Các Hoạt Động Của Chúa Thánh Thần

Wed,19/05/2021
Lượt xem: 2376

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Thánh Thần là Thiên Chúa Ngôi Ba trong Ba Ngôi. Vai trò của Ngài là thánh hoá. Ngài là nguồn mạch tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con. Từ khi Chúa Giê-su về trời, Chúa Thánh Thần như là nguồn mạch chính yếu cho Giáo Hội, cho thời đại, cho mỗi chúng ta với nhiệm vụ hướng dẫn, bào chữa, an ủi,…Tuy nhiên, hình như Chúa Thánh Thần đã bị lãng quên trong tâm thức con người. Vì thế, Giáo Hội dùng ngày hôm nay để giúp chúng ta ôn lại giáo lý về Chúa Thánh Thần để nhớ đến Ngài và yêu mến Ngài.

Các bài đọc trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống hôm nay cho chúng ta nhìn thấy các khía cạnh khác nhau của Ngôi Ba Thiên Chúa. Trong bài đọc I, Sách Công vụ Tông đồ tường thuật Thánh Thần hiện xuống và đậu lại trên các Tông-đồ qua hình ảnh của cơn gió mạnh, hình lưỡi lửa, và sự kiện nói tiếng lạ. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô đề cập đến những công việc của Thánh Thần làm nơi mỗi cá nhân và toàn thể Giáo Hội. Ngài nhấn mạnh đến sự hiệp nhất trong cùng một Đức tin, một Phép Rửa, và một tình yêu; vì tất cả đều hoạt động trong cùng một Thánh Thần. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần trong việc sở hữu bình an và quyền tha thứ cho con người. Sau đây, chúng ta có thể nói rõ hơn về các hoạt động của Chúa Thánh Thần đối con người.  

Trước tiên, nơi bài đọc 1 cho chúng ta biết những điều xảy ra trong ngày lễ Ngũ Tuần: hình ảnh thứ nhất ‘tiếng gió mạnh’: “Khi đến ngày lễ Các Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp.” (Cv 2, 1-2) Trong tiếng Do-thái cũng như Hy-lạp, họ chỉ có một danh từ dùng cho cả Thánh Thần lẫn gió: ruah trong tiếng Do-thái, và pneuma trong tiếng Hy-lạp. Vì thế, Thánh Thần được đồng nhất với gió. Gió muốn thổi đâu thì thổi. Gió có tác dụng làm mát và xua đi mọi bụi bặm. Với vai trò là gió, Chúa Thánh Thần cũng sẽ làm mát cõi lòng nóng giận; tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi nơi cõi lòng mỗi người.  

Hình ảnh thứ hai là ‘lưỡi lửa’: "Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một." (Cv 2, 3). Sách Khải Huyền đồng hóa Thánh Thần với lửa (Dt 4,5). Mattheu nói tới việc chịu Phép Rửa bởi Thánh Thần và lửa (Mt 3,11; Lc 3,16). Khi nói đến lửa là nói đến sự tỏa sáng, nấu nướng, sưởi ấm, thanh luyện “lửa dùng để luyện kim như thử vàng (1Pr 1,7); Cột Lửa cũng dùng để soi sáng cho dân Israel biết đường đi (Xh 13, 21),…Thánh Thần được đồng hóa là ngọn lửa để sưởi ấm lòng người và soi sáng cho con người nhận ra sự thật, đường đi, và xua tan bóng đêm tội lỗi; đốt cháy những ‘rác thải’ tội lỗi, những thói hư tật xấu, những hờn ghen ích kỷ, những tham lam vô cảm,…

Sự kiện thứ 3 là ‘nói tiếng lạ’: "Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Jerusalem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: "Những người đang nói đó không phải là người Galilee cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?" (Cv 2, 4-8). Trong tiếng Hy-lạp, danh từ dùng để chỉ cái lưỡi (gnôssa) cũng được dùng để chỉ các ngôn ngữ khác nhau, nhưng chỉ dùng ở số nhiều (gnôssai). Khi dùng danh từ ở số nhiều, nó cũng có ý nghĩa là nói tiếng lạ. Biến cố nói tiếng là do quyền lực của Chúa Thánh Thần. Ngài làm vai trò là “phiên dịch” lời các Tông đồ nói trong trí óc khán giả, để chỉ một ngôn ngữ các ông nói ra bằng tiếng Aramaic, mọi người đều hiểu theo ngôn ngữ của họ. Họ nói: "chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa." (Cv 2, 11). Có thể nói ngay rằng nhờ Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã nói từ trái tim, nói lời yêu thương, nói lời cảm hoá khiến mọi người có thể hiểu, cảm nghiệm, hiểu và tin theo. 

Tiếp sang bài đọc 2, Thánh Phaolô giúp chúng ta nắm rõ công việc của Chúa Thánh Thần cách thiết thực: thứ nhất, Ngài hướng dẫn nhận ra sự thật và tất cả mọi sự thật, vì Ngài là Thần Chân Lý. Sự thật trên hết mọi sự thật là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Thánh Phaolô quả quyết: "Chẳng có ai ở trong Thánh Thần của Thiên Chúa mà lại nói: “Giêsu là đồ khốn kiếp!” Cũng không ai có thể nói rằng: "Đức Giêsu là Chúa," nếu người ấy không ở trong Thánh Thần.” (1Cr 12, 3b).  Thứ đến, Thánh Thần ban cho mỗi tín hữu các đặc sủng khác nhau; nhưng tất cả các đặc sủng Thánh Thần ban là cho việc xây dựng Nhiệm Thể Đức Kitô là Giáo Hội: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thánh Thần. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa.”(1 Cr 12, 4-5); Thứ ba, Thánh Thần hiệp nhất và liên kết tất cả trong cùng một Phép Rửa, một đức tin, và một tình yêu: “Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu Phép Rửa trong cùng một Thánh Thần để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất.”(1 Cr 12, 6-13).

Nơi bài Phúc Âm, chúng ta bắt gặp một sự bình an đích thực từ Chúa Giê-su Phục sinh “Bình an cho anh em.” Đức Giê-su cũng thổi hơi và ban Thánh Thần cho các môn đệ để nhờ Ngài các môn đệ chiến thắng sợ hãi và bóng tối bao trùm. Sau khi Chúa Giê-su chịu chết, sự sợ hãi bao trùm toàn thể các Tông đồ, nhưng sự hiện diện của Chúa Phục sinh ngang qua việc trao ban sự bình an cũng như Chúa Thánh Thần, các ngài đã được trấn an và tràn đầy sức mạnh. Bên cạnh đó, việc trao ban Chúa Thánh Thần của Chúa Giê-su cho các Tông đồ có vai trò hết sức quan trọng trong việc tha thứ các tội của con người. Nơi các điều kiện để xưng tội nên, Chúa Thánh Thần giữ vai trò nòng cốt để giúp con người chúng ta nhận ra sự thật qua việc Xét mình. Chúa Thánh Thần giúp chúng ta ăn năn và dốc lòng chừa tội. Khi xưng tội, Chúa Thánh Thần giúp hối nhân thú tội nơi tòa cáo giải. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần có vai trò chủ chốt cho con người trước khi đến và sau khi ra khỏi Toà Cáo Giải. Tuy nhiên, chúng ta cần biết đâu là những ơn ban cụ thể của Chúa Thánh Thần?

Thật vậy, khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, con người đón nhận Bảy Ơn Cả cao trọng như sau: Ơn thứ nhất là Khôn Ngoan, giúp ta phân biết điều phải, điều trái. Ơn thứ hai là Hiểu Biết, giúp ta hiểu biết sâu xa hơn những điều Chúa và Giáo Hội dậy. Ơn thứ ba là Biết Lo Liệu, giúp ta phải giải quyết mọi khó khăn trong đời sống. Ơn thứ tư là Sức Mạnh, giúp ta chu toàn việc bổn phận và vượt qua mọi khó khăn. Ơn thứ năm là Thông Minh, giúp ta nhận ra thánh ý Chúa. Ơn thứ sáu là Ðạo Ðức, giúp ta tin yêu Chúa và giúp đỡ anh em. Ơn thứ bảy là Kính Sợ Thiên Chúa, giúp ta tôn kính sự công bằng và quyền phép Chúa và sợ làm phiền lòng Ngài. 

Mặt khác, ngoài Bảy ơn cả trên, mỗi ki-tô hữu chúng ta còn đón nhận được mười hai Hoa Quả Chúa Thánh Thần (Gl 5, 22.23a-25) khi chúng ta sống trong Ngài và Ngài sống trong ta: Hoa quả thứ nhất là Bác Ái, giúp ta làm mọi việc vì mến Chúa. Hoa quả thứ hai là Vui Vẻ, giúp ta nhận biết lòng nhân từ của Chúa. Hoa quả thứ ba là Bình An, kết quả của niềm vui, làm cho ta được thư thái. Hoa quả thứ tư là Kiên Nhẫn, giúp ta chịu đựng những nghịch cảnh ở đời và những đau khổ do sự chết gây nên. Hoa quả thứ năm là Nhân Từ, thôi thúc ta làm sự lành cho mọi người. Hoa quả thứ sáu là Hòa Nhã, phát sinh do lòng nhân từ trong lời nói và trong việc làm. Hoa quả thứ bay là Nhẫn Nại, làm ta kiên nhẫn chịu đựng lâu dài dù không có những khích lệ bên ngoài. Hoa quả thứ tám là Hiền Lành, kìm hãm nóng giận. Hoa quả thứ chín là Tin Tưởng, giúp ta trung thành, thẳng thắn trong những giao tế với mọi người. Hoa quả thứ mười là Nhã Nhặn, làm phát sinh điều độ, chừng mực trong hành động bền ngoài. Hoa quả thứ mười một là Tiết Ðộ, chế ngự những dục vọng. Hoa quả thứ mười hai là Trong Sạch, giúp canh phòng ngũ quan để chúng không trở nên dịp tội cho ta; giúp ta coi thân xác mình và thân xác người khác như đền thờ Chúa Thánh Thần.

Quả thật, với những ơn ban của Chúa Thánh Thần vừa được nêu trên, ước mong mỗi ki-tô hữu chúng ta đón nhận được tất cả trong sự khiêm tốn và cầu nguyện để trở nên những chứng nhân loan bao Tin mừng, chứng nhân sự thật giữa một xã hội gian dối, chứng nhân của niềm hy vọng giữa cơn lốc dữ dội của đại dịch Covid, chứng nhân của niềm vui giữa thế giới đầy u buồn và chán nản,…Chỉ có Chúa Thánh Thần mới là linh hồn hay là chủ chốt cho những chứng nhân này. Do đó, nhờ các hoạt động của Chúa Thánh Thần trong con người và với con người, mỗi ki-tô hữu sẽ luôn luôn tươi mới, tràn đầy sự khôn ngoan và sức mạnh nhằm trở nên những tác nhân truyền giáo cho nhân loạn hôm nay. 

 

Nguồn tin: