáo xứ và phục vụ cộng đoàn. Họ là những người đang thực hiện điều mà Thánh Vịnh nói:
“Già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả,
tràn đầy nhựa sống, cành lá vẫn xanh rờn” (Tv 92,15).
Chúa Giêsu nói đến điều này, trong dụ ngôn về người làm thuê vào giờ thứ mười một, họ vẫn nhận được chính đồng lương bằng những người đến làm vào giờ đầu tiên. Người muốn nói rằng không có gì là quá muộn. Chúng ta nghĩ tới những người, vì cuộc sống khó khăn, hay vì quá lo kiếm sống mà lơ là đời sống đức tin của mình, không còn thời giờ để đón nhận các bí tích. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho họ một khả năng mới khi họ về già, đó là lúc họ dành thời gian lo phần hồn của mình. Như một người không bao giờ đóng góp gì cả, nhưng ông chủ vẫn ban cho họ chính số lương hưu cao nhất. Rất nhiều người được vào thiên đàng nhờ những năm về già họ đã sống thánh thiện.
Kinh Thánh cũng phác họa những đường nét cho một nền tu đức của người già, đó là các nhân đức phù hợp với đời sống của họ:
“Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con” (Tt 2,2-4).
Đây là những điều căn bản để giúp người lớn tuổi trở thành một người tốt lành, thánh thiện. Trong tuổi già, các ông các bà trước hết phải chứng tỏ một sự bình thản, đạo đức, quân bình, để họ thực sự là cột trụ và nơi nương tựa cho người trẻ trong gia đình. Người già mang lại trật tự, bình an, hiệp thông trong gia đình. Nếu có sự cãi vã, bất hòa giữa những người trẻ, người già phải là người giúp họ hòa giải với nhau. Người già cũng có thể giúp người trẻ có những quyết định đúng đắn cho cuộc sống của họ nhờ kinh nghiệm từng trải của mình. Với những người phụ nữ già, họ được mời gọi “giúp những người vợ trẻ biết yêu thương chồng con.”
Một nhân đức khác mời gọi người già sống là cởi mở với thế hệ trẻ. Điều này mời gọi người già cần có khả năng cập nhật với thời đại đã thay đổi, đón nhận những sự mới mẻ, những giá trị tích cực mà người trẻ hôm nay mang lại. Một trong những sai lầm là những người già luôn chê bai những người trẻ nhưng lại cứ ca ngợi về những gì họ đã làm trong quá khứ. Khuyết điểm này nhiều lúc cũng xảy ra nơi các linh mục, giám mục già, khi đối diện với những thay đổi trong Giáo Hội…
Có những hướng dẫn khác quý báu cho tuổi già mà bài đọc II hôm nay nói tới: đó là mẫu gương của Ápraham và Xara. Họ là những mẫu gương tuyệt vời về đức tin:
“Nhờ đức tin, ông Ápraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi…, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu (Hr 11,8).
“Nhờ đức tin, cả bà Xara vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Hr 11,11).
“Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Ápraham đã hiến tế Ixaác” (Hr 11,17).
Ápraham có một người con duy nhất là Ixaác khi đã về già, như là quà tặng quý nhất của Thiên Chúa. Đó là tất cả đối với ông. Đến một ngày Thiên Chúa yêu cầu ông mang nó lên núi đế hiến tế cho Thiên Chúa. Chúng ta hình dung được nỗi đau của một người cha già. Điều này làm cho tôi nghĩ đến những cha mẹ già đã phải theo con tới mộ của chúng, cả khi đó là người con duy nhất, và tôi không biết phải an ủi họ thế nào cả. Họ đau khổ lắm!
Chúng ta biết rằng nhờ đức tin, Ápraham nhận lại người con còn sống; Thiên Chúa chỉ muốn thử thách sự vâng phục của ông. Tôi cũng muốn nói với các bậc cha mẹ phải tuyệt vọng khi đã mất những người con yêu quý: Họ cũng sẽ có những người con đang sống, không phải trong một thời gian nào đó, nhưng là sống mãi, nếu chúng ta có đức tin vào Thiên Chúa. Vì chỉ có đức tin làm cho chúng ta biết rằng họ đang sống bên cạnh với Thiên Chúa.
Từ nhân vật Simêôn và bà Anna, cặp đôi bạn già của Tin Mừng, chúng ta học được một nhân đức nền tảng khác cho người già: đó là niềm hy vọng. Ông Simêon đã hy vọng suốt cả đời để được thấy Đấng Mêsia. Khi cuộc đời đã xế chiều, mọi sự xem ra như kết thúc; ông tiếp tục hy vọng, và vào một ngày ông đã có niềm vui khi được bồng ẵm trên tay Hài Nhi Giêsu. Ai biết được có những người già ở giữa chúng ta mà cả đời họ có một ước mơ như là được nhìn thấy con trai mình làm linh mục và dâng lễ trên bàn thờ, hay được thấy con mình có ngày ra trường, có việc làm, có gia đình… hay có rất nhiều người mẹ suốt đời chỉ mong đứa con mình trở về xưng tội và rước lễ với Giáo Hội… Đôi lúc chỉ là đêm tối với họ, nhưng một ngày nào đó, giấc mơ của họ được hiện thực. Đó là việc Chúa làm vì họ biết hy vọng!
Chúng ta hãy học nơi ông Simêôn và bà Anna luôn biết hy vọng và cầu nguyện. Hy vọng là bài thuốc đích thực cho sự trẻ trung vĩnh cửu. Như người ta nói: “Còn sống là còn hy vọng.” Chúng ta có thể đảo lại: “Còn hy vọng là còn sống.”
Trong Thánh Vịnh, chúng ta tìm thấy một lời cầu nguyện rất cảm động của một người già mà tất cả chúng ta có thể làm thành của mình:
“Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng,
chớ bỏ rơi khi sức lực suy tàn.
Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa,
con đã được Ngài thương dạy dỗ…
Cả lúc con già nua, da mồi tóc bạc,
lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con” (Tv 71,9.17-18).
Amen!