Đức Giêsu Kitô - Khuôn Mẫu Của Tình Bạn Kitô Giáo

Tue,25/05/2021
Lượt xem: 4222

Lm. Hoa Thập Tự

Trích từ tập san Đức Tin & Văn Hóa, số 15

 

 

Dẫn nhập

“Tình yêu” - hạn từ có thể diễn tả mọi khía cạnh của cuộc sống, và cùng với khái niệm đó, chúng ta có thể đề cập tới một thuật ngữ khác - “Tình bạn”. Nếu vắng bóng tình yêu và tình bạn, cuộc sống này sẽ ra sao? Sẽ trở nên vô nghĩa, cằn ci và không đáng sống. Aristotle (384-322 TCN) khi nói về tầm quan trọng của tình bạn, đã khẳng định: “Tình bằng hữu là điều vô cùng cần thiết cho cuộc sống: không có tình bạn thì không ai muốn sống, dù sung túc mọi thứ.[1] Theo ông, mục đích của tình bạn, như ở phần đầu của cuốn Đạo đức học - Nicomachean, được liên kết bởi tất cả những gì là chung, rằng: “Những gì của bạn bè là những gì chung, vì tình bạn hệ tại ở sự hiệp thông – κοινονία.” Với Plato (427-347 TCN) – triết gia của thế giới linh niệm, trong tác phẩm Yến Hội, đã triển khai mô hình thuần khiết hơn của tình yêu, philia.[2] Theo Plato, philia đóng vai trò quan trọng trong cái đẹp và điều thiện hảo. Vẻ đẹp mà chúng ta khám phá ở tình bạn sẽ thúc đẩy chúng ta khám phá vẻ đẹp thực sự vượt ra khỏi thế giới hữu hình. Tình bằng hữu chân chính phải đưa chúng ta vượt khỏi chính mình để hiểu và chiêm ngưỡng được vẻ đẹp đích thực. Với các hiền triết, tình bạn diễn tả vẻ đẹp đáng trân quí của cuộc sống, là thực tại không thể thiếu trong hành trình thành nhân.

Tình bạn có một vị trí đặc biệt trong Kinh Thánh. Tác giả sách Huấn Ca dạy: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc. Ai gặp được người bạn như thế là gặp được kho tàng” (Hc 6,14). Một tình bạn chân thành “không gì đổi lấy được và không cân nào lường được” (Hc 6, 15-16).[3] Trong truyền thống Kitô giáo, người ta nhấn mạnh nhiều tới khái niệm tình bạn thiêng liêng, trong mối tương quan sẻ chia lẫn nhau giữa hai người cùng kiếm tìm lý tưởng thiêng liêng. Theo các Giáo phụ và các tác giả linh đạo tình bạn là một phương tiện để đạt được sự hoàn thiện Kitô giáo.[4] Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi đâu là cội nguồn của tình bạn? Khuôn mẫu thực sự của tình bạn là gì? Chắc chắn, tình bạn tìm thấy nền tảng của nó trong Thiên Chúa Ba Ngôi - Tình Yêu, đồng thời chúng ta có thể khẳng định Chúa Giêsu Kitô là khuôn mẫu đích thực của mọi tình bạn Kitô giáo. Theo đó, tôi muốn tập trung vào chủ đề: “Đức Giêsu Kitô, khuôn mẫu đích thực của tình bạn Kitô giáo dưới ánh sáng của Phúc âm Gioan.” Theo đó, tôi sẽ khai triển chủ đề qua các mục sau: Deus amicitia est, cội nguồn của tình bạn; Chúa Giêsu Kitô, khuôn mẫu đích thực của tình bạn.

1. Deus amicitia est

Nếu tình bạn là một trong những cách diễn tả tình yêu, và điều này, trong tư cách là tình yêu tự hiến tìm thấy gốc rễ từ mầu nhiệm Thiên Chúa, cội nguồn của mọi điều thiện hảo. Chúng ta có thể hiểu theo ý nghĩa mà Aelredo minh định nền tảng của mọi mối tương quan đích thực của tình bạn là chính Thiên Chúa, ông viết:

Thật vậy, Thiên Chúa, quyền năng và tốt lành cách tuyệt đối, là Đấng trọn tốt trọn lành, bởi lẽ Người là toàn thiện, sung mãn và vinh quang trong chính mình Người. Và không cần gì bên ngoài Người: không phải con người hay thiên thần, không phải trời hay đất, cũng không phải bất cứ điều gì hiện diện trong chúng. Mọi thọ sinh đều thưa lên với Người: ‘Ngài là Thượng đế của con, vì Ngài không cần những sự tốt lành của con’. Và Người không chỉ sung mãn trong chính mình mà còn là sự sung mãn của vạn vật, Người đã ban cho một số hiện hữu, để cảm nhận, cho những thứ khác vẫn còn hiểu biết. Người là nguyên nhân của mọi sự vật hiện hữu, sự sống của mọi sinh vật, là trí tuệ của mọi thụ tạo thông minh.[5]

Thiên Chúa – Đấng Tốt, Tình Yêu tiêu biểu cho bến đỗ của suy tư về tình yêu dẫn chúng ta đến việc nhận biết Thiên Chúa là tình bạn trong mối quan hệ nội tại tự thân của Người. Quả thực, Thiên Chúa, Duy nhất và Ba Ngôi, trong ý nghĩa Ba Ngôi, định nghĩa nổi tiếng “Deus amicitia est” cũng nên được đọc. Định nghĩa này bắt nguồn từ bản tính của Thiên Chúa, bản tính của Đấng “Caritas est” (1Ga 4, 16). Chính Tình Yêu làm cho Thiên Chúa duy nhất. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo dạy: “O lux, beataTrinitas et principalis Unitas Unitas. Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc vĩnh cửu, là sự sống bất tử, là ánh sáng không tàn lụi. Thiên Chúa là tình yêu: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa tự ý muốn truyền thông vinh quang của sự sống hạnh phúc của Người”.[6] Aelredo, viện phụ của công trình tâm linh về tình bạn, đã trả lời câu hỏi của Ivo: “Có lẽ tôi nên nói về tình bạn của Chúa Giêsu và môn đệ Chúa yêu, tình bạn gợi nhớ tới tình yêu: Thiên Chúa có phải là tình bạn không?” “Một khẳng định khác thường! Khẳng định tước đi hào quang của Kinh Thánh? Tuy nhiên, tôi không nghi ngờ khi có thể gán cho tình bạn điều được nói sau đây về tình yêu: “Ai có tình bạn thì ở trong Chúa và Chúa ở trong người ấy”.[7] Vì vậy, nền tảng của tình bạn thiêng liêng là tình yêu của Thiên Chúa. Những đặc tính của tình bạn của Ba Ngôi là gì?

Tình bạn của Ba Ngôi hệ tại ở tình yêu trao ban và làm vinh quang lẫn nhau. Do đó, Ba Ngôi là Một, Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi. Các Ngôi Vị thần linh không tách biệt bản tính duy nhất, mỗi Ngôi Vị hoàn toàn là Thiên Chúa: “Cha là tất cả những gì là Con, Con là tất cả những gì là Cha, Chúa Thánh Thần là tất cả những gì là Cha và Con, tức là Thiên Chúa duy nhất trong bản tính.[8] Chúa Cha yêu Chúa Con và đã ban cho Người quyền năng trên mọi huyết nhục (x. Ga 15, 9; 17, 2). Chúa Con đã hiến dâng trọn vẹn cho Chúa Cha qua cái chết trên thập giá của mình như Chúa Giêsu đã nói: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại” (Ga 10, 17). Quả thực, Chúa Con đã “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự” (Pl 2, 8). Qua cái chết trên Thập giá để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa Ba Ngôi đã tôn vinh Đấng thưa lên: “Lạy Cha, giờ đã đến: hãy tôn vinh Con Cha để Con tôn vinh Cha” (Ga 17, 1). Đồng thời, Thiên Chúa Cha đã suy tôn Con của Người: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu… và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi người phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa (Pl 2, 9-11), và Thần Khí của Thiên Chúa, “sẽ tôn vinh Chúa Giêsu” (Ga 16, 14) và Thánh Thần là Đấng “được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con.[9]

Tình bạn của Thiên Chúa diễn tả trong sự duy nhất của Người. Thiên Chúa là duy nhất nhưng không đơn độc vì là Ba Ngôi: “Thầy và Cha Thầy là một” (Ga 10, 30). Sự hiệp nhất của Thiên Chúa được thể hiện cách hoàn hảo trong mỗi Ngôi Vị thần linh, nhờ đó, chúng ta có thể nhận biết Chúa Cha ở trong Con: “Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy? Những lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra; nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14, 10-11). Đó là sự hợp nhất từ nguyên thủy như lời mở đầu của Tin Mừng thứ tư khẳng định: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. Lúc khởi đầu Người vẫn hướng về Thiên Chúa (Ga 1, 1-2). Chắc chắn, chính tình yêu là nguyên lý của sự hiệp nhất này, nghĩa là Chúa Thánh Thần, Đấng phát xuất từ ​​Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 15, 26). “Khi Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sp xảy ra, nhưng Người sẽ nghe, nói và loan báo cho anh em” (Ga 16, 13). Là Ba Ngôi trong Tình yêu duy nhất vì Chúa Cha là Tình yêu, Chúa Con là Tình yêu, Thần Khí là Tình yêu. Thiên Chúa không sống trong sự cô đơn tuyệt đối, nhưng là nguồn sống vô tận liên tục trao ban và thông truyền chính mình. Mọi sự đều bắt nguồn từ tình yêu, lôi kéo tới tình yêu và hành động do tình yêu thúc đẩy.[10]

Tình bạn của Thiên Chúa thể hiện qua việc biết lẫn nhau. Sự hiểu biết của Chúa Ba Ngôi sẽ là mối tương quan sâu sắc nhất của tình yêu, một sự chiêm ngắm lẫn nhau của tình yêu. Chính Chúa Giêsu nhấn mạnh sự hiểu biết – tương quan giữa Chúa Cha, và Người. Sự hiểu biết nội tại trong mầu nhiệm tình yêu và tình bạn của Thiên Chúa và chúng ta chỉ có thể biết qua sự mặc khải của Chúa Con: “Lạy Cha công chính, thế gian không nhận biết Cha, nhưng Con biết Cha  và những người này biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình cha yêu thương Con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17, 24; x. Mt 11, 25-27).[11] Chúng ta biết mối tương quan nội tại của việc biết lẫn nhau trong mầu nhiệm Thiên Chúa, biết kế hoạch yêu thương của Người qua tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng là Nguyên lý của mối tương quan tình yêu của Thiên Chúa, được ban cho chúng ta nhờ Chúa Giêsu đã chết và sống lại để làm cho chúng ta biết Chúa Cha và Chúa Con (x. Ga 14, 26). Trong Ba Ngôi, các Ngôi Vị thần linh có tương quan hiểu biết lẫn nhau.

Trong các danh xưng nói lên mối tương quan giữa các Ngôi Vị, Chúa Cha có tương quan với Chúa Con, Chúa Con có tương quan với Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần có tương quan với hai Ngôi kia. Khi xét về tương quan thì chúng ta nói là Ba Ngôi, nhưng chúng ta tin vào một bản tính hay một bản thể. Thật vậy, giữa Ba Ngôi, mọi sự đều là một, khi không nói đến sự đối lập về tương quan. Vì sự duy nhất đó, Chúa Cha hoàn toàn ở trong Chúa Con, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Con hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần hoàn toàn ở trong Chúa Cha, hoàn toàn ở trong Chúa Con.[12]

Có thể nói, khi chúng ta khẳng định rằng “Deus amicitia est[13] nghĩa là chúng ta tin vào bản tính của Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu. Vì tình yêu nội tại, sự hợp nhất thần linh là Ba Ngôi. Nói đến bản tính, chúng ta nói đến Thiên Chúa duy nhất, và nói đến các mối tương quan, chúng ta nói đến các Ngôi Vị, đó là mối tương quan của tình yêu, tình bạn giữa các Ngôi Vị của Thiên Chúa. Chắc chắn, tình yêu của Thiên Chúa không bao giờ khép kín trong các Ngôi Vị thần linh, nhưng mở ra để trao ban sự sống cho các thụ tạo của Người. “Thiên Chúa Ngôi Vị là mầu nhiệm đức tin, là một trong những mầu nhiệm ẩn giấu nơi Thiên Chúa, mà nếu Thiên Chúa không mặc khải thì không ai có thể biết được. Chắc chắn Thiên Chúa đã để lại những dấu vết nào đó về thực thể Ba Ngôi trong công trình tạo dựng và trong viêc Người mạc khải suốt dòng Cựu ước.[14] Qua công trình sáng tạo, Thiên Chúa ra khỏi chính mình. Hành động ban sự sống của Thiên Chúa đạt đến đỉnh cao trong việc tạo dựng con người theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1, 26; 2, 7): “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,6).[15] Theo từ nguyên: ṣelem - “hình ảnh”, sự tái tạo của bản gốc;  và ḏemût: “tương tự”. Trong tiếng Hy Lạp “ϵικόνα” – “biểu tượng”, “bản sao” giống với bản gốc. Một sự giống thật và riêng biệt với Thiên Chúa giúp phân biệt con người với các thụ tạo khác: Đấng Tạo Hóa đã khắc ghi một đặc tính “của Người” trong con người làm cho con người “giống” với Thiên Chúa duy nhất và Ba Ngôi. Vì vậy, “giống hình ảnh Thiên Chúa, Người đã làm ra con người” (St 9, 6), nghĩa là con người được mời gọi đi vào mối tương quan yêu thương và tình bạn với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên mọi người (x. St 1, 27).

Thiên Chúa đi bước trước khi gặp gỡ con người, Người trở thành bạn hữu của con người. Dei Verbum khẳng định: “[…] Qua việc mạc khải này, Thiên Chúa vô hình trong tình yêu chan hòa đã ngỏ lời với loài người như với bạn hữu và đến sống với họ, để mời gọi họ và chấp nhận cho họ đi vào cuộc sống của chính Người.[16] Nói cách khác, hình thức cao nhất của tình bạn là tình bn được thiết lập giữa Chúa và loài người. Do đó, Kinh Thánh trình bày cho chúng ta một Thiên Chúa toàn năng, siêu việt, nhưng Thiên Chúa không phải là khách lạ, nhưng hơn hết là một Thiên Chúa gần gũi với con người như một người bạn: Một Thiên Chúa rất con người: Đi lại thân mật với Adam như một người bạn ( x. St 2); Người đến với Apraham để dùng bữa và mặc cả với ông (x. St 18). Abraham được gọi là “bạn của Thiên Chúa” (Is 41, 8). Với Môsê, Thiên Chúa nói chuyện mặt đối mặt, như người ta nói với bạn hữu của mình (x. Xh 33, 11); Israel được gọi là bạn của Thiên Chúa, Thiên Chúa quan tâm và yêu thương dân Người như một người nông phu chăm sóc vườn nho của mình: “Tôi muốn hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn về vườn nho của mình. Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi màu mỡ […] Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh là nhà Israel đó, cây nho Chúa mến yêu quí chuộng, ấy chính là người xứ Giuđa” (Is 5, 1-7). Người gần gũi với dân của mình, nhất là với những người đau khổ, bất hạnh như một người bạn: “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất vọng ê chề” (Tv 34, 19).

Có thể nói Thiên Chúa là người bạn thực sự của con người. Trung thành trong tình bạn là đặc tính chính yếu của Người, vì Nguời là Tình  yêu của tình bạn “nhân hậu và từ bi, chậm bất bình, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6; x. Tv 85, 15; Ga 4, 2-3). Khởi đi từ mầu nhiệm Thiên Chúa, thánh Augustinô khẳng định: nguồn gốc của mọi tình bạn, tình bạn Kitô giáo được thiết lập trên bốn nền tảng: Thiên Chúa là tác giả và là người trao ban tình bạn; tình bạn phải vững bền trong Thiên Chúa; tình bạn Kitô giáo phải được biến đổi nhờ ân sủng, vượt trên mọi giới hạn của con người; tình bạn chỉ đạt tới sự hoàn hảo trên trời.[17] Aelred cũng khẳng định tình bạn thiêng liêng được xây dựng trên Tình yêu của Thiên Chúa, ông viết: “trước hết phải đặt một nền tảng vững chắc cho tình bạn thiêng liêng, và các nguyên tắc của nó phải được thiết lập trên đó, để bất cứ ai muốn trực tiếp đạt đến đỉnh của nó hãy chú tâm không được phớt lờ hoặc bỏ qua nền tảng này. Đó là tình yêu của Thiên Chúa.[18] Trong lời cầu nguyện của mình, Tiến sĩ Giáo Hội, Thánh nữ Catherine thành Siena tuyên xưng Thiên Chúa là Tình yêu rất dịu ngọt, nguồn của mọi sự tốt lành, Ngài viết: “Ôi Thiên Chúa hằng hữu, ôi Tôn Chủ, Chúa đã nhào nắn và tạo dáng bình sành thân xác thụ tạo của Chúa bằng đất sét; Ôi tình yêu rất dịu ngọt, từ một thứ thấp hèn mà Người đã nắn nên và đã đặt vào nó một kho tàng lớn lao như linh hồn, mang hình ảnh của Người, Thiên Chúa vĩnh cửu, Người là Tôn Sư tốt lành, tình yêu ngọt ngào của con, nếu Chúa muốn hoàn tác và làm lại, Chúa hãy phá vỡ và nâng cấp chiếc bình này tùy theo sự tốt lành của Chúa.[19] Do đó, nếu chúng ta tìm thấy nguồn gốc và nền tảng của tình bạn trong Thiên Chúa, và nơi Chúa Giêsu Kitô, khuôn mặt nhân loại của Thiên Chúa, tình bạn giữa Thiên  Chúa và con người đạt đến đỉnh điểm.

2. Đức Giêsu, khuôn mẫu đích thực của mọi tình bạn Kitô giáo

Sự Khôn Ngoan Vĩnh Cửu, vào thời viên mãn, với tư cách là Λόγος - Đấng Sáng Tạo, đã trở thành xác phàm. Nhờ Ngôi Lời Sáng Tạo, Chúa Cha thiết lập với loài người mối tương quan thân mật rạng ngời và hiệp thông, vốn đã và đang trở thành Tình bạn và Tình yêu của Tình bạn.[20] Có thể nói, nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã trở thành bạn của con người bằng xương và bằng thịt. Đức Giêsu Kitô “là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng tử của mọi loài thọ tạo” (Cl 1, 15). Người cắm lều ở giữa chúng ta như môn đệ Người yêu mến đã viết: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt và ở giữa chúng tôi” (Ga 1, 4). “Chính Người cũng chịu thử thách về mọi phương diện như chúng ta, nhưng không phạm tội” (Hr 4, 15), và “Người gọi chúng ta là bạn” (Ga 15, 15). Các tác giả tâm linh Kitô giáo không ngần ngại khẳng định Chúa Giêsu Kitô là thước đo của tình bạn đích thực và là cứu cánh của mọi tình bạn thiêng liêng. Thánh Augustinô khẳng định: “Một tình bạn chỉ có thể có trong Chúa Kitô” (Ep. 258). Và Aelred cũng viết: “Thật ra, có thể nói điều gì cao siêu hơn, đúng hơn, hữu ích hơn về tình bạn hơn là chứng tỏ rằng tình bạn phải bắt đầu trong Đức Kitô, thăng tiến theo Đức Kitô và tìm thấy sự hoàn hảo của nó trong Đức Kitô.[21] Có thể nói rằng Chúa Giêsu Kitô là khuôn mẫu đích thực của tình bạn Kitô giáo. Chúng ta sẽ làm rõ điểm này dưới ánh sáng của một số đoạn trích trong Tin mừng theo Thánh Gioan.

2.1. Chúa Giêsu và các bạn hữu của Người tại Bêtania (Ga 11,1-39; 12,2)

Khi loan báo Tin Mừng về Nước Trời, ngoài những môn đệ - bạn hữu của Đức Giêsu, Tin Mừng còn ghi lại cho chúng ta tình bạn của Người với các chị em nhà Bêtania. Tình bạn gia đình này của Chúa Giêsu thường được nhắc đến trong Tin Mừng (x. Lc 10, 38-41; Ga 11, 1-39; 12, 2).[22] Chắc chắn, ngôi nhà ở Bêtania không phải là chốn trọ cho lữ khách qua đường mà là ngôi nhà của sự thân thiện, của tình bạn: “Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giêsu vào làng kia. Có một phụ nữ tên là Mátta đón Người vào nhà”, Luca viết (10, 38). Chúa Giêsu đang đi lên Giêrusalem, nơi Người sẽ bị giết chết. Người vào nhà Mátta và chị ấy ra đón rước Người. Luca không nói đó là nhà của Mátta ở Bêtania, nhưng Gioan cho chúng ta biết đó điều này. Bêtania là một ngôi làng trên Núi Ôliu, gần Giêrusalem. Bêtania có nghĩa là “Ngôi nhà nghèo khó”. Khi ở Giêrusalem, Chúa Giêsu thường lui tới nhà của chị em Mátta, Maria và Lazarô (Ga 12, 2).

Bêtania, ngôi nhà của tình bạn, nơi của sự tiếp đón và lòng hiếu khách, và là biểu hiện thân thiết nhất của tình bạn mà Chúa Giêsu rất yêu thương “Mátta, em gái và Lazarô” (Ga 11, 5). Khi Chúa Giêsu biết bạn mình là Lazarô bị ốm và chết, Người đã khóc thương. Chúng ta biết rằng, Chúa Giêsu sẽ đến Giêrusalem để hiến mạng sống cho toàn thể nhân loại, cho bạn hữu của Người. Trước khi đối diện với mầu nhiệm thập giá, Người đã chia sẻ nỗi thống khổ bệnh tật, đặc biệt là cái chết của những người bạn. Các  câu 21-24 trong chương 11 Tin mừng Gioan nhấn mạnh sự tin tưởng và lòng tín thác của Mátta vào Chúa Giêsu cũng như niềm tin vào sự sống lại. Điều này diễn tả đặc tính của tình bạn rất sâu sắc. Mátta sau cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu, đã gọi cho em gái mình, người vẫn ở trong nhà với những kẻ đến chia buồn vì sự ra đi anh trai cô; những từ mà Mátta ngỏ với người em: “Thầy đến rồi và đang gọi em đó!” gợi cho chúng ta một cảm giác thân mật, đồng thời cho thấy rằng sáng kiến ​​cho cuộc gặp gỡ luôn bắt nguồn từ Chúa Giêsu (cc. 20-27). Và Maria quay về phía Chúa Giêsu với những lời giống như chị mình (câu 32.21) thể hiện sự tin tưởng, cậy trông, hy vọng vào sự hiện diện của bạn mình là Chúa Giêsu. Các câu 33 và sau đó câu 35 (Khi ấy, Chúa Giêsu vô cùng xúc động và thông thức […] Người khóc) là dấu hiệu cho thấy sự nhạy cảm của Chúa Giêsu và sự tham gia của tình huynh đệ mà Người cảm nhận được khi đối diện với đau khổ của mỗi người, đặc biệt là bạn hữu của Người. Động từ diễn tả nỗi buồn của Chúa Giêsu có thể được bắt nguồn từ động từ “regaz” trong tiếng A-ram, truyền đạt ý tưởng về một cảm xúc sâu sắc. Vì thế, Chúa Giêsu và các bạn ở Bêtania thể hiện tình bạn chân thật: tình yêu quảng đại và trung thành. Họ cùng nhau đối mặt với đau khổ và mang lại hy vọng cho nhau.

2.2. Mục tử và đàn chiên (Ga 10, 11-18)[23]

Hình ảnh giữa mục tử và đàn chiên của mình thể hiện mối tương quan yêu thương, tình bạn sâu sắc. Qua dụ ngôn này, chúng ta nhận ra căn tính đích thực của tình bạn, của tình yêu tự hiến thân.

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành, nhưng Người cũng là Người Bạn đích thực mà “hiến mạng sống mình vì đàn chiên” (Ga 10, 11). Nhấn mạnh việc hiến trao mạng sống được lắp lại nhiều lần trong đoạn văn nay (Ga 10, 11.15.17.18), và chúng ta tìm thấy trong chương 13 qua việc rửa chân (x. Ga 13, 4.12) như là điển hình mà Thánh Gioan dùng để chỉ dẫn nghĩa cử  tự do của Chúa Giêsu, Đấng tự hiến mình trong tay Chúa Cha vì sự sống của các con chiên, của mọi người mọi thời, vì ơn cứu rỗi của họ. Người là Mục tử thiên sai đến để hiến mạng sống vì đoàn chiên, vì bằng hữu (x. Ga 15, 13). Đây là hình ảnh chân thực của tình bạn xuất phát từ Agape. Ý hướng này được củng cố khi so sánh với hình ảnh người chăn thuê, kẻ chỉ có mối tương quan kinh tế với đoàn chiên, phục vụ đoàn chiên vì lợi ích của họ. Dĩ nhiên, ở đây không thể gọi là tình bằng hữu. Trái lại, Mục Tử Nhân Lành có mối liên hệ yêu thương, thủy chung với đoàn chiên, Người dám hy sinh mạng sống của mình “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10, 10).

Chúa Giêsu, Mục tử biết chiên của mình cách tỏ tường. “Biết” hoặc sự hiểu biết căn bản giữa chủ chăn và đoàn chiên (Ga 10, 13-16). Trong ngôn ngữ của chúng ta, khi nói đến tình bạn sâu sắc, người ta dùng khái niệm “TRI KỶ”: TRI nghĩa là biết; KỶ nghĩa là mối quan hệ sâu sắc và mật thiết của trái tim. TRI KỶ hay tình bạn rất sâu nặng, hiểu biết nhau, kiểu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Do đó, tình bạn - từ bối cảnh Kinh Thánh nói chung, trong đó động từ Hy Lạp ginw, skw (ginòsko), chỉ dẫn một tri thức hiện sinh mà toàn bộ con người và kinh nghiệm cụ thể được nối kết. Chúng ta biết rằng đề tài về sự hiểu biết giữa Chúa Giêsu và chiên của Người được qui chiếu và có nguồn gốc từ hiểu biết giữa Chúa Cha và Chúa Con, đó là sự hiểu biết thực sự và mãnh liệt, bắt nguồn từ tình yêu (x. Ga 10, 3-4). Chắc chắn hạn từ “biết trong đoạn văn này không chỉ là sự hiểu biết với những yếu tố bên ngoài, mà trước hết nó là mối tương quan sâu xa, đó là mối tương quan tình yêu, như chính thánh Gioan đã khẳng định: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương, thì đã được Thiên Chúa sinh ra và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”(1 Ga 4, 7-8).[24]

2.3. Tình bạn giữa Chúa Giêsu và các môn đệ

Khi nói đến khuôn mẫu đích thực của tình bạn, chúng ta không thể không nói đến tình bạn giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Người và mở rộng ra cho những ai muốn theo Người trên hành trình của các môn đệ - sequela Christi.

2.3.1. Logos làm người và gọi chúng ta là bạn hữu

Trong diễn từ dành cho các môn đệ,Chúa Giêsu gọi họ là bạn hữu: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (ὑμεῖς φίλοιμού), nếu anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy. Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu (φίλους), vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 14-15).

Trong diễn từ của Chúa Giêsu, có một sự lặp lại mạnh mẽ: “tôi-của tôi” và “anh em-của anh em” để nhấn mạnh một mối tương quan tình bạn thân thiết. Cần lưu ý tới sự chuyển động đi xuống của Tình yêu: Cha với Con, (Chúa Giêsu) với các môn đệ. Ở đây, nói theo ngôn ngữ của Thánh Ignatio, “chiêm ngắm để đạt tới tình yêu”.[25] Chúng ta tạo nên một sự liên kết, trong đó chúng ta sẽ thấy tình bạn đạt đến sự viên mãn trong một tình yêu cao cả: “hiến thân vì bạn hữu” (Ga 15, 13) – “điều răn yêu thương” (Ga 13, 34; 15, 17 ) – “niềm vui trọn vẹn” – “tình bạn” (Ga 15, 11). Có thể nói, tình bạn của Chúa Giêsu và các môn đệ không bao giờ là tương quan chủ - tớ, mà là một Người Bạn làm cho các môn đệ biết “tất cả”, nghĩa là không giữ lại gì cho riêng mình mà trao ban vì mọi người và không ngần ngại gọi họ là “bạn hữu”: Chúa Giêsu, người bạn đích thực của chúng ta, trên Thập giá “Người đã hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (G1 15, 13), làm cho chúng ta trở thành bạn hữu của Người (Ga 15, 14). Và Người kêu gọi chúng ta sống “điều răn mới” (Ga 15, 12-17; 13, 34), nghĩa là “yêu nhau như Chúa Giêsu đã yêu họ”. Vì vậy, Thiên Chúa, Con của Người đi bước trước trong việc trở thành bạn hữu với chúng ta: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15, 16). Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng tình bạn với Người sẽ mang lại “hoa trái” nếu chúng ta “ở lại” gắn bó với nhựa của tình yêu như cành nho với thân nho, nghĩa là cội nguồn của sự sống, của tình bạn: Tình yêu Ba Ngôi (Ga 15,9-10.16). “Bonum est diffusivum sui” Thánh Thomas Aquinas khẳng định.

Như chúng ta biết, khi nói về các mức độ của tình yêu: eros, philia và agape, Đức Bênêđíctô XVI viết: “Trong ba thuật ngữ Hy Lạp về eros (tình yêu), philia (tình bạn), agape (bác ái) - các tác phẩm Tân Ước chỉ sử dụng từ cuối cùng, nhưng từ này lại rất ít được dùng trong ngôn ngữ Hy Lạp. Quan niệm tình bạn (philia) được Phúc Âm Thánh Gioan sử dụng và đào sâu ý nghĩa, để làm nổi bật quan hệ giữa Đức Giêsu với các môn đệ của Người. Việc không sử dụng từ eros và cái nhìn mới về tình yêu nổi bật trong từ agape, chắc chắn cho thấy điều cơ bản trong cái mới của Kitô giáo về cách hiểu tình yêu.[26]

2.3.2. Môn đệ Chúa Giêsu thương mến, Gioan (13, 23; 19, 26; 20, 2; 21, 7.20)

Gioan là người có tình bạn thâm sâu với Chúa Giêsu, bởi vì ông đã có thể sống tình bạn với Đức Giêsu Kitô và Đức Giêsu Kitô đã tìm thấy tình bạn nhân loại nơi môn đệ Người thương mến, đây là một kinh nghiệm sâu sắc và chân thực về tình bạn. Căn tính và đặc điểm của “người mà Chúa Giêsu yêu thương mến là gì?”

Chúng ta thấy cụm từ: “Người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến” xuất hiện 5 lần trong cuộc Khổ nạn và Phục sinh (x. Ga 13, 23; 19, 26; 20, 2; 21, 7.20); một số nơi, Gioan gọi là “một môn đệ khác” (x. Ga 18,15; 20,3). Thuật ngữ này cho thấy mối tương quan sâu sắc hơn giữa Chúa Giêsu và Gioan, “người mà Chúa Giêsu thương mến.” Gioan là người mà Chúa Giêsu có tình bạn, vì tình bạn, như chúng ta biết, nhất thiết phải có sự qua lại. Gioan đã có thể sống tình bạn với Chúa Giêsu Kitô và Người đã tìm thấy tình bạn nhân loại nơi ông, một kinh nghiệm chân thực về tình bạn. Đó là một Gioan luôn luôn ẩn dấu, Gioan này chỉ tìm thấy khi chiêm ngắm tình bạn của Đức Kitô Giêsu - nghĩa là trong một mối tương quan chân thực với Thầy của mình như một người bạn. Ngắm nhìn Gioan, chúng ta hiểu “tình yêu lớn hơn” là gì! Đó là một câu trả lời rất dễ dàng – một câu trả lời rất dễ dàng khi người ta đạt tới tình bạn. Gioan là người tương xứng với tình yêu của Đức Kitô. Đây là câu trả lời.[27] Tình bạn của Chúa Giêsu và “người môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến” được mô tả bằng tình yêu và sự hiểu biết với các dấu chỉ:

*     Trong Bữa Tiệc Ly

Trước cuộc khổ nạn, trong bữa Tiệc Ly, khi Chúa Giêsu vô cùng xao xuyến và loan báo “một người trong anh em sẽ phản bội Thầy” (Ga 13, 21), và khi các môn đệ không biết Người đang nói về ai. Bây giờ một trong số các môn đệ, người mà Chúa Giêsu thương mến, đang ngồi dùng bữa, tựa đầu vào lòng Chúa Giêsu. Ông nghiêng mình vào ngực Chúa Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, ai vậy?” (x. Ga 13, 22-25). Những dấu chỉ này diễn tả một tình bạn thân thiết sâu xa nhất, một số từ ngữ mà Tin Mừng diễn tả tương quan tình bạn giữa Chúa Giêsu và người môn đệ mà Người thương mến. Có thể nói, Gioan đã có thể gắn bó trọn đời mình với trái tim của Chúa Kitô, một ân huệ dành riêng cho ông. Gioan hiểu rằng Đấng ở bên cạnh mình là cả Thiên Đường và đó là tình bạn của ngài.

*     Trên Núi Sọ

Nếu trong Bữa Tiệc Ly, chúng ta thấy Gioan bên cạnh trái tim Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng thấy “người môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến” đứng cạnh vinh quang Chúa Kitô trên thập giá khi Trái Tim của “Đấng đã bị đâm thâu” mở ra (x. Ga 19, 34). Gioan, luôn là người bạn trung thành, theo sát bạn của mình trên mọi nẻo của đường trường thập giá. Trong khoảng khắc này, của đỉnh cao nhất, Gioan đã kinh nghiệm được sự chiêm ngắm tình yêu của tình bạn và của sự tín thác. Đứng cạnh Thánh giá với Mẹ Chúa Giêsu, Gioan đã đón nhận lời trăng trối của bạn mình (lời chứa đầy tình yêu, tình bạn và sự tin cậy), rằng: “Hỡi bà, đây là con của bà! Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là Mẹ của anh!” Và từ giờ đó, người môn đệ đã đón Mẹ về nhà mình (Ga 19, 26-27). Gioan là “người được cưng chiều” của Chúa Giêsu, người bạn đáng tin cậy của Người (x. Card. M. Martini). Vì vậy, trong hành động này, chúng ta biết được đặc tính sâu xa của tình yêu của tình bạn trung thành và tin cậy: đó không phải là việc nói bằng lời mà là sự chiêm ngắm của con tim - “Cor ad cor loquitur” (Thánh Phanxicô Salê và Card. Newman). Nói cách khác, Gioan không chỉ bên cạnh Chúa Giêsu về mặt thể xác, mà còn ở gần trong trái tim.

*     Bên mộ trống

Với một tình bạn chân thành, không gì có thể chia cắt được, kể cả cái chết. Đây là tình bạn giữa Chúa Giêsu và Gioan. Giống như kinh nghiệm của Thánh Augustinô sau cái chết của những người bạn - Hippô và Nebridius[28] và mẹ của ngài – Thánh Mônica[29], dẫn ngài tới việc ngẫm suy về một tình bạn đẹp. Nơi Gioan, chúng ta thấy được mức độ của sự hiểu biết - sự chiêm ngắm. Vào ngày Phục Sinh, ông nhanh chóng chạy đến mộ của Thầy, của bạn mình sau khi nghe tin về ngôi mộ trống. Trẻ hơn Phêrô, được thúc đẩy bởi tình bạn sâu nặng, người “môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến” đã đến mộ trước tiên, ông đã “thấy và tin” (Ga 20, 8). Những từ này mô tả thực tại của tình bạn, của sự thinh lặng chiêm ngắm. Ở chỗ khác, khi các môn đệ khác bị bóng đen của sự sợ hãi kìm hãm, không nhận ra Đấng Phục sinh đã hiện ra với họ, thì “người môn đệ mà Chúa Giêsu thương mến” nói với Phêrô: “Chính Thầy đó” (Ga 21, 7). Chỉ những ai ở trong mối tương quan yêu thương sâu sắc của tình bạn mới có thể trực giác và nhận ra nhau. Đây là ý nghĩa của “ý niệm về sự hiểu biết” theo Kinh Thánh (x. 1Ga 4, 7-8) .

Có thể nói rằng Gioan đã trở nên vĩ đại trong hành trình dâu bể của tình bạn với Chúa Kitô, trong nỗ lực không ngừng để yêu thương Người dù bất cứ nghịch cảnh nào. Gioan đã trung thành như Chúa là Đấng luôn thành tín với một tình yêu đã được chọn lựa. Nói cách khác, Gioan đã đáp lại tình bạn của Đấng yêu thương mình một cách trọn vẹn. Hình ảnh của Gioan “vẫn còn” trong cộng đoàn môn đệ, trong Giáo Hội như một biểu tượng của tình yêu, của tình bạn chân thành và thực sự.

Thật vậy, Chúa Giêsu là kiểu mẫu đích thực của tất cả tình bạn Kitô giáo. Logos, Tình yêu, Sự khôn ngoan đã trở nên bạn của chúng ta (x. Pl 2, 6-7). Như chúng ta đã nói ở trên, Chúa Giêsu có nhiều bạn hữu: Người có một tình bạn tuyệt vời với Gioan, Lazarô, Mátta, Maria, Phêrô và những người khác. Chúa Giêsu không chỉ là bạn của các môn đệ, những người cộng tác trong sứ mạng loan báo Nước Thiên Chúa, mà Người còn bị các người Pharisêu gọi một cách mỉa mai là “bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11, 19). Người đến gần những người tội lỗi, những người đau khổ, bệnh tật ... Người là một người Samaritanô chân chính và tốt lành của tất cả chúng ta (x. Lc 11, 39-37).[30] Chỉ nơi Chúa Giêsu, chúng ta mới tìm thấy một Thiên Chúa toàn năng trở thành bạn của nhân loại. Nếm hưởng tình bạn của Chúa Giêsu, người ta vượt qua tầm mức của một tôi tớ đơn thuần (x. Ga 15, 15), đòi hỏi phải chia sẻ những thử thách của Chúa Giêsu, thâm nhập vào những bí mật của Thiên Chúa. Người bạn đích thực được mô tả là người trung thành cho đến thập giá  để hiến mạng sống mình vì bạn hữu (x. Ga 13, 23). Có thể nói rằng, Thiên Chúa là nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, của tình bạn và Chúa Giêsu Kitô, khuôn mẫu thực sự của mọi tình bạn Kitô giáo.

Như một lời kết: Kitô hữu, lời mời gọi tới tình bạn đích thực trong Chúa Kitô

Trong thực tế, mầu nhiệm con người chỉ  tìm thấy ánh sáng đích thực trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể.[31] Khẳng định này của Công đồng giúp chúng ta hiểu được cội rễ và vận mệnh của mầu nhiệm nhân loại được thành toàn trong mầu nhiệm Nhập thể của Chúa Kitô, và dĩ nhiên, tình bạn Kitô hữu cũng tìm thấy khuôn mẫu và mục đích của nó nơi Con Thiên Chúa làm người và trở thành bạn hữu chúng ta (x. Ga 1, 14; 15, 15). Từ khuôn mẫu này, nhiều tình bạn thiêng liêng đã được kiến tạo trong lịch sử Kitô giáo, tình bạn thiêng liêng của những người được kêu gọi kết ước với Thiên Chúa và tha nhân trong Chúa Giêsu Kitô, nhờ Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể tìm thấy tình bạn này trong mối quan hệ giữa Phaolô và Banaba (x. Cv 15, 36-39) và Phêrô (x. Gl 2, 11-14), và các cộng sự viên của ngài; giữa Thánh Basil (329-379) và Thánh Grêgôriô thành Nazianzen (325-390); giữa Thánh Phanxicô Assisi (1118 - 1226) và Santa Clara (1193 - 1253); giữa Thánh Têrêxa Avila (1515-1582) và Thánh Gioan Thánh Giá (1542 - 1591), giữa Thánh Inhaxiô và những người bạn của mình... Tình bạn Kitô hữu bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và bắt rễ sâu trong khuôn mẫu đích thực của mọi tình bạn - Chúa Giêsu, Đấng đã hiến mạng sống mình vì bạn hữu. Nơi Người, chúng ta tìm thấy những đặc điểm của tình bạn Kitô hữu:

*     Chúa Giêsu là trung tâm của tình bạn Kitô giáo

Theo Aelredo, Chúa Giêsu diễn tả tính trung tâm của Thiên Chúa trong tình bạn bằng cách tập trung sự chú ý vào thế giới mới mà bằng hữu sống trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô: “Ở đây, bạn và tôi, và tôi hy vọng rằng người thứ ba giữa chúng ta là Chúa Kitô.[32] Tình bạn Kitô giáo dẫn chúng ta việc Sequela Christi đích thực, đến cách thức hiện hữu và hành động như Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương và hiến mạng sống cho chúng ta, những bạn hữu của Người. Thánh Augustinô dạy: “Chắc chắn anh em đã không đến, nếu không có tình yêu thúc đẩy anh em: nhưng tình yêu nào? Nếu đó là tình yêu dành cho chúng tôi, điều đó cũng không sao cả. Chúng tôi muốn được anh em yêu mến; nhưng chúng tôi không muốn được yêu chỉ vì chúng tôi. Chúng tôi yêu anh em trong Chúa Kitô và chính trong Người mà anh em yêu mến chúng tôi. Và tình yêu của chúng ta với nhau hướng về Thiên Chúa.[33]

Đức Kitô là khuôn mẫu đích thực và mọi tình bạn đích thực chỉ có thể ở trong Người, trong sự kết hợp với Người. Chính tình bạn dẫn chúng ta đến sự kết hợp với Thiên Chúa trong Chúa Kitô: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (Ga 15, 10). Yêu để ở lại và là bạn hữu của Thiên Chúa, Đấng đã hạ cố gọi chúng ta là bạn hữu trước (x. Ga 15,14-15). Khi kết hiệp với Chúa Kitô, kiểu mẫu của tình bạn, Thánh Augustinô nhấn mạnh đến sự kết hợp giữa những người yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và trí khôn, và yêu người khác như chính mình, hiệp nhất với Đức Kitô và với nhau cho tới muôn đời, Ngài viết: “Hạnh phúc […] ai yêu mến bạn hữu trong Người […]. Kẻ duy nhất không bao giờ mất thân hữu là người có tất cả những bạn hữu trong những người không bao giờ đánh mất trong Thiên Chúa”.[34] Những gì mà tất cả Kitô hữu hợp nhất với Thiên Chúa cũng được liên kết bởi tình bạn. Đúng ra, đây là tình bác ái huynh đệ, tình huynh đệ trong Đức Kitô. Thánh Phaolô dạy chúng ta: “Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2, 5). “Anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn” (1Pr 1, 22). Khi nói điều này, chiều kích cánh chung của tình bạn luôn trong một tiến triển và đi đến hoàn thiện hơn về tầm mức của nó. Augustinô khẳng định rằng việc đạt được sự hài hòa về những thứ linh thánh, chứ không chỉ về những thứ thuộc về con người. Và Thánh Thomas nói: “Tình bạn là hình thức hoàn hảo nhất của tình yêu, vững bền trong những gì mà cả hai quí mến lòng từ tâm, một cách ổn định và rõ ràng. Tình bạn này giả định, như một gốc rễ hữu thể học, một sự hiệp thông đời sống và hướng tới sự tiến trình hợp nhất của cả hai người bạn, những người coi nhau như một.

*     Tình bạn Kitô giáo mang chiều kích cánh chung

Tình bạn Kitô hữu không kết thúc trong thế giới này, nhưng đạt đến sự hoàn thiện trong Nước Trời, nghĩa là hướng tới chiều kích cánh chung, sự viên mãn trong Chúa Kitô. Tình bạn là trường học của tình yêu, chuẩn bị cho chúng ta sự viên thành của tình yêu.[35] Tình bạn Kitô hữu bắt đầu từ tình yêu, được nuôi dưỡng bằng tình yêu và đạt tới tình yêu, nghĩa là Agape là điều hiệp nhất Thiên Chúa với Chúa Kitô; Chúa Kitô với các môn đệ và các Kitô hữu với nhau. Trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô, tình bạn thiêng liêng đạt đến mức viên mãn trong tình yêu Thiên Chúa như Chúa Giêsu đã nói “để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn” (Ga 15, 11). Đó là sự hoàn hảo khi biết tình yêu nhập thể (x. Ga 17, 3). Nói tóm lại, tình bạn giúp chúng ta “đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin, trong sự nhận biết về Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13). 



[1] Aristotale, Ethica ad Nichomachum, VII. Như Aristotle. Cicero (106-43 TCN) khẳng định tình bạn là một lẽ tự nhiên, và tình bạn phải được thấm nhuần với nhân đức: “Tôi nói, chính đạo đức mới hình thành nên tình bạn và gìn giữ nó, vì nó được tìm thấy trong đó sự hài hòa, sự ổn định trong nó” (de Amizie 3).

[2] M. Downey, Nuovo dizionario di spiritualità, Libreria Editrice Vaticanôa, Città del Vaticanôo 2003, 52.

[3] Tình bạn hoàn hảo là rất hiếm, và nó luôn luôn là một sự chinh phục, một thành quả, chứ không phải là một sự hạ giá. Ngưới ta nhớ tới tình bạn tuyệt vời giữa Đavít và Giônathan (cfr. 1Sm 18, 1-4), đã vượt qua thử thách (cfr. 1Sm 19,20) và sống sót sau cái chết (cfr. 2Sm 1,26).

[4] Trong truyền thống Kitô giáo, chúng ta tìm thấy nhiều tác giả nói về chủ đề tình bạn: Thánh Giêrônimô, Thánh Augustinô, Thánh Grêgôriô, Thánh Bernard thành Clairvaux, Aelredo thành Rievaulx, Thánh Thomas Aquinas; Thánh Francesco de Sale, Thánh Catarina thành Siena…

[5] Aelredo Di Rievaulx, L’amicizia spirituale (Tình bạn thiêng liêng), I, 51-52. 

[6] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 257.

[7] Aelredo Di Rievaulx, L’amicizia spirituale (Tình bạn thiêng liêng), op. cit., 69-70. 

[8] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 253-254.

[9] Tín biểu Công Đồng Niceno - Costantinopolitano: DS 150.

[10] Bênêđictô XVI, Kinh truyền tin, 7. VI. 2009.

[11] Tin mừng nhất lãm khẳng định: “không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha, và cũng không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11, 27; cfr. Lc 10, 22).

[12] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 255.

[13] Aelredo Di Rievaulx, L’amicizia spirituale (Tình bạn thiêng liêng), op. cit., 69. 

[14] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 237.

[15] Thánh Augustinô viết: “Để thấy Ba Ngôi duy nhất và sự duy nhất trong Ba Ngôi. Giờ đây, ý nghĩa thích hợp hơn khi được đặt cho những lời này của Thiên Chúa là (...) rằng con người được tạo dựng theo hình ảnh không phải chỉ có Chúa Cha, Chúa Con hay Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi đó là Ba Ngôi để trở thành Thiên Chúa duy nhất, trong cùng một thế giới mà Thiên Chúa là duy nhất để trở nên Ba Ngôi. Thật ra, người ta không nói Ba Ngôi xưng hô với Chúa Con: “Chúng ta hãy làm ra con người giống hình ảnh Cha”, “theo hình ảnh Cha”, nhưng nói: theo hình ảnh chúng ta (St 1,26); Từ số nhiều này ai dám tách rời Chúa Thánh Thần? Nhưng vì số nhiều này không tạo thành ba thần tính mà chỉ là một Thiên Chúa, nên chúng ta phải hiểu rằng ngay sau đó Kinh Thánh đã thêm câu vào số ít và nói rằng: “Và Thiên Chúa đã dựng nên con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,26), như nếu Thiên Chúa nói “hình ảnh của mình”, tức là theo hình ảnh của chính Thiên Chúa Ba Ngôi ” (Sant'agostino, Confession XIII, 22, 32).

[16] Vaticanô II, Dei Verbum, 2.

[17] M. A. Mcnarama, Tình bạn nơi Thánh Augustino, Ancora Milano 2000, 204-205.

[18] Aelredo Di Rievaulx, L’amicizia spirituale (Tình bạn thiêng liêng), III, 5-6.

[19] S. Caterina Da Siena, Le Orazioni, Testi Cateriniani IV, a cura di G. Cavallini, testo critico italiano-latino a fronte, Roma, Edizioni Cateriniane, 1978, 282.

[20] Fabizio Piere, L’esperienza di Giobbe: L’incontro – scontro con il Semplicemente Altro, Gregorian&Biblical Press, Roma 2013, 30.

[21] Aelredo Di Rievaulx, L’amicizia spirituale (Tình bạn thiêng liêng), I, 9. 

[22] Ngoài gia đình Bêtania, chúng ta còn tìm thấy nhiều gia đình mà Chúa Giêsu đã vào ở và sống trong nhà của họ: nhà của Phêrô (Mt 8, 14), của Mátthêu (Mt 9, 10), của Giairô (Mt 9, 23), của Simon người Pharisêu (Lc 7, 36), của Simon người phong hủi (Mc 14, 3), của ông Dakêu (Lc 19, 5). Viên sỹ quan khẳng định: “Tôi không đáng để Người vào nhà mình” (Mt 8, 8). Dân chúng tìm Chúa Giêsu trong nhà của Người (Mt 9, 28; Mc 1, 33; 2, 1; 3, 20). Bốn người bạn của kẻ bại liệt dỡ nóc nhà xuống đất để xuống nhà mà Chúa Giêsu đang giảng dạy dân chúng (Mc 2, 4). Khi lên Giêrusalem, Chúa Giêsu dừng lại ở nhà Mátta, Maria và Lazarô (Ga 12, 2). Người truyền cho các môn đệ sứ mạng là vào nhà dân chúng và đem bình an (Mt 10, 12-14; Mc 6, 10; Lc 10, 1-9).

[23] Hình ảnh mục tử, mà chúng ta cũng tìm thấy trong Tin mừng nhất lãm và các bản văn khác khái quát về Chúa Giêsu và các công việc của Người (x. Mt 18,12-14; Lc 15,3-7; Mt 9,36-38; Mc 6,34; 14, 27; Mt 10,16; 25,31-11; Lc 12,32). Có nhiều đoạn trong Cựu ước diễn tả giá trị rõ ràng của thời Thiên sai (x. Mi 5,3; Ez 34,23-31; Gr 3,15; 23,35; Tv 23; Zc 13: 7-9). Do đó, hình ảnh này mô tả mối tương quan sâu xa giữa Đức Chúa và dân của Người. Thiên Chúa là Mục Tử tuyệt đối, luôn chăm sóc toàn thể đàn chiên và từng con: Người là Đấng duy nhất không quản trở ngại trong hành động cứu độ; Người không bao giờ phá vở sự  “hiện diện” kề bên của mình với đoàn chiên; Người không mắc sai lầm, liên tục kiếm tìm những con chiên lạc mất; Tập hợp tất cả chiên thành một đoàn duy nhất; Thiên Chúa không thể phản bội, bỏ rơi hay bỏ mặc đàn chiên của Người như những kẻ chăn thuê - đối tượng của “lời nguyền rủa”: “khốn cho các người, những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác” (Gr 23,1 -4; Ez 34,2-6). Thiên Chúa – Mục Tử của “thế hệ này sang thế hệ khác”: Thiên Chúa không chỉ giải phóng họ khỏi áp bức và nô lệ, mà qua dòng lịch sử, Người đã cứu họ khỏi mọi bất công, ban cho họ đồng cỏ và những người mục tử đích thực. Các thủ lãnh, các vua, các ngôn là những người chỉ đường; Không dựa vào công trạng của họ mà tín thác nơi Thiên Chúa, sự chắc chắn rằng Thiên Chúa luôn ở gần; Tình yêu, lòng thương xót, sự hiện diện liên tục của vị mục tử thần linh, trở thành một hình thức cầu nguyện: “Chúa ở cùng tôi” (Tv 23).

[24] “Ai yêu mến Thiên Chúa, thì được Người biết đến”, Thánh Phaolô khẳng định (1Cor 8, 3).

[25] Thánh Ignatio, Linh Thao, 237; cfr. nn số 184; 338.

[26] Bênêđictô XVI, Deus Caritas est, 3.

[28] Thánh Auggustine, Confessione, IV, 4. 9.

[29] Ibid., IX, 3.

[30] Allan F. Wright, Le gradi storie d’amore e d’amicizia della Bibbia (Những câu chuyện lớn về tình yêu và tình bạn trong Kinh Thánh), Milano 2012, 103-107.

[31] Vaticanô II, Gaudium et Spes, 22.

[32] Aelredo Di Rievaulx, L’amicizia spirituale (Tình bạn thiêng liêng), op. cit., 1. 

[33] Sant’agostino, In Johnanis evangelium tractatus, 6, 1.

[34] Thánh Augustine, Confessione, 4, 9, 14. Và Aelredo khẳng định: “Đây là lý do tại sao trong tình bạn, chúng ta tìm thấy sự ngay chính và dịu dàng, sự thật và lòng tốt, sự ngọt ngào và ý chí, tình cảm và thái độ hướng ngoại. Tất cả điều này có nguồn gốc từ Chúa Kitô. Như vậy, không quá khó, cũng không chống lại bản chất của mọi sự, trỗi dậy từ Đức Kitô, Đấng khơi dậy tình yêu mà chúng ta yêu mến bạn hữu, nơi Đức Kitô, Đấng đã hiến thân cho chúng ta như một người bạn để yêu thương: để sự êm diu nối tiếp sự êm diu, sự ngọt ngào nối tiếp sự ngọt ngào, tình cảm nói tiếp tình cảm. Và do đó, bạn hữu trong tinh thần của Đức Kitô hợp nhất bạn hữu với nhau để trở nên một trái tim và một linh hồn, và do đó, qua các mức độ của tình yêu, tình bạn của Đức Kitô, trở thành một tinh thần duy nhất với Người trong một cái hôn duy nhất” (Aelredo Di Rievaulx, Tình bạn thiêng liêng, II, 20-21).

[35] Nếu như Platô khẳng định tình bạn hướng tới Cái đẹp tuyết đối, thì cả Augustinô và Aelred đều nói về mục đích của tình bạn: “Tình bàn để lại cho chúng ta sự bình an của nó để chúng ta không phán xét nhau về những tội lỗi tiềm ẩn của mình, miễn là chúng ta còn ở trên thế giới này; tình bạn sẽ cho chúng ta sự bình an khi khai mở cho chúng ta những bí mật của trái tim” (x. trong Johannis evangelium 77, 3-4). 

 

Nguồn tin:
Tags :