Ngày nay, những người tự xưng là Ki-tô hữu có thể vẫn xem Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng cứu độ nhưng rất nhiều người trong số họ lại không cho rằng Giáo Hội Công Giáo là cần thiết để con người được cứu độ. Họ đưa ra những lý do như Giáo Hội vẫn nhiều tội lỗi, những giáo huấn của Giáo Hội đã xa rời lời dạy ban đầu của Chúa Giê-su… Tất nhiên, bài viết dưới đây vẫn thừa nhận sự cần thiết của Giáo Hội trong công trình cứu độ của Thiên Chúa. Bài viết nhấn mạnh vai trò nối kết giữa Giáo Hội và Chúa Giê-su. Giáo Hội có cần thiết là vì nó liên kết mật thiết với Chúa Giê-su. Từ đó, Giáo Hội luôn phải hoán cải để có thể trở nên hiện thân của Chúa Giê-su cho thế giới.
GIÁO HỘI CÓ CẦN THIẾT KHÔNG?
Giáo Hội có cần thiết không? Trước tiên, chúng ta tìm hiểu xem “Giáo Hội” là gì? Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium (LG) định nghĩa: “Trong Chúa Kitô, Giáo Hội là Bí Tích, nghĩa là dấu chỉ và phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hợp nhất mọi người” (số 1). Để làm rõ hơn chiều kích Bí Tích của Giáo Hội, Hiến Chế Tín Lý tuyên bố rằng “Giáo Hội là Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ” (số 48). Như vậy, tính cần thiết của Giáo Hội gắn bó chặt chẽ với mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu Kitô đến mức có thể nói, chỉ nơi Giáo Hội, nhiệm cục cứu độ của Thiên Chúa mới được hoàn tất trên trần gian.
Thuở ban đầu, Giáo Hội xuất hiện như một nhóm những môn đệ tin vào Chúa Giêsu và đi theo Người, có Người ở giữa họ. Chính Chúa Giêsu đã thiết lập Nhóm Mười Hai và từ giữa nhóm này, Người đã đặt tông đồ Phêrô làm “Đá Tảng” để xây dựng “Giáo Hội” của Người (x. Mt 16,18). Rõ ràng, Giáo Hội ngay từ đầu đã không chỉ giới hạn vào Nhóm Mười Hai nhưng còn mở rộng ra cho những người nhờ lời chứng của các Tông Đồ mà tin và Chúa Giêsu Kitô (x. Ga 17, 20). Nhờ khởi nguồn từ chính kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha (x. LG 2) và được thiết lập bởi chính Con Thiên Chúa làm người mà Giáo Hội vừa mang gương mặt nhân loại, nghĩa là gồm những con người tin vào Chúa Giêsu, vừa mang dấu chỉ cho sự hiện diện của Thiên Chúa, nghĩa là trở thành Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ. Giáo Hội này được Chúa Giêsu Kitô yêu thương đến nỗi Người đã “hiến mình vì Giáo Hội” (x. Ep 20, 25). Thật vậy, Tân Ước đã diễn tả Giáo Hội như là Thân Mình của Chúa Kitô (x. 1Cor 10,16-17), là Hiền Thê của Chúa Kitô (x. Kh 19, 8), và là “Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” (x. Ep 2,21-22). Những hình ảnh này nói lên tương quan mật thiết giữa Chúa Kitô và Giáo Hội, đồng thời cũng nhìn nhận vai trò quan trọng và thiết yếu của Giáo Hội trong công cuộc cứu chuộc của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Khi tìm hiểu Giáo Hội là Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ và là phương tiện hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất mọi người (x. LG 1; 48), chúng ta cũng đặt ra câu hỏi: “Liệu một Giáo Hội như thế có cần thiết cho con người hôm nay không?” Thiết tưởng chúng ta chưa cần đi ngay vào câu trở lời “có” hoặc “không” khi chưa xem xét đến sứ mạng của Giáo Hội do Chúa Kitô thiết lập. Và sâu xa hơn, chúng ta sẽ không thể nào hiểu được sứ mạng của Giáo Hội nếu chúng ta chưa nhận ra sứ mạng của Chúa Giêsu trên trần gian. Theo Tin Mừng Gioan, “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.” (x. Ga 3, 17) Con đường cứu độ của Con Thiên Chúa là con đường thập giá và phục sinh, nơi đó Con Thiên Chúa “hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. Mt 20, 28). Sứ mạng cứu độ này xuất phát từ Chúa Cha, được thực hiện nơi Chúa Con trong Chúa Thánh Thần, và được giao phó cho Giáo Hội, “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (x. Ga 20, 21). Nêu gương vị Thủ Lãnh là Chúa Kitô, Giáo Hội vừa tiếp nối nhưng cũng vừa đi lại những bước chân Chúa Giêsu đã đi trên trần gian, đó là bước vào mầu nhiệm nhập thể, tử nạn và phục sinh của Con Thiên Chúa. Trong Chúa Kitô, Giáo Hội tiếp tục rao giảng Tin Mừng Nước Trời, tiếp tục chữa lành, tha tội, thánh hóa và đem ơn giải thoát đến cho muôn người. Nói theo ngôn ngữ của thần học gia Louis-Marie Chauvet, Giáo Hội chính là dấu chỉ cho “sự hiện diện vắng mặt của Chúa Kitô” (the presence-of-the-absence of Christ).[1] Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Giáo Hội được biểu thị qua việc cử hành Lời Chúa, cử hành Bí Tích, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, và qua đời sống phục vụ. Như vậy, xét trong chính nhiệm cục cứu độ, nhờ tiếp nối và thi hành sứ mạng của Chúa Kitô nơi trần gian mà sự hiện diện, hoặc sự hiện hữu, của Giáo Hội là thiết yếu.
Mầu nhiệm về Giáo Hội là Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ chỉ có thể được hiểu dưới ánh sáng Phục Sinh. Quả vậy, Chúa Kitô Phục Sinh vẫn luôn hiện diện ở trong Giáo Hội, nơi những Kitô hữu tụ họp nhân danh Người (x. Mt 18, 20). Thực tại về hiện diện sống động của Đấng Phục Sinh ở trong lòng Giáo Hội không phải là kết quả của niềm tin hay đến từ những chứng cứ Phục Sinh (mà thực sự chẳng có chứng cứ nào khác ngoài ngôi mộ trống! (x. Ga 20), nhưng đến từ lời hứa của chính Đấng Phục Sinh, “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (x. Mt 28, 20) Ở chỗ này cho phép chúng ta hiểu về Giáo Hội như một nhóm những người tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, và nhóm này, theo định nghĩa của Yves Congar, là cộng đoàn những người được Chúa Cha kêu gọi để nhận biết Chúa Con, Đức Giêsu Kitô, là Chúa [Phục Sinh] nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngang qua Lời, qua Bí Tích, qua việc làm chứng, qua việc phục vụ, để cộng tác với sứ mạng của Chúa Giêsu nhằm tìm kiếm lợi ích cho Nước Thiên Chúa.[2] Và cho đến hôm nay, cộng đoàn những người tin hay Giáo Hội này được chính Chúa Giêsu Phục Sinh sai đi loan báo Tin Mừng Nước Trời giữa lòng thế giới (x. Mt 28, 19). Như vậy, Giáo Hội tuy là một nhóm định danh nhưng mở ra và lớn lên trong thế giới.[3] Nơi Giáo Hội này, Thiên Chúa Ba Ngôi đến gặp gỡ con người, và con người đến gặp gỡ Thiên Chúa. Sự gặp gỡ hay mối quan hệ hỗ tương này diễn ra trong bầu khí của Bí Tích. Quả vậy, Giáo Hội hiểu Bí Tích như là dấu chỉ bên ngoài để chuyển thông thần lực bên trong, và theo cách hiểu của Lumen Gentium, Giáo Hội vừa là dấu chỉ (sign) vừa là phương tiện (instrument) để nơi đó, con người được hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa, được hiệp nhất với nhau, và để được chuyển thông ơn cứu độ (x. LG 1; 48). Ở đây, vấn đề không phải là ơn cứu độ ở bên trong hay bên ngoài Giáo Hội cho bằng, nói theo ngôn ngữ của Louis-Marie Chauvet, nơi Giáo Hội, ơn cứu độ được nhận ra (recognized salvation).[4] Ơn cứu độ nơi Giáo Hội của Chúa Kitô không đơn thuần mang chiều kích hiện sinh nhưng còn mang chiều kích cánh chung. Quả vậy, Đấng đã tuyên bố “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (x. Ga 10, 10) vẫn đang là “cửa” chuồng chiên (x. Ga 10, 9 ) của Giáo Hội, để nơi Người, con người ở mọi thời tìm được ý nghĩa cho hiện hữu của mình và sau cùng, được hưởng ơn cứu độ là sự sống đời đời.
Như thế, tương quan giữa Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội là chìa khóa để trả lời cho câu hỏi: “Giáo Hội có cần thiết không?” Ở đây chúng ta cần phân biệt hai yếu tố: Bí Tích của ơn cứu độ và chính ơn cứu độ. Giáo Hội được định nghĩa là Bí Tích của ơn cứu độ, và Chúa Kitô là ơn cứu độ. Giáo Hội hiện hữu vì Chúa Kitô, mặc dầu, nói theo cách hiểu của William Henn, Chúa Kitô thiết lập Giáo Hội không phải vì mục đích muốn cho Giáo Hội làm điều gì tốt cho xã hội nhưng vì Người yêu Giáo Hội, như người chồng yêu người vợ, và Người đã hiến mạng sống vì Giáo Hội.[5] Thế nên, câu hỏi mấu chốt và cụ thể hơn phải là “Giáo Hội có cần thiết cho ơn cứu độ không?” Xét về bản chất, ơn cứu độ là cần thiết (cho sự cứu rỗi của con người) vì ơn cứu độ được đồng hóa với chính Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất. Như thế, Giáo Hội cần thiết ở chỗ Giáo Hội là phương tiện cần thiết của ơn cứu độ. Một lần nữa, chúng ta suy xét về tương quan giữa Chúa Kitô và Giáo Hội: Chúa Kitô là Đầu của Giáo Hội là Thân Mình, và Chúa Kitô là Tân Lang của Tân Nương là Giáo Hội. Hai hình ảnh ẩn dụ này nói lên mối tương quan mật thiết và sâu xa giữa Chúa Kitô và Giáo Hội đến nỗi có thể hình dung Chúa Kitô và Giáo Hội là Một Thân Thể. Tuy nhiên, tương quan nên một này chỉ có thể được hiểu trong chiều kích Bí Tích khi nơi Giáo Hội, mọi Kitô hữu “thực sự thông phần vào Thân Mình của Chúa trong việc bẻ bánh Thánh Thể” (x. LG 7), và sự nên một này là kết quả của việc trở nên “giống Chúa Kitô cho đến khi Người được hình thành trong họ” (x. LG 7). Do đó, tính cần thiết của Giáo Hội được xem xét dưới hai khía cạnh: thứ nhất là tính Bí Tích của Giáo Hội; thứ hai là tính trở nên (becoming) của Giáo Hội. Nói cách khác, Giáo Hội không cần thiết nếu Giáo Hội không trở nên là Bí Tích của Chúa Kitô. Rõ ràng, Giáo Hội đang ở trong tình trạng căng thẳng, theo như cách Richard P. McBrien diễn tả, giữa cái “đã là” (already) của sự phục sinh và cái “chưa hoàn tất” (not yet) của lần giáng lâm thứ hai của Chúa Kitô. Hay có thể hiểu Giáo Hội là Thân Thể “đã là” của Chúa Kitô khi hiểu ở ý nghĩa này và là Thân Thể “chưa hoàn tất” của Chúa Kitô ở cách hiểu còn lại.[6]
Tóm lại, Giáo Hội hiện diện nơi trần gian cho con người và vì con người, như chính Chúa Giêsu đã nhập thể làm người và ở giữa nhân loại để ban ơn cứu độ cho toàn thế giới. Mc Brien đã diễn tả rất chính xác khi cho rằng “Giáo Hội là Bí Tích của Chúa Kitô, nhưng nếu Giáo Hội không sống như Chúa Kitô, thì dấu mà Giáo Hội chỉ đến là một thực thể không tồn tại – và lúc này, Bí Tích chỉ là một sự lừa dối.”[7] Quả vậy, hơn bao giờ hết, Giáo Hội hôm nay được mời gọi thực hiện một cuộc hoán cải và canh tân thực sự để qua Giáo Hội, gương mặt của Chúa Kitô, Đấng đã đến và thức tỉnh nhân loại, được tỏ hiện cho muôn dân, muôn nước.
Trần Thanh Minh, S.J.
[1] x. Louis-Marie Chauvet, Symbol and Sacrament: A Sacramental Reinterpretation of Christian Existence, tr. Patrick Madigan & Madeline Beaumont (Collegeville: Pueblo, 1995), 186.
[2] x. Richard P. McBrien, The Church: The Evolution of Catholicism (New York: HarperCollins e-books, 2008), 3.
[3] x. Louis-Marie Chauvet, Symbol and Sacrament: A Sacramental Reinterpretation of Christian Existence, tr. Patrick Madigan & Madeline Beaumont (Collegeville: Pueblo, 1995), 180.
[4] Ibid;
[5] x. William Henn, Church: The People of God (London: Burn & Oates, 2004), 9.
[6] x. Nguyên văn Anh ngữ: “She [the Church] is, in one sense, ‘alreday’ the Body of Christ – and, in another real sense, ‘not yet’ his Body.” (x. Richard P. McBrien, Do We Need the Church? (New York: Haper & Row, 1969), 139.
[7] x. Richard P. McBrien, Do We Need the Church? (New York: Haper & Row, 1969), 124.