Đức Tin Và Sự Hiện Hữu Của Con Người

Tue,12/10/2021
Lượt xem: 2937

Phạm Văn Huỳnh

Con người là hữu thể ‘hướng về’. Nghĩa là, con người được Thiên Chúa ‘cấy’ vào cõi lòng một niềm khao khát hướng về siêu việt. Giáo Hội Công Giáo đã cho thấy được chiều kích sâu thẳm trong mối quan hệ này: tự bản tính và do ơn gọi, con người là một hữu thể có tôn giáo.[1] Như thế, chỉ có con người là hữu thể nhân linh duy nhất biết khắc khoải về vận mệnh của mình. Nói khác đi, câu hỏi về sự hiện hữu của con người cũng bắt nguồn từ việc con người đặt niềm tin vào Thiên Chúa. Con người dù là “linh ư vạn vật”, nhưng ở con người vẫn còn đó sự mong manh, kém hoàn bị do tổ hợp của tiềm thể/hiện thể. Sự hạn chế này không là một điều xấu hay là một “cớ vấp phạm” mà Thiên Chúa tác tạo nơi con người, nhưng nó là ‘mảnh đất’ tốt để sự tự do đích thực của con người được triển nở đúng nghĩa. Điều quan trọng, con người ý thức sự hiện hữu của mình luôn là ‘sự thiếu’ và nó được bù đắp không ai khác ngoài Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu. Và, nhiệm vụ của con người chỉ việc đặt niềm tin vào Thiên Chúa.

1.   Câu hỏi về niềm tin: một vấn đề cấp thiết của nhân học

Trước khi chúng ta bàn đức tin dưới ánh sáng của mặc khải, thiết nghĩ chúng ta cần bắt đầu suy tư vấn đề “chỗ đứng của niềm tin” trong triết học, để thấy được những khả thể nếu như niềm tin là điều gì đó phát xuất từ trong tính bản nhiên của con người. Triết học cũng là nơi mà con người đã vật vã trong những câu hỏi mang tính quyết định ‘sống còn’ của kiếp nhân sinh; nhất là vấn đề siêu hình, các triết nhân đã đưa con người như thể đang sống trong một bầu khí của đạo đức, tôn giáo, chứ không còn thuần tuý là lý tính. Vấn đề về Hữu thể được ‘mặc khải’ qua Parmenide, xuyên qua sự tinh tế của Plato và các triết gia vĩ đại thời Cổ đại đã cho thấy đó là điều ‘đáng để sống’, hơn là điều để bàn luận (doxa). Với I. Kant, điều này được thể hiện rất rõ, “Tôi được phép hi vọng điều gì?” Là câu hỏi chủ chốt, và như xoay chuyển cục diện của vấn đề: đằng sau vấn đề tri thức là vấn đề của đạo đức và niềm tin. Như thế, với Kant, vấn đề siêu hình như là một tính bản nhiên của con người xét là con người. Một cấu trúc nội tại từ chính hữu thể người vươn lên với viêu việt.

Chúng ta nên nhớ rằng với Kant, tôn giáo chỉ như là một điều kiện ‘giả thiết’ trong khi vấn đề tri thức còn bị giới hạn. Soren Kierkegaard thì lại cho rằng[2], tôn giáo là một vấn đề hiện sinh của con người, nghĩa là, đã là con người nhất thiết phải bước qua đời sống tôn giáo. Theo ông, con người chúng ta trải qua ba giai đoạn: thẩm mỹ, đạo hạnh, và tôn giáo. Và giai đoạn tôn giáo là đỉnh cao và là hiện sinh trung thực trong hữu thể người. Trong cuốn “Kinh hãi và run sợ”, ông đã thắc mắc hành động của Ápraham, đồng thời phân tích và đưa đến một số nhận định. TIN là hành vi là mấu chốt làm nên con người của đời sống tôn giáo. Theo Kierkegaard, tin có hai chuyển động, thứ nhất là sự nhẫn nại vô cùng, thứ hai là tin tưởng sẽ vãn hồi được tất cả. Kierkegaard nhận thấy, đời sống tôn giáo giải thoát con người khỏi những cái thiện cận và tầm thường của luân lý duy nhiên. Cái lý lẽ của tôn giáo là không lý lẽ, xét trên bình diện thuần lý. Đức tin thì hoàn toàn vượt xa tầm mức lý trí, không gì khác, đòi buộc một “cú nhảy” trong thái độ tin và yêu.

Martin Heidegger quan niệm[3], con người là Dasein – là một hiện hữu như một hiện diện, là hữu thể mà bản chất là mở ra và chào đón ý nghĩa vạn vật. Theo ông, hiện hữu là tự vượt qua mình để đạt tới cái khả hữu của mình, nghĩa là bỏ qua cái mình hiện nay để tới một hiện hữu đang ẩn hiện trước mắt mình. Cái búa, cái tủ, con chó, con bò,…cũng hiện hữu, duy chỉ có con người là hữu thể biết suy tư về hiện hữu của chính mình, là hiện hữu suy nghĩ, là hiện hữu chiêm niệm. Tuy vậy, hiện hữu của con người bị giới hạn bởi thời gian tính, và dó đó, con người là hữu thể hướng về cái chết. Dầu vậy, cái chết không là một chấm dứt hiện sinh nhưng là sự ‘mở ra’, để hiện hữu bất tận.

Con người tự bản chất không chỉ là những hữu thể bị giới hạn bởi vật chất hay tri thức sự vật, nhưng là sự mở ra với siêu việt nhờ niềm tin. Cả Kierkegaard và M. Heidegger đều cho thấy, nhờ niềm tin con người tìm được lí lẽ của hiện hữu. Liệu “Tôi tư duy” đã đủ để “tôi hiện hữu” chưa? Nếu ổn, thì chắc chắn rằng trong tư duy đó đã có bao gồm cả niềm tin; còn không, chắc chắn sự hiện hữu đó chỉ là tạm bợ hay đơn thuần là một mệnh đề thuần lý trong đầu mà thôi. Chúng ta có thể mượn ý tưởng đó của Descartes để xác tín thêm rằng, “Tôi tin, nên tôi hiện hữu”. Chúng ta đừng vội lầm tưởng rằng, niềm tin triết học chỉ là “giả thiết”, dù nó phát xuất từ trong cấu trúc suy lý của con người. Nhưng, nó là lý chứng như “mầm logos” mà Thiên Chúa đã đặt để trong con người. Và chúng ta cần thêm những lý chứng chắc chắn dưới ánh sáng mặc khải của Thiên Chúa

2.   Đức tin theo nghĩa thần học như một đáp ứng lại niềm tin theo nghĩa nhân học

Nếu niềm tin dưới khía cạnh nhân học tự nó đã khai mở, siêu vượt, một sự chờ đợi trong hi vọng, thì phải chăng đức tin, trong chân trời mặc khải đồng thời là kinh nghiệm lịch sử, thực sự đáp ứng lại niềm tin, xét như là chiều kích căn bản đồng thời là khát vọng sâu xa của con người? Chúng ta hãy bắt đầu với câu chuyện của ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã đích thân đến kêu gọi ông đến một mảnh đất xa lạ, không một dữ kiện nào được biết đến, ngoài việc biết đó là điều Thiên Chúa phán. “Nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Thiên Chúa còn muốn ông tự tay giết đứa con một là I-xa-ác để hiến tế cho Người. Ông đã thi hành tất cả những gì Thiên Chúa phán, với tất cả niềm tin. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không để điều này xẩy đến. Vì thế, ông được gọi là “tổ phụ tất cả những người tin” (Rm 4,11.18). Ở đây, Thiên Chúa không là một ‘ý niệm’ phát sinh từ trong tư tưởng của con người, nhưng chính là Lời, là Tư Tưởng từ bên ngoài con người vào. Ông đã đi vào chính trong tương quan liên vị với Thiên Chúa, qua sự ‘đối thoại’, vì Thiên Chúa mà ông đang đối thoại “là Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-xa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,15). Đức tin của ông chỉ dựa vào một nền tảng duy nhất là Lời, là Lời Hứa, là Lệnh Truyền, vì “tin chủ yếu là tin tưởng phó thác vào cái không do con người làm ra cũng không bao giờ có thể làm ra được, và chính vì thế nó mới thực sự là nền tảng nâng đỡ cũng như mở ra các khả thể cho hành động con người”[4]. Nhờ đức tin, ông đã tìm thấy sự hiện hữu đích thực của chính mình, và còn mang lại sự ‘tồn vong’ cho cả dân tộc Ít-ra-en. Qua sự hữu hiệu của đức tin, cá nhân ông đã mở ra ơn cứu độ cho toàn thể dân tộc: “cá thể mở ra cho toàn thể”.

Lịch sử dân Ít-ra-en là lịch sử đức tin. Đức tin đã có mặt trong mọi biến cố của dân tộc Ít-ra-en. Qua đó, Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu thương và cho thấy Ngài là “Thiên Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (Đnl 6,4-5). Hơn hết, đức tin chính là nền tảng của sự hiện hữu của toàn dân tộc. Qua Môsê, Thiên Chúa đã mặc khải cho dân biết Ngài luôn là Đấng gần kề, Đấng luôn sẵn sàng giúp đỡ, Đấng sẽ giải thoát dân tộc: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Đáp lại từ phía dân là lòng tin, tin vào sự thực hữu của Thiên Chúa: “Các ngươi mà không vững tin, các ngươi sẽ không vững được” (Is 7,9).

Dẫu sao, Đấng Hiện Hữu vẫn là Đấng Hằng Ẩn Dấu, là Hữu Thể Tuyệt Đối bất biến và siêu việt trên tất cả mọi. Dĩ nhiên, đây là lý thuyết hợp với tính tư duy của con người. Nhưng tư tưởng của Thiên Chúa thì không như tư tưởng của loài người: “Như trời cao hơn đất thế nào, đường lối Ta vượt trên các đường lối các ngươi thế ấy” (Is 55,9). Hữu Thể Bất Biến lại trở nên khả khác trong cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria. Tiếng “xin vâng” của Đức Maria là điều kiện khả thể bỏ đi khoảng cách giữa vô hình và hữu hình: Thiên Chúa đã trở nên một người phàm, giống ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi, và cu ngụ giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Đức Maria gạt bỏ mọi lý lẽ của kinh nghiệm con người, và chấp thuận những ‘đề nghị’ từ sứ thần của Thiên Chúa bằng đức tin. Như thế, tin là hành vi của trí tuệ gắn bó với chân lý của Thiên Chúa, dưới sự điều động của ý chí được ân sủng của Thiên Chúa lay động[5].

“Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14), nay không chỉ danh, nhưng là một con người thực hữu mà chúng ta có thể đụng chạm, là Đức Giêsu thành Nazareth. Thiên Chúa đã đi vào trong lịch sử chật hẹp và giới hạn của con người, cái hữu hạn chứa đựng cái Vô Hạn. Triết lý Hy Lạp coi đây là điều phi lý, điên rồ; là điều lố bịch, nỗi ô nhục với người Do Thái. Quả là điều khó mà chấp nhận xét trên bình diện thuần lý! Nhưng thử tự vấn rằng, Thiên Chúa toàn năng lại không tự mình làm được điều đó hay sao? Người toàn năng thì tự tạo ra mọi cái như ý muốn. Nếu cần đến một ai khác, hay một vật gì khác thì đâu gọi là toàn năng. Nếu Thiên Chúa ‘phải’ là Đệ Nhật Động Cơ, Đấng Hoàn Toàn Khác, Hữu Thể Tuyệt Đối, …mãi cách xa con người, thì con người toàn năng thì đúng hơn. Điều quan trọng hơn hết, “Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2). Điều này cũng đồng nghĩa, Người là “khởi nguyên và cùng tận” (Is 44,6). Đức tin của Áp-ra-ham, của dân tộc Ít-ra-en, hay của Đức Maria, của chính chúng ta sẽ chẳng là gì nếu không nhờ đến công nghiệp của chính Đức Giêsu: nhập thể, chịu nạn, và phục sinh. Nói khác đi, sự ‘hữu’ đích thực của chúng ta đều nằm trong “Biến Cố Đức Giêsu”, nếu chẳng có sự sống lại của Chúa Giêsu thì mọi lý lẽ hiện hữu đều là hư vô (x. 1Cr 15,14).

Con người tự bản tính là hữu thể có tương quan. Nghĩa là, không một ai là hòn đảo riêng, con người là sống cho và sống với. Con người theo nguyên lý ‘thể xác’ thì khác biệt nhau, ngay cả sinh đôi. Nhưng, nối kết và ràng buộc lẫn nhau trên nguyên lý “tính thể xác”, nghĩa là tôi sinh ra nhờ ai, sống cùng ai,… Giáo Hội chúng ta không nhấn mạnh đến cá thể, mà là toàn thể. Và sự kiện Thiên Chúa làm người qua con người Đức Giêsu chính là nền tảng đức tin Kitô giáo chúng ta. Chúng ta nhờ tin vào một người mà được cứu độ, nghĩa là Cá Thể mở ra cho Toàn Thể. Niềm tin vào một Cá Thể lịch sử, và mở ra cả một bầu trời hiện sinh nhân bản mới là điều không hề dễ dàng. Nó là phạm trù của đức tin, và nói theo ngôn ngữ của Pascal thì chúng ta phải ‘đặt cược’. Đức Giêsu là Ađam mới, cũng phát xuất từ Thiên Chúa – triệt để hơn Ađam đầu tiên, vì Ađam đầu tiên được hiện hữu là do hơi thở từ Thiên Chúa, nhưng Ađam mới thực sự là “Con”[6].

3.   Mối nguy hại cho sự hiện hữu con người

Tin và hiện hữu là mối quan hệ hữu cơ, tương quan biện chứng. Vì thế, trong đề mục này chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu những ‘kẻ thù’ của đức tin. Nhìn vào thăng trầm của của dòng lịch sử Giáo Hội, chúng ta có thể thấy rõ, Giáo Hội đã đương đầu với hai kẻ thù lớn nhất, và có thể nói có nó thì không có đức tin: đó là Ngộ đạo và Pêlagiô thuyết.

Ngộ đạo thuyết là ảo tưởng về một tri thức hoàn hảo, giải thích mọi lẽ huyền vi của vũ trụ dựa trên nguyên lý nhị nguyên (thần lành, thần dữ), được mạc khải riêng, truyền đạt bởi những người được khai tâm. Đây là một trong những ý thức hệ tệ hại nhất, vì khi đề cao quá mức tri thức hoặc một kinh nghiệm nhất định, thuyết này xem cái nhìn cùa mình về thực tại là hoàn hảo. Do đó, tự bản chất, ngộ đạo thuyết muốn làm chủ cả mầu nhiệm[7]. Như thế, với ngộ đạo thuyết, đức tin không có ‘chỗ đứng’. Nói khác đi, con người không ý thức đủ về sự hạn hẹp của lý trí, để mở ra với những hiểu biết nhờ đức tin. Thực tế, cả triết học, và nhất là thần học, con người đã khiêm tốn và đón nhận đức tin như một thực tại cho những khả thể của con người, để nhờ đó, “đức tin đi tìm kiếm sự hiểu biết”.

Ngộ đạo thuyết cũng là nguyên nhân mở đường cho sự ra đời của Pêlagiô thuyết, chỉ tin vào năng lực của bản thân và coi mình hơn những người khác, tất cả nhờ ý chí con người[8]. Thuyết này đã đề cao ý chí con người, coi ân sủng chỉ là thứ ‘thành phẩm’ thêm vào mà thôi. Như thế, đức tin không phải là vấn đề quan trọng, vì tự con người họ có thể ‘cứu độ’ chính họ. Thánh Augustinnô và các giáo phụ đã chống lại lạc thuyết này, đề cao sự tác động của ân sủng và đức tin, vì con người được nên công chính hoá và đích thực nhờ tin vào Chúa Kitô (x. Rm 3,22).

Ngộ đạo và Pêlagiô thuyết là hai kẻ thù tinh vi ‘giết chết’ đức tin của chúng ta. Nói khác đi, những chủ trương này là cá nhân chủ nghĩa cực đoan, và coi mình là Thiên Chúa. Sự hiện hữu của con người không được đặt trong tương quan với đức tin, nghĩa là không có tương quan với Thiên Chúa là chính sự hiện hữu. Điều này cũng như triết gia J.P. Sartre đã nhận định, cái chết chấm dứt mọi dự phóng hiện sinh con người.

Kết: Tôi tin, nên tôi hiện hữu. Quả thế, đời sống hiện tại ví như những mảnh ghép rời rạc, và được nối kết với nhau thành một bức tranh sống động nhờ ‘keo dính’ là niềm tin. Mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta trở nên khả tín cũng nhờ niềm tin. Có niềm tin, tôi dám ăn, ngủ, đi lại,… Có niềm tin tôi học tập, vui chơi. Và có niềm tin, tôi tư duy. Tư duy là hoạt động cao nhất của con người, là khả năng cho thấy sự trỗi vượt trên mọi thụ tạo. Nhưng, làm sao tư duy mà không thể không có niềm tin? Chúng ta không sợ sai lầm khi nhận định rằng, tin là tư duy. Bởi lẽ, chính trong bản chất, đức tin bao gồm những nội dung của mặc khải. Tin sẽ là điều kiển mở ra khả thể cho sự tư duy của con người. Tin mang tư duy của con người đến với những hiểu biết về sự thật thường hằng, về thế giới thực tại hữu thể. Và quan trọng hơn hết, chính lúc con người tin, nghĩa là con người ý thức về sự hiện hữu của mình, một sự hiện hữu trong và chỉ trong Thiên Chúa, Đấng Hiện Hữu.



[1] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 44.

[2] x. Samuel Enoch Stumpf (Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch), Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, Nxb. Lao Động, Hà Nội, 2007, 384-386.

[3] x.Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2012, 351-360.

[4] ĐGH Bênêđictô XVI (Lm Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Loan dịch), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Nxb.Tôn giáo, Hà Nội, 2009, 70.

[5]Tôma Aquinô, Summa Theologiae II-II, q.2, a.2

[6] ĐGH Bênêđictô XVI (bản dịch của Lm Nguyễn Văn Trinh), Đức Giêsu thành Nagiarét – phần 3, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2013, 23.

[7] ĐGH Phanxicô (GM Gioan Đỗ Văn Ngân, chuyển ngữ), Tông huấn Hãy Vui Mừng Hoan Hỉ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2018, số 41, tr. 30.

[8] Ibid., số 49, 35-36

Nguồn tin: