Thiên Chúa Luôn Tha Thứ

Sat,13/03/2021
Lượt xem: 2716

 

Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương

 

Trong lúc thánh Giêrônimô đang quì cầu nguyện trong hang đá ở Belem để suy niệm về mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, thì Chúa Giêsu Hài Đồng hiện ra và nói với thánh nhân:

– Giêrônimô, con có gì làm quà cho Ta trong ngày Ta giáng sinh không?

Thánh nhân trả lời:

– Lạy Chúa Hài Đồng, con xin dâng Chúa trái tim của con.

– Đúng thế, nhưng còn gì khác nữa không?

– Lạy Chúa, con xin dâng Chúa tất cả những gì con có và hết những gì con có thể.

Chúa Hài Đồng hỏi:

– Con còn điều gì khác nữa không?

Thánh nhân khẩn khoản thưa:

– Con có điều gì khác để dâng Chúa nữa đâu.

Chúa Hài Đồng bảo:

– Này Giêrônimô, hãy dâng cho Ta cả những tội lỗi của con nữa.

Thánh nhân hốt hoảng hỏi lại:

– Ồ, lạy Chúa, làm sao con dâng cho Chúa tội lỗi của con được?

– Được chứ! Ta muốn con dâng cho Ta tội lỗi của con để Ta có thể tha thứ cho con. Đó là điều Ta rất mong đợi.

Nghe thế thánh nhân bỗng bật khóc vì sung sướng.

Sau đó, thánh nhân đã đi xưng tội.

Mùa chay, mùa giao hoà giữa Thiên Chúa với con người, giữa con người với nhau, với chính mình và với thiên nhiên. Tuy nhiên, sự giao hoà đó chỉ có thể được diễn ra và được thực hiện khi chúng ta biết bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sự giao hoà đó chính là sự thứ. Chính Chúa là nguồn mạch yêu thương và tha thứ. Ngài luôn mong muốn con người được cứu độ và đón nhận ơn tha thứ. Chúng ta sẽ thấy điều đó qua các bài đọc phụng vụ của Chúa nhật 4 Mùa Chay năm B hôm nay.

Nơi bài đọc I, (2Sb 36,  14-16.19-23), tác giả diễn tả tình trạng bất trung bất nghĩa của dân Israen: “tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế. Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa…”(2sb 36, 14-16). Dầu cho dân tội lỗi và phản bội như thế, nhưng Thiên Chúa tiếp tục yêu thương và tìm cách cứu thoát họ. Ngài đã dùng vua Ky-rô trị vì nước Ba-tư như là trung gian để cứu dân hầu đem lại sự bình an cho dân. Tình thương và sự tha thứ đó được diễn tả như sau: “Ky-rô, vua Ba-tư, phán thế này : ‘Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giê-ru-sa-lem tại Giu-đa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người, thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ ở với họ, và họ hãy tiến lên ...!’ ”(2 Sb 36, 23).

Bài đọc II, Ep 2,4-10, Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được diễn tả qua lời giảng dạy của Thánh Phaolô đối với cộng đoàn Ê-phê-xô: “Thưa anh em, Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Ki-tô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Ki-tô Giê-su trên cõi trời.” (Ep 2, 5-6). Quả thật, sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa lớn hơn tội lỗi của con người. Ngài chỉ biết yêu, biết thương, biết tha thứ chứ không biết giận, biết thù. Ngài là một vị Thiên Chúa hay quên vì Ngài đã không chấp tội của chúng ta, không nhớ đến tội của chúng ta nhưng sẵn sàng bỏ qua tất cả những sai lỗi hầu cứu vớt con người chúng ta khỏi chết. Ngài không lên án vì Ngài là Đấng giàu lòng xót thương. Ngài không bao giờ muốn con người phải đau khổ và phải chết: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối để được sống” (Ed 18, 23).

Điều đó được diễn tả cách mạnh mẽ hơn nơi bài Tin Mừng của Thánh Gioan (3,14-21). Thánh sử Gioan trình bày như sau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (Ga 3, 16-17). Vì yêu nên Thiên Chúa tìm mọi cách thế để cứu độ con người, thậm chí Ngài đã chấp nhận hy sinh Con Một của Ngài để ai tin vào Con của Người, là Đức Giê-su thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời. Một vị Thiên Chúa luôn yêu thương và tha thứ dẫu con người bất trung, bất nghĩa. Một vị Thiên Chúa vô hình nhưng hiện diện một cách hữu hình nơi Ngôi Hai Thiên Chúa, là Ngôi Lời Nhập Thể, là Đức Giê-su Ki-tô, luôn luôn gần gũi, thân thiện và đầy lòng nhân hậu đối với con người, nhất là những người tội lỗi.

Chúng ta trích dẫn một vài ví dụ để nói lên lòng quảng đại tha thứ của một vị Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su: Nơi người đàn bà ngoại tình, đáng lý ra chị phải bị ném đá cho đến chết. Nhưng may mắn cho chị đã gặp Đức Giê-su, Đấng Cứu Thế, là hiện thân của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Tình Yêu. Thay vì lên án và ném đá chị, Đức Giê-su đã thể hiện một vị Thiên Chúa vô cùng bao dung và nhân hậu, khi Ngài nói: “Ta không kết án chị đâu. Hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Vì Đức Giê-su đến trần gian nhằm để cứu con người như Ngài đã khẳng định: “Con Ngưòi đến để cứu vớt, chứ không phải để huỷ diệt; Ta đến không phải kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi” (Lc 5,32). Nơi khác, Đức Giê-su thể hiện sự tha thứ của một vị Thiên Chúa đầy quyền năng và lòng thương xót khi chấp nhận người trộm lành cùng chịu đóng đinh bên phải với Ngài. Ngài đón nhận anh ta và quên hết quá khứ tội lỗi của anh. Ngài mạnh mẽ tuyên bố: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta". (Lc 23, 43)

Bên cạnh đó, “Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng:“Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3, 14-15). Đức Giê-su, hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa tiếp tục mời gọi con người tin vào Ngài để đón nhận sự sống đời đời. Chỉ nơi Ngài, trong Ngài và nhờ Ngài, tất cả chúng ta mới được cứu độ. Chỉ nơi Ngài sự tha thứ của Thiên Chúa, tình yêu của Thiên Chúa và Lòng thương xót của Thiên Chúa mới được tỏ lộ cách thiết thực và rõ ràng nhất. Tuy nhiên, để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi nhận ra tội lỗi của mình với tâm tình khiêm tốn và tin yêu. Chúng ta không chỉ đón nhận sự tha thứ từ một phía Thiên Chúa, nhưng mỗi người được mời gọi hãy biết tha thứ cho tha nhân. Chỉ qua sự tha thứ cho người khác cách chân thật, chúng ta mới thực sự đón nhận sự thứ tha của Thiên Chúa. Quả thật, nếu chúng ta tha thứ sẽ được thứ tha là vậy. Tha thứ là hành vi thứ nhất đòi buộc ta phải thực hiện nơi cuộc sống đời thường cho anh chị em chung quanh, nhờ đó, chúng ta mới dễ dàng đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa. Nói cách khác, chúng ta chỉ nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa đích thực khi chúng ta biết tha thứ cho nhau. Chúng ta không thể đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa khi chúng ta mắc tội, mà lại không khoan dung với tha nhân. Chúng ta không thể tận hưởng vị ngọt của sự tha thứ của Thiên Chúa, mà lại cay đắng hận thù anh chị em ta. Chúng ta đang sống trong tình trạng hận thù, ghen ghét, bất hoà bất thuận, nói hành nói xấu, gây hấn, lỗi đức bác ái, đâm thuê, chém mướn,…mà vẫn hiên ngang dâng lễ và đón lấy sự tha thứ của Thiên Chúa. Phải chăng chúng ta đang sống trong tình trạng hai lòng/ giả tạo? Liệu điều đó có phù hợp với tâm tình Mùa chay thánh không?

Thật vậy, tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn trải dài trên cuộc đời chúng ta, nhưng liệu tình yêu đó có thật sự được toả lan cho anh chị em không? Thiên Chúa luôn yêu thương và luôn tha thứ cho chúng ta, cũng vậy, chúng ta cũng cố gắng sống yêu thương và tha thứ cho hết thảy những ai có lỗi với chúng ta. Tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa chỉ thật sự hiện diện trong cõi lòng của chúng ta nếu chúng ta biết thực thi cử chỉ đó cho anh chị em đồng loại.

Nguồn tin:
Tags :