BA NGÔI KHÁC BIỆT NHƯNG HIỆP NHẤT

Sat,11/06/2022
Lượt xem: 1872

 

LỄ CHÚA BA NGÔI

Cn 8,22-31; Rm 5,1-5; Ga 16,12-15

BA NGÔI KHÁC BIỆT NHƯNG HIỆP NHẤT

 

Lm. Phê rô Nguyễn Văn Hương

Suy tư về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khám phá nguồn gốc sâu xa nhất của chúng ta, bởi lẽ, chúng ta phát xuất từ Ba Ngôi và hướng về Ba Ngôi như là cùng đích đời người, như nước dòng sông phát xuất từ biển cả mênh mông và rồi trở về với nguồn gốc của nó.

1. Một chân lý được Chúa Giêsu mc khải

Lời Chúa hôm nay giới thiệu với chúng ta nền tảng Kinh Thánh về mầu nhiệm này:[1]

“Vậy, một khi được công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta… Chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa… Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,1.5).

Ba Ngôi Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần nên một với nhau, mà chúng ta tôn thờ với ba nhân đức đối thần là tin, cậy, mến.

Trong Tin Mừng, cụ thể trong diễn từ biệt ly, Chúa Giêsu nói về các ngôi vị thần linh luôn hiệp nhất với nhau như sau:

“Khi Thần Chân Lý đến, Người sẽ dẫn anh em tới chân lý toàn vẹn… Tất cả những gì Chúa Cha có thì cũng thuộc về Chúa Con: vì thế, Thầy đã nói rằng Người sẽ dùng những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,13tt).

Khi suy niệm những lời này và những bản văn khác có cùng nội dung này, Giáo Hội tin rằng Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi Vị. Nhiều người cảm thấy khó hiểu giáo huấn Ba Ngôi. Họ hỏi rằng: Ba Ngôi hiệp nhất với nhau nên một nhưng vẫn là ba có nghĩa là gì? Sao không đơn giản chỉ tin vào một Thiên Chúa duy nhất như người Do Thái và Hồi Giáo tin?

Câu trả lời là rất đơn giản. Giáo Hội tin vào Ba Ngôi không phải là giáo huấn do Giáo Hội sáng chế, nhưng đây là chân lý được Chúa Kitô mạc khải. Không ai có thể tưởng tượng ra mầu nhiệm Ba Ngôi. Mầu nhiệm này khó hiểu vì nó vượt quá khả năng lý trí con người, nhưng nó không chống lại lý trí. Tertullianô từ xa xưa nói rằng: “Tôi tin bởi vì nó là vô lý.” Ông muốn nói rằng: “Tôi tin bởi vì điều đó vượt trên lý trí của chúng ta và nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì quả là rất bình thường vì Người vượt trên lý trí của chúng ta.” Để có thể hiểu về Thiên Chúa, lý trí chúng ta phải mở ra và đón nhận mạc khải của Người.

2. Một Thiên Chúa hiệp nhất nhưng khác biệt

Chúng ta được mạc khải rằng Thiên Chúa là duy nhất nhưng lại khác biệt. Điều này vượt trên ý tưởng mà chúng ta có về sự hiệp nhất. Trong Thiên Chúa, hiệp nhất và khác biệt, nên một và hài hoà với nhau. Bởi vì các Ngôi Vị vừa hiệp nhất và vừa khác biệt. Nơi Ba Ngôi, sự đa dạng không phải là sự phân chia, mà là sự phong phú.

Có một lý do khác giúp chúng ta hiểu về chân lý này. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì không thể là một Thiên Chúa đơn độc, bởi vì tình yêu không hiện hữu nếu không có hai hoặc nhiều người. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, Người hiện hữu như một Người Yêu và một người Được Yêu và Tình Yêu nối kết họ. Kitô hữu cũng là những người độc thần; người tin vào một Thiên Chúa duy nhất, nhưng không phải là một Thiên Chúa đơn độc. Theo đức tin Kitô giáo, sự hiệp nhất của Thiên Chúa rất giống với sự hiệp nhất của một gia đình, hơn là giống sự hiệp nhất của các cá thể.

Nhưng tôi không dài dòng với những giải thích này nữa. Tôi muốn dùng giáo huấn quan trọng nhất và phù hợp nhất về đời sống Ba Ngôi, được diễn tả trong Kinh Tiền Tụng của thánh lễ này:

“Khi tuyên xưng Chúa là Thiên Chúa chân thật và hằng hữu, chúng con tôn thờ Ba Ngôi tuy riêng biệt, nhưng cùng một bản thể duy nhất và một quyền ngang nhau.”

“Ba Ngôi duy nhất, ngang hàng và khác biệt” đây là hạt nhân của mầu nhiệm. Thiên Chúa Ba Ngôi được tuyên xưng là ngang hàng về hữu thể, cấp bậc và khác biệt về nguồn gốc, ngôi vị và sứ vụ.

Từ giáo huấn này, chúng ta học được bài học gì để sống tốt trong thế giới này?

Con người có thể khác biệt về màu da, văn hoá, giới tính, chủng tộc, hay có phẩm giá bằng nhau, nhưng con người là gì xét như là những nhân vị?

Chúng ta lấy hình ảnh gia đình để giải thích giáo huấn về Ba Ngôi. Gia đình phải là sự phản chiếu ở trần gian về Ba Ngôi. Gia đình được làm nên từ những con người khác biệt về phái tính (đàn ông và đàn bà) và nhờ các thế hệ (cha mẹ và con cái), với những khác biệt: về tình cảm, về nhu cầu và sở thích. Sự thành công của một cuộc hôn nhân và một gia đình lệ thuộc ở mức độ mà sự khác biệt của mỗi người hướng tới sự hiệp nhất: hiệp nhất trong tình yêu, trong dự định và trong sứ vụ.

Sẽ là sai lầm khi một người đàn ông và đàn bà lại giống nhau về tính tình và năng khiếu; và để đi đến hoà hợp, hai người phải là vui nhộn, năng động, hướng ngoại, theo bản năng như nhau, hoặc cả hai lại phải là hướng nội, trầm tĩnh, suy tư như nhau. Như thế sẽ làm mất tính khác biệt giữa họ. Chúng ta biết những hậu quả tiêu cực của chúng có thể phát sinh cả trên bình diện thể lý. Chẳng hạn, những cuộc hôn nhân thuộc cùng họ hàng, nếu họ máu gần quá sẽ gây ra những hậu quả về di truyền như có nguy cơ bệnh tật cao và yếu kém về hệ số thông minh.

Người chồng người vợ khác biệt nhau nhưng bình đẳng với nhau, như một tấm huy chương có hai mặt, mỗi người là sự bổ túc cho người kia. Điều này giúp hiểu điều Thiên Chúa nói:

“Đàn ông ở mình mình thì không tốt: Ta muốn tạo dựng cho nó một người trợ giúp giống nó” (St 2,18).

Tuy nhiên, tất cả những điều này đòi hỏi một cố gắng để chấp nhận sự khác biệt của người khác, vì đối với chúng ta, đây là một điều khó nhất và chỉ có những người trưởng thành mới có thể đón nhận được nó.

3. Một vị Thiên Chúa gần gũi

Nhiều lúc chúng ta quan niệm sai lầm rằng mầu nhiệm Ba Ngôi là một mầu nhiệm hoàn toàn xa lạ với đời sống chúng ta và để cho các nhà thần học suy tư.

Trái lại, đây là một mầu nhiệm gần gũi nhất. Lý do rất đơn giản: chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Chúng ta mang trong mình dấu ấn hình ảnh Ba Ngôi. Và chúng ta được mời gọi để trở thành họa ảnh của sự hiệp nhất và đa dạng.

Họa sĩ Andrej Rublev, người Nga, đã để lại một bức Icôna nổi tiếng về Ba Ngôi. Ông được gợi hứng từ một đoạn Kinh Thánh: Một ngày kia, khi ở bên cây sồi Mamre, ông Ápraham đón tiếp ba nhân vật thần linh viếng thăm. Ông chào họ rằng: “Lạy Chúa tôi.” Họ là ba nhưng cũng là một vị duy nhất (x. St 18,3). Các Giáo Phụ đặc biệt xem cuộc gặp gỡ này là biểu tượng và tiên báo về Ba Ngôi.

Ba Ngôi thần linh trong Icôna giống như ba thiên thần. Mầu nhiệm Thiên Chúa “duy nhất” và “ba ngôi” được diễn tả ở đây, từ ba nhân vật phân biệt, nhưng lại ngang hàng với nhau.

Các khuôn mặt hướng về nhau một cách tuyệt vời tạo nên một vòng tròn, muốn nói lên sự hiệp thông giữa họ; nhưng sự vận chuyển khác nhau và sự hướng về nhau nói lên sự phân biệt giữa họ. Người ta cho rằng Chúa Cha là thiên thần ở bên trái, người duy nhất có đầu đứng thẳng, trong khi đó Chúa Con, Đức Giêsu Kitô là thiên thần ở giữa và Chúa Thánh Thần là thiên thần bên phải. Chúa Con và Chúa Thánh Thần, với cái đầu cúi xuống nói lên rằng Chúa Cha là nguồn suối và nguồn gốc của Ba Ngôi và cả hai được phát xuất từ Chúa Cha. Tất cả Ba Ngôi đều mặc một chiếc áo màu xanh, dấu chỉ của bản tính thần linh mà họ có chung với nhau. Nhưng ở trên hoặc ở dưới, mỗi Ngôi mặc một màu sắc phân biệt với các Ngôi khác: Chúa Cha mặc màu không thể định nghĩa được, như màu ánh sáng, dấu chỉ của sự vô hình và khôn tả của Người (không ai đã nhìn thấy Chúa Cha bao giờ); Chúa Con mặc một chiếc áo dài màu tối, dấu chỉ của nhân tính mà Người đảm nhận; Chúa Thánh Thần mặc chiếc áo dài màu xanh lơ, dấu chỉ của sự sống, vì màu xanh là màu của sự sống. Người là Đấng ban sự sống.

Tất cả trong Icôna mang tính biểu tượng. Cây màu xám ở đằng sau nhắc nhớ cây sồi ở Mamre; hình chữ nhật đằng trước bàn thờ chỉ trái đất. Bàn thờ, trên đó có một chén hiến tế con chiên, gợi lên bí tích Thánh Thể. Một hình thức tuyệt vời để nói về Ba Ngôi ban cho chúng ta Thánh Thể và hiến mình cho chúng ta nơi Thánh Thể. Trong đó, chúng ta trở thành những người “dự bàn tiệc” của Ba Ngôi; chúng ta ngồi vào chỗ phía trước còn trống, để cần khép lại vòng tròn của Icôna.

Thánh Sergio là người được tôn kính trong lịch sử nước Nga vì đã có công giúp cho các nhà lãnh đạo bất hoà được hiệp nhất với nhau và như thế đã giúp cho cuộc giải phóng của nước Nga thoát khỏi những người Tartati bành trướng khắp nơi. Khi đứng suy niệm lâu trước Icôna này, ngài có câu khẩu hiệu:

“Hãy chiêm ngắm Ba Ngôi Cực Thánh để giúp chiến thắng sự chia rẽ và thù địch của thế giới này.”

Tôi nghĩ rằng, đây cũng là sứ điệp lớn nhất mà Mầu Nhiệm Ba Ngôi gửi tới thế giới hôm nay: Hãy chiêm ngắm Ba Ngôi để chiến thắng sự chia rẽ trong gia đình, trong xã hội và hãy vượt qua những sự kỳ thị dưới mọi hình thức đang làm đau khổ thế giới. Chúng ta cần lắng nghe lời mời gọi của Chúa, mỗi lần chiêm ngắm Icôna này:

“Anh em hãy nên một, như chúng ta là một.”

Amen!

 


[1] Cần lưu ý hạn từ “Thiên Chúa” trong Tân Ước muốn nói về Thiên Chúa Cha

Nguồn tin: