Người Công Giáo Và Căn Tính Kitô Hữu

Thu,07/12/2023
Lượt xem: 959

NGƯỜI CÔNG GIÁO

VÀ CĂN TÍNH KITÔ HỮU

Trưa thứ sáu ngày 29-09-2023, Phòng báo chí Tòa thánh công bố Sứ điệp của Đức Thánh cha Phan-xi-cô gởi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thoả thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Tòa thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam. Trong nội dung sứ điệp trên có đoạn viết như sau:

“Theo giáo huấn trong thư gửi Diognetus, một bản văn từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên, các Ki-tô hữu ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, nên dấu ấn cuộc sống của họ là ưu tiên thực thi bác ái, bằng cách sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc và đồng hành với dân tộc qua nỗ lực phát triển quân bình về xã hội và kinh tế. Như vậy, các tín hữu Công giáo, hoặc qua việc xây dựng Hội Thánh bằng cách cộng tác vào sinh hoạt mục vụ với tinh thần đồng trách nhiệm, hoặc một cách đặc biệt, đem tinh thần Phúc Âm vào các thực tại trần thế, họ sẽ thể hiện căn tính của mình là người Kitô hữu tốt và là công dân tốt. Trong viễn cảnh này, khi thực hiện được những điều kiện thuận lợi cho việc thực hành tôn giáo cách tự do, các tín hữu Công giáo sẽ có thể tăng cường đối thoại và mang lại niềm hy vọng cho đất nước.” [1]

Ở đây chúng ta thấy Đức Thánh cha đã đề cập việc người Công giáo thể hiện cách cụ thể căn tính Ki-tô hữu của mình qua việc xây dựng Hội thánh với tinh thần đồng trách nhiệm đồng thời cũng thấm nhập tinh thần Tin Mừng Ki-tô giáo vào các thực tại trần thế với tư cách vừa là một công dân tốt vừa là một người Công giáo chân chính.

Trong một dịp khác, Đức Phan-xi-cô cũng đã nhấn mạnh rõ hơn đến ba nét tiêu biểu làm nên căn tính người Kitô hữu. Nét đầu tiên của người Kitô hữu là, chúng ta được chọn, được Thiên Chúa đặt hy vọng, được Ngài đặt tên, được Ngài thương mến. Nét thứ hai là, chúng ta được Thiên Chúa thứ tha. Và nét thứ ba, người Kitô hữu là người luôn bước trên đường hướng tới sự hoàn thiện, hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Đấng cứu chuộc chúng ta, đồng thời Kitô hữu không bao giờ ngưng nghỉ làm việc thiện. [2]

Trong phạm vi bài này, chúng ta thử suy nghĩ và đặt cho mình câu hỏi “Với tư cách là người tín hữu Công giáo, tôi đã thể hiện căn tính của mình như thế nào?”. Hi vọng vấn nạn trên sẽ giúp chúng ta soi vào tận thâm tâm của mình để tái khám phá căn tính Ki-tô hữu của mình, giúp mình trở về nguồn gốc đích thực của mình, tức là khẳng định lại cái căn tính Ki-tô hữu mà bấy lâu nay ta hoặc chưa biết, chưa nghe nói, hoặc biết rồi mà ơ hờ, lãng quên.

Trước hết, ta bàn về “Căn tính là gì?”

1.- Căn tính

Trong bài viết có tựa đề “Căn tính người Công giáo Việt Nam”, giáo sư Quyên Di (Việt kiều Công giáo Mỹ) đã giải thích về danh từ “Căn tính” như sau: “Trong chữ kép ‘căn bản’ thì ‘căn’ có nghĩa là ‘rễ’ còn ‘bản’ có nghĩa là ‘gốc’. Có gốc, có rễ thì sẽ có cây. Cây mọc ra cành, ra lá, đơm hoa, kết trái. Bứt hoa, hái trái, cây vẫn là cây; ngắt hết cả lá, cây vẫn là cây. Nhưng nếu chặt gốc, nhổ rễ thì cây chết, không còn là cây nữa. Nếu cứ cố tình gọi là cây thì người ta phải nói đó là cái ‘cây chết’. Như thế, căn tính là cái tính chất gốc rễ, cái tính chất chính của con người. Mất những cái ngoại nhập, cho dù đó là những tư tưởng ảnh hưởng sâu xa đến người ấy đi nữa, người ấy vẫn là người ấy. Nhưng nếu mất đi cái tính chất chính, cái căn tính, thì người ấy không còn là người ấy nữa, mà biến thể thành một người khác. Con người thật của người ấy đã chết.” [3]

Ở chỗ khác, người ta cho rằng “Căn tính (Identity) là bản sắc, bản vị của một người hay một vật thể. Mỗi người chúng ta đều có một bản sắc riêng được gọi là căn tính cá nhân (personal identity). Hay nói cách khác, căn tính là cách để phân biệt bạn với những người khác, là những đặc trưng để nhận diện bạn trong đám đông.” Như vậy, ta có thể thấy rằng căn tính là cái gốc rễ, cái căn cốt thuộc về bản chất sâu xa của một người. Đó là nét đặc trưng xác định mỗi người chúng ta là ai, bản thân ta có những đặc tính gì, chúng ta xuất phát từ nguồn gốc nào, hay chúng ta đang ở trong mối tương quan hiện sinh với một ai đó hay một thực tại nào đó...   

Trong bài viết có tựa “Tìm hiểu về căn tính linh mục” đăng trên trang web của giáo phận Cần Thơ, tác giả bài viết đã giải thích về từ căn tính như sau:

“Nhiều người dùng từ căn tính, một ít dùng từ chân tính, hoặc căn cước. Đây là một từ chìa khóa nên cần nắm vững nội dung để hiểu cho đúng. Người VN khoảng 15,16 tuổi là phải làm giấy chứng minh nhân dân hay căn cước. Giấy này ghi những điểm giúp nhận rõ về một người, để không lầm lẫn với bất cứ ai khác, như: họ và tên, ngày tháng năm sinh và nơi sinh, cha mẹ và đặc điểm nhận dạng, có dán ảnh, lăn tay, do chính quyền cấp. Các chi tiết trên cốt để xác định hay chứng minh những tính cách căn bản riêng biệt của một người, làm cho họ phân biệt với người khác. Đó là căn tính của họ. Vậy căn tính là những đặc tính căn bản của một người.”

Tiếp đến, tác giả bài viết trên cũng đã nói đến hai mục đích của căn tính, như sau: “Căn tính nhằm hai mục đích: thứ nhất giúp mọi người nhận biết mối tương quan của người đó với dân tộc, gia đình, tổ chức, nghề nghiệp…để tôn trọng phẩm giá, quyền lợi, nghĩa vụ của người đó; thứ hai giúp chính đương sự ý thức là họ phải có những tương quan nào và họ phải sống những tương quan đó cho đúng với căn tính của họ. Vì thế việc xác định và hiểu biết căn tính rất cần thiết cho xã hội cũng như cho chính đương sự để có tương quan tốt đẹp với nhau.” [4]

Như vậy, xét tóm tắt ta thấy rằng mỗi người trong chúng ta đều mang nhiều căn tính khác nhau, tùy vào mối tương quan của ta với một cội nguồn hay với một thực thể nào đó. Người đáng trách là người đã đánh mất cái gốc gác của mình và họ thường bị gọi là “đồ mất gốc!”. Chẳng hạn, một người Việt Nam mà bị tha hóa, vong thân, đánh mất cội nguồn “Con Rồng Cháu Tiên” của mình chỉ vì chạy đua theo thói vọng-ngoại, bị biến chất, đến ngay phong tục cha ông để lại cũng không biết trân trọng hay tiếng mẹ đẻ cũng không hiểu biết gì, thì đó là tình trạng mất gốc do không còn giữ được căn tính dân tộc Việt Nam nữa.

Riêng ở cương vị là người Công giáo, chúng ta cũng có một căn tính tôn giáo sâu xa của mình, đó gọi là “Căn tính Ki-tô hữu”. Chắc chắn đã hơn một lần chúng ta nghe nói đến cụm từ này, nhưng có lẽ nhiều người trong chúng ta chưa hiểu nhiều, chưa xác tín lắm và nhất là chưa sống triệt để ơn gọi, bản chất và sứ mệnh Ki-tô hữu của mình nhằm làm sống động cái căn tính mà qua Phép Thánh Tẩy Ki-tô giáo đã được khắc ghi sâu trong chúng ta.

Sau đây, chúng ta thử bàn về khái niệm “Căn tính Ki-tô hữu” là gì.

2.- Căn tính Ki-tô hữu

LM Stê-pha-nô Huỳnh Trụ, một chuyên gia về ngôn ngữ, trong cuốn “Tìm hiểu Từ vựng Công giáo” (năm 2021) đã định nghĩa Ki-tô hữu như sau:

“Có thể nói: Ki-tô hữu là người tin theo Đức Ki-tô trong mọi sự. Đời họ là một đời tận tình nhất quyết kết hợp với Đức Ki-tô, đi theo và bắt chước Đức Ki-tô, Anh Cả, Vị Cứu Tinh, đồng thời là Chúa mọi người. Ki-tô hữu sống động bởi Đức Ki-tô. Đức Ki-tô là gương mẫu của họ về mọi phương diện, trong mọi hoàn cảnh cuộc đời, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi gặp hiểm nguy cũng như lúc bị cám dỗ và trong lúc sầu khổ của giờ chết, Ki-tô hữu đều có thể nhìn lên Đức Ki-tô đã đi trước và dạy cho họ biết cách thức đi tới Thiên Chúa.” [5]

Trong khi đó, Công đồng Vat. II đã nói thế này: “Ki-tô hữu là người công khai tuyên xưng Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa và là Thiên Chúa, Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, để làm vinh danh Thiên Chúa duy nhất là Cha, Con và Thánh Thần.” (Vat. II, Sắc lệnh về Hiệp nhất số 20)

Như vậy, đối với người Công giáo chân chính thì Ki-tô hữu không phải chỉ là một danh xưng ngoài môi ngoài miệng, mà thực chất đó chính là căn tính của họ. Căn tính ấy chẳng những xác định danh tính của chúng ta là những người tin theo Đức Ki-tô, là bạn hữu của Ngài, thuộc về Ngài, mà còn hiện-thực-hóa phẩm giá, phẩm chất và ơn huệ mà Thiên Chúa ban cho mỗi tín hữu chúng ta khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta biết rằng bí tích này không phải chỉ là một nghi thức suông, mà còn đem đến một biến cố thánh thiêng khiến chúng ta được thay đổi tận gốc rễ tức là chúng ta mang trong mình một căn tính mới, đó là căn tính Ki-tô hữu. Căn tính ấy ăn rễ sâu trong ta và không gì có thể tẩy xóa được.

Điểm lại, chúng ta thấy rằng nhờ bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được hưởng rất nhiều ân huệ trọng đại, như: được ơn tha thứ (giải án tuyên công), được ơn cứu chuộc, được gia nhập hàng ngũ con-cái-Thiên-Chúa để được gọi Thiên Chúa là Cha (ơn làm nghĩa tử), được trở nên công dân của Nước Trời, được trở thành chi thể trong Thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô và là anh em của Ngài, được Chúa Giê-su mạc khải về Cha và về mầu nhiệm Nước Trời đồng thời được trao ban sứ mệnh loan báo Tin Mừng cho mọi người trên toàn thế giới vv. Như vậy ơn huệ được gọi và chọn làm Ki-tô hữu được coi là đỉnh điểm của mọi ơn huệ mà Thiên Chúa có thể ban cho chúng ta. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Tất cả những ơn huệ đó đã xác định được “căn cước” của chúng ta, đó là chúng ta đang là ai, đang theo ai, đang thuộc về ai và phẩm giá Ki-tô hữu của mình là gì.   

Sau đây, chúng ta sẽ bàn về những đặc điểm chính yếu thuộc về căn tính Ki-tô.

3.- Những đặc điểm chính yếu của căn tính Ki-tô hữu

Tác giả LM Huỳnh Trụ, trong sách đã dẫn trên có trích dẫn một số định nghĩa về Ki- hữu, như sau: “ Thánh Phêrô định nghĩa Kitô hữu là những người đang sống trong Đức Kitô (x. 1 Pr 5,14). Khi tham gia đời sống Kitô giáo, mọi tín hữu đều thông phần vào những chân lý, những mầu nhiệm như nhau. Họ trở thành chi thể của Chúa Kitô và thành phần dân Thiên Chúa, thông dự cùng một Thánh Thần và làm con Chúa Cha. Vì vậy, Thánh Phaolô khi định nghĩa Kitô hữu là những ai ở trong Đức Kitô (x. Rm 8:1-2), thì ngài cũng quy chiếu vừa vào Chúa Kitô vừa vào Chúa Thánh Thần: Nếu ai không có Thánh Thần của Đức Kitô thì không thuộc về Ngài (Rm 8,9). Còn Thánh Justinô ngoài việc xưng Kitô hữu là anh em, hoặc những kẻ được soi sáng, ngài lại thích định nghĩa Kitô hữu là môn đệ (Dial.17,1). Thánh nhân mô tả mình như là thành phần của cộng đoàn Kitô hữu, môn đệ của giáo huấn tinh tuyền và chân thật của Chúa Giêsu (Dial.35). Mẹ Têrêsa Calcutta đã định nghĩa: Kitô hữu là người trao ban chính bản thân mình. Trao ban không có nghĩa là mất đi, nhưng đó là phương thức tốt nhất để giữ lại những gì mình đã cho đi, để trở nên chính mình hơn. Những gì mình thực sự sở hữu chính là những cái mình đã cho đi, mà sở hữu lớn lao nhất là chính sự sống mình. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được (Mt 10,39).[6]

Dựa vào những khái niệm trên, chúng ta có thể đưa ra một số những đặc điểm tiêu biểu liên quan căn tính Ki-tô hữu của người Công giáo chúng ta.

3.1. Ki-tô hữu thuộc về hàng ngũ con cái của Thiên Chúa

Đây là một ơn huệ và phẩm giá cao quý nhất của người Ki-tô hữu. Chúng ta luôn xác tín và hãnh diện rằng chúng ta đã và đang thuộc về hàng ngũ con cái Thiên Chúa. Nếu có ai hỏi chúng ta rằng điều gì làm ta tự hào nhất, câu trả lời sẽ luôn là “Được trở thành con Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô, Con Một yêu dấu của Thiên Chúa”. Như thánh Phao-lô khi xưa đã kêu lên “Abba! Cha ơi!” (Rm 8, 15). Và “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4, 6)

Đức Thánh cha Bê-nê-đích-tô XVI đã từng nói: Kitô giáo không phải là một tôn giáo của sự sợ hãi, mà là tôn giáo của lòng tin tưởng và của tình yêu thương đối với Thiên Chúa Cha, là Đấng yêu thương chúng ta. [7]

Còn Đức Thánh cha Phan-xi-cô thì khẳng định là “Thiên Chúa Cha chọn mỗi người chúng ta, Ngài yêu thương chúng ta và đặt tên cho chúng ta. Thiên Chúa gọi mời từng người chúng ta, chứ không theo kiểu một đám đông không biết ai vào ai. Chúng ta được Thiên Chúa chọn và đặt niềm mong ước. Chúng ta cứ thử nghĩ về các đôi hôn nhân mong đợi những em bé chào đời: Không biết em bé ấy sẽ thế nào? Cười nói làm sao? Thiên Chúa là Cha đang đặt niềm mơ ước vào mỗi người chúng ta, cũng giống như những bậc cha mẹ đặt hy vọng vào người con sắp chào đời. Điều này mang lại cho chúng ta một nền tảng vững chãi. Thiên Chúa Cha quý mến bạn, chính bạn, chứ không phải là một đám người, không, Ngài thương mến từng người chúng ta. Đây là nền tảng và cơ sở cho mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta nói với Cha chúng ta, Đấng yêu mến chúng ta, Đấng chọn chúng ta, Đấng đặt tên cho mỗi người chúng ta.” [8]

       Hàng ngày, mỗi khi đọc Kinh Lạy Cha, có lẽ chúng ta vẫn tự hỏi, chúng ta đang ở đâu trong mối tương quan với Cha-trên-trời. Chúng ta nhắc nhớ đến Người như một Đấng vô hình xa vời lạnh lùng nào đó, hay chúng ta cầu nguyện với Người như chỉ để xin xỏ những điều có lợi trước mắt của chúng ta, hay chúng ta tôn vinh Người ngoài môi ngoài miệng mà lòng trí ta xa cách Người, hay có khi chúng ta nhắc đến Người như một quan án xét xử nghiêm khắc lạnh lùng vô cảm... Không, chúng ta là con cái của Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót (Deus dives in Misericordia). Từ muôn đời Người đã yêu thương chúng ta và chọn chúng ta để được tham dự vào đời sống thần linh của Ba Ngôi Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô. Vì mang trong mình căn tính Ki-tô hữu, chúng ta phải xác tín điều đó, và đó cũng chính là niềm tự hào của tất cả chúng ta. Cũng vì lý do đó, chúng ta phải luôn ý thức về bổn phận hàng đầu của Ki-tô hữu, đó là không ngừng loan truyền Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho thế giới ngày nay.      

3.2. Ki-tô hữu là bạn và là môn đệ của Chúa Ki-tô

Như trên đã đề cập, Ki-tô hữu là người tin Chúa Ki-tô, theo Ngài, luôn sống trong Ngài và là hình ảnh trung thực của Ngài. Chẳng những họ là anh em với Chúa vì cùng là nghĩa tử của Cha-trên-trời, mà còn là bạn hữu thân thiết của Chúa đồng thời là môn đệ tình nguyện tin và theo Chúa.

Ở đây, với tư cách là tín hữu Công giáo, chúng ta xét mình xem chúng ta đã sống cái căn tính Ki-tô hữu của mình như thế nào. Xin đề cập đến 2 khía cạnh trong đời sống đạo của mình. Đó là: Tôi có tập trung cả con người và cuộc sống của mình vào Chúa Ki-tô chưa? Và tôi thường xuyên quan tâm ưu tiên chọn Chúa hay ham thích chọn việc-của-Chúa hơn.

Chúng ta biết rằng, để gặp Chúa Ki-tô, để lắng nghe Chúa nói, để nên đồng hình đồng dạng với Ngài, để ngày càng yêu mến Ngài hơn, thì bước đầu tiên ta phải quan tâm, đó là tập trung vào Ngài. Lấy Chúa làm trung tâm của mọi thao thức, ước muốn, dự phóng và hoạt động của mình. Đó là một sự chú ý dứt khoát, có chủ đích, chủ tâm, thoát ra khỏi những lo ra, những xao lãng, những vô tư, những lạnh nhạt trong cuộc sống thường ngày của mình.

ĐGM GB. Bùi Tuần (GP Long Xuyên) trong bài giảng có chủ đề “Tập trung vào Ðức Kitô” đã chia sẻ như sau:

Phúc Âm Ga 1, 47-51 cho thấy ông Nathanael, khi vừa được ông Philipphê gọi, đã vội tìm đến gặp Ðức Kitô. Chúng ta cũng hãy làm như vậy.

Học giáo lý, nghe giảng về Ðức Kitô là việc tốt cần làm. Gặp nhau để học hỏi về Ðức Kitô là việc lành cần thực hiện. Nhưng việc cần thực hiện hơn hết là hãy gặp gỡ chính Ðức Kitô.

Gặp gỡ bằng sự cầu nguyện chung riêng. Gặp gỡ bằng việc suy gẫm Lời Chúa trong Phúc Âm. Gặp gỡ bằng việc chầu Mình Thánh và chịu Mình Thánh trong thánh lễ. Gặp gỡ bằng sự lắng nghe Ðức Kitô nói trong lòng, qua các gương sáng và tiếp cận với các cảnh khốn khổ cùng cực. Gặp gỡ bằng sự đón nhận Ðức Kitô đến với chúng ta qua các biến cố vui buồn, đặc biệt là qua những khổ đau của thánh giá.

Hãy gặp gỡ Ðức Kitô với tâm hồn khiêm nhường, khó nghèo, đơn sơ, mến thương, khao khát. Những hình thức gặp gỡ Ðức Kitô mang ý hướng phô trương, sẽ chẳng bao giờ nhận ra được dung mạo thực của Ðức Kitô, là tình yêu cứu độ giải phóng con người”. [9]

Ngoài ra, như trên đã nói, Ki-tô hữu là người được Chúa gọi và chọn để làm môn đệ của Ngài, nên trước hết và trên hết họ lo tìm kiếm Ngài, lắng nghe Lời Ngài, tin tưởng Ngài, luôn thực thi ý Ngài và cố gắng từng ngày trở nên một Ki-tô khác (Alter Christus). Để được như vậy, họ phải học cách buông bỏ. Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16, 24)

Một trong những điều chúng ta khó từ bỏ nhất, đó là từ bỏ ý riêng mình. Và ý riêng phổ biến nhất nơi chúng ta trong đời sống đạo, đó là thích chọn lựa những việc-của-Chúa để làm hơn là chọn chính Chúa để yêu mến Ngài và gắn bó với Ngài. Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Nguyễn Văn Thuận một thời gian khi còn sống đã có kinh nghiệm về việc này. Ngài đã tâm sự như sau:

Một đêm thanh vắng, một tiếng từ đáy lòng nhắc nhở tôi: Tại sao con quẫn trí, hoang mang như thế làm gì? Con phải biết phân biệt giữa Chúa và công việc của Chúa. Những gì con đã làm và tiếp tục làm như kinh lý giáo phận, huấn luyện nam nữ tu sĩ, giáo dân, thanh niên, kiến thiết thánh đường, cư xá sinh viên, mở mang các thí điểm truyền giáo vv... tất cả những công tác ấy đều là những việc tốt lành, là việc của Chúa, nhưng không phải là Chúa! Nếu Chúa muốn con trao tất cả các việc ấy trong tay Ngài, con hãy làm ngay, và hãy tin tưởng vào Ngài. Chúa có thể làm tốt hơn con muôn nghìn lần. Ngài có thể trao việc của Ngài cho những người tài đức hơn con. Hãy chọn một mình Chúa thôi, chọn thánh ý Ngài, chứ đừng chọn việc của Chúa!.

Tôi luôn luôn học tập làm theo ý Chúa. Nhưng ánh sáng này mang lại cho tôi một sinh lực mới, thay đổi tận gốc lối suy nghĩ của tôi, giúp tôi vượt qua những bước gian truân mà hầu như cơ thể không chịu đựng nổi. Từ đây tôi cảm thấy trong lòng tôi ‘một sự bình an mà thế gian không cho được’.

Theo tính tự nhiên, những lúc chương trình đang thực hiện tốt đẹp phải bỏ dở, hoạt động đang hăng say phải bó tay, nhiệm vụ đang quan trọng phải hạ tầng công tác! Uất ức và chán nản! Tôi tự hỏi: Chúa gọi con ‘Hãy theo Thầy’ hay ‘Hãy theo việc nọ, người kia?’ Ðể đó, Chúa sẽ liệu, Ngài sẽ giải quyết tốt hơn con là cái chắc…

Trong lúc bị giam cầm tù tội thế này, câu nói chủ đạo của ngài vẫn là: “Tôi phải chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa: Chính Chúa muốn cho tôi ở đây, chứ không phải nơi khác”.

Và ngài đã cầu nguyện: Trước bàn thờ, bên Mình Thánh Chúa, con nghe Chúa Giêsu bảo con: “Con hãy theo Chúa, chứ không phải theo việc của Chúa!”. “Nếu Chúa muốn, con hãy trao việc Chúa lại trong tay Chúa, Chúa sử dụng ai tiếp tục, mặc ý Chúa. Có Chúa lo, mà Chúa lo thì muôn vạn lần hơn con lo. Con hãy chọn một mình Chúa”. (x. H.Y Phx. Nguyễn Văn Thuận, chương 2 sách Năm chiếc bánh và hai con cá) [10]

Vậy, một người Công giáo mang trong mình căn tính Ki-tô hữu đích thực sẽ phân biệt với bất kỳ một người khác không phải qua màu da, tiếng nói, giai cấp, địa vị xã hội, sự giàu sang tiền bạc...mà qua sự chọn lựa sống một đời sống như Chúa Ki-tô, với Chúa Ki-tô và trong Chúa như lời thánh Phao-lô đã khẳng định: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi.” (Gl 2, 20)

3.3. Ki-tô hữu được chọn làm chứng nhân của Tin Mừng Chúa Kitô

Có thể nói bất kỳ ai trong chúng ta cũng không thể tách rời nhiệm vụ làm chứng tá Tin Mừng Chúa Ki-tô ra khỏi căn tính Ki-tô hữu của mình được, vì công việc ấy luôn gắn liền với bản chất của Hội thánh là nhiệm thể Chúa Ki-tô. Quả vậy, như Công đồng Vat.II đã chỉ rõ: “Nhiệm vụ cao cả của mọi giáo dân là làm cho ý định cứu độ của Thiên Chúa ngày càng lan tới tất cả mọi người ở mọi nơi và mọi thời đại. Vì thế, khắp nơi phải mở đường cho họ tích cực tham gia vào công cuộc cứu độ của Giáo hội, tùy sức lực của họ và tùy nhu cầu của thời đại.” (x.Vat.II, LG 33)

Mặt khác, Hội thánh cũng đã từng khẳng định: “Tất cả các phần tử của Hội thánh mỗi người một cách đều được sai đi. ‘Ơn gọi Ki tô hữu tự bản chất cũng là ơn gọi làm tông đồ’. Mọi hoạt động của Nhiệm Thể nhằm làm cho Nước Đức Kitô rộng mở trên khắp hoàn cầu được gọi là ‘việc tông đồ’.” (x. Giáo lý Hội thánh CG, số 863).

Thực ra tất cả những xác quyết trên không làm chúng ta ngạc nhiên, bởi vì chính Chúa Giê-su khi tuyển chọn các môn đệ, Ngài cũng đã ân cần căn dặn họ: Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16, 15). Và Ngài đã nhắc nhở các môn đệ thừa sai thế này: Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,13-16)

Trên thực tế, người ta vẫn thường nghe nói một cách mỉa mai là “Tin đạo chứ không tin người có đạo!” Điều đó nhắc nhở chúng ta rằng mặc dù chúng ta mang danh người tín hữu tin theo Chúa, đạo gốc, từng giữ đạo bao nhiêu năm, nhưng chúng ta chưa là chứng nhân đích thực của Chúa, chưa lan tỏa tỏa một chút gì là chứng tá Tin Mừng Ki-tô giáo. Vì thế, chính Đức Thánh cha Phao-lô VI cũng đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Còn Đức cố Hồng y Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Văn Thuận cũng đã nhắc lại một câu nói sau đây của ông Mahatma Gandhi, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng của Ấn Độ: “Tôi yêu Chúa Kitô, nhưng tôi không yêu người Kitô hữu, vì họ không giống Chúa Kitô”. Quả thực, đây là một câu nói đáng cho ta suy nghĩ...

Công đồng Vat.II đã nói rõ hơn về vai trò của chứng nhân Ki-tô hữu thế này: Trước mặt nhân loại, mỗi giáo dân phải là chứng nhân của sự Phục sinh và sự sống của Chúa Giêsu, đồng thời là dấu hiệu của Thiên Chúa hằng sống. Tất cả và mỗi người góp phần nuôi dưỡng thế giới bằng những hoa trái thiêng liêng (x. Gl 5, 22) và truyền bá cho thế gian tinh thần của những người nghèo khó, hiền lành và hiếu hoà, những người mà Phúc Âm Chúa đã tuyên bố là có phúc (x. Mt 5, 3-9). Tóm lại, người Kitô hữu hãy làm cho thế giới sống như linh hồn làm cho thân xác sống.” (Vat.II, LG 37).

3.4. Ki-tô hữu yêu mến sự Thiện hảo và say mê làm việc thiện

Câu hỏi đặt ra là tại sao hướng về điều thiện, làm việc thiện và luôn say mê yêu mến sự thiện hảo lại là một trong những đặc điểm nổi bật của căn tính Ki-tô hữu. Đức Thánh cha Phan-xi-cô đã có dịp nói về 3 nét làm nên căn tính Ki-tô hữu. Theo đó ngài đã phác họa chân dung người Ki-tô hữu tốt lành, đó là người phải luôn cảm nhận nơi bản thân mình phúc lành của Chúa và không ngừng làm việc thiện. Ngài cho rằng người Ki-tô hữu là người luôn bước trên đường hướng tới sự hoàn thiện, hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Đấng cứu chuộc chúng ta. Họ không dậm chân tại chỗ nhưng phải luôn hướng về phía trước, phải tiến bước. Có những người giống như nhân vật trong dụ ngôn, khi nhận được nén bạc từ ông chủ thì đi chôn giấu vì sợ thất bại vì sợ hãi ông chủ. Người ấy không bước đi và làm cho cuộc sống bế tắc. Người Kitô hữu thì luôn bước trên hành trình tiến về phía trước, và không ngừng cố gắng làm việc thiện. [11]

Chúng ta yêu mến sự thiện hảo bởi vì cội rễ của chúng ta thuộc về Đấng Thiện Hảo. Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 3,48). Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6, 36)

Chúng ta say mê làm việc thiện là vì chúng ta thuộc về hàng ngũ con cái Thiên Chúa, mà Người là Tình Yêu (x.1Ga 4, 16). Do đó yêu thương là bản chất của Ki-tô hữu. Đức Ki-tô đã có những lời tâm huyết như sau: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15, 12-15)

Thánh Gio-an đã nêu kinh nghiệm này, “Phần chúng ta, chúng ta hãy yêu thương, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4, 19-21)

Các thánh là những người không yêu mến một cách hời hợt, bằng môi bằng miệng nhưng là qua sự dấn thân trọn vẹn với cả con người và cuộc sống mình. Mẹ thánh Tê-rê-xa Cal-cut-ta đã nói ngắn gọn thế này: “Cuộc sống nếu như không sống vì người khác thì đó không còn là cuộc sống nữa.” Đức Thánh cha Phan-xi-cô cũng đã nhắc nhở: Tất cả chúng ta cần phải nhìn nhau với cặp mắt yêu thương của Đức Kitô, và phải học cách ôm lấy những người nghèo khổ, để cho họ thấy sự gần gũi, cảm tình và lòng yêu thương của chúng ta.

Trong bài ca Đức Mến (1Cr 13), thánh Phao-lô cũng đã đề cập đến tình yêu Agapê như là đỉnh cao của đời sống Ki-tô hữu. Ngài coi đó như con đường trổi vượt hơn cả. Con đường mà nhờ đó người tín hữu ra khỏi chính mình mà đến với tha nhân. “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được...” (1Cr 13, 4-8)

Thực vậy, đời sống của các thánh và của chúng ta dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục Sinh, phải là ngọn đèn sáng lan tỏa sự nồng ấm của lòng mến Ki-tô giáo. Như thánh Phao-lô đã khuyên nhủ các tín hữu Cô-lô-xê: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo.” (Cl 3, 12-14)

Quả thực, việc nên thánh trong khi thực thi bác ái Ki-tô giáo sẽ giúp chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa một cách thâm sâu nhất, đồng thời cũng giúp ta gặp gỡ anh em mình một cách cụ thể, chân thực nhất. Chúng ta biết rằng, một khi thực thi lòng mến Chúa, yêu người một cách trọn hảo thì chúng ta sẽ minh chứng được căn tính Ki-tô hữu đích thực của mình, đồng thời đó cũng được coi là bảo chứng chắc thực chúng ta thuộc về Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô./.

Aug. Trần Cao Khải

_______________

[1]https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-09/su-diep-duc-thanh-cha-goi-cong-doan-cong-giao-viet-nam.html

[2] https://tgpsaigon.net/bai-viet/ba-net-lam-nen-can-tinh-nguoi-kito-huu-50026

[3] http://giaoxuvnparis.org/bai-viet/202-can-tinh-nguoi-cong-giao-viet-nam.html

[4] https://gpcantho.com/bai-6tim-hieu-ve-can-tinh-linh-muc/ 

[5] LM Stêphanô Huỳnh Trụ - Tìm hiểu Từ vựng Công giáo – NXB.TG Hà-Nội 2021 trang 273

[6] LM Stêphanô Huỳnh Trụ - Sđd trang 271-272

[7] https://www.simonhoadalat.com/giaohoi/nam2012/Thang5/29Abba.htm

[8] https://tgpsaigon.net/bai-viet/ba-net-lam-nen-can-tinh-nguoi-kito-huu-50026

[9] ĐGM GB Bùi Tuần – Làm chứng cho Đức Kitô tới tận cùng trái đất – GP Long Xuyên năm 2000 trang 111

[10] https://vntaiwan.catholic.org.tw/banhca/banhca02.htm 

[11] https://tgpsaigon.net/bai-viet/ba-net-lam-nen-can-tinh-nguoi-kito-huu-50026

 

 

 

 

 

Nguồn tin: