Sống Chứng Nhân Đích Thực Qua Việc Thực Hành Những Bổn Phận Luân Lý Của Đức Tin – Một Nhu Cầu Cấp Bách Của Thời Đại Hôm Nay

Fri,23/06/2023
Lượt xem: 906

Trong nửa cuối thế kỷ XX và những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba, xã hội loài người đón nhận những thay đổi chóng mặt trên mọi phương diện, từ chính trị, văn hóa, kinh tế, khoa học kỹ thuật, tôn giáo, ... tác động to lớn đến đời sống đức tin của người tín hữu. Trước hết là sự lên ngôi của chủ nghĩa Macxit đề cao vai trò và vị thế của chính trị và kinh tế như là sức mạnh cứu độ; tính thượng tôn khoa học, xem khoa học có thể thay thế vị trí và làm thay công việc của Thiên Chúa, biến con người thành một đối tượng của khoa học kỹ thuật với những thí nghiệm cấy phôi, tạo ra các ‘kho’ chứa bộ phận người; các tệ nạn xã hội xảy ra cách tự do, thường xuyên và công khai, nhất là nạn buôn bán nô lệ, phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, đa số Kitô hữu lại xem niềm tin chỉ là chuyện riêng tư, cá nhân, chứ không liên quan đến các lãnh vực công. Hệ quả là Thiên Chúa bị ‘đẩy ra ngoài’, cho ‘ngồi chơi xơi nước’, bị cô lập, và bị xem là không có phận sự gì. Dù những năm gần đây tôn giáo đã trở lại như một ‘mốt thời thượng’, nhưng lại bị ‘tương đối hóa’, con người chạy theo những ‘phép lạ’ hay hiện tượng bên ngoài, vì thế mà biết bao thứ tôn giáo mới, thậm chí là ‘phi tôn giáo’ thay nhau mọc lên như nấm.[1] Điều này làm cho đạo đức luân lý của con người trở nên thiếu nền tảng, dẫn tới tình trạng tục hóa, chủ nghĩa hưởng thụ, chủ nghĩa cá nhân, ... Cùng với đó, những giáo lý ‘nghiêm khắc’ của Giáo Hội và những gương mù gương xấu của một số thầy dạy trong Giáo Hội lại càng khiến người tín hữu và anh chị em không cùng niềm tin có cái nhìn sai lệch và rời xa Giáo Hội.[2] Trong bối cảnh đó, người tín hữu, nhất là những ‘thầy dạy đức tin’, phải trở nên những chứng nhân về một đức tin đích thực cho con người và thế giới hôm nay. Trong giới hạn của lãnh vực luân lý, người viết chỉ xin trình bày đôi nét cơ bản về bản chất của một đức tin đích thực, đời sống chứng tá qua việc thực thi sự vâng phục và những bổn phận luân lý của đức tin, và hướng tới sự hoàn thiện đức tin nhờ sự nâng đỡ và kiện toàn của đức cậy và đức mến.

1.           Bản chất đức tin

Một triết gia đã nói: “Biết đúng thì hành động đúng, biết sai thì hành động sai”. Vì thế, để xác định được các đòi hỏi luân lý của đức tin hầu sống chứng tá cách chân thực và sống động, chúng ta cần điểm qua một vài nét về bản chất của đức tin.

Theo Thánh Kinh, đức tin là nguồn gốc và trung tâm của toàn bộ đời sống tôn giáo. Nhờ đức tin con người đáp trả chương trình cứu độ của Thiên Chúa như Abraham (cha của những kẻ tin), như các nhân vật gương mẫu trong Cựu Ước và như các môn đệ của Đức Kitô là những “kẻ đã tin” (Cv 2,44). Đời sống luân lý của người tín hữu cũng bắt nguồn từ chính niềm tin vào Thiên Chúa như một sự đáp trả tình yêu của Ngài. Đức tin là một nhân đức siêu nhiên làm cho chúng ta tin vững vàng các điều Hội Thánh dạy vì chúng là mặc khải của Thiên Chúa, Đấng là Chân Lý, không thể sai lầm và không lừa dối ai bao giờ. Chúng ta tin những gì Thiên Chúa phán, những gì Chúa Kitô mặc khải và những gì thẩm quyền Hội Thánh công bố. Như thế thông thường, tin được coi là sự đồng ý các chân lý chứa đựng trong mặc khải Thánh Kinh và với giáo lý được Hội Thánh đưa ra làm những tín điều.

Tuy nhiên trước khi được biểu lộ như một sự đồng ý đối với các chân lý trong các công thức tín điều rõ ràng thì đức tin là một cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa: giữa mặc khải của Thiên Chúa và sự đáp trả tự do của con người.[3] Cựu Ước thường dùng từ “Aman-Batah” để diễn tả ‘tin’ như là sự chấp nhận, tín thác, tựa nương, tin tưởng. Trong Tân Ước, thánh Gioan cho rằng tin là hành vi đón nhận, bước theo và sống gắn bó với người mình tin; thánh Phaolô thì luôn xác quyết đức tin là ơn Thiên Chúa ban, để con người có thể sống với Ngài trong ân sủng của Đức Kitô.[4] Đức tin theo Kinh Thánh gồm hai khía cạnh: một bên là sự tin tưởng với Thiên Chúa và ràng buộc trọn vẹn với Người; bên kia là sự vận dụng trí năng để chấp nhận những chân lý hay những thực tại mà con người không thấy.[5] Chính Thiên Chúa đã mặc khải, tự tỏ lộ cho con người qua vũ trụ thiên nhiên mà Ngài tạo dựng, qua ánh sáng và tiếng nói của lương tâm, qua Kinh Thánh và nhất là qua chính Con Một của Ngài là Đức Kitô.[6] Vì thế “cuộc gặp gỡ” của đức tin là cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa trong Đức Kitô và trong Giáo Hội của Người. Cuộc gặp gỡ này bao hàm cả sự đáp trả trong tự do về phía con người, vì chưng “chỉ có thể có đức tin nơi kẻ muốn tin” (St. Augustinô). Tức là sự thần phục và hiến mình cho Thiên Chúa một cách khiêm tốn và tín nhiệm, bao hàm việc chấp nhận ý muốn của Chúa và Lời Chúa.[7] Như thế đức tin là ơn Thiên Chúa ban nhưng không và sự tự do đáp trả chủ động cách khiêm tốn và kiên trì tìm hiểu trong tình yêu dành cho sự thiện. Vậy, “Đức tin là một nhân đức đối thần, là ơn Thiên Chúa ban để tín hữu tự do gắn bó trọn vẹn với Thiên Chúa (fides qua), đón nhận những chân lý mặc khải (fides quae) trong Đức Giêsu Kitô”.[8]

Như thế, đức tin trong ý nghĩa đầy đủ của nó, là hành vi đậm đặc nhất của lương tâm, là sự lựa chọn căn bản sâu xa nhất, là một sự dấn thân trọn vẹn cho Đức Kitô là Đấng mặc khải chân lý. Đức Kitô tự mặc khải như là tình yêu dấn thân trọn vẹn cho chúng ta, Người không thể chấp nhận một đức tin không phải là một sự dấn thân trọn vẹn cho Người, và qua Người, cho Cha và cho anh chị em của Người. Đức tin cần thiết để được ơn cứu độ, nó là nền tảng và gốc rễ của sự công chính nơi chúng ta.[9]

2.           Chứng tá bằng sự vâng phục đức tin và thực thi các bổn phận với đức tin

2.1.      Sống vâng phục đức tin

Như ta đã thấy, đức tin trước hết là tương quan cá vị giữa Thiên Chúa và con người.[10] Đó là sự phó mình cho Thiên Chúa với lòng tin tưởng, là sự lắng nghe, vâng phục và thi hành những điều mà Ngài dạy. Đức tin đòi hỏi người tín hữu phải có bổn phận sống vâng phục đức tin. Vâng phục đức tin là tự nguyện vâng phục lời đã nghe vì chân lý của lời đó được chính Thiên Chúa là Chân lý đảm bảo. Là mang lấy tinh thần và não trạng của Đức Kitô để có thể bắt chước Ngài sẵn sàng đón nhận thánh giá Chúa trao, là uốn nắn cuộc sống của mình và tất cả những gì kèm theo đó để làm cho đức tin trở thành ánh sáng chiếu soi bản thân mình, chỉ ra những lối sống, giải phóng những năng lực và sinh lực cho cuộc sống mỗi ngày. Vâng phục đức tin cũng là mỗi ngày tập xa lánh nguy cơ và cám dỗ chối bỏ đức tin và tiếng nói của đức tin, từ đó chối bỏ chính Chúa. Như thế, sống vâng phục đức tin đòi buộc ta phải gắn bó cả con người và dấn thân bằng cả cuộc đời, phải liên tục từ giã những chặng đường cũ để lao vào chặng đường mới, theo gương của các vị thánh tử đạo, chính các ngài là những chứng nhân thuyết phục nhất cho sự vâng phục đức tin.[11]

2.2.      Sống bổn phận đối với đức tin là nên chứng nhân cho đức tin

Nhờ đức tin, người tín hữu được nên công chính hay được cứu độ. Chính trong bầu khí đức tin mà tất cả đời sống người tín hữu được diễn tiến theo Thần Khí. Đức tin đòi hỏi người tín hữu kết hợp với Đức Kitô trong mọi hành vi của mình, phải chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô để được tham dự sự sống lại với Người. Chính nhờ đức tin, người tín hữu cảm nghiệm thấy sức sống của Đức Kitô phục sinh đang tác động mãnh liệt đến cuộc đời trần thế của mình, nhờ đó họ có thể sống cho Thiên Chúa và phụng sự Ngài. Đức tin là sự chấp nhận thập giá, đóng đinh vào thập giá là chôn vùi sự ích kỷ, sợ hãi, đam mê, tội lỗi... và quy hướng mọi hoạt động về Đức Kitô làm cho Ngài trở thành chủ thể trong mọi hành vi của mình. Vì thế mỗi người phải ý thức về các bổn phận đối với đức tin và đem ra thực hành trong đời sống. Như thánh Phaolô đã nói: “có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10), và Công đồng Vaticanô II cũng nói: “Đức tin cần phải tỏ ra có kết quả bằng cách ăn sâu vào toàn bộ đời sống người tín hữu”[12].

Trước hết, vì đức tin là một hành vi nhân linh đích thực của con người [13] nên mỗi người có bổn phận dùng lý trí để hiểu biết các chân lý đức tin một cách đầy đủ nhất tùy theo khả năng của mình. Bổn phận hiểu biết đức tin luôn đi kèm với đời sống cầu nguyện, học hỏi giáo lý, tham dự các cử hành phụng vụ và bí tích, nghe giảng và suy niệm Lời Chúa... Thứ đến, người tín hữu cũng có bổn phận tuyên xưng đức tin của mình vì đây là một đòi buộc đối với người tin. Việc tuyên xưng đức tin có thể thực hiện bằng lời nói và việc làm, kể cả sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm chứng cho đức tin. Người tín hữu không bao giờ được chối bỏ đức tin, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Tiếp theo họ cũng có bổn phận phải truyền bá đức tin: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Vì đã nhận lãnh hồng ân nhưng không là đức tin, nên tự bản chất, Giáo Hội và mỗi người, tự bản chất là truyền giáo vì đó là lệnh của Thầy Chí Thánh Giêsu. Mỗi người, tùy theo ơn gọi và khả năng riêng để cộng tác vào công việc Loan Báo Tin Mừng của Hội Thánh với những phương thế khác nhau như cầu nguyện, từ thiện bác ái, làm chứng tá bằng lời nói và đời sống trong hoàn cảnh cụ thể, trở thành “thừa sai”,.. Vì chúng ta giống như “bình sành dễ vỡ” nên cũng có bổn phận gìn giữ đức tin. Mỗi người cần biết cách bảo vệ mình khỏi những nguy hiểm đang đe dọa đức tin, phải bênh vực các quyền tín ngưỡng và tôn giáo trong xã hội. Trong mọi việc cần gắn bó với Giáo huấn của Chúa và của Hội Thánh. Người tín hữu cũng cần tích cực cổ võ cho sự hiệp nhất đức tin. Cuối cùng là bổn phận tùng phục Huấn quyền của Hội Thánh, trước hết là các Tín điều được tuyên bố cách Bất Khả Ngộ, tiếp đến là với những công bố của Đức Giáo Hoàng và của các Công đồng định tín, các Giám Mục qua các giáo huấn... Ngoài ra, người tín hữu cũng cố gắng tránh các tội nghịch cùng đức tin như tự phụ, vô tín, lạc giáo, bội giáo, ly giáo,...[14]

3.           Đức tin được nâng đỡ và kiện toàn nhờ đức cậy và đức mến

Giáo huấn Kinh Thánh đã trình bày tin-cậy-mến như ba thái độ căn bản của con người khi họ đáp lại lời gọi và mặc khải của Thiên Chúa. Đó là những nhân đức thần khởi và đối thần vì chúng được Thiên Chúa khơi dậy và hướng về Thiên Chúa như là đối tượng. Đây là ba nhân đức “thiên phú” vì chính Thiên Chúa đã ban cho con người cùng với ơn công chính hóa và ơn tha tội nhờ Đức Kitô, để họ có khả năng đối thoại với Ngài và thừa hưởng ơn cứu độ.[15] Nhờ tin-cậy-mến ta được hiệp thông với Thiên Chúa, được hưởng ơn cứu độ và sống muôn đời.[16] Cả ba hợp thành một thể thống nhất, đến độ không thể thực thi trọn hảo nhân đức này mà lại bỏ sót nhân đức còn lại, trong đó đức mến là chóp đỉnh và là điểm nổi bật nhất: Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến (1Cr 13,13). Ta không thể nhận biết Thiên Chúa bằng đức tin mà lại không yêu mến Người, đức tin thiếu đức mến là đức tin vô thức, đức cậy cũng vậy.[17] Như vậy, việc sống chứng nhân đức tin đích thực không thể dừng lại ở những việc làm chỉ vì lòng tin mà thôi, nhưng cần có sự nâng đỡ và kiện toàn của đức cậy và đức mến.

Đức tin không đi kèm với đức cậy thì người tín hữu không trở thành chi thể sống động trong thân thể Đức Kitô. Hai nhân đức này gắn chặt với nhau đến độ không thể tách biệt nên thánh Gioan thường đồng hóa hai nhân đức này với nhau. Tin là nhận biết Thiên Chúa và chấp nhận những gì Người đã làm, đang làm và sẽ làm cho ta và phần rỗi của ta, nhờ đó ta đặt trọn niềm tin tưởng nơi Người. Đức cậy diễn tả một bước mới trên hành trình tiến đến Thiên Chúa: vì tin nên trông mong. Đức tin chân chính sẽ triển nở thành đức cậy, nhờ cậy mà ta không chao đảo trong đêm tối đức tin. Nếu không tin thì không hy vọng, ngược lại, không trông cậy thì tin cũng chưa thực sự và chưa trọn vẹn. Cũng như đức tin làm nền tảng vững chắc cho đức cậy, thì đức cậy cũng củng cố, nâng đỡ và giúp đức tin được ngày càng kiện toàn. Thiếu trông cậy chúng ta không thực sự tin Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta hạnh phúc. Nếu chúng ta chỉ sống tương quan đối thần là đời sống đức tin và đức cậy, thì đức tin ấy không được trọn vẹn.[18] Đức tin và đức cậy chỉ có thể trở nên chân thực hay được chứng minh là thật khi được đội triều thiên là đức mến. Mọi sự khởi đi từ việc đón nhận đầy khiêm hạ của đức tin, nhưng đức tin phải đạt đến chân lý là đức mến, vốn tồn tại mãi mãi và là sự viên mãn của tất cả các nhân đức.[19] Đức tin làm cho chúng ta đón nhận mệnh lệnh của Chúa, đức mến cho chúng ta hạnh phúc trong việc đưa mệnh lệnh ấy ra thực hành (x.Ga 13,13-17). Đức tin cho phép chúng ta nhận ra những hồng ân mà Thiên Chúa nhân lành và đại lượng đã trao phó cho chúng ta; đức ái làm cho chúng sinh hoa kết quả (x. Mt 25,14-30). Đức tin sẽ nên hoàn hảo nhờ thực thi đức mến. Bởi chưng sống niềm tin là biểu lộ tình thương và lòng bác ái cách cụ thể, còn sống đức ái là biểu lộ niềm tin cách quyết liệt trong yêu thương và phục vụ vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Chỉ khi tin chúng ta mới dám hiến thân và xả thân vì Chúa. Như thế, nếu không có đức ái, tức là hành động đức tin thì dù có tuyên xưng đức tin cũng chỉ là hão huyền, nói dối. Nhưng nếu có đức ái thúc đẩy hành vi đức tin thì những lời tuyên xưng và hành động của chúng ta mới nên hữu hiệu và sinh hoa trái. Đức tin đưa ta tới đức cậy, và nhờ cậy trông ta đến với đức mến. Vì với đức cậy chúng ta khao khát mong ước đạt tới Thiên Chúa vì Người là Thiện Hảo tuyệt đối, đáng mến trên hết mọi sự. Khi yêu ai ta thường mong đợi người ấy. Chính đức mến làm cho đức cậy ngày càng tha thiết và mãnh liệt hơn, đức tin càng nên kiên vững và được kiện toàn. Như thế, đời sống luân lý của người tín hữu được đặt nền tảng trên đức tin, phát triển với đức cậy và chỉ có thể đạt tới sự hoàn thiện trong đức mến. Tóm lại, đức tin cần được nâng đỡ và kiện toàn nhờ đức cậy và đức mến mới nên hoàn thiện.

Tạm Kết

Như vậy, đức tin không phải là ý thức hệ nhưng là công trình của ân sủng và tự do: đức tin là một ân ban nhưng không của Thiên Chúa, và sự tự do ưng thuận của con người. Bởi vậy chúng ta phải luôn sống trong tâm tình tạ ơn vì hồng ân đức tin đã nhận lãnh và không ngừng cầu xin cho ân ban đó được củng cố và tăng trưởng, đồng thời cố gắng học hỏi, tìm kiếm sự hiểu biết các chân lý đức tin để làm cho đức tin ngày càng trưởng thành hơn. Đức tin đòi buộc mỗi người tin phải sống vâng phục đức tin và thực thi các bổn phận luân lý đối với đức tin, vì “đức tin không có hành động là đức tin chết(Gc 2,26). Chính khi thực hành các đòi buộc luân lý của đức tin, đặc biệt nhờ sự nâng đỡ và kiện toàn của đức cậy và đức mến, người tín hữu trở nên một chứng nhân đức tin đích thực cho con người và thế giới hôm nay.

Cách riêng, là một Ứng sinh linh mục, giáo dân mong chúng ta là những người có đức tin, một đức tin vững mạnh để có thể nâng đỡ đức tin của người khác.[20] Do đó, chúng ta có bổn phận dùng lý trí của mình để hiểu biết các chân lý đức tin một cách đầy đủ qua việc học thần học. Tuy nhiên, vì đức tin trước hết là ân ban nhưng không của Thiên Chúa nên chúng ta phải luôn sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa và khiêm tốn cầu xin ơn đức tin: “Tôi tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của tôi!”(Mc 9,24). Đức tin không chỉ là “tôi tin” mà còn là “chúng tôi tin”, nên chúng ta cần có sự đồng hành, nâng đỡ và khuyến khích của những người bảo vệ đức tin của chúng ta, của tình huynh đệ linh mục, và cả của những người mà chúng ta đang cố gắng kiện cường đức tin như các bệnh nhân, giáo dân,... Như thế, sống trong Hội Thánh và cùng với Hội Thánh là một phương thế cần thiết để ta nuôi dưỡng, củng cố và làm tăng trưởng đức tin qua việc học giáo lý, tham dự các buổi cử hành phụng vụ, các Bí tích, các bài giảng và chia sẻ Lời Chúa, nhất là qua Thánh Lễ. Đồng thời chúng ta cũng phải luôn vâng phục trong đức tin bằng việc luôn lắng nghe, gắn bó và phục tùng mọi giáo huấn của Chúa và của Hội Thánh. Hồng ân đức tin đòi buộc chúng ta phải tuyên xưng đức tin của mình bằng lời nói và việc làm trước mặt thế gian vì Nước Chúa và vì phần rỗi của mọi người. Đức tin thúc đẩy chúng ta lãnh trách nhiệm truyền bá đức tin cho người khác, bằng các cách thế khác nhau như cầu nguyện, các hoạt động bác ái, nhất là làm chứng cho Chúa bằng lời nói và việc làm của mình trong mọi hoàn cảnh sống. Vì đức tin là một hành vi tự do của con người, do đó, không ai được cưỡng bách hay ngăn cản người khác chấp nhận đức tin. Cách riêng, trong việc loan báo Tin Mừng, người môn đệ không thể có sự đòi hỏi hay thái độ thất vọng khi chưa thu được kết quả cụ thể mà chỉ có thể khiêm nhường cộng tác hết sức mình qua việc dạy dỗ, làm chứng cho Chúa, phần còn lại hãy để cho Ngài: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1Cr 3,6) Ước gì khi người giáo dân thấy một linh mục, chủng sinh, tu sĩ, họ sẽ thốt lên: “thật đây là một con người của Thiên Chúa”, một con người đầy niềm tin vào Đức Kitô - lòng mến yêu anh chị em - và niềm hy vọng cứu độ cánh chung.

Joseph P. Pham

 



[1] x. ĐGH Bênêđictô XVI, Đức Tin Kitô Hôm Qua Và Hôm Nay, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, p.47-55.

[2] x. Lm. Phaolô Nguyễn Văn Khai, Các Thư Thánh Phaolô, Đcv. Thánh Phanxicô Xaviê, 2021, p.194.

[3] Vaticanô II, Dei Verbum, số 5.

[4] x. Lm. Phaolo Bùi Đình Cao, Giáo trình Thần học Luân Lý Căn Bản, Đcv. Thánh Phanxicô Xaviê, 2020, p.253.

[5] x. J.Duplacy, “Tin” trong “Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh - IV”, Giáo Hoàng Học Viện Piô X, p.211-212.

[6] x. ĐGM. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Luân Lý Kitô Giáo Qua Mười Điều Răn 1, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, p.57.

[7] x. Lm. Phaolo Bùi Đình Cao, Sđd., p.254.

[8] HĐGMVN, Từ Điển Công Giáo, Nxb. Tôn Giáo, TP. HCM, 2016, p. 295.

[9] x. ĐGM. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Sđd., p.

[10] x. Tủ sách chuyên đề, Thần Học Luân Lý Chuyên Biệt 1, p.37.

[11] x. Lm. Phaolo Bùi Đình Cao, Sđd., p.264-266.

[12] Vaticanô II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 21.

[13] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 154.

[14] x. Lm. Phaolo Bùi Đình Cao, Sđd., p.264-289.

[15] Công đồng Trentô, Sắc lệnh về Công chính hóa, Chương 7, trong Foi Catholique, p.565-566; Denzinger 1530.

[16] Denzinger 1531, 1532, 1561.

[17] ĐGM. Matthêô Nguyễn Văn Khôi, Sđd., p.53-54.

[18] x. H. Wandenfels, Lm. Lê Văn Chính chuyển ngữ, Thần Học Căn Bản, năm 2009, tr. 284.

[19] ĐGH Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Mùa Chay 2013http://gxdaminh.net/z/tusach/thuchung/sd_mchay2013.htm.

[20] X. ĐTGM. Timothy M. Dolan, Linh mục cho ngàn năm thứ ba, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, p.22.

Nguồn tin: