Ba Ngôi Trong Chứng Tá Của Giáo Hội Sơ Khai (1) - Thời Các Tông Phụ

Mon,23/11/2020
Lượt xem: 2560

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi là mạc khải chung cuộc về Thiên Chúa, là sự tự thông ban chính mình hoàn toàn và toàn thể của Người. Với mạc khải này, Thiên Chúa nói với chúng ta tất cả những gì có thể nói liên quan đến hữu thể Người: Đấng mà trước Chúa Kitô vẫn còn bí ẩn và vô hình, trong Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người đã trở nên hữu hình và mầu nhiệm vốn đã được giấu kín từ muôn thuở, nay được bày tỏ; Người mạc khải mình cho loài người biết rằng trong Thiên Chúa không phải chỉ có một Ngôi Vị duy nhất nhưng có ba Ngôi Vị tình yêu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hiệp thông với nhau trong một vũ điệu duy nhất của tình yêu hoàn hảo, tình yêu nguồn gốc (Chúa Cha), tình yêu vâng phục (Chúa Con) và tình yêu hỗ tương (Chúa Thánh Thần).

Trong những chương đầu, chúng ta đã tìm hiểu về mạc khải của Thiên Chúa Ba Ngôi trong Kinh Thánh, đặc biệt trong Tân Ước, nhờ mạc khải này, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu Kitô là Đấng mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi vì “Người là phản ánh huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa” (Hr 1,3). Người mạc khải cho chúng ta biết khuôn mặt của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế, người ta có thể nói rằng Chúa Giêsu là nhà thần học đầu tiên về Ba Ngôi. Sự mới mẻ mà Đức Giêsu mang đến là nền tảng và nguồn gốc cho mọi suy tư thần học về Thiên Chúa qua dòng lịch sử và Thánh Truyền của Giáo Hội.

Có một thách đố là làm sao lưu giữ niềm tin và tìm hiểu những suy tư thần học hậu Tân Ước về Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa muốn điều gì qua trình thuật về ơn cứu độ được kinh nghiệm từ cuộc đời, tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu cùng với ân huệ của Chúa Thánh Thần? Những dữ kiện khác cũng thúc đẩy sự phát triển của thần học về Ba Ngôi: đó là uy thế sáng chói của Kinh Thánh và những lý luận sắc sảo mà các nhà tư tưởng Kitô giáo dùng để cố gắng giải thích thế giới thụ tạo và cuộc đời con người. Trong ánh sáng của kinh nghiệm tôn giáo, Kinh Thánh và lý luận triết học có thể nói điều gì và giải thích gì về Thiên Chúa và các mối tương quan liên vị phân biệt của Người? Đời sống của Chúa Giêsu có phải là đời sống của Con Thiên Chúa không? Lịch sử của Chúa Giêsu có thuộc về Thiên Chúa không? Phải chăng chúng ta có thể nói việc Con Thiên Chúa đã chịu đau khổ, chết trên thập giá, hay đau khổ là điều không phù hợp với hữu thể Thiên Chúa? Đó là những câu hỏi được đặt ra trong thời kỳ này.

Thật vậy, niềm tin độc thần (x. Mc 12,28-34; Rm 3,29-30) đã đặt ra những vấn nạn hóc búa đối với những Kitô hữu sơ khai sau khi họ gặp gỡ và tuyên xưng Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng đã gọi Giavê là Cha (Ápba) và cùng với Thiên Chúa Cha, Người đã ban Thánh Thần cho họ. Phải chăng có sự đối thoại giữa Thiên Chúa hoặc (theo ngôn ngữ của thời đại sau này) – có những phân biệt ngôi vị: được xây dựng trong Thiên Chúa và trong cùng một đời sống thần linh? Nếu có sự phân biệt như thế trong Thiên Chúa, đâu là tương quan giữa các phân biệt ngôi vị (viết thường) hay phân biệt Ngôi Vị (viết hoa)? Khi được mạc khải bởi Chúa Giêsu về một cơ cấu Ba Ngôi trong Thiên Chúa, các Kitô hữu sơ khai sống tương quan này với Thiên Chúa như thế nào? Họ nghĩ gì về Thiên Chúa và điều kiện nào để gia nhập Giáo Hội nhờ Phép Rửa và tham dự Thánh Thể? Họ có nghĩ rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần có sự phân biệt và tách biệt như là ba thiên chúa đã sống và hoạt động với nhau vì ơn cứu độ của con người không?

Trong một lá thư, Đức Giáo Hoàng Đionisiô (268) chỉ cho thấy ý tưởng không chính thống về thuyết tam thần đã xuất hiện và rất đáng sợ. Theo niềm tin Kitô giáo, Thiên Chúa là duy nhất nhưng có ba Ngôi Vị phân biệt: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong khi thuyết tam thần chủ trương Thiên Chúa có ba Chúa tách biệt và độc lập.

Đối lập với lạc giáo này là hình thái thuyết, họ đã lấy độc thần thuyết nhưng lại hy sinh tính đang dạng của các ngôi vị thần linh để bảo tồn sự duy nhất của Thiên Chúa. Ý tưởng chủ đạo của hình thái thuyết là quan niện rằng các ngôi vị thần linh được giống nhau trong một điểm là cả ba đều đã nhập thể trong Chúa Kitô. Điều này một cách logic có nghĩa là Chúa Giêsu đã cầu nguyện với mình rằng “Lạy Cha – Ápba) và trong một kết luận được rút ra từ khổ phụ thuyết (Chúa Cha chịu khổ nạn) – rằng Chúa Cha đã chết trên thập giá. Từ rất sớm, các tác giả Kitô giáo đã chọn một con đường khác để đi nhằm tránh hai con đường sai lạc này là thuyết tam thần và độc thần thuyết cứng nhắc. Họ giải thích kinh nghiệm mới mẻ của họ về Thiên Chúa được thực hiện nhờ Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần của Người.

Sau khi đã tìm hiểu những chứng tá từ Kinh Thánh, trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự phát triển và nghiên cứu những cố gắng giải thích thần học về Ba Ngôi ở thế kỷ thứ II và III qua các tác giả như: các Tông Phụ, các nhà hộ giáo và các giáo phụ đầu tiên. Họ là những nhân chứng đã sống, tìm hiểu và giảng dạy niềm tin vào thời điểm mà Quy Điển Kitô giáo, hoặc danh sách về Kinh Thánh Quy Điển mới được thiết lập.

I. CÁC TÔNG PHỤ

Một chặng đường đầy khó khăn của suy tư bắt đầu từ thời đại các Tông Phụ cho đến những năm cuối của thế kỷ IV. Giai đoạn này đã giúp hình thành những yếu tố nền tảng của tín điều về Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi, cách cụ thể về thần tính Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong sự duy nhất bản thể với Thiên Chúa Cha, để từ đó Giáo Hội tuyên xưng chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.

Trong phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sự phát triển tín điều trong quá trình này theo cách thức tổng hợp. Ở phần cuối chúng ta sẽ tìm hiểu về những tài liệu quan trọng thuộc huấn quyền về chủ đề Thiên Chúa Ba Ngôi trong những thời kỳ kế tiếp.

Bình minh của thần học Ba Ngôi bắt đầu từ thời đại của các Tông Phụ (Apostolic Fathers). Gọi là “Tông Phụ” có nghĩa là những giám mục kế nhiệm ngay lập tức các Tông Đồ (như Clêmentê thành Rôma, Ignaziô Antiôkia, Policarpô, Papia v.v…).

Thực ra phải nói rằng ở giai đoạn này, thần học Ba Ngôi mới chỉ ở trong “trứng nước”, chưa có hệ thống, đơn giản là những trình bày và kể lại niền tin Ba Ngôi của Tân Ước dưới những bài giảng và những lá thư khuyên bảo.

Tính duy nhất của Thiên Chúa là một hằng số nền tảng của Tân Ước, nhưng bên cạnh khẳng định này, Tân Ước cũng trình bày cho chúng ta biết Chúa Con và Chúa Thánh Thần hiệp nhất với Chúa Cha trong công trình cứu độ và trong công thức Phép Rửa. Chúa Giêsu Kitô, Con Một, là Đấng cứu độ duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, và Người cũng hiệp nhất với Chúa Cha trong công trình sáng tạo. Chúa Thánh Thần hiệp nhất mật thiết với Chúa Cha và Chúa Con trong việc thực hiện chương trình cứu độ. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên ngay từ sơ khai, các Tông Phụ đã trình bày về sự hiệp nhất của Ba Ngôi trong những trước tác của mình.

Cũng như Tân Ước, trong các trước tác của mình, các ngài trình bày Thiên Chúa là Cha. Bởi thế, công trình sáng tạo và cứu chuộc thuộc về Người. Chúa Cha là Đấng đã sai Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, theo cái nhìn của sự phát triển tín điều, trong những trước tác đầu tiên, có những lỗ hổng và những sự thiếu chính xác. Nhưng chúng là những chứng tá của một đức tin nguyên tuyền và đơn sơ trong việc tìm kiếm những công thức phù hợp hơn để diễn tả những gì được chuyển tải trong ngôn ngữ và quan niệm nhân loại.

1. Clêmentê thành Rôma (100 SCN)

Với tư cách là giám mục Rôma, thánh Clêmentê (khoảng 100 SCN) đã để lại nhiều lá thư gửi cho các cộng đoàn tín hữu, trong đó có Thư gửi tín hữu Côrintô. Trong thư này, chúng ta tìm thấy bối cảnh thần học ở Rôma vào cuối thể kỷ I. Trong tư tưởng của Clêmentê chứa đựng những công thức về Ba Ngôi hơn là một nền thần học về Ba Ngôi. Chúng ta hãy trích dẫn một vài đoạn nổi bật:

“Tại sao ở giữa anh chị em có sự bất đồng? Có lẽ chúng ta không có một Thiên Chúa duy nhất, một Chúa Kitô, và một Thánh Thần của ân sủng đổ xuống trên anh chị em sao?”[1] 

Trong Giáo Hội lúc bấy giờ, nhiều Kitô hữu bất đồng nhau về niềm tin của mình, vì thế, vị giám mục thành Rôma đưa ra  công thức Ba Ngôi này để giúp họ nắm vững đạo lý. Tuy nhiên, trong đó, ngài không nhấn mạnh đến sự hiệp nhất của Ba Ngôi, như người ta chờ đợi ở đây, nhưng mỗi Ngôi là “độc nhất.” Trong những nơi khác ngài có đề cập đến Ba Ngôi: “Bởi vì tung hô Thiên Chúa, Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, niềm tin và niềm hy vọng của những người được chọn.” Clêmentê nhận biệt Thiên Chúa duy nhất (Theos), Chúa Cha, bên cạnh Người là Chúa Giêsu Kitô, Đấng được cầu khẩn cùng với Chúa Cha. Trong những đoạn này, sự đề cập về Chúa Thánh Thần ở vị trí thứ ba không được giải thích theo nghĩa chặt theo thần học Ba Ngôi. Vả lại, nó cho thấy rằng ngài luôn trung thành với truyền thống về sự hiệp nhất của ba tên gọi. Điều này có nghĩa là trong ý thức của các tín hữu Ba Ngôi hiệp nhất với nhau.

Chúa Cha được gọi là Theos, Thiên Chúa của tạo thành. Tình phụ tử thần linh được thể hiện trong tạo thành:

“Chúng ta hãy nhìn người Cha và Đấng Tạo Thành mọi loài... Các tầng trời vận hành theo mệnh lệnh của Người.”[2]

Chỉ một lần ngài nói về Chúa Cha trong tương quan với Chúa Kitô:

“Chúng ta hãy nhìn vào máu của Chúa Kitô và nhận biết máu này thật quý giá dường bao đối với Thiên Chúa, Cha Người.”[3] 

Chúa Kitô hiện hữu trước khi nhập thể. Chúa Thánh Thần đã nói về Người, và chính Người đã nói trong Cựu Ước. Tuy nhiên, ngài không đề cập đến một quan niệm chính xác về sự tiền hữu. Chúa Thánh Thần, như chúng ta đã thấy, được đổ xuống trên các tín hữu. Người đã nói trong Cựu Ước.[4] Cả Phaolô và chính Clêmentê được Chúa Thánh Thần hướng dẫn để viết.[5] Chưa có những công thức rõ ràng về thần tính của Chúa Thánh Thần.

Tóm lại, trong Thư II của Clêmentê, Thiên Chúa xuất hiện như là Cha trong tương quan với Chúa Giêsu, Đấng được sai xuống thế gian:

“Với Thiên Chúa vô hình, Cha của chân lý, Đấng đã sai Đấng Cứu Độ cho chúng ta và hướng dẫn tới sự bất tử, nhờ đó Người đã bày tỏ chân lý và sự sống thiên đàng...”[6]

Về Chúa Giêsu chúng ta phải nghĩ rằng Người là Thiên Chúa, nếu không chúng ta sẽ không có ơn cứu độ.[7] 

 2. Thánh Ignatiô thành Antiôkia

Trong cuộc tử đạo thánh Ignatiô thành Antiôkia (khoảng năm 110 SCN) chúng ta tìm thấy một số điểm tương đồng với thánh Clêmentê thành Rôma. Ngài cũng đặt trong tương quan theo một cách thức nào đó sự hiệp nhất của Giáo Hội và Ba Ngôi:

“Anh chị em hãy vững vàng trong đức tin và trong đức ái, trong Chúa Con, Chúa Cha và Thánh Thần, từ khởi thuỷ đến khi kết thúc. Anh chị em hãy vâng phục giám mục và vâng phục nhau, như Chúa Giêsu Kitô vâng phục Chúa Cha, trong thân xác, như các Tông Đồ vâng phục Chúa Kitô, Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.”[8]

Các tín hữu là những viên đá của ngôi đền Chúa Cha, anh chị em hãy chuẩn bị cho sự xây dựng của Thiên Chúa Cha, hãy nâng lên với cần cẩu của Chúa Giêsu là cây thập giá, và hãy nhờ Chúa Thánh Thần như là dây kéo.[9]

Quả thật, Ba Ngôi Vị cộng tác với nhau trong việc xây dựng Giáo Hội và trong công cuộc cứu rỗi các tín hữu. Tuy nhiên, không có những khẳng định nào về đức tin độc thần; không cần nhần mạnh về sự kiện rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất mà người ta gọi là Cha.[10] 

Chúa Giêsu Kitô được gọi một cách trực tiếp là “Thiên Chúa” trong một số trường hợp; Người là “sự hiểu biết của Thiên Chúa.”[11] Một số đoạn xem ra cách nào đó manh nha đề cập vấn nạn về sự phát xuất của Chúa Con: “Chúa Giêsu Kitô phát xuất từ Chúa Cha mà thôi.”[12] Sau đó ngài giải thích rằng Thiên Chúa được bày tỏ nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Lời Người phát xuất từ sự thinh lặng.

Chúa Thánh Thần hiện diện khi Chúa Giêsu được sinh ra và xức dầu. Thánh Thần này hoạt động trên Chúa Giêsu và được thông ban cho Giáo Hội, “Người từ Thiên Chúa và vì thế Người không lừa dối; Người nói cả với Ignatiô.”[13]

 
3. Tác phẩm Didaché

Didaché trong tiếng Hy Lạp (Διδαχή) có nghĩa là giáo huấn. Tác phẩm được nhìn nhận như là những giáo huấn của Chúa qua Mười Hai Tông Đồ. Nó là một dạng sách giáo lý tóm tắt những giáo huấn căn bản nhất để dạy cho lương dân. Nội dung được chia thành bốn phần: phần I nói về luân lý Kitô giáo qua hai con đường sống và chết (ch. 1-6); phần II nói về nghi thức Phép Rửa, ăn chay và Thánh Thể (ch. 7-10); phần III nói về các chức vụ cũng như tổ chức trong Giáo Hội (các Tông Đô, tiên tri, giám mục và phó tế) (ch. 11-15); và phần IV tiên báo về phản Kitô và việc Chúa đến (ch. 16).

Liên quan đến Ba Ngôi, trong Didaché (khoảng thế kỷ I), chúng ta tìm thấy công thức Phép Rửa theo Mt 28,19 trong hai đoạn (7,1.3: FP 3,96).

“Anh em hãy rửa tội như thế, sau khi đã học hỏi (…) nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần trong nước hằng sống” (7,1).

Lời cầu nguyện của cử hành Thánh Thể hướng về Chúa Cha nhờ sự chuyển cầu của Chúa Giêsu Kitô (9,1-4: FP 3,98).

“Lạy Cha, chúng con tạ ơn Cha vì cội nho thánh thiện của Đavít, tôi tớ Cha, mà Cha đã mạc khải cho chúng con qua Đức Giêsu, Tôi Tớ Cha; chúc tụng Cha được vinh hiển đến muôn đời! Amen!”

Ở đây chúng ta nhận thấy luật đức tin vào Chúa Cha và Chúa Con được diễn tả qua luật cầu nguyện.

Didaché trình bày một nền Kitô học bằng những trình thuật cổ xưa, nơi mà Chúa được trình bày như là “người Tôi Tớ”:

“Lạy Cha chí thánh, chúng con tạ ơn Cha vì Danh Thánh Cha đã ghi vào lòng chúng con, và tạ ơn Cha vì sự hiểu biết, đức tin và sự bất tử mà Cha đã mặc khải cho chúng con qua Đức Giêsu Kitô, Tôi Tớ Cha; chúc tụng Cha được vinh hiển đến muôn đời” (x. 9,3: FP 3,98; 10,2: FP 3,100).

Ngoài những đề cập về công thức Ba Ngôi, chúng ta không tìm thấy một đề cập nào về Chúa Thánh Thần.

4. Tác phẩm Pastore của Erma

Pastore của Erma (Ποιμὴν τοῦ Ἑρμᾶ) là một bản văn được biên soạn ở Rôma bằng tiếng Hy Lạp, nhưng được dịch ra trong tiếng La Tinh, vào khoảng nửa đầu thế kỷ II, dưới dạng văn chương khải huyền và được nhiều Kitô hữu sơ khai và một số giáo phụ coi như là Kinh Thánh. Tác phẩm này rất gần gũi với nhiều Kitô hữu ở thế kỷ II và III. Tựa đề cuốn sách muốn nói lên ý nghĩa về dung mạo của Chúa Kitô, vị Mục Tử Nhân Lành. Nội dung gồm có 5 thị kiến, 12 giới răn và 10 khuyến dụ.

Trong tác phẩm Pastore, nơi khuyến dụ 5, tác giả đề cập đến Con Thiên Chúa như một người đầy sức mạnh, được tuôn đổ “Thánh Thần tiền hữu” và được nhận như là Con. Ở thế kỷ II, đã xuất hiện hình thức về Kitô học theo kiểu dưỡng tử thuyết. Nền tảng cho sự đánh giá này được cung cấp từ một đoạn khó hiểu, trong đó theo một nghĩa nào đó xem ra người ta đồng hoá Chúa Thánh Thần với Chúa Kitô tiền hữu:

“Thiên Chúa đã cư ngụ trong thân xác, đã muốn Chúa Thánh Thần, Đấng hiện hữu từ trước và làm ra mọi thụ tạo. Chúa Thánh Thần cư ngụ trong thân xác này và nhờ Thánh Thần để thông ban sự thánh thiện và sự khiết tinh, Người không làm hư hỏng gì hết. Thể xác này được tham dự và được Chúa Thánh Thần ngự xuống, vì thế, nó phải được đối xử một cách xứng đáng và trong sạch, nó đã chịu đau khổ với Thánh Thần khi liên kết mọi sự và hành động với sức mạnh. Thiên Chúa hài lòng với hành xử của thân xác này khi có Chúa Thánh Thần, Đấng không làm gì ô uế trên trần gian. Được coi như con cái và các thiên thần vinh hiển để khi lắng nghe Thánh Thần với sự tùng phục, thân xác này nắm giữ một nơi cư trú và không mất đi phần thưởng phục vụ của nó. Mỗi thân xác tìm lại sự tinh tuyền và không tì ố sẽ đón nhận được một phần thưởng.”[14] 

Khi cố gắng khám phá bản văn này, các nhà chú giải cho rằng nó chứa đựng một suy tư Ba Ngôi và Kitô học chưa đầy đủ mà đến hôm nay vẫn còn ở trong tình trạng tranh luận. Người ta không đề cập đến Con Thiên Chúa, Đấng không được nói đến trong tất cả bản văn, nhưng đề cập về Chúa Thánh Thần, Đấng liên kết loài người và họ phải vâng phục Người để đạt được ơn cứu độ. Chỉ có ám chỉ cuối cùng về Chúa Con (cùng với các thiên thần vinh hiển), có lẽ người ta muốn nói về Con Thiên Chúa. Trong toàn bộ tác phẩm, Người được nhìn như là Đấng Trung Gian của ơn cứu độ, trong khi đó hầu như không có ám chỉ nào về nhập thể và công trình cứu độ của Người trong lịch sử. Con Thiên Chúa thì siêu việt, vinh hiển, và không bao giờ gán cho Người tước hiệu là Đức Chúa, bởi lẽ, chắc chắn nó làm tổn hại tới nền độc thần cứng nhắc. Giải thích này không gặt hái được sự đồng thuận của toàn thể. Hình như người ta không thể loại trừ một giải thích nào đó về Kitô học của bản văn, mà nó đang là vấn đề thời sự. Người Con của dụ ngôn có thể là “tinh thần” tiền hữu trong Thiên Chúa, mà không phải là Chúa Thánh Thần với tư cách là Ngôi Ba. Trong những trường hợp khác, bản tính thần linh, một cách cụ thể bản tính của Chúa Giêsu, được các Kitô hữu sơ khai trong những thế kỷ đầu gọi là “Thần Khí.”[15] 

Như vậy, trong các Tông Phụ, chúng ta tìm thấy một số công thức Ba Ngôi, nhưng chúng ta không thể nói về một nền thần học Ba Ngôi được biên soạn. Trái lại, người ta tìm thấy nền thần học về tương quan Cha – Con có phần phát triển hơn. Người ta khẳng định sự tiền hữu của Chúa Kitô trước khi nhập thể và Người được gọi là “Thiên Chúa” với một sự chắc chắn. Chúa Thánh Thần được đặt trong sự liên hệ với ơn linh hứng tiên tri, với sự thụ thai của Chúa Giêsu, trong cách nào đó, Người được chiêm ngắm như được đổ xuống trên chúng ta, với sự ám chỉ nào đó tới Phép Rửa. Dần dần chính sự lặp đi lặp lại của các công thức Ba Ngôi (x. Mt 28,19) sẽ đòi buộc một sự đào sâu rộng lớn hơn về nội dung mà chúng diễn tả.

 


[1] Clemente di Roma, Lettera ai Corinzi, 46,5-6; FP 4, 130.

[2] Ibid., 19,2-20; FP 4, 96-100.

[3] Ibid., 7.4; FP 4, 70.

[4] Cf. Ibid., 16, 2; 8, 1; 13, 1; FP 4, 80, 88.

[5] Ibid., 47,3; FP 4, 130, 63,2 152.

[6] Lettera II, 20,5; FP 4, 174-209.

[7] Ibid., 1,1; FP 4, 174; 1,7 và 2,7; FP 4, 176 và 178.

[8] Ignatiô thành Antiôkia, Mag., 13,1-2; FP 1, 136.

[9] x. Id., Efes., 9,1; FP 1, 112-114.

[10] Id., Mag., 3,1; 8,2.

[11] Id., Efes., 17,2; FP 1, 120.

[12] Id., Mag., 7,2; FP 1, 132.

[13] Id., Efes., 18,2.

[14] Id., Sim., V, 6,5-8: FP 6, 198.

[15] Chúng ta có thể tìm đọc những vấn đề liên quan này trong J. J. Ayán, Hermas, El Pastor, FP 6, Madrid 1995, 35-41.

Nguồn tin:
Tags :