Phục Sinh: Suy Niệm Lễ Vọng Và Lễ Chính Ngày (Lm. Hoa Thập Tự)

Sat,08/04/2023
Lượt xem: 910

THỨ BẢY VỌNG PHỤC SINH:

ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Việc tưng niệm Chúa Kitô chết và sống lại đạt tới điểm cao nhất trong ĐÊM VƯỢT QUA NÀY, là đêm thánh của mỗi kitô hữu. Thánh Augustino khẳng định: cuộc họp mừng đêm nay là mẹ của hết mọi buổi canh thức phụng vụ”. Đêm nay là đêm canh thức cho các môn đệ của Chúa Giêsu, đêm mà cộng đoàn môn đệ và toàn thể nhân loại thoát khỏi nỗi buồn và sợ hãi của sự chết nhờ ÁNH QUANG RẠNG NGỜI TỪ MẦU NHIỆM VƯỢT QUA của Đức Kitô, đêm Đức Kitô đạt tới vinh quang của của mầu nhiệm thập giá, đêm của “Đấng đã xuống mồ cũng chính là Đấng đã lên cao” (Ep 4,10). Bởi vậy, Giáo Hội mời gọi con cái mình tin tưởng vào Lời Chúa, tỉnh thức chờ đợi, chờ đợi ánh sáng huy hoàng của chiến thắng phục sinh.

1. Ánh sáng chiếu rọi từ lời mặc khải

Trong đêm canh thức này, cộng đoàn tín hữu được nuôi dưỡng và dẫn lỗi bởi ánh sáng lời Chúa. Bởi thể, phụng vụ Lời Chúa là phần căn bản của đêm canh thức hôm nay, như lời Thánh Augustino đã nói: “Để chờ đón Chúa Kitô Phục Sinh, Giáo Hội lắng nghe Sách Thánh, nhằm nuôi dưỡng lòng tin và niềm hy vọng. Giáo Hội canh thức chờ Chúa đến, mắt đức tin đắm chìm vào Kinh Thánh như ngọn đuốc chiếu soi vào đêm tối.

Trong đêm cực thánh này, Giáo Hội mời gọi chúng ta sống lại các biến cố của lịch sử cứu độ, từ việc Thiên Chúa tạo dựng, chọn gọi và thiết lập dân ưu tuyển từ Abraham, rồi biến cố giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai cập và dẫn đưa họ vào miền đất hứa cho đến khi Thiên Chúa sai Con của Người đến hoàn tất. Trong tiến trình này, chúng ta nhận ra bàn tay Thiên Chúa đã thực hiện những việc lạ lùng trong cõi nhân sinh, chính Thiên Chúa là sự sáng và là ơn cứu độ của chúng ta” (Tv 26,1).

2. Đức Kitô, ánh sáng và niềm vui của muôn dân

Phụng vụ canh thức vượt qua hôm nay khởi đầu và được dọi chiếu với yếu tố trung tâm là việc thắp nến và cung nghinh Ánh Sáng. Đó là Ánh Vầng Đông, Ánh Sao Mai - Đức Kitô rọi chiếu trong khắp cõi nhân sinh. Quả vậy, cả vũ trụ nằm trong đêm tối đang mong đợi ánh sáng, nhân loại tội lỗi và chết chóc đang mong chờ ơn giải thoát. Trong đêm tối của cõi nhân sinh và vũ trụ ấy, “Ánh sáng Chúa Kitô” xuất hiện phá tan màn đêm đen tối. ‘Ánh sáng bừng lên chiếu rọi người công chính. Niềm vui làm rạng rỡ kẻ lòng ngay’” (Tv 96,11).

Chính Đức Kitô là Tôi Trung được tuyển chọn để trở nên “Ánh sáng cho muôn dân tộc, để trở nên ơn cứu độ cho đến tận bờ cõi trái đất” (Is 49,6). Người được Gioan giới thiệu là “Ánh sáng thật đã đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,10), và chính Người khẳng định “Tôi là ánh sáng thế gian” (Ga 8,12). Ánh sáng đó đã xuất hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể và rọi chiếu nhân gian trong mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh. Bài Ca Exsultet - Tin mừng Phục sinh ca ngợi ánh sáng đã diễn tả: “Mừng vui lên hỡi khắp miền dương thế, bốn bể đang rực rỡ ánh hào quang. Vua vĩnh cửu nay rạng ngời chiếu sáng, đẩy lùi xa bóng tối của trần gian… Chính đêm nay, lòng Chúa nhân từ giải thoát cha ông khỏi ách Ai cập; chính đêm nay, cột lửa sáng rực cả bầu trời đẩy lùi bóng tối tăm tội lỗi; chính đêm nay, tín hữu khắp cả địa cầu thoát khỏi thói đời sa đọa, thoát vòng vây tội lỗi bủa vây; chính đêm nay, ‘đêm sáng tỏ như ban ngày, đêm rạng ngời làm vui thỏa lòng người…”

3. Tiến bước trong ánh sáng đức tin và niềm hy vọng

Trong đêm linh thánh này, chúng ta hoan hướng ánh sáng Phục sinh, ánh sáng bừng lên khỏi nấm mồ chết chóc để lan tỏa mọi chân trời. Đó là Ánh sáng Phục sinh của Chúa Kitô. Bởi thế, trong Phụng vụ canh thức vượt qua hôm nay, mọi con cái cùng với Mẹ Giáo hội, tay cầm nến sáng, tượng trưng cho ánh sáng đức tin, được thắp từ CÂY NẾN PHỤC SINH, TƯỢNG TRƯNG CHO ĐỨC KITÔ hân hoan chúc tụng vinh quang Chúa và tuyên xưng lại đức tin phép Rửa, như Vịnh gia 36 diễn tả: “Nhờ ánh sáng của Người, chúng con được nhìn thấy ánh sáng” (Tv 36,10). Qua đó, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhớ lại chúng ta là những người đã chết và được sống lại với Đức Kitô. Hãy hiên ngang dấn thân theo Chúa và trung thành phụng sự Người; hãy chết đi cho tội lỗi, cho ích kỉ và những gì làm chúng ta xa Chúa, để luôn sống đúng với danh xưng là con cái Thiên Chúa. Và nhờ đó chúng ta tiến bước vào trong niềm hy vọng hồng phúc, được phục sinh với Chúa Kitô.

Lạy Chúa, Chúa là Ánh sáng và ơn cứu độ của con, xin chiếu giãi ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ. Amen.

******************************

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

(Cv 10, 34a.37-43; Tv 117; Cl 3,1-4; Ga 20, 1-9)

Kính thưa cộng đoàn,

Chúng ta đang cử hành và sống mầu nhim trung tâm và chóp đỉnh của đức tin chúng ta, mầu nhiệm Phục Sinh. Đó là mầu nhiệm liên hệ và có tính quyết định đối với toàn bộ cuộc hiện sinh của chúng ta. Theo đó, qua sứ điệp Lời Chúa hôm nay, tôi xin gợi lên ba điểm suy niệm:

1. Khát vọng tìm kiếm Chúa

Những bước chân của những cô thôn nữ sáng sớm tinh sương đã vội vã lên đường ra mộ phần Chúa Giêsu là bước chân được đưa lối bởi tình mến thẳm sâu và phát xuất từ khát khao cháy bỏng được gặp Tôn Sư Giêsu. Thánh Thi Kinh Sáng Phục Sinh diễn tả điều đó:

Gió sớm lâng lâng quyện gió về

Trong bình minh nhuốn sắc pha lê

Thấp thoáng bóng chân người thôn nữ

Viếng mộ chẳng ngại gim sương khuya”.

Quả thực, những bước chân của yêu thương, của khát vọng đó đã dẫm trên mọi sợ hãi chốn thây ma, của tảng đá che mất mộ phần, đã giúp họ bước vào mầu nhiệm Phục Sinh. Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng” (Mc 16,5). “Bước vào ngôi mộ.” Thật là tốt cho chúng ta bước vào, bước vào vào mầu nhiệm mà Thiên Chúa đã thực hiện biến cố cao cả này.

Bước vào mầu nhiệm này đòi hỏi sự chiêm niệm, lắng nghe sự im lặng và nhận ra những tiếng thì thầm nhỏ bé giữa sự im lặng tuyệt vời trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta (x 1 Các Vua 19:12).

Bước vào mầu nhiệm này đòi hỏi đó chúng ta không sợ thực tại, nghĩa là chúng ta đừng tự nhốt chính mình, đừng chạy trốn khỏi những gì chúng ta không hiểu, đừng nhắm mắt lại trước các nan đề hoặc phủ nhận chúng, đừng lờ đi những câu hỏi của chúng ta...

Bước vào mầu nhiệm này nghĩa là vượt ra ngoài vùng thoải mái của riêng chúng ta, vượt ra khỏi sự lười biếng và sự thờ ơ đang giữ chúng ta lại, và vươn ra tìm kiếm chân lý, cái đẹp và tình yêu. Đó là tìm kiếm một ý nghĩa sâu xa, một câu trả lời không dễ cho những câu hỏi đang thử thách đức tin của chúng ta, lòng trung thành của chúng ta và chính sự hiện hữu của chúng ta.

Để bước vào mầu nhiệm này, chúng ta cần đến khiêm tốn, cần đến sự khiêm nhường hạ thấp mình xuống, đi xuống khỏi ngai của cái “tôi” quá tự hào của chúng ta. chúng ta cần sự khiêm nhường là sự bất lực, sự từ bỏ những ngẫu tượng của chúng ta. Nói tắt một lời, chúng ta cần biết tôn thờ. Nếu không có sự tôn thờ, chúng ta không thể bước vào mầu nhiệm này.

2. Phục sinh, nền tảng đức tin

Biến cố Phục Sinh của Đức Kitô giữa vai trò nền tảng trong đời sống đức tin và niềm hy vọng của chúng ta. Thánh Phaolo khẳng định chân lý này: “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã chỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh... Nếu kẻ chết không sống lại thì Đức Kitô đã không chỗi dậy. Mà nếu Đức Kitô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và đức tin của anh chị em cũng trống rỗng. Thế ra, chúng tôi là những chứng nhân giả của Thiên Chúa, bởi vì đã chống lại Thiên Chúa mà làm chứng rằng Người đã cho Đức Kitô chỗi dậy” (1Cor 15,3-4.13-15).

Cuộc Phục Sinh của Đức Kitô là sự khai mở cuộc sống hoàn toàn mới, một cuộc sống không còn dưới ách lề luật của cái chết và đổi thay, những là thực tại trường tồn. Đó là đỉnh cao của thập giá tử nạn, là hoa trái của cuộc thương khó của Chúa chúng ta.

Như vậy, mọi góc cạnh của lời rao giảng, và đức tin Kitô giáo chỉ có ý nghĩa khi quy về biến cố trung tâm là Đức Kitô Phục Sinh. Không có Người mọi lập luận điều hão huyền, và không có niềm hy vọng hồng phúc được phục sinh với Đức Kitô.

3. Sống và Loan báo niềm hy vọng hồng phúc

Trong thế giới mà như Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “cái đang thống trị là một sự thờ ơ vô tâm lạnh lùng được toàn cầu hóa, phát sinh từ sự vỡ mộng sâu xa ẩn đằng sau một ảo tưởng có tính đánh lừa: ý nghĩa rằng chúng ta toàn năng… Ảo tưởng này không chút ý thức về giá trị lớn lao của tình đệ huynh, dẫn tới một chủ nghĩa yếm thế. Và đó là con đường đưa tới sự thất vọng” (FT, 30)

Người ta tìm kiếm những gì của đời tạm, ngủ mê với những thực tại chóng qua mà không mảy may cuộc sống mai hậu, quên ngày về. Dịch Covid-19 phơi bày sự an toàn giả tạo của con người hôm nay và cho thấy sự mong manh của phận người. Con người hữu thể nhân linh ý thức cần tới ánh sáng dẫn lối cho toàn bộ ý nghĩa hiện sinh của mình. Cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Kitô đem lại ý nghĩa tròn đầy cho hiện hữu của chúng ta và toàn vũ hoàn.

Đức Thánh Cha khẳng định: “nấm mộ không phải là lời cuối cùng.[1] Vì thế, chúng ta phải tiếp tục lặp lại CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Như những người phụ nữ loan báo cho các môn đệ, cũng vậy, chúng ta cũng phải lắng nghe lời mời gọi để để thực hiện ngay và tiến bước đi loan báo cho con người thời đại chúng ta sứ điệp của niềm hy vọng. Từ rạng đông của ngày thứ ba, Chúa Giêsu chịu đóng định đã chỗi dậy, từ cuối cùng không phải là sự chết mà là sự sống.

Chúng ta, những người đã được phục sinh nếu, giữa những biến cố gây đau thương cho thế giới, nơi thế giới xa rời Thiên Chúa, chúng ta biết đặt cử chỉ của sự liên đới và đón nhận, nuôi dưỡng khát vọng hòa bình cho thế giới và nguyện vọng cho một môi trường tự do khỏi sự phân tán.  Đó là dấu hiệu phổ biến và nhân loại, nhưng, lấy cảm hứng và duy trì bởi đức tin nơi Chúa Phục Sinh, họ có thể nhận được những gì khả quan tốt đẹp hơn nơi khả năng của chúng ta. Vâng, bởi Đức Kitô hằng sống và hành động trong lịch sử nhờ Thánh Thần của Người, chuộc lại sự khốn cùng của chúng ta, hướng tới mỗi nhân tâm và tái ban tặng niềm hy vọng cho những ai bị áp bức và đau khổ.

Trong bối cảnh ấy, là kitô hữu, con người của tạo thành mới thì phải đặt nền tảng trên nguyên lý của đời sống mới là kết hợp với Đức Kitô Phục Sinh. Đó là con người đã chết đối với tội và mang lấy sự sống thần linh, mần sống của đời sống bất diệt. Vậy nên, phải hướng về thương giới, nghĩa là khước từ những gì của thế tục, của đời tạm, để tìm kiếm gia sản Nước Trời, để một ngày kia được xuất hiện với Đức Kitô Phục Sinh trong vinh quang dành cho kẻ sống.

Chúng ta hãy hân hoan tận hưởng niềm vui ngập cõi lòng của những người mang mầm sống Phục sinh và mau mắn cất bước để loan truyền niềm vui ơn cứu độ cho người khác, rằng Chúa đã Phục Sinh, Alleluia. 

 



[1] Trong buổi kinh Lạy Nữ Vương đầu tiên vào thứ Hai Phục Sinh, ngày 17.04.2017.

Lm. Hoa Thập Tự

Nguồn tin: