Những Con Đường Đi Đến Cùng Đích

Mon,18/10/2021
Lượt xem: 1897

Suốt hai ngàn năm qua, lời mời gọi ‘nên thánh’ của Chúa Giêsu vẫn mãi vang vọng và thôi thúc bao người lên đường. “Anh em hãy nên thánh vì Cha anh em ở trên trời là Đấng Thánh” (Mt 5,48). Bao con tim đã rung nhịp cho một lý tưởng cao cả như thế. Bao con người đủ mọi thành phần đã dấn bước để tiến về cái cùng đích mà Thiên Chúa đã đặt để nơi thẳm sâu lòng con người. Hãy nên thánh! Chúng ta hôm nay cũng vẫn luôn thao thức với lời mời gọi đó. Hãy nên thánh! Đó vừa là lời mời gọi, vừa là khẩu hiệu, vừa là đích nhắm tới, nhưng cũng lại là một vấn đề vô cùng đặc biệt để suy tư trong cái thế giới tục hóa, giải thiêng và cổ vũ lối sống tự do hưởng thụ, tìm thỏa mãn các xu hướng bản năng hôm nay. Hãy nên thánh! Chúng ta tự hỏi con người nên thánh bằng cách nào giữa một thế giới đầy những vấn đề và đang lao theo lối sống tự do quá trớn này? Làm sao để nên thánh khi chúng ta dẫu “không thuộc về thế gian, nhưng lại ở giữa thế gian”[1]?

Câu chuyện Tin Mừng về cuộc ghé thăm gia đình chị em nhà Mácta của Đức Giêsu sẽ gợi mở cho ta những hướng đi hợp lý trong hành trình nên thánh giữa lòng thế giới hôm nay.

Chúa Giêsu như người khách bộ hành rảo bước từ chân trời này đến chân trời kia. Trên con đường dường như dài bất tận ấy, người lữ khách Giêsu cũng có lúc đuối sức, mệt mỏi. Miệng khát khô. Bụng đói lả. Chân tay rụng rời. Người cũng cần được bổ dưỡng, được nghỉ ngơi đôi chút cho lại sức mà tiếp tục cuộc hành trình loan báo tin yêu thương. Người ghé chỗ này. Người thăm chỗ kia. Bất cứ nơi nào không từ chối Người thì Người cũng chẳng bao giờ từ chối.

Thánh Luca kể: “Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Mácta đón Người vào nhà” (Lc 10,38). Gia đình chị em Mácta có lẽ là một trong những gia đình có mối liên hệ đặc biệt với Đức Giêsu – một gia đình được Chúa đặc biệt quý mến và yêu thương. Diễn biến của cuộc gặp gỡ mà thánh Luca tiếp tục kể trong Lc 10,30-42 cũng phần nào giải thích cho chúng ta thái độ đặc biệt của Chúa Giêsu đối với gia đình này như Tin Mừng nhiều lần nhắc đến.

Cung cách của Mácta

Cô chị cả trong nhà tên là Mácta. Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một thái độ tất bật, lo lắng, có thể nói là “chạy đôn chạy đáo” để thu xếp việc đón tiếp sao cho mỹ mãn nhất có thể. Điều này cho thấy, đối với cô và gia đình cô, Chúa Giêsu là một vị khách hết sức đặc biệt. Ngài là Đấng tôn quý. Ngài thật quan trọng. Và, việc được Ngài viếng thăm quả là một niềm vinh dự lớn lao. Cô chẳng muốn một sơ sót nào có thể xảy ra trong việc tiếp đón Người. Thái độ và cách hành xử của Mácta cũng thể hiện tấm lòng hiếu khách và tính rộng rãi của cô.

Cung cách của Maria

Maria là em gái Mácta. Cô cũng rất quý mến Chúa Giêsu. Cũng như chị của cô, cô luôn luôn xem Chúa Giêsu là vị khách quý của gia đình. Cô cũng muốn tìm cách làm đẹp lòng Người. Tuy nhiên, cách thức của cô lại có phần khác với chị cô. “Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39). Cô chẳng bận tâm chuyện gì khác ngoài việc ngồi đó mà trò chuyện và lắng nghe Lời của Chúa. Đến nỗi có cảm tưởng như Maria thật vô tâm với nỗi khó nhọc vì các công việc mà chị gái cô đang làm.

Hai cung cách - một tình yêu

Có thể nói, cả hai chị em nhà Mácta đều có chung một tâm tình yêu mến và quý trọng Chúa Giêsu như nhau. Nhưng mỗi người lại có những cách thức thể hiện khác nhau.

Maria thì quý trọng từng phút, từng giây sự hiện diện của Chúa Giêsu tại gia đình cô. Cô yêu mến từng lời thốt ra từ môi miệng Chúa. Vì thế, cô chẳng muốn lãng phí một phút giây nào để được gần gũi và lắng nghe lời Người dạy. Thực tế là cô đã bị chị cô nhắc khéo khi chị cô đến phân trần nỗi khó nhọc, vất vả với Chúa Giêsu.

Còn Mácta thì thể hiện tâm tình yêu mến qua hành động cụ thể. Cô tất bật chạy ngược chạy xuôi lo lắng đủ việc cũng chỉ để sự tiếp đón được chu đáo nhất. Lòng hiếu khách và sự yêu mến của cô được đặt để nơi công tác tiếp đón. Cách hành xử và thái độ chu đáo của Mácta có nét gì đó rất gần gũi với văn hóa tiếp khách của người Việt, cách riêng là người miền Trung chúng ta: “khách đến nhà, không gà thì vịt”.

Đại diện cho những con đường đi đến Cùng Đích

Thực tế cuộc sống cho thấy có vô vàn hoàn cảnh sống khác nhau. Mỗi người ở mỗi vị trí, vai trò, sứ vụ, ơn gọi,... khác nhau. Có người chọn đời sống tu trì. Người khác chọn bậc sống gia đình. Có người gieo mình vào trong một Hội dòng. Có người sống đời độc thân thánh hiến ngay giữa đời thường. Có người dấn thân cho Giáo hội. Người khác lại chọn con đường chính trị. Người làm thương gia. Kẻ làm trí thức, công nhân, nông dân.... Nhưng tất cả mọi người dù ở đâu, làm gì và sống đời sống nào đều được Chúa mời gọi ‘hãy nên thánh!’. Nên thánh trong sứ vụ của mình. Nên thánh trong sự lựa chọn tự do của cá nhân. Và, tất cả cùng nhau tiến tới cùng đích của đời sống con người là chính Thiên Chúa, Đấng ngàn trùng chí thánh.

Sứ mệnh của mỗi người là nên thánh. Tuy nhiên, chúng ta không nên thánh một mình, nhưng là cùng nhau nên thánh. Dù bậc sống khác nhau, dù cách thức tiến đến sự thánh thiện khác nhau, nhưng chúng ta được mời gọi cùng nhau dấn bước và bổ sung, hỗ trợ, giúp nhau đạt đến cùng đích đó.

Để có thể dễ dàng hiểu rõ việc giúp nhau nên thánh, chúng ta có thể chia làm hai dạng cơ bản mà Tin Mừng Lc 10,38-42 đã phần nào mô tả: Hoạt Động và Chiêm Niệm.

Từ hai cung cách, hai thái độ của chị em nhà Mácta, chúng ta cũng thấy được hai hình thức đối với công việc nhà Chúa trong đời sống Giáo hội. Hoạt động và Chiêm niệm như là hai cánh tay của Giáo hội Chúa giữa lòng thế giới.

Có nhiều hội dòng nam cũng như nữ chọn đời sống mang đậm nét của Maria. Đó là hiến dâng hoàn toàn cho Chúa, rời khỏi sự náo nhiệt bên ngoài để tập chú lắng nghe, suy ngẫm và cầu nguyện. Tất nhiên, họ vẫn hướng về Giáo hội, hướng về Dân Chúa, hướng đến con người đặc biệt là những người khốn khổ. Họ rút vào “sa mạc” thiêng liêng, rời khỏi thị phi thế trần nhưng không bỏ rơi những con người trần thế. Họ chỉ muốn gần gũi và sống cho một mình Chúa để có thể vãn hồi tình yêu trong thế giới.

Đời sống hoạt động thì bao gồm tất cả mọi người ở mọi đấng bậc và hoàn cảnh sống. Từ người sống đời tu đến người lập gia đình. Nơi họ mang đậm nét hình ảnh của cô Mácta. Dấn thân phục vụ Chúa giữa lòng đời. Bằng nhiều cách thức và mức độ khác nhau tùy vào bậc sống mà có thể là dấn thân toàn thời gian, hoặc chỉ là bán thời gian cho các công tác: Loan báo Tin Mừng; phục vụ người nghèo, người khốn khổ, các trẻ mồ côi, khuyết tật,.. tại các trung tâm xã hội; tham gia các chương trình thiện nguyện; tham gia các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì cộng đồng; thậm chí là tham gia hoạt động chính trị, hoặc các tổ chức vì sự thăng tiến xã hội và con người....

Phân biệt hai xu hướng chọn lựa trên không nhằm phân chia ranh giới và phạm vi của mỗi xu hướng, nhưng là để chúng ta có một cái nhìn cụ thể và dễ dàng hơn mà thôi. Bởi lẽ, cả hoạt động và chiêm niệm đều gắn kết và không tách rời nhau. Không thể có cái gọi là đời sống hoạt động mà không chiêm niệm, cũng không có cái hoàn toàn là chiêm niệm mà không hoạt động. Ở đây, chỉ là mức độ biểu hiện nghiêng chiều hơn về phía nào của “cán cân” hoạt động – chiêm niệm mà thôi.

Với những người chọn đời sống nghiêng chiều hơn về hoạt động trực tiếp trong đời sống xã hội thì trước hết họ đã và phải là một người chiêm niệm. Theo lẽ họ phải là người có một đời sống gắn bó với Chúa Giêsu. Họ phải luôn có cho mình một khoảng thời gian “ngồi bên chân Chúa” để nghe lời Người dạy. Họ kéo dài khoảng thời gian gần gũi bên Chúa đó trong suốt cuộc đời dấn thân phục vụ và trong chính công tác họ thực hiện. Có thể nói, họ là những người đã kinh nghiệm được cuộc gặp gỡ với Chúa, và từ cuộc gặp gỡ đó thôi thúc họ tiếp tục gặp gỡ Chúa trong mọi người, ở mọi nơi và mọi thời điểm. Đồng thời, họ thường xuyên làm sống lại mối liên hệ mật thiết với Chúa bằng cách luôn dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để ‘trò chuyện’ với Người. Đó chính là thời gian suy gẫm, hay chiêm niệm. Nếu không làm vậy, thiết nghĩ việc phục vụ chỉ còn mang tính hình thức đơn thuần, hoặc chỉ là tính thương xót đơn thuần của con người với con người; điều đó sẽ dẫn đến những khó khăn nội tại và tác động xấu đến tính bền vững của đời dấn thân.

Với những người chọn lựa đời sống nghiêng chiều hơn về lối chiêm niệm cũng thế. Ngoài việc bỏ nhiều thời gian, sức lực và tâm trí hơn để tập chú vào việc cầu nguyện và suy gẫm, họ cũng hoạt động với Giáo hội, với thế giới theo cách thức của riêng mình. Họ cũng trăn trở nỗi âu lo của Giáo hội. Họ cũng vui niềm vui của Giáo hội, hay đau nỗi đau của Giáo hội. Họ cũng dâng lên Chúa tất cả những hy sinh và lời cầu nguyện để góp phần biến đổi thế giới, góp phần dựng xây Giáo hội và xã hội. Cuộc đời chiêm niệm của thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu như một hình ảnh điển hình cho chúng ta chiêm ngắm lối hoạt động trong chiêm niệm này. Theo đó, một cách gián tiếp, người đan sĩ đã hiến dâng và thánh hóa tất cả những hy sinh, những công việc nhỏ bé thầm lặng và cả những đau khổ của cá nhân cho Thiên Chúa nhằm cầu nguyện cho Giáo hội, vãn hồi hòa bình cho thế giới và trao ban tình yêu cho nhân loại... Có thể nói, những người chọn đời chiêm niệm được ví như những chiến sĩ ở hậu phương làm công tác tiếp tế và truyền sức mạnh không thể thiếu cho các chiến sĩ hoạt động nơi tiền tuyến.

Đức Giêsu – tâm điểm của mọi đời sống

Câu chuyện Tin Mừng mà thánh Luca mô tả như một gợi hứng cho những suy tư về việc lựa chọn con đường nên thánh của chúng ta hôm nay. Mỗi người mỗi sự lựa chọn. Mỗi người được Chúa hoạch định một chương trình tốt đẹp tiến về cùng đích là chính Ngài. Chúng ta cứ bước, cứ dấn thân để khám phá ơn gọi, lối sống, hướng đi phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù chọn con đường nào, lối sống nào, và cách thức nào thì tâm điểm của đời sống mỗi người đều phải mang tính quy Kitô.

Noi gương chị em Mácta và Maria, chúng ta cũng hãy luôn đặt Đức Giêsu là tâm điểm, là vị khách tôn quý nơi gia đình mình, nơi chính ngôi nhà tâm hồn của mỗi chúng ta. Để rồi, chúng ta luôn biết khao khát và cầu xin Người ưu ái viếng thăm. Biết mở rộng cánh cửa tâm hồn mình mà đón Chúa ngự vào. Biết ý thức sự cao quý của Chúa và để tìm cách làm đẹp lòng Người mà thường xuyên dọn dẹp tâm hồn thật sạch sẽ, ngăn nắp, ngát hương thơm. Đó là siêng năng đến với Tòa Cáo giải để thanh tẩy tâm hồn khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Đó là cố gắng tập tành các nhân đức, tiễu trừ các thói hư tật xấu. Đó là không ngừng làm các việc đạo đức để trang hoàng ngôi nhà tâm hồn thật xinh đẹp, thoáng mát, xứng đáng là nơi Chúa ngự vào.

Học nơi Maria, chúng ta cũng hãy trân quý từng phút giây được gần gũi bên Chúa. Sống mối hiệp thông thân mật với Chúa mỗi khi được đón lấy Lời và Thánh Thể Chúa vào lòng. Để rồi, với sức mạnh của Thánh Thể, với thôi thúc và chỉ dẫn của Lời, chúng ta sẽ vững vàng dấn thân vào giữa lòng thế giới mà rao truyền tin vui yêu thương của Chúa cho mọi người.

“Mácta! Mácta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42). Lời nhắc nhở nhẹ nhàng của Chúa dành cho Mácta cũng đang dành cho chúng ta hôm nay. Trước hết, chúng ta hãy “tìm kiếm nước Thiên Chúa”[2] và sau đó mới đến những cái khác. Chúa mời gọi chúng ta hãy đặt Ngài trên hết và trước hết. Hãy chọn Ngài là trung tâm điểm để lòng trí, và linh hồn ta hướng về, bởi Ngài chính là “phần tốt nhất”.

“Maria đã chọn phần tốt nhất” (Lc 10,22). Chúa không phủ nhận công lao vất vả của Mácta. Người cũng không coi những chuyện Mácta làm là thừa thãi. Ngược lại, Người coi trọng những sự hy sinh khó nhọc của cô và cả cám ơn cô nữa. Tuy nhiên, Người muốn nhấn mạnh đến sức mạnh của Lời Người – Lời làm nên tất cả.[3] Người muốn Mácta hiểu rõ giá trị và sự cần thiết trước hết và trên hết của việc lắng nghe và say mê Lời Người.

Ngày hôm nay, chúng ta cũng được mời gọi rộng mở cánh cửa tâm hồn, cánh cửa của lòng thương xót hầu đón tiếp và phục vụ những Giêsu của thời đại: Đó là những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bệnh tật, những trẻ mồ côi, những phận đời khổ đau... Tuy nhiên, để có thể quảng đại dấn thân phục vụ với hết nhiệt tâm của mình, chúng ta được mời gọi học nơi tấm gương của cô Maria: Yêu mến, chăm chú lắng nghe, nghiền ngẫm và để Lời Chúa bén rễ sâu trong tâm hồn. Từ đó, Lời sẽ lớn lên mạnh mẽ và thúc đẩy chúng ta can đảm dấn thân phục vụ Lời. Có như thế, chúng ta mới có thể phục vụ đúng cách, hiệu quả và lâu bền. Đó cũng là cách thức thiết thực nhất để đáp trả lời mời gọi của Chúa khi xưa: “Anh em hãy nên thánh vì Cha anh em ở trên trời là Đấng Thánh” (Mt 5,48).

 (Cảm hứng: Lc 10. 38-42)

Thập Huyền Cầm, K.15

Trích từ Tập san Đức Tin Và Văn Hóa, số 12


[1] cf. Ga 15,18-21.

[2] cf. Mt 6,33.

[3] cf. Ga 1,3.

 

Nguồn tin: