Đâu Là Sự Khác Biệt Giữa Thánh Truyền Và Thánh Kinh?

Thu,03/03/2022
Lượt xem: 1515

300 CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO

Câu 22: Đâu Là Sự Khác Biệt Giữa Thánh Truyền Và Thánh Kinh?

 

Ảnh từ Internet

Thánh Kinh chỉ là một cách nói khác để chỉ bộ “Kinh Thánh.” Thánh Truyền đề cập đến những gì không được viết ra nhưng những điều ấy cũng được mặc khải thiêng liêng như Thánh Kinh. Cách tốt nhất để hiểu khái niệm mặc khải của Công Giáo là xem mặc khải như là Lời Thiên Chúa đã được tỏ lộ. Thánh Kinh là Lời được ghi chép và Thánh Truyền là Lời không được ghi chép ra thành văn tự hoặc Lời truyền khẩu. Cả Lời được hay không được ghi chép làm nên toàn bộ mặc khải của Thiên Chúa.

Điều này không có nghĩa là Thánh Kinh và Thánh Truyền cạnh tranh với nhau. Trên thực tế, vì cả hai đều đến từ cùng một nguồn mạch là Thiên Chúa, nên không thể mâu thuẫn với nhau được. Thánh Truyền có trước Thánh Kinh, vì Lời không được ghi chép này đã được nói từ hàng thế kỷ và nhiều thế hệ trước khi nó được chép ra. Trẻ em Do Thái được ông bà và cha mẹ kể về Ađam và Evà, Cain và Aben, Nôê và con tàu, Abraham và Isaac, v.v… Thời xưa, không có sách hay kinh sách nào cả. Môsê có thể là người đầu tiên viết sách Sáng Thế, nhưng nội dung của Sáng Thế Ký đã được biết đến nhiều thế kỷ trước khi ông sinh ra. Người ta nói về những lời đã được mặc khải của Cựu Ước; chỉ sau đó những lời đó mới được tác giả thánh viết nên.

Ngay cả trong Tân Ước, Thánh Truyền cũng có trước bản văn Phúc Âm. Lúc đầu, các tông đồ chỉ kể lại cho dân chúng những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm (rao giảng). Sau đó, các tác giả Phúc Âm mới viết bản văn Tin Mừng. Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan đã không ghi chép gì ngay khi Chúa Giêsu rao giảng hoặc làm phép lạ. Truyền khẩu có trước và sau đó là lời được ghi chép; cả hai đều chứa cùng một sứ điệp.

Ngay cả Phúc Âm Gioan cũng kết thúc bằng câu: “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (Ga 21,25). Những điều khác là phần của Thánh Truyền. Việc Chúa Giêsu không bao giờ kết hôn không được nói rõ trong Thánh Kinh, nhưng bất cứ nơi nào Thánh Kinh im lặng hoặc mơ hồ, thì Thánh Truyền sẽ lấp đầy khoảng cách ấy. Theo Thánh Truyền thì Chúa Giêsu không bao giờ lập gia đình và cũng không có con cái. Truyền thống tin là Đức Trinh Nữ Maria đồng trinh suốt cuộc đời và không có người con nào ngoài Chúa Giêsu. (Để biết thêm về vấn đề này, xem Câu hỏi 31.) Thánh Truyền xác định sách nào thuộc về Kinh Thánh và sách nào không.

Thay vì tách đôi giữa Thánh Kinh (Kinh Thánh) và Thánh Truyền, thì cả hai giống như hai lá phổi trong một thân thể, hoặc hai mặt của một đồng tiền. Cả hai đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và cả hai đều được Hội Thánh giải thích một cách chân thực.

Thánh Truyền ngang bằng với Thánh Kinh vì cả hai đều bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Mặc khải thần linh xuất phát từ cả hai phương thế của cùng một nguồn mạch (Thiên Chúa). Nếu có mâu thuẫn xuất hiện giữa Thánh Kinh và Thánh Truyền, thì đó là do việc sao chép, chuyển ngữ, hay giải thích bản văn. Vì bản thân Thánh Kinh không bao giờ đưa ra một danh sách đầy đủ về những cuốn sách nên hay không nên được xem là một phần của Thánh Kinh, chỉ có Thánh Truyền mới có thể nói cách không sai lầm cuốn sách nào được linh hứng và cuốn nào không. Không có cuốn sách nào được linh hứng viết rằng “tôi được linh hứng,” và không tác giả thánh nào biết được rằng mình đã được linh hứng vì không ai nói như vậy bao giờ.

Thánh Truyền khác với truyền thống của con người. Truyền thống bắt nguồn từ tiếng Latin artumon, nghĩa là “truyền lại.” Truyền thống của con người thì bất toàn, thiếu sót, có thể sai lầm, và có thể thay đổi. Nhiều phong tục tôn giáo của người Do Thái và Kitô hữu đều là truyền thống của con người, nghĩa là, do con người tạo ra. Thánh Truyền bắt nguồn từ Thiên Chúa và được Thiên Chúa tạo nên. Nó không thể thay đổi. Đó là lý do tại sao sẽ không bao giờ có thêm một cuốn sách nào được bổ sung vào bộ Thánh Kinh. Thánh Truyền nói rằng mặc khải đã kết thúc với cái chết của Thánh Gioan- người được thương mến (khoảng năm 100). Bất kỳ bản viết nào được khám phá sau đó sẽ không bao giờ được đưa vào trong các phiên bản tương lai của bộ Thánh Kinh. Chẳng hạn các Ngụy thư của phái Ngộ đạo, như Phúc âm của Thánh Maria Mađalena được viết vào thế kỷ thứ ba hoặc thứ tư.

Có một sự khác biệt giữa những gì Giáo Hội nhìn nhận về Thánh Truyền và những gì đơn thuần chỉ là truyền thống con người. Thánh Phaolô nói trong Thư 2 Thêxalônica 2,15: “Vậy, thưa anh em, anh em hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em, bằng lời nói hay bằng thư từ.” Từ ngữ Hy Lạp ban đầu được Thánh Phaolô sử dụng là paradoiseis, nghĩa là “các truyền thống.” Điều này không mâu thuẫn với những gì ngài nói trong Thư 2 Timôthê 3,16: “Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính,” vì Thánh Phaolô không bao giờ nói chỉ Thánh Kinh (sola scriptura) hoặc chỉ trong Thánh Kinh mới được thấy sự linh hứng, như quan điểm của Martin Luther. Chính Thánh Phaolô là tác giả của Thư 2 Thêxalônica 2,15 và 2 Timôthê 3,16, và cả hai thư này đều nằm trong Thánh Kinh và được coi là bản văn được linh hứng. Ngài cũng nói trong Thư 1 Côrintô 11,2 ” Tôi có lời khen anh em đã nhớ đến tôi trong mọi dịp và nắm giữ các truyền thống tôi đã để lại cho anh em.”

Với những câu được trích dẫn như trên, Thánh Phaolô không gặp vấn đề gì với Thánh Truyền. Ngài quan tâm đến truyền thống và phong tục của con người đã được khởi đi từ bối cảnh hoặc được chú ý nhiều hơn và ưu tiên hơn các truyền thống có nguồn gốc thần linh. Trong Mátthêu 15,3 Chúa Giêsu khiển trách những người Pharisêu: “Tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?” Chìa khóa ở đây là từ “của các ông.” Khi Chúa Giêsu nói về “truyền thống của các ông,” nó phân biệt và tách biệt khỏi truyền thống “thần linh” hay “thiêng liêng.” Các truyền thống của con người, do con người tạo ra mà người Pharisêu giữ gìn cẩn thận thì không cao hơn hay thậm chí không ngang bằng với các truyền thống bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 37-39.

Nguồn tin: sjjs.edu.vn
Tags :