Ba Ngôi Trong Suy Tư Thần Học Thời Trung Cổ

Tue,09/11/2021
Lượt xem: 2332

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

Từ giữa thế kỷ thứ V, Kitô Giáo căn bản đã thực hiện được những ảnh hưởng và những dấu ấn đáng kể, phát xuất từ những kinh nghiệm trong đời sống của các Kitô hữu, từ những chứng tá Kinh Thánh Tân Ước, và nhờ những cố gắng chia sẻ của những người đã đón nhận Tin Mừng về ơn cứu độ do Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần mang lại. Một đàng, các Kitô hữu kinh nghiệm về hoạt động của Thiên Chúa trong việc giải thoát họ khỏi tội lỗi và ban cho họ sự sống mới. Đàng khác, họ cũng phải đối diện với những thách đố đến từ những nhóm lạc giá như Sabellarius, Arius, Pneumatomachi đã khiến họ phải giải thích sâu xa hơn những gì mà các tác giả Tân Ước đã trình bày mạc khải về sự hiện hữu nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi (Thiên Chúa tự tại – immanent). Hành vi thần linh trong toàn bộ lịch sử hay trong “nhiệm cục cứu độ” đạt tới tột đỉnh và cao điểm với sứ mạng của Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần. Họ phải chia tay với niềm tin độc thần (được thừa hưởng từ Do Thái giáo) khi tuyên xưng rằng: Mọi sự trong trật tự tạo thành và cứu độ đến từ một nguồn thần linh duy nhất là Thiên Chúa duy nhất. Tuy nhiên, vị Thiên Chúa đó mạc khải cho con người biết trong đời sống nội tại của Người có  một số khác biệt và phân biệt. Từ mô hình Ba Ngôi theo hoạt động “hướng ngoại” của Thiên Chúa, dựa trên chính nguồn mạc khải, các Kitô hữu đạt tới những hiểu biết về đời sống nội tại; họ khởi đi từ “nhiệm cục cứu độ - economic” đến đời sống “nội tại – immanent” của Ba Ngôi.

Từ kinh nghiệm về từng sứ vụ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần, các tín hữu hiểu rằng những sứ vụ riêng này minh chứng những phát xuất phân biệt từ Nguồn Gốc trong Thiên Chúa, từ Thiên Chúa, Đấng mà Đức Giêsu gọi là Ápba và Người là Con Duy Nhất hay Chúa Cha là Đấng không có nguồn gốc nào từ Chúa Con và từ Chúa Thánh Thần. Một bản thể/ yếu tính/ hay bản tính thần linh thuộc về ba thực tại. Thiên Chúa không thể được quan niệm là những ngôi vị độc lập hoặc một ngôi hiện hữu và không có các ngôi kia, nhưng có Ba Ngôi phân biệt nhưng hiệp nhất nên một với nhau.

Trong một lá thư gửi cho Đức Giáo Hoàng Đamasô, các nghị phụ họp một công nghị họp sau Công Đồng Constantinople I và tuyên bố: “Một Thiên Chúa, một quyền năng, hay một bản thể (ousia) trong “Ba Ngôi hiện hữu hoàn hảo nhất (hypostaseis), nghĩa là trong Ba Ngôi hoàn hảo (prosopois).” Thánh Basiliô, thánh Grêgôriô thành Nazianzus, và cả thánh Grêgôriô thành Nyssa đã sử dụng đồng thời cả hai hạn từ hypostasis và prosopon (nghĩa là khuôn mặt hoặc sự bày tỏ hữu hình và tính cách của hypostasis) để giải thích về các ngôi vị Thiên Chúa. Đó là một bước tiến của thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong phần này, chúng ta tiếp tục tìm hiểu giai đoạn tiếp theo sau thời kỳ thời kỳ của giáo phụ được trình bày ở phần trên.

1. Boethius (480-524)

Boethius vừa là một triết gia, vừa là thần học gia và cũng là một chính trị gia La Mã. Ông vận dụng triết học Aristote (384-322 TCN) và Platon (427-347 TCN) để trình bày mầu nhiệm đức tin. Nên ông được xem là người đầu tiên đại diện cho trường phái Kinh Viện.

Trong thế kỷ tiếp theo, những sai lạc do các lạc giáo gây nên liên quan đến các vấn đề Kitô học về hai bản tính, hai ngôi vị và hai ý muốn của Chúa Giêsu, Công Đồng Calcedonia (451) định tín: “Chúa Kitô có một bản thể (hypostasis) hoặc một “ngôi vị” (prosopon) trong hai bản tính (physeis).”[1] Tuy nhiên, Công Đồng không tập trung giải thích các chi tiết mà ba hạn từ này muốn diễn tả. Ở đây, cũng như nơi khác, Calcedonia đã để lại một số công việc còn dang dở. Bởi thế, Karl Rahner đã nhận định rất hay về Cacedonia như là một sự khởi đầu hơn là sự kết thúc.[2] Bởi lẽ, Công Đồng chỉ thực sự muốn giữ lại sự đúng đắn cho bất cứ điều gì định nghĩa về ý niệm ngôi vị. Nhưng trong mọi trường hợp, bổn phận của Công Đồng đại kết là định tín những chân lý đức tin. Còn việc phân tích và diễn giải những hạn từ mang tính triết học như thế thuộc bổn phận của các triết gia hơn là những nhà thần học.

Hơn hậu bán thế kỷ sau Công Đồng Calcedonia, Boethius (k. 524) đã nghiên cứu, giải thích và mang lại những bước tiến mới trong những phân tích về những khái niệm này. Chúng ta hãy tìm hiểu về đóng góp này của ông cho nền thần học Ba Ngôi. Sau đó, chúng ta sẽ tìm hiểu những cống hiến đến sau đó từ Richard st. Victor và thánh Tôma Aquinô.

Thật vậy, Boethius đã đụng chạm đến toàn bộ giáo huấn về Ba Ngôi (và Kitô học) ở Tây Phương nhờ một định nghĩa mà ông đưa ra. Trong tác phẩm Contra Eutuchen et Nestorium (cũng được gọi là Liber de persona ed duabus naturis Christi), ông có một quan niệm hết sức độc đáo về bản tính và ngôi vị: Bản tính là “sự khác biệt riêng để nhân biết mọi sự,” còn “ngôi vị là một bản thể riêng biệt của loài có ý trí - persona est rationalis naturae individua substantia”(3). Định nghĩa nổi tiếng này về ngôi vị soi sáng cho tính cá vị và lý tính của hữu thể vốn là trung tâm của hành động và phẩm chất.

Định nghĩa này không nói gì về tự do, lịch sử và tính liên vị của các ngôi vị; nó chỉ muốn nói đến các hình thức thức ngôi vị theo những chức năng lý trí. Theo đó, con người, thiên thần và các ngôi vị Thiên Chúa là những ngôi vị, nhưng họ thể hiện ngôi vị tính của mình một cách khác nhau và không cùng một cách thức giống nhau. Chúng ta cũng phải nói một cách rõ ràng rằng: Cả trong Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thể hiện ngôi vị tính của mình theo những cách thức khác nhau bởi vì họ có những vị trí phân biệt trong tổng thể cấu trúc của đời sống thần linh Ba Ngôi.

Có lẽ sẽ tốt hơn ở đây cần nói rằng: Theo ông, các ngôi vị thần linh là những ngôi vị theo những cách thế khác nhau nhờ những biến cố vô thời gian, phân biệt trong đời sống Ba Ngôi: Với Chúa Cha, Đấng đã sinh ra từ đời đời Chúa Con và “thở ra – nhiệm xuất” Chúa Thánh Thần; với Chúa Con, Đấng được sinh ra và Chúa Thánh Thần, Đấng được nhiệm xuất hay được thở ra. Dựa vào Ga 3,8 (“gió/Thần Khí thổi đâu thì thổi), “thở ra” hoặc là sự thở ra (breathing hay spiration) được đưa vào trong giáo huấn Ba Ngôi để nói về cách thức mà Chúa Thánh Thần nhiệm xuất từ Chúa Cha (hoặc được thở ra từ Chúa Cha) và nhờ Chúa Con. Như chúng ta thấy ở trên, thần học La Tinh phân biệt giữa sự thở ra thụ động (passive spiration) và chủ động (attive spiration - Ái Xuất). Khi cùng chung với Chúa Cha và Chúa Con, sự thở ra thụ động không tạo nên một ngôi vị, bởi vì sự thở ra thụ động là một danh xưng khác dành cho Chúa Thánh Thần, như là Đấng được thở ra bởi Chúa Cha và Chúa Con.

Như vậy, Boethius cho rằng ngôi vị là một thực tại riêng biệt không thể chuyển thông được và khai triển ý niệm này trong bối cảnh Kitô học, theo đó, nơi Đức Kitô chỉ có một Ngôi Vị duy nhất trong hai bản tính. Đây là Ngôi Vị Chúa Con. Nhưng khi áp dụng định nghĩa này vào mầu nhiệm Ba Ngôi, thì nó gây ra những khó khăn nhất định. Bởi lẽ, Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là ba bản thể cá biệt nhưng là một bản thể duy nhất trong ba Ngôi Vị. Cách định nghĩa của Boethius đưa đến ý tưởng ba bản thể cá biệt và làm tổn hại đến sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi trong một bản thể.

Do ảnh hưởng của Boethius nên sang thế kỷ XII, khi trình bày mầu nhiệm Thiên Chúa, các nhà thần học phân biệt đạo lý về Thiên Chúa duy nhất (De Deo Uno) và đạo lý về Ba Ngôi (De Deo trino). Điều này kéo dài mãi cho đến thời kỳ cận đại.

2. Richard Saint Victor (+1173)

Thần học Kinh Viện hào hứng đón nhận định nghĩa của Boethius nhờ việc đưa vào khái niệm về hiện hữu (existence) và thêm vào đặc tính bất khả thông truyền của từng ngôi vị. Các ngôi vị hiện hữu theo cách thế duy nhất và không thể trao ban cho ai được. Richard Saint Victor định nghĩa: “Ngôi vị là sự hiện hữu không thể thông ban của một bản tính có lý trí.”[3] Lý tính là đặc tính hàng đầu và nền tảng giữa những đặc tính của ngôi vị. Hiện hữu được nhìn như là một tiến trình rõ rệt (progress). Các ngôi vị thần linh là ba hiện hữu không thể thay thế, không thể thông truyền xét theo phương diện ngôi vị tính. Chúa Cha hiện hữu mà không phải là Chúa Con hay Chúa Thánh Thần; Chúa Con hiện hữu mà không phải là Chúa Cha hay Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần hiện hữu mà không phải là Chúa Cha hay Chúa Con. Định nghĩa có trước từ Boethius có thể được dùng sai lầm để áp dụng cho ba bản thể trong Thiên Chúa hơn là để khẳng định Ba Ngôi Vị phân biệt (nhưng không tách biệt) khi các Ngôi Vị chia sẻ ngang nhau và hoàn toàn cùng một bản thể có lý trí hoặc một bản tính. Định nghĩa của Boethius áp dụng một cách có lý luận cho mọi trường hợp về ngôi vị thụ tạo, nơi mà một bản thể cá vị hiện hữu trong một ngôi vị. Nhưng nó có thể không phù hợp trong bối cảnh thần học Ba Ngôi. Thời hiện đại, đặc biệt sau khi “quay về với chủ thể” được mang dấu ấn bởi triết gia René Descartes (1650), định nghĩa này đã mang lại những yếu tố mới mẻ và riêng biệt trong những suy luận về điều được gọi là ngôi vị. Chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần sau.

Chúng ta thấy rằng từ rất sớm Richard Saint Victor đã theo đường hướng của Augustinô và phát triển lối loại suy về tình yêu khi diễn tả Ba Ngôi Thiên Chúa trong ánh sáng của lời tuyên xưng nền tảng của Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8). Ông quan niệm Cha là Đấng yêu mến (diligens), Con là Đấng được yêu mến (dilectus) và Thánh Thần là Đấng cùng được yêu mến (condilectus). “Tình yêu chung” (condilectio) là bảo đảm cho một tình yêu vô vị lợi. Ông còn quan niệm “thiện hảo tối thượng” Summum bonum) để suy diễn đặc điểm của Thiên Chúa Ba Ngôi (ảnh hưởng tân Platon).

Tình yêu vị kỷ không phải là hình thức đích thực và cao cả của tình yêu. Tình yêu là quà tặng và trao ban; tình yêu thuộc số nhiều và đòi hỏi phải luôn ở trong tương quan liên vị với người khác. Để được nên hoàn hảo, cuộc đối thoại liên vị của tình yêu phải mở ra và quả thật phải được chia sẻ với một ngôi thứ ba; như thế, tình yêu của hai ngôi vị phải được nên một nhờ ngôi thứ ba. Cách thức này làm cho tình yêu con người thực sự trở nên cao cả và đẹp đẽ nhất, nếu tình yêu này phản ánh chân thực tình yêu Thiên Chúa theo một cách thế vĩ đại nhất.

3. Thánh Tôma Aquinô (1224-1274)

Thánh Tôma không chấp nhận đường hướng khởi đi từ tình yêu con người để đến điều mà chúng ta có thể nói về đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài nhận thấy trong cách trình bày này về tình yêu có điều gì đó giống với tư tưởng của Platon nói về eros, hoặc về tình yêu như là sự gặp gỡ giữa nhu cầu (ước muốn) và khả năng giải quyết khó khăn. Để hoàn thiện mình, chúng ta là những người cần yêu mến, nhưng Thiên Chúa phải được hiểu hoàn toàn khác và vượt trên mọi nhu cầu như thế. Hơn nữa, thần học Ba Ngôi của Richard khởi đi từ tình yêu – từ tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con để định nghĩa Chúa Thánh Thần như là Đấng cùng được yêu, hay là “sợi dây Tình Yêu” (nexus Amoris).

Nhưng Tôma thường hiểu và nhấn mạnh sự trỗi vượt của lý trí hơn là ước muốn hoặc tình yêu; ngài nghĩ về sự sinh ra của Chúa Con giống với tư tưởng và sự nhiệm sinh của Chúa Thánh Thần giống hoa trái bên trong của tình yêu. Tôma đã đi theo con đường của Augustinô trong việc giữ gìn sự trỗi vượt của lý trí (nihil amatum nisi praecognitum hoặc “vô tri bất mộ”), dẫu đôi lúc ngài trình bày nguyên lý “từ tình yêu tới chân lý” (per amorem ad veritamen).

Liên quan đến điểm này, De Trinitate của Augustinô là một cố gắng trong thời đại giáo phụ để giúp phát triển một lối loại suy nhân bản (tâm lý) có ích cho sự hiểu biết về mầu nhiệm Ba Ngôi. Khi lấy lại lối so sánh tâm lý của Augustinô và khi phát triển thần học cổ Trung Cổ về Ba Ngôi, Tôma đã viết một số điều:

1) Trước hết, những phẩm tính chung của Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, được truyền thống Trung Cổ gọi là “notio hoặc properties – đặc niệm.” Nhờ những hoạt động nội tại của việc sinh ra và nhiệm xuất, hoạt động ngoại toại không có bắt đầu cũng như không kết thúc, Thiên Chúa luôn hiện hữu là Ba Ngôi. Những hoạt động cần thiết này trong đời sống Thiên Chúa (sự sinh ra và sự nhiệm xuất) không phân chia bản thể hiện hữu của Thiên Chúa ra nhiều phần hay tạo ra một bản thể thần linh mới, như trường hợp sinh ra trong thế giới thụ tạo. Nhưng sự sinh ra và nhiệm xuất đời đời này làm cho sự hiện hữu của Ba Ngôi Thiên Chúa thực sự phân biệt nhau. Các Ngôi Vị phân biệt nhau nhờ tính phụ tử hay vai trò Chúa Cha và tính nghĩa tử hay vai trò Chúa Con, và vai trò Chúa Thánh Thần (và sự thở ra hoặc được thở tra trong trường hợp của Chúa Thánh Thần) thực sự phân biệt nhau.

2) Đồng thời, hữu thể trong Thiên Chúa hoàn toàn thuộc tương quan; trong ngôn ngữ của Tôma, các Ngôi Vị thần linh là những tương quan thực hữu được diễn tả bởi sự sinh ra và nhiệm xuất.[4] Ba Ngôi là những tương quan thực hữu (trụ tồn), nghĩa là những tương quan hiện hữu trong chính họ và không phải chỉ là những “tương quan phụ thể - accidents” mà chúng được thêm vào để các bản thể hiện hữu (như tương quan công việc mà một người phải đảm nhận). Như thế, nhờ những đặc tính phân biệt của sự sinh ra và nhiệm xuất, được làm sáng tỏ nhờ ngôn ngữ về các tương quan trụ tồn, Tôma đã nghiên cứu sâu xa hơn về điều chúng ta nói ở trên từ Augustinô: “Trong Thiên Chúa, mọi sự là chung, chỉ trừ các tương quan, nhờ đó mà mỗi ngôi vị phân biệt với các ngôi vị khác.”

Liên quan đến khẳng định ban đầu: “Nơi Thiên Chúa, mọi sự là chung,” Tôma tán thành hoàn toàn khi sử dụng một nguyên tắc được thánh Anselmô thành Canterbury (+1109) quả quyết cách chắc chắn trong cuốn De Processione Spiritus Sancti (n. 1) rằng: “Trong Thiên Chúa, mọi sự là duy nhất nơi không có tương quan đối lập.”[5] Vì Thiên Chúa là sự hiểu biết thần linh, ước muốn thần linh và hành động thần linh, một sự hiểu biết/ước muốn/hành động được Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ ngang nhau. Để diễn tả những điều này theo ngôn ngữ hiện đại, chỉ có một tình trạng tinh thần trong Thiên Chúa, một trình trạng tinh thần có một chủ thể ở số nhiều (Cha, Con, Thánh Thần). Nếu nói về một nhóm lý trí hoặc nhóm ước muốn sẽ dẫn tới sự hiểu lầm rằng có ba bản thể thần linh cộng tác, hòa hợp với nhau. Nơi Thiên Chúa có sự khác biệt, hai hoạt động trong đời sống của Thiên Chúa (nhiệm sinh và nhiệm xuất) làm phát sinh tương quan đối lập, còn mọi sự hoàn hảo khác là chung trong Thiên Chúa.

3) Vậy thì những hoạt động ad extra của Ba Ngôi là gì? Như vậy, có phải các Ngôi Vị thần linh là một mà không có gì phân biệt giữa họ trong các hoạt động chung sao? Khi tranh luận về những vai trò khác nhau, Tôma chấp nhận những hoạt động cộng tác mà Ba Ngôi thực hiện như thế này: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mỗi Ngôi Vị thực hiện theo một cách thế riêng trong sự hòa nhập và cộng tác với các Ngôi Vị khác. Như thế sẽ tốt hơn là chấp nhận một cách cứng nhắc hoạt động chung, không chỉ dẫn đến việc rơi vào thuyết tam thần mà còn dẫn tới sự hiểu biết về một hình ảnh không phù hợp với thần tính. Mặc dầu mọi quyền năng thần linh là chung, Ba Ngôi Thiên Chúa có những phân biệt và khác biệt. Nhưng vượt trên cả những vai trò khác biệt, tại sao chúng ta không suy tư về những hạn từ phân biệt cho hoạt động thần linh? Thánh Tôma phân biệt giữa một hành vi thần linh ad extra và hạn từ của hành động như thế. Ngài quy hướng về kiểu mẫu nhập thể. Tất cả Ba Ngôi đều liên kết mật thiết với nhau trong việc thực hiện biến cố nhập thể, nhưng về vai trò hữu hình và riêng biệt là thuộc Ngôi Hai. Con Thiên Chúa nhập thể với sứ mạng này là riêng biệt dành cho Ngôi Lời mà không ai thay thế (ST 3a. 3.1-4). Chỉ có Chúa Con đảm nhận sự hiện hữu của con người và trở thành loài người, hay nói đúng hơn, Người trở thành con người cụ thể, Đức Giêsu Nadarét.

Đây là cách thức để hiểu những đặc tính chung mà chúng thiết lập nên đời sống liên vị của Thiên Chúa. Trong đời sống Thiên Chúa, chỉ một hành vi (sự sinh ra của Chúa Con và không phải của người khác, ví dụ: sự nhiệm xuất của Chúa Thánh Thần) được liên kết nhờ sự hiệp thông ngôi vị hay cá vị với hành động nhập thể, đời sống nhân loại của Chúa Giêsu và những biến cố thiết lập nên nó.

Di sản quý giá của thánh Tôma về thần học Ba Ngôi có thể được tóm tắt như sau: Có một bản tính, một bản thể, hoặc một yếu tính thần linh. Có hai phát xuất, mặc dầu ngài thích nói về sự nhiệm sinh của Chúa Con và sự thở ra của Chúa Thánh Thần. Có ba ngôi vị, hypostaseis hay ba chủ vị. Có bốn tương quan trụ tồn, hoặc những trật tự của các ngôi vị thần linh ở giữa họ làm nên Ba Ngôi trong một Thiên Chúa: phụ tự, nghĩa tử, ái xuất và thụ xuất. Tính phụ tử thiết lập nên Ngôi Cha, tính nghĩa tử thiết lập nên Ngôi Con, và thụ xuất thiết lập nên Ngôi Thánh Thần. Ái xuất thuộc về Chúa Cha và không thuộc về Chúa Con, nhưng được Chúa Con chia sẻ, và không phải là tương quan đối lập, nên nó không làm nên một ngôi vị mới. Có năm ý niệm hay năm đặc niệm của Ba Ngôi, những đặt tính giống nhau mà chúng đồng hiện hữu là những sự giống nhau liên hệ của Ba Ngôi. Chúa Cha là Đấng không có nguồn gốc (principium de non principio), sinh thành và thở ra; Chúa Con Đấng được sinh ra (principium de principio) và thở ra; Chúa Thánh Thần là Đấng được thở ra (principaliter). Như thế, chúng ta có năm lược đồ cho thần học Ba Ngôi, để suy tư về mầu nhiệm thần linh cao vời này: “Có năm ý niệm, bốn tương quan, ba ngôi vị, hai phát xuất, một bản thể và không gì cái nhiên - Sunt quinque notiones, quattuor relationes, tres personae, duae processiones, una natura, nulla probatio).

Mặc dù có những cách thức khác biệt so với Richard Saint Victor về mẫu thức tình yêu của Ba Ngôi, Tôma cùng với các nhà thần học Trung Cổ xác nhận sự tương tại căn bản và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Các ngài đã đóng góp cho những hiểu biết tốt hơn về mầu nhiệm này như được diễn tả trong tiếng Hy Lạp bằng từ perichoresis, hoặc sự hiện diện tương tại và sự thấm nhập trong nhau. Đời sống nội tại thần linh là tương quan gần gũi tuyệt đối với nhau trong sự hỗ tương hoàn toàn của tình yêu.

4. Một số khuôn mặt khác

Thần học vào thời kỳ Trung Cổ đã có những đóng góp quan trọng cho lịch sử Kitô giáo. Để hoàn tất việc tìm hiểu những suy tư về Ba Ngôi, chúng ta cần làm sáng tỏ hai điều: Thứ nhất là những suy tư trước thời đại của Tôma: vấn nạn về các thuộc tính thần linh. Làm sao chúng ta có thể hài lòng với điều được gọi là quan niệm đúng đắn về Thiên Chúa? Thiên Chúa làm gì để là Thiên Chúa? Thiên Chúa thực sự có ý nghĩa thế nào và Người ở đâu trong truyền thống Kitô giáo? Rõ ràng thần học Ba Ngôi khẳng định rằng những phẩm tính thần linh hiện hữu tương đương trong Ba Ngôi Thiên Chúa.

Từ thế kỷ II, tư tưởng của các triết gia Platon, nhóm Ngộ Đạo và Aristotes đã được phổ biến rộng rãi, nên đã để lại những ảnh hưởng lớn trên lối suy tư về yếu tính khi tìm hiểu và trình bày về thần tính của Thiên Chúa. Trong hình thức dễ nhận thức hơn là dễ kinh nghiệm và theo lịch sử, Thiên Chúa của các triết gia được đón nhận trong tác phẩm thần học, đặc biệt từ thời của Anselmô và quan niệm của ngài về Hữu Thể có thể suy tư, có thể quan niệm được. Những diễn tả triết học về Thiên Chúa đã làm sáng tỏ mọi “đặc tính” và “toàn thể” những đặc tính như là yếu tính đối với thần linh: Thiên Chúa Ba Ngôi là quyền năng vô cùng, thông minh vô cùng và ở khắp mọi nơi (vâng vượt trên mọi không gian và thời gian với những giới hạn của nó), Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng mọi sự, hoàn toàn tự do và hoàn toàn tốt lành. Thiên Chúa Ba Ngôi là Hữu Thể tự hữu, không có nguyên nhân, cần thiết, vô biên, Đấng hoàn toàn tự hữu, tự xác định, và vì vậy, hoàn toàn tự mạc khải. Trong mỗi cách thức hoàn hảo, tối hậu, và vô điều kiện, Thiên Chúa hoàn toàn đơn giản và không có phức tạp tự sâu thẳm – không giống với những hữu thể thuộc thời gian và không gian là những hữu thể vốn bị phân chia hoặc bị tách biệt theo từng phần. Những phân tích triết học như thế, trước Tôma, cũng để lại một dấu ấn trên giáo huấn chính thức của Giáo Hội về Thiên Chúa Ba Ngôi và những phẩm tính thần linh! Vì thế, Công Đồng Latêranô IV vào năm 1215 đã định nghĩa đức tin vào Thiên Chúa như sau:

“Chúng tôi tin một cách chắc chắn và tuyên xưng một cách vững vàng rằng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, chân thực, vĩnh cửu, vô biên (immensus) và bất biến, không thể thấu đạt, quyền năng và không thể diễn tả, là Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần: Ba Ngôi nhưng một yếu tính, một bản thể hay một bản tính, hoặc bản tính hoàn toàn đơn thuần. Chúa Con không do ai sinh ra, Chúa Con đến từ duy chỉ Chúa Cha, còn Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Cha và Chúa Con, mãi mãi không có khởi đầu cũng không có kết thúc. Chúa Cha sinh ra, Chúa Con được nhiệm sinh và Chúa Thánh Thần được nhiệm xuất, đồng bản thể và hoàn toàn ngang nhau, toàn năng như nhau và vĩnh cửu như nhau: Nguyên lý duy nhất của vũ trụ: Đấng Sáng Tạo mọi vật hữu hình và vô hình, tinh thần và thể xác: Đấng do sức lực toàn năng, đã sáng tạo tất cả từ hư không, ngay lúc khởi đầu thời gian mọi thứ tạo vật, tinh thần và xác thể, có nghĩa là các thiên thần và thế giới, sau đó là tạo vật nhân loại, được tạo dựng cùng lúc tinh thần và thể xác. Thật vậy, ma quỷ và các thần xấu khác đều do Thiên Chúa tạo dựng cách tốt lành; nhưng chính chúng đã tự mình trở thành xấu xa. Về phần con người, chính do sự cám dỗ của ma quỷ mà phạm tội.”[6]

Một cách chắc chắn rằng những hình thức của việc đặt vấn đề như thế có thể giúp là sáng tỏ và giải tích những thuộc tính thuộc Kinh Thánh của Thiên Chúa. Những khó khăn để giải thích những thuộc tính của Thiên Chúa tiếp tục hiện hữu. Hầu hết mỗi vấn đề của những tạp chí như Religious Studies phản ánh những cố gắng đương thời để trình bày những gì liên quan đến hữu thể của Thiên Chúa. Đồng thời, chúng ta không chỉ lắng nghe những tiếng nói của quá khứ hoặc của hiện tại có hay không, chúng ta còn cần phải hướng những diễn luận về Thiên Chúa trở lại với Kinh Thánh và những trình thuật của nó tới sự tự thông ban chính mình trong lịch sử mạc khải và cứu độ. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng: Chúng ta cần lắng nghe tiếng của Thiên Chúa khi chúng ta hỏi: Điều gì làm cho Thiên Chúa là Thiên Chúa? Chúng ta không bao giờ cố gắng định nghĩa các thuộc tính thần linh một cách độc lập khỏi Thiên Chúa Ba Ngôi đã mạc khải trong lịch sử Kinh Thánh. Bất cứ trình thuật nào về Thiên Chúa chính yếu lệ thuộc vào Người, Thiên Chúa Ba Ngôi đã mạc khải chung cuộc trong lịch sử của Đức Giêsu. Có thể sự phát triển hiện đại trong việc nghiên cứu Kinh Thánh đã làm cho một số nhà thần học có một sự nhạy bén hơn với nhu cầu được bắt rễ trong trình thuật Kinh Thánh để họ suy tư về Thiên Chúa Ba Ngôi và về những thuộc tính Ba Ngôi. Các thành quả trong việc làm sáng tỏ những sự hoàn hảo thần linh không được phép tạo ra sự bất cập và sự coi nhẹ đối với mạc khải Kinh Thánh mà sự hiểu biết về Thiên Chúa Ba Ngôi phải luôn được cắm rễ sâu trong chính nguồn mạc khải này.

Sự phát triển khác thuộc thời Trung Cổ mà nó xứng đáng được nhắc lại ở đây đến từ phạm vi của phụng vụ và lòng đạo đức bình dân. Từ thời đại của Anselmô, lòng đạo đức đối với Chúa Giêsu đạt tới một sự thay đổi đột phá vì nó trở thành cá vị và thần bí hơn. Lòng sùng kính đối với con người Chúa Giêsu (như người chịu đau khổ, người bạn, người yêu, và là mẹ) lớn lên mạnh mẽ nhờ sự ảnh hưởng của thánh Bênađô thành Clairvaux (d. 1153), những trước tác của Cisterciô, của thánh Hildegard thành Bingen (+1179), của thánh Phanxicô Assisi (1226), của thánh Julian thành Norwich (1423), và nhiều người khác. Những sự phát triển mới mẻ trong phụng vụ, trong hội họa, điêu khắc, và kiến trúc mang lại một ý nghĩa sâu xa về Chúa Giêsu trong đau khổ, tình yêu, và hữu thể nhân loại. Sau gần một ngàn năm trình bày Chúa Giêsu như là Đấng bất thụ cảm bởi đau khổ (incompassion), trải qua cái chết, và đã chiến thắng trên thập giá, các nghệ nhân Kitô giáo cuối cùng cũng đã tìm thấy sự can đảm để trình bày cách trực tiếp hơn sự đóng đinh và cái chết tức tưởi của Chúa Giêsu. Song song với cảm thức mới mẻ này về con người và đau khổ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng tìm thấy một sự nhạy bén mới với thần tính của Người và được đặt trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Cảm thức mới về Đức Kitô trong đời sống Ba Ngôi bắt đầu từ thế kỷ X và đã đạt tới cực điểm với việc thiết lập lễ Thiên Chúa Ba Ngôi vào năm 1334.

Văn hào vĩ đại nhất của thời Trung Cổ, Dante Alighieri (1321) đã làm gia tăng thêm sức mạnh cho cảm thức bình dân của niềm tin trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Ở cuối tác phẩm Paradiso của ông, Dante nhìn Thiên Chúa như là “vòng tròn” hay vòng xoay hoàn toàn năng động, biểu tượng sự hoàn hảo tuyệt đối của Thiên Chúa; trong những vòng tròn thần linh, Chúa Thánh Thần phát xuất từ hoặc được thở ra từ cả Chúa Cha và Chúa Con:

“Trong nền tảng sâu thẳm và sáng ngời của ánh sáng cao quý, ở đó tôi thấy ba vòng tròn của ba màu sắc và cùng một sự hiện hữu. Một Đấng xem ra được phản ánh bởi Đấng Khác như là ánh sáng từ ánh sáng, và Ngôi Ba như là ngọn lửa được thở ra đồng thời từ Một Đấng và Ngôi Khác.”[7]

Như những nơi khác trong tác phẩm Paradiso, vòng tròn biểu tượng lý trí và sự hoàn hảo tuyệt đối.

Một bản văn chìa khóa đối với cảm thức bình dân và phụng vụ về Ba Ngôi là tín biểu của thánh Athanasiô, đôi lúc được gọi là Quicumque vì nó bắt đầu bằng từ này. Nó được soạn bằng tiếng La Tinh, có lẽ ở Miền Nam nước Pháp và vào thế kỷ V, nếu sai lầm, tín biểu này được gán cho thánh Athanasiô, được tìm thấy và sử dụng rộng rãi vào thời Trung Cổ (và sau đó). Điều mà Quicumque khẳng định bằng những công thức chính xác và có vần điệu thường được chuyển dịch bằng những hình ảnh về Ba Ngôi. Phát xuất từ thế kỷ V, tín biểu này đã khuôn đúc cốt lõi của niềm tin Ba Ngôi ở Tây Phương trong thời Trung Cổ. Chúng ta hãy kết thúc chương này bằng việc trích dẫn tuyên xưng này:

“Chúng tôi tôn thờ một Thiên Chúa trong Ba Ngôi và Ba Ngôi trong hiệp nhất, không có lẫn lộn các ngôi vị hoặc phân chia bản thể; đối với Ngôi Cha là một ngôi, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần là những ngôi vị khác, nhưng thần tính của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là duy nhất, vinh quang, quyền năng của các ngôi ngang hàng vĩnh cửu. Như Chúa Cha là, Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng như thế; Chúa Cha không được tạo thành, Chúa Con không được tạo thành, Chúa Thánh Thần cũng không được tạo thành; Chúa Cha là vô biên, Chúa Con là vô biên, Chúa Thánh Thần cũng vô biên; tuy nhiên, họ không phải là ba Thiên Chúa hằng hữu, nhưng là một Thiên Chúa hằng hữu, vì các ngôi không phải là ba hữu thể không được tạo thành hoặc ba hữu thể vô biên, nhưng là một Thiên Chúa không được tạo thành và là Đấng vô biên. Trong cùng một cách thức, Chúa Cha quyền năng, Chúa Con quyền năng, Chúa Thánh Thần quyền năng. Như thế, Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa; bởi vì các ngôi không phải là ba Thiên Chúa nhưng là một Thiên Chúa. Như thế, Chúa Cha là Chúa, Chúa Con là Chúa, Chúa Thánh Thần là Chúa. Vì chân lý Kitô giáo buộc chúng ta phải thừa nhận từng ngôi vị rõ ràng là Thiên Chúa và Chúa, nên đạo Công Giáo cũng cấm chúng ta nói về ba vị thần hoặc chúa tể.

Chúa Cha không được làm nên bởi ai cả, hoặc Người không được tạo thành hay sinh ra; Chúa Con từ một mình Chúa Cha, không được làm nên hoặc được tạo thành nhưng được sinh ra; Chúa Thánh Thần đến từ Chúa Cha và Chúa Con (Spiritus Sanctus est a Patre et Filio), không được làm nên hoặc được tạo thành cũng không được sinh ra, nhưng được nhiệm xuất (procedens).

Như vậy, chỉ có một Chúa Cha, chứ không có ba Cha; chỉ có một Chúa Con, chứ không có ba Chúa Con, chỉ có một Chúa Thánh Thần, chứ không có ba Chúa Thánh Thần. Và trong Thiên Chúa Ba Ngôi này không có ai trước hoặc sau, không có ai lớn hơn hoặc nhỏ hơn, nhưng tất cả ba ngôi bình đẳng hằng hữu với nhau và hoàn toàn bình đẳng. Vì vậy, trong tất cả mọi sự, như đã được nêu ở trên, cả sự hiệp nhất trong Ba Ngôi và Ba Ngôi trong sự hiệp nhất phải được tôn thờ. Vì vậy, ai muốn được cứu hãy nghĩ về Chúa Ba Ngôi.[8]


[1] DH 302; ND 615.

[2] x. K. Rahner (trans. by C. Ernst), “Current Problems in Christology,” in Theological Investigations, vol. 1, Longmand & Todd, Darton, London 1961, 149-200.

[3] De Trinitate, 4.22.24.

[4] ST 1a 40. 2 ad 1.

[5] x. W. Kasper, The God of Jesus, Christ, Crossroad, New York 1989.

[6] DH, 800; ND, 19.

[7] Dante, Canto 33.115-120.

[8] ND 16; DH 75.

Nguồn tin: