Lược Sử Chú Giải Kinh Thánh: Kinh Thánh - "Lời Của Chúa" và "Lời Về Chúa"

Mon,11/03/2024
Lượt xem: 556

 

LƯỢC SỬ CHÚ GIẢI KINH THÁNH

KINH THÁNH: “LỜI CỦA CHÚA” “LỜI VỀ CHÚA”

Có một Rabbi kia tổ chức sinh nhật cho cậu quý tử mà ông mong sau này sẽ nối nghiệp mình. Các bô lão đề nghị khi em ngủ hãy đặt lên giường em một túi tiền, một cuốn Kinh Thánh và một chai rượu nhỏ. Lúc thức dậy, nếu em cầm cuốn Kinh Thánh thì sau này sẽ trở thành Rabbi; nếu em ôm túi tiền thì sẽ làm kinh doanh như đa số người Do Thái, và nếu em lấy chai rượu thì lớn lên sẽ đam mê ăn nhậu. Một lát sau, khi họ trở lại thì thấy em bé một tay cầm cuốn Kinh Thánh, tay kia ôm túi tiền, còn miệng thì đang ngậm chai rượu! Mọi người sững sờ, bối rối, gãi đầu, không biết phải giải thích như thế nào đây... Sau một hồi suy nghĩ, cuối cùng ông bố Rabbi thốt lên: “Thôi rồi! Con trai yêu của tôi sẽ trở thành Linh mục Công Giáo!!!”

Qua ví dụ trên, ta thấy có hai quan điểm khác biệt về mục vụ: một là chỉ lo chú tâm vào việc rao giảng Torah như các Rabbi đã làm, hai là làm hết mọi sự có liên quan đến mục tiêu mở mang nước Chúa như soạn bài giảng, kiếm tiền xây nhà thờ, tổ chức các lớp giáo lý, làm việc từ thiện và giao lưu với các quan chức sao cho tốt đời đẹp đạo, v.v.  Lịch sử chú giải Kinh Thánh cũng đã trải qua những thay đổi như thế. Khởi đầu, Kinh Thánh được hiểu đơn sơ là “Lời của Chúa”, ẩn dấu thực tại siêu việt mà Thiên Chúa đã mạc khải. Qua thời gian, người ta ý thức rằng tuy bản văn Kinh Thánh được mạc khải nhưng cũng do ai đó đã viết xuống cho một nhóm tín hữu thuộc bối cảnh nào đó, về Thiên Chúa. Vì thế, muốn chú giải Kinh Thánh, không chỉ cần có một tâm hồn khao khát sự thánh thiện và khả năng hiểu biết ngôn từ của bản văn mà còn cả về bối cảnh xuất xứ và ý định của tác giả (không gian phía sau bản văn) cùng với nhu cầu đức tin của cộng đoàn đón nhận bản văn hay các độc giả tương lai (không gian phía trước bản văn). Qua lịch sử, cả hai cách hiểu về Kinh Thánh như là “Lời của Chúa” và “Lời về Chúa” đã tồn tại song song với nhau. Phụng vụ thường nhấn mạnh về quan điểm thứ nhất, còn thần học thì được khai triển dựa trên quan điểm thứ hai.

Tự bản văn thì không có gì thay đổi, nhưng muốn hiểu Kinh Thánh như là“Lời về Chúa” thì sẽ cần nhiều kỷ năng chú giải chuyên biệt hơn. Suốt hơn mười hai thể kỷ đầu, việc diễn giải Sách Thánh (Sacra Pagina) được tiến hành song song với quá trình phát triển của Giáo Lý thánh (Sacra Doctrina). Đến thời Khai Sáng, việc chú giải được mở rộng bao gồm những tác phẩm cổ điển, các nền văn hóa xa lạ và luật pháp, từ đó, khoa giải thích học được thành hình, nghiên cứu điều kiện cho việc am hiểu mọi đối tượng mà ý nghĩa đã bị mơ hồ vì khoảng cách lịch sử hay phạm trù tri thức. Đến thể kỷ XX, giải thích học được kết nối với hiện tượng luận và triết hiện sinh và trở thành một loại triết học thông diễn về hiện tượng “hiểu” như là cách con người tồn tại. Sự kiện này đánh dấu “khúc quanh ngôn ngữ” trong triết học hiện đại,

Bài này sẽ được giới hạn trong phạm vi chú giải Kinh Thánh. Trước tiên, Đức Giêsu và các Tông Đồ đã dùng dụ ngôn và phương pháp ứng nghiệm để giải thích Torah trong bối cảnh mục vụ của mình. Kế tiếp, các Tông phụ khi phản biện lại cách tách biệt quá khích của phái Ngộ giáo giữa “bầu cũ” với “rượu mới” đã giới thiệu một số nền tảng cho tính “linh ứng” của Kinh Thánh. Các Giáo phụ sau thế kỷ III đã thêm vào yếu tố “thánh truyền” để bảo vệ tính vẹn toàn của mặc khải giữa sự đa dạng của các trường phái chú giải Kinh Thánh. Thời Trung Cổ, với học thuyết “bốn ý nghĩa” của bản văn thì việc chú giải Kinh Thánh đã trở nên tinh vi hơn, và cuối cùng ngành nghiên cứu về các tín khoản (sacra doctrina) được tách biệt ra thành nền tảng cho thần học tín lý tương lai. Thời Cận Đại với khát vọng muốn phục hồi ý nghĩa chính xác của bản văn, phong trào Cải Cách và Phục Hưng đã khai triển sâu sắc hơn về không gian “phía sau” bản văn (ý định và cá tính của tác giả, bối cảnh văn hóa, hình thức ngôn ngữ). Từ đó, “giải thích học” đương nhiên trở thành phương pháp nghiên cứu chung cho ngành nhân văn học chứ không riêng gì về Kinh Thánh nữa.

ĐỨC GIÊSU VÀ CÁC TÔNG ĐỒ CHÚ GIẢI CỰU ƯỚC

Mục tiêu của việc chú giải Torah (lề luật) trong Do Thái giáo là giúp các tín đồ nắm bắt được bản chất thiêng liêng của nó, tức là sự hiện diện của Yaweh. Các Kinh sư dùng phương pháp Aggadah để khai triển khía cạnh luân lý để giúp tín đồ vươn lên đến Torah, và phương pháp Kabbalah để suy diễn trật tự thánh thiêng của vũ trụ và ý nghĩa thần bí của Torah. Được sinh ra và trưởng thành trong Do Thái giáo, Đức Giêsu, thánh Phaolô và các tông đồ rất quen thuộc với các lối chú giải này. Họ đã thêm vào những nguyên tắc chú giải mới cho phù hợp với nhu cầu sứ vụ của mình, và đã dùng Cựu Ước để chứng tỏ rằng biến cố Kitô chính là thực tại của những hình bóng mà Cựu Ước đã nói đến.

Đức Giêsu chú giải Cựu Ước

Các Kinh Sư Do Thái giáo cho rằng toàn thể Torah xuất phát từ thẩm quyền của Thiên Chúa và được mặc khải qua lời của Môisen, nhưng Đức Giêsu phân biệt giữa luật Thiên Chúa và luật của Môisen đặt ra cho đám dân cứng lòng trong sa mạc (Mc 10:2). Đôi khi Thần Khí Thiên Chúa nói qua con người, như trong trường hợp Môisen cho phép dân ly dị hoặc Vua David ăn bánh thánh dâng trong đền thờ. Đức Giêsu tố cáo các Kinh sư đã lạm dụng và coi thường luật Thiên Chúa. Họ chỉ lo giữ truyền thống (Mc 7:9), qui luật phụng vụ (Mc 2:25), và nghi thức thanh tẩy (Mc 7) của họ.

Nhưng làm sao phân biệt được khi nào thì chú giải Kinh Thánh được soi sáng bởi Thần Khí Thiên Chúa và khi nào thì bị lạm dụng bởi lề luật? Cách trả lời của Đức Giêsu thường nhắm vào lòng thương xót của Thiên Chúa (Mt 9:13), nhu cầu hoán cải tâm hồn của tội nhân (Isa 29:13), và phục hồi nền tảng luân lý của lề luật. Đức Giêsu phản đối việc dùng nơi thờ phượng để kinh doanh (Mc 11:17). Người đặt lòng nhân từ của Thiên Chúa trên lề luật, nhu cầu chữa lành trên ngày Sabbath (Jn 7:22), và truyền thống ngôn sứ trên truyền thống tư tế. Người tóm tắc sách Đệ Nhị Luật vào điều răn “Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự” (Mc 9:29) và thêm vào đó đòi hỏi của Liviticus “yêu tha nhân như chính mình” (Mc 12:31). Người dùng thẩm quyền của chính mình khi tuyên bố, “Không có quy luật nào cao cả hơn các quy luật này”, và tất cả luật lệ và ngôn sứ đều bao gồm trong hai qui luật này (Mt 22:40).

Một nguyên tắc khác nữa là tính độc lập trong cách Đức Giêsu chú giải Kinh Thánh. Người thường nói. “Anh em đã nghe… nhưng tôi nói.” Cho dù Đức Giêsu phê bình thái độ khắc khe về lề luật của nhóm Pharisêu nhưng Người không coi thường luật lệ, trái lại đã củng cố và phục hồi ý nghĩa chân chính của lề luật và lời ngôn sứ, vì các lời đó đang nói về Người. Chính Người là sự ứng nghiệm của các ngôn sứ, “Thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa đã gần kề” (Mc 1:15). Đây không phải là điều gì bí ẩn vì ai cũng biết Kinh Thánh nói Elijah phải đến trước, và Đấng Messiah phải chịu đau khổ và bị loại trừ. Người giải thích các phép lạ làm cho người mù được thấy, người què được đi như là sự ứng nghiệm lời của các Tiên tri trong Cựu Ước (Mt 11:5, Lc 7:22). Lúc biết mình sắp ra đi, Đức Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể như lời giao ước mới mà ngôn sứ Jeremiah đã báo trước. Người cẩn thận nhắc nhở kẻ phong hủi mới được chửa lành phải đi báo cho các kỳ mục biết như luật Môisen buộc phải làm (Mc 1:44).

Cuối cùng, Đức Giêsu diễn giải Cựu Ước từ kinh nghiệm của Người về “Abba” và “Nước Trời”. Ngài khẳng định rằng, với sự hiện diện của Người thì lề luật được thay thế bằng tình yêu của Thiên Chúa. Ai tin vào luật Môisen mà không tin vào Đức Giêsu là đã sai lầm rồi vì Môisen nói về Người Ga 5:46). Chúng ta hiểu sai lề luật nếu không tuân theo thần khí ngôn sứ đã đến để dạy cho chúng ta (Ga 8:17). Người dùng cả những sự kiện tích cực lẫn tiêu cực khi nói về vai trò “ứng nghiệm” của mình. Lối diễn giải dựa trên lòng nhân từ và tha thứ của Chúa Cha hay bị các Kinh Sư chống đối. Nguyên tắc chú giải Kinh Thánh của Đức Giêsu có thể được tóm tắc trong câu: “Bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi từ Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52).

Thánh Phaolô chú giải Cựu Ước

Thánh Phaolô rất quen thuộc với cả truyền thống Torah cùng với các bản văn ghi lại lời giảng của Đức Giêsu. Cả Phaolô và Đức Giêsu đều chống lại não trạng duy lề luật của nhóm Pharisêu. Phaolô quy tinh thần của lề luật vào một nguyên tắc chung: “Ngươi hãy yêu thương tha nhân như chính mình.” (Gal 5:14, Rom 13:9). Nhưng vì sống sau Đức Kitô gần 20 năm, những kinh nghiệm của Phaolô về Giáo Hội, ơn cứu độ, bí tich và đời sống đức tin của cá Kitô hữu đã để lại dấu ấn trên cách ngài giải thích Cựu Ước. Phaolô dùng phương pháp ẩn dụ để nhân cách hóa và luân lý hóa Cựu Ước, và dùng Cựu Ước để làm sáng tỏ ý nghĩa sứ mệnh của Đức Kitô và giáo hội. Các trình thuật về sự sa ngã của Adam, cuộc lưu đày ở Ai-cập, biến cố xuất hành, thanh tẩy ở sa mạc, vào đất hứa, v.v., đều là hình ảnh về những gì đã thực sự xảy ra trong cuộc đời của Đức Kitô và Giáo Hội. Đức Giêsu được xem như là “Adam thứ hai”, các tổ phụ chịu “phép rửa” bằng đám mây và biển đỏ qua biến cố Xuất Hành, và được “nuôi dưỡng” bằng thức ăn và uống thiêng liêng trong sa mạc (1 Cor 10:2).

Trong khi Đức Giêsu chấp nhận thập giá như là con đường đưa đến ơn cứu rỗi cho con người thì Phaolô nhấn mạnh vào sự ô nhục của Thập giá để vạch trần sự khao khát vô vọng của sự tìm kiếm sự khôn ngoan trong triết lý Hy-La. Cách Phaolô giải thích tình trạng nước đôi của lề luật cho thấy tài hùng biện và khả năng trực giác của ngài. Một mặt, vì lề luật đến từ Thiên Chúa nên là công chính và thiện hảo (Rm 7:12). Nhưng mặt khác, “tình yêu là sự ứng nghiệm của lề luật” (Rm 13:10), do đó ý nghĩa của Cựu Ước là không phải trong chính nó mà trong tương quan với Đấng sẽ đến (Mt 12:38, Lc 11:29). Phaolô đã kết nối chú giải “ứng nghiệm” với biện chứng “tiên trưng” khi cho rằng những phúng dụ và lời nói bóng trong Cựu Ước là hình ảnh cho thực tại thiêng liêng hay tội lỗi trong Giáo Hội. Ví dụ, Đức Giêsu phục hồi những gì Adam đã đánh mất (1 Cor 15), hai đứa con trai của Abraham, một sinh ra bởi thân xác tội lỗi và một sinh ra bởi lời hứa của Thiên Chúa, là hình bóng của hai lời giao ước ở Sinai và ở Jerusalem (Gal 4:22-26). Trong các thư mục vụ, ngài thường dùng kinh nghiệm cá nhân như mô phạm để khuyên bảo anh em sống và hiểu Lời Chúa (2 Thess 1:7, 1 Cor 10:6).

Phaolô có khuynh hướng dùng các trình thuật lịch sử của Cựu Ước như là phúng dụ (allegory), chứa đựng các mức độ ý nghĩa tiềm ẩn khác nhau về biến cố Kitô. Từ ngữ thì không quan trọng cho bằng ý nghĩa trung tâm: cả Kinh Thánh phải được hiểu qua nhãn quan của sự chết, sống lại và sứ mệnh của Đức Kitô. Người là trung tâm chú giải mới về lịch sử cứu độ: từ Israel cũ đến Israel mới là Giáo Hội, từ Adam thứ nhất đến Adam thứ hai là Đức Kitô. Khi xem sự kiện lịch sử như là phúng dụ, Kitô hữu có thể hiểu rõ hơn về hành trình đức tin và tội lỗi của mình. Sự bất tuân của Adam mang tội lỗi và sự chết vào thế gian (Rom 5:12), đức tin của Abraham công chính hóa ông trước mặt Thiên Chúa (Gal 3:6), nhưng “biến cố Kitô” mặc khải cho chúng ta sợi dây liên kết phổ quát của toàn thể nhân loại: “Như trong Adam tất cả phải chết, thì trong Đức Kitô tất cả sẽ được cho sống lại” (1 Cor 15:22).

Ngoài phúng dụ, Phaolô còn dùng biểu tượng (symbol) để khai thác trí tưởng tượng khi cần kết nối niềm tin Kitô giáo với các biến cố Cựu Ước. Ví dụ, Đức Kitô chính là hiện thân của Đức Khôn Ngoan và là đầu của Giáo Hội (1Cor 10). Thức ăn và nước uống thiêng liêng, tảng đá gốc thiêng liêng của các Tổ Phụ Do thái là biểu tượng cho bánh từ trời, nước hằng sống, và đá tảng thật vốn là Đức Kitô. Khăn che mặt của Môisen khi tiếp cận với Đức Chúa là hình ảnh của cách người Do Thái hiểu Cựu Ước. Nhưng màn che đó đã được tháo bỏ qua biến cố Kitô khi Thần Khí Thiên Chúa giải thích Kinh Thánh trực tiếp nơi con tim của các Kitô hữu. Đó là ý nghĩa của sự tự do khi lề luật được công chính hóa bằng đức tin và ân sủng (2 Cor 3:14). Não trạng duy lề luật làm cho ta bị mù và không nhận ra những mầu nhiệm bí ẩn hay hình ảnh Thiên Chúa ẩn dấu trong Cựu Ước. Bối cảnh gốc của Cựu Ước thì không quan trọng cho bằng ý nghĩa nó mang lại cho chủ đề Kitô học. Vì lẽ, theo Plaolô, “bất cứ điều gì đã được viết xuống trước đây thì được viết để dạy dổ chúng ta… Niềm hy vọng đây chính là Đức Kitô phục sinh và quang lâm” (Col 1:15). Sau khi trở lại, động lực bền vững trong cách Phaolô chú giải Kinh Thánh chính là kinh nghiệm cá nhân: “không phải tôi sống mà Đức Kitô sống trong tôi” (Gal 2:20).

Tân Ước chú giải Cựu Ước

Các tác giả của Tin Mừng dùng cả ẩn dụ và biểu tượng, nhưng nhấn mạnh hơn về tính tiên trưng (typology) của Cựu Ước. Phương pháp tiên trưng đi xa hơn “ứng nghiệm” khi nó giải thích rằng Cựu Ước chứa đựng những lời tiên tri, cho thấy trước những gì sẽ xảy ra nơi Đức Kitô. Các biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu đã được Cựu Ước biết trước, nhưng chỉ được tiên báo bằng ngôn ngữ hình tượng và ngôn sứ. Chân lý chứa đựng trong Cựu Ước đã được Chúa Giêsu hoàn thực. Thánh Linh sẽ chọn thời gian và không gian để tác động lên sự hiểu biết của người nghe, giúp họ nhận thức các chân lý này. Phương pháp tiên trưng giả định một sự hài hòa giữa biến cố Cựu Ước trong quá khứ và thực tại đang được trình thuật lại trong Tân Ước. Chỉ qua phương pháp này thì các sách Ngôn Sứ mới được hiểu đúng.

Tuy nhiên, sự hài hòa này nhiều khi được tạo nên cách tùy tiện với mục tiêu minh chứng rằng Cựu Ước đã biết trước về sứ mệnh và vai trò của Đức Kitô. Phương pháp tiên trưng dựa trên kỷ năng tưởng tượng và đồng cảm hơn là lôgic. Sự tương đồng giữa các biến cố này tùy thuộc vào khả năng người chú giải nhận ra ý nghĩa thiêng liêng và luân lý của bản văn, nhưng bối cảnh lịch sử gốc của nó thì thường bị lướt qua. Một ví dụ cụ thể là “Thư Do Thái” vốn được viết để an ủi và củng cố đức tin của những người bị tổn hại sau khi trở thành Kitô hữu và tự phân vân có phải tại vì Đức Kitô mà cuộc sống của họ đã trở nên chao đảo. Bức thư Do Thái giải thích rằng tất cả lễ nghi linh đình tại đền thờ Giêrusalem chỉ là “hình bóng” của một sự kiện khác vĩ đại hơn nhiều. Ơn thứ tha tội lỗi, lòng tôn thờ Thiên Chúa trong thần khí, niềm khác vọng của toàn bộ Cựu Ước, phải do vị tư tế chân chính của toàn thể nhân loại là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, thực hiện thì mới được hoàn tất. Hình ảnh tư tế “Melkizedek”, vốn cao trọng hơn hàng tư tế của phái Levi, được dùng để minh họa cho vai trò tư tế vĩnh cửu của Đức Kitô. Đây là cách lý luận từ hình bóng đến thực tại, từ sự kiện tạm bợ đến vĩnh cửu, và từ tính mỏng giòn yếu đuối của con người đến tính siêu việt và hoàn hảo của Thiên Chúa, vốn phản ảnh tri thức luận nhị nguyên “thực tại/ảo ảnh” của Platô.

Các Tin Mừng nhất lãm dùng cả hai phương pháp tiên trưng và ứng nghiệm. Tin Mừng Matthew xem Đức Giêsu như là ứng nghiệm của lề luật trong sự hoàn tất của giáo huấn luân lý: “một chấm một phết trong Lề luật cũng sẽ không qua đi cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5:18). Mọi biến cố trong cuộc đời Đức Giêsu: ra đời tại Bethlehem, được các đạo sĩ ngoại giáo biết là Vua dân Do Thái, chạy trốn sự bách hại của Hêrôđê, trở về từ Ai-cập, bài giảng trên núi, biến hình, v.v., tất cả đều được hổ trợ với bằng chứng trích dẫn từ các sách Xuất hành, Samuel, Hosea, Jeremiah. Việc trích dẫn chứng cớ lịch sử thì không hoàn toàn chính xác, nhưng có quá nhiều sự trùng hợp giữa Cựu Ước và cuộc đời của Đức Kitô làm cho chúng ta thấy rõ mục đích của tác giả là minh chứng Đức Kitô như Môisen mới, mang đến lề luật mới, và cho thấy lời tiên tri đã được ứng nghiệm.

Trong khi Tin Mừng Matthew giải thích lời tiên tri được ứng nghiệm nơi Đức Kitô, thì Tin Mừng Luca cho thấy sự ứng nghiệm đó xảy ra cho dân ngoại. Luca nhắm vào sứ mệnh và ơn gọi của dân Chúa được tuyển chọn. Ngay từ đầu, các Bài Ca “Magnificat” và “Benedictus” cho chúng ta một cái nhìn về lịch sử ân sủng Thiên Chúa đã ban tặng cho dân Israel. Cuối bản Tin Mừng, Đức Kitô phục sinh cũng đã hai lần trách móc các môn đệ về sự chậm hiểu của họ về Kinh Thánh. Người mở lòng trí và giải thích cho họ biết những gì sách Ngũ Kinh, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh nói về Người (Lc24,13-35). Lưu tâm của Luca là sự đóng lại màn lịch sử cũ và mở ra một sân khấu mới với sứ mệnh mới cho dân Israel mới, đó chính là cộng đồng các Kitô hữu, hay giáo hội. Nói chung, cả hai Tin Mừng Matthew và Luca đều phải tìm cách giải quyết mối tương quan giữa “Bình cũ/Rượu Mới”, tiêu biểu cho mặc khải Cựu Ước và sứ vụ của Đức Kitô.

Tin Mừng Gioan tuy không trực tiếp trích dẫn Cựu Ước, nhưng vẫn dùng các chủ đề của Cựu Ước làm khung cho các bài giảng thuyết để nói lên Thần Khí Thiên Chúa đang đồng hành với Đức Kitô. Gioan dùng phạm trù “Logos” để tạo nhịp cầu giữa “biến cố Kitô” với nền văn hóa Hy-La và các Tông Phụ sau 100AD. Cựu Ước được dùng như là hậu cảnh “bóng tối” mà ánh sáng Logos đã chiếu soi vào, xuyên qua các ngôn sứ và những ai đã từ chối ánh sáng đó. Những ai đón nhận thì được ơn làm con Thiên Chúa và được hiệp thông trong mầu nhiệm của sự sống với Thiên Chúa. Tính siêu việt của Đức Kitô được tiền tri như là hình bóng của Thiên Chúa qua Cựu Ước (Isaia 6:5), vì không ai có thể thấy Thiên Chúa, trừ khi được con Thiên Chúa mặc khải cho. Ở đây có sự so sánh giữa mặc khải của Hòm Bia Thánh trong Cựu Ước với mặc khải siêu việt và hoàn hảo hơn, chính là thân thể của Đức Kitô. “Lề luật thì được ban cho Môisen, nhưng ân sủng và chân lý thì qua Đức Giêsu Kitô” (Ga 1:17).

Các Thư Mục Vụ của Timothy và Titus mang ảnh hưởng giáo hội học và Kitô học của Phaolô. Lề luật là tốt nhưng phải được chú giải theo Thần Khí Đức Kitô, vốn được ân ban để xây dựng cộng đồng dân Chúa. Phaolô dùng sự hiểu biết về Cựu Ước và kinh nghiệm đức tin trưởng thành giữa lòng cộng đoàn Kitô để khuyên bảo Timothy: “Tất cả sách thánh đều do Thiên Chúa linh ứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2 Tim 3:18). Sau hết, Tân Ước cho biết Đức Giêsu còn nhiều điều muốn nói về Kinh Thánh nhưng Thần Khí Thiên Chúa sẽ là người dạy và nhắc nhở các môn đệ về những gì Đức Giêsu đã nói và dẫn dưa họ đến chân lý. Ý nghĩa của Cựu Ước sẽ được mở rộng và thông diễn bằng chính đời sống và lời chứng tá của các Kitô hữu.

(Còn phần 2 tiếp theo ….)

Joseph Tân Nguyễn, ofm

 

 

 

Nguồn tin:
Tags :