Linh Mục Giáo Phận, Loan Báo Tin Mừng Qua Việc "Sống Nghèo Và Sống Cho Người Nghèo"

Fri,28/07/2023
Lượt xem: 20537


Nhìn vào xã hội hôm nay chúng ta thấy rõ tầm quan trọng và sức ảnh hưởng to lớn của tiền bạc. Người người nhà nhà đua nhau làm giàu, tích góp của cải vật chất và hưởng thụ chúng. Người ta đánh giá bản thân và người khác dựa trên những thứ mà họ có như áo quần hàng hiệu, Iphone đời mới, xe hơi đắt tiền, … Vì thế những người nghèo luôn là những ‘nạn nhân’ của sự phân biệt đối xử, của kì thị và bất công, họ bị loại ra bên lề xã hội và dường như không còn tiếng nói. Trong bối cảnh đó, vào năm 2013, khi vừa có kết quả bầu Giáo hoàng, ĐHY. Claudio Hummes đã ôm hôn chúc mừng và nhắc nhở người bạn chí thân của mình vừa đắc cử: Đừng quên người nghèo khổ nhé!” Từ đó, hình ảnh về một “Giáo hội nghèo và cho người nghèo” luôn nằm trong tâm trí và đường lối mục vụ của ĐGH. Phanxicô. Nói cách khác, người nghèo là đối tượng ưu tiên và luôn được nhìn như một phần của sự phát triển truyền giáo của Giáo Hội. Sự chọn lựa ưu tiên vì người nghèo biểu lộ tính phổ quát của bản chất và sứ mạng của Giáo Hội.[1] Hiểu biết về sứ mạng này, là một ứng sinh Linh mục giáo phận, người viết muốn nghiên cứu, trình bày và định hướng mục vụ cho bản thân về sứ vụ truyền giáo của một Linh mục Giáo phận ngang qua việc sống và dấn thân phục vụ người nghèo khổ, bệnh tật, người bị xã hội áp bức loại trừ. Bài viết được trình bày trước hết về sự nghèo khó trong căn tính linh mục, tiếp đến là những chỉ dạy của Huấn quyền về khó nghèo linh mục, và cuối cùng là trình bày định hướng về sứ vụ loan báo Tin Mừng của linh mục giáo phận ngang qua sống nghèo và cho người nghèo.

1. Khó nghèo trong căn tính Linh mục

Khi nói đến ơn gọi linh mục thì một nhân đức không thể thiếu là nghèo khó, đó là một trong ba lời khuyên Phúc Âm. Đức khó nghèo của linh mục nghĩa là hoàn toàn tin tưởng và lệ thuộc vào Thiên Chúa. Từ đó chấp nhận trở nên nghèo như Đức Kitô, phục vụ Đức Kitô trong những người nghèo, người thất học, bệnh tật, già nua, người thiếu thốn và đau khổ. Điều này thuộc về căn tính linh mục.[2] Sự khó nghèo của linh mục là bước theo Đức Kitô Mục Tử Khó Nghèo. Quả vậy, Đức Giêsu, “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2Cr 8,9). Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã muốn sống sự khó nghèo triệt để, thực sự của thân phận phàm nhân, và đã chọn lựa như thế vì yêu thương, vì muốn liên đới với loài người chúng ta. Người được sinh ra, sống và chết trong cảnh nghèo khó: sinh ra trong chuồng bò lừa và được quấn tã đặt nằm trong máng cỏ (x. Lc 2,12), lớn lên trong một gia đình nghèo tại làng quê Nadareth (x. Lc 8,1-3), suốt ba năm rao giảng Tin Mừng thì lang thang nay đây mai đó như một người vô gia cư -“không có chỗ tựa đầu” (Lc 9,58), chết như một người nô lệ thấp hèn nhất, một tên tội phạm khốn cùng nhất và mai táng trong ngôi mồ của người khác.[3] Tất cả sự nghèo khó ấy của Chúa Giêsu nhằm mục đích cứu độ nhân loại. Bên cạnh đời sống nghèo và ưu tiên phục vụ người nghèo, thì Loan báo Tin Mừng cho người nghèo là phần cốt yếu của Chúa Giêsu: “Phúc cho những người có tinh thần nghèo khó…Phúc cho những người đang than khóc…Phúc cho những người đang đói, khát sự công chính” (Mt 5,3-5). Và cuối cùng khi kêu gọi các môn đệ, Người cũng đòi hỏi các ông phải sống nhân đức nghèo khó qua việc từ bỏ và “bán tất cả những gì anh có mà phân phát cho người nghèo, và anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Tôi” (Lc 18,22).

Đáp lại lời mời gọi đó của Thầy Giêsu, các Tông đồ và các môn đệ đầu tiên đã là những người nghèo. Họ đã bỏ mọi sự để bước theo Ngài trên con đường loan báo Tin Mừng cứu độ. Các tông đồ đã sống nghèo và dạy các mục tử trong Giáo Hội cũng hãy sống nghèo như vậy: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: Lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tụy.” (1Pr 5,2-3). Bên cạnh sống khó nghèo theo Đức Giêsu, thì người mục tử phải biết chia sẻ những gì mình có với người nghèo: “Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần tiếp đãi khách đến nhà” (Rm 12,13). Theo gương Đức Kitô Mục Tử khó nghèo, các giáo phụ và các mục tử trong Giáo Hội suốt hơn 2000 năm qua đã quảng đại dấn thân phục vụ, hy sinh mọi sự vì đoàn chiên của Chúa. Các ngài như là hình ảnh Chúa Giêsu Mục Tử bằng đời sống khó nghèo, không ngừng bênh vực, bảo vệ và chia sẻ những gì mình có cho những người nghèo, người cô thế cô thân, người bị áp bức.

2. Huấn quyền về khó nghèo linh mục

Giáo Hội, ngay từ thời các tông đồ cho tới hôm nay vẫn luôn trung thành hướng dẫn các linh mục rập theo khuôn mẫu Đức Kitô Mục Tử khó nghèo bằng đời sống chứng tá qua cách sống khó nghèo. Đặc biệt, Giáo Hội đòi buộc các linh mục thể hiện khuôn mặt ‘Giáo Hội nghèo và cho người nghèo’. Kể từ năm 321, Giáo Hội cho phép thâu nhận và quản lý tiền của do các tín hữu dâng cúng và gọi những tài sản này là ‘tài sản của Thiên Chúa’ hay ‘tài sản của người nghèo’. Phải phân chia ¼ tài sản đó cho người nghèo, ai giữ lại sẽ bị vạ và coi như kẻ giết hại người nghèo.[4] Từ đó đến nay các công đồng thường nhắc nhở các giám mục, linh mục sống khó nghèo và dành ưu tiên chăm lo cho người nghèo, để thi hành một cách hữu hiệu vai trò ‘là cha và là người bênh vực những người nghèo’. [5] Cách cụ thể, công đồng Toledo IV đã dạy các Giám mục, Linh mục thể hiện sứ mạng mục tử khó nghèo của Thiên Chúa qua việc dấn thân để lên tiếng, bảo vệ người nghèo, đồng thời không ngừng lên án, tố cáo những hành vi của người giàu, người có chức quyền bóc lột, áp bức người nghèo; công đồng Arles (836) thì dạy sự khó nghèo linh mục thể hiện bằng sự trung tín trong quản lý tài sản của Giáo Hội… Đặc biệt với Công đồng Vaticanô II, sự khó nghèo linh mục được công đồng nhắc đến trong nhiều văn kiện: Sắc lệnh về đào tạo linh mục, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Sắc lệnh về nhiệm vụ mục tử của các giám mục trong Giáo Hội, Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay… Công đồng nhắn nhủ các linh mục: “Là những người lãnh đạo cộng đoàn, các linh mục thực hiện việc khổ chế riêng của người chăn dắt các linh hồn, khi từ bỏ tiện nghi dành cho bản thân, không tìm tư lợi nhưng mưu cầu lợi ích cho nhiều người, giúp họ được cứu rỗi.”[6] Các linh mục phải hưởng dùng của cải trần gian theo cách thức phù hợp với giáo huấn của Chúa Kitô và đúng với quy luật của Giáo Hội ấn định. Đối với những tài sản thực sự thuộc về Giáo Hội, các linh mục phải biết quản trị cách thích đáng và theo đúng giáo luật, luôn sử dụng đúng với ý hướng của Giáo Hội khi sở hữu của cải trần gian, nghĩa là dùng để tổ chức việc phượng tự, chu cấp mức sống xứng đáng cho hàng giáo sĩ, và thực hiện các công tác tông đồ hay những việc bác ái, nhất là đối với những người nghèo khổ.[7]

Bên cạnh đó, các Giáo hoàng cũng không ngừng dạy các mục tử trong Giáo Hội về việc sống đức khó nghèo và thực thi đức bác ái với người nghèo. Đặc biệt là ĐGH. Phanxicô, người cha đáng kính của Giáo Hội Rôma, ngài không chỉ nhắc nhở các giám mục, linh mục, tu sĩ trong Giáo Hội sống giản dị, nghèo khó và quan tâm đến người nghèo, mà chính ngài đã trở nên chứng tá bằng đời sống nghèo và cho người nghèo.

3. Linh mục giáo phận loan báo tin mừng qua việc sống nghèo và sống cho người nghèo

Như lời ĐGH. Phanxicô đã nói: “Tôi muốn một Giáo Hội nghèo và cho người nghèo” thì việc cấp bách của linh mục giáo phận là trở nên “một linh mục nghèo và cho người nghèo”, bởi trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc sống nghèo và sống cho người nghèo của linh mục giáo phận là một chứng tá hùng hồn và là một cách thế loan báo Tin Mừng hiệu quả. Để được như vậy, linh mục cần sống giản dị, siêng năng làm việc, trung tín trong quản lý và sử dụng tài sản, và nhất là gần gũi và giúp đỡ người nghèo.

3.1. Sống giản dị

Trong thời buổi hiện nay, cùng với việc thực thi ba chức năng tư tế, vương đế và ngôn sứ, thì việc sống giản dị theo gương Đức Kitô Mục Tử là một cách thế làm chứng vô cùng hữu hiệu đối với linh mục giáo phận. Lý do chính yếu để linh mục sống giản dị là sống theo lời nói và hành động của Chúa Giêsu. Ngoài ra, Đức TGM. Timothy M.Dolan trong cuốn Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba còn gợi ra năm lý do: 1) sở hữu quá nhiều làm cho các linh mục xa Thiên Chúa ; 2) sống giản dị cổ võ tinh thần liên đới với người nghèo ; 3) sống giản dị nhắc nhở mạnh mẽ rằng “chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” ; 4) sống giản dị khích lệ linh mục phó thác vào Thiên Chúa Quan Phòng, thay vì vào chính mình hay vào những gì mình có ; 5) một gương mẫu tốt. Như thế đời sống giản dị của linh mục giáo phận vừa có giá trị mô phạm và giáo lý, vừa có tính truyền giáo.[8]

Vì thế, linh mục được mời gọi sống thanh thoát khỏi sự lệ thuộc vật chất, từ trang phục, ăn uống và các phương tiện. Về trang phục: cần ăn mặc làm sao để cho người nghèo thấy được sự đồng cảm, yêu thương và gần gũi, chứ không tạo ra sự xa cách, tức là ăn mặc đơn giản, gọn gàng, sạch sẽ chứ không xuề xòa, lôi thôi lếch thếch, dơ bẩn ; tránh cách ăn mặc cầu kỳ, sử dụng các loại đồ đắt tiền, hàng hiệu vừa tốn kém, lãng phí lại làm cho người nghèo không dám tới gần.[9] Về ăn uống: cần tiết chế, điều độ trong ăn uống, chỉ ăn đơn giản sao cho đủ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe phục vụ, và luôn luôn nghĩ tới người nghèo để chia sẻ những phần ăn cho họ, tránh việc tổ chức những bữa tiệc sang trọng, tránh đi những nhà hàng cao cấp chỉ để đáp ứng sở thích ăn uống của mình, đừng để người nghèo thấy sự xa xỉ, hoang phí nơi các bữa ăn của linh mục, mà luôn gần gũi, chia sẻ bằng cách tạo những bữa ăn cho người nghèo bằng sự quảng đại hy sinh của mình.[10] Về việc sử dụng các phương tiện: các phương tiện hiện đại giúp ích rất nhiều cho sứ vụ linh mục như ôtô, vi tính, điện thoại, … nhưng nó cũng có nhiều tác hại như việc sử dụng các phương tiện quá đắt tiền, xa xỉ làm cho người nghèo thấy linh mục như quan chức hay đại gia, làm cho người nghèo ngại tiếp xúc và thấy tủi thân; hay phương tiện truyền thông có thể cám dỗ linh mục mất nhiều thời gian vào nó vì thế ít gặp gỡ tiếp xúc với giáo dân, dễ sa ngã vào các cám dỗ…Vì vậy, linh mục giáo phận được mời gọi sử dụng các phương tiện cách khôn ngoan theo hướng dẫn của Giáo Hội. Tóm lại, qua đời sống của mình, linh mục được mời gọi nên giống người nghèo trong cách ăn uống, giản dị trong nơi ở, đơn giản trong cách ăn mặc để sống gần gũi với người nghèo và phục vụ họ.

3.2. Siêng năng làm việc

Chúa Giêsu nói: “Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17). Vì thế việc tin tưởng vào Thiên Chúa không làm cho linh mục mất đi trách nhiệm của con người nhưng cần cố gắng làm việc trong tinh thần hy sinh phục vụ. Đây là một khía cạnh thiết yếu của nhân đức khó nghèo, như Đức Phaolô VI đã nói: “Một khía cạnh khó nghèo nơi các con là chứng minh ý nghĩa nhân bản của việc lao động, phải được thực hiện trong sự tự do của lý trí và đem lại cho bản tính của lao động tính cách mưu sinh và phục vụ. Làm việc để mưu sinh cho các con, mưu sinh cho anh chị em các con, để giúp đỡ những người nghèo, đó là bổn phận của các con.”[11] Vì thế linh mục cần tham gia xây dựng xã hội trần thế, bằng cách đảm nhận những công việc công ích nhằm giúp thăng tiến toàn diện con người như các công việc hoạt động tông đồ, hoạt động bác ái, thăm viếng, chia sẻ và phục vụ người nghèo, thành lập các tổ chức bác ái từ thiện… Chính khi lao động linh mục thể hiện căn tính và đặc sủng của mình, đồng thời chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng mà Đức Kitô và Giáo Hội ủy thác. Lao động cũng làm tăng giá trị con người, giúp linh mục dễ cảm thông với những khổ đau và những tiếng khóc của người nghèo, người bị đối xử cách bất công và dễ tiếp cận với những người thuộc giới lao động để đem Tin Mừng đến cho họ.

3.3.Trung tín trong việc quản lý và sử dụng tài sản Giáo Hội

Sứ vụ của linh mục giáo phận là coi sóc giáo xứ, vì thế việc quản lý và sử dụng tài sản của Giáo xứ là phận việc của linh mục. Trong khi quản lý và sử dụng các tài sản này, linh mục cần có tinh thần nghèo khó, thận trọng, thanh liêm, chi tiêu đúng mục đích, phân biệt rõ ràng tài sản Giáo Hội và tài sản riêng mình, phải thực sự trung tín, sẵn sàng cho đi những tài sản mình đáng được hưởng để giúp đỡ người nghèo. Linh mục cần sử dụng của cải với tinh thần trách nhiệm, với ý hướng ngay thẳng và siêu thoát; tránh những hoạt động sinh lợi vốn không tương hợp với tác vụ linh mục; tránh tạo cớ dù là bằng một lời nói bóng gió rằng tác vụ linh mục là cơ hội để làm lợi cho mình, ưu đãi gia đình họ hàng hay tìm vị trí ưu tuyển. Linh mục cần quảng đại cho đi cách nhưng không vì đã nhận lãnh nhưng không; biết sử dụng tất cả những gì đã lãnh nhận do thực thi tác vụ, nhằm đến những mục tiêu của Giáo Hội sau khi đã bảo đảm đời sống; sống đời đơn giản, tránh những gì hư ảo, loại bỏ mọi kiểu mốt sang trọng trong mọi lĩnh vực như nhà cửa, phương tiện di chuyển, nghỉ ngơi giải trí.[12] Việc trung tín trong việc quản lý và sử dụng tài sản của Giáo Hội cũng như của chính mình là một chứng tá giúp linh mục giáo phận loan báo Tin Mừng trong thời đại hôm nay. Như thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy: “Linh mục cần phải nêu chứng tá về một sự ‘trong suốt’ hoàn toàn trong việc quản trị tài sản của Giáo Hội. Linh mục sẽ không bao giờ xử sự như thể các tài sản ấy là gia sản riêng của mình, nhưng như những gì mà mình phải thanh thỏa trước mặt Thiên Chúa và trước mặt anh em mình, nhất là trước những người nghèo.”[13]

3.4. Gần gũi và giúp đỡ người nghèo

“Luôn luôn có những người nghèo trong xứ sở” (Tl 15,11). Quả thế, người nghèo luôn có và mãi có trong xã hội, ngay chính nơi giáo xứ mà linh mục coi sóc. Họ là những người dễ bị tổn thương, vì thế chúng ta vẫn thường nghe nhiều giáo dân phàn nàn về việc có một số linh mục hay lui tới, đi lại mật thiết với nhà giàu có, sang trọng. Từ đó họ dần dần xa tránh chủ chăn của mình vì mặc cảm giàu nghèo. Vì thế, linh mục giáo phận được mời gọi noi gương Đức Kitô Mục Tử biết đến với người nghèo bằng một tình yêu chân thực: yêu thương họ, đồng cảm với họ, “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15). Linh mục giáo phận cần nhạy bén để luôn nhận ra nơi người nghèo hình ảnh của Đức Giêsu Kitô, một vị Thiên Chúa đã vì yêu thương mà chết cho nhân loại. Cách riêng cần ghi nhớ lời nhắn nhủ “mang lấy mùi chiên”[14] của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Quả vậy, chính Chúa Giêsu đã đến rao giảng Tin Mừng cho những người nghèo hèn bé nhỏ, vì thế linh mục được mời gọi tránh hết sức những gì có thể đưa mình ra xa người nghèo.[15] Chính khi tập cho mình tinh thần khó nghèo theo Tin Mừng, linh mục sẽ đến với người nghèo và tìm cách chia sẻ giúp đỡ họ về vật chất cũng như tinh thần. Đó là ngọn lửa tình yêu bùng cháy lên trong đời sống của linh mục, nó sẽ có sức chiếu giãi và thu phục nhân tâm hơn những gì khác. Vì vậy, linh mục giáo phận cần nhạy bén với tiếng nói của người nghèo, bênh vực người nghèo, cảm thông, chia sẻ, thực sự cởi mở khi đối thoại, sống vì người nghèo, cho người nghèo cả trong lời nói và việc làm. Ân cần tiếp đón người nghèo khó, những người bên lề xã hội. Đối xử công bằng với hết mọi người trong giáo xứ, thường xuyên tiếp xúc, thăm hỏi những người nghèo khổ, già cả, bệnh tật, cô đơn… để động viên, an ủi, khích lệ và giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần theo khả năng mình. Linh mục phải luôn tỏ ra là dấu chỉ chữa lành của tình yêu Thiên Chúa đối với họ. Ngoài ra, linh mục coi sóc giáo xứ nên quan tâm đến việc nuôi dưỡng hay thành lập các phong trào, tổ chức từ thiện, bác ái, như: Hội Caritas giáo xứ, phong trào xây dựng nhà ở cho người nghèo, hũ gạo tiết kiệm, học bổng cho học sinh nghèo… Tóm lại, noi gương Đức Kitô Mục Tử, linh mục giáo phận được mời gọi dành cho người nghèo những chăm sóc tế nhị của đức ái mục tử, khiêm tốn đứng về phía người nghèo, người bên lề xã hội, người bị áp bức, sẵn sàng lắng nghe, đến với họ ... Chính sự gần gũi và giúp đỡ người nghèo là một nẻo đường loan báo Tin Mừng của linh mục giáo phận.

Tạm Kết

Thế giới hôm nay đang rất cần những linh mục thực sự có khả năng làm chứng về Thiên Chúa. Chỉ khi nào linh mục hoàn toàn sống cho Chúa và tha nhân, thì chứng từ mới đáng tin và có sức lôi kéo người khác. Việc linh mục giáo phận tự nguyện sống khó nghèo để theo sát Chúa Giêsu thuộc về căn tính linh mục và là một cách thế loan báo Tin Mừng hiệu quả trong thời đại này. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, đối với linh mục giáo phận sống tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng quả là khó. Bởi vì, linh mục cũng là con người với thân phận yếu đuối như chiếc bình sành dễ vỡ (x. 2Cr 4,7), mà cái cám dỗ lớn nhất đối với đa phần con người là luôn muốn giàu có, cảm thấy mình giàu có và ước ao được ca tụng mình là người giàu. Sự giàu có không nhất thiết chỉ là về vật chất, tiền bạc, mà còn có thể ngầm hiểu là sự sung mãn, đầy đủ về tiếng tăm, chức vị, quyền bính, kiến thức, trình độ, nhân đức. Vì thế nếu không thực sự có một đời sống thiêng liêng gắn bó mật thiết với Đức Kitô Mục Tử khó nghèo, thiếu sự yêu mến, khiêm nhường, hy sinh, quảng đại để dấn thân phục vụ Chúa và tha nhân, thì các linh mục sẽ khó vượt qua được những cám dỗ trên, và dần các ngài dễ quên đi căn tính khó nghèo của mình. Hơn nữa “con người thời nay sẵn sàng lắng nghe những chứng nhân hơn là những thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe những thầy dạy, thì bởi vì chính thầy dạy cũng là những chứng nhân.”[16] Vì thế, người linh mục được mời gọi trở nên chứng tá sống động về một đời sống nghèo và cho người nghèo qua nếp sống giản dị, siêng năng làm việc, trung tín trong việc quản lý và sử dụng tài sản Giáo Hội, quan tâm lo lắng cho giáo dân không chỉ về đời sống tinh thần mà cả đời sống vật chất nữa. Đặc biệt, người linh mục được mời gọi gần gũi và ưu tiên phục vụ những người bị đẩy ra bên lề, những người cùng khổ, bệnh tật, đói nghèo theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu.

 Joseph P. Pham



[1] Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Story of a Soul: The Autobiography of St. Thérèse of Lisieux, Washington, D.C.: ICS Publications, 1996, 192-193.

[2] X. George Kaitholil, Đời Sống Thánh Hiến Những Cơ Hội Và Thách Đố, (Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR. dịch), Nxb. Tôn Giáo, 67.

[3] X. George Kaitholil, Đời Sống Thánh Hiến Những Cơ Hội Và Thách Đố, Lm. Đaminh Nguyễn Đức Thông, CSsR dịch, Nxb. Tôn Giáo, 69-70.

[4] X. Lm. Gioan Nguyễn Nam Phong, Đời Sống Thánh Hiến Một Đời Tri Ân, Nxb. Tôn Giáo, 142.

[5] X. GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp OP, Một Cái Nhìn Về Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, Nxb. Phương Đông, 2013, 44.

[6] Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis, 13.

[7] Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis , 17.

[8] X. TGM. Timothy M.Dolan, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, Lm. Trần Đình Quảng dịch, Nxb. Tôn Giáo, 246-249.

[9] X. Thánh Augustinô, Y Phục, trong Benoit Valuy. SJ, Đời Linh Mục, Lm. Nguyễn Văn Sơn dịch, 50.

[10] Benoit Valuy. SJ, Đời Linh Mục, Lm. Nguyễn Văn Sơn dịch, 52.

[11] ĐGH. Phaolô VI, Tông Huấn Evangelica Testificatio (Chứng Tá Phúc Âm), năm 1971, 20.

[12] X. Bộ Giáo Sĩ, Kim Chỉ Nam Về Tác Vụ Và Đời Sống Linh Mục (2013), Nxb. Tôn Giáo, 83.

[13] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Pastores Dabo Vobis, 34.

[14] X. Đức Phanxicô nhắc Nhở Các Linh Mục, trong Aug. Trần Cao Khải, “Linh Mục Chứng Nhân Đức Khó Nghèo Kitô Giáo”, http://conggiao.info. Truy cập ngày 09/5/2023.

[15] X. Công Đồng Vaticanô II, Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis, 17.

[16] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), năm 1975, 41.

 

Nguồn tin:
Tags :
Thống kê
Số người online: 120
Tổng số truy cập:15.682.323