Tha Thứ

Thu,13/10/2022
Lượt xem: 1410

“Lạy Chúa, Chúa là Đấng nhất thiết tỏ uy quyền trong sự tha thứ…”
(Lời nguyện Chúa nhật X sau Hiện xuống).


Người ta đã nhận ra Chúa qua sự kiện các tội lỗi được tha thứ. Đó là Tin Lành, là ý nghĩa của sứ mạng Người. “Hãy đi loan báo cho muôn dân biết… mọi tội lỗi đều được tha thứ”. Bản chất của Chúa Giê‑su là Cứu chuộc.


“Nơi nào đầy dẫy tội lỗi… nơi đó sẽ dư tràn đức khoan dung”. Người không đến để tiêu huỷ tội lỗi, Người đến để tha thứ.


Người nói: Ta không đến tìm những người “công chính”, nhưng để cứu những kẻ tội lỗi.


Những ai không thể chịu được lòng khoan dung đó đã tẩy chay Người. Những người Hồi giáo từ chối không tin Thiên tính của Chúa Ki‑tô, vì họ không thể chấp nhận một Thiên Chúa “bất công” đến thế – không báo thù, để cho kẻ thù tung hoành, để cho kẻ dữ quấy phá, và thay vì tiêu diệt chúng, âu lo trông chờ chúng tỏ dấu ăn năn!

“Thiên đàng sẽ vui mừng khi một người tội lỗi ăn năn trở lại hơn là…” Nếu ý tưởng đó làm chúng ta vui mừng ưa thích, đó là dấu chúng ta thuộc về Chúa. Nếu chúng ta chỉ cảm thấy bực dọc, phẫn uất, hoặc đành chịu cho qua, đó là dấu chúng ta chưa có lấy được một chút tinh thần của Người. Như thế có thể chúng ta là hữu thần đấy, nhưng chắc chắn chưa phải là Công giáo. (Trong chúng ta có bao nhiêu người theo Hồi giáo mà không hay biết?).


“Chỉ có Thiên Chúa mới có thể tha tội”, ngoài ý nghĩa pháp lý, chúng ta còn phải thấy ở câu trên đây một cách mô tả Thiên Chúa. Chỉ có Người mới “biết làm chuyện đó”.


Chúng ta không biết tha thứ. Cách tha thứ của nhân loại thật là khủng khiếp đối với người được tha. Người đời thường nói: các bà được tha, nhưng không quên. (Còn các ông, thì ích kỷ đến nỗi quên đi và ít khi nào có dịp để tha thứ hoặc chịu phiền để ý tha thứ người khác!) Thường thì tha thứ là một kỷ niệm rướm máu không bao giờ quên được.


Thái độ hách dịch của những người tha thứ đã đè bẹp những người được tha thứ. Họ tha, nhưng họ không biết vỗ về, ủi an, khuyến khích. Chỉ có Chúa mới có thể sử dụng được ngón “thần” đó thôi. Biết tha thứ, nghĩa là biết tự hạ, tự khiêm. Người cha của đứa con hoang đàng yêu cầu người ta đừng nhắc tới câu chuyện không hay của đứa con ông nữa. Ông sai dọc tiệc. Đó là cách cư xử của Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới biết làm cho người ta có một kỷ niệm huy hoàng về lần mình được tha thứ. Chúa lấy làm hạnh phúc khi tha thứ, đến nỗi những ai mang đến cho Người hạnh phúc đó, sẽ tự cảm thấy mình không phải là kẻ phá rối, mình không đáng trách, nhưng mình lại được trìu mến, mình là hữu ích, mình làm cho người khác được vui, cảm thấy đời mình tươi nở lên, cảm thấy mình tốt hơn mình tưởng vô cùng. Felix culpa!


Nếu chúng ta không phạm tội – nghĩa là không cần được tha thứ hơn cần cơm gạo – thì chúng ta đã không có cơ hội để biết được sự sâu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa.


“Khi ấy, Chúa Giê‑su nhìn một người thâu thuế tên là Lêvi đang ngồi tại bàn làm việc”. Matthêu ngồi đó, đang thi hành phận sự, phận sự bất lương của một kẻ hút máu dân lành, sẵn sàng để vắt ra nước những nạn nhân của cái nghề “tàn nhẫn” ấy. “Đang ngồi ở bàn giấy” đó là một lời thú tội! Còn hơn thế nữa: bị bắt quả tang!

“Và Chúa Giê‑su nói với ông: hãy theo Ta”. Và Phúc âm theo thánh Luca tiếp: “bỏ tất cả ông đi theo Người”. Lần xưng tội đó, không phải mất thì giờ lắm. Ông đã ăn năn thống hối tức khắc (“thống hối” có nghĩa là “đổi ý”, là “trở lại”. Cũng như người ta thường nói, cốt yếu của Bí tích Giải tội không phải là việc xưng tội, nhưng là việc hối lỗi, ăn năn).


Việc cáo mình ư? Ồ, một cái nhìn cũng đủ: Bàn thâu thuế kia. Đống bạc bất chính, bóc lột kia, cái cảnh các người lương thiện đứng tránh xa ra kia. Khoảng trống lạnh lùng bao quanh sạp thâu thuế quen thuộc kia. Cái nhìn khinh miệt của những kẻ qua lại. Liếc qua một cái cũng có thể nhận ra ngay được tình cảnh như thế nào rồi.

“Hãy theo Ta”, Matthêu ngẩn cả người. Lời giải tội bất ngờ kia, chính lúc ông đang làm một việc nhục nhã, ông ta – một con người bị điếm nhục, bị tẩy chay, bị hất ra khỏi thế giới lương thiện và công bình. Lời kêu gọi kia: Chúa Giê‑su để ý tới ông, Chúa ngỏ lời kêu gọi ông, Chúa muốn ông đến với Người. Matthêu điếng người đi vì kinh ngạc, vì vui mừng.


Ông đã bỏ tất cả lại đó. Lần đầu tiên trong đời, ông quên cân nhắc, quên so đo tính toán. Ông ngả mình vào cánh tay – đầu tiên – đang mở rộng đón chờ ông. Ông vội vã đáp lại lời mời gọi thân mật đó. Tức khắc. Trước mắt mọi người. (Chúng ta nghĩ đến những lần xưng tội nhút nhát của chúng ta, những lần xưng tội càng bí mật, càng kín đáo càng hay, những lời “lựa chọn, dè dặt”, “được sắp đặt một cách khôn ngoan”).


“Và Lêvi về nhà dọc tiệc lớn” (Nhà ông X hôm nay có gì mà ăn mừng to thế? – Ông ta vừa xưng tội về đấy!) Bao giờ chúng ta sẽ ăn mừng mỗi khi đi xưng tội về?


Và, nhiều người thâu thuế cùng những kẻ tội lỗi đã đến ngồi cùng bàn với Chúa Giê‑su và môn đệ Người… Thánh Marcô, người không bao giờ bỏ sót chi tiết nào, ghi thêm: “Họ đông lắm, và họ đi theo Người”. Như vậy, chúng ta đã biết bữa tiệc hôm đó như thế nào. Tất cả đều là những người tội lỗi (“khi người ta dám mời bọn ghẻ lở ấy…”). Và không phải ít hãnh diện đâu! Họ cười nói tự nhiên: đã là tội lỗi, thì nhà Lêvi là nhà của mình. Để cùng nhau cướp bóc. Cùng nhau làm giàu. Và cũng đã cùng bị những người tử tế khinh rẻ. Thế mà giờ đây… ơn cứu rỗi đã đến với họ. Thực ra, ban đầu, chỉ có mình Lêvi, lúc còn ở bàn thâu thuế kia. Nhưng rồi, sau đó, thì đến phiên cả bọn, tại sao không? Chúng mình cùng nhau đi xưng tội, cùng nhau trở lại. Và thế là người ta bày tiệc. Chúa Giê‑su tốt thật, còn tốt hơn cả số bạc mà mình nhất định không cướp bóc nữa kia. Họ không ước ao giờ hơn là được tha thứ, được mãi mãi ở chung với nhau như thế, với Người.


Nhưng, câu chuyện chưa hết đâu. Gương xấu kia đã được đồn đi nhanh chóng trong giới tín hữu lương thiện. Và gặp những trường hợp như thế, họ không khoanh tay đứng nhìn đâu. “Liền sau đó, các biệt phái và văn nhân thấy Người ăn chung bàn với những người tội lỗi và thâu thuế, họ kêu các môn đệ hỏi rằng: “Tại sao Thầy các ông lại đi ăn với bọn thâu thuế và tội lỗi thế kia?” Độc ác chưa! Đi rêu rao để bêu xấu người ta cách công khai như thế, chính ngày người ta được ơn cứu rỗi. Đến để sỉ nhục người ta và để phá đám cuộc vui lành mạnh đầu tiên của họ. Nhưng, cũng như hôm Ma‑ri‑a Mađalêna, Chúa không làm ngơ được trước sự độc ác kia, trước nỗi khổ đau kia. Chính Người sẽ đứng ra để trả lời, bênh vực họ: “Không phải những người mạnh khoẻ cần thầy thuốc, mà là những người bệnh tật”. Và thánh Matthêu đã ghi thêm một câu không thấy trong các Phúc âm khác (và như vậy là hợp lý): “Hãy đi về học ý nghĩa câu nói: Ta chỉ muốn lòng thương xót chứ không cần của lễ”.


Chúng ta có thể dễ dàng tưởng tượng các người biệt phái căm giận đến độ nào: những nhà thông thái, những người luôn nuôi giữ các nhân đức và bảo vệ chính truyền, những người gánh vác trách nhiệm thiêng liêng cho dân chúng! Họ đến đây để giải đáp thắc mắc, để cho người tiên tri ngông ấy sai bảo sao? Từ lâu rồi, họ đã điều tra để biết rõ hoàn cảnh, và họ đã cảm thấy lương tâm bắt buộc họ phải bịt miệng tên tiên tri kia lại! Tại sao ông Giê‑su làm như không biết có những chỗ không nên liều mình bước vào, có những hạng người mà gần gũi sẽ mang tai hoạ. Ông ta gần như không hề biết rằng một chút khôn ngoan sơ đẳng, một ý thức lịch sự tối thiểu sẽ… “Hãy đi về học lại…”. Đó, người ta dám đối xử với họ như thế đó. Dưới mắt bọn vô nhân kia!


Còn bọn người này? Muốn hình dung thái độ của họ nào có khó gì: họ phải múa máy, mừng rơ một cách hỗn xược, ầm ỹ, đắc thắng, la lối, trêu chọc, nói cười, và tự tín ra mặt. Có thể nói họ đã thành công đấy!


Người đã giải thoát họ. Người đã tháo gỡ xiềng xích cho họ! Người đã tháo gỡ cho họ vừa khỏi xiềng xích tội lỗi, vừa khỏi xiềng xích mà những người “công chính” đã trói buộc họ! Tất cả những người khác đã còng kẹp, kìm hãm họ trong tội lỗi của họ. Chúa Giê‑su… đã mở cửa nhà giam cho họ. Chúa đã đến tận ngục thất để tìm họ. “Hãy đi theo ta!” Đời đời Matthêu sẽ không bao giờ quên được giây phút đó, giây phút mình đứng dậy, loạng choạng vì mừng vui.

Khi kể tên các Tông đồ, thánh Luca, Marcô hoặc Gioan đều ghi “Lêvi hay Matthêu”. Nhưng trong Phúc âm theo thánh Matthêu thì lại luôn luôn ghi: “Matthêu, tên thâu thuế”. Ngài muốn nhắc cho mình luôn nhớ cái bước đầu tiên, nơi Chúa đã đến với mình. Còn gì vui sướng hơn nhớ được Chúa yêu mình đến mức độ nào. Thật tội của ngài đã trở thành một tội có phúc – Felix culpa.

Các bạn trẻ cũng hay hành động như thế! Các bạn ấy còn đủ cao thượng, còn đủ dũng cảm để hành động như thế: khi một số học sinh hợp nhau ca ngợi một giáo sư nào, người ta sẽ nghe họ thêm vào: “A! thầy ấy thì khỏi phải nói! Tuyệt! Bạn nghĩ coi! Tôi đã đối xử với thầy ấy như thế… như thế…, thế mà thầy lại kêu tôi đến. Thầy bảo thầy tin tưởng nơi tôi. Bạn thấy không? Mặc dầu thầy ấy biết tất cả những điều tôi đối với thầy”… “Tôi, còn tệ hơn thế nhiều”. Và thế là tất cả sự xấu hổ của họ trở nên niềm vui, vì họ nghĩ đến một người khác trước, đến một tấm lòng tốt mà nhờ lỗi lầm, họ mới khám phá ra được. Và họ quá vui đến nỗi họ muốn chia sẻ công lao khám phá của họ cho mọi người.

Trên thiên đàng chúng ta cũng sẽ nhắc lại với nhau, thuật lại cho nhau biết lòng nhân từ, tha thứ của Chúa đối với chúng ta lạ lùng dường nào!


Hạnh phúc của chúng ta trên trời sẽ là việc bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải bản ghi các nhân đức quèn của chúng ta đâu. Chuyện đó sẽ không ai nhắc đến làm gì nữa.


Lewis, trong quyển Problème de la souffrance, trang 89, đã viết: “Rất có thể việc cốt yếu của phần rỗi chúng ta không phải là việc xoá bỏ những phút giây bất hủ (lỗi lầm) kia, mà là: khiêm nhượng vĩnh viễn chấp nhận sự xấu hổ, và vui mừng vì nhờ đó Chúa có dịp để tỏ lòng thương xót khoan hồng đối với chúng ta, và sung sướng vì nhờ đó cả vũ trụ biết được lòng nhân hậu của Chúa. Có lẽ giờ đây trên thế giới vô tận – trên Thiên đàng – thánh Phêrô (ngài sẽ tha lỗi cho tôi, nếu tôi lầm) vẫn mãi mãi chối Thầy. Và, nếu như thế, chúng ta có thể nói được rằng: những hạnh phúc trên Thiên đàng, đối với phần đông chúng ta, là một cái gì mà chúng ta đã có “dịp được nếm, được hưởng trong cuộc sống hiện rồi; và một số tập quán có thể sẽ làm cho chúng ta không thể hưởng được. Có lẽ chỉ những kẻ không dám phơi mặt giữa nơi công cộng như vậy mới là những kẻ mất linh hồn.


Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta không nhắm tiến đến mức độ không thấy mình tội lỗi nữa, nhưng, trái lại, chúng ta càng ngày càng phải thấy rõ hơn. Và chấp nhận như thế. Và vui mừng vì đã được quyền lực và ý muốn lạ lùng của Thiên Chúa cứu chúng ta thắng vượt tất cả.


Chúng ta phải tập tin tưởng và mầu nhiệm Cứu chuộc. Và tin vào sự quan trọng của nó. Đối với phần lớn chúng ta, giữ đạo nghĩa là tin rằng mình bị kết án vì tội lỗi của một người khác – A‑đam hoặc E‑và; rồi được hưởng ơn Cứu chuộc nhờ lễ vật hiến tế – hơi quá đáng – của một người khác. Vì thế, họ giả bộ hết sức buồn vì lỗi lầm nọ và hết sức vui vì lễ hy sinh kia. Họ giả bộ bị án phạt – rồi lại giả bộ được cứu rỗi. Nhưng thực sự chúng ta tin tưởng những gì? Ở nhà Lêvi, chúng ta cảm thấy chúng ta phải đứng chỗ nào? Ngồi bàn cùng mấy người thâu thuế và bọn tội lỗi? hay đứng ngoài với đoàn người “liêm chính” với vẻ mặt điềm tĩnh, đứng đắn, của những người hẳn hoi?


Như thế là chúng ta chẳng biết tí gì về việc Chúa đã làm và cũng không biết tí gì về việc chúng ta đã làm. Không phải vì tội của một người khác mà chúng ta phải đau buồn. Nhưng, phải đau buồn vì chính chúng ta tiếp tục phạm lỗi không ngừng. Việc đầu tiên Chúa Thánh Thần sẽ làm khi Người đến trong chúng ta là cho chúng ta thấy, nhận biết lỗi lầm mình (Ga 16‑8).


Thế mà, nếu có ai hỏi chúng ta: bạn có tự cho mình là tội lỗi hạng nặng? Rất có thể chúng ta sẽ trả lời mình thuộc cỡ “trung bình”. Và “trung bình hạng khá” nữa!


Nếu chúng ta tự cho mình thuộc hạng trung bình – không thánh lắm, cũng không bê bối lắm – thì Chúa không đến để cứu chúng ta. “Ta không đến để tìm những người công chính, nhưng để cứu những kẻ tội lỗi”. “Ta đến để cứu cái đã hư mất…” Thật ra, chúng ta chính là những kẻ khi đứng trước núi Sọ, trước Thánh giá, trước những cây đinh, những giọt máu kia, đã muốn chắc lưỡi kêu lên: Lạy Chúa, Chúa làm thế khó coi quá; Chúa cần gì phải làm đến cả những chuyện như thế!

Nếu chúng ta biết được sự thật, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả chúng ta đều tìm cách chống lại Người. Từng giây, từng phút. Chính chúng ta luôn luôn đã xúi giục và đòi buộc cuộc tử nạn, sự giày xéo kia. Kể cả – và nhất là – những khi chúng ta thấy lương tâm không áy náy. Thánh Phaolô cũng an tâm khi ngài “chống cưỡng lại mũi dùi”. (Cv 26,14).



Tất cả những người chống lại Chúa mà Phúc âm kể lại – và sau cùng cũng có thể nói là tất cả mọi người Do thái, La mã, những người giàu, kẻ nghèo, các thầy cả, người giáo dân, các thầy thượng phẩm và người trộm dữ – thử hỏi họ có ký kết với ma quỷ không? Không. Họ phục vụ cho ma quỷ mà không biết. Như chúng ta. Vì, than ôi, như lời Chúa đã nói, ma quỷ là chúa của thế gian.

Không ơn Cứu chuộc chúng ta sẽ mãi như con sùng, ở trong tình trạng ấu trĩ. Chúng ta phải làm điều dữ mà vẫn tưởng làm điều lành – hay đúng hơn: tự nhủ rằng mình làm điều lành. Chúng ta không thể tự cất cánh vượt lên khỏi con người chúng ta được. Đức mến, đức tin, đức cậy của chúng ta cằn cỗi kinh khủng. Chúng ta đả phá tất cả những gì Chúa gửi đến. Chúng ta chán ngấy tất cả những gì Chúa dành để cho chúng ta. “Chuyện ấy tất phải đến!”: khi nào chúng ta mở miệng nói như thế? Lúc thành công, xuôi chảy? Hay khi thất bại, khó khăn?


Nếu chúng ta có thể thấy được thực chất của chúng ta trong chốc lát, chúng ta sẽ thấy chúng ta luôn đứng thế chống đối lại Chúa. Nhưng, những ánh sáng thiêng liêng như thế hiếm lắm. Và cũng ngắn ngủi lắm!


Do đó, những lần xưng tội của chúng ta buồn tẻ, ảm đạm. “Thưa cha, con là kẻ có tội, xin cha làm phép lành cho con!” Có bao giờ chúng ta cho đó là một tiếng reo mừng, một tiếng thở ra khoan khoái không? Bạn không nói: thưa cha, xin cha hãy phạt con, hãy nhiếc mắng con. Bạn nói: “Cha, xin cha hãy chúc lành cho con, vui mừng với con, vì nay con đã thấy con có tội, con thấy con lỗi lầm, con sai lạc, và chính Chúa phải, chính Chúa có lý. Con đã hiểu rằng sở dĩ đời con có buồn tẻ, có khó chịu đến thế, thì đó không phải là lỗi của Người, nhưng lỗi của con. Như thế, mọi việc đều xuôi. Con sẽ có thể đổi mới. Con sẽ có thể để cho người khác biến cải… Xin cha hãy nghe những gì con định sửa đổi đây…”


Việc kê khai những tội lỗi của chúng ta với cha giải tội chỉ có nghĩa khi nào chúng ta dùng nó để gợi lại, với tất cả lòng biết ơn, một loạt những gì Chúa đã gỡ khỏi chúng ta, và bây giờ chúng ta đến đây để xác nhận khởi điểm những giải thoát đó.


Trong phép Giải tội, Chúa chỉ nói với chúng ta một điều: Người yêu thương chúng ta, Người muốn tha thứ chúng ta, và trong việc tha thứ đó, Người vui mừng hơn cả chúng ta nữa. “Con ta đã chết và nay sống lại: hãy dọn tiệc ăn mừng”.


Mỗi lần xưng tội là mỗi lần áp dụng trực tiếp mầu nhiệm cứu chuộc cho mỗi cá nhân. Mỗi lần chúng ta trở lại là hình bóng báo trước ngày trở về cuối cùng của đời người. Mỗi lần cha tha tội là hình bóng, là chuẩn bị cho cuộc tiếp rước Cha chúng ta dành để cho chúng ta trên trời: hai cánh tay mở rộng, Người cha của đứa con hoang đàng đứng trông ngóng ở đầu ngõ, chờ đợi ngày về của đứa con lạc lõng.


Nếu thấy mình tội lỗi các rõ ràng hơn, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy mình đang được chờ đón, chúng ta sẽ biết chúng ta đi đâu, chúng ta sẽ vui mừng trong những lần xưng tội, chúng ta sẽ nếm trước hương vị của buổi tiệc mừng, và thánh lễ sẽ là buổi tiệc đó được tái diễn hàng ngày.


Vì thánh lễ cũng là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và các tội nhân. Chúng ta có cảm thấy được mời tới dự thánh lễ với danh hiệu đó không? Chỉ những người tội lỗi mới cảm thấy bầu khí của thánh lễ là bầu khí của mình. Chúng ta chỉ cần lật qua sách lễ sẽ thấy ngay điều đó.


Nếu chúng ta không tự cho mình là tội lỗi, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu với phần lớn những lời kinh trong thánh lễ. (Trừ khi chúng ta đến nhà thờ, miệng đọc như cái máy quay mà lòng chẳng để ý, chẳng có chút tâm tình nào). Đọc kinh cáo mình là xưng tội. Xưng tội công khai. Và ít nữa trong lần xưng tội đó, chúng ta không tìm cách đổ lỗi: tại người nọ, tại người kia, tại hoàn cảnh bắt buộc, tại tính tự nhiên… Mea culpa, mea culpa. Lỗi tại tôi. Ít ra là một lần này, chúng ta không tìm cách bào chữa mình.


Sau đó vị chủ tế bước lên bàn thờ: “Lạy Chúa, xin Chúa tha tội chúng con… “Và xin các thánh tử đạo cầu bầu để Chúa tha tội: “Lạy Chúa, xin vì lời cầu của các thánh có di hài tại đây và tất cả các thánh, xin Chúa tha thứ tất cả tội lỗi chúng ta. Amen”.


Kinh Thương xót – Kyrie – cũng là một lời van nài như thế: “Xin Chúa thương xót chúng con”.


Trước khi đọc Phúc âm, chúng ta xin Chúa “tẩy rửa” chúng ta – vào sau Phúc âm, lúc hôn sách, vị chủ tế còn đầu: “Ước gì những lời Phúc âm tẩy sạch tội lỗi chúng con”.


Kinh “Dâng bánh”: “Lạy Cha thánh, Thiên Chúa toàn năng và vĩnh cửu, xin nhận của lễ của lễ tinh sạch này, con đây, tôi tớ bất xứng dâng lên Chúa hằng sống và chân thật để đền bù những tội lỗi, xúc phạm và biếng trễ vô độ của con, con dâng thay cho những người có mặt đây và tất cả các giáo hữu còn sống hay đã qua đời…”

Trước khi kết Lễ quy, sau đủ các thứ kinh “Xin hãy nhớ” (Memeto), chúng ta xin Chúa nhìn đến chúng ta: Nobis quoque peccatoribus… Và còn chúng con nữa, những kẻ tội lỗi…


Đã đến lúc sắp hiệp lễ, sắp nhận lãnh lương thực của Thiên Chúa, nhưng những kẻ đến lãnh kia chính là những con người tội lỗi. Ở đây, mãi mãi vẫn là bữa tiệc ở nhà Lêvi, vẫn là cái gai trong con mắt những người “công chính”: “Người ăn uống với phường tội lỗi”.

“Agnus Dei – Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian, xin thương xót chúng con. Lạy Chúa Giê‑su… xin chớ nhìn đến tội lỗi của con nhưng hãy nhìn đến đức tin của Giáo hội Chúa. – Lạy Chúa Giê‑su, xin vì Mình và Máu Chúa, cứu con khỏi mọi tội lỗi. Lạy Chúa Giê‑su… con cả gan đến rước Chúa mặc dầu con chẳng đáng”. “Lạy Chúa, con chẳng đáng…!”


Dĩ nhiên là chúng ta không ai nghĩ đến điều mình nói. Chúng ta có chịu nổi không, nếu vị chủ tế, tin theo những lời ngần ngại chối từ đó, dời lại không trao Mình Chúa? Hoặc nếu ngài có nhã ý mời chúng ta bước qua toà giải tội? Chúng ta sẽ tức giận đến bực nào nếu có ai tỏ vẻ tin theo những lời tự thú xem ra rất quả quyết của chúng ta kia!


Tất cả những lời nguyện của chúng ta đều trống rỗng, nhạt nhẽo, máy móc một các dễ sợ. Chúng ta “đọc” những lời kêu xin, và “đọc” luôn cả những câu trả lời. Đúng. Chúng ta chỉ có đọc. Và càng thú nhận mình bất xứng, đồng thời một cách tự động chúng ta càng cảm thấy mình xứng đáng hơn. – Chúng ta khiêm nhượng như thế đó! Chúng ta quả quyết mình bất xứng, cũng như chúng ta tìm chỗ rốt ngồi, để cho người ta sẽ mời chúng ta lên ngồi chỗ nhất – “Này ông bạn, mời ông bạn lên trên nữa chứ!”. Nguy hại thay, nếu rủi người ta lại quên nói cái câu bạn chờ đợi kia, cứ để bạn ngồi yên chỗ rốt, bỏ lửng bạn ở lưng chừng cái kế hoạch mà bạn sắp đặt trước kia. Nguy thay, nếu họ cho thế là hợp lý. Nguy hại thay, nếu vị linh mục đồng ý, nhận rằng thật ra bạn bất xứng thật sự… Nhục nhã không! Lợi dụng lúc người ta tự hạ mình xuống, để hạ nhục người ta thêm như thế! “Không bao giờ tôi thèm đặt chân trở lại cái nhà thờ đó nữa!”


Trong thánh lễ – cũng như trong cả cuộc sống của chúng ta – chúng ta giả bộ cho mình là kẻ tội lỗi. Rồi, sau đó, chúng ta chỉ cần giả bộ tin mình đã được tha. Buồn giả bộ. Vui mừng giả bộ.

Làm thế nào để thoát khỏi tình trạng chết khô này, thoát khỏi cái giải hình vô vị và ảm đạm này?


Bằng cách từ bỏ tham vọng tìm kiếm một thứ công chính mà thực ra chỉ làm cho chúng ta thêm kiêu ngạo; bằng cách thấu rõ hơn số phận thấp hèn của chúng ta trước mặc Chúa; bằng cách biết rằng Người có thể dùng thực chất thấp hèn kia để làm những việc lạ lùng; bằng cách vui mừng không phải vì chúng ta giàu có – dầu cho giàu nhân đức ‑ , nhưng vì chúng ta đói khát, hèn hạ, nhỏ bé và, dẫu thế, đã được Người nâng lên tới Người. Vì chúng ta là những tên thâu thuế. Là Matthêu… tên thâu thuế!


Nhưng, chúng ta lại chạm phải mối nguy hiểm khác: nếu Ki‑tô giáo chỉ nhắm những kẻ tội lỗi, thì những người trơ trẽn bất chấp cả luân thường đạo lý sẽ bảo: thế tôi sẽ rán sức phạm tội – phạm tội cho sướng. Càng hay. Có như thế tôi mới hợp với đạo hơn. Tôi hợp với thánh lễ Misa hơn. Hợp với phụng vụ hơn. Cần vài tội nữa là tôi vừa mức đấy. Tôi sẽ có thể dự lễ với cả tâm tình… Cogitatione! Verbo!! et Opere!!! Ideo precor… Tôi khỏi cần phải giả bộ nữa. Ít ra, tôi sẽ là một người tội lỗi đích thực! Một Ki‑tô hữu đích thực! Không phải như những kẻ giả hình kia, tự cho mình là chi chi vì một vài cố gắng đạo đức mà họ cho là họ có phận sự phải làm để dâng cho Chúa…


Thế cũng không đúng!


Sự thánh thiện cũng giống như đức khiêm nhượng. “Một nhân đức lạ đời: bạn tưởng bạn đã nắm được nó: thế là bạn đã mất nó rồi!”

Sống đạo theo đúng ý nghĩa là cảm thấy khó chịu, không an tâm, lúc tội lỗi cũng như khi đầy nhân đức. “Con Người không có chỗ gối đầu”. Một Ki‑tô hữu đích là người phải luôn cảm thấy mình giả hình. Đôi khi họ bắt buộc phải nói đến một hai điều hay, điều thiện, dầu để khích lệ người khác. Mà đã nói đến điều thiện, tất nhiên rất có thể sẽ làm cho người khác tưởng mình đã làm được điều đó. Và nếu đôi khi mình có thực sự làm được một hai việc thiện, rất có thể người khác sẽ do đó kết luận rằng mình thánh thiện. Nhưng, thực tế chua cay đã cho chúng ta biết: cái thực chất của chúng ta, cái mà chúng ta là, thường khi rất khác với cái mà chúng ta làm. (Trái lại: phải chăng đôi khi chúng ta làm việc thiện là để bù lại, để che lấp một hai sự tồi tàn hiển nhiên mà chúng ta đã cảm thấy được?).

Cảm thấy không an tâm lúc chúng ta nhân đức, bởi vì chúng ta biết sự nhân đức của chúng ta chỉ là một cái áo đi mượn mà chúng ta có thể đánh mất bất kỳ lúc nào. Cảm thấy không an tâm trong tội lỗi – bởi vì tội lỗi phân cách chúng ta với Chúa. Làm thế nào có thể thành thật, trong tình cảnh lưỡng nan như thế?


Sự thành thật ngoài môi miệng của những người thời nay không phải là một giải pháp: “Tôi không thích tên đó: tôi sẽ không đóng kịch như bao người khác: tôi sẽ không giấu: tôi sẽ không cố giả hình để lướt thắng ác cảm tự nhiên đó...v.v.” Thái độ trên có thành thật đấy! Nhưng, nó lệch lạc một cách độc hại.


Không gì dối trá bằng tự định nghĩa mình bằng một hành động, đồng hoá bản chất mình với hành động mình. Làm thế là sai, dầu ở bất cứ lãnh vực nào, đen, trắng, tốt, xấu. Chúng ta khác xa với việc chúng ta làm, xấu hơn những việc lành và tốt hơn những việc ác.

Bên cạnh cái tầm thường, dở dang của chúng ta, luôn luôn có một xu hướng dũng mãnh hơn để vượt quá cái tầm thường, để vùng dậy sau mỗi lần vấp ngã, một ước muốn biến cải tiềm tàng. Và xu hướng kia, ước muốn kia cũng là ta. Là của ta cũng như điều ác mà chúng ta làm kia. Sự thành thật đích thực cốt yếu không phải là ở việc nhận thấy mình xấu, nhưng là quả quyết chúng ta là thế và chúng ta không bằng lòng như thế!


Thành thật đích thực là chấp nhận tự kiến tạo mình chứ không chấp nhận một con người đã hoàn thành. Bước qua một hạng tuổi nào đó, chúng ta cần phải có nhiều khiêm nhượng mới có thể chấp nhận một cách vui mừng rằng chúng ta đã có tiến bộ, nhiều khiêm nhượng hơn là để nhận một cách mơ hồ rằng con người chúng ta là một phần hỗn hợp nhiều khuynh hướng, tốt cũng như xấu.

“Lêvi! Hãy theo Ta”. Và bỏ tất cả. Ông đứng dậy, theo Người. Và Lêvi đã về nhà dọn một bữa tiệc lớn khoản đãi... Cũng cái đơn sơ ấy, cái ngạc nhiên đầy khiêm cung ấy, cũng là tin tưởng ấy đã làm cho Gia‑kêu reo lên: Lạy Chúa, đây con sẽ cho...!


Điểm đặc biệt nhất trong con người chúng ta là sức tiến sống động luôn luôn thúc giục chúng ta vươn lên, là tiếng gọi tri chí kia, là cái ơn gọi kia – được lập đi lập lại mãi đến nỗi sau cùng nó sẽ là yếu tố quyết định phẩm chất con người chúng ta, yếu tố trổi vượt trên tất cả mọi khuynh hướng đối nghịch.


Chỉ bao giờ chúng ta biết chấp nhận hai chiều hướng đối lập chướng đó trong con người chúng ta, chúng ta mới mong tiến đến sự thật. Khi thánh Phaolô thấy mình trở nên thánh thiện, ngài nói: “không phải tôi sống nhưng chính Chúa Ki‑tô sống trong tôi.” (Gl 2,20). Và khi ngài nhận thấy mình không đàng hoàng: “...tôi không biết việc tôi làm: tôi không làm cái tôi muốn và tôi làm cái tôi chê ghét... tôi không làm điều lành mà tôi muốn, tôi lại đi làm điều ác tôi không muốn... Khi tôi muốn làm điều lành, điều ác lại cám dỗ tôi. Vì tôi yêu thích luật Chúa, theo con người bên trong của tôi, nhưng tôi cảm thấy ở thể xác tôi có một luật lệ khác chống lại luật lệ của lý trí tôi và nó bắt tôi nô lệ tội lỗi trong thể xác tôi. Khốn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi khỏi thân xác tội lỗi chết chóc này! Cảm tạ Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Ki‑tô!” (Rm 7,15‑24).


“Tôi cảm thấy hai con người trong tôi”, đó là sự thật của Thánh Phaolô, và cũng là sự thật của mỗi người chúng ta. Nhưng đã có Chúa Ki‑tô để nâng chúng ta lên khỏi sự dữ kia, có Chúa Ki‑tô làm cho chúng ta có thể ngóc đầu lên khỏi đống tội ghê gớm nhất của chúng ta.


“Ta không đến để gọi những người lành, nhưng để gọi những người tội lội”, và trong Phúc âm theo thánh Luca còn nói rõ hơn: “để họ ăn năn trở lại”, (Lc 5,32).


Cách duy nhất để thành thật là chúng ta phải luôn vui mừng chấp nhận sự “ngóc đầu lên” từng giây từng phút kia, là chấp nhận sự giúp đỡ luôn luôn khẩn thiết, nhưng luôn luôn sẵn sàng kia. Là chúng ta phải vui mừng vì chúng ta tội lỗi, đúng rồi, nhưng là những người tội lỗi luôn luôn được tha thứ, luôn luôn được kéo lên khỏi vũng bùn tội lỗi của chúng ta.


Đó là một lập trường tránh được thái độ ương ngạnh, bất chấp luân lý, đồng thời cũng tránh được thái độ giả hình; đó là một phương thế để sống thành thực, đúng bản chất mình, không cần phải chối bỏ những gì cao quý của con người chúng ta, viện lẽ là chúng ta tội lỗi; những cái cao quý kia chắc chắn là không do chúng ta, nhưng sẽ dần dần khuôn đúc chúng ta theo hình ảnh Người.

“Hỡi hồn ta, sao ngươi buồn bã buồn bã?


Sao ngươi bối rối bối rối?


Hãy cậy cậy trông Chúa.


Ta sẽ mãi mãi ngợi khen Người.”


Cuộc đời chúng ta tiến lui trong cuộc đối thoại đó, luôn giao động giữa hai thái cực, nhưng rồi dần dần cũng sẽ bị hấp lực thu hút hơn: Hãy trông cậy Chúa. Ta sẽ mãi mãi ngợi khen Người: Đấng cứu chuộc ta và Thiên Chúa của ta.


Mỗi khi thánh Matthêu thích thú lập lại tước hiệu của mình là “tên thâu thuế”, đó cũng là cách đạc biệt của ngài để lập lại với Chúa Giêsu: Lạy Chúa, là đấng Cứu Chuộc và là Thiên Chúa của con, để nhắc lại, để nhắc cho mình nhớ mình cần ơn cứu chuộc là dường nào, để nhắc lại Chúa đã thực thực hiện nơi tôi tớ thấp hèn của Người ơn cứu chuộc, ơn thống hối lớn lao, một cuộc hoán cải lạ lùng biết bao!


Kẻ được tha nhiều, yêu nhiều!


Vừa sáng tinh sương, Chúa đã trở lại đền thờ và cả dân chúng tuốn đến với Người. Và Người ngồi xuống, dạy dỗ họ. Các văn nhân và biệt phái dẫn đến cho người một người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang. Đưa bà vào giữa rồi, họ nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này đã phạm tội ngoại tình và bị bắt quả tang. Chiếu luật, Môisen đã dạy chúng tôi phải ném đá những hạng đàn bà như thế. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”


Nếu chúng ta để chút cố gắng, cùng với những người trong cuộc, sống lại trong trí óc cảnh tượng trên đây, chúng ta sẽ thấy nó độc ác đến gần như không thể chịu nổi: người đàn bà kia, đơn độc một thân một mình, bị bao nhiêu người “công chính” nọ lôi kéo, dắt đi giữa đám đông, và sau khi “đặt bà ta vào giữa”, họ trình bày tội trạng bà, lột trần cái tủi nhục của bà như thế trước mặt mọi người. Tệ hơn nữa: họ làm như thế cốt ý là để “gài bẫy Chúa Giêsu và tìm cớ tố cáo Người”. Chúa Giêsu cũng chỉ độc một mình. Người cũng hoàn toàn tuỳ thuộc quyền xử đoán của họ. Họ cũng sắp cắn xé cả Người nữa. Họ đã tìm ra được dịp duy nhất duy nhất để làm cho Người lúng túng: nếu Người lên án người đàn bà kia, thì còn gì nữa tất cả danh thơm tiếng tốt về lòng ưu ái, dịu hiền, âu yếm, nhân từ của Người, lòng nhân từ đó từ lâu đã lôi cuốn đến với Người bao nhiêu tâm hồn chất phác và đã tạo nên một nhóm người thống hối trở lại đông đúc, dg hớn hở theo Người kia; nếu Người từ chối không kết án, càng hay. Câu trả lời của Người từ đây sẽ mở mắt cho những ai biết suy nghĩ. “Rồi đây chúng ta sẽ đi về đâu? Hỡi những ai đã có vợ có chồng, những ai có con gái, những ai biết trọng danh dự, hôn nhân, gia đình... Các người còn đồng đồng ý với nhà tiên tri các ngươi nữa không? Một nhà giảng thuyết cổ võ ngoại tình!”


Tình cảnh buồn thảm đến nỗi Chúa Giêsu không muốn nhìn họ. “Chúa Giêsu, cúi xuống, lấy tay viết lên mặt đất” – những lời thất vọng, uể oải, chán nản? – “nhưng họ không ngớt chất vấn Người”. Họ không buông tha Người. Lúc đó, Người ngẩng đầu lên và bảo họ:

“Ai trong các người không có tội, thì hãy ném hòn đá đầu tiên. Và Người cúi xuống viết trên đất. Nhưng nghe những lời đó, kẻ trước người sau, họ rút lui lần lần, kẻ lớn tuổi đi trước nhất”.


Một cái nhìn, một lần chạm trán. Một lời của Chúa Giêsu đã tỏ rõ cho họ – tội lỗi của họ. Họ đã hiểu. Trong giây phút, họ nhận thấy rằng Chúa Giêsu biết tất cả về họ – và chỉ còn tuỳ nơi Người, khi nào muốn, Người có thể nói ra họ đã phạm tội lúc nào, với ai, thế nào, bao nhiêu lần! Họ đã đến, đầy vẻ hách dịch, giận dữ giận dữ, bất mãn giả hình. Và, sau đó... chuyến về của họ buồn tẻ làm sao! Khác gì một lần thú tội công cộng! Và rồi, dân chúng yên lặng làm sao được: đàm tiếu, phẩm bình, ước đoán, và... đủ thứ chuyện... Những Người “thử sức” đó hẳn phải cắn môi hối hận vì đã khởi xướng ra câu chuyện. Chúa Giêsu không thèm bắt chẹt họ. Người chỉ nói với họ những điều cần nói, thế rồi lại bắt đầu viết trên mặt đất. Sự bại trận của họ cũng làm Người buồn như sự tủi nhục của nạn nhân của họ: tất cả những cảnh đó buồn, xấu, thảm lắm!

“Còn lại một mình Người với người đàn bà vẫn luôn đứng trước mặt, Người ngước đầu lên, Chúa Giêsu nói với bà: Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai kết án chị sao? – Thưa Thầy không ạ!” Không chút gì có vẻ đắc thắng trong câu trả lời kia. Câu nói của Chúa không phải là một câu hỏi, nhưng đúng hơn là một lời nhận định: không ai là vô tội – nhưng điều khó chịu hơn cả là phải dùng đến màn kịch bi thảm kia họ mới có thể sáng mắt ra được như thế. “Họ đâu cả rồi?”


“Và Chúa Giêsu bảo bà: Ta cũng không kết án con đâu. Con về và đừng phạm tội nữa.”


Bà sẽ không phạm tội nữa. Làm thế nào bà còn có thể muốn phạm tội nữa? Cái nhìn kia, cái nhìn đã cứu bà khỏi tay mọi người, sẽ giữ gìn bà mãi mãi. Cái kỷ niệm ấy, kỷ niệm của một lòng nhân từ, một sự âu yếm, kỷ niệm ấy sẽ theo dõi, sẽ nâng đỡ và sẽ là niềm tâm phúc của bà. Cần gì phải mang tội lấp cho đầy cuộc sống vô phước kia chi nữa? Trái tim của bà mãi mãi sẽ đầy ứ những tâm tình – biết ơn, yêu thương, vui mừng. Bà ra về, được ân xá (tha bổng), không bị xét xử. Bà đã gặp được Chúa Ki‑tô, Con Thiên Chúa hằng sống. Bà sẽ không buông rời hình bóng Người. Người đã ân xá cho bà. Người đã ban cho bà đặc ân đó, sự tha thứ đó. Trong giây phút, bà đã học được thế nào là yêu thương và được yêu thương thực sự. Tình yêu đó được thông ban cho bà cùng một lúc, trong cùng một cử chỉ để bày tỏ nó với bà. Bà ra về được thứ tha: kẻ được tha nhiều, yêu nhiều.


Cái mà người đàn bà kia đã học được hôm đó, cái mà chúng ta sẽ khám phá ra được trong những lần xưng tội nên: là chúng ta đã không hiểu đâu là tội lỗi của mình. Cái lỗi đích thực của chúng ta không phải là những cái mà chúng ta tưởng, không phải là những cử chỉ điên rồ mà chúng ta đã làm để khuây khoả, để tiêu khiển kia. Chúng ta cần phải tạm dằn bớt cơn đói chứ! Cái lỗi đích thực của chúng ta là đã không thực sự tin tưởng rằng có một Người có thể làm cho chúng ta hết đói hẳn, làm chúng ta hết khát hẳn, hết mãi mãi; là đã không biết người là Ai; là đã không dám tin vào một Tình yêu có thể làm cho chúng ta không còn cần đến những món đồ giả kia nữa.


Chúng ta sẽ cảm thấy mình đã được ơn tha thứ của Người, mỗi lần sau khi xưng tội, cũng như Lêvi, chúng ta nhận thấy chúng ta đã bỏ tất cả. Bỏ mà có lẽ cũng không hay biết nữa. Bởi vì mãi đến hôm nay chúng ta mới để Người chạm đến chúng ta, để cho lời kêu gọi kinh khủng kia nắm lấy chúng ta, kêu gọi – phải cải thiện, phải đầu hàng, phải cho, phải tha thứ, phải xin lỗi, phải nói sự thật, phải ý thức đến sự nghèo khó bần cùng và đồng thời đến những khả năng vô tận của chúng ta.


“Bỏ tất cả, Ông đứng dậy theo Chúa”.


Louis Evely

Nguồn tin: Dòng Đa Minh
Thống kê
Số người online: 386
Tổng số truy cập:15.679.190