Linh Mục: Trái Tim Mang Nhiều Thương Tích Vì Lòng Yêu Mến

Mon,29/03/2021
Lượt xem: 1874

 

Aug. Trần Cao Khải

 

Đức GM Bùi Tuần, trong một dịp tĩnh tâm linh mục và tu sĩ giáo phận Long Xuyên, đã chia sẻ như sau: “Trong Phúc Âm, chính Chúa Giê-su, khi giới thiệu mình, cũng đã chỉ vào trái tim mình mà nói: Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong trái tim (Mt 11, 28). Trong nhiều lần hiện ra, Chúa Giê-su cũng đã để lộ trái tim mình trước ngực. Một trái tim bị thương tích, một trái tim quấn vòng gai, một trái tim bốc cháy. Để qua hình ảnh trái tim đó, nhân loại hiểu: Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4, 8). Ngài hiến tế mình, vì vâng phục Chúa Cha và vì yêu loài người. Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Trái tim là nơi chứa đựng tình yêu”. [1]

Trong bài giảng lễ cầu nguyện cho linh mục nhân dịp ngày năm thánh Lòng Thương Xót dành cho các linh mục ngày thứ sáu 3-6-2016, ĐTC Phan-xi-cô đã giúp các linh mục chiêm ngắm trái tim đầy thương xót của Mục Tử Nhân Lành và mời gọi các ngài để cho con tim mục tử của mình được nung nấu bởi tình yêu mục tử của Chúa Kitô.

ĐTC đã chia sẻ: Khi chiêm ngắm Trái Tim Chúa Giêsu, chúng ta đối diện với một câu hỏi căn bản về đời sống linh mục của chúng ta: con tim của tôi hướng về đâu? Sứ vụ của chúng ta thường đầy những hoạch định và những công việc khác nhau: từ việc giảng dạy cho đến việc phụng vụ, các công việc bác ái, những dấn thân mục vụ và cả những công việc hành chánh nữa. Giữa vô số những hoạt động ấy, chúng ta vẫn luôn phải chất vấn bản thân mình: con tim của tôi gắn chặt vào đâu, con tim của tôi đang hướng về đâu, và đâu là kho tàng mà tôi đang tìm kiếm? Vì Chúa Giêsu đã nói: “Kho tàng của anh ở đâu, thì tâm hồn anh ở đó” (Mt 5,21).

Ngài nhấn mạnh: Con tim của các mục tử là con tim bị xuyên thấu bởi tình yêu Thiên Chúa. Chính vì thế, các mục tử không còn đăm đăm vào bản thân mình nữa, nhưng hướng về Thiên Chúa và đoàn chiên của mình. Đó không còn là một “con tim bị dao động” hay bị cuốn hút bởi những ý tưởng nhất thời hoặc bỏ qua những bất đồng để tìm kiếm những thỏa mãn nhỏ nhen. Trái lại, đó là một con tim được bám rễ sâu vào Thiên Chúa, được Chúa Thánh Thần đốt nóng, để luôn sẵn sàng rộng mở giúp đỡ tha nhân.

Ngài cũng lưu ý các linh mục điểm quan trọng này: Chúa Kitô yêu thương và biết các con chiên của Ngài, Ngài hiến mạng sống vì chúng và không ai là người xa lạ với Ngài (Ga 10,11-14). Đàn chiên chính là gia đình và cuộc sống của Ngài. Ngài không phải là những ông chủ để rồi đàn chiên phải khiếp sợ, nhưng Ngài là Mục Tử đồng hành với đàn chiên và gọi đích danh từng con (Ga 10,3-4). Ngài muốn tập họp những chiên còn chưa trở về chuồng của Ngài (Ga 10,16).

Đối với các linh mục của Chúa Kitô cũng vậy. Linh mục được xức dầu để phục vụ dân Thiên Chúa, chứ không phải được chọn để làm theo ý riêng của mình, nhưng là gần gũi với đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó. Không ai bị loại trừ ra khỏi trái tim của các mục tử, cũng không ai bị loại trừ ra khỏi lời cầu nguyện và nụ cười của các linh mục. Với cái nhìn đầy yêu thương và với trái tim của người cha, các linh mục đón nhận, hòa nhập và những khi cần phải sửa dạy ai đó, các linh mục phải gần gũi với con chiên của mình hơn. Họ không bao giờ được phép khinh thường một ai, nhưng phải sẵn sàng để bị ‘vấy bẩn’ đôi bàn tay của mình. [2]

Noi gương Chúa Ki-tô Mục Tử, linh mục luôn xác tín rằng trái tim của người linh mục không bao giờ được phép “ngủ yên” cả, trái lại trái tim ấy phải luôn rộng mở vừa để đón nhận những thương tích và những vòng gai, vừa để chia sẻ sự cảm thông và tình yêu thương vô điều kiện.

I.- TRÁI TIM MỞ RỘNG ĐỂ ĐÓN NHẬN

Một khi đã hòa nhịp với trái tim Chúa rồi, linh mục có khả năng và sức mạnh mở rộng trái tim mình để đón nhận những thương tích, những vòng gai nhọn và những ngọn lửa ấm áp.

1.1. Đón nhận những thương tích

Cha Antoine Chevrier đã định nghĩa: “Linh mục là một con người bị ăn”. Trong cuộc đời phục vụ, linh mục không ngừng bị thương tích, bị hao mòn, bị cạn kiệt. Bởi những ưu tư dằn vặt nội tâm. Bởi những hiểu lầm nghi kỵ từ nhiều phía. Bởi những chống đối và bất hợp tác do thành kiến hay do bất đồng nào đó trong cộng đoàn. Thậm chí các ngài có thể bị tổn thương bởi những nhục mạ, kết án, phủ nhận vv.

Quả thực có rất nhiều thương tích, từ nhẹ đến nặng. Đó là thân phận cuộc đời hiến thân làm tông đồ. Thánh Phao-lô đã chia sẻ kinh nghiệm sau: “Mọi thời và khắp nơi, chúng tôi đang mang trong thân mình chúng tôi cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, ngõ hầu sự sống của Ngài cũng được tỏ hiện nơi mình chúng tôi” (2Cor 4, 10). Linh mục chịu thương tích để chiên được sống và sống dồi dào.

1.2. Đón nhận những vòng gai

Theo gương Chúa Ki-tô là Đấng hiền lành và khiêm nhường, linh mục không mơ tưởng đến “triều thiên vinh quang trần thế”, trái lại sẵn sàng đón nhận những vòng gai nhọn quấn quanh đầu. Đó là sự xác tín mình yếu đuối, thấp hèn và tội lỗi. Đó là sự đấu tranh quyết liệt chống lại những cám dỗ nhằm tôn vinh cái “Tôi-linh-mục” của mình. Đó là sự tự nguyện tước bỏ mọi danh hiệu đi ngược lại với tinh thần Tin Mừng Đức Ki-tô. Đó cũng là sự dũng cảm liên lỉ nhằm tiếp nhận đối thoại trong tinh thần hợp tác bác ái huynh đệ.

Những vòng gai sẽ chồng chất, bám chặt như thân phận của con người linh mục “bị đóng đinh”. Để nên giống Chúa Ki-tô Mục Tử, linh mục cũng phải hy sinh và yêu đến kỳ cùng, yêu đến chết (x. Ga 13, 1; 15, 13).

1.3. Đón nhận những ngọn lửa ấm áp

Tuy nhiên, cuộc đời của linh mục không chỉ có thương tích và vòng gai, mà nhiều lúc cũng thổn thức reo vui bởi những ngọn lửa ấm áp từ bên ngoài.

Nhiều tín hữu luôn âm thầm nghĩ đến linh mục, họ sốt sắng cầu nguyện cho các ngài. Có nhiều người còn mong mỏi được gặp linh mục để trò chuyện với ngài, để tâm sự và để được ngài lắng nghe. Nhiều người thiện chí muốn chia sẻ công việc của linh mục, muốn hợp tác, muốn đồng cam cộng khổ với ngài trong công việc cộng đoàn. Bên cạnh đó, cũng không thiếu những con người cùng khổ, về vật chất cũng như về tinh thần, họ ngong ngóng đến với linh mục để mong nhận được một chút nâng đỡ, một chút đồng cảm, một chút ủi an…

Tiếp đón những ngọn lửa ấm áp từ bên ngoài như thế, linh mục sẽ như được tiếp thêm sức mạnh để yêu thương và phục vụ. Đặc biệt, khi tiếp xúc với người nghèo khổ, linh mục có thể cảm được chuyển biến tốt trong trái tim mình, nhất là khi người nghèo lại là những người đạo đức.  

II.- TRÁI TIM RỘNG MỞ ĐỂ CHIA SẺ

Trái tim của linh mục rộng mở chẳng những để đón nhận thương tích vì yêu, mà còn để chia sẻ sự cảm thông và yêu mến. Một nét đặc biệt của Đức Ki-tô Mục Tử cứu độ, là Ngài tỏ ra quyền năng, uy thế không phải qua các phép lạ lẫy lừng cho bằng lòng thương xót thứ tha. Ngài tỏ ra sự cứu độ của Ngài không phải những gì bề ngoài bắt buộc, mà bằng lòng bao dung cảm thông tha thứ.

2.1. Chia sẻ sự cảm thông

Mang trái tim hiến tế như Chúa Ki-tô, linh mục đến với tha nhân nhất là những người đau khổ, tội lỗi, khô khan, để biểu tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với thân phận, hoàn cảnh, con người của họ. Sự cảm thông đôi khi không nhiều lời, không ồn ào, mà chỉ cần là một sự hiện diện đồng cảm, một sự im lặng cầu nguyện, một thái độ chan hòa yêu thương. Các tín hữu có cảm giác gần gũi với linh mục chính nhờ cung cách phục vụ khiêm hạ và dễ thương như thế của ngài.

Đức cố HY Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận cũng đã nhắn nhủ các linh mục: “Mở rộng tâm hồn đến những thao thức của cộng đoàn, giáo phận và Giáo hội toàn cầu, thì quan trọng hơn chăm chú vào những bận tâm riêng, cho dù thiết yếu đến đâu đi nữa” (Trích trong Mười điều răn của linh mục).

2.2. Chia sẻ tình yêu thương vô điều kiện

Ngày thứ ba 9-6-2020 vừa qua, ĐTGM Giu-se Nguyễn Năng có thư gửi các linh mục giáo phận Phát Diệm nhân dịp lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu với đề tài “Chức linh mục chính là tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu”, trong đó có đoạn ngài viết như sau:

Nhờ tình yêu, trong mọi sinh hoạt mục vụ, người linh mục sẽ biểu lộ tình yêu của Thánh Tâm đang thương xót con người. Những ai đến với chúng ta đều có thể cảm nhận như thể Chúa đang hiện diện và tuôn trào cho họ lòng thương xót của người mục tử, và chúng ta cũng không bao giờ dám từ chối những ai đến xin xưng tội hay xức dầu bệnh nhân.

Nếu không có tình yêu, cách ứng xử và giải quyết công việc của chúng ta sẽ lạnh nhạt, cứng nhắc, vị luật, chứ không phản chiếu được lòng thương xót của Chúa, thậm chí thiếu cả tình người. Ngay cả khi không thể đáp ứng nguyện vọng của người khác, chúng ta vì là linh mục, ít ra cũng hãy để lại một dấu ấn yêu thương và thiện cảm nơi họ. Trong những trường hợp khó khăn, đôi khi chúng ta hãy đặt mình như thể đang giải quyết công việc cho một người thân thiết, vừa giữ đúng đường lối của Hội Thánh vừa thích nghi phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Chính tình yêu khơi dậy sáng kiến cho hoạt động mục vụ, và sẽ chỉ cho chúng ta biết việc phải làm. Tình yêu cũng sẽ là ngọn lửa thúc bách chúng ta và khơi dậy lòng nhiệt thành mục vụ. [3]

Quả thực, nếu Chúa đã yêu thương người ta vô điều kiện thì Ngài cũng muốn môn đệ của Ngài sẵn sàng yêu vô điều kiện. Đó là một sự cho đi không đòi nhận lại, là ban phát không cần trả ơn, là chia sẻ mà không nghĩ đến đền đáp. Đó là bản chất của tình yêu đích thực, phục vụ chứ không đòi hỏi được phục vụ (x. Mc 10, 45).

Cộng đoàn yêu mến, kính trọng linh mục vì ngài lo cho họ, chăm sóc họ và quan tâm đến họ. Đó là mối quan hệ hiệp thông yêu thương. Tuy nhiên, linh mục sẽ không coi sự phục vụ của mình theo quy luật vay-trả, có qua có lại mới toại lòng nhau! Cung cách phục vụ của linh mục sẽ theo tinh thần Chúa Ki-tô, phục vụ không tính toán, không ra điều kiện. Bởi những việc phục vụ của mục tử là xuất phát từ lòng mến Ki-tô giáo. Yêu đến cùng và yêu vô điều kiện.

Trái tim của linh mục mãi mãi là một trái tim mang đầy thương tích nhưng lúc nào cũng rộng mở. Đó là hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất của một đời sống tận hiến vì yêu của ơn gọi linh mục.

ĐGM GB Bùi Tuần gp Long Xuyên đã chia sẻ như sau: Tôi nhận ra ơn gọi của người môn đệ Đức Ki-tô. Ơn gọi này không chỉ là truyền bá Tin Mừng, quy tụ dân Chúa, thông báo ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể, mà còn là hiến tế chính mình trong cuộc đời. Hiến tế bằng tình yêu và hy sinh. Cho dù một cách nào đó, người môn đệ Chúa sẽ phải chịu đóng đinh vào thánh giá, phải chịu cho trái tim mình bị đâm, để những giọt máu và nước sau cùng trong đó cũng đành đổ ra hết.

Nhận ra ơn gọi như thế, chúng ta sẽ thấy trước mắt nhiều đòi hỏi về hiến tế chính mình. Nhưng, nếu cần phải chọn một điểm quan trọng để mà tập trung hiến tế, thì chúng ta có thể chọn trái tim mình. Trái tim sẽ là của lễ hiến tế quý giá bậc nhất. Trái tim sẽ là bàn thờ đẹp nhất để hiến tế ./. [4]

 

_______________  

[1]ĐGM GB Bùi Tuần-Tập tĩnh tâm các linh mục, tu sĩ gp Long Xuyên tháng 6-2002, trg 3

[2]https://dcctvn.org/trai-tim-muc-tu/

[3]https://phatdiem.org/thu-muc-vu/thu-gui-cac-linh-muc-dip-le-thanh-tam-chua-giesu-tgm-giuse-nguyen-nang.html

[4]ĐGM GB Bùi Tuần-Tập tĩnh tâm các linh mục, tu sĩ gp Long Xuyên tháng 6-2002, trg 2-3

Nguồn tin:
Tags :