Đức Giêsu Thành Nazarét Đấng Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta

Tue,01/01/2019
Lượt xem: 3350

                                                                  “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai,

người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel,

nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.’’(Mt1,23)

   

Dẫn nhập

Nhiều người thích ví von rằng đời sống của con người giống như việc phải lênh đênh trên biển trong màn sương mù dày đặc, khi ấy bầu trời dường như là một bức màn tối nhợt nhạt có thể sờ thấy được, trùm kín lấy nó và con tàu khổng lồ. Với tâm trạng căng thẳng, nôn nóng, lo lắng và sợ hãi, nó dò dẫm đi về phía trước cùng với sợi dây và vật nặng đo độ sâu, mà không có cách nào để biết hải cảng còn xa hay gần, cũng như không thể biết điều sẽ xảy đến với mình.

Vậy phải chăng đó là hình ảnh của con người trong cuộc lữ hành trần thế này?

Nếu thực sự chỉ là ‘lênh đênh’, chỉ là ‘sương mù dày đặc’, chỉ là ‘không biết bến bờ là đâu’, thì cuộc sống của con người còn may mắn gấp bội phần so với những gì đang thực sự xảy ra nơi chốn nhân gian này. Vì “đời người trôi qua trong tăm tối tang tóc, trong buồn phiền sầu muộn, trong khổ đau, trong chán chường”(Gv 5,16). Nhưng còn khủng khiếp hơn khi nghĩ đến“chuyện gì xảy ra cho con người sau bao mối bận tâm và bao gian lao vất vả nó phải chịu dưới ánh mặt trời?”(Gv 2,22). Phải chăng “phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân”(Gv 1,2)?

Những lúc trầm tư mặc tưởng về cuộc sống, về con người, ta tự hỏi: Ta đang nghĩ gì về ngươi, hỡi con người? Phải chăng ngươi chỉ là một bí ẩn mà ta khát khao muốn khám phá? Phải chăng cuộc đời là một vở bi kịch mà ngươi là diễn viên không hề được đọc qua kịch bản? Ngươi là nạn nhân của trò đùa tai quái của lực lượng siêu nhiên? Ngươi là phần tử lạc lõng trong mớ hỗn độn những phần tử vô danh của vũ trụ kỳ lạ này? Ngươi có phải chỉ là một hạt cát nhỏ bé, bất lực, một cây sậy phất phơ trong gió mà thôi không? Phải chăng có những lúc ngươi đã từng ước mong, phải chi ngươi đừng là con người, mà như cánh chim kia tung cánh giữa bầu trời rộng lớn, suốt ngày ca hát, hoặc như tảng đá này, dù bất động nhưng không phải phiền não, lo âu hay phải suy tư về lẽ sinh tử? Ta đã từng trăn trở rất nhiều về ngươi, về những gì đang xảy ra cho ngươi và xung quanh ngươi. Ta tự hỏi mình rằng: liệu có phải là một sự cần thiết khi ta suy tư về ngươi? Hay đó chỉ là một sự vô ích đầy kiêu căng khờ khạo? Ta cũng không biết nữa! Ta không biết chắc rằng ta có thể biết được điều gì đó về ngươi, nhưng có một điều ta chắc rằng, nếu ta không gọi tên ngươi ra, nếu ta không nhìn ngắm ngươi, nếu ta thôi nghĩ về ngươi, thì ta không còn là ngươi nữa!

Maurice Zundel, thần học gia nổi tiếng của thế kỷ XX, đã viết một câu rất sâu sắc: “Vấn đề của các vấn đề: đó là con người”. Con người là một huyền nhiệm, là một câu hỏi cho chính nó, một câu hỏi nền tảng xuất phát các câu hỏi khác. Thế nhưng, với kinh nghiệm tích luỹ qua bao thời đại, với bao đầu óc vĩ đại của các triết gia, khoa học gia đã từng ‘bóp trán, chau mày’, với cơn vật vã khắc khoải trong đêm của hàng triệu triệu con người, với cả một dòng sông nước mắt đã chảy suốt bao thế hệ, liệu con người có thể tự mình tìm ra, hoặc đưa ra các giải đáp cho các vấn nạn hiện sinh, ngay cả khi nó ngụp lặn nơi vùng sâu thẳm nhất của hữu thể? Nếu điều này là bất khả đối với nó, thì Thiên Chúa là Cha hay thương xót, lẽ nào Ngài  “ngoảnh mặt làm ngơ cho đành” trước nỗi khốn cùng của con người? Nếu quả thực, Ngài đã yêu con người bằng mối tình muôn thủa (Gr 31,3), và Ngài thương “đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh”[i] cho con người, thì giải pháp Ngài đưa ra sẽ như thế nào đây? Liệu đoàn dân đang lần bước trong cảnh tối tăm có thể nhìn thấy một ánh sáng huy hoàng, liệu những kẻ đang ngồi trong vùng tối của tử thần được ánh sáng bừng lên chiếu rọi nó (x. Is 8,23)?

Nhưng trước khi đến với câu trả lời và giải pháp của Thiên Chúa, ta hãy đến với vấn đề con người và về cuộc hiện sinh của con người.

I.   Con người và vấn đề của con người

Timothy Radciffe trong tác phẩm “Bảy lời sau cùng của Đức Giêsu” đã ghi lại lời kể của Élie Wiesel, một chứng nhân lịch sử tại ‘địa ngục trần gian’- trại Auschwitz: “Điều tồi tệ là ngày người ta treo cổ hai người lớn và một bé trai mà ai ai cũng quí thương, cả trại đều sắp hàng chứng kiến giờ hấp hối của ba người này. Cùng một lúc, ba nạn nhân đều bị giương lên giá treo cổ, hai người lớn hét lên: “Tự do muôn năm!” Nhưng nạn nhân trẻ tuổi nhất đã câm lặng. “Thiên Chúa nhân lành đâu rồi?” Có ai đó phía sau tôi đã bật ra câu hỏi như vậy...Và tôi nghe như trong cổ họng mình vang lên một lời đáp trả: “Thiên Chúa đâu ư? Người kìa, Người đang bị treo đấy, ngay trên cái giá treo cổ kia kìa!”[ii]

Người ta thường cho rằng, tuổi trẻ là tuổi của sự hăng say, khao khát mãnh liệt, tuổi của bao dự định lớn lao, thế thì tại sao nạn nhân trẻ tuổi trong câu chuyện trên lại câm lặng? Phải chăng trong tình cảnh đó thì câm lặng là một ‘tiếng thét’ dữ dội nhất? Tiếng thét ‘vô thanh’ này chất chứa tất cả những điều con người cần nói, cần hỏi trong cuộc đời dương thế này. Nhiều người đã hành xử như thế, vì với họ, ‘Trời có nói gì đâu!’ nên con người có than vãn, kêu ca, khóc lóc cũng bằng thừa, và vì “nỗi đau, nỗi sầu của tôi lại nặng hơn cát biển; chính vì thế mà tôi phải nghẹn ngào, nói năng lúng túng”(G 6,3).

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta phải chứng kiến những người xung quanh ta đang giãy giụa trong cơn thống khổ mà không rõ ngọn nguồn, không hiểu được tại sao nó lại xảy ra như vậy. Quả là phi lý và chẳng ăn nhập vào đâu cả. Cuộc sống của ta có thể phải đối diện với một sự lãng phí không tài nào vãn hồi được và chẳng có nghĩa lý gì cả. Khi ai đó hỏi chúng ta: “Tại sao vậy? Tôi đã làm gì sai trái nào?”, và rồi chúng ta có thể sẽ hoảng sợ khi nhận ra rằng chúng ta mù tịt chẳng biết trả lời làm sao nữa. Tất cả mọi lời đạo đức trên môi bỗng trở thành rỗng tuếch một cách đáng sợ. Cuộc sống bày ra trước mắt chúng ta những khoảnh khắc rất ư nghịch lý, chẳng thể giải thích tại sao nó lại thế này, thế nọ. Thật không dễ gì tìm cho được câu trả lời khả dĩ thích đáng. Thật là lố bịch nếu cố tình ‘rặn’ cho ra những lời giải thích.

Primo Levi, một người Ý gốc Do thái, đã từng có mặt tại trại Auschwitz kể rằng: ngày nọ, khi đang chết khát, ông chợt phát hiện thấy cục nước đá mát lạnh tuyệt vời. Ông toan chìa tay ra để chộp lấy, nhưng một tên lính đã chặn lại. Levi vặn hỏi: “Sao vậy?” và tên lính trả lời: “Ở chốn này chớ có mà thắc mắc ‘tại sao’ rõ chưa?”[iii]

Quả thực, ở lũng đầy nước mắt này, con cháu Eva sẽ không còn thời gian để làm việc khác, nếu cứ muốn đặt câu hỏi ‘Tại sao?’, và sẽ không đủ sức mạnh để gánh được câu trả lời! Nhưng dù thế nào đi nữa, con người vẫn cứ phảimuốn ngửa mặt lên trời để hét lên ‘Tại sao?’. Khi một người thân của ta phải lìa đời lúc còn đang căng tràn nhựa sống, lúc còn đang ấp ủ biết bao dự định tốt đẹp, ta có thể tự an ủi mình rằng “ai mà chẳng phải chết!” được không? Cái quy luật ác nghiệt ngàn đời “đã là người thì ai cũng phải chết” có được ta chấp nhận dễ dàng như việc 2 cộng 2 đương nhiên phải bằng 4 không?

 Cuộc sống cứ trôi đi ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, với tất cả sức mạnh cuốn phăng đi những gì muốn kháng cự lại dòng chảy của nó, và nó dường như chẳng cần quan tâm đến việc tại sao nó lại lừng lững chảy trong khi con người lại không được vô tư như nó! Nó cũng chẳng cần biết, chẳng cần nghe con người xót xa: “trải qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng”[iv].

Nhiều lúc con người căm phẫn tự hỏi: Phải chăng mình chỉ là ‘sơ sẩy’ của Hoá Công trong công trình sáng tạo? Phải chăng con người chỉ là hạt cát bé nhỏ, lạc lõng giữa vũ trụ bao la này, bị các lực lượng vô hình thổi tung? Phải chăng con người chỉ là một nét chấm phá trong bức tranh tổng thể của vũ trụ, một bức tranh xám xịt đầy nghịch lý?...Và “trước cái chết, óc tưởng tượng của con người đành bất lực”[v], nó quay quắt tự hỏi: Tại sao con người lại phải cay đắng chấp nhận cái chết như một điều tất yếu của cuộc sống?  Nó đã làm gì nên tội nào? Hay phải chăng, nói như Marai Sandor, nó phạm phải tội “đã sinh ra và đã sống”?

Không chỉ khi đối diện với đau khổ, cái chết con người mới bật ra câu hỏi ‘Tại sao?’, nhưng phải nói rằng cuộc sống của con người luôn gắn chặt với hai từ ‘tại sao’. Và con người cũng nhận thấy rằng, lý trí hoàn toàn bất lực trước rất nhiều câu hỏi ‘tại sao’ như vậy, đặc biệt là các vấn nạn về cuộc sống hiện sinh và về chính nó. Không dừng lại ở đó, con người còn phải đối mặt với câu hỏi luôn làm day dứt lòng nó, câu hỏi về ý nghĩa. Cuộc sống có ý nghĩa gì không? Sự hy sinh, sự lao nhọc, tình yêu, tình bạn,...có ý nghĩa gì không? Hay tất cả sẽ là hư vô khi cái chết xuất hiện? Có phải cuộc đời này đầy sự phi lý, và con người là sự phi lý nhất?

Bức màn bí ẩn không chỉ bao phủ con người mà còn bao phủ xung quanh cuộc sống con người. Nói một cách hình ảnh, con người sống trong một bầu sinh quyển mầu nhiệm, với các khí thở là ‘ý nghĩa’, ‘tại sao’, ‘giá trị’, ...Liệu con người có thể tìm ra, hay sáng chế một con tàu vũ trụ để xuyên qua lớp sinh quyển dày đặc này, bay lên một không gian khác không? Liệu có một giải pháp khả dĩ nào đó đến từ tay Thiên Chúa giúp con người vượt ra khỏi ‘biển thế gian’, hay ít ra là giúp ngăn chặn những con sóng dữ? Hay là nó phải đành chấp nhận ‘sống chung với lũ’ suốt cả toàn bộ lịch sử của mình?

Rất nhiều triết gia cho rằng, con người không thể nào sống đúng với phẩm giá của mình khi chấp nhận một cuộc sống mà nó không biết được tại sao nó sống, và thực sự cuộc sống có giá trị gì đối với nó. Vậy thì phẩm giá của con người hệ tại ở điều gì, phải chăng chỉ hệ tại ở việc nó tìm ra một bản văn ghi chép đầy đủ các câu trả lời cho các vấn nạn của nó?

Nhiều người khao khát mong tìm thấy một câu trả lời được ghi chép trong Thánh Kinh cho các vấn nạn của con người, và khi không tìm thấy (điều như họ nghĩ, họ mong) họ tự hỏi tại sao Thiên Chúa lại có thể im lặng trước những điều vô cùng khẩn thiết và quan trọng như thế. Phải chăng Ngài không thực sự yêu thương con người? Phải chăng Ngài cho rằng làm cho con người hiện hữu cũng đã là ân phúc quá lớn đối với con người? Hay Ngài muốn dành câu trả lời cho ngày chấm tận đối với thế giới khốn khổ này? Nhưng lúc đó thì câu trả lời đã trở nên dư thừa cho một tình trạng không phát sinh câu hỏi nào cả!

Nhiều lúc ta tự nhủ mình rằng, nếu ta bình tĩnh lại thì ta sẽ nhận ra một sự ‘minh triết’ nơi thái độ im lặng của Thiên Chúa. Quả thực, nếu giả sử Ngài đưa cho chúng ta một văn bản gồm những câu trả lời cho các vấn nạn của con người, thì liệu chúng ta có dễ dàng chấp nhận chúng hay không? Liệu chúng ta sẽ thôi suy tư, thao thức, khắc khoải cho kiếp nhân sinh của mình, và chúng ta sẽ vui sống như không có chuyện gì xảy ra hay không? Liệu cuộc đời có còn giữ được vẻ sinh động, huyền diệu nhưng không kém phần phũ phàng, cay nghiệt (và chính điều này làm nên sự hấp dẫn không cưỡng lại được của kiếp làm người) như hiện nay không?

Thế nhưng, ‘một phút minh tri’ này liệu có làm nên nền tảng, làm trụ đỡ cho ta trong những khi ta phải chấp chới trong biển cả cuộc đời? Liệu một Thiên Chúa im lặng, dù điều đó thể hiện sự ‘minh triết’ của Ngài, có thể khiến ta kính yêu Ngài, chạy đến với Ngài hay không? Liệu ta có thể gọi là Cha nơi một vị Thiên Chúa ‘an nhiên tự tại’, khoanh tay đứng nhìn con cái loài người vật lộn với bao bí ẩn cuộc đời, rồi lại lắc đầu ngao ngán khi chúng không nhận biết được ý định khôn ngoan của mình hay không?

II.  Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta

Thiên Chúa đã không im lặng! Ngài đã làm cho con người điều mà con người không dám nghĩ tưởng tới, điều mà con người không thể tưởng tượng ra. Ngài không muốn nhìn ngắm con người vật lộn với bí ẩn cuộc đời; Ngài cũng không muốn tuôn ra tràng giang đại hải những chỉ dẫn cho con người biết cách phải vượt qua cuộc đời như thế nào; Ngài cũng không tạo ra những công cụ, những bộ máy để đáp ứng những khao khát từ thẳm sâu trong lòng con người. Ngài đã đích thân xuống đồng hành với con người, Ngài đã muốn chính mình cùng lăn lộn với con người nơi chốn hồng trần: cùng ăn cùng uống, cùng sống cùng chết với con người và cho con người. Bởi vì Ngài là Thiên-Chúa-ở-cùng-con-người; bởi Ngài là Thiên Chúa, và giải pháp của Ngài là giải pháp Thiên Chúa.

Thiên Chúa ‘ở cùng’ con người không có nghĩa là Ngài xuất hiện bên cạnh con người, nhưng là với con người, cho con người, và bên trong con người; Ngài soi sáng, nâng đỡ, cứu độ nó!

Lòng nhân từ và thương xót của Thiên Chúa đã thúc đẩy Ngài hành động, đồng thời đã cho chúng ta chìa khoá để hiểu các hành động ấy, nay trở nên gần gũi con người đến nỗi chúng mang dáng dấp của một con người, tên là Giêsu, tức là Ngôi Lời đã thành xương thành thịt[vi]: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(Ga 1,14). Đây là một Tin Mừng cho con người, vìmầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Bởi vì Adam-con người đầu tiên, đã là hình bóng của Adam sẽ đến.”[vii] “Thiên Chúa xuất hiện vì con người xuyên qua những con người. Hay nói cách cụ thể hơn: chính qua Con Người đó mà ý nghĩa sâu xa nhất của phận người được tỏ lộ, và con người đó-ngay trong phận người-cũng đồng thời là Thiên Chúa.”[viii]

Nhưng có thật sự như vậy không? Điều ấy xảy ra cách nào? Tại sao mầu nhiệm lại soi sáng mầu nhiệm? Chẳng phải là một sự phi lý hay sao? Một điều không thể hiểu được đối với lý trí lại soi sáng cho một cái mà lý trí bất lực?! Khi nghe điều này người ta có cảm tưởng mình đang nghe một lời khuyên: hãy nhìn vào bên trong một căn nhà đóng kín, bạn sẽ thấy trong tủ đựng quần áo những chiếc hợp với bạn! Đây là điều bất khả thực hiện. Nhưng nếu chỉ là vậy thì thật đáng thương cho một sinh vật được gọi là con người, và thật thảm hại cho cái mà nó luôn tự hào, đó chính là lý trí.

Ở đây không có điều được gọi là phi lý, mà nó là một nghịch lý, hay nói chính xác hơn là siêu lý đối với nhận thức con người. Điều này cần được coi như là vụ Big Bang đối với con người: con người đã luôn muốn dùng lý trí của mình để kiểm soát, hiểu biết mọi chuyện, và với sự hung hăng của mình, nó đã muốn vượt qua lãnh địa dành cho nó. Nó không biết được rằng, dù cho lý trí là một yếu tính của nó, nhưng con người không chỉ đơn giản là một hữu thể được dựng nên để làm miếng mồi ngon cho lý trí. Thiên Chúa đã vì yêu thương mà dựng nên con người, và cũng chỉ vì tình yêu (chứ không phải là do đòi hỏi của lý trí con người, hay bất cứ điều gì khác) Ngài đã xuống thế “sinh làm con một người nữ”(Gl 4,4), “giống phàm nhân, sống như người trần thế”(Pl 2,7). Ngài đã muốn tình yêu là mối tương quan giữa Ngài với con người, chứ không phải là các suy luận hoặc là các định đề. Ngài muốn là vị Thiên-Chúa-ở-cùng-con-người, chứ không phải là một điều gì đó ‘từ trên trời rơi xuống’, hay ‘từ ngoài vào trong’ thêm gia vị cho bát súp cuộc sống con người, một bát súp đã quá nhiều gia vị đắng cay, chua chát!

Các biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu liệu có thể được xem như là một thứ biểu tượng cho những gì xảy ra trong cuộc sống con người, là một cách nêu lại các vấn nạn của con người, là một hành động soi sáng, vén mở bức màn bí ẩn đang bao phủ con người, hay là một điều gì khác cao vượt hơn?

1.  Hài nhi Giêsu và cuộc tha phương nơi đất khách quê người

Khi con người ra sức tìm kiếm sức mạnh, phô trương sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế,... như là một cái gì để khẳng định tầm vóc của mình, thì thực ra nó đang muốn che dấu, muốn tự lừa dối mình về sự yếu đuối, sự mong manh của nó. Nó không muốn thừa nhận mình chỉ là “một cây sậy”[ix] phất phơ trước gió bão cuộc đời, vì như thế hoá ra con người tầm thường, kém cỏi lắm sao! Nó muốn mình phải là ông chủ của cả vũ trụ này; nó muốn mình phải là kẻ quyết định vận mạng của chính mình. Và do đó nó ghét phải nghe, phải chấp nhận, phải sống nghèo khó, phụ thuộc. Trong khi đó, Thiên Chúa lại thích những gì là bé nhỏ, yếu ớt, trần trụi. Ngài muốn như vậy để hạ nhục những gì mà thế gian cho là mạnh mẽ. Sức mạnh của Ngài được thể hiện nơi những gì mà thế gian coi thường, khinh bỉ: “Tảng đá mà người thợ xây loại bỏ, lại trở nên tảng đá góc tường”(Tv 118,22). Ngài là Đấng Hằng Hữu, nhưng Ngài cũng là Đấng Nghèo Khó.

Nhưng nếu Thiên Chúa là Đấng Nghèo Khó, và việc Ngài thích những gì bé mọn thì Ngài cũng đương nhiên bắt con người phải trở nên mọn hèn để ‘hợp với sở thích’ của mình ư? Dĩ nhiên là Ngài có toàn quyền để làm điều đó, vì Ngài là Hóa Công mà. Nhưng dù sao Ngài vẫn là vị Thiên Chúa toàn năng, còn con người thì lại không có phẩm tính đó! Giả sử Ngài nghèo khó theo cách của con người, trong thân phận của con người, thì Ngài nghĩ sao? Chẳng phải Ngài không như một lão nhà giàu thích có trời mưa để đi nghịch nước cho thư giãn đầu óc, cho vui vẻ chân tay, lại còn chê cười những kẻ khố rách áo ôm không biết “thưởng thức” cuộc sống hay sao?

Nếu có ai đó muốn nói rằng, việc Đấng Emmanuel sinh ra nơi hang đá Bêlem vừa là điều nói lên Ngài là vị Thiên Chúa Nghèo, vừa muốn gửi cho con người một thông điệp rằng: con người là phận nghèo khó, và hãy cứ là phận nghèo khó đi![x], vì có như vậy con người mới thực sự là hoạ ảnh của Đấng sáng tạo nên mình, và chính điều đó mới làm cho cuộc sống nó nên phong phú, tốt đẹp, và bản thân nó được bồi đắp, được thần hóa bởi Đấng đã tự ý nên Nghèo vì nó, thì điều đó có đủ làm nguôi ngoai lòng dạ con người không?

Chưa biết ai sẽ thích điều đó, nhưng sẽ có khối kẻ cho rằng, điều này “chối tai quá, ai mà nghe cho nổi!”, hoặc có kẻ ngờ rằng, liệu đây có phải là chiêu “dỗ ngọt” con người không?

Ngôi Lời của Thiên Chúa nhập thế làm người, cũng như bao người khác, Ngài “trần truồng sinh ra từ lòng mẹ”, chỉ có “khác” hơn là Ngài sinh vào một đêm đông lạnh giá, được bọc trong tấm tã lót, đặt trên máng cỏ, trong hang bò lừa, ở một nơi vô danh, trong một đất nước nhỏ bé. Ta hãy tự hỏi: sao Ngài lại nhập thế một cách hèn hạ đến vậy? Sao Ngài lại không chọn cho mình một nơi chốn đàng hoàng, một khung cảnh nên thơ hơn, trong một gia đình bề thế, quyền quý hơn? Khi ta tự hỏi mình như vậy, và cố gắng đi tìm câu trả lời, nghĩa là ta đã bắt đầu bước vào mầu nhiệm tự hạ của Ngôi Lời nhập thế, bắt đầu cảm nhận được một “điều gì đó” rất đặc biệt cho sự khởi đầu của công trình cứu độ vào “lúc thời gian viên mãn”, cũng như bắt gặp vài tia sáng chiếu soi cho lý do tại sao Thiên Chúa lại dựng nên con người yếu đuối như vậy.

Lúc mới sinh ra đời, Đấng Emmanuel đã phải làm một cuộc di cư dài hàng trăm dặm sang Ai cập để tránh bị giết hại bởi vua Hêrôđê. Đây chẳng phải là Ngài đang chung thân phận làm lữ khách của con người sao? Chẳng phải Ngài là một hài nhi bé bỏng, vô tội đang phải trốn chạy khỏi sự bất công, phi lý và tàn bạo của cuộc sống hay sao? Ta không thể nào không nhận ra sự yếu đuối, mỏng manh của kiếp người bị sự dữ truy đuổi đã được Hài nhi Giêsu nhận lấy. Ở đây hơn là một biểu tượng, Đấng Emmanuel đã thực sự trải qua trong cuộc sống một con người, với thân phận mong manh như lá cỏ.

 

 

 

2.  Cuộc sống ẩn dật nơi xóm nghèo miền Nazareth

Nhiều lúc con người cảm thấy cuộc sống đơn điệu, nhàm chán khi phải thực hiện những công việc thường ngày. Những công việc không tên cứ đều đặn đến tay, những công việc mà họ lủi thủi làm một mình, hoặc ngay cả những việc ‘nổi đình nổi đám’, đều khiến họ tự hỏi: những công việc mà họ phải nhọc công thực hiện liệu có giá trị gì không, hay chúng chỉ là một sự đày đoạ vô lý của một sự vô lý còn vô lý hơn cả sự đày đoạ đó? Liệu họ có phải thở dài mà cảm thán như ông Côhêlét: làm lụng vất vả thì được lợi lộc gì? Liệu những hi sinh từ miếng cơm manh áo, cho đến cả mồ hôi nước mắt, thậm chí là cả mạng sống của họ cho những người thân trong gia đình đều không có nghĩa lý gì sao? Liệu tình cảm thân thương chân thành, sự trìu mến thiết tha giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái với nhau đều vô nghĩa cả sao?...

Nơi xóm nghèo miền Nazareth, Đức Giêsu đã được nuôi dưỡng trong bầu khí gia đình ấm cúng, hạnh phúc. Ngài lớn lên trong sự yêu thương, che chở, lo lắng và cả những hi sinh của Mẹ Maria và thánh Giuse. Tất cả chúng đều diễn ra một cách âm thầm, nhẹ nhàng, không ồn ào, và dường như sẽ trôi theo dòng thời gian mà không để lại một dấu ấn gì. Nhưng có phải vì vậy mà chúng sẽ trôi vào quên lãng không? Không, chúng ta hãy nhớ rằng tất cả những cái đó đã tạo nên xương, nên thịt, nên tâm hồn, nên con người, nên bản thể của Đấng Emmanuel. Đó là điều đã diễn ra theo một tiến trình tự nhiên, rất “đời”, nhưng cũng là một điều hết sức siêu phàm, vượt lên mọi trí hiểu. Đó là điều đã xảy ra trong thời gian và không gian, tại một chấm nhỏ của vũ trụ, trong một chớp mắt của lịch sử nhân loại, thế mà nó đã siêu vượt cả vũ trụ, ra khỏi cả thời gian và không gian để đi vào vĩnh cửu.

Ngài là con của “bác thợ mộc Giuse”, và chắc hẳn Ngài đã cùng với cha nuôi mình đóng những chiếc giường, chiếc tủ cho bà con lối xóm. Tất cả đều diễn ra trong thầm lặng; tất cả đều diễn ra với một vẻ bề ngoài đơn điệu, nhàm chán và vô nghĩa. Đó dường như là một bài ca buồn thảm, không có tiết tấu nhanh chậm, không có cao trào! Người ta chỉ thấy anh thợ mộc mặt mày nhớp nhúa, hốc hác, mệt mỏi, và anh đang “cố gắng” hành hạ cái thân xác còm cõi của anh vì miếng cơm manh áo mà thôi! Khó có thể nhận ra và tuyên bố rằng: một anh chàng thợ mộc suốt ngày quanh quẩn bên dùi, đục, cưa, bào, với những thanh gỗ, với những đinh vít, với những mảnh bào, với bụi bặm, là Đấng đang nâng cao và biến đổi vũ trụ, đang tham gia không những vào hành vi sáng tạo mà còn vào hành vi cứu chuộc nữa! Thế nhưng, đó chính là điều mà Đức Giêsu muốn nhắn gửi cho con người. Ngài mô tả sứ mạng của mình như một công việc: “Cha Tôi vẫn đang làm việc, và Tôi cũng đang làm việc”(Ga 5,17)[xi]. Thiên Chúa đang làm việc, Đấng Emmanuel đang làm việc, nghĩa là Ngài đang yêu, đang thông truyền, chia sẻ Tình Yêu cho mọi tạo vật. Chính ở điểm này mà lao công của con người mới thực sự có giá trị, mới thực sự mang dấu ấn của Thiên Chúa.

3.  Nơi vườn Cây Dầu

Con người sống trong cõi đời tức là đang đi về với cái chết! Một bản án tử hình luôn treo lơ lửng trên đầu con người và sẵn sàng chụp xuống “vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó không biết”(Mt 24,44). Đây không phải là điều kì quặc, bất công, và khủng khiếp dành cho con người sao? Nhưng mức độ của bản án này còn ghê gớm hơn khi dành cho Đức Giêsu Nazareth.“Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời là Thiên Chúa”(Ga 1,1). Chúng ta cứ tưởng rằng khi Ngôi Lời trở nên người phàm và ở giữa chúng ta, Ngài mới bắt đầu lãnh cái bản án tử hình dành cho con người. Không! Cái bản án ghê rợn đó đã được dành cho Ngài từ thủa đời đời: một cái chết dành cho Thiên Chúa! Chính ở đây, tình yêu tột cùng sâu thẳm, tình yêu điên cuồng mà Thiên Chúa dành cho con người mới tỏ lộ hết chiều kích của nó.

Trong vườn Cây Dầu, khi chỉ một mình Ngài cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha, khi chỉ một mình Ngài đối diện với ‘quyền lực tối tăm’, thì sự mâu thuẫn, sự đối nghịch, sự giằng xé nơi Con Người mới được đẩy lên cao độ. Một đàng muốn “vâng theo ý Cha” để chu toàn sứ mệnh lớn lao đã được trao phó, một đàng muốn được “cất chén đắng này xa con”, vì nó khủng khiếp quá! 

Con người luôn muốn được an toàn, không muốn phải lo âu thấp thỏm, không muốn sống trong sợ hãi, và vì vậy nó khao khát được làm chủ điều sẽ xảy đến cho mình. Thế nhưng, chính ở điểm này mới nói lên được sự hấp dẫn đầy khiêu khích của cuộc sống; nó cũng cho con người biết mình chỉ là thân phận thụ tạo không có quyền trên định mệnh của mình, và sâu xa hơn, nó nói lên rằng con người có sự tự do. Vì nếu con người biết trước điều gì sẽ xảy đến cho nó, thì cuộc sống chẳng qua chỉ là một kịch bản đã được viết sẵn, và con người chỉ là một diễn viên đáng thương lê lết cho đến lúc hạ màn mà thôi. Nhưng dù biết thế con người vẫn không tài nào thôi được khao khát ấy, nó luôn bám lấy con người một cách dai dẳng.Và chính ở đây, sự từ khước của Con Người trước sự an toàn, trước sức mạnh toàn năng của Ngôi Lời Hằng Hữu, đã nói lên căn tính của Đấng Emmanuel: sống cho.

Trong lời nguyện cuối cùng của Đức Giêsu cũng như trong cảnh ở vườn Cây Dầu, chúng ta có thể thấy cuộc thương khó của Ngài không hệ tại ở những đau đớn thể xác, nhưng ở nỗi cô đơn cùng cực, hoàn toàn bị bỏ rơi. Chính ở đây, vực sâu cô đơn của con người mới thực sự lộ hiện. Con người trong sâu thẳm là một thực tại cô đơn. Dù rằng tâm trạng này thường bị che khuất bởi nhiều thứ, nhưng cô đơn vừa là hoàn cảnh hiện sinh của con người đồng thời nói lên cái mâu thuẫn tột cùng của kiếp người: con người không thể sống một mình, nó cần đến sự đồng hành, đồng phận. Vì thế, cô đơn là miền đất của lo âu, xao xuyến: lo âu bởi phận người mỏng manh, trơ trụi, phải chấp nhận sống điều mà họ không thể. Nỗi sợ đích thực của con người không thể vượt thắng bằng lý trí, nhưng bằng sự hiện diện của một người thân yêu.[xii]

Trong vườn Cây Dầu, dù đang bị bủa vây bởi nỗi cô đơn, sự sợ hãi, nhưng mối liên hệ mật thiết sâu xa giữa Con Người và Thiên Chúa Cha vẫn bừng lên một sự tin tưởng phó thác vào Tình Yêu trong bóng đêm của tử thần muôn mặt. Và từ đó, con người nhận ra rằng đàng sau nỗi bất hạnh bị phó nộp cho một vũ trụ có khả năng đè bẹp mình, thì đã có một Tình Yêu vô biên và vĩnh cửu không ngừng để mắt đến con người, đang chờ đợi và mời gọi con người.[xiii]

Cũng trong chiều hướng suy tư đó, thần học gia Maurice Zundel đã viết những câu văn thật tuyệt vời: “Nếu sự vô tội của Thiên Chúa vang lên xé cả tim ta, thì chính là lúc mà Đức Giêsu đang lê lết trong cơn hấp hối để xin Chúa Cha cất đi chén đắng khỏi mình. Ngài đang ở đấy, hết sức nghèo nàn, bị bỏ rơi tận cùng, bị suy sụp quá thể vì đau đớn đến độ phải tìm một chút tình bạn nhưng lại không gặp được. Trong cuộc chiến giáp mặt rất ác liệt với cái chết, Đức Giêsu đã phải vẫy vùng để thắng nó bằng cái chết của mình, để vén mở cho chúng ta gương mặt mới của một Thiên Chúa không bao giờ thôi ở với chúng ta, không ngừng mong muốn sự hài hoà, tươi trẻ, vẻ đẹp và niềm vui nơi chúng ta”.[xiv]

4.  Bi kịch nhân linh và thần linh nơi Thập giá

Khi sự bất công, sự phi lý đày đọa con người, con người thấy mình sao mà yếu ớt, kém cỏi đến vậy, và nó không hiểu sức mạnh của Sự Ác đến từ đâu mà khủng khiếp đến thế. Con người bất lực gần như hoàn toàn, ngoại trừ việc nó ngước mắt lên trời kêu than trong tuyệt vọng: ‘Trời ơi!’. Tất cả những gì con người có thể làm cho nhau, đó chính là sự có mặt, rồi tin rằng Thiên Chúa vẫn có đó, và Người chung chia cũng một nỗi thống khổ như vậy thôi.

“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?”(Mt 27,46) Đây có thể xem là tiếng kêu của con người trong suốt chiều dài lịch sử của mình.[xv] Đức Giêsu đã kêu như thế trên thập giá, Ngài kêu lớn tiếng(Mt 27,46) như muốn tung hết những vấn nạn của con người lên bầu trời xanh, nơi mà Thiên Chúa toàn năng đang ngự trị?! Tất cả những khổ đau của nhân loại ở mọi thời sống dưới ách nô lệ tội lỗi và sự chết, tất cả mọi lời van xin và chuyển cầu trong toàn lịch sử cứu độ, đều được qui tụ trong Tiếng Kêu Lớn của Ngôi Lời Nhập Thể.[xvi] Nhưng người ta luôn tự hỏi Tiếng Kêu Lớn đó phải chăng là tiếng kêu dù mạnh thế hơn cả máu Abel nhưng vẫn chưa đủ lớn để thấu trời? Thiên Chúa vẫn im lặng như Ngài đã từng im lặng. Dường như Ngài thích hiện diện trong làn gió hiu hiu hơn là trong sấm sét, hơn là trong Tiếng Kêu Lớn của Con Người!

Và do vậy, trên thập giá Lời thực sự đã trở nên câm lặng.[xvii] Ở đây ta mới nhận ra sức mạnh của thập giá: nó đã đóng chặt Lời, nó đã muốn dùng tất cả sự tàn độc, phi lý, bất công, nhục nhã mà con người có thể bày ra, mà nó là biểu tượng, để huỷ diệt vĩnh viễn Lời Hằng Sống. Liệu đây có phải là chung kết cho câu trả lời của Thiên Chúa đối với vấn nạn con người? Liệu ta có thể khẳng định Thiên Chúa đã tỏ ra bất lực trước mầu nhiệm của con người ngay cả khi Ngài là Con Người: mầu nhiệm con người đã vượt qua Thiên Chúa?!

            Không! Thập giá đã băng qua giữa chúng ta để thắng đau khổ và cái chết, vén mở và phục hồi sự sống, phẩm giá và vẻ huy hoàng của nó, làm cho chúng ta ý thức công trình mà Thiên Chúa mời hợp tác. Thập giá, dụ ngôn vô song và duy nhất, diễn tả trong thời gian của loài người một mầu nhiệm đã có từ muôn đời mà Pascal đã cảm nhận một cách rất tuyệt vời khi ông nói: “Đức Giêsu sẽ hấp hối cho đến ngày tận thế”. Điều này có nghĩa là những tình cảm được bộc lộ trong nhân tính Đức Giêsu cũng là những tình cảm đã có từ muôn đời trong trái tim Thiên Chúa và trong thiên tính của Ngài, tình yêu ấy mang tình từ mẫu vô biên, nghiêng mình trên chúng ta và dẫn chúng ta vào trong sự thân mật đầy ánh sáng và niềm vui vô biên của Thiên Chúa, nơi mà tất cả là sự trao ban, việc đánh mất mọi quyền sở hữu, và sự nghèo khó theo Thần Khí.

Thập giá, không gì khác hơn là tiếng gọi của Tình yêu  không sao cưỡng lại được. Thiên Chúa đau khổ cho và nơi chúng ta, hơn cả chúng ta, như một người mẹ đau khổ vì nỗi khổ của đứa con. Nhưng Thiên Chúa không khổ vì một khổ đau có thể tác hại đến Ngài để phá huỷ Ngài. Không! Thiên Chúa đau khổ do tình yêu mang tính đồng hoá là chính tình yêu tinh ròng nhất, không dè sẻn và không đòi được đáp lại, mà trao ban hoàn toàn, là chiếc nôi muôn đời của sự sống. Tình yêu của Thiên Chúa mang màu sắc mọi tâm trạng của tạo vật. Cho nên nơi Thiên Chúa, có thể có một nỗi đau, có một nỗi đau cũng như có một tình yêu vậy. Không phải một nỗi đau khiến Ngài yếu đi hay bị tước mất một cái gì, nhưng đồng hình đồng dạng với người mình yêu cách nào đó, mà có thể nói rằng, dù là cơn hấp hối, nỗi đau khổ, bệnh tật, sự lầm than, cô đơn, tuyệt vọng hoặc tội lỗi, thì Thiên Chúa đều gánh chịu với chúng ta, nơi chúng ta, trước cả chúng ta và hơn cả chúng ta, như một người mẹ cảm thấy bị trừng phạt bởi những tâm trạng vì đã tự đồng hoá hoàn toàn với con mình.[xviii]

Không cần phải đợi đến “siêu nhân”[xix] Nietzche hô hào “hãy giết chết Thiên Chúa!”, và cũng không cần phải đợi đến khi ông ta hoàn thành công việc vĩ đại đó[xx], Thiên Chúa đã chết thực sự trên cây thập giá, một cái chết đầy ô nhục và không hao công tốn sức như thời đại Nietzche bỏ ra. Thiên Chúa chết để mở lối cho Tình yêu đến được thế giới đã từ chối nó.

Do vậy, ai thấy cuộc đời mình như cuộc đời của Đấng Emmanuel-kẻ tử tội trên đồi Calve ngày nào- thì người đó vừa chìm sâu trong Thiên Chúa, vừa dìm mình trong vực thẳm khốn cùng của kẻ bị trời đất bỏ rơi, người đó hẳn phải bị giằng xé, bị “đóng đinh” thực sự. Nhưng việc bị giằng xé như thế thực ra cũng đồng nhất với tình yêu, là thể hiện của một tình yêu đến cùng, là sự diễn tả cụ thể của không gian mênh mông mà tình yêu tạo lập.[xxi]

Đức Giêsu-Người Công Chính bị đóng đinh trở thành như tấm gương trưng ra để con người có thể nhìn thấy khuôn mặt trần trụi, không sơn phết của chính mình. Con người là vậy, tuy hữu hạn yếu ớt, nhưng có thể đày đọa người anh em nhân loại của mình đến chết tức tưởi với sức mạnh khủng khiếp của sự vô tri, lòng độc ác, sự ghen tương,.. Nhưng thập giá không chỉ mạc khải về con người mà còn về Thiên Chúa nữa: Thiên Chúa là thế đó, Ngài nên một với con người trong tận cùng vực thẳm, Ngài phán xét con người bằng cách cứu vớt họ. Và, chính trong vực thẳm thất bại của con người mà một vực thẳm còn thẳm sâu hơn nữa được tỏ hiện, vực thẳm của tình yêu Thiên Chúa. Như vậy, thập giá quả thật là tâm điểm của mạc khải, nhưng không theo nghĩa hé lộ cho ta vài điều gì đó mà cho đến nay ta chưa được biết, nhưng là mạc khải về chính con người chúng ta, vạch trần con người thật của chúng ta trước Thiên Chúa và vạch rõ sự hiện diện của Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống chúng ta.[xxii]

 

 

 

5.  Táng xác trong mồ đá, Phục sinh vinh hiển

            Thi hào Nguyễn Du đã tự hỏi mình:        

   Bất tri tam bách dư niên hậu

   Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?[xxiii]

 Ở đây không phải ông thương tiếc cho tiếng tăm của mình sẽ bị mai một theo dòng thời gian, cũng không phải ông lo lắng hậu thế sẽ vô tâm, bạc bẽo với những gì ông đã đóng góp cho cuộc đời, nhưng ông sợ rằng nấm mồ sẽ chôn chặt tất cả, huỷ diệt tất cả. Nấm mồ tự nó không là cái gì khác ngoài một nắm đất-cũng như con người vậy,[xxiv] thế thì tại sao nó có sức mạnh ghê gớm đến vậy? Nó làm cho ‘ra đất’ những gì con người mong là trường cửu; nó chôn chặt vào ‘chốn tối tăm’ những gì con người cho là huy hoàng rực rỡ; nó huỷ hoại tất cả những công trình mà con người tự cho là ‘vượt thời gian’; nó xô vào quên lãng những gì con người mong muốn được “vang dội khắp cùng bờ cõi trái đất”; nó phá tan tất cả những gì gọi là cộng đồng, là hợp tác, là chung chia, và quăng mỗi người vào xó xỉnh của sự đơn độc tột cùng, của sự chia lìa vĩnh viễn. Và do vậy, con người thường nhắc nhở nhau một cách bi đát: chết là hết!

Nhưng có thật như vậy không? Nếu chết là hết, nếu chết là xoá sạch, nếu chết là trôi vào cõi hư vô, thì con người chẳng phải là kẻ đáng thương nhất, kẻ khốn nạn nhất trong mọi tạo vật sao? Nếu quả thực chết là dấu chấm hết cho tất cả, thì những vất vả lao công của con người, những công trình trang điểm cho vũ trụ này là vô nghĩa, và con người là kẻ vô tri ngu ngốc nhất! Nếu sự thật là vậy thì nó phải làm như Gióp nguyền rủa ngày nó ra đời, nó phải ước làm sao lúc mở mắt chào đời thì cũng là lúc nó hạnh phúc được nhắm mắt nói lời vĩnh biệt với dương gian!

Tự sức con người, nó không thể biết được cái gì sẽ chờ đợi mình sau khi chết, nhưng dường như nó nghe thấy lời vang lên trong sâu thẳm hữu thể, lúc nhẹ nhàng, lúc dữ dội: “Không phải thế đâu! Không phải thế đâu!”. Con người hữu hạn nhưng luôn mong muốn cái vô hạn, con người là kẻ hay chết nhưng lại khát khao sự sống vĩnh cửu, con người là kẻ bất toàn nhưng lại muốn biết tất cả, muốn nắm tất cả trong tay mình. Và sự thực thì nó cũng bất lực trong việc muốn biết tại sao nó lại có những khao khát trái nghịch với bản tính của một loài thụ tạo như nó. Mà tự bản tính, con người là hữu thể có khả năng đáp trả, và biết đáp trả, nên lòng nó, cuộc sống nó dường như là một lời đáp trả cho tiếng vọng đó, và điều đó được thể hiện nơi sự kiên nhẫn để sống, để làm việc, sau hết và trên hết, để hy vọng.

Vậy khi Đấng Emmanuel đến, liệu Ngài có đủ sức để phá tung nấm mồ kia không? Liệu Ngài có bẻ gãy được “xiềng xích của tử thần” không? Liệu Ngài có nắm được “cái vô hạn trong lòng bàn tay”[xxv] mình hay không? Liệu Ngài có thể thâu tập tất cả vào nơi Ngài không? Liệu Ngài có thực sự đem đến điều mà con người hy vọng, con người khao khát nhất, đó là sự sống vĩnh cửu hay không?

Đấng Emmanuel đã đến và con người đã treo Ngài trên thập giá, đã táng xác Ngài trong huyệt mộ. Con Người đã chết như bao người khác, đã bị chôn chặt trong lòng đất đen. Ngài là Lời của Thiên Chúa, nhờ Ngài mà vạn vật được hiện hữu và được giữ cho hiện hữu, nay Lời ấy đã bị ‘chôn’ vào cõi thinh lặng ngàn thu. Mồ mả đã nuốt chửng Lời, và điều này cũng đồng nghĩa với việc mọi ngôn từ, lời lẽ của con người cũng phải chung kiếp mộ phần với Lời sao?

Không! Thiên Chúa đã cho Ngài được Phục sinh vinh hiển, tảng đá lấp mộ huyệt đã bị  phá tung trước sức mạnh của Lời sáng tạo. Sự kiện Đức Giêsu chết và Phục sinh thực sự là Tin Mừng vĩ đại nhất, độc nhất vô nhị được tuyên ra trong lòng lịch sử vũ trụ này. Sự kiện này cho chúng ta vui mừng và tin nhận rằng:

Đấng Emmanuel đã vượt qua ngưỡng cửa cô đơn cuối cùng của nhân loại; qua cuộc khổ nạn của Ngài, Ngài đã bước xuống tận vực thẳm của thân phận bị ruồng rẫy. Nơi đâu chúng ta chẳng còn nghe được âm thanh nào vọng tới nữa thì ở đó có Ngài. Như vậy có nghĩa là địa ngục đã bị đánh bại, hay nói đúng hơn, cái chết không còn là địa ngục nữa. Cả hai giờ đây không còn giống như trước nữa, vì sự sống hiện diện ngay giữa lòng sự chết, tình yêu cư ngụ trong bóng tối tử thần.[xxvi]

 Lòng tin của chúng ta vào cuộc Phục sinh không chỉ có ý nói rằng con người ấy đã chết và đã được sống lại. Lời không thể bị giam hãm trong cõi thinh lặng được. Mồ mả không thể nuốt trửng Lời được. Chúng ta là những hữu thể nhân linh có khả năng tuyên lên những lời nói. Những lời nói của chúng ta có thể đem lại sự sống mà cũng có thể đưa đến sự chết; có thể sáng tạo mà cũng có thể huỷ diệt. Ở đỉnh cao của tấn kịch này, có những lời nói sau cùng của Đức Giêsu trên thập giá. Những lời ấy quí báu bởi vì chính ở đó có nền tảng để chúng ta xác tín rằng những lời nói của con người đúng là cuộc tìm kiếm một vận mệnh tối hậu, và những lời nói của con người có thể đạt tới vận mệnh ấy.[xxvii]

Phục sinh là sự chiến thắng của tình yêu trên cái chết.[xxviii] Điều này muốn nói với con người rằng: Sức mạnh của tình yêu sẽ giúp con người vươn lên, vượt lên khỏi cái qui định hạn hẹp hữu hạn của thân phận bụi đất con người. Tình yêu như đôi cánh giúp con người bay lên khỏi lũng đầy nước mắt nhân sinh. Sức mạnh này đã có nơi con người, nhưng dường như nó bị kiềm hãm không thể khai phóng hết năng lượng của nó. Việc Thiên Chúa làm người là một cách thức để đánh thức tình yêu tìm lại sức mạnh vốn có của nó, và việc Ngài Phục sinh từ trong kẻ chết là phá vỡ gông cùm kìm kẹp, giúp tình yêu trở nên tự do, vì đặc tính của tình yêu là sự thức tỉnh, là sự tự do và là sự sống.

 Kết luận

            Mầu nhiệm về tình yêu Thiên Chúa vốn ẩn chứa trong cốt lõi của toàn thể tạo vật đã trở nên rõ ràng nơi Đức Giêsu-Đấng là ân sủng của Thiên Chúa trở thành xác phàm. “Nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, bí ẩn về đau khổ và sự chết được sáng tỏ, bí ẩn đó đè bẹp chúng ta nếu chúng ta không biết đến Phúc Âm.”[xxix] Ngôi Lời Nhập thể thực sự không đưa ra câu trả lời, không đem đến ánh sáng soi chiếu, nhưng chính Ngài là câu trả lời, là nguồn sáng soi chiếu cho mọi vấn nạn của con người.

Toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu là mầu nhiệm qui tụ: tất cả mọi điều Đức Giêsu đã nói, đã làm, đã chịu...đều hướng tới mục đích đưa con người sa ngã trở về ơn gọi ban đầu: “Khi nhập thể làm người, Đức Kitô đã qui tụ nơi mình toàn bộ lịch sử nhân loại và ban cho chúng ta ơn cứu độ, để những gì xưa kia chúng ta đã mất nơi Adam, tức là không còn là hình ảnh và giống như Thiên Chúa nữa, thì nay chúng ta tìm lại được trong Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế Đức Kitô đã trải qua các lứa tuổi của đời người, nhờ đó làm cho mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa.”[xxx]

Toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu là mầu nhiệm Cứu độ. Ơn cứu độ đến với chúng ta trước hết nhờ Máu Người đổ ra trên thập giá, nhưng mầu nhiệm này đã hoạt động trong toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu: trong việc Nhập thể, khi người trở thành nghèo khó để lấy cái nghèo của mình làm cho chúng ta nên giàu có; trong cuộc sống ẩn dật, khi Người vâng phục để sửa lại sự bất phục tùng của chúng ta; trong lời Người nói để làm cho kẻ lắng nghe nên thanh sạch; trong các việc chữa bệnh và trừ quỉ, “Người mang lấy các tật nguyền của ta, và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”; trong việc Phục sinh, để chúng ta được nên công chính.[xxxi]

Toàn bộ cuộc đời Đức Giêsu là mạc khải về Chúa Cha: những lời Người nói, những việc Người làm, những lúc Người im lặng,...Đức Giêsu có thể nói: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”(Ga 14,9), và Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta, Người được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người”(Lc 9,35). Vì Đức Kitô đã làm người để chu toàn ý muốn của Chúa Cha, nên ngay cả những điểm nhỏ nhất trong các mầu nhiệm của Người đều biểu lộ cho chúng ta thấy “tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta”(1Ga 4,9)[xxxii].

Vì đã nhập thể, đã mặc lấy phận mệnh loài người, nên Ngôi Lời hằng ở với tất cả những ai cần được cứu rỗi, gõ cửa hết mọi con tim và soi sáng hết mọi tâm trí đang tìm kiếm chân lý. Thánh Gioan viết Đức Kitô là sự sống và là sự thật (Ga 14,6), và nêu rõ mục đích của Đức Kitô là “để cho họ (tức mọi người) có sự sống dồi dào”(Ga 10,10), nhưng sự sống này lại đi đôi với chân lý: “sự sống soi sáng cho mọi người”(Ga 1,4). Thế nên, tất cả những ai ra sức đi tìm chân lý và sự công chính, thì đều được Ngôi Lời hướng đạo, chính vì Ngài là con đường dẫn tới tiêu đích ấy. Thật vậy, mọi chân lý là một thể cách hiện thân “tối vi mô” của Ngôi Lời, Khôn Ngoan của Thiên Chúa.[xxxiii]

Đấng Emmanuel ban tặng Thiên Chúa cho con người và đưa con người-mọi con người-đến với Thiên Chúa. Ngài đến để thoả mãn cơn khát Thiên Chúa của con người, và cơn khát con người của Thiên Chúa.[xxxiv] Ngài đến để làm cho chúng ta biết rõ về khuôn mặt thật của Thiên Chúa và phục hồi khuôn mặt thật của con người và của vũ trụ.[xxxv] Ngài đến để làm chứng cho Tình yêu Thiên Chúa, để trở nên mẫu gương cho con người, và cho con người biết ý nghĩa, giá trị của cuộc sống hệ tại ở việc sống cho người khác.

Giuse Nguyễn Đức Nhân, K.10


[i] Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb Văn học, 2008

[ii] Timothy Radciffe, Bảy lời sau cùng của Đức Kitô, p.61, bản dịch của Học viện Đa-minh, không rõ nhà xuất bản, trích theo La Nuit, Paris, 1958

[iii] Ibid, p.62

[iv] Nguyễn Du, Truyện Kiều, Nxb Văn học, 2008

[v] Cđ Vaticano II, Hc Gaudium et Spes,s.18, bản dịch của Học viện Giáo hoàng Pio X – Đà lạt, không rõ Nhà xuất bản.

[vi] Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, bản dịch của HĐGMVN, Nxb Tôn giáo, 2007, s.28

[vii] Cđ Vaticano II, Hc Gaudium et Spes, s.22

[viii] Joseph Ratzinger, Đức tin Kitô giáo, hôm qua và hôm nay, bản dịch của Nguyễn Quốc Lâm & Phạm Hồng    Lam, Nxb Tôn giáo, 2009.

[ix] x. Blaise Pascal, Pensees

[x] Có thể nói rằng, trong lịch sử nhân loại đã có những con người “nghe” được thông điệp này, ví như thánh Phanxicô Átsidi, thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu. Tuy nhiên, “phận nghèo khó” ở đây còn mang nhiều chiều kích khác nữa.

[xi] Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo, s.259

[xii] Joseph Ratzinger, sđd

[xiii] x. Maurice Zundel, Một cái nhìn khác về con người, tập 2, không rõ dịch giả và Nhà xuất bản.

[xiv] Ibid.

[xv] Trong Tiếng Việt, nếu thay đại từ nhân xưng “con” bằng “tôi”, ta sẽ thấy ý nghĩa biểu trưng của câu nói này rộng lớn đến mức nào.

[xvi] Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo, số 2606, nhóm dịch giả, Nxb Tp.HCM, 1998,

[xvii] Câu nói trong một bài giảng của Lm. J.B Nguyễn Khắc Bá

[xviii] x. Maurice Zundel, Một cái nhìn khác về con người, tập 1

[xix] một khái niệm triết học của Nietzche

[xx] “Thiên Chúa đã chết!”

[xxi] Joseph Ratzinger, sđd

[xxii] Joseph Ratzinger, sđd

[xxiii] Dịch nghĩa:          Không biết ba trăm năm lẻ nữa

                                      Thiên hạ còn ai khóc Tố Như?

[xxiv] “...vì từ bụi đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19)

[xxv] Tên một tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận                 

[xxvi] Joseph Ratzinger, sđd

[xxvii] x. Timothy Radciffe, Sđd

[xxviii] Joseph Ratzinger, sđd

[xxix] Hc Gaudium et Spes, s.22

[xxx] Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, s.518

[xxxi] Ibid, s.517

[xxxii] Ibid, s.516

[xxxiii] Felippe Gomez, Kitô học, tập 2, Antôn & Đuốc sáng phát hành.

[xxxiv] Trên thập giá, Đức Giêsu đã kêu lên: “Ta khát!” Nhiều nhà thần học Thánh kinh cho rằng, với câu nói này Đức Giêsu vừa thay mặt cho Thiên Chúa Cha nói với nhân loại, vừa đại diện cho con người thưa lên với Thiên Chúa.

[xxxv] Marc Donze, Tư tưởng thần học của Maurice Zundel, Nguyễn Thị Chung chuyển ngữ, Nxb Tôn giáo, 2004

Nguồn tin: