Giáo huấn của Đức Phanxicô về tính hiệp hành trong bối cảnh suy tư thần học và đại kết đương thời

Mon,11/04/2022
Lượt xem: 1130

Janusz Bujak

 

Dẫn Nhập

 

Các văn kiện của Công đồng Vatican II bị chi phối bởi giáo hội học phổ quát. Tuy nhiên, trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội – Lumen Gentium [LG], chúng ta cũng có thể thấy rõ được những khởi điểm của tư tưởng thần học về Giáo hội địa phương (x. Sacrosanctum Concilium [SC], số 11; Lumen Gentium, số 23; Ad Gentes, số 19-22; Christus Dominus [CD], số 11), là Giáo hội có nền tảng nơi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, và bản chất bí tích của nó đạt tới sự diễn tả trọn vẹn nhất trong cử hành Thánh thể.[2] Giáo hội hiệp thông và trở nên hiệp thông ngày một hơn qua bí tích Thánh thể, là bí tích tự bản chất mang tính hiệp thông.[3] Như Đức Hồng y Ratzinger nhấn mạnh, giáo hội học về hiệp thông nằm ở nơi trung tâm của giáo thuyết về Giáo hội được Công đồng trình bày như một yếu tố vừa mới mẻ lại đồng thời đã bắt bén rễ từ tận thuở khai nguyên Kitô giáo.[4] Nhờ ý tưởng hiệp thông/cộng đoàn, Công đồng quay lại với lối suy tư về Giáo hội và việc sống chiều kích Giáo hội như đã được thể hiện trong thiên niên kỷ đầu tiên của Kitô giáo, và dĩ nhiên cũng nhờ những tiếp xúc với di sản thần học và phụng vụ của các Giáo hội Đông Phương và khoa giáo hội học Thánh thể của N. Afanassieff.[5] Chắc chắn Công đồng đã có công lớn trong việc tái khám phá bí tích Thánh thể trong tư cách là một bí tích của Giáo hội và cho thấy mối tương quan giữa hai thực tại này. Thông qua khoa giáo hội học hiệp thông này, Công đồng Vatican II đã khôi phục lại lối suy tư về Giáo hội và phương thế sống chiều kích Giáo hội như đã được thể hiện cả ở Đông phương và Tây phương trong thiên niên kỷ thứ nhất, khi các Giáo hội địa phương đã sống trong sự hiệp thông nhờ nhiều mối liên kết với Giáo hội Rôma như là điểm qui chiếu của mình.[6] Giáo hội học của Công đồng cũng giúp cho các Kitô hữu đến từ các Giáo hội khác và các cộng đoàn giáo hội nhận ra rằng Giáo hội Công giáo không phải là tảng đá nguyên khối, nhưng còn được nên trọn nơi các Giáo hội địa phương/đặc thù do các giám mục cai quản.[7] Sau Công đồng Vatican II, giáo hội học về Giáo hội địa phương đã có được sự phát triển nhờ các thần học gia như J. Ratzinger, G. Philips, Y. Congar và H. de Lubac.[8]

Khám phá thứ hai của Vatican II và hệ quả của khám phá ấy trong giai đoạn hậu công đồng là tính hiệp hành. Với mục đích khôi phục lại thực hành về Thượng Hội đồng ở cấp độ Giáo hội hoàn vũ, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục cho Giáo hội hoàn vũ (18/11/1965) nằm trực tiếp dưới quyền Đức Giáo hoàng và có nhiệm vụ tư vấn cho ngài.

Nhân dịp Năm thánh 2000, Đức Gioan Phaolô II, khi tổng kết lại việc đưa vào thực hành giáo huấn của Công đồng về Giáo hội như là sự hiệp thông, đã tuyên bố rằng – dù cho nhiều điều đã được thực hiện – “…thì chắc chắn vẫn còn đó rất nhiều việc cần làm, để nhận ra toàn bộ tiềm năng của những văn kiện này về sự hiệp thông… bởi vì sự cần thiết phải đáp lại cách kịp thời và hiệu quả những vấn nạn mà Giáo hội phải đối diện trong thời đại biến động nhanh chóng này”.[9] Trong hơn 50 năm từ khi Công đồng cuối cùng diễn ra cho đến ngày nay, việc nhận thức về Giáo hội như là sự hiệp thông đã tăng triển sâu rộng nơi Dân Thiên Chúa và những kinh nghiệm tích cực về tính hiệp hành đã xuất hiện ở các cấp độ giáo phận, miền và hoàn vũ.[10]

Triều đại của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã mang đến những động lực mới cho việc thực thi tư tưởng giáo hội học về Giáo hội địa phương và tính hiệp hành. Giáo huấn và những cải tổ của ngài cho thấy tầm quan trọng ngày một tăng của Giáo hội địa phương và các cấu trúc vùng miền trong giáo hội học Công giáo đương thời.

Bài viết này có mục đích trình bày giáo huấn của Đức Phanxicô về chủ đề này trong bối cảnh suy tư thần học đương thời, bao gồm việc tham chiếu đến văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế năm 2018 với tiêu đề Tính hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội và đến các văn kiện đối thoại thần học Công giáo - Chính thống.

1. Những thiếu hụt về tính hiệp hành dưới triều Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II?

Sau khi Đức Phanxicô được bầu lên ngôi Giáo hoàng, nhiều thần học gia đã lưu ý rằng, dưới triều đại giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, có một sự đình trệ nào đó trong việc phát triển tính hiệp hành do tầm quan trọng ngày một tăng của Giáo triều Rôma. Hermann Pottmeyer viết rằng Đức Gioan Phaolô II chắn chắn đã đón nhận và đào sâu nhiều phương diện của Vatican II, nhưng vì ngài thường xuyên vắng mặt tại Vatican, Giáo triều Rôma thấy thuận tiện để kìm hãm vấn đề phân hóa trong Giáo hội theo cách thế của riêng mình, cụ thể là thông qua các chỉ thị và các cuộc kiểm tra.[11] Hiện nay, nhiều người đặt vấn đề rằng chẳng phải việc lạm dụng chủ nghĩa tập quyền đang làm tê liệt Giáo hội giống như những nguy cơ khác mà Giáo hội đang tìm cách giải quyết hay sao. Có nhiều dấu hiệu cho thấy Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn quay lại với những cải tổ của Vatican II và Đức Phaolô VI, được minh họa qua sự năng động mới mẻ về thiết định Thượng Hội đồng Giám mục mà ngài đem tới. Chủ nghĩa tập quyền được đặc trưng hóa bởi lối quản trị từ trên xuống, nhấn mạnh về mặt thẩm quyền và sự kiểm soát. Đức Phanxicô đưa ra dấu hiệu cho thấy ngài muốn coi trọng sự tương giao từ dưới lên trên. Ngài đã làm rõ điều này trong diễn văn dành cho Giáo triều Rôma vào ngày 22/12/2014, theo đó, ngài phê bình cách vận hành và mời gọi Giáo triều thay đổi phong cách làm việc.[12] Các tác nhân thực sự quyết định đến việc canh tân cùng với Đức Giáo hoàng không phải là các thành viên của Giáo triều Rôma, nhưng là các giám mục trong tư cách kế vị các Tông đồ và là đầu của các Giáo hội địa phương.[13]

Hervé Legrand, tu sĩ người Pháp thuộc dòng Đaminh cũng tin rằng chương III của Hiến chế Lumen Gentium – “Về cơ cấu phẩm trật Giáo hội và đặc biệt về chức Giám mục” – đã không được thi hành hợp cách bởi vì sau Công đồng, bản văn ấy được đọc bằng chiếc chìa khóa giáo hội học phổ quát, thứ đã ngăn cản sự khám phá điều mà Hiến chế dạy về Giáo hội như là sự hiệp thông của các Giáo hội [communio Ecclesiarum].[14]  Một điển hình về tàn dư của giáo hội học phổ quát trong các văn kiện công đồng, theo Legrand, là mệnh đề nằm trong số 22 của Lumen Gentium: “Vì thế, một người được thiết định là thành viên của cộng đoàn Giám mục nhờ sự thánh hiến bí tích và nhờ sự hiệp thông phẩm trật với vị Thủ lãnh và những phần tử của Giám mục đoàn”. Hậu Công đồng, công thức này đã cho phép tách biệt tập đoàn giám mục [collegium episcoporum] ra khỏi sự hiệp thông của các Giáo hội [communio Ecclesiarum], tức thiếu đi mối tương thuộc giữa các giám mục và các Giáo hội của các ngài, giữa tập đoàn giám mục và sự hiệp thông của các Giáo hội. Theo Legrand, việc giải thích số 22 của Lumen Gentium bởi các thành viên Giáo triều Rôma dưới triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II đã giản lược khái niệm sự hiệp thông của các Giáo hội [communio Ecclesiarum] thành sự hiệp thông của Giáo hội [communio Ecclesiae], các văn kiện được ban hành dưới triều Giáo hoàng Gioan Phaolô II xác thực cho điều đó: chẳng hạn, Bộ Giáo luật 1983 điều 336,[15] Huấn thị về các công nghị giáo phận De Synodiis Dioecesianis Agendis năm 1997,[16] một văn kiện giới hạn tầm quan trọng của các công nghị giáo phận và tách chúng ra khỏi thần học về Dân Thiên Chúa, Tự sắc Các Tông đồ của Người [Apostolos Suos][17] và Để bảo vệ đức tin [Ad Tuendam Fidem][18] năm 1998, hai văn kiện giới hạn tầm quan trọng của các hội đồng giám mục, tước bỏ đi tầm quan trọng của Huấn quyền thông thường khỏi quyền giáo huấn của các hội đồng giám mục, và cuối cùng là thư Khái niệm Hiệp thông [Communionis Notio][19], một văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin vào năm 1992, ở điểm thứ 9 nói đến tính ưu việt về mặt bản thể và trình tự thời gian của Giáo hội hoàn vũ so với các Giáo hội địa phương, tương đối hóa công thức “trong và nhờ các Giáo hội” [in quibus et ex quibus] của Lumen Gentium số 23. Legrande tin rằng mối tương quan giữa tập đoàn giám mục và sự hiệp thông của các giáo hội cần được canh tân và một sự giải thích chính xác về Chương III của Lumen Gentium cần được thực hiện.[20]

Theo các thần học gia kể trên, Đức Giáo hoàng Phanxicô, khi tuyên bố sự cần thiết phải tăng cường tính hiệp hành của Giáo hội, đã quay trở lại đúng với tư tưởng của các nghị phụ Công đồng Vatican II và thực hiện một cuộc chuyển đổi từ giáo hội học phổ quát sang giáo hội học về Giáo hội địa phương, điều đã có được sự phát triển trong hơn 40 năm qua nơi cuộc đối thoại thần học Công giáo - Chính thống.

2. Tầm quan trọng của tính hiệp hành và Giáo hội địa phương trong giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô

Trong diễn văn phát biểu vào ngày 17/10/2015 nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng “con đường hiệp hành này chính xác là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của ngàn năm thứ ba”.[21] Đức Thánh cha nhấn mạnh tính hiệp hành chính là “yếu tố cấu thành Giáo hội” vậy nên “điều mà Chúa đang đòi hỏi chúng ta đã tồn tại một cách nào đó chính nơi hạn từ ‘synod’”.[22] Cũng trong diễn văn này, Đức Phanxicô còn nhấn mạnh rằng tính hiệp hành liên hệ đến Giáo hội ở mọi cấp độ, nhưng bắt đầu với Giáo hội địa phương: “Cấp độ đầu tiên của việc thực thi tính hiệp hành được thực hiện nơi các Giáo hội địa phương. Sau khi đề cập đến thiết định quý giá Công nghị Giáo phận, là nơi mà các linh mục và giáo dân được kêu gọi để cộng tác với giám mục vì ích lợi của toàn thể cộng đoàn giáo hội, Bộ Giáo luật dành nội dung lớn cho điều thường được gọi là “các cơ cấu hiệp thông” trong Giáo hội địa phương: hội đồng linh mục, ban tư vấn, hội kinh sĩ và hội đồng mục vụ. Chỉ trong chừng mực mà các cơ cấu này giữ được kết nối với “cấp cơ sở” và khởi đi từ con người và những vấn đề hằng ngày của họ, thì một Giáo hội hiệp hành mới có thể bắt đầu định hình: những phương tiện này, dù khi chúng tỏ ra tẻ nhạt, vẫn phải được coi trọng như là cơ hội để lắng nghe và chia sẻ”.[23] Tuy nhiên, bởi vì không một Giáo hội địa phương nào có thể tồn tại bên ngoài sự hiệp thông với các Giáo hội địa phương khác, mà đứng đầu trong số đó là Giáo hội Rôma, nên cần thiết phải có những mức độ hiệp hành cao hơn, ở cấp độ miền và hoàn vũ, nơi các Giáo hội địa phương được đại diện bởi các giám mục của mình.[24]

Đức Phanxicô đã lựa chọn giáo hội học về Giáo hội địa phương và tính hiệp hành, thực tế ấy cũng được xác nhận bởi Tông huấn Niềm vui Tin mừng [Evangelii Gaudium – EG], ở đó, tiếp bước Vatican II, Đức Thánh cha làm nổi bật rằng Giáo hội địa phương là sự hiện thực hóa trọn vẹn Giáo hội Đức Kitô: “Mỗi Giáo hội địa phương, là một phần của Giáo hội Công giáo dưới sự lãnh đạo của giám mục, cũng được kêu gọi hoán cải truyền giáo. Giáo hội địa phương là chủ thể chính yếu của việc Phúc âm hóa, bởi đó là biểu hiện cụ thể của Giáo hội duy nhất tại một nơi chốn đặc thù, và trong đó, ‘Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Đức Kitô thực sự hiện diện và hoạt động’ (CD, số 11)” (EG, số 30).[25] Cũng trong Tông huấn này, Đức Thánh cha đề cập đến việc tập trung quyền lực quá mức vào chức vụ giáo hoàng gây phương hại cho tập đoàn tính: “Việc tập trung hóa quá mức, thay vì tỏ ra hữu ích, lại gây khó khăn cho đời sống và tầm mức hoạt động truyền giáo của Giáo hội” (EG, 32). Cũng thế, trong Tông hiến Tình hiệp thông Giám mục [Episcopalis Communio – ECvề Thượng Hội đồng Giám mục (18/09/2018), Đức Thánh cha nhấn mạnh rằng Thượng Hội đồng là cơ hội cho Giáo hoàng, các giám mục và giáo dân lắng nghe nhau (x. EC, số 5,6,8).[26] Sự thay đổi cách diễn đạt điều 838 Bộ Giáo luật về Thủ tục biên dịch các sách phụng vụ trong tự sắc Nguyên tắc chính yếu [Magnum Principium] (09/09/2017) đưa đến một hướng dẫn tương tự, tăng cường hơn nữa thẩm quyền của các Hội đồng Giám mục trong vấn đề này.[27]

3. Giáo hội địa phương và tính hiệp hành trong Văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế về Tính hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội

Để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của tính hiệp hành và Giáo hội địa phương trong giáo huấn của Đức Phanxicô, thật hữu ích việc tham khảo đến văn kiện của Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC) với tiêu đề Tính hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội, một tài liệu được triển khai trong các năm 2014 đến 2017.[28] Văn kiện này, sau khi nhận được sự chuẩn y của Đức Hồng y Luis F. Ladaria, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức Tin, và sự tán thành của Đức Thánh cha Phanxicô, đã được xuất bản vào năm 2018.[29] Văn kiện bao gồm một ghi chú sơ khởi, phần dẫn nhập, bốn chương, và phần kết luận.

Trong phần dẫn nhập (số 1-10), các tác giả của bản văn giải thích ý nghĩa nội dung của thuật ngữ “tính hiệp hành” và chỉ ra sự hiện diện của nó trong giáo huấn của Công đồng Vatican II cũng như Huấn quyền hậu công đồng (số 2). Cốt lõi của tính hiệp thành theo tinh thần của Vatican II là sự hiệp thông của tất cả những người đã chịu phép rửa, họ được phú ban những đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ đa dạng, điều này được diễn tả hoàn hảo nhất nơi cộng đoàn Thánh thể (số 6). Tuy nhiên, quan trọng là phải phân biệt tính hiệp hành và tính tập đoàn. Trong khi thuật ngữ hiệp hành quy chiếu đến sự dấn thân và tham dự của toàn thể Dân Thiên Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội, thì thuật ngữ còn lại biểu thị sự thực thi thừa tác vụ giám mục nhắm đến việc phục vụ các Giáo hội địa phương được trao phó cho các ngài chăm sóc và sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương bên trong Giáo hội phổ quát duy nhất của Đức Kitô, là Giáo hội được nhận thức qua sự hiệp thông phẩm trật của tập đoàn giám mục với Giám mục Rôma. Do đó, tập đoàn tính là một hình thức đặc thù, trong đó tính hiệp hành của Giáo hội được biểu lộ và được nhận thức thông qua thừa tác vụ của các giám mục ở cấp độ hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương thuộc miền và ở cấp độ hiệp thông giữa tất cả các Giáo hội trong Giáo hội hoàn vũ. Tự bản chất, mọi sự biểu lộ đích thực của tính hiệp hành đòi hỏi việc thực thi thừa tác vụ tập đoàn của các giám mục (số 7).

Văn kiện qui chiếu đến giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngài nhấn mạnh rằng “Tính hiệp hành, với tư cách là yếu tố cấu thành nên Giáo hội mang lại cho chúng ta khuôn khổ diễn giải phù hợp nhất để hiểu chính thừa tác vụ phẩm trật”[30] và rằng, theo giáo thuyết về cảm thức đức tin của các tín hữu [sensus fidei fidelium], mọi thành viên của Giáo hội đều là tác nhân tích cực của việc Phúc âm hóa.[31] Tính hiệp hành tuyệt đối cần thiết cho cả việc thức tỉnh lòng nhiệt thành truyền giáo của toàn thể Dân Thiên Chúa lẫn việc dấn thân cho hoạt động đại kết của các Kitô hữu, bởi vì đó là một lời mời gọi bước đi cùng nhau trên nẻo đường dẫn đưa tới sự hiệp thông trọn vẹn và tạo ra không gian cho việc hiện thực hóa sự hiệp nhất trong tính đa dạng dưới ánh sáng của chân lý (số 9).

Chương đầu tiên của văn kiện, với tiêu đề Tính hiệp hành trong Kinh thánh, Truyền thống và Lịch sử (số 11-41), cho thấy các nguồn cội của hình thức hiệp hành của Giáo hội trong mặc khải Thánh kinh, trong đó, Công đồng Giêrusalem có một vị thế đặc biệt (Cv 15,4-29). Tiếp đó, văn kiện mô tả sự phát triển của các hình thức khác nhau về tính hiệp hành trong thiên niên kỷ thứ nhất và thứ hai của Giáo hội. Các tác giả của văn kiện lưu ý rằng, Công đồng gần đây nhất, trong Sắc lệnh về Giám mục [Christus Dominus], đã nhấn mạnh giá trị chủ thể của Giáo hội địa phương và kêu gọi các giám mục thực thi việc chăm sóc mục vụ dành cho Giáo hội được trao phó cho các ngài trong sự hiệp thông với hàng linh mục, cùng với sự trợ giúp của một nghị viện hay hội đồng linh mục được chỉ định cho mục tiêu này, và thiết lập trong mỗi giáo phận một hội đồng mục vụ bao gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Sắc lệnh cũng bày tỏ mong ước rằng, ở cấp độ hiệp thông giữa các Giáo hội trong một miền, định chế đáng kính là các Công nghị Giáo tỉnh được phục hồi và cổ võ sự phát triển của định chế các Hội đồng Giám mục (số 40).

Chương thứ hai với tiêu đề Hướng tới một nền Thần học về Tính hiệp hành (số 42-70) đề cập đến Thiên Chúa Ba ngôi như là nền tảng của Giáo hội, đến mức người ta có thể nói rằng Giáo hội là đoàn dân được hợp nhất bắt nguồn bởi Ba Ngôi [de Trinitate plebs adunata][32] (số 43). Sự tham dự trọn vẹn, ý thức và tích cực nơi cộng đoàn Thánh thể là cội nguồn và chóp đỉnh của tính hiệp hành.[33] Được như vậy là “bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17). Bí tích Thánh thể cũng là nơi chốn gặp gỡ của các Giáo hội địa phương khác nhau trong sự hiệp nhất của một Giáo hội duy nhất, như đã được minh thị bởi các văn kiện của Giáo hội từ Qui định dự Công nghị [Ordo ad Synodum] dành cho các Công đồng được triệu tập tại Toledo vào thế kỷ thứ VII cho đến sách Nghi thức Giám mục [Caeremoniale Episcoporum] năm 1984, chúng cho thấy đặc tính phụng vụ của cộng đoàn hiệp hành bởi việc bao gồm cả cử hành Thánh thể lẫn việc suy tôn Tin mừng như là phần khởi đầu và tâm điểm (số 47).

Sau đó, văn kiện chỉ rõ các nguyên tắc căn bản cho một cách hiểu đúng đắn về tính hiệp hành dưới phương diện giáo hội học hiệp thông được chứa đựng trong Hiến chế Tín lý Lumen Gentium. Chính sự sắp đặt các chương đầu tiên: Mầu nhiệm Giáo hội (chương 1), Dân Thiên Chúa (chương 2), Cơ cấu phẩm trật của Giáo hội (chương 3) diễn giải ý tưởng phẩm trật thuộc giáo hội phục vụ Dân Thiên Chúa để họ có thể hoàn thành sứ vụ của mình theo đúng với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (số 54). Tính hiệp hành có nghĩa là tất cả những ai đã chịu phép rửa đều là σύνοδοι, là những người cùng dấn bước hành trình, được kêu gọi để đóng vai trò tích cực bởi họ cùng chia sẻ vào chức linh mục duy nhất của Đức Kitô (LG, số 10) và lãnh nhận những đặc sủng khác nhau được Thánh Thần ban tặng nhằm hướng đến lợi ích chung (LG, số 12, 32) (số 55). Bởi phép rửa, tất cả tín hữu được kêu gọi làm chứng và công bố Lời chân lý và sự sống, vì họ là thành viên của dân ngôn sứ, tư tế và vương đế của Thiên Chúa (GLHTCG, số 783-786). Các giám mục thực thi quyền bính tông đồ dành riêng cho các ngài trong việc giáo huấn, thánh hóa và quản trị Giáo hội địa phương được trao phó cho các ngài chăm sóc mục vụ nhằm phục vụ cho sứ vụ của Dân Thiên Chúa (số 56).

Bàn về tính hiệp hành trong năng động hiệp thông Công giáo, văn kiện của ITC phát biểu rằng Giáo hội phổ quát hóa điều thuộc về địa phương và địa phương hóa điều thuộc về phổ quát, đến mức đặc thù tính của Giáo hội địa phương được nên trọn trong Giáo hội phổ quát, và Giáo hội phổ quát được tỏ lộ và hiện thực hóa trong các Giáo hội địa phương – trong sự hiệp nhất của các Giáo hội ấy với nhau và với Giáo hội Rôma. Văn kiện trích dẫn tuyên bố của Đức Phaolô VI trong Tông huấn Loan báo Tin mừng [Evangelii Nuntiandi], số 62: “Như vậy, mỗi Giáo hội địa phương nếu tự ý cắt đứt khỏi Giáo hội phổ quát sẽ đánh mất tương quan với kế hoạch của Thiên Chúa và bị suy kiệt chiều kích Giáo hội của mình. Nhưng đồng thời, Giáo hội tràn lan khắp mặt đất [toto orbe diffusa] sẽ nên trừu tượng nếu không mang lấy thân thể và sự sống thông qua chính Giáo hội địa phương. Chỉ có chú ý liên tục đến hai thái cực này của Giáo hội mới giúp chúng ta nhận thức được sự phong phú của mối liên hệ giữa Giáo hội phổ quát và các Giáo hội địa phương”[34] (số 59).

Sự đa dạng của các Giáo hội địa phương, với các nghi điển phụng vụ, di sản thần học, các ân sủng thuộc linh và các qui tắc giáo luật, “là minh chứng rõ ràng cho đặc tính công giáo của một Giáo hội không thể phân ly” (LG, số 23) (số 71). Người kế vị Thánh Phêrô, trung tâm của sự hiệp nhất, “đứng đầu toàn thể cộng đoàn đức ái, bảo toàn các dị biệt hợp pháp, đồng thời lưu tâm giữ gìn sao cho các dị biệt ấy không làm phương hại, trái lại còn phục vụ cho sự hiệp nhất (LG, số 13). Thừa tác vụ Phêrô là để phục vụ sự hiệp nhất của Giáo hội và đồng thời đảm bảo cho đặc tính riêng của mỗi Giáo hội địa phương (số 61).

Chiều kích hiệp hành của Giáo hội biểu lộ chủ thể tính của tất cả những ai đã chịu phép rửa, và đồng thời, thể hiện vai trò chuyên biệt của thừa tác vụ giám mục trong sự hiệp thông tập đoàn và phẩm trật với Giám mục Rôma. Nhãn quan giáo hội học này mời gọi chúng ta thúc đẩy sự tăng triển của mối hiệp thông mang tính hiệp hành giữa “tất cả”, “một số” và “một”. Ở các cấp độ khác nhau – cấp độ của các Giáo hội địa phương, cấp độ của tổ chức cấp miền và cuối cùng là cấp độ Giáo hội hoàn vũ – tính hiệp hành bao hàm việc áp dụng cảm thức đức tin [sensus fidei] của toàn thể tín hữu [universitas fidelium] (tất cả), thừa tác vụ của tập đoàn giám mục cũng như linh mục đoàn (một số) và thừa tác vụ hiệp nhất của giám mục Rôma (một) (số 64).

Trong tầm nhìn mang tính Công giáo và tông truyền của tính hiệp hành, có một mối liên hệ hỗ tương giữa sự hiệp thông các tín hữu [communio fidelium], sự hiệp thông các giám mục [communio episcoporum] và sự hiệp thông các giáo hội [communio ecclesiarum]. Khái niệm tính hiệp hành rộng hơn khái niệm tính tập đoàn bởi vì nó bao hàm sự tham dự của mọi người trong Giáo hội và của mọi Giáo hội. Tính hiệp hành hàm ngụ khái niệm tính tập đoàn và ngược lại, bởi vì, tuy khác nhau nhưng chúng lại bổ trợ hỗ tương và xác thực cho nhau. Giáo huấn của Vatican II về tính bí tích của chức giám mục và tính tập đoàn là tiền đề thần học nền tảng cho một nền thần học chính thực và trọn vẹn về tính hiệp hành (số 66).

Chương thứ ba mang tiêu đề Thực thi tính hiệp hành: các chủ thể, cơ cấu, diễn trình và sự kiện hiệp hành (số 71-102) cho thấy những khả thể dành cho việc thực thi tính hiệp hành trong thực tế theo chiều kích giáo hội học của Công đồng Vatican II ở cấp độ Giáo hội địa phương, các tổ chức theo miền và Giáo hội hoàn vũ, chỉ ra những chủ thể khác nhau can dự vào các diễn trình và các sự kiện hiệp hành (số 71). Chương này đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các Hội đồng Giám mục (số 89-91) và các Thượng Hội đồng Giám mục (số 99-100).

Sau cùng, chương thứ tư được đặt tiêu đề là Hoán cải để canh tân tính hiệp hành (số 103-119). Sự canh tân về mặt hiệp hành của Giáo hội được tiến hành qua việc hồi sinh lại các cơ cấu hiệp hành, nhưng đầu tiên và trên hết được biểu lộ trong sự đáp trả lại lòng nhân từ của Thiên Chúa, Đấng kêu gọi chúng ta sống trong tư cách là dân của Người, một dân bước đi cùng nhau qua dòng lịch sử để tiến về sự hoàn tất của Vương quốc (số 103).

Canh tân tính hiệp hành cũng có nghĩa là một sự dấn thân cho hoạt động đại kết liên hệ đến toàn thể Dân Thiên Chúa và kêu gọi sự hoán cải của con tim và mở lòng cho nhau, nhằm phá đổ những bức tường của khác biệt đã chia cắt các Kitô hữu từ hàng thế kỷ, và để khám phá, chia sẻ và vui mừng vì những kho tàng phong phú, là thứ hiệp nhất chúng ta, chúng là những ân huệ của Đức Chúa duy nhất mà chúng ta cùng chia sẻ khi nhận lãnh phép rửa (số 115). Hoạt động đối thoại thần học đại kết, đặc biệt với Giáo hội Chính thống, làm bổi bật tầm quan trọng của tính hiệp hành trong thiên niên kỷ thứ nhất của Giáo hội. Văn kiện gần đây nhất vẫn còn hiệu lực cho đến nay – tại Chieti năm 2016 – tuyên bố rằng vào thiên niên kỷ thứ nhất, Giáo hội tại Đông và Tây phương, khi sống trong sự hiệp thông, với những căn nguyên vững chắc dựa vào Ba Ngôi, đã khai triển các cấu trúc hiệp hành có liên hệ chặt chẽ với quyền tối thượng. Di sản thần học và giáo luật của những cấu trúc này là “điểm tham chiếu cần thiết và nguồn năng lượng truyền cảm hứng cho cả những người Công giáo lẫn Chính thống khi họ, vào khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, tìm cách chữa lành những vết thương của sự chia rẽ” (số 116).[35]

Việc đồng thuận với nhãn quan này về Giáo hội cho phép chúng ta tập chú vào những vấn đề thần học quan trọng vẫn đang chờ được giải gỡ. Cách đặc biệt, những vấn đề này bao hàm việc làm sáng tỏ sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương và Giáo hội hoàn vũ, là điều được biểu lộ trong sự hiệp thông giữa các giám mục của các Giáo hội địa phương với Giám mục Rôma. Trong bối cảnh này, thực thi đời sống hiệp hành và đào sâu ý nghĩa thần học của nó là một thách thức lẫn cơ hội lớn lao để tiếp tục con đường đại kết (số 117).

4. Tính hiệp hành và Giáo hội địa phương trong các văn kiện đối thoại Công giáo - Chính thống

Trong những phát biểu của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã vài lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đối thoại thần học với các Giáo hội Chính thống để có một cách hiểu đúng đắn hơn về tính hiệp hành và giáo hội học Thánh thể trong Giáo hội Công giáo. Trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng, ngài viết: “Có thật nhiều điều quan trọng hiệp nhất chúng ta lại! Nếu chúng ta thực sự tin vào hoạt động đầy tự do của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể học được từ nhau không biết bao nhiêu điều! Đó không chỉ là được hiểu biết nhiều hơn về những người khác, nhưng còn là thu hoạch những gì Thần Khí đã gieo trong họ, như những ân huệ được ban cho chính chúng ta. Chỉ cần đan cử một thí dụ, trong cuộc đối thoại với các anh chị em Chính thống, người Công giáo chúng ta có cơ hội để học thêm nhiều điều về ý nghĩa tập đoàn tính của hàng giám mục và kinh nghiệm của họ về tính hiệp hành. Thông qua việc trao đổi các ân huệ, Thần Khí có thể dẫn đưa chúng ta đến với chân và thiện ngày một trọn vẹn” (EG, số 246). Cũng vậy, trong bài phỏng với với Antonio Spadaro vào ngày 19/8/2013, Đức Thánh cha nói rằng: “Trong những liên hệ về đại kết, điều quan trọng không chỉ là biết nhau rõ hơn, nhưng còn thừa nhận điều mà Thần Khí đã gieo nơi người khác như là một ân huệ cho chính chúng ta. Tôi muốn tiếp tục thảo luận điều đã được bắt đầu vào năm 2007 bởi Ủy ban chung [Công giáo – Chính thống] về cách thức thi hành quyền tối thượng của Phêrô, dẫn đến việc ký Văn kiện Ravenna. Chúng ta phải tiếp tục trên hành trình này”[36].

Việc trao đổi các ân huệ với các Giáo hội Chính thống mà Đức Thánh cha nói tới can hệ trước hết đến cấu trúc hiệp hành của Giáo hội địa phương, là Giáo hội nằm trong sự hiệp thông với Giáo hội phổ quát thông qua tư cách thành viên của vị giám mục Giáo hội mình trong tập đoàn giám mục.

Trong đối thoại Công giáo – Chính thống, kể từ văn kiện đầu tiên với tiêu đề Mầu nhiệm Giáo hội và Thánh thể trong Ánh sáng của Mầu nhiệm Ba Ngôi Chí thánh được chấp thuận vào năm 1980 tại Munich bởi Ủy ban Quốc tế chung về Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống (nói chung), đã hiện diện giáo hội học Thánh thể, tức giáo hội học về Giáo hội địa phương, một cộng đoàn quy tụ để cử hành Bí tích Thánh thể, được vị Giám mục chủ trì.[37] Trong phần thứ hai của văn kiện này, chúng ta đọc thấy Giáo hội của Thiên Chúa luôn được mặc khải trong lịch sử như một cộng đoàn địa phương: “Nếu ai đó đọc qua Tân ước, người đó sẽ chú ý rằng trước hết giáo hội diễn tả một thực tại “địa phương”. Giáo hội tồn tại trong lịch sử với tư cách là giáo hội địa phương” (II,1). Như nhấn mạnh của John Zizioulas, vị Tổng Giám mục [Metropolitan] Chính thống giáo, Tân ước luôn đề cập đến một Giáo hội đặc thù tại Côrintô, Thessalônica, Giêrusalem hay Rôma.[38]

Văn kiện thứ ba về đối thoại được ký tại Valamo vào năm 1988, Bí tích Truyền chức trong Cơ cấu Bí tích của Giáo hội với quy chiếu đặc biệt đến tầm quan trọng của việc Kế vị các Tông đồ đối với sự Thánh hóa và Hiệp nhất của Dân Thiên Chúa, nhấn mạnh rằng giám mục, qua việc tham dự vào tập đoàn giám mục, đại diện cho Giáo hội địa phương của ngài trong sự hiệp thông phổ quát của Giáo hội. Sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương được thể hiện cùng với những khía cạnh khác trong việc tấn phong Giám mục, việc tấn phong này, theo các điều khoản giáo luật của Giáo hội cổ thời, phải được thực hiện bởi ít nhất hai hay ba giám mục, như một biểu lộ sự hiệp thông của các Giáo hội của các ngài với vị giám mục mới được bầu chọn (Văn kiện Valamo, số 27). Đoạn thứ 53 của văn kiện trình bày các hình thức khác nhau của đời sống hiệp hành trong thiên niên kỷ thứ nhất của Giáo hội. Đặc biệt quan trọng là vai trò “đứng đầu” của các giám mục, những người, theo từng cấp độ khác nhau, bảo đảm cho sự hiệp nhất giữa các Giáo hội địa phương và sự hợp quy [canonicity] của tính hiệp hành. Bởi vào thời xa xưa, thực tiễn về tính hiệp hành và quyền tối thượng ở các cấp độ khác nhau trong đời sống của Giáo hội là hai thực tại tương thuộc.[39] Vì thế, theo Văn kiện Valamo, tính hiệp hành được hiểu như là tính tập đoàn, tức là sự hiệp thông của các giám mục.

Văn kiện thứ năm của hoạt động đối thoại thần học Công giáo – Chính thống là Văn kiện Ravenna năm 2007, một văn kiện giải quyết vấn đề chúng ta đang quan tâm, mang tiêu đề Những hệ luận về Giáo hội học và Giáo luật từ Bản chất Bí tích của Giáo hội: Sự Hiệp thông của Giáo hội, Công đồng tính [Conciliarity] và Quyền bính, mà Piero Coda đã nhận xét về văn kiện này rằng nó mang “tầm quan trọng chiến lược” đối với sự hiệp nhất của hai Giáo hội.[40] Cũng theo bản văn này, Giáo hội địa phương chính là xuất phát điểm. Các thành viên của Ủy ban Quốc tế chung về Đối thoại Công giáo – Chính thống chỉ ra cội nguồn Ba Ngôi của tính hiệp hành trong Giáo hội và sự hiện thực hóa tính hiệp hành trong cử hành Thánh thể (số 5-6). Đặc tính hiệp hành của Giáo hội cần có mặt ở cả ba cấp độ của việc thi hành nó: “Chiều kích công đồng của Giáo hội được tìm thấy ở ba cấp độ hiệp thông của Giáo hội địa phương, miền và hoàn vũ: ở cấp địa phương của giáo phận được trao phó cho vị giám mục; ở cấp miền của một nhóm các Giáo hội địa phương với các vị giám mục, những người ‘thừa nhận một vị đứng đầu giữa họ’ (Qui luật các Tông đồ [Apostolic Canon], điều 34); và ở cấp hoàn vũ, nơi những người đứng đầu (protoi) ở các vùng miền khác nhau, cùng với tất cả các giám mục, cùng cộng tác vào vấn đề can hệ đến toàn thể Giáo hội. Cũng ở cấp độ này, những người đứng đầu phải thừa nhận một vị đứng đầu ở giữa họ” (số 10)[41]. Việc thực thi tính hiệp hành theo ba cấp độ được nói đến nhiều hơn trong phần thứ hai của Văn kiện. Phần này nhấn mạnh rằng: “Giáo hội của Thiên Chúa tồn tại nơi một cộng đoàn được qui tụ cùng nhau quanh Thánh thể, được chủ trì, trực tiếp hoặc thông qua các linh mục, bởi vị giám mục được tấn phong cách hợp pháp trong sự kế vị các tông đồ, để giảng dạy đức tin được lãnh nhận từ các Tông đồ, trong sự hiệp thông với các giám mục khác và với các Giáo hội của các vị này” (số 18)[42]. Tính hiệp hành được thể hiện trong sự đa dạng của các tác vụ, là kết quả của việc truyền chức (giám mục, linh mục, phó tế) và trong các đặc sủng phục vụ cho Giáo hội địa phương thông qua thừa tác vụ hiệp nhất của giám mục, là đầu (kephale) của Giáo hội địa phương (số 20). Mối tương quan của các Giáo hội địa phương ở cấp miền được quy định bởi điều thứ 34 Qui luật các Tông đồ, quy định này như sau: Các giám mục của mỗi tỉnh (ethnos) phải thừa nhận vị đứng đầu (protos) trong số họ, và kính trọng vị ấy như là đầu (kephale), và không làm điều gì hệ trọng mà không có sự chấp thuận (gnome) của vị ấy; mỗi giám mục có thể chỉ làm điều liên hệ đến giáo phận (paroikia) của ngài và các địa hạt phụ thuộc. Nhưng vị đứng đầu (protos) không thể làm bất cứ điều gì mà không có sự chấp thuận của tất cả. Nhờ theo cách thức này, sự hòa hợp (homonoia) sẽ lan tỏa, và Thiên Chúa [Cha] sẽ được ngợi khen nhờ Đức Chúa [Giêsu] trong Chúa Thánh Thần” (Quy luật các Tông đồ, điều 34) (số 24). Cấp độ thứ ba của việc hiện thực hóa tính hiệp hành và thẩm quyền trong Giáo hội là Giáo hội hoàn vũ, được hiểu như là sự hiệp thông của Giáo hội địa phương với các Giáo hội địa phương khác đã, đang và sẽ tồn tại, và cùng với vinh quang của Giáo hội (tr. 32). Các Giáo hội địa phương hiệp nhất với nhau nhờ cùng một đức tin, Bí tích Thánh thể và tác vụ tông đồ (số 33). Cuối cùng, Văn kiện Ravenna nhắn nhủ sự cần thiết đối với việc nghiên cứu sâu hơn về chức năng của Giám mục Rôma trong vấn đề hiệp thông các Giáo hội (số 45-46).[43]

Chín năm sau khi thông qua Văn kiện Ravena, văn kiện thứ sáu được soạn thảo và thông qua năm 2016 tại Chieti, Italy, với tiêu đề Tính hiệp hành và Quyền tối thượng trong Thiên niên kỷ thứ nhất: hướng đến một cách hiểu chung trong việc phục vụ sự hiệp nhất của Giáo hội.[44] Cũng tại đây, các đại diện của Giáo hội Công giáo Rôma và các Giáo hội Chính thống đã xác nhận cho khoa giáo hội học về Giáo hội địa phương, khi tuyên bố rằng “Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền có Đức Kitô là đầu hiện diện nơi cộng đoàn Thánh thể của một giáo hội địa phương dưới quyền vị giám mục của mình. Ngài là vị chủ tọa (proestos). Trong cộng đoàn phụng vụ, vị giám mục làm cho sự hiện diện của Đức Giêsu Kitô nên hữu hình” (số 8). Tính hiệp hành có nguồn gốc trong Giáo hội địa phương, nơi mà vị giám mục, trong tư cách là đầu, làm đại diện trước các Giáo hội địa phương khác và trong sự hiệp thông với toàn thể các Giáo hội (số 10).[45]

Khi thảo luận về mối tương quan của các Giáo hội địa phương ở cấp miền, Văn kiện Chieti quy chiếu một cách truyền thống đến điều 34 của bảng Qui luật, được xem là của các Tông đồ (số 13),[46] trong khi quyền tối thượng của Giám mục Rôma được trình bày bên trong khuôn khổ của Ngũ chế [Pentarchies][47] và các công đồng hoàn vũ của thiên niên kỷ thứ nhất, chúng nhấn mạnh rằng quyền tối thượng này luôn được thi hành trong bối cảnh của tính hiệp hành (số 15-19).

Khi quy chiếu đến việc “trao đổi các ân huệ” giữa các Giáo hội Đông phương và Giáo hội Công giáo Rôma, Joseph Famerée lưu ý rằng giáo hội học Chính thống là một giáo hội học về Thánh thể, về “giám mục”, nó nhấn mạnh rằng Giáo hội địa phương là sự biểu lộ trọn vẹn của Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, có cội nguồn là mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, Giáo hội địa phương (giáo phận bên Tây phương, bên Đông phương gọi là eparchy) có thể là sự biểu lộ của Giáo hội Đức Kitô với điều kiện duy trì mối liên kết với các Giáo hội địa phương khác, mỗi Giáo hội là Giáo hội duy nhất của Đức Kitô.[48] Nhìn từ quan điểm Chính thống này, Giáo hội vừa mang tính phẩm trật lẫn hiệp hành (“tập đoàn”), Giáo hội mang tính phổ quát, nhưng được hiện thực hóa cách trọn vẹn chỉ trong cộng đoàn Thánh thể địa phương. Bởi vậy, đời sống hiệp hành (các tương quan giữa các tín hữu và giám mục của mình, giữa các giám mục và tổng giám mục) hệ trọng ở sự hiệp thông Thánh thể, còn thẩm quyền và các quy tắc giáo luật liên quan chỉ nằm ở vị trí tiếp sau.

Trong các văn kiện của Công đồng Vatican II, chúng ta cũng tìm thấy những chỉ dẫn quan trọng đưa đến một khoa giáo hội học về Giáo hội địa phương, là điều mà vào giai đoạn hậu công đồng đã được hiểu biết sâu rộng hơn trong Giáo hội Công giáo (x. SC, số 41; LG, số 23; CD, số 11), cũng như nhờ các cuộc đối thoại đại kết với các Giáo hội Chính thống và Hội đồng Thế giới của các Giáo hội. Tuy nhiên, cần phải thừa nhận rằng giáo hội học Công giáo chính thức đã có một sự phòng vệ trước việc tiếp nhận đầy đủ giáo hội học về sự hiệp thông các giáo hội (địa phương, miền) [communio ecclesiarum (localium, regionalium)]. Điều này cùng với những điều khác được biểu thị qua khả năng trở thành giám mục, tức thành viên của tập đoàn giám mục nhờ việc truyền chức giám mục đơn lẻ mà không cần bất kỳ liên kết nào với một Giáo hội địa phương cụ thể. Trong khi đó, dưới ánh sáng giáo huấn của Vatican II, “truyền chức độc lập” là một vấn đề nghiêm trọng, bởi vì việc truyền chức Giám mục không thể tách rời khỏi chức năng mục tử của vị giám mục ấy trong một Giáo hội địa phương thực tế, ngoại trừ việc truyền chức cho giám mục “hiệu tòa”. Một vấn đề khác là sự cần thiết phải coi trọng các Giáo hội địa phương (giáo phận) trong Giáo hội Công giáo và thừa nhận sự hiện diện của các Giáo hội thuộc miền trong Giáo hội Công giáo, điều này là một dấu chỉ của sự hiệp thông “hàng ngang” ngoài sự hiệp thông “hàng dọc” giữa cá nhân vị giám mục với Đức Giáo hoàng.[49]

Kết luận

Giáo hội học hiệp thông, điều đã khởi đầu nơi Công đồng Vatican II, bao hàm cả giáo hội học về Giáo hội địa phương/đặc thù, tập đoàn tính của hàng giám mục và tính hiệp hành, được phát triển thêm trong giai đoạn hậu công đồng trên cả bình diện lý thuyết lẫn thực hành. Nhưng có một vài thần học gia tin rằng triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II là giai đoạn chứa đựng một sự đình trệ nhất định trong việc thi hành giáo hội học hiệp thông và đồng thời cũng quay lại với giáo hội học về quyền tối thượng của Giáo hội phổ quát trên Giáo hội địa phương, như đã được minh chứng bởi các văn kiện do Giáo triều Rôma ban hành, đặc biệt là văn kiện Communionis Notio của Bộ Giáo lý Đức tin. Tuy nhiên, trong khi phê bình, các vị này quên rằng, cùng với những hoạt động khác, Đức Gioan Phaolô II đã triệu tập hàng loạt các Thượng Hội đồng Giám mục, đặc biệt trước Năm thánh kỷ niệm 2000 năm sinh nhật Đấng Cứu độ, được hiểu như là một hình thức của việc tân Phúc âm hóa. Bên cạnh đó, Đức Gioan Phaolô II đã nhận thức rằng ngài đã không thành công trong mọi công việc mà ngài có ý định thực hiện liên quan đến vấn đề này.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tiếp nối công trình của các vị tiền nhiệm trong việc đón nhận giáo hội học Thánh thể của Công đồng Vatican II, là khoa giáo hội học nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Giáo hội địa phương trong sự hiệp thông với các Giáo hội khác, đặc biệt là với Giáo hội Rôma và Giám mục Rôma.

Theo một cách nào đó, giáo huấn của Đức Phanxicô về tính hiệp hành được khai triển bởi văn kiện Tính hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội vào năm 2018 của Ủy ban Thần học Quốc tế, văn kiện này thảo luận chi tiết về vai trò của tính hiệp hành ở ba cấp độ của Giáo hội: địa phương, miền và hoàn vũ. Văn kiện nhấn mạnh rằng “Cộng đoàn Thánh thể là nguồn mạch và khuôn mẫu của linh đạo hiệp thông. Nơi cộng đoàn ấy, các yếu tố đặc trưng của đời sống Kitô hữu, là đời sống được kêu gọi hun đúc nên tinh thần hiệp hành [affectus synodalis], được diễn tả” (số 109).

Trong giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người ta cũng có thể nhận thấy được việc tiếp nhận giáo hội học Thánh thể, điều này hiện diện trong các văn kiện đối thoại Công giáo – Chính thống, theo đó, Giáo hội của Đức Kitô được hiện thực hóa cách trọn vẹn nơi Giáo hội địa phương, đặc biệt là khi cộng đoàn quy tụ để cử hành phụng vụ, do vị giám mục của mình chủ trì. Giáo hội này hiệp thông với các Giáo hội địa phương khác thông qua các cơ cấu thuộc miền và với toàn thể Giáo hội thông qua việc cùng chung đức tin và các bí tích. Hơn nữa, việc đánh giá cao chiều kích vùng miền của các cơ cấu Giáo hội rất dễ nhận thấy trong những tuyên bố của Đức Thánh cha – Đức Phanxicô nhấn mạnh tầm quan trọng của các Hội đồng Giám mục đối với việc tổ chức và giáo huấn. Các văn kiện đối thoại Công giáo – Chính thống trình bày quyền tối thượng của Đức Giáo hoàng ở thiên niên kỷ đầu tiên của Giáo hội bên trong Ngũ chế và cơ cấu hiệp hành, đặc biệt là cơ cấu của công đồng hoàn vũ. Đức Phanxicô cũng chỉ ra rằng, trước hết, ngài là Giám mục Giáo phận Rôma. Ngài cũng lưu tâm đến tính hiệp hành, là điều can hệ với toàn thể Giáo hội và nhất là các tín hữu giáo dân, những người nhờ Chúa Thánh Thần có được ân huệ cảm thức đức tin (x. EG, số 119), và đến tập đoàn tính, nghĩa là sự hiệp nhất của hàng giám mục trong các hội đồng thuộc các cấp độ khác nhau. Giáo huấn và hành động của Đức Giáo hoàng ủng hộ cho tính hiệp hành và việc củng cố Giáo hội ở cấp địa phương và miền phù hợp với những yêu cầu của các thần học gia, những người tin rằng Chương III của Hiến chế Lumen Gentium chưa được thi hành hợp cách.[50]

George Weigel nhấn mạnh rằng tính hiệp hành trong Giáo hội Công giáo không có nghĩa là các Giáo hội địa phương cụ thể khác biệt nhau về các vấn đề tín lý, luân lý và chăm sóc mục vụ. Mô hình như thế đã được Anh giáo vận dụng, nhưng không được phép sao chép cho Công giáo, tuy nhiên điều này đã và đang xảy ra, điển hình là “con đường đồng nghị” của Giáo hội Công giáo ở Đức.[51]

Grêgôriô Võ Trần Nhựt
Chuyển ngữ từ: Janusz Bujak, “The Teaching of Pope Francis About Synodality in the Context of Contemporary Theological and Ecumenical Reflection”, trans. by Maciej Górnicki, in Collectanea Theologica 91 (2021) no. 5, 147-168.

 

 

 

 

 

 

 

PDF: 

 

academia.edu

 


 

[1] Bài viết này là bản dịch của bài viết được ấn hành bằng tiếng Ba Lan: Janusz Bujak, “Nauczanie papieża Franciszka o synodalności w kontekście współczesnej refleksji teologicznej i ekumenicznej”, Collectanea Theologica 91 (2021) no. 1, 51–76. Maciej Górnicki chuyển dịch từ tiếng Ba Lan.

 

[2] X. W. Kasper, “Kościół jako wspólnota”, 31–34; H. Petri, “Die römischkatholische Kirche und Ökumene”, 142; H. Döring, “Die Wiederentdeckung der Ortskirche”, 251; G. Philips, La Chiesa e il suo mistero, 87.

 

[3] X. J. Rigal, L’ecclésiologie de communion, 72–73.

 

[4] X. J. Ratzinger, “Eklezjologia Soboru Watykańskiego II”, 16–19; A. Cattaneo, La Chiesa locale, 11. Vị thần học gia người Ba Lan nhắc lại rằng, theo E. Lanne và H. Legrand, Công đồng đã đưa đến một “cuộc cách mạng Copernic” về giáo hội học, việc này hệ tại ở chỗ, thực tế là Giáo hội địa phương không còn xoay quanh Giáo hội phổ quát nữa, nhưng Giáo hội duy nhất của Đức Giêsu Kitô lấy Đức Giêsu Kitô làm trung tâm, Ngài trở nên hiện diện trong mọi cử hành của Giáo hội địa phương nhờ hoạt động không ngừng nghỉ của Chúa Thánh Thần.

 

[5] X. B. Forte, La Chiesa nell’Eucaristia, 51–52; ở đây tác giả cho thấy ảnh hưởng của các thần học gia Chính thống (N. Afanassieff, A. Schmemann, J. Meyendorf) lên giáo hội học của Công đồng Vatican II. Theo Forte, N. Afanassieff, người được mời tham dự trong tư cách quan sát viên, đóng một vai trò quan trọng đặc biệt tại Công đồng. Forte giữ quan điểm rằng Lược đồ thứ nhất về Giáo hội [de Ecclesia] đưa chúng ta trực tiếp đến với giáo hội học Thánh Thể và đến với công trình của Afanassieff - La Chiesa che presiede nell’amore; Lược đồ II và III của Lumen Gentium, tức bản văn chính thức hiện tại, cũng chứa đựng những âm hưởng giáo hội học của vị thần học gia người Nga này.

 

[6] X. M. Hardt, “Papsttum und Ökumene”, 317.

 

[7] X. H. Petri, “Die römisch-katholische”, 142–143; Bujak J., Prymat biskupa Rzymu, 35–37.

 

[8] X. A. Cattaneo, La Chiesa locale, 124–130.

 

[9] Đức Gioan Phaolô II, Tông thư Khởi đầu Thiên niên kỷ mới [Novo Millennio Ineunte], 44.

 

[10] X. Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành, 41.

 

[11] X. H.J. Pottmeyer, “La Chiesa in cammino”, 73.

 

[12] Đức Phanxicô, Giáo triều Rôma và Thân thể Đức Kitô. Trong bài giảng của mình, Đức Giáo hoàng liệt kê “những căn bệnh” khác nhau có thể gây nguy hại cho Giáo triều Rôma, bao gồm căn bệnh kế hoạch hóa thái quá và duy hiệu năng: “Khi một tông đồ cẩn thận đặt kế hoạch cho mọi thứ và nghĩ rằng tiến trình thực tế được diễn ra theo như kế hoạch hoàn hảo ấy, vị ấy tự biến thành một kế toán viên hay một nhà tư vấn tài chính. Chuẩn bị chu đáo mọi sự là cần thiết, nhưng không bao giờ được rơi vào cám dỗ muốn chế ngự và điều khiển tự do của Chúa Thánh Thần, tự do ấy luôn lớn lao hơn, phong phú hơn bất kỳ kế hoạch nào của con người.

 

[13] X. H.J. Pottmeyer, “La Chiesa in cammino”, 73. Eloy Bueno de la Fuente, thần học gia người Tây Ban Nha có một quan điểm khác về phong cách quản trị của Đức Gioan Phaolô II. Ông nhấn mạnh rằng Đức Gioan Phaolô II có ý vận dụng thiết định Thượng Hội đồng Giám mục cho chương trình quan trọng của ngài về tân Phúc âm hóa. Ở số 21 của Tông thư Tertio Millennio Adveniente, Đức Giáo hoàng đã viết: “Góp một phần trong việc sửa soạn cho năm 2000 đang đến là một loạt các Công nghị bắt đầu từ sau Công Đồng Vaticanô II: những Công nghị chung [Thượng Hội đồng Giám mục] cùng với các công nghị theo đại lục, theo miền, theo quốc gia, theo giáo phận. Chủ đề chính của tất cả các công nghị này là vấn đề Phúc âm hóa, hay đúng hơn, là vấn đề làm mới lại việc truyền bá Phúc âm, mà những nền tảng của vấn đề làm mới lại việc truyền bá Phúc âm này được đặt nền móng nơi tông huấn Evangelii Nuntiandi của Đức Phaolô VI ban hành năm 1975 theo sau khóa họp chung lần thứ ba của Thượng Hội đồng Giám mục. Các công nghị này tự mình cũng là một phần trong công cuộc làm mới lại việc truyền bá Phúc âm: Chúng được sinh ra từ viễn ảnh về Giáo hội của Công Đồng Chung Vaticanô II. Các công nghị này mở rộng những lãnh vực để cho thành phần giáo dân tham dự, là thành phần mang những trách nhiệm đặc biệt được các công nghị này xác định. Các công nghị này là một biểu hiệu cho sức mạnh mà Đức Kitô đã ban cho toàn thể dân Thiên Chúa, làm cho dân này thành một dân dự phần vào sứ mệnh thiên sai của riêng Ngài là ngôn sứ, tư tế và vương đế. Nói đến điều này phải kể đến những phát biểu rất hùng hồn trong hiến chế tín lý Lumen GentiumViệc sửa soạn cho cuộc mừng năm 2000 như thế được diễn tiến khắp Giáo hội, trên cả bình diện hoàn vũ cũng như địa phương, đem đến cho Giáo hội một nhận thức mới về sứ mệnh cứu độ mà Giáo hội nhận lãnh từ Đức Kitô. Nhận thức này được tỏ hiện rất rõ qua những Tông huấn sau các Thượng Hội đồng, những văn kiện chú trọng đến sứ mệnh của thành phần giáo dân, đến việc đào luyện các linh mục, đến các giáo lý viên, đến gia đình, đến giá trị của việc thống hối và hòa giải trong sinh hoạt của Giáo hội cũng như của nhân loại nói chung, cũng như trong Thượng Hội đồng tới đây dành trọn cho vấn đề đời sống tận hiến”. X. E. Bueno de la Fuente, “El fundamento teológico”, 647; L. Baldisseri (ed.), Sinodo dei Vescovi. Tác giả thu thập những chứng từ của các giám mục đến từ 5 đại lục và giáo huấn về tính hiệp hành của 4 vị Giáo hoàng gần đây nhất: Phaolô VI, Gioan Phaolô II, Bênêđictô XVI và Phanxicô.

 

[14] X. H. Legrande, “Sự hiệp thông của Giáo hội” [Communio Ecclesiae], 161–165.

 

[15] X. Bộ Giáo luật, điều 336: “Giám mục đoàn gồm có đầu là Đức Giáo hoàng và những chi thể là các Giám mục do việc thánh hiến bằng bí tích và bởi sự hiệp thông phẩm trật với đầu và với các chi thể của hiệp đoàn […]”; T. Söding, “Synodalität aus katholischer Sicht”, 94–95. Tác giả cho rằng các hình thức của tính hiệp hành, được Bộ Giáo luật vạch ra, tự bản chất thuộc về hàng giáo sĩ và gây ra những vấn đề về mặt cơ cấu khi nó liên hệ đến thành phần giáo dân, và do đó, thật cần thiết việc canh tân các cấu trúc hầu khám phá những hình thức rộng mở hơn về tính hiệp hành.

 

[16] X. Bộ Giám mục, Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, Huấn thị về các Công nghị Giáo phận.

 

[17] X. Đức Gioan Phaolô II, Tự sắc Các Tông đồ của Người [Apostolos Suos].

 

[18] X. Đức Gioan Phaolô II, Tự sắc Để bảo vệ đức tin [Ad Tuendam Fidem].

 

[19] X. Bộ Giáo lý Đức tin, “Khái niệm Hiệp thông” [Communionis Notio].

 

[20] X. H. Legrande, “Sự hiệp thông của Giáo hội” [Communio Ecclesiae], 161-174. G. Canobbio, nhà giáo hội học người Ý cũng giữ một quan điểm tương tự: G. Canobbio, “Sulla Sinodalità”, 249-261, cũng giống với Roberto Repole, Canobbio tin rằng, với Đức Phanxicô, chủ đề tính hiệp hành, được hiểu như chiều kích cấu thành Giáo hội, đã quay trở lại. Repole cho rằng văn kiện của Bộ Giáo lý Đức tin, “Khái niệm Hiệp thông” [Communionis Notio], là minh họa điển hình nhất của việc đảo ngược giáo hội học của Công đồng dưới triều đại Giáo hoàng của Đức Gioan Phaolô II, văn kiện này đã xác nhận cho quyền tối thượng về mặt bản thể học và trình tự thời gian của Giáo hội phổ quát trên các Giáo hội địa phương; x. R. Repole, “Per una Chiesa a misura di Vangelo”, 116-117; R. Repole, Il sogno di una Chiesa evangelica, 109. Văn kiện làm nổ ra một cuộc tranh luận thần học nóng bỏng, trong có hai vị Hồng y người Đức của Giáo triều Rôma đã giữ lập trường tương phản với nhau: Hồng y W. Kasper, người bảo vệ cho quyền tối thượng của các Giáo hội địa phương; và Hồng y J. Ratzinger, người lý giải cho quyền tối thượng về mặt bản thể học của Giáo hội phổ quát, x. J. Bujak, “Pierwszeństwo Kościoła powszechnego”, 39–55; J. Bujak, Dialog katolicko-prawosławny, 58–62.

 

[21] Đức Phanxicô, Lễ kỷ niệm 50 năm thiết định Thượng Hội đồng Giám mục; x. P. Rabczyński, “Synodalność według papieża Franciszka”, 115–116; P. Coda, “Il cammino della Chiesa del Terzo Millennio”, 9; A. Spadaro – C. Galli, “La sinodalità nella vita e nella missione della Chiesa”, 55–70; J.R. Villar, “La sinodalidad en la reflexión teológica actual”, 69–82.

 

[22] Đức Phanxicô, Lễ kỷ niệm 50 năm thiết định Thượng Hội đồng Giám mục.

 

[23] Ibid.; x. M. Brunini, “In cammino verso la sinodalità ecclesiale”, 419–440.

 

[24] X. Đức Phanxicô, Lễ kỷ niệm 50 năm thiết định Thượng Hội đồng Giám mục; R. Repole, “Per una Chiesa a misura di Vangelo”, 118–119; R. Repole, Il sogno di una Chiesa evangelica, 110–111; P. Rabczyński, “Synodalność według papieża Franciszka”, 119–123.

 

[25] Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin mừng, 30; x. Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Christus Dominus, 11; R. Repole, “Per una Chiesa a misura di Vangelo”, 118; F. Candia, Collegialità e Sinodo dei Vescovi, 115–120, ở đây, tác giả chỉ ra các khía cạnh của tính hiệp hành được chứa đựng trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng cũng như tính cộng đoàn [communitas] ở cấp độ Giáo hội phổ quát, cảm thức đức tin [sensus fidei] của toàn bộ dân Thiên Chúa, sự đồng trách nhiệm và việc biện phân; D. Vitali, «Un popolo in cammino verso Dio». Về tương quan giữa Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương trong giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phanxicô: T. Nawracała, “Kościół powszechny i Kościoły lokalne”, 23–39.

 

[26] X. Đức Phanxicô, Tông hiến Tình hiệp thông Giám mục [Episcopalis Communio].

 

[27] Về sự cần thiết đối với việc tăng cường vai trò của các Hội đồng Giám mục, x. H.J. Pottmeyer, “Die Bischofskonferenz”, 37–42; A. Buckenmaier, “Synodalität und Bischofskonferenz”, 164–169.

 

[28] Xem cuộc thảo luận về nội dung văn kiện này trong:  J. Bujak, “Dokument Międzynarodowej Komisji Teologicznej”, 83–113.

 

[29] X. Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Giáo hội, 3; P. Coda, “La sinodalità esercizio di Chiesa”, 173. Vị thần học gia người Ý lưu ý rằng ITC đã gặp phải những khó khăn đáng kể trong việc soạn thảo văn kiện này. Khó khăn chính yếu liên hệ đến việc làm sáng tỏ ý nghĩa thần học của khái niệm hiệp hành khi phân biệt với các khái niệm về sự hiệp thông và tính tập đoàn. Vào lúc khởi sự công trình của mình, việc hiểu tính hiệp hành như là một khái niệm thần học quan trọng có ý nghĩa đặc thù và riêng biệt thậm chí vẫn còn chưa được rõ ràng đối với tất cả các thành viên của ITC.

 

[30] Đức Phanxicô, Lễ kỷ niệm 50 năm thiết định Thượng Hội đồng Giám mục.

 

[31] X. Ủy ban Thần học Quốc tế, Cảm thức đức tin trong đời sống của Giáo hội, 91; Đức Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin mừng, 120.

 

[32] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, 2–4; Công đồng Vatican II, Sắc lệnh Ad gentes, 2–4; Chi tiết thêm về chiều kích Ba Ngôi của tính hiệp hành, xin xem M.G. Masciarelli, Le radici del Concilio, 37–53. Tác giả cho thấy chiều kích hiệp thành của các mối tương quan giữa các Ngôi vị nơi Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là nguồn cội và hình mẫu cho các mối tương quan hiệp hành của Giáo hội.

 

[33] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 10, 14.

 

[34] Đức Phaolô VI, Tông huấn Loan báo Tin mừng, 62.

 

[35] X. Ủy ban Quốc tế chung về Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống (nói chung), Tính hiệp hành và Quyền tối thượng trong Thiên niên kỷ thứ nhất, 21.

 

[36] X. A. Spadaro, “Bài phỏng vấn Đức Giáo hoàng Phanxicô”, 466; P. Coda, “Scambio di doni”, 391, 394.

 

[37] X. J. Bujak, Jedność na nowo odkrywana, 33.

 

[38] X. Giovanni di Pergamo (John Zizioulas), “La Chiesa come comunione”, 532.

 

[39] X. Bujak, Jedność na nowo odkrywana, 47–48.

 

[40] X. P. Coda, “Scambio di doni”, 396–400. Trên hết, Coda nhấn mạnh sự hiện hữu của một mối tương quan gần gũi giữa tính hiệp hành và quyền bính ở cả ba cấp độ của Giáo hội: hoàn vũ, miền và địa phương, như Quy luật các Tông đồ số 34 đã tuyên bố.

 

[41] J. Bujak, Dialog katolicko-prawosławny, 37.

 

[42] Ibid., 39; x. J.-M.-R. Tillard, Église d’Églises, 51. Giáo hội học của vị thần học gia người Canada đã có một ảnh hưởng mạnh mẽ tới cuộc đối thoại Công giáo – Chính thống và tới việc thấu triệt giáo hội học hiệp thông trong Giáo hội Công giáo. Trong tác phẩm của mình, Tillard đã trình bày tương quan giữa Giáo hội địa phương với Giáo hội hoàn vũ khi nhấn mạnh rằng Giáo hội của Thiên Chúa Ba Ngôi tồn tại trước và trên Giáo hội địa phương, là nơi mà Giáo hội hoàn vũ luôn hiện diện.; A. Cattaneo, La Chiesa locale, 311–316.

 

[43] Ibid., 41–42.

 

[44] X. Ủy ban Đối thoại Quốc tế chung về Đối thoại Thần học giữa Giáo hội Công giáo và Giáo hội Chính thống (nói chung), Tính hiệp hành và Quyền tối thượng trong Thiên niên kỷ thứ nhất; A. Kuźma, “Istota eklezjologii pierwszego tysiąclecia”, 109–120.

 

[45] X. Hội đồng Cố vấn thần học Chính thống – Công giáo Bắc Mỹ, Washington DC, Hồi đáp. Hội đồng Cố vấn Chính thống – Công giáo Bắc Mỹ, trong phản hồi của mình về văn kiện Chieti, lưu ý rằng văn kiện rất nhấn mạnh đến thừa tác vụ giám mục mà ít chú ý đến hàng linh mục. Hội đồng cũng nêu bật việc thiếu đi sự thừa nhận về vai trò của hàng giáo sĩ và tín hữu giáo dân trong việc đóng góp cho Giáo hội và làm chứng cho Tin mừng giữa thế giới. Hội đồng nhắc lại rằng trong Giáo hội sơ thời, các tín hữu thường can dự vào tiến trình bầu chọn vị tân giám mục. Trong văn kiện Chieti, cũng như trong các văn kiện trước đó về đối thoại Công giáo – Chính thống, cộng đoàn giáo xứ ít được nhắc đến, nhưng đối với nhiều tín hữu thì giáo xứ, chứ không phải giáo phận, mới là Giáo hội địa phương thực sự, là nơi hằng ngày họ tham dự vào cử hành Thánh Thể.

 

[46] Ibid. Các thành viên của Hội đồng Cố vấn lưu ý rằng trong khi thảo luận về tương quan giữa tính hiệp hành và quyền tối thượng ở cấp miền, các tác giả của văn kiện Chieti không hề lưu tâm đến tương quan giữa giám mục và các tín hữu, ngược lại, vào thiên niên kỷ thứ nhất của Giáo hội, giám mục luôn luôn liên kết với một cộng đoàn các tín hữu cụ thể, tương tự như tương quan vợ chồng; S. Morandini, “Un dinamismo ecumenico”, 88–89.

 

[47] [Ng.d.] Đây là một mô hình tổ chức Giáo hội, được đưa ra theo luật của Hoàng đế Rôma là Justinianô I. Theo mô hình này, Giáo hội Kitô giáo được cai quản bởi những người đứng đầu của năm tòa: Rôma, Constantinốp, Alexandria, Antiôkia và Giêrusalem.

 

[48] X. J. Famerée, “Scambio di doni”, 415.

 

[49] X. Ibid., 416–418; J. Famerée, “L’Église locale”, 164–165; J. Bujak, Dialog katolicko-prawosławny, 54–58.

 

[50] X. J.R. Villar, “La sinodalidad en la reflexión teológica actual”, 79–82.

 

[51] G. Weigel, Następny papież, 44; G. Weigel, A paradigm drift to apostasy?, ông viết về “con đường đồng nghị” của Giáo hội Công giáo Đức, là điều dẫn đến một kiểu liên bang của Giáo hội Công giáo: “Vì điều đang diễn ra cùng với con đường đồng nghị ở Đức là một sự chuyển đổi hệ hình thực sự: một sự chuyển đổi hướng tới khái niệm về Giáo hội Công giáo như một liên bang của các Giáo hội địa phương, mà mỗi một trong số đó được quyền tán thành cách hợp luật giáo huấn về tín lý, luân lý và thực hành mục vụ của mình. Tuy nhiên, đó không phải Công giáo. Đó là Anh giáo. Và bất kỳ ai biết sơ qua về số liệu nhân khẩu học của Kitô giáo trên thế giới thì cũng biết rằng Anh giáo theo kiểu địa phương tự quyết [local-option] thực ra cũng không quá ổn thỏa”.

 

Nguồn tin: gpquinhon.org