Chúng ta sẽ nhận ra được Chúa Ki‑tô không?
Nhờ đâu chúng ta sẽ nhận ra Người?
Có biết bao người đã được giáp mặt Chúa lúc Chúa sống ở thế trần và họ đã không nhận ra được Chúa. Còn chúng ta? Tại sao chúng ta sẽ nhận ra được Chúa? Tại sao chúng ta sẽ không nhận ra được Chúa?
Bạn sẽ nói: nếu chúng tôi đã được sống cùng thời với Người, được nghe Người, được nhìn thấy Người, được chạm đến Người, chúng tôi sẽ yêu mến Người biết bao! Chúng tô sẽ bỏ tất cả và hăng hái theo Người!
Có thật không? Bạn chưa thấy Chúa bao giờ sao? Chưa được chạm đến Người bao giờ sao? Bạn có thể kết hiệp với Người mỗi ngày… Và bạn chưa được nghe Người nói bao giờ sao? Hằng ngày Người vẫn chờ đợi để được nói với bạn trong Phúc âm. Chưa gặp bao giờ sao? “Ta đói, con đã cho Ta ăn, Ta khát, Ta cô độc…” Bạn có thể gặp Người bất cứ lúc nào, nơi bất cứ một người anh em nào của bạn.” Ta sẽ ở cùng chúng con mỗi ngày cho đến tận thế”. Còn gì khích lệ, bảo đảm và âu yếm hơn nữa không? Ở với chúng ta, mỗi ngày!
Không gì sai lạc bằng người tin rằng chỉ cần chào đời cách đây 2.000 năm trước là đã thành người Công giáo tốt!
Trái lại, rất có thể, ngay những lúc gần Chúa nhất, chúng ta sẽ bị những hư hèn của chúng ta làm mù quáng để không nhận ra được Người, cũng như bao người thời đó, vì tò mò men đến gần Người, nhưng đã rút lui, thất vọng, vì chỉ gặp được một con người hết sức tầm thường – nếu không phải là một con người lập dị không thể chịu được. Và lại hết sức chướng tai gai mắt… “Phúc cho kẻ không cảm thấy xấu hổ vì Ta.”
Mọi việc đều được tái diễn. Mỗi sáng Chúa Ki‑tô vẫn là Chúa Ki‑tô. Nhân loại vẫn là nhân loại. Phúc âm là quyển sách mạc khải. Mạc khải Thiên Chúa, mạc khải chúng ta.
Phúc âm thuật lại lịch sử gặp gỡ giữa Chúa Giê‑su với nhân loại, với tất cả mọi hạng người – mọi thứ gặp gỡ – từ đầu hết, bây giờ và muôn đời… Phúc âm thuật lại cho chúng ta biết Chúa đã đối đãi với nhân loại như thế nào, và đáp lại, nhân loại suốt dọc lịch sử loài người đã bạc đãi Chúa như thế nào!
Bạn sẽ nói: nếu vậy Chúa Giê‑su đã ở bên cạnh chúng ta từ lâu rồi sao? Và thế mà chúng ta đã không hay biết? Thật ra, không ngày nào bạn không gặp Người. Đã bao nhiêu lần bạn tiếp rước Người! Đã bao nhiêu lần bạn không nhận ra Người, đã khinh dể, đã lên án Người! Chúng ta đừng tưởng rằng những người hành hạ Chúa mà Phúc âm đã kể lại, xấu hơn chúng ta đâu. Không! Họ cũng có nhiều hảo ý. Cũng như chúng ta, họ làm, nhưng không biết việc mình làm… Họ làm vì lợi ích cho tất cả… Họ làm “theo tiếng lương tâm”… Họ giết Chúa Giê‑su theo ý “ngay lành” của họ… Như chúng ta. Và chính Chúa Giê‑su cũng đã chẳng nói: “Xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm?”
“Ở giữa các ông, có một Người mà các ông không biết”. Lời khuyến cáo của thánh Gioan đây cũng là một lời sống, lời đó vẫn tiếp tục vang dội mãi! Lời tiên tri của mọi thời đại. Ở giữa các ông… từ bao nhiêu năm rồi? Chúa Giê‑su đã sống ở giữa họ từ 30 năm rồi. Người đã gặp họ hằng trăm lần. Người đã làm việc với họ, phụ giúp họ, nhìn ngắm họ, nghe họ, chuyện vãn với họ. Và không một ai nhận ra Người! Suốt 30 năm!
Đây là lời hằng sống trao gởi mỗi người trong chúng ta. Giữa Người và chúng ta, vẫn một tấm màn, vẫn một bức tường lãnh đạm, chống đối, cay cú đó. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một sự chống đối cuồng loạn đối với Thiên Chúa. Chúng ta cố sức từ chối Thiên Chúa, một Thiên Chúa đã dám trở thành “gương mù” trước con mắt ngỡ ngàng của chúng ta.
Nhưng lời Chúa Giê‑su nói với Philipphê trước ngày tử nạn còn mạnh mẽ hơn, còn lạ lùng hơn lời của thánh Gioan. Sau ba năm sống công khai, xuất hiện hằng ngày trước công chúng, dạy dỗ họ từng giờ, để rồi Chúa Giê‑su đau lòng phải thốt lên lời trách cứ một trong những người Chúa đã chia sẻ sứ mạng: “Philipphê… Thầy đã ở với chúng con biết bao lâu rồi, thế mà con còn chưa biết Thầy!...”
Sau hai mươi thế kỷ, có ai trong chúng ta tránh được lời quở trách đó. Đã từ lâu… thế mà chúng con chưa biết Ta. Chúng con chưa hiểu rằng – Ta đói, Ta khát, Ta nghèo khổ, Ta ở một nơi không có gì đáng khen, đáng trọng, đáng sợ, đáng kính, nghĩa là Ta ở chính nơi mà chúng con cho là chắc chắn không có Ta.
Sau 2.000 năm sống “công khai”, sự có mặt của Chúa vẫn còn là sự có mặt trong bóng tối. Và, có lẽ, Người sẽ phải có mặt trong bóng tối mãi mãi. Chỉ có những người biết từ bỏ quan niệm Thiên Chúa theo ý riêng mình, từ bỏ tìm kiếm Người nơi họ tưởng chỉ họ mới có thể nhận ra Người. Lời mời gọi mạnh mẽ nhất của Chúa, đối với chúng ta, chỉ là thinh lặng. Vì Người không dùng thứ ngôn ngữ chúng ta trông đợi. Chỉ khi nào chúng ta yêu mến Người đủ, để có thể luyến thương đường lối, ngôn ngữ, ý muốn của Người hơn của chúng ta, chừng đó chúng ta mới nhận ra Người.
Chúa đã sống lại, đã hiện ra rồi đấy chứ! Nhưng không một ai nhận ra Chúa. Khi Chúa hiện ra, không một ai đã nhận ra được Chúa ngay. Phải một thời gian sau. Hai môn đệ trên đường Emmaus, cùng đi với Chúa một quãng đường xa, nghe Chúa nói một hồi lâu, được sự hiện diện của Chúa sưởi ấm một thời gian lâu, thế mà vẫn không biết người nâng đỡ tinh thần mình kia là ai. Sau cùng, tới lúc bẻ bánh, họ mới nhận ra Chúa. Trên bờ biển Tibêriađê, cho đến lúc thấy lưới sắp rách vì nhiều cá lạ thường, một người trong bọn – người môn đệ Chúa yêu – mới kêu lên – “Thầy đó!...” còn Maria Mađalêna cũng lầm nốt, bà cứ tưởng Người là bác làm vườn; Chúa chỉ cần gọi tên là bà nhận ra được Chúa ngay.
Người của Chúa, nhận biết tiếng Chúa. Ai nhẫn nại làm quen với công việc của Chúa, sẽ lần lần nhận ra tiếng Chúa.
Chúng ta thường phàn nàn về sự “im hơi lặng tiếng” của Chúa, về sự vắng mặt của Chúa. Thường chúng ta thích hình dung nỗi vui mừng của chúng ta khi một biến cố trọng đại nào đó sẽ xảy đến minh tỏ Người cho chúng ta. Phúc âm cho thấy rằng những người đồng thời với Chúa cũng chẳng nhận ra được sự có mặt của Người, một sự có mặt còn kéo dài mãi cho tới hôm nay.
Nếu có ai nói với bạn rằng: Ngôi Lời đã làm người vì chúng ta, để ở giữa chúng ta, và chính chúng ta lại quyết tâm từ khước Người, bạn có đủ ngây thơ để tin không? Bạn cho là ngây ngô. Nhưng thực tế còn phũ phàng hơn nhiều. Người chỉ muốn ở với chúng ta, và chúng ta đã không muốn tiếp rước Người. “Người đã đến ở giữa dân Người, nhưng dân Người không tiếp rước Người”. “Loài người đã thích tối tăm hơn ánh sáng, bởi vì việc làm của họ xấu xa”. Chúng ta có đủ thành thực nhận rằng đó chính là lý do tại sao chúng ta đang cảm thấy bị tối tăm xâm chiếm không? “Ánh sáng chiếu trong đêm tối”, trong đêm tối của chúng ta đó!
Hàng mấy ngàn năm trước, dân Do thái đã được chuẩn bị, nuôi nấng, thông báo, huấn luyện để đón nhận Đấng Cứu Thế, Chúa đến… Họ nắm hụ Người… Họ tin tưởng nơi các luật sĩ, các nhà thông thái, các nhà thần học, các thầy tư tế và cha mẹ của họ. Họ đã học hỏi kỹ về đạo của họ. Họ rành lắm. Họ là dân riêng của Chúa, là những nhà chuyên môn về Đạo. Chuyên môn về những gì liên quan đến Chúa. Nhưng Chúa ở giữa họ, họ lại không nhận ra Người. Lạy Chúa, Chúa đâu có đến như thế! Nazaréth thì có gì tốt được! Thôi, Chúa muốn lạ một chút thì cũng được đi nhưng, dầu sao, cũng đừng quá chứ! Chúng tôi đã học thế này, sách chép thế này…, và đủ thứ chuyện khác, mà Chúa chẳng giống thứ nào hết…!
Chúng ta, những người Do thái thế kỷ 20, hãy cẩn thận, đừng quá ỷ lại vào sự hoàn hảo về hình thức các tín điều đến nỗi quên cả nội dung. Hãy coi chừng đừng quá thông thạo các ký hiệu đến nỗi quên vật được ám chỉ, kẻo vì đã tin từ lâu quá rồi để đến bây giờ không còn tin nữa, đã đợi Chúa Ki‑tô từ lâu quá rồi để đến giờ đây gục xuống ngủ mất!
Chúng ta tin vào Chúa, hay là tin những người rao giảng Chúa cho chúng ta?
Tin vào Chúa, không có nghĩa là chúng ta đã thâu lượm được một mớ định nghĩa, một mớ kiến thức về hiện tượng tôn giáo, nhưng là đã gặp gỡ một người. Một người sống. Nghĩa là đã có một sự xích lại gần, tiếp xúc, hoán cải, tác động. Tất cả những người gặp Chúa Giê‑su hồi xưa, đều đã có đạo hết. Tất cả đã tin có một Chúa, theo như người ta dạy cho họ. Nhưng những người ra đi theo Chúa Giê‑su là những người dám vượt quá những tư tưởng mà mình đã hết sức khó nhọc thâu lượm được, để chấp nhận những tư tưởng hoàn toàn mới lạ của Người. Tất cả chúng ta được mời gọi thực hiện một cuộc hoán cải khó khăn nhất: cuộc hoán cải ngay trong lòng của tôn giáo chúng ta.
Những người theo Chúa Giê‑su, đã phải canh tân quan niệm của họ về Chúa ngay từ giây phút đầu tiên. Hy sinh những quan niệm đó, cùng một trật, họ phải hy sinh những gì phát sinh ra chúng: những người quen biết, bạn hữu, xã hội quanh họ, tất cả những khuôn khổ tư tưởng và tập quán ước định mà Chúa Giê‑su sẽ đảo ngược đi tận gốc rễ. Tất cả cái hệ thống cổ hủ mà Chúa sắp đánh đổ: đó là những thứ ta cần phải từ bỏ, tức khắc, nếu chúng ta muốn theo Chúa Giê‑su, khi chúng ta khởi sự tin nơi Thiên Chúa, Thiên Chúa chân thật, Thiên Chúa hằng sống.
Thái độ của một người nhất quyết tin theo Chúa thực sự, dứt khoát một lần thay cho tất cả, thường gây khó chịu cho tất cả mọi người, cho những người “Công giáo đàng hoàng” có đủ “khiêm nhượng” để làm như mọi người. Cho những người tin tưởng rằng mình giữ đạo chính, đạo thật, cái đạo đã trải qua bao thử thách, cái đạo không đụng chạm gì tới ai.
Thánh Phaolô cũng thế, khi ngài bắt bớ các giáo hữu, ngài cũng tưởng mình theo đạo thật, đạo chính. Không ai hiểu rõ bằng ngài những giới răn của Giáo hội ngài, không ai hăng say buộc người ta tuân theo các giới răn đó bằng ngài. Vì thế, ngài không thể nhịn được khi thấy một số người đem ra “xét lại tất cả các vấn đề”, họ dám tin rằng mọi sự như thế là chưa đúng mức, chưa hợp thức ư? Ngài đã có Sách Luật. Tất cả đều đã được định trước rồi, còn phát minh ra những cái thể này để làm gì? Thánh Phaolô là con người tuân giữ nghiệm nhặt theo một lề lối chính truyền hoàn toàn.
Và con người giữa đạo hoàn hảo đó, sau cùng, khi thật sự gặp chính Thiên Chúa, Đấng mà ngài cho là mình đã phụng sự từ trước tới giờ, thì ngài đã bị Người quật ngã (foudroyé). “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Trong thâm tâm thánh Phaolô, Thiên Chúa mà ngài bo bo giữ lấy từ lâu đã khô đét lại để biến thành một thần tượng
Còn Thiên Chúa của chúng ta? Thiên Chúa mà chúng ta tưởng chúng ta phụng sự? Phải chăng đó là một người dễ cảm, nhiều lo âu và dễ mủi lòng, bị bắt bớ – có thể bị bắt bớ – và đã tỏ mình ra với thánh Phaolô? Hay chỉ là một Đấng toàn năng, xa vời, hoặc “chỉ là một con số”, để sẽ nắm lưng bạn tức tốc mỗi khi bạn sai lỗi? Có lẽ nhiều người Công giáo sẽ không muốn làm Thiên Chúa mà họ vẫn phác hoạ hình ảnh trong trí óc, họ sẽ tốt hơn Thiên Chúa đó nữa!
Khi Chúa Giê‑su tỏ mình ra, khi Chúa Giê‑su tỏ Đức Chúa Cha ra – “ai thấy Ta là thấy Đức Chúa Cha” – người ta khám phá ra rằng: Chúa tốt hơn người ta tưởng vô cùng: Chúa gần gũi chúng ta, Chúa có thiện cảm với chúng ta, Chúa trẻ trung, Chúa vui tươi, Chúa dịu hiền, Chúa thân mật! Chúa khẩn nài tình yêu nhân loại. Chúa chạy theo chúng ta, giữa những bụi rậm, gai góc, khi chúng ta từ bỏ Người; và nếu chúng ta bỏ nhà ra đi, Người hằng trông ngóng chờ đợi ngày về của chúng ta. Và nếu chúng ta muốn trở về, Người lại tỏ ra tràn đầy âu yếm, tìm đủ mọi cách để mừng ngày chúng ta trở lại
.
Như thế… nếu chúng ta chưa bao giờ gặp được Người, thử hỏi đó có phải là lỗi của Người không? – Hay là lỗi của chúng ta? Cuốn Thánh kinh chỉ là một tiếng kêu mãi mãi vang dội: Thiên Chúa đi tìm kiếm nhân loại. Từ sách Sáng thế: “Adong, ngươi ở đâu?” cho đến sách Khải huyền: “Đây Ta đứng ở cửa và Ta gõ. Nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào và dùng bữa với nó, nó với Ta” (Apoc. 3,20). Người vẫn hằng gõ cửa… Và đôi khi gõ suốt cho đến sáng… cái cánh cửa bực mình kia vẫn khua động và kêu inh ỏi mãi… Cái cánh cửa cũ kỹ mà mình tưởng là phải bị đóng lại vĩnh viễn… người ta đã gõ nơi cửa chúng ta và làm chúng ta khó chịu… Thật là bực mình, phải thức dậy và ra mở cánh cửa cũ kỹ kia!... Nhưng dầu sao người ta đã gõ cửa. Chúa đó!... và mãi mãi, khắp mọi nơi. Người chỉ gặp một bức vách dầy cứng và im lìm. Ôi lạy Chúa, chúng con sẽ cố gắng mở cửa cho Chúa, chúng con biết rằng Chúa lấy làm đau lòng mà đến đập cửa chúng con. (Claudel, Position et Propositions II).
“Con sẽ không tìm Ta nếu con đã không gặp Ta”, Chúa của Pascal nói. Nhưng, đúng hơn, có lẽ phải nói: “…nếu Ta đã không gặp con trước”! Chúa có thể bị quên lãng, bị chối từ, bị ruồng bỏ, bị phản bội. Nhưng Người vẫn là vị Cứu tinh, vẫn trung tín, vẫn là Cha. Người không thể thay đổi. Một đứa con có thể không còn là con, nhưng người cha mãi mãi sẽ vẫn là cha.
Lòng khao khát Chúa của nhân loại không có nghĩa gì khi sánh với lòng Chúa khao khát nhân loại. Chúa không bao giờ thất hứa trong những cuộc ước hẹn với con người, khi chính Chúa sắp đặt những lần ước hẹn đó. Không có ai lặn lội đi tìm Người mà đã không gặp Người.
Không có ai trao hiến bản thân cho Chúa mà lại không nghe tiếng Người, không gặp được Người, không cảm thấy Người hành động nơi họ, không cảm thấy được lành bệnh, an ủi, vỗ về, trìu mến.
Chúa vẫn là Mạc Khải cũng như Chúa vẫn là Tình Yêu – Chúa không chỉ yêu chúng ta có một lần ngắn ngủi, cách đây 2.000 năm – tình yêu nói cho nhau, thông ban cho nhau. Cái đặc biệt của tình yêu là nói cho nhau: khi người ta khởi sự yêu nhau, thì trước tiên họ thuật cho nhau tất cả những chi tiết của đời sống họ, tất cả những gì xảy đến cho họ, họ “mạc khải” cho nhau, họ tự hiến cho nhau, họ trao đổi tâm tình.
Chúa không ngớt hứong về chúng ta để chia sẻ cho chúng ta, để tâm sự với chúng ta. Nhưng, chúng ta lại luôn luôn từ chối. Chúa muốn tỏ mình ra, nhưng, chúng ta lại quá lơ đễnh, quá bận rộn, quá ngờ vực, quá nghi kỵ. Giữa Chúa và chúng ta có một sự chống đối mãnh liệt… có những bức vách lơ đễnh, lãnh đạm, chán ngán, chống chọi, ngăn cách. Mỗi ước muốn tiến về Chúa, mỗi lời nguyện của chúng ta giống như một lát bào, lấy bớt đi một miếng dăm của bức vách hoài nghi đó. Bao giờ lời nguyện của chúng ta đủ sức để xoi thủng bức vách kia đi, lúc đó chúng ta mới khám phá ra rằng Chúa vẫn ở đó từ lâu, Người vẫn chờ chúng ta, Người hối thúc chúng ta để chúng ta tiến vào.
Chỉ có lời cầu nguyện mới có thể làm hao mòn sức chống đối kinh khủng của chúng ta đối với Thiên Chúa. Cầu nguyện là phơi bày thân phận mình trước Thiên Chúa, trao hiến cho Người xếp đặt, để cho Người có thể thực hiện nơi chúng ta những gì Người vẫn hằng mong muốn, để ít ra một lần, Người có đủ thong thả, đủ thì giờ để “mạc khải”, tâm sự với chúng ta, trao gửi chúng ta điều mà Người dành để cho chúng ta từ thuở đời đời. Là để cho Người tiêu diệt nơi chúng ta cái con người thô lỗ, ồn ào, tự đắc, luôn luôn la lối cản trở cuộc đàm thoại. Những ngày tĩnh tâm là để tập tin tưởng rằng nếu có sự xa cách ấy thì không phải lỗi tại Chúa, là để nhận thấy rằng kẻ bất tín là ta, kẻ mau quên là ta, kẻ ơ hờ là ta, kẻ lãnh đạm và độc ác là chính ta.
Nhưng để có thể nhận định đúng đắn như thế, để có thể vượt qua những giả dối bên ngoài – (mà chúng ta cố gắng giữ lại, đúc kết lại để bao bọc chúng ta, để ngăn cản không cho Thiên Chúa chân thật ngự trị trong chúng ta, để dập tắt tiếng kêu gọi hết sức thúc bách và dịu dàng kia, tiếng kêu gọi mà chúng ta run sợ không dám trả lời) – phải cầu nguyện lâu dài, trong thinh lặng, trong đáy lòng.
Một cha dòng khổ tu, bạn tôi, nói: “Chỉ chận đứng cái xe lại thôi, chưa đủ, cần phải làm thế nào cho động cơ đang quay hết tốc lực bên trong ngừng lại nữa”. Cái động cơ áy náy lo âu còn đang xã hết tốc lực trong người của bạn. Nó phải bắt đầu chậm bớt lại, dịu hẳn đi, để khởi đầu quay theo một nhịp điệu khác. Bạn cần phải đặt bước chân vào những dấu khác, đặt ý chí bạn vào trong một ý chí khác, bạn phải có đủ khả năng để bắt cái máy của bạn chạy theo nhịp điệu chậm, bình tĩnh, mạnh mẽ, liên tục, của ý muốn Thiên Chúa.
Bao giờ chúng ta còn giao động, còn quay cuồng vì các vấn đề và quyền lợi riêng tư, chỉ chúng ta còn đi bên ngoài tầm tay của Thiên Chúa. Cần nhiều ngày tĩnh tâm để có thể khởi sự sống trong Người, sống bởi Người. Phải trở nên như đần độn, cho động cơ của mình chậm bớt lại để một nguồn động lực khác, mà chúng ta không biết, phát khởi nơi chúng ta. Nếu bạn quá chăm chú tới các câu hỏi của bạn, bạn sẽ không thể nghe những câu trả lời của Người được
.
Những câu trả lời của Chúa thật kỳ diệu. Không bao giờ có những câu trả lời như bạn chờ đợi.
Bạn cần phải từ bỏ chính bạn, nếu bạn muốn gặp được Chúa. Những chiếc va‑ly của các người đi tĩnh tâm thường đựng đủ thứ: một mớ thư từ cần viết, một cuốn sách, một gói kẹo, một bản chỉ dẫn đường xe lửa để phòng lúc “không thể chịu được nữa…”, báo chí v.v. Mỗi người chúng ta đều tự nhủ: Cần có một mớ việc phải làm để Chúa không thể gặp mình được. Chúng ta đều tưởng rằng Chúa không thể nuôi dưỡng thoả mãn được chúng ta. Nhưng chúng ta cần phải biết tháo bỏ mọi chướng ngại vật đi đã. Dầu cho đó là những vấn đề hệ trọng, khẩn thiết đến mấy! Người mới là kẻ có quyền nói với chúng ta những điều đó, lúc nào Người muốn, cách nào Người muốn. Không phải việc chúng ta. Việc của Người. Người phải lo, không phải chúng ta.
Chúng ta bước đi hổn hển dưới một gánh nặng to lớn. Nhưng, nào có ai bắt ép, chúng ta đã giành lấy để gánh. Đối với chúng ta, Chúa cần phải trở thành Chúa, Người phải chiếm lại địa vị và quyền lợi của Người. Như thế, lúc đó bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng lạ thường. Bạn sẽ cố gắng nhớ lại và tự hỏi tại sao lúc trước bạn chỉ cho là quan trọng những việc gì là của bạn, một con người mà ngày nay bạn tự thấy vô nghĩa sánh với “Người kia”. Chỉ khi nào bạn đã trút gánh nặng của bạn trên những bàn tay duy nhất có thể mang nổi nó, bạn sẽ thấy nó nhẹ nhàng, có thể mang được và bạn có đủ tất cả điều kiện để gánh lấy.
Đối với chúng ta, Chúa phải trở thành Chúa: nghĩa là chúng ta phải để cho Chúa trở lại nguyên bản chất của Chúa đối với chúng ta – yêu thương, ân cần, mời gọi, chia sẻ – nghĩa là chúng ta để cho Chúa tỏ cho chúng ta bộ mặt thực của Chúa, bên kia những lằn nét ủ rũ, buồn thảm, mà chúng ta đã chụp lên cho Người. Mỗi ngày là mỗi lần Người kêu gọi chúng ta tiến đến khám phá Người trong huy hoàng, trong quang vinh (transfiguration).
Một thánh phụ đã nói: trên núi Thabor Chúa không biến mình, không thay đổi. Không phải Người đã đổi khác. Khi người sống giữa các tông đồ, ánh sáng siêu nhiên kia vẫn chiếu sáng từ nơi dung nhan Người. Nhưng mắt các tông đồ không thể thấy được thực chất của Người. Một ngày kia, các tông đồ theo Người lên nơi thanh vắng, họ đã theo Chúa lên một ngọn núi đá yên tĩnh, xa các đám đông, nơi mà họ quen tỏ vẻ quan trọng, bận rộn, vội vã, quyền thế. Còn nơi kia, trên chót núi, yên lặng, lần lần tâm hồn họ lắng dịu, cái nhìn của họ trong sạch, thấu đáo hơn. Bấy giờ, họ mới để ý đến Chúa Giê‑su, mới nghĩ đến một mình Chúa, dễ dàng nhận ảnh hưởng của Người. Rồi, mắt họ mở ra, họ nhận thấy thực chất của Chúa, Đấng vẫn hằng như thế ở giữa họ từ bao lâu rồi!
Bạn có muốn thấy Chúa Giê‑su và vinh quang của Người không? Bạn có muốn Chúa tỏ mình ra cho bạn, trở nên sáng láng trước mặt bạn không? Bạn hãy dành cho Chúa một buổi sáng, bạn hãy để cả một buổi chiều vào ở trong một nhà thờ, hoặc chỉ cầm một cuốn Phúc âm đến ngồi dưới bóng mát suốt một buổi trưa. Và nếu bạn làm như thế, tôi cam đoan với bạn – nếu bạn đã làm rồi, thì bạn đã biết – lần lần trong cái yên tĩnh của ngôi thánh đường, hay trong cái thinh lặng của thiên nhiên, đôi mắt của bạn sẽ mở rộng, và bạn sẽ thấy rõ ràng, mọi sự nơi bạn cũng như nơi Người. Bạn sẽ thấy rội mà bạn đã giấu, tội mà bạn biết hoặc giả bộ không biết. Bạn sẽ nghe tiếng gọi kia vang lên, tiếng gọi của Người, tiếng vẫn hằng nói luôn, mà bạn hết sức cố gắng bưng tai để khỏi nghe: Bạn sẽ thấy ý muốn của Người hết sức hiển nhiên. Sự hiện diện của Người sẽ rất gần và hết sức gần đến nỗi bạn cảm thấy ngột ngạt. Gương mặt của Người chiếu sáng đến nỗi chưa bao giờ bạn cảm thấy sức quyến rũ như thế. Và lúc đó, bạn cũng sẽ kêu lên như bao người khác trước bạn: “Lạy Chúa, ở đây tốt lắm, ước chi tôi vẫn mãi thế này, không thay đổi. Xin Chúa cho tôi dựng lều nơi đây để ở lại luôn mãi.”
Bởi vì, sau cùng, bạn đã nhận ra sự có mặt của Chúa, hằng ẩn náu giữa chúng ta, từ muôn thuở, mà bạn đã không để ý đến. “Giữa các ông có một NGƯỜI mà các ông không biết”.
Louis Evely