Vấn đề thân xác sống lại theo tư tưởng của thánh Phaolô (1cr 15)

Mon,25/04/2022
Lượt xem: 2321

Phêrô Phạm Văn Huỳnh

Nói đến sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, thánh Phaolô đã xác tín về tầm quan trọng của biến cố này trong niềm tin Kitô giáo: niềm tin Kitô giáo đứng vững hay sụp đổ đều tuỳ thuộc vào biến cố Phục sinh (x. 1Cr 15,14). Nói đúng hơn, sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô chính là căn cước của đức tin Kitô giáo[1]. Sự kiện Phục sinh có lẽ đã là khởi điểm nguyên thuỷ và nền tảng cho sứ vụ của thánh Phaolô. Vì thế, ngài đã dùng hết khả năng của mình để trình bày giáo lý về sự sống lại của Đức Kitô. Tuy vậy, niềm tin vào Đấng Phục Sinh không hề dễ dàng gì, vì nó vượt qua mọi suy tư của lý trí thuần tuý và nằm ngoài mọi kinh nghiệm thực dụng của con người. Tại Athens, trước Hội đồng Arêôpagô, thánh Phaolô đã có bài giáo lý rất hùng hồn, nhưng người ta đã không lấy làm đều, thậm chí coi là chuyện tầm phào khi thánh nhân nói đến vấn đề kẻ chết sống lại, tức là sự sống lại của thân xác (x. Cv 17,22-33), vì ngài đã chạm đến một ‘tín điều’ mà lý trí họ đang bị nô lệ bởi các hệ thống triết lý hoặc tư tưởng tôn giáo đa thần ở Hy Lạp. Trong thư thứ nhất gửi cộng đoàn Côrintô (x. 1Cr 15), thánh Phaolô đã trình bày sự sống lại của thân xác bằng những hình ảnh gắn liền với cuộc sống hiện sinh con người. Dầu vậy, giáo lý về sự sống lại của thân xác vẫn khiến người ta bàng hoàng và nghi vấn: “kẻ chết trỗi dậy thế nào?” (1Cr 15,35). Tại sao với những kinh nghiệm như thế, thánh Phaolô không trình bày một giáo lý gì khác để hợp với lý trí con người? Đâu là nền tảng để ngài có thể rao giảng về sự sống lại của thân xác? Lời rao giảng này mang lại ý nghĩa gì cho hiện sinh của chúng ta?

1.Tầm mức của vấn đề

Đối với triết học, điều mà con người luôn suy tư khắc khoải là lý tính (logos) và đặc tính bất tử của nó. Nói khác đi, con người được định nghĩa như là hữu thể có lý tính. Con người hoàn toàn là bản thể tư duy (Cogito). Điều này cũng đồng nghĩa, thân xác con người chẳng qua là một cái gì đó rất tuỳ phụ; với triết học nhị nguyên triển khai trên nền tảng của triết học tân Plato và tân Pythagore cho rằng, thân xác là “tù ngục” để giam hãm linh hồn, chỉ có linh hồn bất hoại, và có thể hiện hữu độc lập ngoài thân xác. Vậy thì, vấn đề thân xác sống lại dưới góc độ triết học là chuyện điên rồ nhất.

Thực tế, thân xác con người dưới góc độ hoá học cũng chỉ là những nguyên tố C, H, O, N cấu tạo nên. Dưới góc độ sinh học thì được cấu tạo bởi các bộ phận (chân, tay, gan, phổi, não, …), nhỏ hơn là các tế bào, và dưới dạng thức tinh vi hơn cũng chỉ là những chuỗi ADN. Hơn nữa, triết học Đông Phương cũng cho thấy rằng, thân xác con người được cấu tạo từ đất (thân xác), nước (lượng nước trong người), gió (hơi thở), lửa (nhiệt độ), gọi là thân tứ đại và rồi sẽ tan rửa. Suy tư của triết học rất hợp với Kinh Thánh, thân xác con người được kết từ bụi đất (x. St 3,19). Và kinh nghiệm từ thuở chí kim đến nay cho hay, sau cái chết thân xác sẽ trở về với bụi đất. Như thế, vấn đề thân xác sống lại hoàn toàn nằm ngoài những kinh nghiệm và tư duy thuần lý của con người.

2.Sự kiện Phục Sinh

Sự kiện phục sinh của Đức Giêsu Kitô mang chiều kích lịch sử với dấu chỉ là “ngôi mộ trống” và “những lần hiện ra của Đấng Phục sinh”, chính thánh Phaolô cũng đã kinh nghiệm được qua sự hiện ra của Đấng Phục Sinh trên đường đi Đamas (x. Cv 9,1-9). Điều này để minh chứng rằng, sự kiện Phục sinh là điều đã được lãnh nhận từ sự mặc khải, chứ không phải là điều được nghĩ ra từ những chứng nhân đầu tiên. Mà chức năng của ngôn sứ là trình những gì đã được mặc khải, mắt thấy tai nghe nhờ thúc đẩy của Thần Khí Chúa. Đến đây, chúng ta có thể hiểu rằng, tại sao thánh Phaolô không trình bày một thứ giáo lý gì khác mà với khả năng của ngài có thể nghĩ ra để hợp với những kinh nghiệm hiểu biết của người khác. Nhưng, sự kiện Phục sinh ở đây là gì?

Thánh Phaolô đã trình bày cho cộng đoàn Côrintô biết rằng, chính Đức Giêsu đã chết thay vì tội lỗi chúng ta, nhưng hơn hết, Ngài đã chiến thắng sự chết và sống lại, và hiện ra với các chứng nhân của Người, trong đó có Phaolô (x. 1Cr 15,1-8). Sự sống lại của Người là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, chính Chúa Cha đã cho Ngài sống lại nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Quyền năng Thiên Chúa của Chúa Cha và Chúa Con và hoạt động của hai ngôi vị này là như nhau, nên việc Đức Giêsu sống lại cũng là do quyền năng riêng của mình[2]. Mạng sống của Chúa Giêsu, chính Ngài tự hiến và Ngài tự lấy lại. Nếu sự chết là hậu quả của tội, và sự tội giam hãm con người, tức nhân tính của con người rơi vào tình trạng yếu hèn và hư hoại; thì chính trong thần tính của Đức Giêsu đã đưa nhân tính của Người vào trong tình trạng vinh hiển.

Chúa Giêsu đã sống lại với nhân tính như nhân tính trước đây của Người: “cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt” (1Cr 15,53). Vậy tại sao các môn đệ không nhận ra Ngài khi Ngài hiện ra với họ? Thực tế, Chúa Giêsu phục sinh đã liên hệ trực tiếp với các môn đệ của Người qua đụng chạm (x. Ga 20,27) và qua việc chia sẻ thực phẩm (x. Ga 21,13-15). Điều này để chứng thực Người không phải là ma (x. Lc 24,39), vì thân thể phục sinh của Người chính là thân thể đã bị hành hạ và bị đóng đinh vào thập giá, bởi vì thân thể đó còn mang các vết tích của cuộc khổ nạn của Người (x. Lc 24,40).

Tuy nhiên, thân thể đích thực của Đấng Phục Sinh là một thân thể vinh hiển, nghĩa là nó không còn bị ràng buộc bởi không gian và thời gian, không còn phụ thuộc vào các quá trình sinh hoá. Đức Giêsu đã không còn ở trong sự sống tự nhiên (Bios) vốn chi phối lên cuộc sinh tử của con người trong lịch sử, nhưng Người đã bước sang cuộc sống mới mẻ, khác biệt và vĩnh cửu (Zoê)[3]. Chỉ khi Chúa Giêsu mở mắt cho các môn đệ thì lòng trí họ mới rộng mở, và ngay giữa lòng nhân thế này, họ mới nhận ra Dung Nhan của Tình Yêu vĩnh cửu đã chiến thắng sự chết. Tuy nhiên, sự sống lại của Đức Giêsu hoàn toàn khác với sự sống lại của anh thanh niên con bà goá ở thành Naim (Lc 7,11-17), con gái ông Giaia (Mc 5,35-43), Ladarô (Ga 11,1-44). Vốn dĩ sự sống lại của họ chỉ là trở về lại với bình diện cuộc sống tự nhiên và rồi phải chết. Còn Đức Giêsu nhờ quyền năng của mình để sống lại với sự sống vĩnh cửu và viên mãn (Zoê). Đây là giáo lý hoàn toàn mới mẻ, nhưng điều mới mẻ mới là một năng động của đức tin. Vì, tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa lay động[4]. Nghĩa là, tin chủ yếu là tin tưởng phó thác vào cái không do con người làm ra cũng không bao giờ có thể làm ra được, và chính vì thế nó mới thực sự là nền tảng nâng đỡ cũng như mở ra các khả thể cho hành động con người. Tin như vậy mới là điều đáng để sống.

3.Kẻ chết chỗi dậy thế nào?

Câu hỏi không chỉ là thắc mắc của người đương thời, nhưng chính là suy luận rất thuần lý của chúng ta hôm nay. Thực tế, chúng ta không có một kinh nghiệm nào về sự sống lại, nhất là sự sống lại của thân xác. Chúng ta biết rằng, Côrintô trước là một thành phố trung tâm của Hy Lạp, nên cộng đoàn này ảnh hưởng rất lớn về văn hoá triết học và văn hoá đa tôn giáo của Hy Lạp; cộng thêm đó là nền văn hoá Do Thái giáo, vốn dĩ không chân nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa thì lấy gì tin vào sự sống lại của Người. Thứ đến, những người Côrintô có thể có tư tưởng về một thứ cánh chung luận đã thực hiện rồi mang mầu sắc của ngộ đạo thuyết, cho rằng sự sống lại là một kinh nghiệm hoàn toàn thiêng liêng đã được hoàn thành trong phép Thánh Tẩy và trong việc tha thứ các tội lỗi (x. 2Tm 2,18)[5]. Thánh Phaolô cho thấy, Kinh Thánh không hề bác bỏ về quan niệm linh hồn bất tử, nhưng hơn thế, “sống lại” đó là sự bất tử của một hữu thể duy nhất, một ngôi vị. Nói khác đi, không chỉ linh hồn bất tử, mà cả thân xác cũng được sống lại trong ngày sau hết.

Sự sống lại của thân xác với kiến thức con người thì giống như một thai nhi còn trong bụng mẹ, chưa biết hay kinh nghiệm về bất cứ điều gì ở thế giới bên ngoài. “Họ lấy thân thể nào mà trở về?” (1Cr 15,36). Trước thắc mắc này, thánh Phaolô đã sử dụng hình ảnh về hạt giống để nói lên thực tại này. Ví như sự thối rửa của hạt lúa, mới sinh ra cây lúa, bông lúa, rồi các hạt lúa khác. Có thể hình thể giữa hạt giống và bông lúa khác nhau, và dĩ nhiên là vậy, có một sự thay đổi về các thuộc tính giữa hạt giống và cây, nhưng nó vẫn là “lúa”. Đó là điều cao sâu mà thánh Phaolô muốn trình bày về sự sống lại của thân xác, hình thức sống xưa phải mất đi để hình thức sống mới xuất hiện. Điều quan trọng của sự sống lại không quan trọng ở chỗ hình thể nhưng là bản thể, vì hình thể thì nằm trong cấu trúc thực nghiệm của con người, bản thể thì liên hệ đến cấu trúc thường hằng của hữu thể. Ở đây, thánh Phaolô muốn trình bày sự sống lại không làm biến đổi đi bản thể con người, trái lại, sự sống lại của con người vẫn mang lấy nhân tính, chứ không biến con người thành một thiên thần. Đương nhiên, thân xác đó đã được biến đổi vinh hiển, không còn nằm trên bình diện tự nhiên (bios), không phụ thuộc vào các quy luật sinh hoá tự nhiên, vì “gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1Cr 15,44). Điều này có thể lí giải rằng, tại sao các môn đệ không nhận ra Chúa Giêsu sau khi Người hiện ra với họ. Theo thánh Tôma Aquinô, các môn đệ không thể nhận biết Đấng Phục Sinh vì, Chúa Giêsu có thể biển đổi xác thịt mình theo thể cách đem lại cho Ngài một nét mặt khác mà người ta đã quen thấy ở Ngài, và tâm hồn các môn đệ không được sắp đặt để chấp nhận lòng tin của sự sống lại[6].

 Ở đây, thánh Phaolô cũng đặt mối tương quan giữa Adam đầu tiên và Adam cuối cùng là Đức Kitô (x. 1Cr 15,45), để nói lên một sự biến đổi tận căn từ một thực thể có sinh khí thành một thực thể có thần khí. Chắc chắn rằng, sự xuất hiện của Adam mới là Đức Kitô không loại trừ đi tất cả nhân tính trong Adam cũ, trái lại, Đức Kitô mặc lấy tất cả sự yếu hèn của nhân loại để siêu thăng và biến đổi thành một sự sống mới viên mãn. Sự sống này còn trỗi vượt hơn tình trạng nguyên thuỷ của con người.

Cần nói thêm, sự bất tử mà thánh Phaolô trình bày là sự bất tử mang tính ‘đối thoại’. Nghĩa là, sự bất tử không đơn giản do bản tính tự nhiên của một hữu thể bất khả phân và do đó bất hoại, nhưng là do hành vi cứu độ của Đấng đã yêu thương và đủ quyền năng để làm điều đó[7]. Đó chính là nhân học về sự phục sinh của thánh Phaolô, một nhân học đặt trên nền tảng Kitô học. Dĩ nhiên, nhân học này không nằm trong cơ cấu triết lý nhị nguyên, tách biệt giữa thể xác và tinh thần; nhưng sự phục sinh là toàn bộ hữu thể với sự liên kết chặt chẽ giữa hồn với xác. Điều này có lẽ đã là nền tảng cho nhân học siêu hình của thánh Tôma Aquinô say này, khi ngài chọn lý thuyết của Aristote (hồn xác liên kết chặt chẽ với nhau, tạo nên một hữu thể duy nhất) thay vì chọn Plato (xác là ngục tù giam hãm linh hồn) để trình bày về mầu nhiệm con người trên nền tảng Phục sinh. Như thế, thân xác trong toàn thể cấu trúc nhân tính không chỉ liên kết tạm thời với linh hồn, nhưng cùng với linh hồn nó tạo nên con người thống nhất và toàn vẹn[8].

4.Thân xác này sẽ mặc lấy sự bất tử

Rudolf Bultman cho rằng sự phục sinh là chuyện phi lý, có chăng cũng chỉ là một biến cố thiên nhiên lạ lùng như việc làm cho một kẻ chết sống lại, và không có ý nghĩa cho hiện sinh con người[9]. Nếu như thế thì đâu là niềm hy vọng của chúng ta, đức tin của chúng ta thành trống rỗng, và chúng ta là những kẻ đáng thương hơn ai hết (x. 1Cr 15,17-18). Không chân nhận và đặt niềm hy vọng vào Đấng Phục Sinh thì đâu là lẽ hiện hữu của chúng ta? Nếu phục sinh chỉ đơn thuần là sự bất tử của linh hồn như tư tưởng duy linh của Hy Lạp thì chúng ta phải nghĩ sao về thân xác? Sự thật nếu thân xác là một cái gì đó tuỳ phụ thì quá hay, chúng ta đâu phải day dứt với những thứ tội lỗi, vì đó là việc làm hèn yếu của thân xác. Vậy thì niềm tin vào ơn tha tội và ơn cứu độ của chúng ta có nghĩa lý gì? Giáo lý về sự phục sinh của Đức Giêsu qua lối diễn tả của thánh Phaolô đã mở ra cho chúng về sự mới mẻ của việc “kẻ chết sống lại”. Chắc chắn rằng, những suy tư thuần tuý trên đây không thêm gì vào trong chân lý về sự sống lại của Đức Giêsu Kitô, nhưng lại mở ra với những khả thể của hiện sinh con người chúng ta, kẻ đã chết hay còn đang sống.

Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15,20). Sự sống lại của Đức Kitô là để đảm bảo lời hứa, và chứng thực rằng, Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không là Thiên Chúa của kẻ chết, là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp (x. Mc 12, 26-27). Sự sống lại của Đức Kitô là dấu chỉ của một tình yêu bất diệt, một tình yêu luôn mang nguyên lý “cho”. Hơn nữa, sự sống lại ấy cũng cố niềm hy vọng cho những ai an giấc ngàn thu (x. 1Tx 4,13-14). Không có sự sống lại của Đức Kitô thì những kẻ đã an nghỉ có hiện hữu chăng thì cũng chỉ là một bóng ma hay cô hồn. Nhưng không, sự bất tử của Đức Kitô mở ra những khả thể đang khao khát về sự bất tử của những kẻ đã an giấc ngàn thu, được sống lại không chỉ linh hồn mà cả thân xác. Chính tính thể xác làm cho con người một mặt khác nhau hoàn toàn, nhưng lại liên đới với nhau, vì vậy, sự bất tử  của con người mang tính liên đới.

Sự sống lại của Đức Kitô không chỉ là nguyên lý sống lại cho những kẻ đã an giấc ngàn thu, nhưng còn là nguyên nhân đệ nhất cho sự bất tử, điều mà chúng ta, kẻ còn đang sống hằng khao khát. Chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô không chỉ ở đời này, mà còn cả hiện sinh sau cái chết, bởi vì sự chết cũng chỉ là một thành phần của hiện sinh con người. Nếu chỉ hy vọng vào Đức Kitô cho đời này mà thôi thì tại sao chúng ta không đặt niềm hy vọng đó vào tiền tài, địa vị, danh vọng có phải hơn không? Thực ra, sự phục sinh không chỉ là sự phục hồi sự sống thân xác và làm cho sự sống con người thêm mạnh khoẻ trong tình trạng nguyên vẹn của nó, nhờ xác hồn thống nhất, mà còn là một tình trạng hoàn toàn mới của sự sống con người. Nghĩa là, sự phục sinh của Đức Kitô đã mở ra một hiện sinh nhân bản mới. Nếu vì liên đới với Adam mà con người phải tiêu vong, thì con người nhờ liên đới với Đức Kitô mà được Thiên Chúa làm cho bất tử (x. 1Cr 15,22). Một sự bất tử không làm mất đi bản tính nguyên thuỷ, nhưng là một sự thần hoá nhờ quyền năng Thiên Chúa, mà mở đường là Đức Kitô. Như thế, hiện sinh nhân bản mới đặt nền tảng trên một Cá Thể, và từ đó, Cá Thể mở ra ơn cứu độ cho toàn thể, ngoài ra không còn cách nào khác. Bởi thế, tín điều “kẻ chết sống lại” luôn đặt trên nền tảng của Kitô học, nghĩa là sự sống lại vinh hiển của Đức Kitô, chứ không là một điều gì đó hiển nhiên từ trong bản tính.

Qua sự trình bày giáo lý về kẻ chết sống lại, thánh Phaolô đã cho thấy đó là một quá trình của sự tâm linh hoá và thần hoá. Sự thần hoá không làm cho con người biến đổi thành một loài khác, nhưng là sự siêu thăng để con người càng nên giống là hình ảnh của Thiên Chúa. Giống hình ảnh của Thiên Chúa không chỉ là tinh thần, mà còn là thân xác trong một hữu thể duy nhất. Hữu thể duy nhất là một con người trọn vẹn, một ngôi vị. Thân xác con người là thân xác duy nhất  có khả năng phục sinh, nghĩa là có khát vọng và khả năng trở nên bất diệt, thì đó là vì, con người hiện hữu ban đầu như một cá vị thống nhất thể xác tâm thần có thể đón nhận và tái hiện trên mặt đất này hình ảnh của Thiên Chúa[10].

Sự thần hoá thực chất là sự tác động của Thần Khí Chúa. Một sự biến đổi sâu tận căn từ hữu thể con người, nhờ sức mạnh của Thiên Chúa. Điều quan trọng là, sự thần khoá không chỉ là một khoảnh khắc trong ngày chung thẩm, nhưng nó diễn ra trong từng giây từng phút của cuộc sống chúng ta. Đó chính là sự tôn trọng và yêu mến thân xác chúng ta bằng chính thái độ mà thánh Phaolô đã khuyên nhủ, thân xác chính là đền thờ của Thánh Thần, vì thế, chúng ta hãy dùng thân xác mà thờ phượng và tôn vinh Thiên Chúa (x. 1Cr 6,19-20). Tôn trọng thân xác như là sự tốt đẹp của công trình tạo dựng từ Thiên Chúa cũng chính là đặc tính của sự bất tử. Thân xác cùng với tinh thần làm nên một sự hiện hữu trọn vẹn trong Thiên Chúa, là Đấng Hiện Hữu. Một điều chắc chắn rằng, nếu thân xác là nơi để gian dâm, ăn chơi trác táng, thì sẽ chuốc lấy sự huỷ diệt toàn bộ hữu thể con người, con người sẽ trở về tình trạng của sự hư vô hoá, chứ không hề có kiểu nhị nguyên luận: xác làm xác chịu, còn tinh thần thì nguyên tuyền và bất diệt.

 

 



[1] ĐGH Bênêđictô XVI (bản dịch của Lm Nguyễn Văn Trinh), Đức Giêsu thành Nagiarét – phần 2, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, 293

[2] x. Tôma Aquinô, Summa Theologiae III, q.53, a.4.

[3] x. ĐGH Bênêđictô XVI (Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Loan dịch), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2009, 327.

[4]x. Tôma Aquinô, Summa Theologiae II-II, q.2, a.2

[5] x. Gs Đaminh Phạm Xuân Uyển, Các thư Phaolô, Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 2015, 322.

[6] x. Tôma Aquinô, Summa Theologiae III, q.55, a.4 – a.5.

[7] x. ĐGH Bênêđictô XVI (Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Loan dịch), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, op.cit., 376.

[8] x. GH Gioan Phaolô II (Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn dịch), Thần học về thân xác, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2016, 488.

[9] ĐGH Bênêđictô XVI (bản dịch của Lm Nguyễn Văn Trinh), Đức Giêsu thành Nagiarét – phần 2, op.cit., 295.

[10] x. GH Gioan Phaolô II (Lm Luy Nguyễn Anh Tuấn dịch), Thần học về thân xác, op.cit., 521.

Nguồn tin: